Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12
Để đạt được kết quả cao trong kỳ thi học sinh giỏi, các bạn học sinh đừng quên tham khảo: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 Sở GD&ĐT Quảng Bình năm học 2016 - 2017. Đề thi giúp các bạn làm quen với các dạng câu hỏi, cấu trúc đề thi. Đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho quý thầy cô và các bạn học sinh.
Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017
SỞ GD & ĐT QUẢNG BÌNH | KÌ THI CHỌN HSG TỈNH NĂM HỌC 2016 - 2017 KHÓA NGÀY 22 - 03 - 2017 Môn: Ngữ văn lớp 12 Thời gian: 180 phút (không kể thời gian giao đề) |
Câu 1 (4,0 điểm)
Có người cho rằng: Ta hãy học theo cách của dòng sông nhìn thấy núi thì đi đường vòng, nhưng lại có ý kiến khác: Trong rừng có rất nhiều lối đi, ta chọn lối đi chưa có dấu chân người.
Suy nghĩ của anh (chị) về những ý kiến trên.
Câu 2 (6,0 điểm)
Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ ý kiến sau:
Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình. Nhưng....tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa thì cũng không thể vượt ra ngoài các quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản.
(Lã Nguyên – Về tác gia và tác phẩm, NXBGD)
Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12
A. HƯỚNG DẪN CHUNG:
- Giám khảo căn cứ vào nội dung triển khai và mức độ đáp ứng các yêu cầu về kĩ năng để cho từng ý điểm tối đa hoặc thấp hơn. Khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.
- Có thể cho điểm toàn bài như sau: 0; 0,25; 0,5; 0,75....đến tối đa là 10.
B. HƯỚNG DẪN CỤ THỂ:
Câu 1 (4,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội; bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng, được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách trình bày khác nhau nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau:
1. Giải thích:
- Dòng sông khi gặp núi thì đi đường vòng: ý nói khi con người gặp khó khăn, trở ngại nên tìm hướng đi khác dễ dàng hơn.
- Chọn lối đi chưa có dấu chân người: dũng cảm, dám khám phá cái mới, dám đương đầu với thử thách.
- Bằng cách nói hình ảnh, hai ý kiến nêu lên những bài học về lẽ sống: cách sống linh hoạt, khôn khéo; cách sống dũng cảm, mạo hiểm.
2. Bàn luận:
- Trong cuộc sống, chúng ta luôn phải đối đầu với những khó khăn, trắc trở. Hoàn cảnh, tính cách buộc mỗi người phải có sự lựa chọn ứng xử khác nhau.
- Đứng trước khó khăn, trở ngại quá lớn, con người đôi khi phải chọn đường vòng dẫu mất nhiều thời gian, công sức. Đây là cách lựa chọn linh hoạt, mềm dẻo giúp ta đạt được kết quả tốt đẹp. Nếu liều lĩnh dấn tới, đâm đầu vào núi, có thể sẽ chuốc lấy thất bại.
- Nhưng trước nhiều con đường, có lúc chúng ta cũng cần phải biết mạo hiểm, dũng cảm, sáng tạo, tìm cho mình một lối đi riêng. Lối đi ấy có thể giúp ta đến đích nhanh nhất, biến ước mơ thành hiện thực. Nếu thất bại, đó cũng là bài học quý giá cho thành công tiếp theo.
3. Bài học nhận thức và hành động:
- Hai ý kiến trên bổ sung cho nhau, chỉ ra những cách thức khác nhau để giúp chúng ta đạt được thành công trong cuộc sống.
- Chúng ta có lúc cần phải biết linh hoạt, mềm dẻo, có lúc cần mạo hiểm, sáng tạo. Tuy nhiên khôn khéo, cẩn trọng nhưng không ỷ lại, hèn nhát, mạo hiểm không có nghĩa là liều lĩnh, thấy chết mà vẫn lao vào.
* Lưu ý: Trong quá trình triển khai, học sinh phải biết lấy dẫn chứng phù hợp để làm sáng tỏ vấn đề.
Câu 2 (6,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học ; bố cục và cách trình bày hợp lí.
- Hệ thống ý (luận điểm) rõ ràng, được triển khai tốt.
- Diễn đạt suôn sẻ; mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.
Yêu cầu về nội dung:
Học sinh có thể có những suy nghĩ và cách trình bày khác nhau nhưng về cơ bản cần hướng đến những nội dung chủ yếu sau:
1. Giải thích:
- Con đường riêng: chỉ cách thức khác nhau trong lao động sáng tạo văn học nghệ thuật của người nghệ sĩ.
- Quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản: là những giá trị văn học (nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ....) có khả năng nhân đạo hóa con người. Đó là bản chất mang ý nghĩa nhân văn muôn đời của văn học.
- Ý kiến khẳng định vai trò của hướng đi riêng trong khám phá, sáng tạo nhưng đích đến muôn đời của văn chương vẫn là chân thiện mĩ, nhân bản.
2. Bàn luận:
- Mỗi nghệ sĩ có thể đến với văn chương và cuộc đời bằng con đường riêng của mình, bởi vì:
- Đặc trưng của văn học là lĩnh vực sáng tạo. Đứng trước hiện thực phong phú, mỗi nghệ sĩ có những cảm xúc, suy ngẫm, lí giải khác nhau, chọn những mảng đề tài khác nhau, cách xử lí khác nhau.
- Lựa chọn con đường riêng sẽ tạo ra sự đa dạng, mới lạ trong sáng tạo nghệ thuật, khẳng định được vị trí, phong cách của nhà văn.
[Học sinh lấy dẫn chứng làm sáng tỏ]
- Tư duy nghệ thuật dù có đổi mới đến đâu đi nữa cũng không thể vượt ra ngoài quy luật của chân thiện mĩ, quy luật nhân bản, bởi vì:
- Chân thiện mĩ, nhân bản là đích hướng đến, tâm điểm của mọi khám phá sáng tạo nghệ thuật.
- Quy luật chân thiện mĩ, nhân bản có khả năng soi rọi cho người đọc ánh sáng của lí tưởng, khơi gợi tình yêu cuộc sống, nuôi dưỡng sự đồng cảm, bồi đắp và thanh lọc tâm hồn con người....làm cho người gần người hơn.
[Học sinh lấy dẫn chứng làm sáng tỏ]
3. Nâng cao:
- Văn học khuyến khích người nghệ sĩ đổi mới, cách tân nhưng cần có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giữa dấu ấn riêng và giá trị chung.
- Yêu cầu đối với người nghệ sĩ trong sáng tác phải là nhà nhân đạo từ trong cốt tủy, phải có sự trải nghiệm sâu sắc, đứng trên lập trường nhân sinh vì con người.