Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2) là đề thi thử đại học môn Sử có đáp án đi kèm. Đề thi bám sát với cấu trúc ra đè của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hi vọng sẽ giúp các em học sinh ôn thi THPT Quốc gia môn Sử 2016 hiệu quả, đạt kết quả cao trong kỳ thi sắp tới.

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Toán tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2)

Đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Ngữ văn tỉnh Vĩnh Phúc (Lần 2)

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

(Đề thi gồm 01 trang)

ĐỀ KTCL ÔN THI THPT QUỐC GIA LẦN 2

NĂM HỌC 2015 - 2016

Môn: LỊCH SỬ

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian phát đề

Câu 1 (2,0 điểm)

Trình bày và nhận xét về nhiệm vụ cách mạng; lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh chính trị (đầu năm 1930) của Đảng cộng sản Việt Nam và Luận cương chính trị (10/1930) của Đảng cộng sản Đông Dương.

Câu 2 (3,0 điểm)

Trong hai năm 1951, 1960 đã diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng nào của cách mạng Việt Nam? Phân tích ý nghĩa lịch sử các sự kiện đó. Anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Câu 3 (2,0 điểm)

Quân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã giành được những thắng lợi to lớn như thế nào trên mặt trận quân sự trong cuộc chiến đấu chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" của Mĩ (1969-1973)?

Câu 4 (3,0 điểm)

Hoàn cảnh ra đời, mục tiêu, quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Người dân Việt Nam được hưởng những lợi ích gì từ Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)?

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia năm 2016 môn Lịch sử

Câu 1 (2,0 điểm) Trình bày và nhận xét về nhiệm vụ cách mạng; lực lượng cách mạng trong Cương lĩnh chính trị (đầu năm 1930) của Đảng cộng sản Việt Nam và Luận cương chính trị (10/1930) của Đảng cộng sản Đông Dương.

a. Về nhiệm vụ cách mạng:

  • Cương lĩnh chính trị đầu tiên:
    • Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do; lập chính phủ công nông binh; tổ chức quân đội công nông.... Tiến hành cách mạng ruộng đất...
    • Nhận xét: Cương lĩnh đã nêu nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến có mối quan hệ mật thiết với nhau nhưng nhiệm vụ chống đế quốc và tay sai được đặt lên hàng đầu. Đó là một luận điểm đúng đắn vì đã phản ánh đúng hai mâu thuẫn cơ bản trong xã hội Việt Nam lúc đó là mâu thuẫn dân tộc và mâu thuẫn giai cấp, trong đó mâu thuẫn dân tộc là chủ yếu nhất.
  • Luận cương chính trị tháng 10/1930:
    • Hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng là đánh đổ phong kiến và đánh đổ đế quốc có quan hệ khăng khít với nhau.
    • Nhận xét: Luận cương đã đề cập những vấn đề chiến lược của cách mạng giải phóng dân tộc. Tuy nhiên, Luận cương chưa nhận thức rõ mâu thuẫn của xã hội Đông Dương là mâu thuẫn dân tộc, không đưa ngọn cờ giải phóng dân tộc lên hàng đầu.

b. Lực lượng cách mạng:

  • Cương lĩnh chính trị đầu tiên:
    • Cương lĩnh chính trị đầu tiên: Lực lượng cách mạng là công nhân, nông dân, tiểu tư sản, trí thức. Đối với phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản phải lợi dụng hoặc trung lập.
    • Nhận xét: Cương lĩnh chủ trương tập hợp mọi lực lượng yêu nước trong xã hội Việt Nam, thể hiện tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, qua đó huy động được sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp cứu nước.
  • Luận cương chính trị:
    • Luận cương chính trị tháng 10/1930: động lực cách mạng là công nhân, nông dân.
    • Nhận xét: Luận cương chính trị không thấy được khả năng cách mạng của tiểu tư sản, khả năng chống đế quốc của tư sản dân tộc, khả năng phân hóa và lôi kéo một bộ phận địa chủ vừa và nhỏ đi theo cách mạng.

Câu 2 (3,0 điểm) Trong hai năm 1951, 1960 đã diễn ra những sự kiện chính trị quan trọng nào của cách mạng Việt Nam? Phân tích ý nghĩa lịch sử các sự kiện đó. Anh/chị có suy nghĩ gì về vai trò của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

a. Nêu và phân tích ý nghĩa lịch sử các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong năm 1951, 1960:

  • Trong năm 1951:
    • Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2 năm 1951 tại Chiêm Hóa- Tuyên Quang. Đại hội đề ra đường lối đấu tranh cho thời kì mới, là đại hội kháng chiến thắng lợi...
    • Ý nghĩa: là thắng lợi chính trị quan trọng của cuộc kháng chiến, có tác dụng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến. Đánh dấu bước phát triển mới trong quá trình trưởng thành và lãnh đạo cách mạng của Đảng ta, là "Đại hội kháng chiến thắng lợi".
  • Trong năm 1960:
    • Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng tháng 9 năm 1960 tại Hà Nội. Đại hội đã đề ra đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà...
    • Ý nghĩa: Nghị quyết của Đại hội đã làm rõ những vấn đề chủ yếu của cách mạng Việt Nam ở cả hai miền Nam – Bắc: xác định đường lối tiến hành đồng thời hai chiến lược cách mạng ở hai miền... Đại hội đại biểu toàn quốc lần III của Đảng là "nguồn ánh sáng mới, lực lượng mới cho toàn Đảng, toàn dân ta xây dựng thắng lợi CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà."
    • Ngày 20/12/1960 Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm chủ tịch. Mặt trận chủ trương đoàn kết toàn dân đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược và chính quyền Ngô Đình Diệm, thành lập chính quyền cách mạng dưới hình thức những ủy ban nhân dân tự quản...
    • Ý nghĩa: Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời đã tập hợp rộng rãi nhân dân miền Nam vào cuộc đấu tranh chống Mĩ và chính quyền Sài Gòn.

b. Trình bày suy nghĩ của cá nhân về vai trò của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc:

  • Học sinh có thể trình bày suy nghĩ của mình về vai trò của Đảng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc theo cách khác nhau, nhưng cần khẳng định được vai trò lãnh đạo cuả Đảng đứng đầu là Hồ Chủ Tịch là nhân tố bao trùm, quan trọng hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng...

Câu 3 (2,0 điểm) Quân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã giành được những thắng lợi to lớn như thế nào trên mặt trận quân sự trong cuộc chiến đấu chống chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" và "Đông Dương hoá chiến tranh" của Mĩ (1969-1973)?

  • Từ 30 tháng 4 đến 30 tháng 6-1970, quân đội Việt Nam có sự phối hợp của quân dân Campuchia đã đập tan cuộc hành quân xâm lược Campuchia của 10 vạn quân Mĩ và Ngụy Sài Gòn, tiêu hao nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai rộng lớn, đông dân.
  • Từ 12-2 đến 23-3-1971, quân dân ta có sự phối hợp chiến đấu của quân dân Lào đã đập tan cuộc hành quân mang tên "Lam Sơn 719" chiếm giữ đường 9 Nam Lào của 4,5 vạn quân Mĩ và quân đội Sài Gòn, buộc quân Mĩ và quân đội Sài Gòn phải rút khỏi đường 9-Nam Lào giữ vững hành lang chiến lược của cách mạng Đông Dương.
  • 30-3-1972, quân ta mở cuộc tiến công chiến lược, lấy Quảng Trị làm hướng tiến công chiến lược chủ yếu, bên cạnh các hướng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, rồi phát triển rộng ra khắp chiến trường miền Nam. Đến cuối tháng 6-1972, quân ta đã chọc thủng ba phòng tuyến mạnh nhất của địch là Quảng Trị, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ...
  • Quân và dân miền Bắc chiến đấu đánh bại chiến tranh phá hoại lần hai của đế quốc Mĩ bắt đầu ngày 6-4-1972... đỉnh cao là chiến thắng "Điện Biên Phủ trên không" trong 12 ngày đêm cuối năm 1972...đập tan ý đồ của Mĩ muốn dùng thắng lợi quân sự quyết định trên chiến trường để có thắng lợi trên bàn đàm phán...
  • Những thắng lợi trên của quân dân 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia đã làm thất bại căn bản chiến lược Việt nam hóa chiến tranh và Đông Dương hóa chiến tranh của đế quốc Mĩ, khẳng định tình đoàn kết chiến đấu của quân dân 3 nước Đông Dương là nhân tố đảm bảo thắng lợi cách mạng mỗi nước.

Câu 4 (3,0 điểm) Hoàn cảnh ra đời, mục tiêu, quá trình phát triển của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Người dân Việt Nam được hưởng những lợi ích gì từ Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 (AEC)?

a. Hoàn cảnh ra đời:

  • Sau khi giành độc lập, các nước Đông Nam Á bước vào thời kì phát triển kinh tế trong điều kiện rất khó khăn, nhiều nước trong khu vực thấy cần có sự hợp tác với nhau để cùng phát triển.
  • Đồng thời, họ cũng muốn hạn chế những ảnh hưởng của các cường quốc bên ngoài đối với khu vực, nhất là khi cuộc chiến tranh xâm lược của Mĩ ở Đông Dương đang bị sa lầy và thất bại là không tránh khỏi.
  • Hơn nữa trên thế giới những tổ chức hợp tác mang tính khu vực xuất hiện ngày càng nhiều, những thành công của khối thị trường chung châu Âu đã cổ vũ các nước Đông Nam Á liên kết với nhau.
  • Ngày 8-8-1967, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) được thành lập tại Băng Cốc (Thái Lan) với sự tham gia của năm nước: Inđônêxia, Malaixia, Xingapo, Thái Lan và Philippin.

b. Quá trình phát triển:

  • Giai đoạn: 1967-1975: ASEAN là một tổ chức non yếu, hợp tác lỏng lẻo, chưa có vị trí trên trường quốc tế.
  • Tháng 2-1976 tại hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ nhất họp tại Bali (Inđônêxia), Hiệp ước Bali được kí kết xác định nguyên tắc cơ bản trong quan hệ giữa các nước.
  • Sau hiệp ước Bali, ASEAN có sự khởi sắc. Hiệp ước Bali đã mở ra thời kỳ mới trong quan hệ giữa các nước thành viên và giữa ASEAN với các nước trong khu vực. Quan hệ giữa các nước Đông Dương và ASEAN được cải thiện..
  • ASEAN có điều kiện mở rộng và kết nạp thêm các nước thành viên: năm 1984, Brunây gia nhập và trở thành thành viên thứ 6 của ASEAN. Năm 1992 Việt Nam và Lào tham gia Hiệp ước Bali. Việt Nam được kết nạp thành thành viên thứ 7 (1995), Lào và Mianma (1997), Campuchia (1999). Như vậy, ASEAN từ 5 nước sáng lập ban đầu đã phát triển thành 10 nước thành viên hợp tác ngày càng chặt chẽ về mọi mặt. Từ đây ASEAN có điều kiện đẩy mạnh hoạt động hợp tác về kinh tế, xây dựng ĐNA thành khu vực hòa bình, ổn định cùng phát triển.
  • 11/2007: Hội nghị cấp cao ASEAN lần 13 đã kí kết bản hiến chương ASEAN nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN có vị trí cao hơn và hiệu quả hơn

c. Mục tiêu: Phát triển kinh tế và văn hóa thông qua những nỗ lực hợp tác chung giữa các nước thành viên, trên tình thần duy trì hòa bình và ổn định khu vực.

d. Học sinh trình bày một số hiểu biết của bản thân về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Tuy nhiên cần trình bày được một số nét cơ bản sau đây:

  • Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thông qua vào ngày 31/12/2015. Sự ra đời của AEC tạo ra cả cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
  • Người dân Việt Nam được hưởng một số lợi ích thiết thực: được sống trong môi trường hòa bình, an ninh an toàn, hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, có nhiều lựa chọn về dịch vụ và hàng hóa với giá cả thấp và chất lượng cao hơn, có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm có tay nghề tại các nước ASEAN khác, đi lại thuận tiện hơn trong các nước ASEAN.....Tuy nhiên người dân cũng gặp phải một vài thách thức nhất là phải cạnh tranh về tìm kiếm việc làm có tay nghề...
Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Môn Lịch Sử khối C

    Xem thêm