Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2017 - 2018
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2017 - 2018 là tài liệu bồi dưỡng học sinh giỏi môn Ngữ Văn lớp 11 hay, giúp các bạn học sinh lớp 10 tự ôn tập kiến thức, làm quen với dạng đề thi học sinh giỏi. Mời quý thầy cô và các bạn cùng tham khảo.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Thuận Thành 1, Bắc Ninh năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Phan Đình Phùng, Đắk Nông năm học 2015 - 2016
SỞ GDĐT BẮC NINH TRƯỜNG THPT THUẬN THÀNH 1 | ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TRƯỜNG Môn thi: NGỮ VĂN Lớp 11 - Năm học: 2017 – 2018 Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề |
Câu 1 (8,0 điểm).
Có ý kiến cho rằng: Không có điều vĩ đại nào trên đời đạt được mà thiếu đi sự tâm huyết.
Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.
Câu 2 (12,0 điểm).
Chắt chiu vị ngọt mùi hương
Lặng thầm thay những con đường ong bay
Trải qua mưa nắng vơi đầy
Men trời đất đủ làm say đất trời
Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày
Hành trình của bầy ong - Nguyễn Đức Mậu
Hành trình của bầy ong trong đoạn thơ trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ?
Anh chị có nhận xét gì về những mùa hoa của Xuân Diệu giữ lại cho con người, cuộc đời qua tác phẩm Vội vàng?
------------------Hết------------------
Họ và tên thí sinh……………………………. Số báo danh………………………
(Đề gồm 01 trang; giám thị coi thi không giải thích gì thêm)
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 11
A- YÊU CẦU CHUNG:
- Học sinh có kiến thức văn học và xã hội đúng đắn, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và sức biểu cảm, ít mắc lỗi chính tả.
- Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng, định tính chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm, miễn là hợp lí và có sức thuyết phục.
- Tổng điểm toàn bài là 20.0 điểm, giáo viên có thể chấm điểm chi tiết đến 0.5 điểm.
B- YÊU CẦU CỤ THỂ:
Câu 1. (8.0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, có sự vận dụng nhuần nhuyễn các thao tác nghị luận như: giải thích, phân tích, chứng minh, bình luận, bác bỏ … Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp; dẫn chứng tiêu biểu, giàu sức thuyết phục. Ưu tiên những bài viết thể hiện dẫn chứng từ trải nghiệm của chính bản thân …
* Yêu cầu về kiến thức: Thí sinh có thể nêu những suy nghĩ riêng và trình bày theo nhiều kiểu khác nhau nhưng cần hợp lí, chặt chẽ, thuyết phục. Trên cơ sở xác định đúng vấn đề nghị luận là trình bày suy nghĩ của bản thân về vai trò của tâm huyết đối với những thành tựu có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống.được gợi lên từ ý kiến, thí sinh phải có vốn kiến thức, vốn hiểu biết về đời sống xã hội nhằm thuyết phục một cách thấu đáo về những ý kiến mà mình nêu ra. Sau đây là một số gợi ý:
a. Giới thiệu vấn đề nghị luận
b. Giải thích
- Điều vĩ đại: điều to lớn, có ý nghĩa lớn lao với con người; có thể là sự nghiệp, tình cảm, thành tựu,…
- Tâm huyết: tập trung tuyệt đối về sức lực, tài sản, khả năng, đặc biệt là niềm đam mê cho một điều gì đó.
– > Ý nghĩa: Khẳng định vai trò của tâm huyết đối với những thành tựu có ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống.
c. Bàn luận
- Tâm huyết là động lực, niềm đam mê, ý chí vượt qua khó khăn; nó đem đến tình yêu, trách nhiệm, sự hy sinh vô bờ bến cho điều mà người ta theo đuổi, để đạt được kết quả tốt đẹp.
- Những người đạt được sự vĩ đại đều là những người có tâm huyết.
- Thiếu tâm huyết, người ta dễ nản lòng, vô trách nhiệm, hời hợt, hoài phí thời gian mà chẳng đem lại điều gì tốt đẹp, lớn lao.
*Lưu ý: Đối với mỗi luận điểm, thí sinh cần lấy được các dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục để chứng minh.
d. Mở rộng, nâng cao
- Những người có tâm huyết nhưng có cách nhìn nhận không đúng cũng dễ dẫn đến thất bại. Người có tâm huyết cũng cần có một quá trình rèn luyện.
- Bên cạnh ca ngợi những người say mê, tâm huyết, có tinh thần trách nhiệm trong học tập, lao động, cần phê phán những người hời hợt, dễ nản lòng, thiếu kiên trì, ngại vượt khó. Tuy nhiên, tâm huyết phải đặt đúng chỗ, nếu không sẽ trở thành vô dụng, có khi góp phần làm nên cái xấu, cái ác, tổn hại đến xã hội.
e. Bài học nhận thức và hành động
- Nhận thức được tâm huyết xuất phát từ sự chân thành, hướng thiện, mục đích cao cả và thể hiện trong hành động thực tế mới góp phần làm nên những điều tốt đẹp.
- Mỗi cá nhân cần sống có trách nhiệm, yêu thích và đam mê với công việc, xây dựng tâm huyết từ những điều nhỏ bé đến những việc lớn lao; bồi đắp sự tâm huyết ở mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh,…
* Cách cho điểm:
- Điểm 7-8: Đáp ứng tốt các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, có cảm xúc, giàu hình ảnh, dẫn chứng tiêu biểu, có sức thuyết phục.
- Điểm 5-6: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, có cảm xúc, có sức thuyết phục.
- Điểm 3-4: Đáp ứng được một nửa yêu cầu của đề, bố cục mạch lạc, hành văn rõ ràng, còn mắc một số lỗi về diễn đạt, chính tả.
- Điểm dưới 3: Không hiểu đề hoặc hiểu còn mơ hồ, mắc nhiều lỗi về diễn đạt.
Câu 2. (12.0 điểm)
* Yêu cầu về kĩ năng: Học sinh biết cách làm bài văn nghị luận văn học; có năng lực cảm thụ, giải thích, chứng minh, đánh giá, khái quát làm rõ yêu cầu của đề bài; huy động kiến thức về lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản. Kết cấu bài làm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp. Học sinh có thể có nhiều cách khác nhau nhưng phải có lí lẽ, có căn cứ xác đáng, không được thoát li văn bản tác phẩm.
* Yêu cầu về kiến thức: Trên cơ sở những hiểu biết sâu sắc về bài thơ Vội vàng (Xuân Diệu), kiến thức lí luận văn học (Khái niệm, vai trò của phong cách tác giả), học sinh lí giải được nội dung nêu lên trong đoạn thơ trích trong Hành trình của bầy ong - Nguyễn Đức Mậu. Các em có thể có nhiều cách diễn đạt, suy nghĩ khác nhau song cần hợp lí, chặt chẽ, có sức thuyết phục.
Sau đây là một số gợi ý:
a. Giải thích ý thơ:
- Từ hành trình của bầy ong đi làm mật, bài thơ khơi gợi hành trình sáng tạo nghệ thuật của người nghệ sĩ: Từ tiếp nhận và phản ánh hiện thực một cách cần mẫn, say mê(chắt chiu vị ngọt mùi hương/ Lặng thầm thay những con dường ong bay) cho đến trải nghiệm , sáng tạo miệt mài của người nghệ sĩ để tạo nên những tác phẩm có giá trị, lưu giữ vẻ đẹp cho cuộc đời (Trải qua mưa nắng vơi đầy/Men trời đất đủ làm say đất trời / Bầy ong giữ hộ cho người / Những mùa hoa đã tàn phai tháng ngày)
b. Suy nghĩ về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ và cảm nhận về những mùa hoa mà Xuân Diệu giữ lại cho cuộc đời qua tác phẩm Vội vàng
- Suy nghĩ về quá trình sáng tạo của người nghệ sĩ:
- Sáng tác nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng là một quá trình sáng tạo đặc biệt, đòi hỏi công phu và sáng tạo của người nghệ sĩ trong phản ánh hiện thực. Tựa như cánh ong đi tìm mật, người nghệ sĩ không ngừng tìm cho mình nguồn đề tài, cảm hứng, tích lũy vốn sống ...và chắt lọc hiện thực. Đây cũng là quan niệm của nhà thơ Chế Lan Viên:
Nhà thơ như con ong biến trăm hoa thành một mật
Một giọt mật thành, đòi vạn chuyến ong bay
Nay rừng nhãn non Đoài, mai vườn cam xứ Bắc,
Ngọt mật ở đồng bằng mà hút nhị tận miền Tây
(Tuyển tập Chế Lan Viên, Ong và mật, NXB Văn học, 1985)
- Những trải nghiệm trong cuộc đời cùng tâm hồn, tài năng và lao động nghệ thuật miệt mài đã giúp các tác giả tạo nên những tác phẩm chân chính. Đây là kết quả cuối cùng, là thứ mật ngọt ngào ấy, các nhà văn đã giữ hộ cho muôn đời, muôn người những mùa hoa và hơn thế nữa, thể hiện dấu ấn sáng tạo của mình (Ở cả hai phương diện nội dung và hình thức biểu đạt).Trong Đời thừa, Nam Cao viết: Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu văn mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những cái gì chưa có.
- Cảm nhận về những mùa hoa qua tác phẩm Vội vàng:
- Với vội vàng , Xuân Diệu đại diện cho thế hệ của mình đã cất lên tiếng nói mãnh liệt nhất của cái tôi thơ Mới, thể hiện một cách ấn tượng nhất những cách tân nghệ thuật. Bài thơ chính là kết quả của hành trình trăntrở, suy tư và bứt phá về lẽ sống, về nghệ thuật.
- Nhìn cuộc đời bằng cặp mắt xanh non, biếc rờn, Xuân Diệu cho người đọc chiêm ngưỡng một bức tranh cuộc sống thấm đẫm hương vị tình yêu; Vội vàng chính là tuyên ngôn mãnh liệt về triết lí sống vội vàng, hối hả tận hưởng tuổi trẻ và hạnh phúc của một người không chấp nhận quẩn quanh, tù túng trong ao đời phẳng lặng; không chỉ quan niệm thời gian tuyến tính của các nhà thơ mới, Xuân Diệu cũng đẩy thời gian lên như một nỗi ám ảnh khổng lồ, để luôn nhận thấy sự phai tàn trong vạn vật, để tự giục giã mình Mau với chứ, vội vàng lên với chứ...
- Thể thơ tự do cùng cách biểu đạt mới mẻ, độc đáo cho người đọc ấn tượng thật rõ nét về một nhà thơ Mới nhất trong các nhà thơ Mới
c. Đánh giá chung
- Đoạn thơ khơi gợi, đề cao vai trò quan trọng mang tính quyết định, những phẩm chất cao quý của người nghệ sĩ trong quá trình sáng tạo nghệ thuật; Vội vàng của Xuân Diệu là minh chứng cho những kết tinh trong hành trình sáng tạo nghệ thuật của nhà văn, góp phần làm cho hương vị ngọt ngào của những mùa hoa bất tử trước thời gian.
- Hành trình mang đặc thù của sáng tạo văn chương không chỉ đặt ra vấn đề phẩm chất, tài năng của nhà văn chân chính mà còn đặt ra yêu cầu đối với người tiếp nhận: hiểu, trân trọng những giá trị tinh thần cao quý của người sáng tác.
Cách cho điểm:
- Điểm 11-12: Hiểu sâu vấn đề, khai thác ý phong phú, đúng hướng; trình bày mạch lạc, dẫn chứng hợp lí, rõ ràng, thuyết phục, có sáng tạo; hành văn trong sáng, có cảm xúc, hình ảnh.
- Điểm 9-10: Đáp ứng được phần lớn các yêu cầu trên, hành văn trong sáng, mạch lạc, dẫn chứng hợp lí.
- Điểm 7-8: Khai thác ý khá tốt, giải quyết được 2/3 yêu cầu về nội dung. Diễn đạt mạch lạc, hành văn ít mắc lỗi.
- Điểm 5-6: Khai thác được khoảng ½ yêu cầu về nội dung, diễn đạt được.
- Điểm 3-4: Sa vào diễn xuôi bài thơ, phân tích, chứng minh sơ sài, còn mắc lỗi diễn đạt.
- Điểm dưới 3: Còn non kém về nhiều mặt, lúng túng trong việc giải quyết vấn đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt.