Câu hỏi ôn thi môn Logic học - Chương 1
Câu hỏi ôn thi môn Logic học - Chương 1 có đáp án
VnDoc.com xin mời các bạn tham khảo bộ Câu hỏi ôn thi môn Logic học - Chương 1 có đáp án đi kèm, nhằm giúp bạn có thêm tư liệu tham khảo chuẩn bị cho kì thi sắp diễn ra. Chúc các bạn đạt kết quả cao trong học tập!
Câu 1: Lôgic học là gì? Đối tượng của lôgic học?
Lôgic học là gì?
Từ “lôgic” bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp logoV (Logos). Logos có rất nhiều nghĩa như: lời nói, trí tuệ, lý lẽ, lập luận, tính quy luật... Ngày nay “lôgic” được hiểu với ba nghĩa cơ bản sau:
- Thứ nhất, dùng để chỉ mối liên hệ tất yếu, có tính qui luật giữa các sự vật hiện tượng (lôgic khách quan);
- Thứ hai, dùng để chỉ mối liên hệ tất yếu, có tính qui luật giữa những ý nghĩ, tư tưởng trong tư duy, trong lập luận của con người (lôgic chủ quan);
- Thứ ba, dùng để chỉ môn khoa học nghiên cứu về tư duy (lôgic học).
Đối tượng của lôgic học
- Lôgic học là khoa học nghiên cứu các hình thức, quy luật của tư duy. Tuy nhiên, tư duy không phải là đối tượng riêng của lôgic học mà còn là đối tượng nghiên cứu của một số ngành khoa học khác như triết học, tâm lý học, sinh lý học thần kinh... Vì vậy, vấn đề quan trọng là chúng ta phải phân định được ranh giới của lôgic học với các khoa học khác cũng nghiên cứu về tư duy. Trước tiên, cần phải xem xét quá trình nhận thức của con người, đây chính là sự phản ánh hiện thực khách quan vào bộ óc con người thông qua hoạt động thực tiễn. Quá trình đó gồm hai giai đoạn: Nhận thức cảm tính (trực quan sinh động); nhận thức lý tính (tư duy trừu tượng).
Câu 2: Nhận thức cảm tính là gì? Những hình thức của nhận thức cảm tính?
Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, giai đoạn này con người sử dụng các giác quan để tác động trực tiếp vào các sự vật để nắm bắt các sự vật ấy.
Đặc điểm của nhận thức cảm tính là phản ánh một cách trực tiếp, cụ thể đối tượng và không cần đến ngôn ngữ.
Nhận thức cảm tính bao gồm ba hình thức là cảm giác, tri giác và biểu tượng.
- Cảm giác là sự phản ánh những thuộc tính riêng lẻ của các sự vật, hiện tượng khi chúng đang tác động trực tiếp vào các giác quan của con người.
- Tri giác là hình ảnh tương đối toàn vẹn về sự vật khi sự vật đó đang trực tiếp tác động vào các giác quan. Tri giác nảy sinh dựa trên cơ sở của cảm giác, là sự tổng hợp của nhiều cảm giác. So với cảm giác thì tri giác là hình thức nhận thức cao hơn, đầy đủ hơn, phong phú hơn về sự vật.
- Biểu tượng là hình thức phản ánh cao nhất và phức tạp nhất của giai đoạn trực quan sinh động. Đó là hình ảnh cảm tính và tương đối hoàn chỉnh còn lưu lại trong bộ óc người về sự vật khi nó không còn trực tiếp tác động vào các giác quan.
Câu 3: Nhận thức Lý tính là gì? Các hình thức của nhận thức Lý tính ?
Khái niệm là hình thức cơ bản của tư duy trừu tượng, phản ánh những đặc tính bản chất của sự vật. Sự hình thành khái niệm là kết quả của sự khái quát, tổng hợp biện chứng các đặc điểm, thuộc tính của sự vật hay một lớp sự vật.
Những hình thức của nhân thức Lý tính
- Phán đoán là hình thức của tư duy liên kết các khái niệm lại với nhau để khẳng định hoặc phủ định một đặc điểm, một thuộc tính nào đó của đối tượng.
- Suy luận là hình thức của tư duy liên kết các phán đoán lại với nhau để rút ra tri thức mới.
Câu 4: Quan hệ giữa lôgic và ngôn ngữ?
Lôgic và ngôn ngữ thống nhất với nhau. Lôgic chỉ mối quan hệ bên trong giữa các yếu tố cấu thành của tư duy, nó là nội dung của ngôn ngữ, còn ngôn ngữ là cái vỏ vật chất, là hình thức biểu hiện bên ngoài của tư tưởng. Tuy nhiên, giữa lôgic và ngôn ngữ cũng có những điểm khác biệt:
Thứ nhất
- Trong lôgic người ta quan tâm đến phương diện hình thức, đến cấu trúc bên trong của tư tưởng, cho nên để biểu thị nội dung một tư tưởng nhất định, người ta xây dựng, quy ước bằng các biểu thức đơn trị về cấu trúc.
- Ngược lại, trong ngôn ngữ có những cách khác nhau để biểu thị, diễn đạt cùng một nội dung tư tưởng, hay cùng một biểu thức ngôn ngữ nhưng có thể diễn đạt những nội dung khác nhau. Chính vì vậy, ngôn ngữ tự nhiên thể hiện nội dung tư tưởng đa dạng, phong phú, có hiện tượng đa trị về cấu trúc.
Thứ hai
- Những quy luật, quy tắc của lôgic là những quy luật, quy tắc hình thức phổ quát và cố định.
- Trái lại, những quy luật, quy tắc trong ngôn ngữ ngoài đặc điểm về hình thức còn phụ thuộc vào nội dung. Bên cạnh những quy luật phổ quát, chung cho mọi người, còn có những quy luật, quy tắc đặc thù cho một nhóm hoặc riêng cho một ngôn ngữ. Những quy tắc này cũng không bất biến mà thay đổi theo thời gian, không gian nhất định.
Câu 5: Quá trình hình thành và phát triển của lôgic học?
1. Thời kỳ Cổ đại
- Với tư cách là một khoa học, lôgic học được hình thành từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên và được đánh dấu bằng bộ sách Organon (công cụ nhận thức) của triết gia người Hy Lạp Aristote. Aristote (384 - 322 TCN) được coi là người sáng lập ra lôgic học. Ông đã bao quát được toàn bộ phạm vi và nắm được thực chất, đối tượng của lôgic học, đặt nền tảng cho khoa học lôgic, đó là sự tổng kết những hình thức cơ bản của tư duy và những qui luật cơ bản của tư duy. Đặc biệt Aristote đã xây dựng hoàn chỉnh lý thuyết về tam đoạn luận, hình thức cơ bản nhất của suy lý diễn dịch. Lôgic truyền thống đã tiếp thu học thuyết của Aristote về các cấu hình, cách thức và qui tắc tam đoạn luận đúng đắn.
2. Thời kỳ Trung cổ
- Lôgic học trong thời kỳ này mang tính kinh viện và hầu như không có đóng góp điều gì mới mẻ. Lôgic học Aristote đã bị Thiên chúa giáo lợi dụng để bảo vệ niềm tin vào Thiên chúa. Thời đó "Organon" bị biến thành "Canon" (luật pháp).
3. Thời kỳ Phục hưng - Cận đại
- Vào thời kỳ Phục hưng, mặt tích cực, tinh thần khách quan khoa học của lôgic Aristote được phục hồi và phát huy để chống lại thần học. Tuy nhiên, bấy giờ nó đã bộc lộ sự chật hẹp, hạn chế trước tiến bộ của khoa học. Điều đó đặt ra nhu cầu cần phải đề xuất thêm phương pháp tư duy mới trong việc khám phá chân lý.
4. Thời hiện đại
Lôgic hình thức cổ điển dưới hình thức toán bộc lộ những hạn chế. Từ đó xuất hiện hai khuynh hướng:
- Thứ nhất, ra sức hoàn thiện những công trình lôgic, hình thức hóa và toán học hóa để nhằm khắc phục các mâu thuẫn và nghịch lý lôgic.
- Thứ hai, xét lại một số qui luật cơ bản của lôgic cổ điển, phát triển thành lôgic phi cổ điển.
- Đặc điểm chung của lôgic hình thức phi cổ điển là lôgic đa trị khác hẳn với lôgic hình thức cổ điển là lôgic lưỡng trị. Trên cơ sở đó người ta phát triển hệ thống phép tính lôgic phi cổ điển như lôgic tam trị của Lukasiewicz (1878 - 1956), lôgic tam trị xác suất của H. Reichenbach (1891 - 1953), lôgic trực giác của L. E. Brower và A. Heiting, lôgic kiến thiết của A. A. Marcov, A. N. Kolmogorov, V. I. Glivenko, lôgic mờ của L. A. Zadeh, lôgic tình thái, lôgic thời gian...
Câu 6: Ý nghĩa của việc học tập, nghiên cứu môn lôgic học là gì?
- Lôgic học giúp chúng ta chuyển từ tư duy lôgic tự phát sang tự giác. Không phải đợi đến khi có khoa học lôgic con người mới suy nghĩ, lập luận một cách lôgic mà con người đã có tư duy lôgic trước khi lôgic ra đời. Nhưng việc hiểu và vận dụng tri thức lôgic tự giác sẽ giúp chúng ta rút ngắn con đường nhận thức chân lý, hạn chế được những sai lầm lôgic của bản thân trong quá trình tư duy cũng như phát hiện nhanh nhạy hơn những sai lầm về lôgic trong lời nói cũng như trong lập luận của người khác.
- Nắm vững tri thức lôgic học giúp ta lập luận, diễn giải cũng như chứng minh, bác bỏ vấn đề có sức thuyết phục. Nó giúp cho chúng ta suy nghĩ chín chắn, đúng đắn, nhất quán, liên tục, không mâu thuẫn, biết dùng khái niệm (từ), phán đoán (câu) một cách chính xác, biết phát triển tư tưởng (lập luận) mạch lạc, hợp lý.
- Lôgic còn giúp chúng ta chính xác hóa ngôn ngữ thể hiện ở việc dùng từ chính xác, đặt câu rõ ràng, không mơ hồ. Nó rèn luyện kỹ năng xác định những khác biệt trong những tư tưởng có cách diễn đạt bằng lời gần giống nhau, ngược lại có những tư tưởng giống nhau có thể có những cách diễn đạt khác nhau.
------------------------
Ngoài Câu hỏi ôn thi môn Logic học - Chương 1, mời các bạn cùng tham khảo thêm các tài liệu Cao đăng - Đại học khác nhằm phục vụ tốt cho quá trình học tập và công tác.