Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021 Đề 1

Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021 Đề 1 do VnDoc biên soạn, bám sát chương trình học sẽ giúp các em học sinh lớp 12 trong quá trình ôn thi học kì 1 luyện thêm đề môn Ngữ văn có đáp án.

Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn bao gồm đầy đủ các phần thiết yếu sau:

  • Phần Đọc hiểu văn bản được chọn lọc bám sát chương trình học.
  • Phần Làm văn bao gồm nghị luận xã hội và nghị luận văn học giúp các em học sinh hình thành kĩ năng làm văn của mình cũng như phục vụ quá trình ôn thi THPT Quốc Gia.

Để tham khảo thêm nhiều đề thi và tài liệu học tập hay khác, trao đổi với thầy cô và giáo viên, mời các bạn tham gia nhóm: Tài liệu học tập lớp 12

Bản quyền tài liệu thuộc về VnDoc.
Nghiêm cấm mọi hành vi sao chép nhằm mục đích thương mại.

Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Văn

I. Đọc hiểu văn bản (3đ):

Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lí đang rung chuyển khác thường. Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống, làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt. Bài thơ là những câu, những lời diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc. Bài thơ là sợi dây truyền tình cảm cho người đọc. Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận. Nhưng kì thực, cái trạng thái tâm lí truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình, khi nhìn những chữ, khi nghe những lời, khi mọi sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh, những ý nghĩ, những mong muốn, những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kéo theo đằng sau như vùng sáng xung quanh ngọn lửa.

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích trên được trích từ đâu? Tác giả là ai?

Câu 2 (1đ): Chỉ ra biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích và nêu tác dụng.

Câu 3 (1,5đ): Qua đoạn trích, anh/chị hãy khái quát lại những ý nghĩa của thơ.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ): Trình bày suy nghĩ của anh/chị về câu nói: "Ước mơ giúp chúng ta tạo dựng được tương lai".

Câu 2 (5đ): Phân tích 9 câu đầu bài thơ Đất nước.

Hướng dẫn giải Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Ngữ văn

Đọc hiểu văn bản

Câu 1 (0,5đ): Đoạn trích được trích từ văn bản “Mấy ý nghĩ về thơ” của tác giả Nguyên Đình Thi.

Câu 2 (1đ):

Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn trích: điệp cấu trúc câu (làm thơ là…, bài thơ là…).

Tác dụng: Giúp người đọc hiểu hơn về làm thơ và ý nghĩa của những bài thơ.

Câu 3 (1,5đ):

- Khái quát những ý nghĩa của thơ:

Thơ giúp tác giả truyền đạt, bộc lộ những tình cảm, cảm xúc của mình với mọi người để tìm kiếm những tâm hồn đồng điệu.

Thơ giúp độc giả lĩnh hội nguồn tri thức, hình thành và hoàn thiện những tình cảm, cảm xúc của mình.

Thơ làm phong phú tâm hồn con người.

II. Làm văn (7đ):

Câu 1 (2đ):

Dàn ý suy nghĩ về câu nói: "Ước mơ giúp chúng ta tạo dựng được tương lai"

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: Nghị luận về ước mơ

2. Thân bài

a. Giải thích

Ước mơ: khao khát, ý muốn của con người muốn đạt được một vật gì đó, được làm nghề gì đó hoặc trở thành người như nào đó. Khi mỗi người có ước mơ họ trở nên tốt đẹp hơn, đề cao tầm quan trọng của ước mơ trong cuộc sống con người.

b. Phân tích

Người có ước mơ mới có động lực làm việc, học tập và cống hiến cho xã hội. Khi mỗi con người trên con đường thực hiện ước mơ của mình cũng chính là đóng góp cho xã hôi, cho đất nước phát triển.

Trên con đường thực hiện ước mơ chúng ta có thể gặp những khó khăn thử thách, khi vượt qua được thử thách đó chúng ta sẽ có thêm những bài học quý giá để hoàn thiện bản thân mình.

Người sống có ước mơ sẽ thấy cuộc sống tươi đẹp hơn, nhiều màu sắc hơn.

Khi theo đuổi ước mơ, chúng ta sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu như kiên trì, nhẫn nại, chăm chỉ…

c. Chứng minh

Học sinh lấy dẫn chứng về những con người sống có ước mơ nổi bật, tiêu biểu mà được nhiều người biết đến.

d. Phản biện

Trong xã hội vẫn còn nhiều người sống không có ước mơ, hoài bão, vô cảm hoặc có ước mơ nhưng không cố gắng thực hiện mà chỉ hão huyền, viển vông về một cuộc sống tốt đẹp hơn → những người này đáng bị phê phán, chỉ trích.

3. Kết bài

Khái quát lại tầm quan trọng của ước mơ và rút ra bài học cho bản thân.

Câu 2 (5đ):

Dàn ý phân tích 9 câu đầu bài Đất nước

1. Mở bài

Giới thiệu tác giả Nguyễn Khoa Điềm, đoạn thơ Đất nước và 9 câu thơ đầu.

2. Thân bài

"Khi ta lớn lên, đã có rồi": Đất Nước ra đời từ rất xa xưa như một sự tất yếu, trong chiều sâu của lịch sử thời các vua Hùng dựng nước và giữ nước.

"Ngày xửa ngày xưa, mẹ thường hay kể": những câu chuyện cổ tích, những bài học đạo lí làm người, ước mơ khát vọng của nhân dân về lẽ công bằng → góp phần tạo nên Đất nước.

"Miếng trầu": phong tục ăn trầu của dân gian gắn với ta nhiều đời nay và gợi nhớ sự tích Trầu cau.

"Biết trồng tre mà đánh giặc": gợi nhớ truyền thống chống giặc ngoại xâm và truyền thuyết đầy tự hào của người Việt và truyền thuyết vè người anh hùng Thánh Gióng.

"Tóc mẹ bới sau đầu": những phong tục lâu đời của người Việt, người phụ nữ để tóc dài và bới lên.

"Cha mẹ, gừng cay muối mặn": gắn với câu ca dao của dân tộc, nói về tình cảm thủy chung của người Việt.

"Cái kèo, cái cột, hạt gạo, xay, giã, giần, sàng": những vật quen thuộc trong đời sống hằng ngày của người Việt Nam gắn với lao động sản xuất và nền văn minh lúa nước.

→ Đất Nước là những gì có thể bắt gặp ở ngay trong cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người: câu chuyện cổ tích của mẹ, miếng trầu bà ăn, hạt gạo ta ăn, ngôi nhà ta ở...

"Đất Nước có từ ngày đó": Đất Nước có từ khi dân mình biết yêu thương, sống tình nghĩa, từ ngày dân tộc có nền văn hóa riêng, từ khi dân mình biết dựng nước và giữ nước, từ trong cuộc sống hằng ngày của con người.

→ Sự cảm nhận về chiều sâu của lịch sử của Đất Nước thể hiện ngay trong đời sống hằng ngày của nhân dân. Đất Nước được hình thành từ những gì nhỏ bé, gần gũi trong cuộc sống của mỗi con người, từ bề dày của truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam.

3. Kết bài

Tổng kết về nội dung, nghệ thuật và nêu cảm nhận về đoạn trích.

-----------------------

Mời các bạn tham khảo thêm các bài viết dưới đây của chúng tôi:

Trên đây VnDoc đã giới thiệu tới các em Đề thi học kì 1 lớp 12 môn Ngữ Văn năm học 2020 - 2021 Đề 1. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các em học sinh tài liệu Lý thuyết môn Địa lí lớp 12, Trắc nghiệm Tiếng Anh 12 mới, Chuyên đề Hóa học 12, Giải bài tập Sinh học 12 mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.

Chúc các em học tập tốt.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
12
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Đề thi học kì 1 lớp 12

    Xem thêm