Mở bài và kết bài Vội Vàng Xuân Diệu
Mở bài và kết bài phân tích Vội Vàng Xuân Diệu
Mở bài và kết bài Vội Vàng Xuân Diệu được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé.
I. Mở bài hay phân tích Vội Vàng
1. Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng (21 mẫu)
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 1
Thiên nhiên luôn là đề tài quen thuộc thu hút sự sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ đặc biệt là thiên nhiên bốn mùa. Nổi bật trong những sáng tác về mùa xuân ta phải kể đến chính là nhà thơ Xuân Diệu với bài thơ Vội Vàng. Bài thơ đã vẽ ra trước mắt bạn đọc bức tranh xuân căng tràn sức sống của một con người khao khát yêu đời, yêu người.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 2
Phong trào thơ Mới được coi là một bước chuyển mình quan trọng của nền văn học Việt Nam. Giai đoạn này chúng ta ghi dấu ấn của nhiều tác giả tiêu biểu với văn phong sáng tác, ngòi bút tài hoa để lại nhiều tác phẩm hay, ấn tượng cho đời. Một trong những nhà thơ tiêu biểu nhất của phong trào thơ Mới chúng ta không thể không nhắc đến chính là nhà thơ Xuân Diệu mà nổi bật trong những sáng tác của ông là bài thơ Vội vàng nói về mùa xuân tràn đầy sức sống và khao khát được yêu thương.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 3
Theo dòng chảy của lịch sử, nền thơ văn Việt Nam đã và đang có những bước chuyển mình quan trọng. Nổi bật nhất trong sự chuyển biến với những bước tiến vượt bậc này chính là phong trào thơ Mới của nền văn học nước ta. Giai đoạn này chúng ta có sự phong phú về chủ đề sáng tác cũng như làm nên tên tuổi của rất nhiều tác giả lớn. Một trong những tác giải nổi bật nhất ở giai đoạn này với những cống hiến cho lớn cho nền văn học mà chúng ta phải nhắc đến chính là tác giả Xuân Diệu cùng bài thơ Vội Vàng.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 4
- Giới thiệu tác giả, tác phẩm:
Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tình yêu và tuổi trẻ, một trong những nhà thơ lớn của Việt Nam nổi tiếng từ phong trào Thơ mới.
"Vội vàng" là một trong những bài thơ xuất sắc nhất thể hiện tình yêu cuộc sống tha thiết, quan niệm nhân sinh mới mẻ của Xuân Diệu.
- Khái quát nội dung 13 câu đầu Vội vàng: Ước muốn táo bạo cùng tâm trạng hân hoan chào đón nhưng rồi lại vội vàng và cuống quýt trước sự trôi chảy của thời gian.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 5
“Vội vàng Xuân Diệu” là cái tôi đầy hân hoan, nồng nhiệt với từng dấu hiệu của sự sống nhưng lại đầy lo âu, phấp phỏng trước những bước đi thời gian của Xuân Diệu. Càng yêu cuộc sống bao nhiêu, Xuân Diệu càng lo sợ trước sự phai tàn của vẻ đẹp, của sự sống bấy nhiêu. Không thể thay đổi quy luật chảy trôi của thời gian nên người thi sĩ ấy đã chủ trương sống vội, sống gấp để tận hưởng trọn vẹn những khoảnh khắc của thời tươi.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 6
“Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rạt rào chưa từng thấy ở chốn non nước lặng lẽ này, Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc sống ngắn ngủi của mình” (Trích “Thi nhân Việt Nam”). Nhận định của nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã đánh giá về những đặc sắc chủ yếu trong sáng tác của nhà thơ Xuân Diệu - gương mặt tiêu biểu và có nhiều đóng góp nổi bật cho sự phát triển của phong trào thơ Mới. Một trong những tác phẩm thể hiện rõ điều này chính là “Vội vàng”.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 7
Khi nhắc đến mùa xuân ta thường nhắc đến mùa của sự sống, của sự sinh sôi nảy nở. Trước cách mạng tháng Tám, đề tài bao trùm trong các sáng tác của các tác giả bao giờ cũng gắn liền với Tổ quốc thân yêu. Mùa xuân cũng là mùa xuân của đất nước, sự sống của đất nước. Ta từng biết đến một “Mùa xuân nho nhỏ” của Thanh Hải với tình yêu sự sống muốn được hòa mình góp chung làm nên mùa xuân lớn của đất nước. Hay trong những câu thơ khi viết về mùa xuân của vị lãnh tụ vĩ đại – Hồ Chí Minh cũng gắn liền với công việc hệ trọng của Tổ quốc: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân nước lẫn mầu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Có thể nói cái tôi cá nhân ít được đề cập đến. Song đến Xuân Diệu thì cái tôi được đề cao trên nhất. Đặc biệt phải kể đến bài thơ “Vội vàng” với những triết lý suy ngẫm về sự hữu hạn của thời gian, về sức sống mãnh liệt của tuổi trẻ.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 8
Văn học Việt Nam với phong trào thơ mới đã mở ra một thời kỳ rực rỡ của những tâm hồn miên man. Chúng ta không thể nào quên một Thế Lữ với Nhớ rừng – mượn hình ảnh con hổ với núi rừng đại ngàn để thể hiện nỗi đau, hoài niệm về một thời đã xa. Hay những vần thơ được coi là kì bí, ám ảnh của một hồn yêu “Hàn Mặc Tử” với “Đây thôn Vĩ Dạ”. Song phải kể đến “Vội vàng” của Xuân Diệu thì ý thơ mới thực sự thăng hoa cùng tâm hồn yêu da diết. Chưa bao giờ người đọc cảm nhận về một mùa xuân lại mềm mại, dịu dàng và trữ tình đến vậy. Chưa bao giờ con người ta thực sự hiểu hết về thời gian. Và cũng nhờ đó mà mỗi chúng ta lại cảm thấy yêu cuộc sống này đến vậy. Bởi “Vội vàng” là lời thúc giục sống tích cực, nắm trọn từng khoảnh khắc của tuổi thanh xuân ngắn ngủi một đi không trở lại này.
Mở bài phân tích bài thơ Vội Vàng mẫu 9
Phong trào thơ mới được coi là một hiện tượng của văn học Việt Nam vào đầu thế kỷ 20 với những giá trị nghệ thuật rất lớn. Nhắc tới thơ mới chúng ta thường nhắc đến những cái tên như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận hay Nguyễn Đình Thi. Song một cái tên nổi bật lên cả và được coi là “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” đó là Xuân Diệu. Phải chăng vì sự phá cách đề cao cái tôi cá nhân cùng một tâm hồn thơ lãng mạn, trẻ trung mà độc giả và các nhà phê bình đã ưu ái đặt cho ông một cái danh là “Ông hoàng thơ tình”. Thời đại của thi ca (Hoài Thanh) đã ghi dấu một Xuân Diệu đa tình, lãng mạn, khao khát với “Vội vàng”. Đây là bài thơ xuất sắc nhất của ông viết về mùa xuân, về nỗi day dứt của một thời gian trôi. Từ đó giục giã tuổi trẻ hãy sống “nhanh”, sống “vội”, sống trọn mình với những năm tháng của tuổi trẻ, tuổi thanh xuân tươi đẹp.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 10
Xuân Diệu là một trong những cây đại thụ lớn của nền thi ca Việt Nam, ông còn được mệnh danh là “ông hoàng” của những bài thơ tình cháy bỏng, nồng nàn. Ngay trong lời thơ hay đời thực thì Xuân Diệu lúc nào cũng thể hiện được cái khát khao mãnh liệt với tình yêu, với cuộc đời. Không giống như những nhà thơ mới cùng thời, Xuân Diệu đã sớm khẳng định được cái tôi riêng biệt trong chất sống sôi nổi, cuồng say của mình. Vội vàng là một sáng tác rất tiêu biểu, nói lên tiếng của một trái tim đang khát khao, cuồng si với lẽ sống cuộc đời. Bài cũng chứa đựng cả nỗi trăn trở, khắc khoải, lo âu của Xuân Diệu trước sự trôi nhanh vội vã của thời gian.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 11
"... Mỗi buổi sớm thần Vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần...".
(...) Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn...".
Mỗi lần đọc những dòng thơ trên, nhạc điệu, vần điệu "Vội vàng" cứ ngân vang dào dạt mãi trong lòng ta, tình yêu đời, yêu sống như tát mãi không bao giờ vơi cạn... Cảm thức về thời gian, về mùa xuân, về tuổi trẻ... như những lớp sóng vỗ vào tâm hồn ta. "Vội vàng" là bài thơ độc đáo nhất, "mới nhất" của thi sĩ Xuân Diệu in trong tập "Thơ thơ" (1933-1938) - đoá hoa đầu mùa đầy hương sắc làm rạng danh một tài thơ thế kỉ.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 12
Xuân Diệu là một cái tên quen thuộc được biết đến với những bài thơ về mùa xuân, tuổi trẻ (trước cách mạng tháng Tám) hay những bài thơ về Tổ Quốc, về nhân dân, về Đảng, về Bác Hồ, về hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, về sự nghiệp xây dựng đất nước (sau cách mạng tháng Tám). Nổi bật trong những bài thơ viết về mùa xuân, tuổi trẻ của Xuân Diệu là bài Vội vàng. Bài thơ là lời giục giã sống mãnh liệt, sống hết mình, quý trọng từng giây, từng phút của cuộc đời mình, nhất là những tháng năm của tuổi trẻ.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 13
Tuổi trẻ mỗi đời người chỉ có một, chính vì vậy, ai cũng phải biết trân trọng, sống hết mình với tuổi trẻ. “Vội vàng” là bài thơ độc đáo nhất, “mới nhất” của thi sĩ Xuân Diệu in trong tập “Thơ Thơ” (1933-1938) – đóa hoa đầu mùa đầy hương sắc làm rạng danh một tài thơ thế kỉ.
… “Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”…
(…) Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn…”.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 14
Thơ Xuân Diệu bao giờ cũng “say đắm” tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, cuống quýt”. Cái động thái này đã biểu hiện ở trong Đây mùa thu tới, như một phần đề, như một phiến âm bản thì bài thơ Vội vàng là dương bản, hết sức đặc trưng, là một bản tự bạch của Xuân Diệu. Bài thơ này cho thấy thi sĩ rất hiểu mình, cho thấy một quan niệm nhân sinh và thẩm mĩ rất tiến bộ và tích cực.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 15
Nhắc đến ông hoàng thơ tình không ai không biết đến nhà thơ Xuân Diệu với những bản tình ca cháy bỏng và da thiết. Nhà thơ của những vần điệu trữ tình sâu lắng đi vào lòng người đã cho chúng ta thấy được những triết lý sâu sắc của một trái tim yêu. Tiêu biểu nhất là bài thơ Vội vàng. Mỗi lần những vần thơ cất lên là bao trái tim say đắm trong cái ngọt ngào bất tận của một tâm hồn giàu cảm xúc. Không phải ngẫu nhiên ông hoàng thơ tình lại có thể viết nên được những giai điệu thơ hay đến thế. Mà phải chăng đó là cách ông khẳng định cái tôi cá nhân cùng những cảm nhận sâu sắc về mùa xuân, mùa của yêu thương, của những tuổi trẻ.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 16
Nếu ai hỏi tôi thích nhất mùa nào trong năm, chắc chắn tôi sẽ không ngần ngại mà trả lời rằng đó là mùa xuân. Chắc hẳn không chỉ riêng tôi mà có biết bao tâm hồn khác khi nhắc đến mùa xuân cũng mang trong mình những rạo rực và cảm nhận riêng. Có lẽ vì thế mà mùa xuân luôn là đề tài bất tận cho bao thi sĩ say đắm và thể hiện trong sáng tác của mình. Và với Xuân Diệu cũng không ngoại lệ. Ông ghi dấu ấn với bài thơ Vội vàng được in trong tập “Thơ thơ” năm 1933 – 1938. Với một tâm hồn yêu và trái tim biết rung động, ông đã gửi gắm những khao khát, say đắm với mùa xuân, với những dự cảm về sự hữu hạn của thời gian, của sự sống mãnh liệt.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 17
Tuổi trẻ là gì mà mỗi khi nhắc tới có biết bao tâm hồn phải suy ngẫm? Thời gian là gì mà có mấy ai tự chiêm nghiệm về nó? Nhưng có một nhà thơ được coi là biểu tượng của nghệ thuật thời gian. Đó là nhà thơ Xuân Diệu. Ông đã nhìn đời, cảm nhận đời bằng lăng kính của thời gian để thấy được những triết lý của nó. Nổi bật cho một tâm hồn say đắm, yêu đời là bài thơ Vội vàng in trong tập “Thơ thơ” – đóa hoa đầy hương sắc của đầu mùa. Thông qua những vần thơ xúc cảm, Xuân Diệu đã thể hiện một cái tôi cá nhân vượt lên tất cả cùng những suy ngẫm về thời gian, về tuổi trẻ, về sự sống mãnh liệt. “Vội vàng” mang đến một cách hiểu mới. Chẳng phải sống nhanh sống vội mà là trân trọng sự sống, quý trọng từng giây phút của tuổi trẻ – quãng đời thanh xuân chỉ có một lần trong cuộc đời mỗi con người.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 18
Xuân Diệu không chỉ được biết đến với những vần thơ trữ tình đằm thắm, ngọt ngào mà còn được biết đến là một thi nhân với tình yêu thiết tha với thiên nhiên, với vẻ đẹp nơi trần thế. Tình yêu ấy không chỉ thể hiện qua những xúc cảm dạt dào trước khung cảnh thiên nhiên, đó là Đây mùa thu tới, là Chiều, Nụ cười xuân mà còn là khát khao chiếm lĩnh, tận hưởng tột độ những thanh sắc của thời tươi qua Vội vàng. Qua bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu không chỉ thể hiện mình là cái tôi yêu đời, yêu cuộc sống mà còn cho thấy được những quan niệm mới mẻ về thời gian.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 19
Vội vàng là bài thơ tiêu biểu cho tài năng, tấm lòng và phong cách sáng tác của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu. Đọc bài thơ Vội vàng ta bắt gặp một cái tôi tha thiết yêu đời, nồng nhiệt, đắm say với từng dấu hiệu của sự sống nhưng cũng là cái tôi đầy phấp phỏng, lo lắng trước những bước đi của thời gian. Để tận hưởng trọn vẹn những thanh sắc, vẻ đẹp của thời tươi mà bản thân lại bất lực trong việc ngăn cản bước đi vô tình của thời gian, Xuân Diệu đã chủ trương sống vội vàng, sống hối hả để không phải bỏ lỡ, không phải hối tiếc khi vẻ đẹp thời "chín" đã qua đi.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 20
Nếu phải chọn ra gương mặt tiêu biểu nhất trong phong trào thơ Mới ở Việt Nam, có lẽ tôi sẽ chọn Xuân Diệu, người thi sĩ được mệnh danh là nhà thơ của mùa xuân và tình yêu. Đến với thơ Xuân Diệu người đọc không chỉ đắm say với những cảnh sắc thiên nhiên tinh tế, tuyệt mĩ mà còn cảm nhận được một cái tôi tinh tế, giàu cảm xúc luôn thiết tha với từng dấu hiệu sự sống. Vội vàng là một trong những bài thơ hay nhất của Xuân Diệu viết về mùa xuân, cũng qua bức tranh mùa xuân ấy người đọc còn thấy được một tình yêu cuộc sống cháy bỏng và một cái tôi khắc khoải, lo âu trước bước đi của thời gian.
Mở bài phân tích Vội Vàng mẫu 21
Xuân Diệu nhà thơ tình của thi ca Việt Nam. Thơ ông tràn ngập tình yêu, không chỉ là tình yêu nam nữ mà còn là tình yêu cuộc sống. Ông sống vội vàng, gấp gáp để nắm bắt trọn vẹn mọi khoảnh khắc của cuộc đời. Triết lí sống vội vàng, gấp gáp đã được ông thể hiện đầy đủ trong bài thơ “Vội vàng” trích trong tập “Thơ thơ” – tập thơ đầu tay của ông.
2. Mở bài phân tích đoạn 1 Vội Vàng
Đến với Thơ mới là đến với thế giới cảm xúc muôn cung nghìn bậc, thế giới nghệ thuật muôn hình vạn trạng. Một Thế Lữ “rộng mở”, một Lưu Trọng Lư “mơ màng”, một Nguyễn Bính “quê mùa”, một Hàn Mặc Tử “kì dị”… Họ đều là những cái tên không thể bỏ quên khi nhắc về Thơ mới. Nhưng sẽ mãi mãi là thiếu sót, là chưa đủ nếu không có sự góp mặt của Xuân Diệu. Xuân Diệu – nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới. Xuân Diệu – một trong ba đỉnh cao của thơ mới. Những tên gọi đầy trân trọng ấy đã xác lập một chỗ đứng riêng cho Xuân Diệu trong làng thơ, để đến tận hôm nay người đời vẫn không thôi nhắc đến và ngưỡng mộ.
“Hồn thơ Xuân Diệu là nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn tha thiết”. Những lời bình phẩm sâu sắc ấy của Hoài Thanh dành cho Xuân Diệu có lẽ đã đủ nói về một hồn thơ “mới nhất trong các nhà thơ mới” – một hồn thơ lúc nào cũng “thiết tha, rạo rực, băn khoăn”. “Vội vàng” là một thi phẩm gói trọn hết thảy những cung bậc cảm xúc ấy, cũng có thể gọi đó như một bài thơ “rất Xuân Diệu”.
3. Mở bài quan niệm sống vội vàng của Xuân Diệu
Mở bài quan niệm sống vội vàng mẫu 1
Nhà thơ được Hoài Thanh đánh giá là “Nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới” chính Xuân Diệu không ai khác. Thơ ông là một nguồn sống dào dạt tràn đầy xuân sắc xuân tình của một thi nhân yêu say đắm tình yêu, cuộc đời và biết trân trọng, tận hưởng vẻ đẹp cuộc sống. Tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Diệu là bài thơ “Vội vàng” thể hiện quan niệm sống vội vàng rất mới mẻ, có ý nghĩa. Vậy tại sao Xuân Diệu lại có được điều đó ta cùng tìm hiểu bài thơ để làm rõ lối sống vội của thi nhân.
Mở bài quan niệm sống vội vàng mẫu 2
Xuân Diệu từng được mệnh danh là “ông hoàng của thơ tình”. Đúng vậy, ông viết nhiều thơ và nổi tiếng nhiều với những bài thơ tình. Nhưng có lẽ đến với Vội vàng, bài thơ viết vào năm 1938, in trong tập Thơ Thơ, chúng ta có thể nhận thấy vì sao chẳng cần đến những bài thơ tình thì ông vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà thơ lớn của dân tộc. Bởi tiếng thơ trong Vội vàng là tiếng đời, bộc lộ nhiều rung cảm và những triết lí sâu sắc. Trong đó thi phẩm cũng đã mang đến một quan niệm sống vô cùng ý nghĩa – sống vội vàng.
4. Mở bài Vội vàng nâng cao
Mở bài mẫu 1
Có bao giờ bạn bỗng cảm thấy hụt hẫng vì những khoảnh khắc quá đỗi ngọt ngào chợt đến rồi vội đi một cách nhanh chóng? Để rồi cứ ngẩn ngơ nhìn mãi về vùng kí ức đẹp đẽ, đan xen chút nghèn nghẹn trong tận đáy lòng. Con người ta là thế, có ai nào biết rằng, mọi điều tuyệt vời đều “vội vàng” đến thế, nên thay vì mãi tiếc nuối, tại sao ta không “vội vàng” sống trọn trong từng phút giây tươi đẹp. Sự “Vội vàng” đó đã được Xuân Diệu thể hiện một cách sâu sắc và tinh tế trong thi phẩm cùng tên - Vội vàng.
Mở bài mẫu 2
Tuổi trẻ là gì mà mỗi lần nhắc đến lại khiến bao tâm hỗn cứ mãi thơ thẩn? Tình yêu là gì mà cứ mãi làm người ta si mê? Phải chăng vì nó quá đẹp đẽ, nên khiến người ta chẳng thể ngừng ca ngợi? Và có lẽ cũng vì thế, mà thi sĩ qua bao thế hệ vẫn thường khai thác về chủ đề này. Trong đó, Xuân Diệu là một nhà thơ được coi như biểu tượng của nghệ thuật thời gian, của tình yêu và khát vọng của sức trẻ. Nổi bật cho tâm hồn đắm say, yêu đời đó là bài thơ “Vội vàng” được ví như đóa hoa đầy hương sắc của mùa xuân. Qua những vần thơ tràn đầy cảm xúc, Xuân Diệu đã thể hiện một cái tôi rất riêng cùng những suy ngẫm tinh tế về thời gian, tuổi trẻ, tình yêu và sức sống mãnh liệt. Sống vội phải chăng là trân trọng cuộc sống, trân trọng từng phút giây của cuộc đời tươi mới, là nếm trọn hương vị của thời thanh xuân tuyệt vời ngọt ngào vị tình yêu?
5. Mở bài phân tích 13 câu đầu bài Vội vàng
Mở bài phân tích 13 câu đầu - Mẫu 1
Xuân Diệu là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới với hồn thơ tiêu biểu cho tiếng nói thiết tha, tình yêu cuộc sống, con người và rạo rực khát khao giao cảm với đời. Thơ Xuân Diệu tinh tế, gợi cảm, độc đáo trong chất liệu cũng như trong bút pháp thi ca. "Vội vàng" không chỉ là thi phẩm đặc sắc nhất trong tập thơ Thơ - bài thơ đầu tay Xuân Diệu dành tặng cho thế gian mà còn là bài thơ hay nhất cả cuộc sống sáng tác của ông. Bài thơ vừa như một nguồn cảm xúc trào dâng vừa là tuyên ngôn sống của một nhà thơ khao khát yêu đời. 13 câu đầu là đoạn thơ hay nhất thể hiện tình yêu thiết tha, niềm đắm say mãnh liệt của thi nhân với cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế.
Mở bài phân tích 13 câu đầu - Mẫu 2
Phân tích 13 câu thơ đầu bài Vội Vàng của Xuân Diệu cho con người ta thấy được: Thời gian là một cái không bao giờ trở lại, nó như một vòng tuần hoàn, đến rồi đi. Và đi một cách vội vã, mà con người không thể tự xoay chuyển nó được đó chính là nỗi lòng của Xuân Diệu muốn nói đến ở đây. Xuân Diệu muốn khuyên con người chúng ta không nên để thời gian trôi qua một cách vô ích mà phải biết quý trọng, tôn trọng thời gian.
Mở bài phân tích 13 câu đầu - Mẫu 3
Xuân Diệu là ông hoàng của tình yêu, dù đó là tình yêu gì đi chăng nữa thì nó vẫn ngọt ngào đầy xúc cảm. Ông còn được đánh giá là nhà thơ mới nhất trong những nhà thơ mới. Những sáng tác, những bài thơ của ông đem đến cho người đọc một sự yêu đời, niềm vui về cuộc sống và một niềm khao khát cuộc sống đến mãnh liệt cùng với đó là một hồn thơ mới lạ, mang đến cho độc giả cái nhìn mới mẻ. Trong số đó, tiêu biểu có bài thơ Vội vàng là một trong những bài thơ hay thể hiện tư tưởng đáng quý đó của tác giả, và 13 câu đầu đã để lại những ấn tượng khó quên cho người đọc. Những tư tưởng triết lí cũng thế mà được gửi gắm chân thành tự nhiên.
6. Mở bài phân tích khổ cuối bài thơ Vội vàng
Mở bài phân tích khổ cuối - Mẫu 1
Thời gian chẳng bao giờ chiều lòng người, con người thì nhỏ bé nhưng khát khao lại lớn lao, càng yêu đời, yêu người bao nhiêu thì lại càng thảng thốt khi nhận ra quy luật khắc nghiệt của tạo hóa. Là một nhà thơ mới có cái nhìn tinh tế và trái tim dễ say đắm nhưng cũng bộn bề lo sợ – Xuân Diệu hơn ai hết luôn dằn dặt trước sự trôi chảy của thời gian và tuổi xuân. Có lẽ thế mà nhà thơ luôn sống vội vàng, sống gấp gáp và cũng yêu đắm say. Bài thơ Vội Vàng được xem là châm ngôn sống của Xuân Diệu cũng là tác phẩm thể hiện cái tôi mãnh liệt trong cảm xúc và nhiều khám phá mới mẻ ở hình ảnh thơ. Trong đó khổ thơ cuối bài với tiết tấu nhanh và mạnh như một lời kết luận cho châm ngôn sống vội của ông.
Mở bài phân tích khổ cuối - Mẫu 2
“Vội vàng” là bài thơ tiêu biểu trích trong tập thơ “Thơ và Thơ” của nghệ sĩ tài năng Xuân Diệu. Bài thơ là tiếng nói tâm hồn yêu đời, yêu cuộc sống, thiết tha với tuổi trẻ của Xuân Diệu. Mười câu thơ cuối bài chính là khúc hát khép lại bài thơ với những quan niệm nhân sinh sâu sắc.
7. Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu bài Vội vàng
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu - Mẫu 1
Nếu cần tìm một bài thơ bộc lộ rõ nhất về phong cách của Xuân Diệu thì đó có phải là “Vội vàng”. Thi phẩm này đã nói với chúng ta cái cảm xúc vồ vập với cuộc đời của tuổi trẻ. Thơ Xuân Diệu bao giờ cũng vội vàng, cuống quýt, nó là những cung bậc rạo rực băn khoăn vì thế mà khi vui cũng như khi buồn đều thấy nồng nàn, tha thiết. (ý Hoài Thanh).
Mở bài phân tích 4 câu thơ đầu - Mẫu 2
Ngay từ buổi đầu bước chân vào làng thơ, Xuân Diệu dường như đã tự chọn cho mình một lẽ sống: sống để yêu và tôn thờ Tình yêu! Phụng sự bằng trái tim yêu nồng cháy, bằng cuộc sống say mê và bằng việc "hăm hở" làm thơ tình! Nhắc đến Xuân Diệu, sẽ thật là thiếu sót nếu không kể tên "Vội vàng", "Đây mùa thu tới", và "Thơ duyên" trong tuyển tập "Thơ thơ" - đứa con đầu lòng mà "ông hoàng thơ tình" đã ban tặng cho nhân gian.
II. Kết bài phân tích Vội Vàng
1. Kết bài phân tích Vội Vàng (13 mẫu)
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 1
Sống là hạnh phúc. Muốn đạt tới hạnh phúc phải sống vội vàng. Thế là, vội vàng là cách đến với hạnh phúc, là chính hạnh phúc, và hình như cũng là cái giá phải trả cho hạnh phúc vậy ! Ta hiểu vì sao khi Xuân Diệu xuất hiện, lập tức thi sĩ đã thuộc về tuổi trẻ!
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 2
Bài thơ “Vội vàng” cho thấy một cảm quan nghệ thuật rất đẹp, rất nhân văn, một giọng thơ sôi nổi, dâng trào và lôi cuốn, hấp dẫn. Có chất xúc giác trong thơ. Có cách dùng từ rất bạo, cách cấu trúc câu thơ, đoạn thơ rất tài hoa. “Vội vàng” tiêu biểu nhất cho “Thơ mới”, thơ lãng mạn 1932-1941.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 3
Tên bài thơ "Vội vàng" đã thể hiện đầy đủ triết lý sống của nhà thơ, sống gấp, sống vội. Hãy sống và tận hưởng những gì mà cuộc sống ban tặng. Hơn nữa Nhà thơ muốn nhắn nhủ đến người đọc hãy sống hết mình khi đang còn trẻ tuổi, đừng để thời gian trôi đi phí hoài, sống sao cho có ích với xã hội với cuộc đời để khi thời gian đó qua đi rồi chúng ta sẽ không phải ân hận hay nuối tiếc điều gì.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 4
Bằng giọng thơ sôi nổi, cách dùng từ mới mẻ, sự cảm nhận thế giới bằng nhiều giác quan, sử dụng kết hợp các biện pháp tu từ, Xuân Diệu đã mang đến khung cảnh mùa xuân tươi đẹp như thiên đường ngay trên mặt đất, qua đó còn là một tình yêu tha thiết, dạt dào với cuộc sống được thi sĩ gửi gắm trong thơ. Đồng thời nhân vật tôi ở đây chưa một phút giây nào ngừng khao khát được tận hưởng hết vẻ đẹp của mùa xuân để mong có một cuộc sống giàu ý nghĩa. Bài thơ không chỉ mang lại một bức tranh thiên nhiên đầy hương vị, sắc màu mà còn là bài học triết lí nhắn nhủ người đọc hãy trân quý từng khoảnh khắc trong cuộc sống này khi còn có thể. Bởi vì thời gian khi đã đi qua rồi sẽ chẳng thể níu giữ lại những gì đã mất đi, cuộc đời con người cũng thế sẽ không biết được ngày mai thế nào, tác giả mong muốn chúng ta hãy sống trọn từng khoảnh khắt ta đang có. Mượn vài câu thơ trong bài “thời gian” của tác giả Văn Cao để nói:
“thời gian qua kẽ tay
Làm khô những chiếc lá
Kỷ niệm trong tôi
Rơi
Như tiếng sỏi trong lòng giếng cạn
Riêng những câu thơ còn xanh
Riêng những bài hát còn xanh
Và đôi mắt em như hai giếng nước.”
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 5
Vội vàng của Xuân Diệu đã đưa người đọc thực hiện cuộc hành trình khám phá vẻ xuân sắc, sức sống căng tràn nơi vạn vật, qua hành trình khám phá ấy người đọc có thêm những cảm nhận độc đáo về thời gian cũng như những triết lí sống sâu sắc về thái độ của con người trước cuộc sống, trước sự chảy trôi vô tình của thời gian: Thời gian là vô hạn nhưng thời gian của cuộc đời con người là hữu hạn, một đi không trở lại, vì vậy cần trân trọng mọi giá trị, vẻ đẹp của cuộc sống để không phải hối tiếc khi thời gian qua đi.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 6
Qua bài thơ Vội vàng, Xuân Diệu không chỉ gợi mở cho người đọc bức tranh thiên nhiên mùa xuân tràn ngập hương sắc mà từ khung cảnh thiên nhiên, người thi sĩ lại gợi lên trong lòng người đọc những liên tưởng về tình yêu, về cuộc sống của tuổi trẻ. Đồng thời, từ những quan niệm về thời gian, nhà thơ Xuân Diệu như muốn nhắc nhở những người trẻ chúng ta cần có thái độ sống đúng đắn, cần biết trân trọng, tận hưởng những vẻ đẹp, giá trị của hiện tại, biết trân trọng hiện tại chúng ta không chỉ đón nhận được niềm hạnh phúc mà còn không phải hối tiếc khi thời gian qua đi.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 7
Xuân Diệu là nhà thơ thiết tha với cuộc đời, với sự sống. Bằng sự nhạy cảm trong tâm hồn và tinh tế trong cảm nhận, nhà thơ đã mang đến cho chúng ta bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp về sự sống nơi trần thế. Cái chất riêng độc đáo của nhà thơ mới nhất trong nhà thơ mới được thể hiện trong bài thơ này không chỉ là cái tinh tế, đẹp đẽ của bức tranh thiên nhiên mà là quan niệm sâu sắc về thời gian và đời người. Thời gian chảy trôi tuyến tính, nó sẽ không đợi chờ bất kì ai, bởi vậy tất cả mọi người, đặc biệt là những người trẻ tuổi hãy sống hết mình, sống tận độ để chiếm lĩnh trọn vẹn vẻ đẹp nơi cuộc sống.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 8
Qua “Vội vàng”, nhà thơ Xuân Diệu không chỉ thể hiện tình yêu tha thiết với cuộc đời mà còn kín đáo thể hiện những quan niệm sống, triết lí sống đầy ý nghĩa. Với vẻ đẹp ấy, triết lí ấy, “Vội vàng” là bài thơ trữ tình có thể làm xao xuyến trái tim độc giả bao thế hệ.
Kết bài phân tích Vội Vàng mẫu 9
Như vậy, qua việc phân tích bài thơ vội vàng, chúng ta có thể thấy được tài năng của thi sĩ Xuân Diệu trong cách sử dụng ngôn từ và vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật. Tất cả các yếu tố đó kết hợp với nhau trong sự hài hòa, tinh tế, góp phần khắc họa hình tượng nhân vật trữ tình với tình yêu thiên nhiên tha thiết cùng niềm ham sống, lòng yêu đời cuồng nhiệt và nổi bật hơn cả là quan niệm sống “vội vàng” chạy đua với thời gian để nắm bắt lấy những gì đẹp nhất của tuổi trẻ, của tình yêu.
Kết bài phân tích Vội vàng mẫu 10
Việc sáng tác ra một tác phẩm có sức hấp dẫn với độc giả chưa bao giờ là dễ dàng và không phải bất cứ ai cũng có thể làm được điều kỳ diệu ấy. Thế mà Xuân Diệu, không hổ danh là nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới giai đoạn 1932-1945, đã tạo nên một sức hấp dẫn mới lạ trong bài thơ Vội vàng của mình.
Thơ ông chẳng phải viết về một cái gì cao xa bay bổng, mà rất thực tế viết về cái khao khát thực tại của con người. Thông qua đó những quan niệm, những chân lý sống của ông dần được bày tỏ trong bài thơ. Người ta đọc lần một, lần hai rồi càng đọc càng thấm, càng đọc càng thấy hay. Đó là nhờ sức hấp dẫn lạ kỳ từ những vần thơ tự do và nồng nàn, nhiệt huyết của Xuân Diệu.
Kết bài phân tích Vội vàng mẫu 11
Qua bài thơ “Vội vàng”, Xuân Diệu không chỉ gợi ra cho người đọc một bức tranh thiên nhiên mùa xuân ngập tràn hương sắc mà từ khung cảnh thiên nhiên, nhà thơ đã gợi lên trong lòng người đọc những liên tưởng về tình yêu , về cuộc sống của tuổi trẻ. Đồng thời, từ quan niệm về thời gian, nhà thơ Xuân Diệu muốn nhắn nhủ những người trẻ chúng ta phải có thái độ sống đúng đắn, biết trân trọng và tận hưởng những vẻ đẹp và giá trị của hiện tại, biết trân trọng hiện tại nhưng không chỉ nhận lấy hạnh phúc mà cũng không hối tiếc khi thời gian trôi qua.
Kết bài phân tích Vội vàng mẫu 12
Xuân Diệu lại một lần nữa góp vào thi đàn Việt Nam một tuyệt phẩm. Bên cạnh những vần thơ rất hay về tình yêu, còn có những vần thơ nhân sinh sâu sắc. Vội vàng xứng đáng được coi là một tuyệt tác cho mọi thời.
Kết bài phân tích Vội vàng mẫu 13
“Vội vàng” thể hiện niềm say mê yêu đời, yêu cuộc sống, một nỗi buồn bã, đơn côi khi nhận ra quy luật nghiệt ngã của đất trời. Tất cả rồi sẽ tàn phai nhưng vượt lên trên tất cả, nỗi khát khao yêu đời vẫn tràn đầy, mãnh liệt. Nó kích thích bạn đọc trẻ tuổi niềm đam mê cuộc sống.
Kết bài phân tích Vội vàng mẫu 14
Đọc thơ Xuân Diệu, đặc biệt là qua bài thơ Vội vàng, ta càng thêm yêu cuộc sống hôm nay và càng góp phần làm cho cuộc sống đó thêm tươi đẹp, không chỉ vì cuộc sống hôm nay đã đổi mới, đã đẹp hơn nhiều lần so với cuộc sông ngày xưa của Xuân Diệu mà chủ yếu là không còn những bi kịch để thành những băn khoăn trước cuộc đời. Bức thông điệp nhà thơ gửi đến người đọc vẫn còn nguyên giá trị, được bồi đắp thêm qua thời gian và trường tồn vĩnh cửu. Hãy sống hết mình, cống hiến tuổi trẻ cho Tổ quốc nhân dân, đừng phí hoài thời gian, hãy mở rộng lòng mình để đón nhận tất cả những vang động của cuộc đời. Đó là những gì mà Xuân Diệu còn giữ lại, nhắn gửi đến với người đọc của mình bức thông điệp xuyên qua thời gian, không gian, ngự trị muôn đời trong tâm hồn con người Việt Nam.
2. Kết bài gián tiếp Vội vàng
Bước đến “ Vội vàng”, ta choáng ngợp trước chốn bồng lai tiên cảnh của thiên đường trên mặt đất mà bấy lâu nay hằng lãng quên, thưởng thức thứ hương hoa ngọt ngào của bữa tiệc trần gian mà ta vẫn thường quên lãng. Xuân Diệu đã mang đến cho độc giả một món ăn thật lạ, thật kì thú, đầy ắp sắc hương của thiên nhiên đất trời tươi thắm.
3. Kết bài nâng cao Vội vàng
Rót vào những trang văn những giọt mật thật quyến rũ, Xuân Xiệu đã đưa người đọc vào từng chặng đường của hạnh phúc, vòng tay của thi nhân đang dang ra quấn quýt, níu giữ cuộc đời. Cất lên tiếng lòng giục giã hãy sống nhanh, sống gấp, sống trọn từng phút giây để tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình, “ Vội vàng” đã mang tấm lòng trần gian đến một tình yêu dạt dào nhựa sống, say đắm cảnh trời, say đắm thiên nhiên, sống vội vàng,cuống quýt…
4. Kết bài Vội vàng 13 câu đầu
Kết bài mẫu 1
Như một thước phim sống động, khúc thơ làm hiện ra trước mắt người đọc một bức tranh xuân vô cùng độc đáo và lộng lẫy: rộn rã những âm thanh tình tứ, rực rỡ ánh sáng tinh khôi, nồng nàn hương thơm sắc thắm và ngọt ngào men say ái tình. Mùa xuân có khác nào một thiên đường trên mặt đất, rạo rực sức sống, một mảnh vườn tình ái mà vạn vật đang đua nhau khoe sắc dâng hương, đắm đuối xuân tình. Như vậy, đọc những câu thơ mở đầu của “Vội vàng”, ta thấy được phần nào cái yêu đời đến cuồng nhiệt, cái khát sống đến bồng bột, mãnh liệt của Xuân Diệu. Quả không sai khi nói ông là nhà thơ lãng mạn mới nhất trong các nhà thơ mới.
Kết bài mẫu 2
Trong các bài thơ của Xuân Diệu trước Cách mạng thì đây là những vần thơ xuân diệu nhất. Bằng một hình thức nghệ thuật điêu luyện, sự kết hợp nhuần nhị giữa cảm xúc mong manh và mạch luận lý, giọng điệu say mê, sôi nổi cùng với những sáng tạo độc đáo về ngôn từ và hình ảnh thơ. Qua 13 câu đầu, Xuân Diệu đã đem đến một thông điệp mang ý nghĩa nhân văn tích cực: Trong thế gian này đẹp nhất, quyến rũ nhất chính là con người giữa tuổi trẻ và tình yêu; thiên đường chính là cuộc sống tươi đẹp nơi trần thế. Vì vậy hãy sống thiết tha yêu, hãy đắm say tận hưởng và tận hiến để mỗi ngày qua đi ta được sống trọn vẹn trong tình yêu và hạnh phúc.