Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Mở bài và kết bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Mở bài và kết bài Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây.

1. Mở bài Đất nước

Mẫu mở bài số 1

Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã từng tâm sự về cuộc kháng chiến chống Mỹ: “không có cuộc chiến đấu này chưa chắc tôi đã làm thơ và trở thành nhà thơ”. Mặt trận kháng chiến khốc liệt với mưa bom, bão đạn đã sinh ra ông - một nhà thơ tiêu biểu cho thế hệ trẻ thời kì chống Mỹ. Cũng chính nơi đó đã khơi cho ông những bầu nhiệt huyết thi ca mà trường ca “Mặt đường khát vọng” là một minh chứng rõ nét. Tác phẩm là sản phẩm của trí tuệ, tư duy sắc sảo và trái tim luôn hướng về đất nước, nhân dân. Tiêu biểu cho điều đó là trích đoạn “Đất Nước” thuộc chương V của bản trường ca.

Mẫu mở bài số 2

Sự gắn bó của con người với những miền đất sẽ trở thành những kí ức không thể phải nhòa: “Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn”. Có lẽ vì lí do ấy mà những vần thơ viết về quê hương, đất nước luôn là những rung động thường trực trong tâm hồn người nghệ sĩ. Và cũng bắt nguồn từ mạch cảm hứng dồi dào ấy, Nguyễn Khoa Điềm đã chắp bút viết trường ca “Mặt đường khát vọng”. Một trích đoạn tiêu biểu trong bản trường ca ấy là “Đất Nước”.

Mẫu mở bài số 3

Đất nước - hai từ thiêng liêng khơi gợi nguồn cảm hứng sáng tác cho bao nhà văn, nhà thơ đặc biệt là trong thời chiến thì tinh thần yêu nước, khẳng định chủ quyền lại càng được nêu cao. Một trong những tác giả thành công khi viết về đề tài này chính là nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Trường ca Mặt đường khát vọng nói chung và đoạn trích Đất nước nói riêng đã làm hừng hực khí thế yêu nước và khẳng định chủ quyền lãnh thổ của bao con người Việt Nam.

Mẫu mở bài số 4

Nền văn học Việt Nam có bao nhà văn, nhà thơ nổi tiếng với nhiều tác phẩm hay và ý nghĩa. Giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ cùng phong trào thơ Mới đã ghi danh nhiều nhà thơ, nhà văn nổi bật. Đặc biệt trong đó phải kể đến nhà thơ với phong cách trữ tình chính luận - Nguyễn Khoa Điềm. Dưới những lập luận sắc bén của mình, ông đã khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam qua đoạn thơ Đất nước trích từ Trường ca Mặt đường khát vọng.

Mẫu mở bài số 5

Dù cuộc sống hiện nay vô cùng thanh bình và tự do nhưng người dân Việt Nam ta không thể quên một thời kì tháng chiến chống Pháp và Mĩ đầy hào hùng nhưng cũng đầy những đau thương, mất mát. Và tinh thần yêu nước, khẳng định chủ quyền ấy càng được nêu cao qua Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm, đặc biệt là đoạn trích Đất nước. Đoạn thơ đã nêu lên nguồn gốc của đất nước và khẳng định Đất nước có chủ quyền lãnh thổ riêng.

Mẫu mở bài số 6

Đất Nước - hai tiếng thiêng liêng ấy vang lên tự sâu thẳm tâm hồn ta vừa cao cả, trang trọng, vừa bình dị, gần gũi xiết bao. Hình tượng Đất nước đã khơi nguồn cho biết bao hồn thơ cất cánh. Văn học kháng chiến 1945 - 1975 trong mạch chảy ngầm dạt dào, mãnh liệt của cuộc sống không chỉ bắt được những âm vang náo nức của thời đại mà còn khắc tạc nên tượng đài nghệ thuật Đất nước thật nên thơ, cao đẹp.

Mẫu mở bài số 7

Trong suy nghĩ của mỗi người, yêu nước thường là một tình cảm lớn lao, xa vời, khó cảm nhận. Nhưng qua bài Đất nước, bằng những câu thơ vừa dồn nén cảm xúc vừa trĩu nặng suy tư, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã thầm nhắc bạn đọc – nhất là lớp người trẻ tuổi “Em ơi em, Đất Nước là máu xương của mình/Phải biết gắn bó và san sẻ...” Đất Nước gắn bó, biểu hiện ngay bên cạnh chúng ta. Phải chăng lòng yêu nước bắt đầu từ những điều giản dị, gần gũi nhất, như yêu cha mẹ, gia đình, mái nhà ta ở, hạt gạo ta ăn, từ mỗi giọt máu, đốt xương của chính mình? Từ tình yêu nhỏ, tuổi trẻ hãy mở rộng tấm lòng để có tình yêu lớn. Từ tình yêu, chúng ta cần thức tỉnh sứ mệnh của mình trước lịch sử. Ngày xưa, sứ mệnh ấy là chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc, còn ngày nay, sứ mệnh ấy là gì?

Mẫu mở bài số 8

Đất nước là đề tài muôn thuở của thơ văn Việt Nam. Chúng ta đã bắt gặp đất nước chìm trong đau thương, mất mát qua thơ Hoàng Cầm; gặp đất nước đang đổi mới từng ngày qua thơ Nguyễn Đình Thi. Nhưng có lẽ đất nước được nhìn từ nhiều khía cạnh, đầy đủ và trọn vẹn nhất qua bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Hình hài đất nước từ khi được sinh ra cho đến khi phải trải qua bao nhiêu sóng gió chiến tranh được tái diễn sinh động qua một hồn thơ tinh tế, phóng khoáng của Nguyễn Khoa Điềm. Tác giả nhìn đất nước từ nhiều khía cạnh, trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử. Đất nước là tên gọi thiêng liêng, bình dị nhưng chất chứa bao nhiêu ngọn nguồn của cảm xúc chính tác giả.

Mẫu mở bài số 9

“Có mối tình nào hơn Tổ quốc?”

(Trần Mai Ninh)

Bằng tình cảm yêu thương sâu nặng và cảm hứng nồng nàn về Tổ Quốc – các nhà thơ – chiến sĩ đã để lại cho núi sông này biết bao vần thơ đẹp về con người, đất nước Việt Nam. Nếu các nhà thơ khác cùng thời thường dùng những hình ảnh kì vĩ, mĩ lệ mang tính biểu tượng, tạo ra một khoảng cách để cảm nhận, chiêm ngưỡng về đất nước thì Nguyễn Khoa Điềm lại cảm nhận về đất nước qua những gì hết sức gần gũi, đơn sơ, bình dị, mộc mạc gắn liền với mỗi con người như máu thịt, như hơi thở. Đất nước ấy tắm đẫm trong hương liệu văn hóa dân gian, trong tư tưởng lớn của thời đại – tư tưởng “Đất nước của nhân dân”

Mẫu mở bài số 10

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ như Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Xuân Quỳnh… Thơ Nguyễn Khoa Điềm hấp dẫn bạn đọc bởi sự kết hợp giữa chính luận và trữ tình, giữa xúc cảm nồng nàn và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam. “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm trích từ chương V trường ca “Mặt đường khát vọng” là một trong những vần thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.

Mẫu mở bài số 11

Trong những năm tháng kháng chiến oanh liệt của dân tộc, đề tài đất nước luôn là nguồn cảm hứng lớn lao, bất tận. Các nhà thơ viết về đất nước bằng tất cả niềm tự hào của riêng họ. Trong đó ta không thể không nhắc đến bài thơ “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ nằm trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” năm 1971 tại chiến khu Trị - Thiên. Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm được ấp ủ và hình thành trong một khoảng thời gian khá dài từ năm 1948 đến năm 1955 và được viết liền mạch trong cảm xúc dồn nén. Bởi vậy, những ai đã nghe các vần thơ của ông đều không thể nào quên hình ảnh một Đất nước gần gũi, giản dị nhưng không kém phần cao cả thiêng liêng.

Mẫu mở bài số 12

Nguyễn Khoa Điềm là một trong những nhà thơ tiêu biểu của thế hệ trẻ thời chống Mĩ. Ông là nhà thơ trưởng thành từ ghế nhà trường xã hội chủ nghĩa, không chỉ tiếp thu trình độ văn hóa mới, lí tưởng mới, ông còn là thế hệ thanh niên trẻ tích cực tham gia trực tiếp vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Chính vì vậy, những áng thơ của ông luôn cháy bỏng tình yêu quê hương, đất nước. Đất Nước là một bài thơ như vậy. Nó là đứa con tinh thần, là khát vọng chất chứa của ông, viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

Mẫu mở bài số 13

Giữa muôn vàn thơ ca về đề tài Đất nước, ta vẫn nhận ra được chất riêng của Nguyễn Khoa Điềm với thi phẩm “Đất nước” trích từ bản trường ca “Mặt đường khát vọng”. Những vần thơ mang chất trữ tình chính luận của ông không khô khan giáo điều mà rung động dạt dào cảm xúc. Với “Đất nước”, Nguyễn Khoa Điềm đã góp thêm thành tựu cho thơ ca thời kì chống Mĩ bằng một cái nhìn toàn diện, cách nói mới mẻ không lặp lại con đường đi của người khác. Bài thơ là lời kêu gọi thiết tha của tác giả với các bạn sinh viên tuổi trẻ cùng xuống đường, hướng về cuộc kháng chiến chung của dân tộc.

Mẫu mở bài số 14

Nguyễn Khoa Điềm là nhà thơ trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mĩ, cùng với lớp những nhà thơ trẻ tài năng trong phong trào thơ trẻ chống Mĩ, Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp cho nền văn học cách mạng rất nhiều tác phẩm thơ văn hay viết về đề tài đất nước, chiến tranh, người lính. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Khoa Điềm có thể kể đến là bài thơ Đất nước (trích Trường ca khát vọng).

Mẫu mở bài số 15

Đất nước luôn là tiếng gọi thiêng liêng muôn thuở, muôn nơi và của bao triệu trái tim con người. Đất nước đi vào đời chúng ta qua những lời ru ngọt ngào êm dịu, qua những làn điệu dân ca mượt mà và những vần thơ sâu lắng, thiết tha và rất đỗi tự hào của bao lớp thi nhân. Ta bắt gặp một hình tượng đất nước đau thương nhưng vẫn ngời lên ý chí đấu tranh trong trang thơ Nguyễn Đình Thi đồng thời cũng rất dịu dàng ý tứ trong thơ Hoàng Cầm. Nhưng trong Đất nước trích Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm , ta bắt gặp một cái nhìn toàn vẹn, tổng hợp từ nhiều bình diện khác nhau về một đất nước của nhân dân. Tư tưởng ấy đã quy tụ mọi cách nhìn và cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về đất nước.

2. Mẫu mở bài phân tích khổ thơ đầu đoạn trích Đất nước

Mẫu mở bài phân tích khổ thơ đầu đoạn trích Đất nước 1

Dân gian ta có câu: “Uống nước nhớ nguồn.” Dù ở đâu, làm gì thì mỗi chúng ta cũng phải nhớ về quê hương, về cội nguồn dân tộc. Nhưng liệu mấy ai hiểu thế nào là cội nguồn đất nước, cội nguồn dân tộc? Thắc mắc này đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm lí giải vô cùng cặn kẽ và bình dị ở khổ thơ đầu tiên của Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng).

Mẫu mở bài phân tích khổ thơ đầu đoạn trích Đất nước 2

Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ nổi tiếng với phong cách thơ trữ tình chính luận trong nền thơ hiện đại Việt Nam. Ông đã viết nên nhiều tác phẩm để lại nhiều dấu ấn trong lòng bạn đọc. Trong đó không thể không nhắc đến Trường ca Mặt đường khát vọng; nổi bật trong bản trường ca là đoạn trích Đất nước. Khổ thơ mở đầu đoạn trích này tác giả đã lí giải nguồn gốc của Đất nước vô cùng chính xác và bình dị từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Mẫu mở bài phân tích khổ thơ đầu đoạn trích Đất nước 3

Con người Việt Nam ta từ xưa đến nay tinh thần yêu nước, lòng dũng cảm luôn chảy trong dòng máu, sẵn sàng chiến đấu, hi sinh để bảo vệ độc lập tự do cho Tổ quốc. Trong những năm tháng kháng chiến chống Mĩ gian khổ, có biết bao nhiêu bài thơ, bài văn ra đời để cổ vũ tinh thần chiến đấu cho quân và dân ta ngoài mặt trận. Một trong số các tác phẩm khơi gợi lòng yêu nước đó không thể không kể đến Trường ca Mặt đường khát vọng của tác giả Nguyễn Khoa Điềm mà nổi bật là đoạn trích Đất nước. Mở đầu đoạn trích, tác giả lí giải về cội nguồn của Đất nước vô cùng thân thương.

3. Mẫu mở bài Phân tích khổ thơ thứ 3 đoạn trích Đất nước (Những cặp vợ chồng... hóa núi sông ta)

Mẫu mở bài Phân tích khổ thơ thứ ba đoạn trích Đất nước 1

Công cuộc xây dựng đất nước ngàn mấy nghìn năm nay của dân tộc ta không chỉ có những vị anh hùng hi sinh trên chiến trường để bảo vệ độc lập tự do mà còn là những con người bình dị, cống hiến thầm lặng cho nước nhà. Và những cống hiến của họ được tác giả Nguyễn Khoa Điềm miêu tả vô cùng chính xác và gần gũi qua khổ thơ thứ ba: “Những cặp vợ chồng... hóa núi sông ta” đoạn trích Đất nước.

Mẫu mở bài Phân tích khổ thơ thứ ba đoạn trích Đất nước 2

Đất nước này đâu của riêng ai. Tuy nhiên, bảo vệ và gây dựng nó trở nên giàu đẹp lại là trách nhiệm chung của tất cả con người Việt Nam. Để khắc ghi công lao, sự hi sinh thầm lặng của những con người đi trước, dù là vô danh hay nổi tiếng thì họ cũng đáng được trân trọng, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã sáng tác Trường ca Mặt đường khát vọng. Nổi bật trong bản trường ca là đoạn trích Đất nước cùng công lao của con người trong khổ thơ thứ ba của đoạn trích này: “Những cặp vợ chồng... hóa núi sông ta”.

4. Mở bài Đất nước ngắn gọn

"Đất nước” là đoạn trích đặc sắc trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Bài thơ được sáng tác năm 1971 tại chiến trường Trị - Thiên nhằm mục đích thức tỉnh ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng của thế hệ trẻ cả nước, đặc biệt là thế hệ trẻ đô thị, vùng bị tạm chiến miền Nam cho cuộc kháng chiến chống Mĩ trường kì, gian khổ của dân tộc. Đồng thời, qua bài thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng đã thể hiện được những cảm nhận mới mẻ về hình tượng đất nước.

5. Kết bài phân tích đoạn thơ Đất nước

Mẫu kết bài số 1

Trích đoạn “Đất Nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng" là sự lý giải hoàn hảo cho những thắc mắc của đọc giả về câu hỏi: “Đất nước có từ bao giờ và đất nước là của ai?” Một cách cắt nghĩa, giải thích đầy mới mẻ. Chẳng phải nơi chúng ta đang sống, mọi thứ quanh mình, đều là những gì thuộc về đất nước hay sao. Và những câu hỏi thắc mắc về quê hương, đất nước mình vẫn còn là những điều bỏ ngỏ, để bạn đọc không ngừng tìm kiếm những điều mới lạ ấy, sự thú vị ấy trong thơ văn:
“Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hả mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều?”

Mẫu kết bài số 2

Hình tượng đất nước không phải lần đầu tiên xuất hiện, nhưng cách lý giải về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm lại đem tới cho bạn đọc sự thú vị đến bất ngờ. Đó là hình ảnh của một đất nước gần gũi, dung dị, giống như hình ảnh của những con người đã làm ra, dựng xây và phát triển - Nhân dân. Tư tưởng “Đất Nước là của Nhân dân” cũng không phải là tư tưởng lần đầu tiên xuất hiện trong nền văn học Việt Nam, nhưng đây lại là tác phẩm cho độc giả thấy được tư tưởng về đất nước của nhân dân chân thực và gần gũi nhất:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm nên Đất Nước”

Mẫu kết bài số 3

Đề tài về đất nước luôn luôn là một cảm hứng cho mọi nền văn học nhất là nền văn học của một dân tộc mà tình yêu nước luôn luôn bị đem ra thử thách. Thành công về đề tài này đã nhiều nhưng “Đất nước” của Nguyễn Khoa Điềm vẫn có một tiếng nói riêng, một sự khám phá riêng với một phong cách riêng, góp vào vườn thơ về đất nước bông hoa đẹp nhất tỏa hương thơm đến muôn đời, muôn thế hệ.

Mẫu kết bài số 4

Đất Nước là một đoạn trích hay nhất trong trường ca “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm. Thi phẩm ấy không chỉ khẳng định tài năng thơ phú của nhà thơ mà còn qua đó nói lên được tiếng nói của người công dân yêu nước với tình yêu sâu nặng, mãnh liệt “như máu xương của mình”. Cuộc chiến tranh chống Mĩ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai)

Mẫu kết bài số 5

Chất liệu văn học dân gian đã được sử dụng không còn ở dạng nguyên sơ mà đã được chuyển hóa trong cách cảm cách nghĩ trong lời thơ, giọng điệu. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu với tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, nhân dân.

Mẫu kết bài số 6

Có một tư tưởng về đất nước được vẽ lên bình yên từ những điều giản dị. Có một hình ảnh đất nước được lí giải với những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết ngày xửa ngày xưa. Có những giá trị của một đất nước được cắt nghĩa từ một không gian tình tứ như chuyện tình của đôi lứa, uyên ương. Tất cả những điều này, được Nguyễn Khoa Điềm truyền tải trọn vẹn trong trích đoạn “Đất Nước" của mình. Cuộc chiến tranh chống Mĩ gian khổ đã làm con người xích lại gần nhau, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ chung cao cả để bảo vệ Tổ Quốc. Tình yêu và trách nhiệm cao cả ấy trong thơ Nguyễn Khoa Điềm cũng chính là quyết tâm của cả một thời đại: “Thời đại của chúng tôi là thời đại của những thanh niên xuống đường chiếm lĩnh từng tầng cao của mái nhà, của ngọn đồi, của nhịp cầu để bắn toả lương tâm lên bầu trời đầy giặc giã” (Chu Lai).

Mẫu kết bài số 7

Chất liệu văn học dân gian đã được sử dụng không còn ở dạng nguyên sơ mà đã được chuyển hóa trong cách cảm cách nghĩ trong lời thơ, giọng điệu. Mỗi hình ảnh đều có ý nghĩa như những điển tích điển cố để tạo nên tính hình tượng đa nghĩa trong thơ ca. Những yếu tố của văn hóa dân gian đã hòa hợp thật kì diệu với tinh thần hiện đại. Nhà thơ đã lấy cái xưa cũ để nói chuyện hôm nay, lấy quá khứ để nói hiện tại và liên tưởng đến tương lai của đất nước. Nhà thơ xứng đáng là người đại diện cho dân tộc mình, thế hệ mình để ngợi ca về Đất Nước, nhân dân.

Mẫu kết bài số 8

Bằng phong cách triết luận, trữ tình sâu sắc Nguyễn Khoa Điềm đã đem đến một Đất Nước với dáng hình mới mẻ, khác hẳn so với các nhà thơ cùng thời, một Đất Nước nồng đượm phong vị của chất liệu văn hóa dân tộc, của hơi thở lịch sử kiêu hùng. Một Đất Nước gần gũi và chân thực, các yếu tố cấu thành có sự liên kết chặt chẽ, văn hóa và lịch sử vừa tách rời vừa thống nhất cùng với nhân dân làm nên Đất Nước – hai tiếng yêu thương.

Mẫu kết bài số 9

Qua những gì đã phân tích, chúng ta có thể khẳng định, trích đoạn “Đất Nước” thuộc trường ca “Mặt đường và khát vọng” đã thể hiện rõ chất “trữ tình - chính luận” - đặc trưng nổi bật đại diện cho tiếng thơ của Nguyễn Khoa Điềm. Tư tưởng cốt lõi “Đất Nước của Nhân Dân” - một tư duy hiện đại đậm chất chính luận đã được khám phá trong một thế giới gần gũi của ca dao, truyền thuyết thấm đượm màu sắc văn hóa dân gian, tạo nên nét đặc sắc thẩm mĩ và làm nổi bật quan điểm: “Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao, thần thoại”. Đây là cách nhìn nhận, đánh giá mang tính tích cực trong việc thức tỉnh thế hệ trẻ thành thị miền Nam ý thức về tinh thần dân tộc và đứng về phía nhân dân, cách mạng giữa những năm tháng kháng chiến chống Mĩ khốc liệt.

Mẫu kết bài số 10

Tiếp nối dòng mạch cảm xúc trong thơ ca yêu nước của lịch sử văn học dân tộc, Đất Nước trong bản trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mang đến một nội dung cảm nhận cùng cách thể hiện thật độc đáo. Thành công của bài thơ Đất Nước này đã góp phần chứng tỏ tầm trí tuệ, tài năng vượt bậc và sức khám phá của một nhà thơ trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước anh hùng.

Mẫu kết bài số 11

Như vậy, tư tưởng cốt lõi “đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại’ đã được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện một cách bình dị, giản đơn mà sâu sắc đầy chất triết lý trong đoạn trích. Với những thi liệu dân gian đậm đà chất thơ, được kết hợp độc đáo với những suy nghĩ giàu chất trí tuệ đã khiến cho Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm sẽ mãi lưu dấu ấn sâu đậm trong lòng mỗi bạn đọc như một bài ca bất hủ không bao giờ quên. Và tác giả cũng đã góp phần làm tư tưởng đất nước của nhân dân trở lên phong phú hơn trong thơ ca thời kỳ chống Mỹ.

Mẫu kết bài số 12

Bằng cách đề cao vai trò to lớn của nhân dân lao động đối với đất nước, Nguyễn Khoa Điềm một lần nữa đã làm rõ tư tưởng cốt lõi “Đất nước của nhân dân”, khẳng định vai trò, sức mạnh và sự ảnh hưởng của nhân dân đối với lịch sử và đất nước. Đó là cả một truyền thống lâu đời trong lịch sử văn học dân tộc. Tác phẩm đã tạo nên những cảm xúc, những rung động âm vang trong lòng mỗi người đọc chính từ những cảm xúc chân thành, từ sự trải nghiệm của chính bản thân tác giả mà nói lên những suy nghĩ chung của cả một thể hệ đối với đất nước. Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp thêm một thi phẩm cho nền văn học Việt Nam viết về đất nước, làm sâu sắc thêm.

Mẫu kết bài số 13

Qua những cảm nhận hết sức bình dị, gần gũi nhưng vô cùng mới mẻ cùng với việc sử dụng thành công, kết hợp nhuần nhuyễn các chất liệu văn học, những nét văn hóa dân gian truyền thống, Nguyễn Khoa Điềm đã đóng góp một quan điểm sâu sắc, một cái nhìn mới mẻ về chủ đề Đất Nước – chủ đề bao trùm xuyên suốt trong tiến trình văn học Việt Nam. Quan niệm về đất nước của Nguyễn Khoa Điềm mang một dấu ấn riêng biệt của sự trải nghiệm, của những chiêm nghiệm, triết lí, suy tư, từ đó đem đến một cảm nhận, cách khám phá quê hương đất nước trong cái nhìn toàn vẹn hơn, nổi bật hơn cả là tư tưởng cốt lõi về nhân dân: “Đất Nước của nhân dân” và nhân dân chính là người đã tạo dựng, đi qua những gian lao vất vả đã làm nên chiến công rực rỡ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Mẫu kết bài số 14

Có một bài ca như thế, cùng với những năm tháng chiến đấu chống Pháp, luôn được ghi nhớ sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ dân tộc. Đó là khoảng thời gian khi Việt Nam vừa vượt qua nạn đói, giành được độc lập nhưng lại phải đối mặt với cuộc xâm lược của thực dân Pháp. Năm 1945, cả nước đang chịu đựng vết thương đói khát và cuộc hỏi thăm của tự do hay trở về cuộc sống cũ đang khắc nghiệt đối với nhiều người. Tuy nhiên, với niềm khát khao tự do, nông dân, công dân, học sinh, phụ nữ đã tham gia vào cuộc kháng chiến, tạo nên một trang sử hào hùng của dân tộc. Trong khoảng thời gian ấy, văn học chưa thể ghi lại đầy đủ về đất nước, nhưng đã lưu giữ được hình ảnh đẹp của người lính cụ Hồ và những người đồng đội. Trong số đó, bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng đã ra đời, ghi lại một phần hào khí và kỷ niệm đáng nhớ của một thời đại.

Mẫu kết bài số 15

Như vậy, trích đoạn “Đất Nước” đã thể hiện tài năng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong việc kết hợp nhuần nhuyễn cảm xúc và suy tư, chiêm nghiệm, tạo nên chất chính luận và trữ tình quyện hòa. Qua những câu thơ mang đậm chất duy lí vừa chặt chẽ, logic vừa mang âm hưởng thiết tha, vang vọng, chúng ta có thể thấy được quan niệm thân thuộc, gắn bó và thân thiết về Đất Nước, giống như những câu thơ mà nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đã mở đầu bản trường ca “Mặt đường và khát vọng”:

“Đất Nước đã hóa thân trong mỗi chúng ta…
Ta đã đi qua những năm tháng không ngờ
Vô tư quá để bây giờ xao xuyến…”

Chia sẻ, đánh giá bài viết
56
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Bé Gạo
    Bé Gạo

    Cảm ơn bạn nhiều nha

    Thích Phản hồi 10/06/22
    • Hằngg Ỉnn
      Hằngg Ỉnn

      Mình xin tài liệu phân tích tác phẩm với bạn ơi

      Thích Phản hồi 10/06/22
      • Gà Bông
        Gà Bông

        Bạn có tài liệu ôn thi THPT môn Văn không ạ, cho mình với

        Thích Phản hồi 10/06/22
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Mở bài lớp 12 hay

        Xem thêm