Lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều bài 10
Với nội dung bài Lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 8 bài 10: Thang pH sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Bài: Thang pH
A. Lý thuyết KHTN 8 bài 10
I. Thang pH
Thang pH được dùng để biểu thị độ acid, base của dung dịch.
Thang pH thường dùng có giá trị từ 1 đến 14.
Thang pH
+ Nếu pH = 7 thì dung dịch có môi trường trung tính (không có tính acid và không có tính base). Nước tinh khiết (nước cất) có pH = 7.
+ Nếu pH > 7 thì dung dịch có môi trường base, pH càng lớn thì độ base của dung dịch càng lớn.
+ Nếu pH < 7 thì dung dịch có môi trường acid, pH càng nhỏ thì độ acid của dung dịch càng lớn.
Như vậy, khi biết giá trị pH của dung dịch dựa vào thang pH, chúng ta không chỉ biết dung dịch đó có tính acid, base hay trung tính mà còn biết được mức độ acid hoặc mức độ base của dung dịch.
Khi sử dụng giấy chỉ thị màu để xác định pH của dung dịch cần phải đối chiếu với thang màu pH tương ứng.
II. Ý nghĩa của pH
pH có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn.
Ví dụ:
- Tôm, cá sống trong môi trường nước có pH trong khoảng 7 – 8,5 và rất nhạy cảm với sự thay đổi pH của môi trường.
- Trong cơ thể người, pH của máu luôn được duy trì ổn định trong phạm vi rất hẹp khoảng 7,35 – 7,45.
- Thực vật chỉ phát triển được bình thường khi giá trị pH của dung dịch trong đất ở trong khoảng xác định, đặc trưng cho mỗi loại cây.
pH của môi trường có ảnh hưởng nhiều đến đời sống của động và thực vật, do vậy cần phải quan tâm đến pH của môi trường nước, môi trường đất để có những biện pháp can thiệp kịp thời nhằm duy trì được pH tối ưu đối với đời sống của con người, động vật và thực vật.
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 8 bài 10
Câu 1: Dung dịch có giá trị pH = 7 sẽ làm giấy quỳ tím
A. chuyển sang màu đỏ.
B. chuyển sang màu xanh.
C. không đổi màu.
D. không xác định được.
Đáp án đúng là: C
Dung dịch có giá trị pH = 7 sẽ không làm giấy quỳ tím đổi màu.
Câu 2: Chất có môi trường trung tính là
A. HCl.
B. CaCl2.
C. NaOH.
D. HNO3.
Đáp án đúng là: B
Môi trường trung tính có pH = 7
Dung dịch CaCl2 là dung dịch có môi trường trung tính.
Loại A và D vì môi trường acid.
Loại C vì môi trường base.
Câu 3: Ở một số khu vực, không khí bị ô nhiễm bởi các chất khí như SO2, NO2,... sinh ra trong sản xuất công nghiệp và đốt cháy nhiên liệu. Các khí này có thể hòa tan vào nước và gây ra hiện tượng:
A. Đất bị phèn, chua.
B. Đất bị nhiễm mặn.
C. Mưa acid.
D. Nước bị nhiễm kiềm.
Đáp án đúng là: C
Các khí này hòa tan vào nước tạo thành dung dịch acid gây mưa acid.
SO2 + H2O → H2SO3
4NO2 + 2H2O + O2 → 4HNO3 …
Câu 4: Đất có độ pH ≤ 6,5 là đất chua. Một mẩu đất lấy gần nhà máy sản xuất phosphate có pH = 2,5 và bị liệt vào dạng quá chua do ô nhiễm chất thải từ nhà máy. Để giảm bớt độ chua của đất, ta nên dùng biện pháp nào sau đây?
A. Bón thật nhiều phân đạm urea.
B. Bón lượng vôi bột phù hợp.
C. Bón nhiều phân lân.
D. Bón nhiều phân hữu cơ.
Đáp án đúng là: B
Vôi bột có tính kiềm nên khử chua hiệu quả.
Câu 5: Chọn phát biểu đúng trong số các phát biểu sau đây?
A. Giá trị pH tăng thì độ acid giảm.
B. Giá trị pH tăng thì độ acid tăng.
C. Dung dịch có pH < 7 làm quỳ tím hoá xanh.
D. Dung dịch có pH > 7 làm quỳ tím hoá đỏ.
Đáp án đúng là: A
Phát biểu đúng là: “Giá trị pH tăng thì độ acid giảm”.
pH càng nhỏ thì acid càng mạnh.
Câu 6: Thang pH được dùng để
A. biểu thị độ acid của dung dịch.
B. biểu thị độ base của dung dịch.
C. biểu thị độ acid, base của dung dịch.
D. biểu thị độ mặn của dung dịch.
Đáp án đúng là: C
Thang pH được dùng để biểu thị độ acid, base của dung dịch.
Câu 7: Phát biểu nào sau đây không đúng?
A. Môi trường kiềm có pH < 7.
B. Môi trường kiềm có pH > 7.
C. Môi trường trung tính có pH = 7.
D. Môi trường acid có pH < 7.
Đáp án đúng là: A
Môi trường acid có pH < 7, môi trường kiềm có pH > 7.
Câu 8: Điền vào chỗ trống sao cho phù hợp nhất: "pH của môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của ... và ... ".
A. cá, thực vật.
B. động vật, cây ăn quả.
C. thực vật, bò sát.
D. thực vật, động vật.
Đáp án đúng là: D
pH của môi trường ảnh hưởng đến sự phát triển của thực vật và động vật.
Câu 9: Trong cơ thể người, pH của máu luôn được duy trì ổn định trong phạm rất hẹp khoảng bao nhiêu?
A. 3,35 - 3,45.
B. 5,35 - 5,45.
C. 7,35 - 7,45.
D. 9,35 - 9,45.
Đáp án đúng là: C
Trong cơ thể người, pH của máu luôn được duy trì ổn định trong phạm rất hẹp khoảng 7,35-7,45.
Câu 10: Thang pH thường dùng có các giá trị
A. từ 5 đến 8.
B. từ 1 đến 14.
C. từ 1 đến 13.
D. từ 1 đến 7.
Đáp án đúng là: B
Thang pH thường dùng có các giá trị từ 1 đến 14.
Câu 11: Có ba lọ không nhãn, mỗi lọ đựng một dung dịch các chất sau: NaOH, Ba(OH)2, NaCl. Thuốc thử để nhận biết cả ba chất là
A. quỳ tím và dung dịch HCl.
B. phenolphthalein và dung dịch BaCl2.
C. quỳ tím và dung dịch K2CO3.
D. quỳ tím và dung dịch NaCl.
Đáp án đúng là: C
NaOH, Ba(OH)2 làm quỳ tím chuyển xanh, NaCl không làm quỳ tím chuyển màu.
Khi thêm K2CO3, ống nghiệm đựng Ba(OH)2 xuất hiện kết tủa trắng BaCO3, ống nghiệm đựng NaOH không có hiện tượng gì.
PTHH: Ba(OH)2 + K2CO3 → BaCO3 + 2KOH.
Câu 12: Thứ tự trị số pH giảm dần của các dung dịch sau đây: KCl, NaOH, H2SO4 là?
A. NaOH > H2SO4 > KCl.
B. H2SO4 > NaOH > KCl.
C. NaOH > KCl > H2SO4.
D. H2SO4 > KCl > NaOH.
Đáp án đúng là: C
NaOH có pH > 7, KCl có pH = 7, H2SO4 có pH < 7.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều bài 11
Trên đây là toàn bộ nội dung bài Lý thuyết KHTN lớp 8 bài 10: Thang pH sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm KHTN lớp 8 Chân trời sáng tạo và KHTN lớp 8 Kết nối tri thức. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.