Cảm nhận về câu truyện: “Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương”

Những bài văn mẫu hay lớp 11 Cảm nhận về tâm hồn trẻ thơ

Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận về câu truyện: “Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương” gồm các bài văn mẫu hay cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cần thiết cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

Cảm nhận về câu truyện: “Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương”

Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương

Ở một thị trấn nhỏ của nước Anh đã xảy ra một vụ cướp ngân hàng. Tên cướp trong tình thế bị cảnh sát bao vây đã bắt một em bé năm tuổi. Hắn yêu cầu cảnh sát phải chuẩn bị cho mình một khoản tiền lớn cùng một chiếc ô tô, để rời khỏi nơi này. Phía cảnh sát cử một chuyên gia đến đàm phán, nhưng tên cướp ngoan cố không chịu đầu hàng và có ý định giết con tin. Để bảo vệ cậu bé, cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa, và hạ gục tên cướp. Cậu bé vô cùng hoảng sợ khi nghe thấy tiếng súng nổ và khóc thất thanh khi nhìn thấy những vết máu. Các hãng truyền thông ùn ùn kéo đến. Đúng lúc ấy, một người đàn ông chạy lại ôm cậy bé vào lòng và hô to: “Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!”.

Cậu bé nghe xong liền ngừng khóc và hỏi mẹ có đúng vậy không. Mẹ cậu cố kìm nén nước mắt và gật đầu. Một viên cảnh sát cũng đi đến bên xoa đầu cậu bé và mỉm cười: “Cháu diễn tốt lắm, cháu xứng đáng được khen thưởng”. Những ngày sau, giới truyền thông cũng im lặng, không đưa tin về vụ cướp bởi họ cũng hiểu rằng đó là cách tốt nhất để bảo vệ tâm hồn em bé.

Nhiều năm sau, khi cậu bé đã trưởng thành, anh tìm đến gặp và hỏi người đàn ông năm xưa: “Tại sao trong lúc ấy, ông lại hô lên như vậy?”. Người đàn ông cười và trả lời: “Khi tiếng súng vang lên, tôi sợ cậu bé sẽ bị ám ảnh cả đời vì chuyện đáng sợ như thế này. Dường như chính Thượng đế đã gợi ý cho tôi và thế là tôi thốt lên câu “Diễn tập kết thúc!”.

Lúc này, anh bật khóc và ôm chầm lấy ông: “Con chính là đứa trẻ năm xưa đây ạ, con đã nhầm tưởng suốt 30 năm qua, mãi cho tới gần đây, mẹ của con mới nói rõ sự thật cho con biết. Con cảm ơn bác, cảm ơn bác!”.

(Nguồn Internet)

Khi tôi đặt bút viết những dòng nhật ký này là lúc tôi đã trở về ngôi nhà của mình sau khi ghé thăm “cha” của mình. Khi lên năm tuổi, đáng lẽ ra tôi phải chịu một kỉ niệm kinh khủng với những tiếng thét, tiếng súng và cả những vết máu đỏ tươi đầy ám ảnh. Nhưng không, tuổi thơ tôi vẫn trôi qua một cách yên bình, như bao đứa trẻ khác. Vì tất cả những điều ám ảnh kia được ông lí giải chỉ là một buổi “diễn tập”. Nhờ có vậy mà trái tim thơ dại của tôi lúc ấy không bị tổn thương một cách sâu sắc, và có thể vết thương ấy sẽ dằn vặt tôi đến hết cuộc đời, nếu không có ông. Vì vậy, tôi rất chân thành và tha thiết gọi ông là “cha” dù tôi với ông không có quan hệ máu mủ ruột rà!

Khi tôi lên năm tuổi – độ tuổi mà mọi đứa trẻ trên thế gian đang chập chững bước vào đời, tôi đã bị một tên cướp ngân hàng bắt làm con tin. Trong vô vọng, tôi đã khóc và xin tha rất nhiều lần. Nhưng hắn chỉ bỏ ngoài tai và dùng những lời lẽ thô tục quát nạt tôi, thậm chí còn có ý định giết con tin– là tôi. Để bảo vệ tính mạng tôi, cảnh sát đã nổ súng bắn tỉa và hạ gục tên cướp. Tuy đã an toàn nhưng tôi vô cùng hoảng sợ! Tâm lí tôi chấn động dữ dội, tiếng súng ấy, dòng máu đỏ tươi ấy cứ ám ảnh lấy tâm trí của tôi. Và tôi đã bật khóc, khóc thất thanh trong sự sợ hãi! Tâm hồn mỏng manh, yếu ớt của tôi như bị cái gì đó xuyên thủng, xé toạc ra. Đau nhói! Trống rỗng! Trong sự khủng hoảng ấy, một người đàn ông – chính là cha, chạy lại, ôm tôi vào lòng và hô to: “Tốt lắm, diễn tập đến đây là kết thúc!” Sự ấm áp mà cha mang lại khiến tôi an tâm và ngừng khóc. Khi hiểu rằng tất cả chỉ diễn tập, trái tim tôi như được ai đó vá lại, tôi đã không hoảng sợ nữa. Tôi tin tưởng rằng, mọi chuyện xảy ra đều không thật, chỉ là một buổi diễn tập và tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cũng như vai diễn bất đắc dĩ của mình. Suốt ba mươi năm qua, tôi đã trưởng thành với một trái tim, một tâm hồn lành lặn. Mãi cho đến gần đây, mẹ của tôi trong một buổi đi dạo cùng tôi, bà đã nói cho tôi toàn bộ sự thật. Và tôi lập tức đi tìm ông, vì tôi nợ cha một lời cảm ơn chân thành từ tận con tim của mình.

Tâm hồn trẻ thơ

Khi biết được sự thật, tôi hiểu mình là một trong những cậu bé may mắn nhất thế gian. Bởi tôi biết, tâm hồn thơ dại của những đứa trẻ mong manh và dễ tổn thương như thế nào. Khi ta lên năm – một độ tuổi mà ta mới bắt đầu có những nhận thức ngây ngô về thế giới này, vì vậy dễ bị tác động bởi môi trường sống. Bởi vậy, người ta mới so sánh tâm hồn con trẻ như một trang giấy trắng. Đối với tất cả mọi người, kể cả bạn và tôi, thì những con chữ đầu tiên trang giấy trắng ấy rất quan trọng. Ấn tượng và những suy nghĩ đầu đời về thế giới xung quanh tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con trẻ và giúp chúng định hình tính cách sau này. Đó cũng là lí do mà những đứa trẻ có một tuổi thơ êm đềm và được cha mẹ yêu thương luôn có xu hướng trở thành người có ích cho xã hội. Bởi vì những con chữ đầu tiên trên trang giấy của các em được viết một cách nắn nót, xinh đẹp. Và ngược lại…

Chính vì sự non nớt cũng như mỏng manh về tâm hồn, nên những ảnh hưởng xấu từ môi trường có thể để lại những ảnh hưởng xấu từ môi trường có thể để lại những vết sẹo hằn sâu vào trái tim của những đứa trẻ. Nên chúng cần được lớn bảo bọc và nâng niu. Tôi thực sự không dám nghĩ, nếu “cha” không chạy lại, ôm tôi và giải thoát tôi khỏi những ám ảnh đang bủa vây. Thì liệu tôi có ngồi đây, nhàn nhã ăn chút bánh và viết vài trang nhật ký tự thuật về đời mình? Tôi không thể tưởng tượng được hậu quả mà vết sẹo ấy để lại trong tương lai. Nhưng tôi biết, ngay tại thời điểm khi tôi phải đối mặt với tiếng súng ấy, tôi chắc chắn sẽ bị sốc và hoảng sợ vô cùng. Và sau đó, có lẽ tôi sẽ không dám lại gần bất kỳ ai nữa. Bởi vì nỗi sợ ấy sẽ khắc sâu và bám theo dai dẳng khi tôi giao tiếp với người khác. Ngay lúc tiếng súng vang lên và máu của tên cướp bắt đầu chảy ra, tôi đã sợ hãi con người!

Bạn thấy đó, hậu quả mà những vết sẹo tâm hồn để lại luôn kinh khủng và nó còn đáng sợ hơn khi hiện hữu nơi tâm hồn của những đứa trẻ. Trong cuộc sống hiện nay, vẫn luôn có những “tên cướp” đe dọa đến trẻ em. Bạn thấy đấy, trong câu chuyện trên, tên cướp xung đột với cảnh sát nhưng nạn nhân lại là đứa trẻ. Thế giới bây giờ đầy rẫy những chuyện như vậy! Tại sao tôi lại khẳng định như vậy? Chiến tranh ở Palestin đã khiến bao nhiêu mạng người ra đi oan uổng, trong đó có trẻ em vô tội. Những cuộc di cư tị nạn đẫm máu, xác trẻ trôi lềnh bềnh trên biển. Ngay trong gia đình, ba mẹ cãi nhau, lớn tiếng với nhau, người tổn thương lại là con trẻ. Có những đôi mắt trong sáng đã bị tối màu khi buộc phải trưởng thành quá sớm, sống nay đây mai đó. Mới hôm qua còn hồn nhiên nói cười, mai lại thành một cái xác trong hàng trăm cái xác! Thật đau đớn! Những mâu thuẫn, tranh chấp của người lớn lại để con trẻ gánh chịu! Thật tàn ác!

Không những thế có những nhà báo vô lương tâm lấy những chuyện đó để giật tít, trục lợi. Giới truyền thông đua nhau xâu xé, mổ xẻ vấn đề, khai thác thông tin sao cho mình được lợi nhiều nhất, mặc kệ những tổn thương sẽ gây cho các em khi đẩy các em đến trước mũi nhọn dư luận. Thật xấu xa! Nhưng trong câu chuyện của tôi, giới truyền thông đã khiến tôi ngả mũ bái phục vì đạo đức nghề nghiệp của họ. Giới truyền thông không dùng câu chuyện của tôi để kiếm lời trục lợi mà đã giữ im lặng để bảo vệ tâm hồn thơ dại của một cậu nhóc năm tuổi. Họ cất công đi, nhưng ra tay không trở về, bỏ qua cơ hội có thêm nhuận bút để có tiền trang trải cho gia đình. Thật đáng ngưỡng mộ! Tôi xin gửi một lời cảm ơn sâu sắc, chân thành từ đáy con tim đến những nhà báo, phóng viên ngày hôm đó.

Tôi từng nghe một câu danh ngôn: “Chúng ta đều là những thiên thần chỉ có một cánh. Và ta phải ôm lấy nhau để học bay.” Đúng vậy, con người chúng ta luôn cần sự gắn bó, yêu thương nhau để tồn tại, Khi chúng ta là con trẻ đã được ba mẹ và xã hội bao bọc để tránh những vết thương lòng không đáng có. Vậy, khi ta đã trở thành một con người trưởng thành – có đầy đủ nhận thức, tư duy cơ bản về thế giới, thì ta phải bảo vệ, che chở cho những mầm non yếu ớt kia. Nếu bạn hỏi tôi, tại sao phải làm như vậy? Tại sao phải đặt trách nhiệm lên vai của các bạn – những người trưởng thành? Tôi chỉ có thể nói cho bạn nghe suy nghĩ của tôi: “Mỗi người chúng ta giống như nguyên tử trong cấu trúc cacbon của mạng tinh thể kim cương. Chúng ta liên kết với nhau bằng những liên kết vô hình vô cùng bền chặt. Một đứt gãy nơi này có thể làm nên sự đổ vỡ ở nơi khác.” Bởi vì bạn và tôi đều là một nguyên tử trong mạng tinh thể ấy nên chúng ta phải biết yêu thương lẫn nhau, bao bọc lẫn nhau để sống, để phát triển. Và trẻ em luôn cần sự yêu thương, bảo bọc ấy. Như khi ta còn nhỏ, ta luôn cần vòng tay ấm áp của cha và nụ hôn dịu ngọt của mẹ để lớn lên.

Sau khi khép cuốn nhật kí, trong tôi miên man nhiều suy nghĩ hỗn độn. Nhưng đọng lại trong tim tôi là lời cảm ơn chân thành và những suy tư về tâm hồn trẻ thơ. Có lẽ, vì chúng ta từng là trẻ con nên ta hiểu sự cần thiết của tình thương. Và cũng vì ta là con người nên ta cần bao bọc, yêu thương nhau, bất kể tuổi tác và sắc tộc.

Một lần nữa, con cảm ơn “cha”. Cảm ơn cha đã cứu vớt đời con bằng tình yêu giữ người với người, dù ta chỉ ghét qua đời nhau một đoạn đường… Cảm ơn cha!

------------------------------------

Cảm nhận về câu truyện: “Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương” vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết chắc hẳn bạn đọc đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho ta thấy được tâm hồn trẻ thơ mỏng manh như tờ giấy trắng, rất trong sáng và dễ bị tổn thương. Tâm hồn thơ dại của những đứa trẻ mong manh và dễ tổn thương. Đối với tất cả mọi người, thì những con chữ đầu tiên trang giấy trắng ấy rất quan trọng. Ấn tượng và những suy nghĩ đầu đời về thế giới xung quanh tác động mạnh mẽ đến tâm hồn con trẻ và giúp chúng định hình tính cách sau này. Đó cũng là lí do mà những đứa trẻ có một tuổi thơ êm đềm và được cha mẹ yêu thương luôn có xu hướng trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì sự non nớt cũng như mỏng manh về tâm hồn, nên những ảnh hưởng xấu từ môi trường có thể để lại những ảnh hưởng xấu từ môi trường có thể để lại những vết sẹo hằn sâu vào trái tim của những đứa trẻ. Nên chúng cần được bảo bọc và nâng niu. Chúng ta từng là trẻ con nên ta hiểu sự cần thiết của tình thương. Và cũng vì ta là con người nên ta cần bao bọc, yêu thương nhau, bất kể tuổi tác và sắc tộc. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập và thêm ý tưởng để xây dựng bài viết cho mình nhé.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Cảm nhận về câu truyện: “Tâm hồn trẻ thơ – Trong sáng nên dễ tổn thương”. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Cảm nhận về mùa hè

Đánh giá bài viết
1 584
Sắp xếp theo

Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

Xem thêm