Lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều bài 13
Lý thuyết Khoa học tự nhiên lớp 8 bài 13: Phân bón hóa học sách Kết nối tri thức hay, chi tiết cùng với bài tập trắc nghiệm có đáp án giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt môn KHTN 8.
Bài: Phân bón hóa học
A. Lý thuyết KHTN 8 bài 13
I. Khái niệm về phân bón hóa học
Phân bón hoá học là những hoá chất có chứa các nguyên tố dinh dưỡng dùng để bón cho cây nhằm nâng cao năng suất của cây trồng.
Phân bón hoá học được chia thành ba loại:
- Phân bón đa lượng cung cấp cho cây các nguyên tố dinh dưỡng: N, P, K.
- Phân bón trung lượng cung cấp cho cây các nguyên tố dinh dưỡng: Ca, Mg, S.
- Phân bón vi lượng cung cấp một lượng nhỏ các nguyên tố dinh dưỡng: Si, B, Zn, Fe, Cu …
II. Một số loại phân bón đa lượng
1. Phân đạm
Phân đạm là những hợp chất cung cấp nguyên tố dinh dưỡng nitrogen cho cây trồng.
Phân đạm kích thích quá trình sinh trưởng giúp cây trồng phát triển nhanh, cho nhiều hạt, củ hoặc quả và làm tăng tỉ lệ protein thực vật.
Có ba loại phân đạm phổ biến:
+ Urea – (NH)2CO là chất rắn màu trắng, tan tốt trong nước; dùng để bón lót hoặc bón thúc; phù hợp với nhiều loại cây, nhiều loại đất.
+ Ammonium nitrate – NH4NO3 là chất rắn màu trắng, tan tốt trong nước; thường dùng để bón thúc; phù hợp với nhiều loại đất.
+ Ammonium sulfate – (NH4)2SO4 là chất rắn màu trắng, tan tốt trong nước, dùng để bón thúc. Ammonium sulfate làm tăng độ chua của đất vì vậy không phù hợp với đất chua, mặn.
Phân urea | Phân ammonium sulfate |
2. Phân lân
Phân lân là những hợp chất cung cấp cho cây trồng nguyên tố dinh dưỡng phosphorus dưới dạng các muối phosphate.
Phân lân kích thích sự phát triển của rễ cây, quá trình đẻ nhánh và nảy chồi; thúc đẩy cây ra hoa, quả sớm, tăng khả năng chống chịu của cây.
Có hai loại phân lân phổ biến:
+ Phân lân nung chảy chứa các muối phosphate của calcium và magnesium. Phân lân nung chảy có tính kiềm, ít tan trong nước; dùng để bón lót; phù hợp cho đất chua, phèn, đất đồi núi dốc; thích hợp cho lúa, ngô và cây lâu năm.
+ Superphosphate – Ca(H2PO4)2 dễ tan trong nước, làm chua đất, dùng để bón lót hoặc bón thúc; thích hợp với cây ngắn ngày, với đất chua cần khử acid trước khi bón.
Phân lân nung chảy | Phân superphosphate |
3. Phân kali
Phân kali là các hợp chất cung cấp cho cây trồng nguyên tố dinh dưỡng potassium ở dạng các muối.
Phân kali làm tăng hàm lượng tinh bột, protein, vitamin, đường, … trong quả, củ, thân; tăng khả năng chống chịu của cây trồng với hạn hán, rét hại, sâu bệnh.
Có hai loại phân kali phổ biến:
+ Potassium chloride – KCl: dễ tan trong nước; dùng để bón lót, bón thúc; thích hợp cho cây lấy tinh bột, lấy củ, lấy dầu; không thích hợp với đất nhiễm mặn.
+ Potassium sulfate – K2SO4: dễ tan trong nước; dùng để bón lót, bón thúc; thích hợp cho cây lấy tinh bột, củ, lấy dầu, rất thích hợp cho cây trồng không ưa nguyên tố chlorine nhưng cần nguyên tố sulfur, rất phù hợp với đất bazan và đất xám.
Phân potassium chloride | Phân potassium sulfate |
4. Phân hỗn hợp
Phân hỗn hợp là loại phân chứa nhiều nguyên tố dinh dưỡng, thường gặp nhất là phân hỗn hợp chứa cả ba nguyên tố N, P, K và được gọi là phân NPK.
Loại phân này được tạo ra khi trộn các loại phân đơn theo tỉ lệ N : P : K nhất định.
Độ dinh dưỡng của mỗi loại phân N, P, K được tính theo % khối lượng N, P2O5, K2O và được ghi trên bao bì chứa chúng.
Phân hỗn hợp đảm bảo cho cây trồng phát triển ở tất cả các giai đoạn của quá trình sinh trưởng.
III. Tác động của phân bón hóa học đến môi trường
- Việc sử dụng phân bón hoá học sẽ giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng và góp phần cải tạo đất. Tuy nhiên, nếu sử dụng không hợp lí, phân bón hoá học có thể gây nên một số ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
- Phân bón hóa học dư thừa có thể theo nguồn nước ngầm ngấm sâu vào đất dẫn đến ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm. Phân bón bị rửa trôi cũng làm ô nhiễm nguồn nước mặt.
IV. Một số biện pháp để giảm thiểu ô nhiễm của phân bón hóa học
- Trước khi sử dụng, cần phải biết được nguồn gốc, chất lượng của loại phân bón; đọc kĩ hướng dẫn trên bao bì để nắm rõ loại phân, liều lượng, cách thức và hiệu quả sử dụng.
- Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sử dụng cần tuân thủ các nguyên tắc sau:
+ Bón đúng loại phân: Cần căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng trong từng giai đoạn sinh trưởng, từng loại đất để chọn loại phân phù hợp. Chẳng hạn, đất chua cần hạn chế bón phân có tính acid, đất kiềm cần hạn chế bón phân có tính kiềm.
+ Bón đúng lúc: Cần chia ra nhiều lần bón và đúng thời điểm cây đang có nhu cầu được cung cấp chất dinh dưỡng.
+ Bón đúng liều lượng: Cần bón đúng liều lượng, không bón thiếu, không bón thừa; thường xuyên theo dõi quá trình phát triển của cây trồng, đất đai, biến đổi thời tiết để có thể điều chỉnh lượng phân bón cho phù hợp.
+ Bón đúng cách: Cần lựa chọn đúng cách bón cho từng loại cây trồng, từng vụ sản xuất, từng loại phân và từng loại đất, để hạn chế phân bị rửa trôi, phân hủy hoặc làm cây bị tổn thương.
Chẳng hạn, với phân bón lót thì cần tưới đủ nước, vùi phân xuống đất ở vị trí và độ sâu thích hợp.
B. Bài tập trắc nghiệm KHTN 8 bài 13
Câu 1: Phân bón trung lượng cung cấp những nguyên tố dinh dưỡng:
A. N, P, K.
B. Ca, Mg, S.
C. Si, B, Zn, Fe, Cu,...
D. Ca, P, Cu.
Đáp án đúng là: B
Phân bón trung lượng cung cấp những nguyên tố dinh dưỡng Ca,Mg,S cho cây
Câu 2: Để đánh giá chất lượng phân đạm, người ta dựa vào chỉ số nào sau đây?
A. % khối lượng NO có trong phân.
B. % khối lượng HNO3 có trong phân.
C. % khối lượng N có trong phân.
D. % khối lượng NH3 có trong phân.
Đáp án đúng là: C
Để đánh giá chất lượng phân đạm, người ta dựa vào chỉ số % khối lượng N có trong phân.
Câu 3: Loại phân đạm nào sau đây có độ dinh dưỡng cao nhất ?
A. (NH4)2SO4.
B. CO(NH 2 )2.
C. NH 4 NO3.
D. NH 4 Cl.
Đáp án đúng là: B
Phân đạm có độ dinh dưỡng cao nhất khi hàm lượng % nguyên tố N là lớn nhất.
(NH4 )2SO4 chứa (14.2: 132).100% = 21,2%N.
Tương tự:
NH4NO3 chứa 35%N; NH4Cl chứa 26,1%N; (NH2)2CO chứa 46,67%N
Vậy phân đạm có độ dinh dưỡng cao nhất là (NH2)2CO.
Câu 4: Để khử chua cho đất người ta thường sử dụng chất nào sau đây?
A. Muối ăn.
B. Thạch cao.
C. Phèn chua.
D. Vôi sống.
Đáp án đúng là: D
Để khử chua cho đất người ta thường sử dụng vôi sống vì vôi sống có tính kiềm có thể trung hòa được độ chua của đất.
Câu 5: Hầu hết phân đạm ammonium: NH4NO3, NH4Cl, (NH4)2SO4 không thích hợp cho loại đất chua là do
A. muối ammonium bị thủy phân tạo môi trường base.
B. muối ammonium bị thủy phân tạo môi trường acid.
C. muối ammonium bị thủy phân tạo môi trường trung tính.
D. muối ammonium không bị thủy phân.
Đáp án đúng là: B
Hầu hết phân đạm ammonium: NH4NO3, NH4Cl, (NH4)2SO4 không thích hợp cho loại đất chua là do muối ammonium bị thủy phân tạo môi trường acid.
Câu 6: Phân bón hóa học có thể được chia thành các loại nào sau đây?
A. đa lượng, đơn lượng, vi lượng.
B. đa lượng, đơn lượng, trung lượng.
C. đa lượng, trung lượng, vi lượng
D. trung lượng, vi lượng, đơn lượng.
Đáp án đúng là: C
Phân bón hóa học được chia thành 3 loại: đa lượng, trung lượng, vi lượng.
Câu 7: Các loại phân bón hóa học đều là những hóa chất có chứa:
A. các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
B. nguyên tố nitrogen và một số nguyên tố khác.
C. nguyên tố phosphorus và một số nguyên tố khác.
D. nguyên tố potassium và một số nguyên tố khác.
Đáp án đúng là: A
Các loại phân bón hóa học đều là những hóa chất có chứa các nguyên tố dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng.
Câu 8: Trong các loại phân bón hoá học sau loại nào là phân đạm?
A. KCl.
B. Ca3(PO4)2.
C. K2SO4.
D. (NH2)2CO.
Đáp án đúng là: D
Phân đạm là phân bón cung cấp nguyên tố N cho cây trồng.
Câu 9: Một người làm vườn dùng (NH4)2SO4 để bón rau.Nguyên tố dinh dưỡng đa lượng có trong phân bón này là
A. N.
B. P.
C. K.
D. S.
Đáp án đúng là: A
Nguyên tố dinh dưỡng đa lượng có trong phân bón (NH4)2SO4 là nguyên tố N.
Câu 10: Trong các hợp chất sau hợp chất có trong tự nhiên dùng làm phân bón hoá học là
A. CaCO3.
B. Ca3(PO4)2.
C. Ca(OH)2.
D. CaCl2.
Đáp án đúng là: B
Hợp chất Ca3(PO4)2 có trong tự nhiên được sử dụng làm phân lân cung cấp nguyên tố P cho cây trồng.
>>> Bài tiếp theo: Lý thuyết Khoa học tự nhiên 8 Cánh diều bài 14
Trên đây là toàn bộ nội dung bài Lý thuyết KHTN lớp 8 bài 13: Phân bón hóa học sách Cánh diều. Các em học sinh tham khảo thêm KHTN lớp 8 Chân trời sáng tạo và KHTN lớp 8 Kết nối tri thức. VnDoc liên tục cập nhật lời giải cũng như đáp án sách mới của SGK cũng như SBT các môn cho các bạn cùng tham khảo.