Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017 - 2018 trường THPT Yên Lạc - Vĩnh Phúc
Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11
VnDoc xin giới thiệu tới bạn đọc tài liệu Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017 - 2018 trường THPT Yên Lạc - Vĩnh Phúc, nội dung tài liệu kèm theo lời giải chi tiết sẽ là nguồn thông tin hữu ích để phục vụ công việc học tập của các bạn học sinh được tốt hơn.
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC TRƯỜNG THPT YÊN LẠC | ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG LỚP 11 - LẦN 2 NĂM HỌC: 2017-2018 ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN (Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề) |
Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu ở dưới:
(…) Trong khu rừng nguyên sinh dưới chân núi có nhiều cây bị đổ, du khách thấy vậy thì cảm thấy kì lạ: Những cây cao to như vậy sao dễ bị gãy đổ nhỉ? Một hướng dẫn viên du lịch giải thích, những cây to lớn này dễ gãy đổ là do phần rễ của chúng. Sự sinh trưởng của một cái cây không chỉ ở những bộ phận trên mặt đất mà còn bao gồm cả bộ phận rễ bên dưới và quá trình sinh trưởng này luôn song song nhau. Nói cách khác, thân cây trên mặt đất càng cao bao nhiêu thì rễ dưới mặt đất càng phải sâu bấy nhiêu, bộ rễ phát triển mới có thể cung cấp đủ nước, chất dinh dưỡng cho cành lá và mới có sức chống đỡ cho phần thân trên mặt đất. Những cái cây đổ này đều có bộ rễ kém phát triển, bám chưa sâu vào lòng đất. Khi gặp mưa to gió lớn, cây càng cao lại càng dễ bị đổ. Tôi quan sát bộ rễ của những cây bị đổ thấy đúng như những lời người hướng dẫn viên du lịch nói.
Đi hết khu rừng rậm rạp chúng tôi còn chứng kiến một hiện tượng kì lạ nữa: Những cây mọc thưa thớt đứng một mình đều thấp, cành lá của chúng cũng khẳng khiu, còn những cây mọc thành từng cụm lại có thân cao, cành lá vươn rộng.
Ánh sáng và nước đều là những yếu tố cần thiết cho sự phát triển, sinh tồn của cây cối. Dựa vào nguyên tắc này, cây nào ở nơi có nhiều ánh sáng và không gian sẽ phát triển tốt hơn những cây mọc ở nơi có khoảng không chật hẹp. Nhưng tại sao những cây có điều kiện sống thuận lợi ở khu rừng này sao không cao lớn, phát triển bằng những cây mọc ở môi trường khắc nghiệt?
Lúc tôi đang băn khoăn không hiểu sao thì một người dân địa phương đã nói rằng: Cây cối cũng như con người, những cây mọc thưa thớt vì không có sự cạnh tranh để sinh tồn nên lười nhác ỷ lại, sinh trưởng tùy ý. Điều này khiến chúng phát triển theo những hình thù kì quái, cuối cùng không thể vươn thẳng lên được. Còn những cây sinh trưởng cùng nhau, cây nào muốn sinh tồn thì cần vươn lên mọc thành cây cao to hơn, có như vậy mới lấy được ánh nắng mặt trời, nước và chất dinh dưỡng.
Cạnh tranh luôn là nguồn sức mạnh khiến cho mọi sinh linh trên thế giới này cố gắng không ngừng, rèn luyện vươn lên.
(Theo Kĩ năng sống dành cho học sinh, học cách sống, sống bằng cả trái tim, NXB Thế giới, 2016 )
Câu 1: Xác định phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích. (0,5 điểm)
Câu 2: Hãy đặt tiêu đề thích hợp cho đoạn trích (0,5 điểm)
Câu 3: Căn cứ vào nội dung đoạn trích hãy lí giải vì sao những cây có điều kiện sống thuận lợi ở khu rừng lại không cao lớn, phát triển bằng những cây mọc ở môi trường khắc nghiệt? Từ đó suy ngẫm, rút ra thông điệp có ý nghĩa (1,0 điểm)
Câu 4: Những cây cao to không bị gãy đổ khi gặp mưa to gió lớn vì có bộ rễ bám sâu vào lòng đất. Còn con người cần làm gì để vượt qua những mưa to gió lớn trong cuộc đời? (1,0 điểm)
Phần II. Làm văn
Câu 1. (2,0 điểm)
Cạnh tranh luôn là nguồn sức mạnh
Hãy viết một đoạn văn (200 chữ) bàn về nhận định trên.
Câu 2. (5,0 điểm)
Về truyện ngắn Chí Phèo có ý kiến cho rằng Nam Cao không hề bôi nhọ nông dân mà trái lại, đã đi sâu vào nội tâm nhân vật để phát hiện và khẳng định nhân phẩm của họ ngay trong khi họ bị xã hội cướp mất cả nhân hình, nhân tính. (Nguyễn Hoành Khung, Từ điển văn học Tập I, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983). Bằng việc cảm nhận đoạn văn miêu tả sự thức tỉnh trong tâm hồn của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, anh/chị hãy làm sáng rõ ý kiến trên.
Đáp án Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Câu | Nội dung | Điểm |
Câu 1 | Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: nghị luận | 0,5 |
Câu 2 | Nhan đề có thể đặt: Bài học về sự sinh tồn; Cạnh tranh để phát triển; Từ chuyện cây cối đến con người…. | 0,5 |
Câu 3 | - Những cây có điều kiện sống thuận lợi ở khu rừng lại không cao lớn, phát triển bằng những cây mọc ở môi trường khắc nghiệt vì: + Những cây có điều kiện sống thuận lợi không có sự cạnh tranh để sinh tồn nên lười nhác ỷ lại, sinh trưởng tùy ý, phát triển theo những hình thù kì quái, không thể vươn thẳng lên được. + Những cây sinh trưởng cùng nhau, cây nào muốn sinh tồn thì cần vươn lên mọc thành cây cao to hơn, có như vậy mới lấy được ánh nắng mặt trời, nước và chất dinh dưỡng. - Thông điệp có ý nghĩa: Để sinh tồn và phát triển con người cũng giống như cây cối không nên lười biếng ỷ lại, dựa dẫm vào người khác; cần đón nhận sự cạnh tranh bằng tinh thần tích cực, sẵn sàng đón nhận những khó khăn thử thách… | 0,5 |
Câu 4 | - Mưa to gió lớn là hình ảnh để chỉ những khó khăn thử thách trong cuộc đời con người. Con người có thể vượt qua nó bằng cách: + Chủ động lên kế hoạch, vạch ra những dự định cho cuộc đời mình + Chuẩn bị hành trang tri thức, kĩ năng, rèn luyện phẩm chất đạo đức + quyết tâm cao độ, tinh thần không lùi bước không bỏ cuộc trước khó khăn. | 0,25 0,25 0,25 0,25 |
II. PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm một đoạn văn nghị luận xã hội sử dụng kết hợp các thao tác lập luận, có dung lượng khoảng 200 chữ, biết triển khai luận điểm, diễn đạt mạch lạc
Yêu cầu về kiến thức: Bài làm có thể diễn đạt theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các nội dung chính sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giải thích: | 0,5 |
- Cạnh tranh là khi con người hay những sinh linh trên trái đất này dùng sức lực, bản năng sinh tồn để vượt qua đối thủ cùng hoặc khác loài để tồn tại, phát triển. Ở xã hội, cạnh tranh diễn ra rộng khắp ở nhiều lĩnh vực như cạnh tranh trong công việc, học tập, kinh doanh… - Ý kiến là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò to lớn của cạnh tranh trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội. | ||
2 | Bàn luận: | 1,0 |
- Cạnh tranh luôn là nguồn sức mạnh giúp cho mọi sinh linh vận động để phát triển vì: + Trong tự nhiên: Muôn loài có được sự tiến hóa, hoàn thiện hơn và thích nghi với điều kiện sống là nhờ có sự cạnh tranh. Không cạnh tranh thì cây cối cũng không thể có được sự phát triển bởi nó lười nhác, ỷ lại vào những điều kiện thuận lợi. Vì thế, nhờ cạnh tranh mà cây trong rừng cao hơn, vươn thẳng hơn. + Con người cũng vậy. Nhờ cạnh tranh mà con người có sự vận động cả thể chất, trí tuệ. Từ đó, con người biết khắc phục những điểm yếu để hoàn thiện mình và trưởng thành hơn. Nhờ có cạnh tranh mà bản lĩnh, ý chí của con người được tôi luyện trước những khó khăn thử thách. Còn nếu không cạnh tranh thì con người dễ an phận, bằng lòng với những thứ mình đang có, không muốn tìm tòi, nỗ lực để chinh phục thành công - Tuy nhiên, con người cần có sự cạnh tranh lành mạnh chứ không phải tìm mọi cách để có được sự thành công, mọi cách để vượt qua đối thủ và chiến thắng bằng những thủ đoạn đê tiện, hèn hạ. Phê phán những người ngại cạnh tranh, an phận, lười biếng. - Cần khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh để tránh sự lười biếng, trì trệ trong cuộc sống. | 0,5 0,25 0,25 | |
3 | Bài học và liên hệ bản thân | 0,5 |
- Thi đua là yêu nước. Yêu nước thì phải thi đua. Lời dạy của Bác Hồ cho thấy sự cần thiết của sự cạnh tranh, thi đua trong xã hội. Vì thế cần cạnh tranh một cách tích cực để hoàn thiện bản thân, để trưởng thành hơn. - Thắng không kiêu, bại không nản. Tinh thần ấy cần thể hiện trong sự thi đua, cạnh tranh của mỗi người. Cần đón nhận sự cạnh tranh bằng thái độ tích cực. Coi nó là cơ hội để phấn đấu vươn lên, rèn luyện ý chí và bản lĩnh. |
Lưu ý: Không đúng hình thức đoạn văn trừ 0,5 điểm
Câu 2 (5,0 điểm)
Yêu cầu về kĩ năng:
- Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận
- Biết các phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề
- Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp
Yêu cầu về kiến thức:
HS có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo các ý cơ bản sau:
Ý | Nội dung | Điểm |
1 | Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, nêu vấn đề - Giới thiệu về tác giả, tác phẩm: + Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc. Ông được coi là nhà văn của những người nông dân có cuộc đời tủi nhục, khốn khó. Chí Phèo là một truyện ngắn hay của Nam Cao viết về người nông dân trước CMT8 -1945. Tác phẩm được coi là kiệt tác văn xuôi Việt Nam hiện đại, với những giá trị hiện thực, giá trị nhân đạo sâu sắc, mới mẻ cũng như biệt tài miêu tả tâm lí nhân vật, tài kể chuyện .... của Nam Cao. - Trích dẫn ý kiến; Dẫn dắt đến đoạn văn miêu tả sự thức tỉnh của Chí Phèo. | 0,5 |
2 | Giải thích | 0,5 |
- Ý kiến cho thấy chiều sâu nhân đạo chủ nghĩa trong sáng tác của Nam Cao. Ông viết về sự tha hóa lưu manh của Chí Phèo không phải để giễu cợt, bôi nhọ mà hơn cả sự tin tưởng vào đốm sáng lương tri vẫn còn sót lại trong con qủi dữ mà mọi người xa lánh. Đồng thời, ý kiến cũng đi khẳng định tài năng bậc thầy của Nam Cao trong việc đi sâu vào nội tâm nhân vật để thấu hiểu, xót xa thương cảm những con người tưởng không còn được ai thương trong xã hội Việt Nam những năm đầu của thế kỉ XX. | ||
3 | Phân tích đoạn văn Chí Phèo tỉnh ngộ | 3,0 |
Trước đây cuộc đời Chí Phèo triền miên trong cơn say, sống vô thức như một con vật, là con qủi khi chỉ biết rạch mặt, đập đầu ăn vạ. Nhờ cuộc gặp gỡ với thị Nở, Chí đã có nhận thức về không gian, thời gian và về chính mình. Con người lương thiện đã trở về trong hình hài của qủi dữ: + Lần đầu tiên Chí phèo nhận rõ âm thanh và hình ảnh của cuộc sống xung quanh mình: trời sáng, mặt trời lên cao, nắng rực rỡ, tiếng chim hót vui vẻ, tiếng cười nói của người đi chợ, anh thuyền chài gõ mái chèo đuổi cá. Những âm thanh quen thuộc ngày nào chả có nhưng giờ Chí mới nhận thấy vì Chí chưa bao giờ hết say, cuộc đời Chí là một cơn say dài mênh mông. Cuộc sống xung quanh với hình ảnh và âm thanh tươi đẹp, giản dị đời thường khiến Chí từ mất tri giác về cuộc sống và chính mình sang cảm giác buâng khuâng, biết buồn... Chí từ tỉnh rượu sang tỉnh ngộ + Hướng về quá khứ với ước mơ giản dị, nhỏ nhoi nhưng lương thiện với bao nuối tiếc Chồng cuốc mướn cày thuê,vợ dệt vải, một gia đình nho nhỏ + Ý thức về hiện tại: sống trong già, cô độc. Tương lai ốm đau, già, cô độc. Chí sợ cô độc, cái này đáng sợ hơn cả đói rét và ốm đau + Bát cháo hành của thị Nở khiến Chí ngạc nhiên, cảm động mà mắt ươn ướt, vừa vui vừa buồn. Bát cháo hành của thị Nở làm Chí suy ngẫm Hắn có thể tìm bạn sao lại chỉ gây thù? Chính sự chăm sóc giản dị, mộc mạc của thị Nở đã đánh thức con người lương tri, hiền lành trong Chí, con người tự trọng ở tuổi hai mươi đã từng nghĩ người ta không thích cái những gì người ta khinh. + Dằn vặt, day dứt, hối hận khi làm bao việc ác trước đây hắn đã gây cho những người khốn khổ: đốt phá nhà cửa, cướp giật dọa nạt, phá vỡ bao mái nhà bình yên + Tràn trề hy vọng vào Thị Nở, khao khát trở về với xã hội của những người lương thiện, được làm người lương thiện. Hắn thèm lương thiện, muốn làm hòa với mọi người biết bao. Ao ước của Chí Phèo Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ? cho thấy con người đã trở về trong hình hài của con vật người. Nam Cao đã nhìn thấy phần con người trong trẻo, nguyên sơ, lương thiện trong con qủi của làng Vũ Đại. | 0,5 0,5 0,25 0,75 0,25 0,75 | |
4 | Đánh giá | 1,0 |
Ý kiến nhận định về truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao là hoàn toàn đúng đắn: - Đoạn văn miêu tả Chí Phèo thức tỉnh của Nam Cao cho thấy tình yêu thương sâu sắc mà nhà văn dành cho con người. Nhà văn chưa mất niềm tin vào phần tốt đẹp của con người ngay cả khi con người bị tước đoạt về nhân cách, phá hủy về hình dạng. Đây chính là chiều sâu nhân đạo chủ nghĩa trong sáng tác của Nam Cao - Đoạn văn cũng cho thấy Nam Cao là bậc thầy trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Ông đã đi sâu vào ngõ ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật để thấu hiểu, xót thương, trân trọng. Hiện tại qúa khứ, tương lai cùng đan xen, xáo trộn trong những suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật Ngôn ngữ kể chuyện của Nam Cao giản dị tự nhiên, lối trần thuật linh hoạt khi thay đổi điểm nhìn trần thuật…. | 0,5 0,5 |
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Đề khảo sát chất lượng môn Ngữ văn lớp 11 năm 2017 - 2018 trường THPT Yên Lạc - Vĩnh Phúc. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Ngữ văn lớp 11, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử, Thi thpt Quốc gia môn Địa lý mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.