Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12

Nhằm hỗ trợ các bạn học sinh đang chuẩn bị cho kì thi học sinh giỏi có thêm nhiều tài liệu học tập và luyện thi, thư viện đề thi VnDoc xin giới thiệu đến các bạn: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017. Hi vọng rằng, thông qua việc giải đề thi này sẽ giúp được các bạn học sinh quen dần với cấu trúc của đề thi, nâng cao kĩ năng giải đề thi và học thêm được nhiều kiến thức.

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Nguyễn Duy Thì, Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017 (Lần 1)

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Quảng Bình năm học 2015 - 2016

Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 sở GD&ĐT Vĩnh Phúc năm 2015 - 2016

Mời làm: Đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12 tỉnh Vĩnh Phúc năm học 2016 - 2017 Online

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚCKỲ THI CHỌN HSG LỚP 12 THPT NĂM HỌC 2016 - 2017
ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN
Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề

Câu 1. (3,0 điểm)

Suy nghĩ của anh/chị về ý kiến: Ai cũng là thợ rèn số phận của chính mình.

Câu 2. (7,0 điểm)

Cảm hứng về đất nước qua các đoạn trích Đất Nước (trích Mặt đường khát vọng) - Nguyễn Khoa Điềm, Người lái đò sông Đà - Nguyễn Tuân, Ai đã đặt tên cho dòng sông? - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

(SGK Ngữ văn 12, Tập một, NXB Giáo dục, 2014)

Đáp án đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn lớp 12

A. YÊU CẦU CHUNG

  • Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.
  • Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.
  • Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

B. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (3,0 điểm)

1. Về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.
  • Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Về kiến thức:

Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ khác nhau, nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a. Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề

b. Giải thích ý kiến

  • Ai cũng là thợ rèn số phận của chính mình. Người làm nghề chế tạo các vật dụng, công cụ sản xuất bằng kim loại. Chịu đựng gian khổ, vất vả, bằng tài năng và kỹ thuật, tình yêu và lòng kiên trì làm nên những sản phẩm đẹp và có giá trị sử dụng.
  • Người thợ rèn số phận của chính mình: Mỗi người cần trải qua vất vả, gian nan để nỗ lực, kiên trì làm nên số phận, nghĩa là cuộc sống, hạnh phúc của chính mình. Mỗi người tự làm mới mình để cuộc đời mình thêm giá trị, để sống tốt và hữu ích.

c. Bàn luận, mở rộng vấn đề

  • Người thợ rèn lựa chọn công việc nặng nhọc, đối mặt với lửa đỏ, nước lạnh, dùng nhiều sức lực để tạo nên nhiều sản phẩm to nhỏ, tinh xảo và vô cùng giá trị cho con người. Công việc đòi hỏi sức khỏe, sự dẻo dai, nghị lực và đam mê của người thợ. Nhưng để có sản phẩm tuyệt vời hơn người khác, thợ rèn còn cần chút khéo léo, bí quyết gia truyền và nhiệt huyết. Từ một miếng sắt thô sơ, nhờ quyết tâm và chí hướng, người thợ rèn đã chế tạo được cây kim nhỏ bé, cây dao,...vô cùng tiện ích và tinh xảo sống mãi với con người và thời gian. Thợ rèn làm nên những số phận các vật dụng đủ kích cỡ và chủng loại, đủ hình thù và chất liệu, đủ công năng thiết yếu cho con người. Người thợ giỏi sẽ làm ra sản phẩm tốt nhất, dùng được lâu nhất.
  • Con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành trải một quá trình lâu dài. Chịu nhiều tác động bên ngoài tự nhiên và xã hội, con người tự hình thành và phát triển theo bản năng giống nòi. Số phận và tương lai của mỗi người lại phụ thuộc vào chính suy nghĩ, hành động và mục đích sống của chính bản thân. Mỗi người lại chính là người thợ rèn số phận của mình. Con người tự làm nên và quết định mình là ai và mình có cuộc sống thế nào, tương lai thế nào?
  • Người nghĩ đúng và làm đúng như người thợ rèn, chịu đựng và chấp nhận tất cả nóng, mệt, gian khổ và khó khăn để quai búa mãi, cắt gọt mãi cuối cùng sẽ làm nên một sản phẩm ưng ý, hữu ích. Người nào dám đương đầu với cực nhọc, vất vả và khó khăn để tự rèn luyện, để chấp nhận đau đớn và khổ sở, chấp nhận thử thách để tạo cho mình những hiểu biết, khả năng thích nghi và nghị lực sống, người đó sẽ thành công, sẽ đủ bản lĩnh tận hưởng chiến thắng. Họ tự làm nên số phận và hạnh phúc theo ý muốn nên thật tuyệt vời.
  • Người mau chóng nản lòng và buông xuôi, đầu hàng khó nhọc, nhụt chí và trông chờ may rủi số phận, cuối cùng anh ta chỉ làm nô lệ cho cuộc đời nhàm chán và không hạnh phúc. Số phận của người sống thỏa hiệp, bằng lòng với những gì sẵn có, nhàn nhã và êm đềm suốt cuộc đời. Hạnh phúc nhỏ bé, tầm thường.
  • Người chấp nhận lao vào gian khổ thử thách, hăng hái rèn luyện nhưng lại thiếu kiên trì, thiếu cần cù và quyết tâm, hay nản chí và dễ bỏ dở nửa chừng sẽ không thể làm được sản phẩm tốt, sẽ làm cuộc đời mình thêm khổ và rắc rối. Người thợ rèn thiếu ham mê và không đủ lòng tin sẽ biến số phận của mình thành sản phẩm dở dang bi quan và mệt mỏi, hạnh phúc trở nên mỏng manh.
  • Mỗi người có một số phận và con đường đến tương lai khác nhau. Nhưng số phận đó, con đường đó là do chính tự bản thân mình lựa chọn và quyết định. Trong cuộc sống, bất kể ai sống và làm việc cũng phải luôn có cái tâm, làm điều ác thì cuối cùng cũng phải trả giá. Khi làm bất cứ việc gì cũng phải cần cù, kiên nhẫn...Chính chúng ta là người thợ rèn làm nên cuộc sống của mình.

d. Bài học nhận thức và hành động

  • Việc tự rèn luyện, tự đổi mới để trở thành người có ích và hạnh phúc.
  • Yếu tố quan trọng, quyết định là ở mỗi người, ở việc trau dồi ý thức làm người. Các yếu tố xã hội, môi trường tự nhiên...đều cần thiết.

Câu 2 (7,0 điểm)

1. Về kĩ năng:

  • Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.
  • Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.
  • Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

2. Về kiến thức:

Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:

a. Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề

b. Giải thích

* Giải nghĩa ý kiến:

  • Cảm hứng thể hiện những tâm trạng, tâm lí, cảm xúc, tình cảm rung động trước một hiện thực trong cảnh huống xác định. Cảm hứng trong sáng tác văn học là cảm xúc và hứng thú, tạo điều kiện để óc tưởng tượng, sáng tạo, khám phá những giá trị của đời sống và con người.
  • Cảm hứng về đất nước trong văn học chính là những rung cảm, những hiểu biết, những niềm vui tự hào, ngợi ca và xót xa đau thương về quê hương, đất nước Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và tương lai.
  • Văn học Việt Nam hiện đại thế kỷ XX đã thể hiện thành công cảm hứng về đất nước trong nhiều tác phẩm. Các nhà thơ, nhà văn đã bày tỏ chân thành cảm xúc về chiều sâu văn hóa, về lịch sử cội nguồn, về danh thắng và vẻ hùng vĩ tươi đẹp của xứ sở quê hương.
  • Các tác phẩm Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm, Người lái đò sông Đà của Nguyễn Tuân, Ai dã đặt tên cho dòng sông?của Hoàng Phủ Ngọc Tường tuy khác nhau về thể loại nhưng đã góp phần làm sâu sắc thêm cảm hứng về đất nước Việt Nam.

c. Phân tích, bình luận qua 3 tác phẩm.

(Thí sinh có thể so sánh trên nét chung và riêng hoặc theo từng tác phẩm)

* Những sự gặp gỡ cảm hứng về đất nước trong 3 tác phẩm (2,0 điểm)

(Cách này bài viết ngắn gọn và hấp dẫn nhưng đòi hỏi kỹ năng tổng hợp và khái quát tốt)

  • Cảm hứng về đất nước mang tư tưởng mới, cách nhìn mới và hiện đại. Ra đời trong thời kỳ chủ nghĩa yêu nước mang âm hưởng chủ nghĩa anh hùng cách mạng cuối thế kỷ XX. Đất nước được khám phá rộng lớn và toàn diện hơn, sâu sắc hơn.
    • Bức tranh chân thực về thiên nhiên hùng vĩ nhưng vô cùng trữ tình, thơ mộng. Chiều dài chiều rộng, quá khứ hiện tại và tương lai, cảnh đẹp và giàu có với dòng sông Đà, sông Hương, với danh thắng từ Bắc vào Nam đí đâu cũng thấy. Cảm hứng khám phá và ngợi ca bao trùm các chi tiết hình ảnh và ngôn ngữ.
    • Bức tranh về lịch sử hào hùng, oanh liệt. Mỗi tác phẩm đều khơi lại cảm xúc vừa đau thương vừa tự hào về lịch sử dụng và giữ nước. Nguyễn Tuân vẽ lại cuộc kháng chiến chống Pháp vẻ vang, dựng lại những con thuyền đuôi én thời Lý Trần; Nguyễn Khoa Điềm tái hiện 4000 năm lịch sử; Hoàng Phủ Ngọc Tường gắn sông Hương với truyền thống lịc sử văn hóa cố đô và đánh giặc ngoại xâm...
  • Tác phẩm nào cũng tràn đầy cảm xúc yêu thương, tự hào; tràn đầy nguồn cảm xúc nên giàu hình ảnh, nhạc điệu; giàu triết lý suy tưởng; giàu sức gợi cảm và lôi cuốn. Mỗi tác phẩm như bức tranh lụa đẹp rực rỡ sắc màu và đường nét được vẽ tạo bằng thứ ngôn ngữ văn chương tài hoa nghệ thuật. Giá trị nội dung và nghệ thuật của ba tác phẩm viết về đất nước rất lâu dài: Đất nước trừu tượng trở nên gần gũi và thân thiết, gắn bó với mọi người

* Những phát hiện và sáng tạo khi viết về đất nước của mỗi tác phẩm: (2,0 điểm). TS thể hiện hiểu biết về tác phẩm gắn với cảm hứng về đất nước.

  • Tùy bút Người lái đò sông Đà đã lấy cảm hứng về con sông Đà thơ mộng trữ tình và hung bạo để khai thác đề tài về quê hương đất nước.Nhà văn đễ khám phá vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc, thứ vàng mười đã qua thử lửa theo thủy trình với vẻ đẹp hoang sơ và dữ dội. Những ghềnh thác, hút nước trên sông; những bờ bãi như nỗi niềm cổ tích ấu thơ; những cảnh đẹp nên thơ được nhìn từ nhiều góc độ và suy tưởng đan xen quá khứ, hiện tại và cả tương lai tạo nên dòng sông...như một cố nhân, như người đàn bà kiều diễm với mái tóc trữ tình làm nên trang sử vàng của miền Tây tổ quốc...Người lái đò trí dũng và người nghệ sĩ chinh phục thác dữ, chinh phục thiên nhiên và gắn bó đời đời với con sông Đà. Trang văn câu từ mượt mà, sống động và vốn hiểu biết phong phú, cùng với tài năng, tâm huyết của nhà văn bậc thầy thể tùy bút đã góp phần làm sống dậy tình yêu và niềm tự hào về đất nước và con người nơi đây. (dẫn chứng chọn lọc, minh họa)
  • Chương V của trường ca Mặt đường khát vọng được viết trong những năm tháng ác liệt của chiến trường Bình Trị Thiên lại khám phá Đất Nước theo cảm nhận của người thanh niên thời đại mới gắn với câu chuyện tình yêu lứa đôi. Đất nước bắt đầu với những gì quen thuộc và bình dị, thân thương và thiêng liêng suốt chiều dài lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước. Sự mới lạ và độc đáo khi khám phá đát nước chính là tư tưởng đất nước của nhân dân, của ca dao thần thoại, của cá nhân góp tài năng và sức lực làm nên dáng hình xứ sở với bao nhiêu tình yêu mến thương...Cảm hứng trữ tình riêng tư hòa hợp với cảm hứng chính trị, chương Đất Nước đã có nhiều phát hiện thú vị trên nhiều phương diện địa lý, phong tục, lịch sử và văn hóa dân gian. Ngôn ngữ chính luận trở nên mềm mại, chất tự sự kết hợp cảm xúc chân thành, đằm thắm; hình ảnh thơ lạ và thể thơ tự do tạo nên sức hấp dẫn lôi cuốn lớp thanh niên miền Nam vùng tạm chiếm nhờ sắc điệu tình yêu lứa đôi hòa quyện tình yêu tổ quốc. Hạnh phúc của anh và em chính là trách nhiệm đấu tranh giải phóng quê hương, xây dựng đất nước giàu đẹp, bền vững. (dẫn chứng chọn lọc, minh họa)
  • Bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông? đã góp thêm và hoàn thiện cảm hứng về đất nước. Áng văn xuôi lung linh sắc màu ngôn từ nghệ thuật, giàu hình ảnh và nhạc điệu thể hiện tình yêu và tự hào về dòng sông Hương. Nhà văn đã rút ruột tình cảm riêng với con sông vang bóng chảy qua cố đô cổ kính và linh thiêng của các triều đại phong kiến để trở về với hiện tại soi hình dáng cầu Trường Tiền. Người khách thảng thốt về tên con sông đẹp và quyến rũ từ thượng nguồn uốn lượn, hiền hòa với những đường cong mềm mại, tình từ như người con gái trẻ trung chảy qua lăng tẩm cổ xưa và màu xanh cây trái. Cảm hứng tự hào về dòng Hương giang đẹp được tay bút hào hoa, viết bằng cả trái tim thể hiện trong lối văn phóng khoáng, trong cảm xúc trữ tình và liên tưởng tình tứ bất ngờ. (dẫn chứng chọn lọc, minh họa)

d. Đánh giá, nâng cao vấn đề

  • Cảm hứng về đất nước trở thành cảm hứng lớn và mãnh liệt đã được thể hiện sinh động và hấp dẫn trong nhiều sáng tác văn học cách mạng sau 1945.
  • Ba tác phẩm (...) giàu chất nhạc, chất họa, thể hiện tài năng của các tác giả trong việc sử dụng ngôn từ nghệ thuật để khám phá vẻ đẹp mới lạ và thiêng liêng về đất nước.
  • Bài học về trách nhiệm người cầm bút và người tiếp nhận khi thể hiện tình yêu đất nước, con người và cuộc sống.
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm