Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Liễn Sơn, Vĩnh Phúc năm học 2015 - 2016. Đề thi gồm 2 phần đọc hiểu và làm văn với thời gian làm bài là 120 phút, có đáp án để bạn đối chiếu kết quả. Mời các bạn tham khảo.

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Nguyễn Văn Cừ, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

Đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành số 3, Bắc Ninh năm học 2015 - 2016

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN
ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1 NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 11
Thời gian làm bài: 120 phút

Phần I: Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ câu 1 đến câu 4:

Yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi tảo tần. Mồ hôi rơi trên những cánh đồng cho lúa thêm hạt. Mồ hôi rơi trên những công trường cho những ngôi nhà thành hình, thành khối. Mồ hôi rơi trên những con đường nơi rẻo cao Tổ quốc của những thầy cô trong mùa nắng để nuôi ước mơ cho các em thơ. Mồ hôi rơi trên thao trường đầy nắng gió của những người lính để giữ mãi yên bình và màu xanh cho Tổ quốc...

(Nguồn http://vietbao.vn ngày 9-5-2014)

Câu 1. Xác định phong cách ngôn ngữ trong văn bản trên? (0,25 điểm)

Câu 2. Biện pháp tu từ nào được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên? Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó? (0,5 điểm)

Câu 3. Những từ ngữ: Cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nào trong cuộc sống? (0,5 điểm)

Câu 4. Đặt tiêu đề cho văn bản trên. (0,25 điểm)

Đọc đoạn thơ sau đây và trả lời câu hỏi từ câu 5 đến câu 8

"Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói
Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ
Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa
Óng tre ngà và mềm mại như tơ
Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát
Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh
Như gió nước không thể nào nắm bắt
Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh"

(Trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ)

Câu 5: Đoạn thơ trên sử dụng phong cách ngôn ngữ nào? (0,25 điểm)

Câu 6: Xác định một biện pháp tu từ trong bốn dòng đầu của đoạn thơ? (0,25 điểm)

Câu 7: Cảm nhận vẻ đẹp của tiếng việt qua hai câu thơ: Ôi tiếng việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ. Trả lời trong khoảng 5 - 7 dòng. (0,5 điểm)

Câu 8: Trước thực trạng đáng buồn là giới trẻ ngày nay đang làm cho tiếng việt mất dần vẻ đẹp và sự trong sáng, anh chị hãy nêu ra ít nhất hai giải pháp cho vấn đề giữ gìn sự trong sáng của tiếng việt? Trả lời khoảng 5 - 7 dòng (0,5 điểm)

Phần II: Làm văn (7,0 điểm)

Nhân cách nhà nho chân chính trong "Bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ

...........Hết.............
(Giám thị coi thi không giải thích gì thêm)

Đáp án đề thi giữa học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC
TRƯỜNG THPT LIỄN SƠN
ĐÁP ÁN ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ 1
NĂM HỌC 2015 - 2016
MÔN: NGỮ VĂN - LỚP 11

Phần I: Đọc hiểu

Câu 1: Phong cách ngôn ngữ báo chí. 0,25

Câu 2:

  • Biện pháp tu từ được sử dụng nhiều nhất trong văn bản trên là điệp (lặp) cấu trúc câu (mồ hôi rơi). 0,25
  • Tác dụng của biện pháp nghệ thuật đó là nhấn mạnh tình yêu Tổ quốc từ những giọt mồ hôi của con người. 0,25

Câu 3: Những từ ngữ: Cánh đồng, công trường gợi nhớ đến đối tượng nông dân, công nhân trong cuộc sống. 0,5

Câu 4: Tiêu đề: Yêu Tổ quốc hoặc Tổ quốc của tôi. 0,25

Câu 5: Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật/ văn chương. 0,25

Câu 6: Biện pháp tu từ so sánh/ so sánh (ôi tiếng việt như đất cày, như lụa; mềm mại như tơ) hoặc biện pháp nghệ thuật ẩn dụ (óng tre ngà và mềm mại như tơ). 0,25

Câu 7: Hai câu thơ cho thấy tiếng việt vừa mộc mạc, chân chất, khỏe khắn, gần gũi (như đất cày); vừa có sự lung linh, óng ả, thanh tao (óng tre ngà). Hai câu thơ thật đặc sắc, là một sự phát hiện, đúc kết của nhà thơ về vẻ đẹp phong phú, tinh tế và đậm bản sắc dân tộc của tiếng việt (cũng có thể diễn đạt theo cách khác nhưng phải hợp lí, thuyết phục). 0,5

Câu 8: Thí sinh trình bày giải pháp theo quan điểm riêng của mình, phải nêu ít nhất hai giải pháp. Câu trả lời phải chặt chẽ, thuyết phục. 0,5

Phần II. Làm văn: Nhân cách nhà nho chân chính trong "Bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ

1. Mở bài. 0,5

  • Giới thiệu hình tượng nhà nho trong văn chương: Thường là hình tượng của chính tác giả, là sự tự bộc lộ con người tinh thần cùng với các khía cạnh cảm xúc, tư tưởng, quan niệm của họ về xã hội, về cuộc sống và con người.
  • Bài "Bài ca ngất ngưởng" của Nguyễn Công Trứ đã góp phần bộc lộ vẻ đẹp của nhân cách nhà nho chân chính.

2. Thân bài

  • Cắt nghĩa và giới thiệu vấn đề. 0,5
    • "Nhân cách": Tư cách, phẩm chất riêng biệt của con người
    • "Nhà nho": Người có học, tầng lớp trí thức trong xã hội cũ
    • "Chân chính": Đúng đắn, ngay thẳng
    • => "Nhân cách nhà nho chân chính": Tư cách, phẩm chất tốt đẹp của người trí thức trong xã hội cũ.
  • Những biểu hiện thông thường của nhà nho chân chính: 0,75
    • Coi trọng sự học và học vấn, có ý thức lập công ghi danh song không để công danh thành sợi dây trói buộc mình
    • Cốt cách thanh cao, trong sạch, lấy sự hài hòa, bình ổn về tinh thần làm chí hướng, lấy việc phụng sự đất nước làm mục tiêu phấn đấu.
    • Không cao đạo, tô vẽ giả tạo, xa rời thực tế mà chân thực, thẳng thắn trong cuộc sống.
  • Chứng minh trong tác phẩm:
    • Hình tượng "ông ngất ngưởng" trên mọi phạm vi đời sống, trong mọi khoảng thời gian của cuộc đời mình: 2,0
      • Ngất ngưởng trên hành trình hoạn lộ: "vào lồng" mà vẫn rất phóng túng, tự do, luôn khẳng định mình trong mọi cương vị bằng "tay ngất ngưởng". Đó là cách sống của người quân tử bản lĩnh đầy tự tin, kiên trì lý tưởng.
      • Ngất ngưởng khi cáo quan về hưu: Rất phóng khoáng tự do, không chịu sự ràng buộc của thói đời. Đó là cách sống của bậc tài tử phong lưu, không ngần ngại khẳng định cá tính của bản thân.
    • Thái độ, cốt cách tác giả bộc lộ trong tác phẩm: 1,5
      • Tiếng cười sảng khoái, tự hào của con người có cốt cách độc đáo khi nhìn lại đời mình và tự bộc lộ.
      • Phong thái ung dung, tự do, tự tại, luôn đứng cao hơn tất cả bằng chính bản lĩnh và sức mạnh của một bậc chân tài.
    • Khái quát vẻ đẹp nhân cách Nguyễn Công Trứ: Một con người giàu nghị lực, dám sống mạnh mẽ, có ý nghĩa và dám sống theo cá tính của mình để vượt thoát khuôn sáo khắt khe của lễ giáo phong kiến và lối sống khắc kỷ của người quân tử. 0,5
  • Đáng giá chung: 0,75
    • Tạo sức hấp dẫn về tư tưởng và cá tính tác giả: Sức hấp dẫn của những quan điểm sống, cách nhìn độc đáo và đầy bản lĩnh về cuộc sống tạo nên sức hấp dẫn của lời thơ, giọng thơ và hình tượng thơ.
    • Góp phần tạo nên một cái nhìn đầy đủ về tầng lớp nho sĩ - trí thức trong xã hội cũ: Học không phải chỉ là những con người mực thước, đạo mạo, uyên bác mà còn là những con người vừa trong sạch, thẳng ngay, rất bình dị, gần gũi với cuộc đời mà đầy bản lĩnh, đầy sức mạnh và tài năng để tự khẳng định chính mình và tìm cho mình một cuộc sống thật ý nghĩa.

3. Kết bài. 0,5

  • Khẳng định vẻ đẹp của nhân cách nhà nho chân chính là một giá trị tinh thần góp phần bổ sung, hoàn thiện đời sống tinh thần, tư tưởng cho con người.
  • Những vẻ đẹp ấy có ý nghĩa như một bài học để tự răn mình cho người trí thức trong thời đại ngày nay.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi giữa kì 1 lớp 11

    Xem thêm