Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng
VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu, nội dung tài liệu ngắn gọn và chi tiết sẽ là nguồn thông tin hay để giúp các bạn học sinh có kết quả cao hơn trong học tập. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
Học tốt Ngữ văn 11: Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu
I. MỞ BÀI
1. Rút trong tập Thơ thơ, tập thơ đầu của Xuân Diệu, xuất bản năm 1938.
2. Tuổi trẻ rất đẹp, rất đáng yêu. Một đời người chỉ có một lần tuổi trẻ. Phải biết quý trọng và sống hết mình với tuổi trẻ và thời gian.
II. PHÂN TÍCH
1. Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân
- Thiên nhiên rất đẹp, đầy hương sắc của hoa đồng nội xanh rì, của lá cành tơ phơ phất, tuần tháng mật của ong bướm, khúc tình si của yến anh, và này đây ánh sáng chớp của hàng mi. Chữ này đây được nhắc lại năm lần để diễn tả sự sống ngồn ngộn phơi bày, thiên nhiên hữu tình xinh đẹp thật đáng yêu. Vì lẽ đó nên phải vội vàng tắt nắng đi và buộc gió lại. Trong cái phi lí có sự đáng yêu của một tâm hồn lãng mạn.
- Tuổi trẻ rất đẹp, rất đáng yêu. Bình minh là khoảnh khắc tươi đẹp nhất của một ngày, đó là lúc Thần Vui hằng gõ cửa. Tháng giêng là tháng khởi đầu của mùa xuân, ngon như một cặp môi gần. Một chữ ngon chuyển đổi cảm giác thần tình, một cách so sánh vừa lạ vừa táo bạo. Chiếc môi ấy chắc là của giai nhân, của trinh nữ. Đây là câu thơ hay nhất mới nhất cho thấy màu sắc cảm giác và tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống đến cuồng nhiệt của thi sĩ Xuân Diệu.
Chắc là Xuân Diệu viết bài thơ này trước năm 1938, lúc ông trên dưới 20 tuổi - cái tuổi thanh xuân bừng sáng, nhưng thi sĩ đã vội vàng một nửa - cách nói rất thơ – chẳng cần đến tuổi trung niên (nắng hạ) mới luyến tiếc tuổi hoa niên. Dấu chấm giữa dòng thơ, rất mới, thơ cổ không hề có. Như một tuyên ngôn về vội vàng:
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa.
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.
Vội vàng vì thiên nhiên quá đẹp, vì cuộc sống quá yêu, vì tuổi trẻ quá thơ mộng. Đang tuổi hoài niên mà đã “vội vàng một nửa” ... Cảm thức của thi sĩ về thời gian, về mùa xuân, về tuổi trẻ rất hồn nhiên, mới mẻ.
2. Mau đi thôi mùa chưa ngả chiều hôm
- Quan niệm về thời gian có nhiều cách nói. Thời gian là vàng ngọc. Bóng ngả lưng ta. Thời gian vun vút thoi đưa, như bóng câu (tuấn mã) vút qua cửa sổ, như nước chảy qua cầu. Thời gian một đi không trở lại. Xuân Diệu cũng có một cách nói rất riêng của nhà thơ: tương phản đối lập để chỉ ra một đời người chỉ có một tuổi xuân; tuổi trẻ một đi không trở lại.
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua,
Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già.
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng, nhưng lượng trời cứ chật Không cho dài thời trẻ của nhân gian Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại...
Giọng thơ sôi nổi như nước tự mạch nguồn tuôn ra. Một hệ thống tương phản đối lập: tới - qua, non - già, hết - mất, rộng - chật, tuần hoàn - bất phục hoàn, vô hạn - hữu hạn – để khẳng định một chân lí - triết lí: tuổi xuân một đi không trở lại. Phải quý tuổi xuân.
- Cách nhìn nhận về thời gian cũng rất tinh tế, độc đáo, nhạy cảm. Trong hiện tại đã bắt đầu có quá khứ và tương lai; cái đang có lại đang mất dần đi...
Và mối tương giao mầu nhiệm của cảnh vật, của tạo vật hình như mang theo nỗi buồn chia phôi hoặc tiễn biệt, hờn vì xa cách, sợ vì phai tàn sắp sửa. Cám xúc lãng mạn dào dạt trong cái vị đời. Nói cảnh vật thiên nhiên mà là để nói về con người, nói về nhịp sống khẩn trương, vội vàng của tạo vật. Với Xuân Diệu, hầu như cuộc sống nơi vườn trầu đều ít nhiều mang bi kịch về thời gian.
Mùi tháng năm đểu rớm vị chia phôi
Khắp sông núi vẫn than thầm tiễn biệt.
Cũng là gió, là chim... nhưng gió thì thào vì hờn, chim bỗng ngừng hót. ngừng rao vì sợ! Câu hỏi tu từ xuất hiện cũng là để là nổi bật nghịch lí giữa mùa xuân - tuổi trẻ và thời gian:
Con gió xinh thì thào trong lá biếc
Phải chăng hờn vì nỗi phải bay đi?
Chim rộn ràng bỗng đứt tiếng reo thi
Phải chăng sợ độ phai tàn sắp sửa?
Thi sĩ bỗng thốt lên lời than. Tiếc nuối. Lo lắng. Chợt tỉnh mùa chưa ngã chiều hôm, nghĩa là vẫn còn trẻ trung, chưa già. Lên đường! Phải vội vàng, phải hối hả. Câu cảm thán với cách ngắt nhịp biến hóa làm nổi bật nỗi lòng vừa lo lắng băn khoăn, vừa luống cuống tiếc rẻ, bâng khuâng:
Chẳng bao giờ/ ôi/ Chẳng bao giờ nữa...
Mau đi thôi/ mùa chưa ngả chiều hôm...
Xưa kia, Nguyễn Trãi viết trong chùm Thơ tiếc cảnh :
Xuân xanh chưa dễ hai phen lại
Thấy cảnh càng thêm tiếc thiếu niên.
(Bài số 3)
Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm.
(Bái số 7)
Những vần thơ của Nguyễn Trãi giúp ta cảm nhận sắc điệu trữ tình trong Vội vàng về màu thời gian, về sắc thời gian và tuổi trẻ. Thật yêu đời. Thật ham sống.
3. Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người!
- Mở đầu bài thơ là cái tôi hăm hở: Tôi muốn tắt nắng đi. Kết thúc bài thơ là ta, là mọi tuổi trẻ. Một sự hòa nhập và đồng điệu trong dòng chảy thời gian: Sống mãnh liệt, sống hết mình. Sống nồng nàn say mê. Nghệ thuật trùng điệp trong diễn tả. Ngôn từ đậm màu sắc cảm giác, xúc giác, rạo rực: ta muốn ôm, ta muốn riết, ta muốn say, ta muốn thâu.
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu man mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.
Sống cũng là để yêu, yêu hết mình. Thơ hay vì màu sắc lãng mạn. Vì giọng thơ sôi nổi. Nghệ thuật vắt dòng với ba từ và xuất hiện trong một dòng thơ làm nổi bật cám xúc: say mê vồ vập cảnh đẹp, tình đẹp nơi vườn trần. Tất cả mùi thơ, ánh sáng, thanh sắc, xuân hồng... đều là khao khát của thi nhân:
Cho chếch choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
III. KẾT LUẬN
Sống vội vàng không có nghĩa là sống gấp, ích kỉ trong hưởng thụ. Vội vàng thể hiện một tâm hồn yêu đời, yêu sống đến cuồng nhiệt. Biết quý trọng thời gian, biết quý trọng tuổi trẻ, biết sống cũng là để yêu; tình yêu lứa đôi, tình yêu tạo vật. Tình cảm ấy đã thể hiện một quan niệm nhân sinh mới mẻ, cấp tiến. Bảy thập kỉ sau còn làm cho không ít người ngỡ ngàng! Xuân Diệu đã sống vội vàng như vậy. 50 tác phẩm, hơn 400 bài thơ tình, ông đã làm giàu đẹp cho nền thi ca Việt Nam hiện đại.
Bài thơ Vội vàng cho thấy một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, rất nhân văn, một giọng thơ sôi nổi, dâng trào và lôi cuốn, hấp dẫn. Có chất xúc giác trong thơ. Cách dùng từ rất bạo, cách cấu trúc câu thơ, đoạn thơ rất tài hoa. Vội vàng tiêu biểu nhất cho Thơ mới, thơ lãng mạn 1932-1941.
-----------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Lập dàn ý phân tích bài thơ Vội vàng của Xuân Diệu. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu đề thi học kì 1 lớp 11, Thi thpt Quốc gia môn Văn, đề thi học kì 2 lớp 11, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.