Đề kiểm tra bài viết số 5 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Trần Văn Kiết, Bến Tre năm học 2015 - 2016
Đề kiểm tra bài viết số 5 môn Ngữ văn lớp 11
Đề kiểm tra bài viết số 5 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Trần Văn Kiết, Bến Tre năm học 2015 - 2016 là đề kiểm tra 1 tiết môn Văn lớp 11 có đáp án, giúp các em học sinh tự luyện đề, hoàn thành bài viết văn số 5 lớp 11 được tốt nhất. Chúc các bạn học tốt.
Trắc nghiệm trực tuyến: Đề kiểm tra Ngữ Văn lớp 11 - "Vội vàng" (Xuân Diệu)
TRƯỜNG THPT TRẦN VĂN KIẾT TỔ VĂN | ĐỀ KIỂM TRA 1 TIẾT BÀI VIẾT SỐ 5 – NĂM HỌC 2015- 2016 MÔN NGỮ VĂN - KHỐI 11 (CƠ BẢN) ***** |
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Đọc và trả lời những câu hỏi sau:
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Trích Vội vàng, Xuân Diệu)
1. Những thông tin sau về đoạn thơ trên đúng hay sai? (1đ)
Niềm ham muốn mãnh liệt "tôi muốn" ở đầu bài thơ giờ đã chuyển thành "ta muốn" ở cuối bài thơ. | Đúng / Sai |
Niềm khát khao tận hưởng vẻ đẹp "mơn mởn" của cuộc sống ngày càng tăng dần về cường độ | Đúng / Sai |
Các biện pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa đã được tận dụng triệt để nhằm thể hiện dòng cảm xúc mãnh liệt của cái tôi trữ tình Xuân Diệu. | Đúng / Sai |
Nhà thơ đã sử dụng một hệ thống những tính từ chỉ xuân sắc, những danh từ chỉ vẻ đẹp thanh tân, tươi trẻ để tạo ra một thế giới đầy sức hấp dẫn, thôi thúc con người hưởng thụ, chiếm lĩnh. | Đúng / Sai |
2. Việc chuyển đổi cách xưng hô từ "tôi" sang "ta" chủ yếu nhằm thể hiện điều gì? (0.5đ)
A. Sự rộng lớn, mênh mông của tâm hồn thi nhân trước sự chật chội của "lượng trời".
B. Vẻ đẹp, tầm vóc lớn lao của con người trước thiên nhiên và cuộc sống con người.
C. Sức sống mạnh mẽ, sự thức tỉnh của cái "tôi" thơ mới sau thời gian dài phải núp mình trong cái "ta".
D. Khát vọng nâng mình lên một tầm vóc lớn lao hơn để có thể thu nhận hết mọi vẻ đẹp của cuộc sống.
3. Nhịp điệu gấp gáp trong cuộc chạy đua với thời gian để tận hưởng những vẻ đẹp "mơn mởn" của cuộc sống không được tạo ra bởi phương tiện nghệ thuật nào sau đây: (0.5đ)
A. Các động từ mạnh, ngày càng tăng dần về cường độ.
B. Những câu thơ gọn, chắc, đăng đối, cân xứng về nhịp.
C. Những câu thơ vắt dòng để cảm xúc tràn từ dòng trên xuống dòng dưới.
D. Những cấu trúc trùng điệp gắn liền với thủ pháp liệt kê.
4. Cho biết từ "thời tươi'' được tác giả dùng trong câu thơ được in đậm của đoạn thơ trên có ý nghĩa gì? (0,5đ)
5. Hãy liệt kê ra những động từ được nhà thơ Xuân Diệu dùng trong đoạn thơ trên để cực tả tình yêu đời mãnh liệt của mình. (0,5đ)
6. Hãy viết một đoạn văn ngắn để trình bày cảm nhận của em về đoạn thơ trên. (1,0đ)
PHẦN II: LÀM VĂN (6.0 điểm)
Hãy trình bày suy nghĩ của mình về bệnh thành tích - một căn bệnh gây tác hại không nhỏ đối với sự phát triển trong xã hội hiện nay.
Đáp án đề kiểm tra bài viết số 5 môn Ngữ văn lớp 11
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)
Câu 1: Có 4 câu nhỏ, đáp án theo theo trình tự như sau: Đ-Đ-S-Đ 1,0đ (Mỗi ý đúng đạt 0,25)
Câu 2: D
Câu 3: B
Câu 4: Chỉ tuổi trẻ (HS có thể diễn đạt khác nhưng đúng nội dung cũng đạt điểm)
Câu 5: Động từ: ôm, riết, say, thâu, cắn
Câu 6:
- Viết được một đoạn văn nghị luận có kết cấu chặt chẽ, lập luận thuyết phục.
- Nêu được tình yêu đời rạo rực, đắm say đến vội vàng, cuống quýt của nhà thơ.
PHẦN II: LÀM VĂN (6.0 điểm)
* Yêu cầu chung:
a/ Về kĩ năng:
- Biết viết được bài văn nghị luận xã hội bàn về một hiện tượng trong đời sống.
- Bài có bố cục ba phần, chặt chẽ, luận điểm rõ ràng, lập luận thuyết phục; diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, câu.
b/ Về kiến thức:
b1/ Mở bài: Nêu được vấn đề cần nghị luận đó là căn bệnh thành tích trong xã hội hiện nay.
b2/ Thân bài: HS có thể trình bày khác nhau nhưng cần trên cơ sở lập trường các ý sau:
- Giải thích: Thành tích là gì? Bệnh thành tích là sao?
- Phân tích, chứng minh các biểu hiện và tác hại của bệnh thành tích: Trong học tập, lao động sản xuất, báo cáo,...
- Ví dụ như các biểu hiện: Báo cáo sai, không đúng sự thật, làm ít báo nhiều, việc không báo có bịa đặt,... (Làm thì láo, báo cáo thì hay)
- Tác hại: Không chỉ lừa dối người khác mà còn trực tiếp lừa dối chính bản thân mình -> gây ra thói xấu, chủ quan, tự mãn một cách vô lối, lười học tập và lao động (nếu là quan thì biến thành sâu dân mọt nước cũng là thứ gánh nặng của xã hội,...)
- Đề ra biện pháp khắc phục: sống ngay thẳng, trung thực, nghiêm túc, tôn trọng sự thật, phải biết khiêm tốn, cần nghiêm khắc với bản thân mình; Giáo dục và tuyên truyền cho mọi người; thẳng thắn phê bình và bài trừ những biểu hiện của bệnh thành tích.
b3/ Kết bài: Khẳng định những suy nghĩ của bản thân về căn bệnh trên đối với con người và sự phát triển của xã hội.