Mở bài và kết bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử
VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Mở bài và kết bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết tại đây.
Tổng hợp mở bài và kết bài Đây thôn Vĩ Dạ
I. Cách mở bài tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ
1. Mở bài trực tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ (2 mẫu)
Mở bài trực tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 1
Hàn Mặc Tử được biết đến là nhà thơ với chất thơ êm ả, trữ tình vô cùng mượt mà. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm ấn tượng góp phần làm phong phú kho tàng văn học Việt Nam. Trong trong số các tác phẩm tiêu biểu của ông phải kể đến chính là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Mở bài trực tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 2
Vẫn biết rằng cứ thương rồi sẽ nhớ, cứ đợi chờ rồi lại đau, cứ hoài niệm rồi lại thêm nhớ thương, xa cách. Lớp bụi thời gian bủa vây tâm trí những con người đang vật lộn với chính mình, với những hoài niệm đã qua. Và rồi người thi sĩ ấy cầm bút viết, viết về những khoảng mênh mông đong đầy tình nghĩa, về những kỉ niệm thẳm sâu còn lưu lại trong kí óc của mình. Chàng trai ấy chính là Hàn Mặc Tử – con người bôn ba khắp xứ sở của niềm đau rồi lại quay trở về với những kí ức mơ hồ, ảo mộng. Thơ của ông mang màu sắc riêng, nhẹ nhàng, tinh khiết nhưng mang dáng dấp hư hư thực thực. Vì thế mà “Thơ Điên” điển hình là bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” chính là một tuyệt tác thi ca về tình yêu, về nỗi buồn và khát vọng sống.
2. Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ (6 mẫu)
Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 1
Người xưa có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi/Ghét nhau ghét cả tông ti họ hàng”. Quả thực đúng là như vậy, đúng là khi ta yêu con người ở nơi đâu, ta sẽ yêu luôn cảnh vật ở đó và luôn nhớ mong, khắc khoải về nó khôn nguôi. Nhà thơ Hàn Mặc Tử và nỗi nhớ về Vĩ Dạ cũng không ngoại lệ. Những năm tháng cuối đời sống ở trại phong Tuy Hòa nhưng ông luôn mong nhớ về Vũ Dạ xa xôi bằng một nỗi nhớ, tình cảm chân thành nhất và những tình cảm cao đẹp này được khắc họa rõ nét qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 2
Mỗi một địa danh đều mang trong mình vẻ đẹp riêng và mỗi người sẽ có những cảm nhận khác nhau về những vẻ đẹp đó. Miền trung thân thương luôn làm xao xuyến bao trái tim con người về vẻ đẹp bình dị đặc trưng không lẫn vào đâu của mình. Điển hình cho vẻ đẹp của miền trung chính là thôn Vĩ qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Bài thơ thể hiện tình cảm mến yêu, nhớ nhung da diết của tác giả về một miền đất nơi có người thương mà ông luôn nghĩ đến.
Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 3
Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Với sự nhạy bén của cảm xúc, những nhà thơ, nhà văn từ xưa đến nay luôn có cách bộc lộ tình cảm, cảm xúc của riêng mình qua thơ văn của mình. Nhà thơ Hàn Mặc Tử đã bộc lộ tình yêu, nỗi nhớ của mình dành cho thiên nhiên và con người thôn Vĩ đầy tinh tế, ý nhị qua bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ.
Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 4
Kho tàng văn học Việt Nam vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều thể loại thơ ca, văn xuôi khác nhau và sự ghi danh của nhiều tác giả tên tuổi. Một trong những tác giả ấn tượng của phong trào thơ mới phải kể đến chính là tác giả Hàn Mặc Tử. Nhà thơ này nổi tiếng với chất thơ trữ tình, mượt mà, êm ả, sâu sắc, đi vào lòng người nhẹ nhàng mà thấm thía. Phong cách văn chương đặc trưng này của ông được thể hiện rõ nét qua bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” được ông viết khi ở trại phong Tuy Hòa gửi đến miền đất thôn Vĩ đầy yêu dấu.
Mở bài gián tiếp Đây Thôn Vĩ Dạ - Bài mẫu 5
Lẽ tự bao giờ mà thơ ca luôn mang dáng dấp của những bóng hình, nỗi nhớ thương và nỗi niềm đớn đau khao khát của một cuộc đời? Phải chăng là vì tình yêu, về những kỉ niệm đẹp nơi xứ sở mộng mơ gắn liền với người thương thuở ấy? Và thơ ca Việt Nam đã có cả một bầu trời dành cho nỗi nhớ thương. Chàng thi sĩ họ Hàn - Hàn Mặc Tử đã đánh rơi những giọt nước mắt của mình lên thơ, hòa cùng một dòng chảy nghệ thuật đầy ắp nỗi nhớ thương của mối tình đầu ngọt ngào say đắm hòa quyện trong làn khói mờ ảo của thiên nhiên xứ Huế. Và chính khoảnh khắc đó ”Đây thôn Vĩ Dạ” ra đời như một đứa con tinh thần bù đắp những tổn thương lòng và phần nào an ủi một tâm hồn buồn đau u uất. Bài thơ thể hiện một cách đặc sắc nỗi lòng chàng thi sĩ họ Hàn mang trong mình căn bệnh sắp rời khỏi cõi đời vẫn vấn vương khung cảnh về một miền xứ sở tuyệt đẹp nơi có người thương – Vĩ Dạ.
Mở bài gián tiếp Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 6
Ai đã từng đến với xứ Huế mộng mơ, chắc chắn sẽ không thể quên được những cảnh đẹp nơi đây: sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ. Cảnh đẹp nơi đây đã từng làm say đắm tâm hồn bao nhà thơ, trong đó có Hàn Mặc Tử. Có lẽ bởi vậy mà Hàn Mặc Tử đã viết Đây thôn Vĩ Dạ - một bức tranh thật đẹp về cảnh vật và con người xứ Huế. Đối với riêng tôi, ấn tượng sâu đậm nhất mà bài thơ để lại là: mối tình yêu đơn phương, thầm lặng và cay đắng của thi nhân đối với người con gái thôn Vĩ. Đã có không ít sự giải thích về xuất xứ và cách hiểu bài Đây thôn Vĩ Dạ. Song, nếu lấy văn bản làm căn cứ chính, thì phải thừa nhận bài thơ tuy có chứa đựng một thông điệp tình yêu - một tình yêu trong trắng, thơ mộng, nhưng đơn phương và vô vọng, đồng thời, nhờ có tình yêu đó.
3. Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ (8 mẫu)
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 1
Nhà thơ Hàn Mạc Tử được biết đến là một trong những người tiên phòng trong phong trào thơ mới. Các sáng tác của ông đều để lại tầm ảnh hưởng sâu sắc đến phong cách Văn học Việt Nam hiện nay. Nhắc đến ông thì không thể không kể đến tác phẩm Đây thôn vĩ dạ, nằm trong tập Thơ điên được viết vào năm 1937. Tác phẩm đã khắc họa lên hình ảnh thơ mộng của thôn Vĩ - một làng quê yên bình xứ Huế cũng như hình ảnh đẹp đẽ của người con gái nơi đây.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 2
Khi được gọi tên cho Phong trào thơ mới, Đỗ Lai Thúy đã gọi đó là một "Cây nấm lạ trên gia hệ của văn mạch dân tộc". Cái "lạ" của thơ mới, có người biết, có người chưa biết, nhưng cái "lạ" mà người thi sĩ Hàn Mặc Tử mang theo khi bước vào làng thơ, thì hẳn ai cũng rõ. Những vần thơ điên loạn với ngập tràn ý tượng của hồn, trăng, và máu đã không thôi ám ảnh những ai yêu thơ Hàn, đọc thơ Hàn. Nhưng chẳng ai có thể tưởng đến giữa một rừng thơ ma quái và kì dị ấy, lại mọc lên một bông hoa trong sáng tinh khôi, còn vương bao hương sắc ở đời. Bông hoa ấy Hàn đặt tên "Đây thôn Vĩ Dạ", trong nó chứa chở bao cảm xúc và hoài nhớ về một miền quê từng gắn bó biết bao... (nêu nội dung đề bà yêu cầu).
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 3
Hàn Mặc Tử một nhà thơ tài năng, một diện mạo thơ bí ẩn, phức tạp bậc nhất trong thơ ca Việt Nam. Thơ ông vừa có sự trong trẻo, tinh khiết vừa có cái ma quái, bí ẩn, chính những yếu tố đó đã làm nên sự hấp dẫn trong thơ Hàn Mặc Tử. Thơ điên (sau đổi thành Đau thương) là những nét vẽ cụ thể của phong cách thơ ấy. Có thể nói bài Đây thôn Vĩ Dạ là bài thơ trong trẻo, tươi sáng nhất trong tập thơ này của ông. Và trong đó (nêu nội dung đề bà yêu cầu).
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 4
Huế mang nét đẹp thật riêng, vừa cổ kính, vừa uy nghiêm mà lại rất đỗi trữ tình. Đặt chân lên xứ Huế, ta thả hồn vào mảnh đất cố đô yên bình mộng mơ mang dáng dấp thướt tha của những tà áo dài, sông Hương hiền hòa mỗi chiều gió lộng và những câu hát gợi nhớ thương. Ở Huế có những điều làm ta lưu luyến quá, trong đó có cả những mối tình đẹp mà lại dang dở, chưa kịp có những phút giây ngọt ngào mà đã vội rơi vào chia lìa, xa cách. Phải chăng đó chính là mối tình của chàng thi sĩ Hàn Mặc Tử đã đưa vào thơ, mối tình xứ Huế ngọt ngào mà đau đớn, mối tình của “ Đây thôn Vĩ Dạ”. Mối tình đẹp ấy được khắc họa qua vẻ đẹp thiên nhiên nơi xứ sở thâm trầm, bình yên ấy, phần nào bộc lộ nỗi lòng khao khát sống, khao khát yêu thương đến cháy bỏng mãnh liệt. Đó là những gì mà “Đây thôn Vĩ Dạ” kết tinh lại rồi thổi hồn vào lòng người đọc.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 5
"Đây thôn Vĩ Dạ" tựa như một khúc nhạc trong trẻo, tươi sáng hiếm hoi vang lên giữa những bản nhạc đầy ma mị, điên cuồng cũng đầy kì dị, ám ảnh của Hàn Mặc Tử. Bài thơ là lời hồi đáp cho câu hỏi "Sao anh không về chơi thôn Vĩ?" của Hoàng Thị Kim Cúc đồng thời cũng là tiếng lòng thiết tha yêu đời, yêu cuộc sống nhưng cũng là nỗi xót xa, tuyệt vọng của một cái tôi cô độc, lạc lõng giữa cuộc đời của Hàn Mặc Tử.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 6
Trong khu vườn Thơ mới, ta bắt gặp một Xuân Diệu với tình yêu đắm say, thiết tha nhưng cũng đầy băn khoăn với cuộc đời, một Thế Lữ nhiều trăn trở muốn thoát lên tiên và một Hàn Mặc Tử đầy bí ẩn, kì dị với những vần thơ ám ảnh về trăng và máu. Hàn Mặc Tử là một trong những nhà thơ tài năng, độc đáo bậc nhất của phong trào thơ mới nhưng cuộc đời lại nhiều thăng trầm, đau khổ. Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ được coi là bài thơ tươi sáng, trong trẻo hiếm hoi trong thế giới "thơ điên" của Hàn Mặc Tử, qua bài thơ Hàn Mặc Tử đã thể hiện tình yêu đối với phong cảnh, con người thôn Vĩ cũng là tình yêu đắm say với cuộc sống, đồng thời cũng thể hiện nỗi đau khổ, tuyệt vọng khi bị ngăn cách với cuộc đời bởi bức tường của phòng bệnh.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 7
Trong cuốn Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh đã có một nhận định rất sâu sắc về phong trào thơ Mới như sau: “Đời chúng ta nằm trong vòng một chữ tôi. Mất bề rộng ta đi tìm bề sâu. Nhưng càng đi sâu càng lạnh. Ta thoát lên tiên cùng Thế Lữ, ta phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư, ta điên cuồng với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, ta đắm say cùng Xuân Diệu. Nhưng động tiên đã khép, tình yêu không bền, điên cuồng rồi tỉnh, say đắm vẫn bơ vơ. Ta ngơ ngẩn buồn trở về hồn ta cùng Huy Cận”.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 8
Nhà thơ Chế Lan Viên đã có cái nhìn rất hay về Hàn Mặc Tử rằng: “Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình”. Thành công của làn gió Thơ mới bước vào văn học là một thời kì nóng bỏng, bùng cháy với rất nhiều dấu ấn, thành công và đem lại nhiều thành tựu, dấu ấn trong nền văn học Việt Nam.
Và trong nhiều những cái tên góp mặt lúc bấy giờ thì Hàn Mặc Tử luôn in sâu trong lòng bạn đọc là một nhà thơ cá tính mạnh mẽ, một tượng đài thơ ca lớn không ai có thể trùng lặp, thay thế ông. Nhiều nhà thơ trẻ tiếp nối, sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn sẽ còn mãi cái thời kỳ vàng son của Hàn Mặc Tử với tâm hồn thơ mãnh liệt, cuồng nhiệt, khát khao yêu thương.
Trong thơ của ông cùng là thả vào đó là gia vị trữ tình nhưng sẽ không giống với các nhà thơ cùng thời, ông luôn để thơ của mình mang một nét gợi cảm đến lạ lùng, phải thật tinh tế, cá tính đủ sức bước sâu vào bóc tách những lớp nghĩa mới có thể hiểu những gì nhà thơ muốn truyền tải. Đây thôn vĩ dạ, một tác phẩm thơ có sự pha trộn, hòa quyện độc đáo của chất trữ tình, thơ mộng trong cảnh sắc thiên nhiên và điên cuồng vào tình yêu, khát khao yêu thương hơn bao giờ hết.
Mở bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 9
Nhà thơ Hàn Mặc Tử được biết đến với sức sáng tạo nhất trong số các nhà Thơ mới. Ông có một cuộc đời ngắn ngủi và đầy bi kịch. Thơ của Hàn Mặc Tử là tiếng nói của một tâm hồn yêu cuộc sống, yêu cảnh vật, yêu con người nồng nàn và tha thiết. Bài thơ “Đây thôn Vĩ Dạ” là một trong những bài thơ tiêu biểu của nhà thơ, thể hiện một hồn thơ tha thiết nhưng tuyệt vọng.
II. Cách kết bài tác phẩm Đây thôn Vĩ Dạ (12 mẫu)
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 1
Với tài năng vốn có của mình, nhà thơ Hàn Mặc tử đã vẽ lên trước mắt bạn đọc một bức tranh thôn Vĩ đầy màu sắc và đáng yêu, ẩn sâu trong đó là tình cảm chan chưa mà nhà thơ dành cho mảnh đất này. Nhiều năm tháng qua đi nhưng bài thơ vẫn giữ nguyên vẹn được những giá trị tốt đẹp ban đầu của nó và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng nhiều thế hệ bạn đọc.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 2
Đây thôn Vĩ Dạ là một bức tranh đẹp về cảnh và người của miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu tưởng tượng và đầy yêu thương của nhà thơ với nghệ thuật gợi liên tưởng, hòa quyện thiên nhiên với lòng người. Trải qua bao năm tháng, cái tình Hàn Mặc Tử vẫn còn tươi nguyên, nóng hổi, lay động day dứt lòng người đọc. “Tình yêu trong ước mơ của con người đau thương ấy có sức bay bổng lạ kì” nhưng nó cũng giản dị, trong sáng, tươi đẹp như làng quê Vĩ Dạ. Xin thành kính thắp một nén nhang trước một nghệ sĩ tài hoa, một trái tim suốt cuộc đời thổn thức vì tình yêu, một tâm hồn thi sĩ đã thăng hoa nỗi đau thương, bất hạnh của đời mình thành những đóa hoa thơ mà trong đó thơm ngát nhất, thanh khiết nhất là Đây thôn Vĩ Dạ.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 3
“Đây thôn Vĩ Dạ” là một bức tranh đẹp về cảnh và người của một miền quê đất nước qua tâm hồn thơ mộng, giàu trí tưởng tượng và đầy yêu thương của một nhà thơ đa tình đa cảm. Bằng thủ pháp nghệ thuật liên tưởng cùng với những câu hỏi tu từ xuyên suốt bài thơ, tác giả Hàn Mặc Tử đã phác họa ra trước mắt ta một khung cảnh nên thơ, đầy sức sống và ẩn trong đấy là nỗi lòng của chính nhà thơ: nỗi đau đớn trước sự cô đơn, buồn chán trần thế, đau cho số phận ngắn ngủi của mình. Dầu vậy nhưng ông vẫn sống hết mình trong sự đau đớn của tinh thần và thể xác. Điều đó chứng tỏ ông không buông thả mình trong dòng sông số phận mà luôn cố gắng vượt lên nó để khi xa lìa cõi đời sẽ không còn gì phải hối tiếc.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 4
Sương và khói đã làm mờ đi hình ảnh của người con gái khiến cho tác giả cảm giác xa xôi, khó gần. Tác giả tự hỏi bản thân mình: “Ai biết tình ai có đậm đà?” không biết liệu rằng cô nàng đó còn nhớ và còn thương Mặc Tử hay không? Đọc xong câu thơ cảm thấy phảng phất nỗi buồn, đó là tình yêu dạt dào của tác giả đơn phương gửi gắm đến một cô gái mà không được đáp trả lại.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 5
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ chính là bài thơ hay nhất mà Hàn Mặc Tử đã viết lên trước khi qua đời bởi căn bệnh phong. Thông qua bài thơ chúng ta có thấy được cảnh đẹp của thiên nhiên cũng như con người nơi xứ Huế xinh đẹp nơi mà đã từng là cố đô của nước ta năm nào. Bài thơ cũng được khắc họa tình yêu chân thành mà nhà thơ đã dành tặng cho một người con gái xứ Huế thật đậm đà và cũng ngọt ngào biết bao.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 6
Mọi sự tuyệt vọng đều cho con người ta một sự bi quan, riêng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại dạy cho chúng ta giá trị nhân văn cao cả. Nhà thơ đã níu kéo cuộc sống này bằng tình yêu, dù đó là một tình yêu tuyệt vọng. Chúng ta không gặp hoàn cảnh bi đát như Hàn Mặc Tử, nên chúng ta cần phải biết sống như thế nào, yêu như thế nào trong cuộc đời tuyệt đẹp ở trần thế đáng sống này.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 7
Bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ đã hấp dẫn người đọc bởi vẻ đẹp bức tranh xứ Huế mộng mơ, trầm mặc cổ kính mà rất tao nhã quý phái. Nó gợi nên cái linh hồn của mảnh đất cố đô nhưng không thể nói rằng bài thơ chỉ đơn thuần tả cảnh. Bài thơ mang đến tình yêu bất diệt của Hàn Mặc Tử dành cho người con gái Huế. Bài thơ đã làm chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 8
"Đây thôn Vĩ Dạ" của Hàn Mặc Tử đã đưa người đọc trải qua những cung bậc cảm xúc thật phức tạp, đó là niềm hạnh phúc, hứng khởi trước phong cảnh thôn Vĩ tươi tắn, căng tràn sức sống, là sự khắc khoải, man mác buồn trước hình ảnh của "khuôn mặt chữ điền" như gần ngay trước mắt mà lại xa vời chẳng thể chạm đến và cuối cùng mọi cảm xúc như lắng lại chỉ còn sự xót xa, day dứt khôn nguôi trước cái tôi tha thiết yêu đời, muốn vượt thoát khỏi nghịch cảnh nhưng cuối cùng lại bị bóng tối của sự đơn độc, tuyệt vọng bủa vây. Đây thôn Vĩ Dạ xứng đáng là một trong những bài thơ xuất sắc nhất của phong trào thơ Mới, bài thơ làm nên sự sống bất diệt của tài năng và tâm hồn của Hàn Mặc Tử.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 9
Mọi sự tuyệt vọng đều cho người ta bi quan, riêng tình yêu tuyệt vọng của Hàn Mặc Tử lại dạy cho ta giá trị nhân văn cao cả. Nhà thơ níu kéo cuộc sống này bằng tình yêu, dù đó là một tình yêu tuyệt vọng. Chúng ta không gặp hoàn cảnh bi đát như Hàn Mặc Tử, nên chúng ta cần phải biết sống như thế nào, yêu như thế nào trong cuộc đời tuyệt đẹp ở trần thế đáng sống này.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 10
Với một khung cảnh trữ tình, nên thơ cùng với tình yêu tha thiết, nhớ mong tác giả đã giãi bày tình cảm của mình với người con gái Huế mà tác giả thầm đơn phương. Tình cảm ấy son sắt, thủy chung nhưng lại bồn chồn, lo lắng về “người cũ” có còn giữ nỗi niềm xưa. Tình cảm ấy còn đọng mãi và trở thành một câu hỏi không nguôi trong lòng tác giả và cho cả người đọc.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 11
Nhận xét về tài năng và vai trò của Hàn Mặc Tử với nền thơ văn nước nhà, Chế Lan Viên từng nói: "Trước không có ai, sau không có ai, Hàn Mặc Tử như một ngôi sao chổi xoẹt qua bầu trời Việt Nam với cái đuôi chói lòa rực rỡ của mình". Quả thực như vậy, Hàn Mặc Tử đã để lại những tác phẩm giá trị góp phần làm đưa thơ Mới phát triển lên đỉnh cao. Với Đây thôn Vĩ Dạ, bằng tài năng và thế giới tình cảm dạt dào của người thi sĩ, ta không chỉ cảm nhận được khát khao được sống, khát khao giao hòa, gắn bó với cuộc đời mà còn xót xa, đồng cảm với số phận của người thi sĩ tài hoa mà bạc mệnh. Cuộc đời riêng nhiều đau khổ khiến Hàn Mặc Tử không thể hòa nhập với cuộc đời, ông chỉ lặng lẽ thể hiện tình yêu qua thế giới mộng tưởng của bản thân nhưng cuối cùng người thi sĩ ấy vẫn phải trở về thực tại đơn độc, lạnh lẽo, một mình chống chọi với những tai ương, bất hạnh.
Kết bài Đây thôn Vĩ Dạ mẫu 12
Xứ Huế mưa nhiều,nhiều sương khói,xứ Huế mang dáng dấp yêu kiều của người thương. Vì nơi đó có Vĩ Dạ. Vĩ Dạ đẹp,đẹp như người con gái ông thầm thương trộm nhớ.Vĩ Dạ đã đi vào trong thơ như một nét duyên,trở thành bức tranh thiên nhiên mang cảnh sắc huyền ảo ,kì bí mà lại gần gũi,yêu thương đến lạ.”Đây thôn Vĩ Dạ” một lần nữa đã khẳng định tài năng của chàng thi sĩ tài hoa yểu mệnh, những vần thơ mang nhiều màu sắc,có vui có buồn,có hi vọng và đau thương,có háo hức và âu sầu.
-------------------------
Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Mở bài và kết bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử. Bài viết đã gửi tới bạn đọc dàn ý và các bài văn mẫu. Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 11. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm mục Soạn văn 11...