Em hãy tả cảnh ông cụ ngồi câu cá
Em hãy tả cảnh ông cụ ngồi câu cá dưới đây gồm các bài văn mẫu lớp 6 được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh và thầy cô tham khảo. Mời các em học sinh tham khảo.
Tả cảnh ông cụ ngồi câu cá
Dàn ý tả cảnh ông cụ ngồi câu cá
1. Mở bài: Giới thiệu hoàn cảnh gặp gỡ hoặc địa điểm mà em được chứng kiến cụ già ngồi câu cá.
2. Thân bài:
- Miêu tả lại chân dung của cụ già lúc ngồi câu cá.
+ Khuôn mặt (chú ý đôi mắt, chòm râu,…).
+ Tư thế ngồi khom mình, ngồi thấp...
- Miêu tả cử chỉ, hành động của cụ từ xa đến gần.
+ Chú ý miêu tả đôi tay.
+ Miêu tả chi tiết các hành động như cuốc giun, xâu mồi, cầm cần thả xuống ao, sông, suối...
- Phong thái của ông lão lúc ngồi câu gợi ra điều gì? (sự nhàn nhã, thanh thản hay suy tư, trầm mặc).
- Có thể cho thêm vài hình ảnh như bầu trời trong xanh, dưới hàng cây...
- Đến khi cụ về thì dáng dấp cụ ra sao, xô đã đầy cá chưa?
- Hình ảnh ông lão gợi cho em ấn tượng gì?
3. Kết bài:
- Hình ảnh ông lão ngồi câu cá có gợi cho em nhớ về một kỉ niệm nào đó đối với ông nội (hay ông ngoại) của mình không?
- Qua đó, em mong ước điều gì? (được sống cùng ông bà và những người thân, để luôn được chăm lo dạy dỗ,…).
Em hãy tả cảnh ông cụ ngồi câu cá
Cái ao tắm ngựa của xóm em đã trở thành hồ nuôi cá - đó là thông tin nóng hổi mà thằng Phước báo với chúng em. Chủ của hồ nuôi cá đó lại quyết định mở dịch vụ câu cá. Có một lần, em đi ngang qua khu hồ cá vào trưa vắng, em nhìn thấy một cụ già ngồi bên hồ buông câu. Tự nhiên em thấy cụ giống như nhà thơ Nguyễn Khuyến thích câu cá để suy nghĩ việc đời mà ông ngoại em đã kể cho em nghe. Chính vì vậy, em đứng lại quan sát cụ một lúc lâu.
Cụ già ngồi câu bên hồ có dáng vẻ khá khỏe mạnh, gân guốc, trông cụ chắc cũng ngoài bảy mươi tuổi rồi. Cụ có khuôn mặt vuông vức, phúc hậu. Trên khuôn mặt ấy, làn da đã nhăn nheo, màu nâu đồng như in dấu ấn của năm tháng. Đôi mắt cụ chăm chú nhìn dây câu, hàng lông mày bạc khẽ nhíu lại đầy vẻ tập trung. Cụ hơi mím đôi môi cương nghị với vẻ nhẫn nại. Mái tóc bạc của cụ được cắt gọn gàng, rủ xuống vầng trán cao toát lên vẻ tinh anh. Nét mặt cụ có một vẻ gì đó rất dễ mến, gần gũi như nét mặt của ông ngoại em vậy.
Cụ mặc bộ bà ba màu nâu giản dị, với những chiếc cúc bấm theo kiểu cổ điển, mà bây giờ em thấy ít người mặc. Tay áo dài gần mắt cá tay. Còn chiếc quần rộng, thoải mái khi cụ ngồi trên chiếc ghế nhựa màu xanh để buông câu. Có lẽ cụ đội một chiếc nón lá màu trắng mà em thấy cụ để ngay bên cạnh chỗ ngồi. Đôi chân cụ mang một đôi dép tổ ong màu trắng tinh, sạch sẽ.
Cụ ngồi lặng lẽ, lưng hơi cong cong, đôi tay gầy gầy xương xương của cụ nâng nhẹ cần câu làm bằng một thân trúc nhỏ và dẻo. Từng đốt của thân trúc ánh lên màu vàng óng, nhẵn nhụi nổi bật giữa mặt hồ phẳng lặng. Nó là một chiếc cần câu đẹp và hẳn là chiếc cần câu này rất được cụ yêu quý. Nhìn kỹ hơn, em thấy sợi dây câu buông xuống mặt nước cách cụ vài mét, vẫn im ắng chưa có động tĩnh. Chắc lũ cá chưa phát hiện ra mồi từ lưỡi câu. Buổi trưa yên tĩnh, chỉ có ngọn gió rì rào qua những cành tre lay động xung quanh bờ ao. Cụ ngồi yên lặng, dáng vẻ yên tĩnh đến nỗi em tưởng như là cụ đã ngủ rồi.
Bỗng “vút” một cái, em thấy cánh tay mạnh mẽ của cụ kéo mạnh cần câu về phía trên mặt hồ. Dây câu rời mặt nước, từng giọt nước bắn tung tóe dưới ánh mặt trời trông rực rỡ như pha lê nhiều màu. Em thấy ở chỗ lưỡi câu, một chú cá to khoảng bằng cổ tay em đang cong mình giãy giụa. Ông cụ bật một tiếng cười sảng khoái, rồi nhanh chóng gỡ con cá ra, bỏ vào chiếc giỏ cá bên mình. Em thích quá, vỗ tay reo lên: “Ôi, ông giỏi quá, cá dính câu rồi!”. Ông cụ quay ra nhìn em rồi cười mỉm: “Cũng thích câu cá à?”. Em trả lời: “Thưa ông, cháu chưa biết câu cá, chỉ thích xem ông câu thôi ạ!”. Ông cụ vẫy em vào bên hồ, rồi bảo em ngồi xuống chiếc ghế nhựa cạnh bên ông. Cụ chỉ bảo cho em cách móc mồi vào lưỡi câu, cách buông câu, cách chọn chỗ ngồi thế nào để lũ cá không nhìn thấy bóng của mình. Em phát hiện ra, giọng nói của cụ rất trầm và ấm, nghe thật dễ chịu. Cụ hỏi nhà em ở đâu, rồi bảo: “Ông cũng ở gần nhà cháu đấy. Ông mới theo con trai chuyển về ngôi nhà mới mua trong xóm. Thấy ở đây có hồ cá, nên đi câu để giải khuây. Mà cháu này, câu cá cũng rèn cho mình tính kiên nhẫn đấy nhé. Không kiên nhẫn thì không câu được cá đâu”. Rồi cụ cất tiếng cười vui, nghe thật hiền hậu. Em ngước nhìn khuôn mặt cụ, thấy đôi mắt cụ lấp lánh niềm vui. Em cũng vui lây và cười theo cụ.
Từ đó, thỉnh thoảng em lại thấy cụ ngồi câu bên hồ. Bây giờ em đã biết tên cụ là cụ Tiến. Cụ hiền lắm, mỗi khi gặp bọn trẻ trong xóm, cụ đều hỏi thăm, thỉnh thoảng cho chúng em kẹo bánh, và cho cả những món đồ chơi do cụ tự tay làm. Bọn trẻ quen dần với cụ và mỗi khi cụ đi câu cá, lại có một vài đứa đến ngồi cùng bên cụ, ngóng mắt cùng cụ đợi chiếc cần câu khẽ rung lên.
Thế đấy, những người xung quanh chúng ta, khi ta quan tâm đến họ, ta lại phát hiện ra vẻ đẹp của họ. Hình ảnh cụ già câu cá ở xóm em cũng vậy. Khi ngắm nhìn cụ, em cảm nhận được sự tinh anh của cụ và tấm lòng hiền hậu, sự vui vẻ của cụ khiến cho lũ trẻ chúng em ngày càng mến cụ hơn.
Trên đây VnDoc đã tổng hợp các bài văn mẫu Em hãy tả cảnh ông cụ ngồi câu cá cho các bạn tham khảo ý tưởng khi viết bài. Ngoài ra các bạn có thể xem thêm chuyên mục Soạn văn 6 mà VnDoc đã chuẩn bị để học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 6 và biết cách soạn bài lớp 6 các bài trong sách Văn tập 1 và tập 2. Đồng thời các dạng đề thi học kì 1 lớp 6, đề thi học kì 2 lớp 6 mới nhất cũng sẽ được chúng tôi cập nhật. Mời các em học sinh, các thầy cô cùng các bậc phụ huynh tham khảo.