Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mở bài và kết bài Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Mở bài và kết bài Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành

Mở bài Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành cung cấp cho các em một số cách viết mở bài cho tác phẩm Rừng xà nu hay và đọc đáo, giúp các em ôn tập và làm bài tốt hơn. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Mở bài trực tiếp Rừng xà nu (2 mẫu)

Mở bài trực tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 1

Nguyễn Trung Thành là nhà văn đã sống và gắn bó với chiến trường Tây Nguyên trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chính mảnh đất và tình người nơi đây đã phả hồnvào những trang viết của nhà văn và để lại dấu ấn sâu đậm qua “Đất nước đứng lên” và “Rừng xà nu”. Trong số đó, “Rừng xà nu” được xem là một khúc hùng ca – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Tác phẩm có kết cấu độc đáo – truyện lồng truyện, truyện của cuộc đời những cánh rừng xà nu quyện hòa vào cuộc đời của nhân vật chính – Tnú. Tất cả tạo nên một đội ngũ trùng điệp, bất tận về cuộc chiến tranh nhân dân rộng lớn của dân tộc. Ấn tượng sâu đậm nhất, khắc sâu nhất trong tác phẩm này chính là hình tượng nhân vật Tnú – một nhân vật mang tầm vóc sử thi của nhân dân các dân tộc Tây Nguyên anh hùng.

Mở bài trực tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 2

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiêng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu - tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

2. Mở bài gián tiếp Rừng xà nu (9 mẫu)

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 1

Tây Nguyên là mảnh đất nắng gió bao la, nơi đại ngàn hoang sơ hùng vĩ. Mảnh đất sản sinh văn hóa cồng chiêng và bao pho sử thi đồ sộ như Đam Săn, Xinh Nhã, Xinh Bia… Mảnh đất ấy cũng từng kinh qua bao cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và để lại bao dấu ấn đẹp đẽ qua bao trang văn, trang thơ. Trong số những sáng tác về mảnh đất và con người nơi đây phải kể đến “Rừng xà nu” của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Tác phẩm ra đời vào mùa hè đỏ lửa năm 1965 và nhanh chóng trở thành một khúc hùng ca bi tráng, thiêng liêng – một “Bản hịch thời đánh Mỹ”. Người đã dệt nên bản anh hùng ca ấy chính là hình tượng nhân vật Tnú – con người tiêu biểu cho chân lý cách mạng ngời sáng mà cụ Mết đã truyền dạy “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 2

Tây Nguyên là mảnh đất của văn hóa cồng chiêng và những pho sử thi đồ sộ. Chính mảnh đất này đã thổi hồn vào những trang viết của Nguyễn Trung Thành và để lại nhiều dấu ấn qua “Rừng Xà Nu”, “Đất nước đứng lên”… Truyện ngắn “Rừng xà nu” ra đời vào mùa hè 1965 giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang đến hồi ác liệt. Tác phẩm để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng bạn đọc bởi hình tượng cây xà nu - tiêu biểu cho thiên nhiên và con người Tây Nguyên kiêu hùng, bất khuất.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 3

Trong thế giới nghệ thuật của mình mỗi nhà văn lại chọn cho mình một miền "đất nhớ", đó là mảnh đất gắn bó, nơi lưu lại những cảm xúc yêu thương, tự hào. Nếu trong những trang văn của Hoàng Cầm mang đậm dấu ấn của mảnh đất Kinh Bắc, trong những sáng tác của Nguyễn Thi ẩn hiện hình ảnh của mảnh đất Nam Bộ anh hùng thì trong Tây Nguyên đại ngàn lại là không gian nghệ thuật đặc biệt trong trang văn của Nguyễn Trung Thành. "Rừng xà nu" là bức tranh thiên nhiên hùng vĩ về mảnh đất Tây Nguyên, là bản hùng ca mạnh mẽ, tự hào về tinh thần, ý chí của con người Tây Nguyên trong kháng chiến chống Mĩ. "Rừng xà nu" là truyện ngắn kết tinh tài năng, tấm lòng của Nguyễn Trung Thành với mảnh đất Tây Nguyên thương nhớ.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 4

Đã có rất nhiều tác phẩm hay viết về chiến tranh, về người lính trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ của dân tộc, đó là những câu chuyện đi cùng năm tháng như "Nỗi buồn chiến tranh" của Bảo Ninh, là "Dấu chân người lính" của Nguyễn Minh Châu, và với tôi một trong những tác phẩm để lại ấn tượng sâu đậm nhất là "Rừng xà nu" của Nguyễn Trung Thành. Truyện viết về cuộc đấu tranh đồng khởi của làng Xô Man, viết về quá trình trưởng thành từ những đau thương của Tnú để trở thành người cán bộ cách mạng mẫu mực. Tuy viết về những đối tượng cụ thể, không gian nghệ thuật cũng được giới hạn trong không gian rộng lớn của Tây Nguyên đại ngàn nhưng tầm vóc sử thi của tác phẩm lại thật lớn lao, qua câu chuyện về Tnú, về không khí đấu tranh của làng Xô Man ta lại thấy được trọn vẹn không khí hào hùng, thấy được từng bước trưởng thành của cách mạng miền Nam: từ vũng bùn của đau thương mất mát, chúng ta đứng lên đấu tranh để làm chủ cuộc sống, hướng đến ánh sáng của tự do.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 5

"Rừng xà nu" là truyện ngắn mang đậm màu sắc sử thi của nhà văn Nguyễn Trung Thành, được sáng tác năm 1965 - giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mĩ của nhân dân miền Nam. Truyện không chỉ tái hiện không khí dữ dội mà hào hùng của cuộc chiến mà còn khẳng định, ca ngợi những vẻ đẹp, phẩm chất anh hùng trong mỗi con người Tây Nguyên nói chung, trong con người Việt Nam nói riêng. Quá trình trưởng thành của Tnú cũng chính là hình ảnh biểu tượng cho quá trình trưởng thành của cách mạng miền Nam đi từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác, giành độc lập, giải phóng dân tộc.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 6

"Rừng xà nu" là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất trong nền văn học kháng chiến giai đoạn 1960 - 1965. Qua câu chuyện về cuộc đời cách mạng của Tnú, nhà văn Nguyễn Trung Thành không chỉ tái hiện không khí kháng chiến đầy dữ dội, nhiều mất mát hi sinh nhưng không kém phần hào hùng, anh dũng của dân tộc mà còn cho thấy được quá trình trưởng thành của cách mạng miền Nam trong kháng chiến chống Mĩ: đứng dậy từ những đau thương, mạnh mẽ chiến đấu để bảo vệ cuộc sống, giải phóng cho quê hương, đất nước.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 7

Nền văn học Việt Nam đã ghi danh nhiều tác giả với những cống hiến quan trọng. Mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau lại có những dấu mốc văn học khác nhau. Trong đó, không thể không nhắc đến tác giả Nguyễn Trung Thành - một nhà văn xuất sắc, cây bút đa tài của nền văn học Việt Nam, với vốn am hiểu về cuộc sống, phong tục của con người Tây Nguyên, ông đã mang đến cho bạn đọc một “Rừng xà nu” với những câu chuyện, giai thoại vô cùng xúc động của người dân nơi đây thông qua nhân vậy Tnú.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 8

Năm tháng trôi qua, nhiều thứ đã trở thành dĩ vãng tuy nhiên những giá trị thì vẫn trường tồn cùng thời gian và gây ấn tượng sâu sắc với thế hệ đi sau. Có thể lúc bấy giờ có rất nhiều tác phẩm văn học tiêu biểu, nhưng mãi sau này chúng ta vẫn còn ấn tượng và yêu quý nhà văn Nguyễn Trung Thành cùng hình ảnh người anh hùng Tnú mạnh mẽ, gan dạ, hay một buôn làng Xô Man đầy sức sống, với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc thông qua truyện ngắn Rừng xà nu.

Mở bài gián tiếp Rừng xà nu - Bài mẫu 9

Để làm nên một tác phẩm thành công, bên cạnh việc lựa chọn chủ đề, xây dựng nhân vật và sử dụng các biện pháp nghệ thuật thì mỗi nhà văn, nhà thơ cần phải có một phong cách nghệ thuật đặc sắc, khác biệt để tác phẩm của mình mang nhiều giá trị, ý nghĩa. Nhà văn Nguyễn Trung Thành đã vô cùng thành công khi viết truyện ngắn Rừng xà nu, qua hình ảnh người anh hùng Tnú can đảm, anh dũng và buôn làng Xô Man với lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc, ta hiểu hơn về một thời kì lịch sử huy hoàng của người dân Tây Nguyên.

3. Mở bài phân tích nhân vật Tnú (5 mẫu)

Mở bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 1

Được sống ở Tây Nguyên thời chiến tranh là may mắn lớn nhất đời tôi. Không có cuộc gặp gỡ với mảnh đất ấy, chắc tôi không bao giờ trở thành nhà văn” . Đó là những lời chia sẻ của nhà văn Nguyễn Trung Thành về khoảng thời gian sống ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Nếu nhà văn Tô Hoài có một Tây Bắc “để thương để nhớ” thì Nguyên Ngọc cùng dành cho đất trời và con người Tây Nguyên biết bao trìu mến. Tác phẩm “Rừng xà nu” với nhân vật người anh hùng Tnú là sự tri ân của nhà văn đối với mảnh đất xiết bao ân tình.

Mở bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 2

Thời kì kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mĩ là thời kì của văn học cách mạng. Các tác phẩm văn học được viết theo khuynh hướng sử thi, cảm hứng lãng mạn dạt dào. Có thể nói, chưa bao giờ hình tượng con người Việt Nam bước vào trang văn đẹp hào hùng và kì vĩ đến như vậy. Tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành với nhân vật người anh hùng Tnú chính là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về con người Việt Nam trong kháng chiến.

Mở bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 3

Đề tài người anh hùng từ xưa đến nay đã khơi nguồn cảm hứng sáng tác cho nhiều nhà văn nhà thơ khác nhau. Một trong những tác phẩm tiêu biểu về đề tài anh hùng không thể không nhắc đến là tác giả Nguyễn Trung Thành với truyện ngắn Rừng xà nu. Câu chuyện đã cho chúng ta cái nhìn xác thực hơn về cuộc sống, kháng chiến của con người dân tộc thiểu số Tây Nguyên mà điển hình là nhân vật Tnú.

Mở bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 4

Nguyễn Trung Thành được biết đến là một tác giả có gắn bó sâu sắc và hiểu biết sâu rộng về con người cũng như cuộc sống của đồng bào thiểu số vùng núi rừng Tây Nguyên. Chính sự hiểu biết sâu rộng này đã giúp ông sáng tác thành công tác phẩm Rừng xà nu và làm nổi bật nhân vật Tnú để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Mở bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 5

Mỗi thời kì, chúng ta luôn có những vị anh hùng khác nhua cống hiến trí tuệ và cả thể xác của mình cho sự nghiệp nước nhà. Dù là vị anh hùng nổi tiếng hay những người anh hùng hi sinh thầm lặng thì họ đều là những người đáng được trân trọng và biết ơn. Dưới góc nhìn, cách cảm của mình, tác giả Nguyễn Trung Thành đã mang đến cho bạn đọc một người anh hùng Tnú để lại nhiều ấn tượng sâu sắc.

4. Mở bài vẻ đẹp của con người Tây Nguyên

Nghệ thuật là lĩnh vực của cái độc đáo. Những tác phẩm nghệ thuật đạt đến chuẩn mực của cái hay, cái đẹp sẽ và mãi “vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian và chỉ mình nó không chấp nhận cái chết”. Cũng như dù thời gian có trôi qua nhưng những giá trị của tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành vẫn mãi vẹn nguyên và tỏa sáng. Đến với tác phẩm này bên cạnh hình tượng con người Xô Man anh hùng thì còn có hình tượng cây xà nu – một loài cây mang sức sống hoang dại mãnh liệt bất chấp sự hủy diệt của tội ác kẻ thù. Đây chính là hình tượng tiêu biểu cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Trung Thành về sức sống của con người, nhất là con người Tây Nguyên kiêu hùng bất khuất.

5. Mở bài phân tích hình tượng Rùng xà nu

Mở bài phân tích hình tượng Rùng xà nu ẫu 1

Truyện ngắn Rừng xà nu được tác giả sáng tác vào khoảng giữa năm 1965, khi cuộc đối đầu giữa nhân dân miền Nam với bè lũ Mĩ - ngụy đã bước vào giai đoạn gay go, ác liệt. Tác giả đã khéo léo lồng ghép nỗi đau mất mát vợ con của Tnú vào nỗi đau chung của dân làng. Họ đau đớn vì mất nước, mất đi sự tự do của chính mình và đó cũng chính là ngòi nổ châm lửa cho phong trào đấu tranh của người dân làng Xô man bùng cháy. Sự khắc nghiệt của chiến tranh như thứ lửa thử vàng để thử phẩm chất của con người Tây Nguyên. Càng khó khăn, càng gian khổ họ càng kiên cường, bất khuất.

Mở bài phân tích hình tượng Rùng xà nu mẫu 2

Tây Nguyên - mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có Bóng cây Kơ nia như nỗi lòng thổn thức thiết tha của tình yêu thủy chung son sắt, Thu Bồn có Bài ca chim Chơ-rao, ngân vang khúc hát trong trẻo nồng đượm tình người chiến thắng... Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho ta hình tượng những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời như sức sống bền và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong công cuộc chống Mỹ cứu nước

6. Kết bài phân tích nhân vật Tnú (2 mẫu)

Kết bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 1

Tác phẩm không chỉ giúp bạn đọc mở mang tầm hiểu biết, thêm đồng cảm, yêu thương nhân vật Tnú mà còn thể hiện tài năng uyên bác của tác giả Nguyễn Trung Thành trong việc dùng ngòi bút của mình để khắc họa nhân vật. Nhiều năm tháng qua đi nhưng câu chuyện vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.

Kết bài phân tích nhân vật Tnú - Bài mẫu 2

Truyện ngắn Rừng xà nu đã vô cùng thành công và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng độc giả. Qua câu chuyện, chúng ta không chỉ thêm yêu quý, ngưỡng mộ nhân vật Tnú mà anh còn là tấm gương sáng để thế hệ chúng ta sau này học tập và noi theo để cống hiến cho nước nhà ngày càng phát triển giàu đẹp, vững mạnh hơn.

7. Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu (5 mẫu)

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 1

“Tôi yêu say mê cây xà nu. Ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứ nhựa. Tán lá vừa thanh vừa rắn rỏi, mênh mông, tưởng như đã sống ngàn đời, còn sống đến ngàn đời sau.” Trong dụng ý miêu tả của mình, Nguyễn Trung Thành dã lựa chọn những cánh rừng xà nu cạnh con nước lớn và chạy bát ngát đến tận chân trời làm phông nên cho tác phẩm. Để từ đó xuất hiện những người anh hùng và những hành động anh hùng của người Tây Nguyên. Những hành động kiên cường anh dũng của họ mãi được lịch sử ghi nhận và cuộc đời, hành động của họ mãi mãi trở thành trang sử thi bất hủ của dân tộc. Và trong những đêm huyền thoại với ngọn lửa bùng bùng soi rõ, những khan dử thi anh hùng mãi được hát lên, được ghi nhớ và được kể lại cho muôn đời sau. Và đâu đó, âm vọng trong núi, trong nước, trong cánh rừng và trong tâm trí người Xô Man vẫn còn câu nói trầm trầm đầy uy lực của cụ Mết: “Nhớ lấy, ghi nhớ,… Chúng nó cầm súng, mình phải cầm mác”.

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 2

Qua cuộc đời nhiều mất mát, đau thương cùng tinh thần mạnh mẽ, kiên cường vươn lên từ trong đau thương để chiến đấu, chống lại thế lực ngoại xâm bạo tàn của Tnú, nhà văn Nguyễn Trung Thành trong truyện ngắn Rừng xà nu đã mang đến cho người đọc những cảm nhận chân thực, sâu sắc nhất về quá trình trưởng thành trong nhận thức và đấu tranh của cả cộng đồng làng Xô Man hay cũng chính là con người Tây Nguyên và cả miền Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mĩ nhiều gian khổ. Tinh thần, âm vang hào hùng của thời đại, của dân tộc được khắc họa ấn tượng qua những con người làng Xô Man qua các thế hệ, đó là cụ Mết, là Tnú, Mai, Dít, bé Heng.

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 3

Thông qua hình ảnh những đồi xà nu trải dài bất tận cùng những con người Xô Man giàu yêu thương, đoàn kết trong cuộc sống, kiên cường quả cảm trong chiến đấu như: Tnú, Dít nhà văn Nguyễn Trung Thành không chỉ tái hiện đầy sinh động không khí kháng chiến dữ dội của dân tộc trong thời kì lịch sử đặc biệt mà còn dựng lên bức tượng đài sử thi sáng chói về những người anh hùng yêu nước đã vùng lên đấu tranh để giải phóng cho quê hương, cho đất nước, cho dân tộc, quả đúng như nhận định: "Rừng xà nu là bản hùng ca của người Tây Nguyên".

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 4

Trong mối quan hệ ứng chiếu hai chiều, hình ảnh rừng xà nu và con người Xô Man như hòa nhập để phản ánh, biểu hiện lẫn nhau để rồi cùng làm nổi bật lên những phẩm chất tốt đẹp của con người Tây Nguyên trong kháng chiến: khi sống thì yêu thương đoàn kết, khi đấu tranh thì kiên cường, bất khuất. Sự hài hòa giữa thiên nhiên (rừng xà nu) và con người đã tạo nên bản anh hùng ca vừa hào hùng vừa lãng mạn, đậm chất thơ về tinh thần đấu tranh và sức sống mạnh mẽ của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 5

Mỗi một con người trong Rừng xà nu lại có những tính cách và số phận khác nhau nhưng họ lại vô cùng đoàn kết, rất yêu thương nhau và cùng chung nhau mối thù giặc Mỹ. Rừng xà nu được nhận xét là câu chuyện của một đời được kể trong một đêm. Cuộc đời ấy là cuộc đời của Tnú, một con người mà từ lúc sinh ra cho đến khi lớn lên đều cống hiến mình cho cách mạng, anh là đại diện cho dân làng, là sự tiếp nối, phát huy đầy bản lĩnh của thế hệ trước và là tấm gương sáng chói cho những thế hệ sau. Con người Tnú là đại diện cho những thế hệ anh hùng kiên cường dũng mãnh trong kháng chiến. Câu chuyện của anh là đại diện cho một thế hệ trẻ mà đầy hoài bão ước mơ và sức sống, dám hết mình vì lý tưởng của cách mạng. Đó cũng chính là ý nghĩa sử thi mà các nhân vật, hay chính rừng xà nu mang lại.

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 6

Cảm hứng Tây Nguyên trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành là một nét rất riêng trong phong cách nghệ thuật của ông, chính điều này đã đưa tên tuổi tác giả bật lên như một vì sao sáng giữa một rừng các tác phẩm của các nhà văn cùng thời khi viết về đè tài kháng chiến. Để có được những cảm nhận sâu sắc như vậy, chắc chắn một điều rằng bản thân Nguyên Ngọc đã dành rất nhiều tình cảm gắn bó, thương yêu sâu nặng với mảnh đất và những người con anh hùng này trong suốt quãng thời gian sống và chiến đấu đầu gian khổ, để dành độc lập cho dân. Đúng như nhà văn Tạ Tỵ đã từng nói: "Gần nửa thế kỷ qua, truyện ngắn "Rừng xà nu" như một nỗi ám ảnh đẹp từ cảnh sắc đến con người chốn ngàn xanh..."

Kết bài phân tích tác phẩm Rừng xà nu - Bài mẫu 7

Truyện ngắn Rừng xà nu là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về người anh hùng dân tộc Tây Nguyên trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tnú là nhân vật tiêu biểu nhất cho hình tượng người anh hùng cách mạng, ở nhân vật này hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp của cộng đồng, mang khuỵnh hướng sử thi của thời đại bao gồm lòng yêu nước, yêu quê hương sâu sắc, sự trung thành với cách mạng, có tấm lòng gắn bó, yêu thương gia đình sâu sắc, một lòng chiến đấu vì mục tiêu lí tưởng chung của dân tộc, báo nợ nước trả thù nhà. Dù năm tháng đã đi qua, chiến tranh đã kết thúc nhưng cho đến hôm nay tác phẩm Rừng xà nu và nhân vật Tnú vẫn giữ nguyên những giá trị và ấn tượng trong tâm hồn độc giả về một mảnh đất đầy nắng và gió anh hùng.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
9
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Mít
    Mít

    Hay quá, cảm ơn ad nhiều nha

    Thích Phản hồi 11/06/22
    • Lanh chanh
      Lanh chanh

      Mình xin tài liệu phân tích bài Rừng xà nu này với ad ơi

      Thích Phản hồi 11/06/22
      • Gấu Đi Bộ
        Gấu Đi Bộ

        Có tài liệu phân tích Tnú không ạ, cho mình xin

        Thích Phản hồi 11/06/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Mở bài lớp 12 hay

        Xem thêm