Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Đối tượng và chính sách tinh giản biên chế

Đối tượng tinh giản biên chế mới nhất

Chính phủ đã có quy định về tinh giản biên chế. Những trường hợp thiếu năng lực, hay dôi dư do cơ cấu lại theo vị trí việc làm... sẽ bị tinh giản biên chế. Nội dung chi tiết mời các bạn tham khảo.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 26/2015/NĐ-CP thì những người thuộc đối tượng hưởng chế độ, chính sách quy định tại Nghị định này là cán bộ quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức mà không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp xã.

Theo đó, những trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức trong biên chế và cán bộ, công chức cấp xã hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp theo quy định của pháp luật (cán bộ, công chức, viên chức) như sau sẽ thuộc đối tượng tinh giản biên chế:

1- Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng, Nhà nước hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

2- Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác;

3- Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn;

4- Có chuyên ngành đào tạo không phù hợp với vị trí việc làm hiện đang đảm nhiệm nên bị hạn chế về năng lực hoàn thành công việc được giao, nhưng không thể bố trí việc làm khác.

5- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cán bộ, công chức được phân loại, đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực hoặc có 1 năm hoàn thành nhiệm vụ nhưng còn hạn chế về năng lực và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp.

6- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, viên chức có 1 năm được phân loại đánh giá xếp vào mức hoàn thành nhiệm vụ và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

7- Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế, mỗi năm có tổng số ngày nghỉ làm việc là số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật Bảo hiểm xã hội, có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả trợ cấp ốm đau theo quy định hiện hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng quy định 5 trường hợp tinh giản biên chế khác bao gồm:

Thứ nhất, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự (đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ) dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ hai, viên chức, người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn tại các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ hoàn toàn về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền hoặc do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự;

Thứ ba, chủ tịch công ty, thành viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng, kiểm soát viên của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu dôi dư do thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên hoặc chuyển thành đơn vị sự nghiệp công lập theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng của các nông, lâm trường quốc doanh dôi dư do sắp xếp lại theo quy định của Nghị định số 170/2004/NĐ-CP, ngày 22/9/2004, Nghị định số 200/2004/NĐ-CP, ngày 3/12/2004;

Thứ tư, những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước, khi thôi làm đại diện phần vốn nhà nước, nhưng không bố trí được vị trí công tác mới;

Thứ năm, những người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho các hội thuộc danh sách dôi dư do sắp xếp lại tổ chức theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Những trường hợp chưa xem xét tinh giản biên chế gồm: những người đang trong thời gian ốm đau có xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; những người đang trong thời gian xem xét kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định của Chính phủ quy định những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế thôi việc ngay được hưởng trợ cấp 3 tháng tiền lương hiện hưởng để tìm việc làm; trợ cấp 1,5 tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội.

Cũng theo Nghị định, những người thuộc đối tượng tinh giản biên chế có tuổi đời dưới 45 tuổi, có sức khỏe, tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật nhưng đang đảm nhận các công việc không phù hợp về trình độ đào tạo, chuyên ngành đào tạo, có nguyện vọng thôi việc, thì được cơ quan, đơn vị tạo điều kiện cho đi học nghề trước khi giải quyết thôi việc, tự tìm việc làm mới, được hưởng các chế độ sau:

  • Hưởng nguyên tiền lương tháng hiện hưởng và được cơ quan, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong thời gian đi học nghề, nhưng thời gian hưởng tối đa là 6 tháng;
  • Được trợ cấp một khoản kinh phí học nghề bằng chi phí cho khóa học nghề tối đa là 6 tháng tiền lương hiện hưởng để đóng cho cơ sở dạy nghề;
  • Sau khi kết thúc học nghề được trợ cấp 3 tháng lương hiện hưởng tại thời điểm đi học để tìm việc làm;
  • Được trợ cấp ½ tháng tiền lương cho mỗi năm công tác có đóng bảo hiểm xã hội;
  • Trong thời gian đi học nghề được tính thời gian công tác liên tục, nhưng không được tính thâm niên để nâng lương hàng năm.

Các đối tượng thôi việc trên được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội và cấp sổ bảo hiểm xã hội hoặc nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội; không được hưởng chính sách thôi việc theo quy định tại Nghị định 46/2010/NĐ-CP và Nghị định 29/2012/NĐ-CP.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức thôi giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được bổ nhiệm, bầu cử vào chức vụ mới có phụ cấp chức vụ lãnh đạo thấp hơn so với phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng, thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo đang hưởng đến hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm, hoặc hết nhiệm kỳ bầu cử. Trường hợp đã giữ chức vụ theo thời hạn được bổ nhiệm, hoặc nhiệm kỳ bầu cử còn dưới 6 tháng, thì được bảo lưu 6 tháng.

Đối tượng nào thuộc diện tinh giản biên chế?

Ông Nguyễn Độ, Phó Giám đốc Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau hỏi, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có thuộc đối tượng thực hiện theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giảm biên chế không? Trường hợp nếu ông thôi việc thì có được hưởng chế độ thôi việc không? Nếu có thì theo quy định nào?

Về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức thì “Công chức là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Theo quy định tại Điều 2 Luật Viên chức thì “Viên chức là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiêp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật”.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương quy định "Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là một tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương; thực hiện chức năng đầu tư tài chính và đầu tư phát triển".

Khoản 11 Điều 1 Nghị định số 37/2013/NĐ-CP ngày 22/4/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 của Chính phủ quy định “Quỹ Đầu tư phát triển địa phương là tổ chức tài chính Nhà nước của địa phương, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách, thực hiện nguyên tắc tự chủ về tài chính, không vì mục đích lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn”.

Công văn số 3999/BTC-TCNH ngày 2/4/2013 của Bộ Tài chính về xác định loại hình hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau, khẳng định “mô hình tổ chức của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương có tính chất đặc thù và không phải là đơn vị sự nghiệp có thu”.

Điều 2 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế quy định đối tượng áp dụng gồm:

"- Cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã;

- Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập;

- Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và theo các quy định khác của pháp luật.

- Chủ tịch công ty, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, kiểm soát viên trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước hoặc do tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội làm chủ sở hữu (không bao gồm Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Kế toán trưởng làm việc theo chế độ hợp đồng lao động).

- Những người là cán bộ, công chức được cơ quan có thẩm quyền cử làm người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vốn nhà nước.

- Người làm việc trong biên chế được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao tại các hội”.

Mặt khác, trước đây UBND tỉnh Cà Mau đã trình Bộ Nội vụ thẩm tra 1 trường hợp tinh giản biên chế tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau nhưng Bộ Nội vụ không đồng ý thực hiện tinh giản biên chế (tại Công văn số 6192/BNV- TCBC ngày 28/12/2016 của Bộ Nội vụ về việc thẩm tra danh sách tinh giản biên chế đợt 1 năm 2017 của tỉnh Cà Mau).

Từ những lý do trên, người làm việc tại Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau không là công chức quy định của Luật Cán bộ, công chức và không là viên chức quy định của Luật Viên chức nên không thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế.

Ngày 24/7/2017, Chủ tịch UBND tỉnh có Công văn số 5733/UBND-NC về việc xác định người quản lý tại Quỹ Đầu tư phát triển. Theo tinh thần Công văn, thống nhất xác định Giám đốc, Phó Giám đốc, Kiểm soát viên và Kế toán trưởng Quỹ Đầu tư phát triển tỉnh Cà Mau không phải là công chức, viên chức; được đánh giá, phân loại, quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm và khen thưởng, kỷ luật theo Điều lệ Quỹ và Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; được hưởng chế độ hưu trí và chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 66, Điều 67 Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Dành cho Giáo Viên

    Xem thêm