Nghị luận về tính trung thực
Nghị luận xã hội về tính trung thực gồm nhiều bài văn mẫu, dàn bài hay giúp các em học sinh củng cố kỹ năng nghị luận xã hội. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
Dàn ý Nghị luận về tính trung thực
1. Dàn ý Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 1
- Mở bài: Dẫn dắt, giới thiệu về vấn đề nghị luận: tính trung thực.
- Thân bài:
a. Giải thích: trung thực là sự chân thành, ngay thẳng, không gian dối, luôn tôn trọng lẽ phải. Trung thực còn có nghĩa là không hổ thẹn với chính mình, biết lên án điều gian dối.
b. Bàn luận, chứng minh:
- Biểu hiện của sự trung thực:
+ Sống thật với chính mình, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế
+ Biết thẳng thắn nhận lỗi, không làm những việc trái với lương tâm, pháp luật.
+ Ăn nói ngay thẳng trong giao tiếp, chân thành trong các mối quan hệ xã hội, không lợi dụng người khác.
+ Thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc.
- Ý nghĩa, vai trò của trung thực:
+ Biết đánh giá mọi việc trong đời sống một cách khách quan, chân thật.
+ Giúp con người hoàn thiện bản thân, có can đảm để khắc phục khuyết điểm.
+ Bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như sự kiên trì, chăm chỉ, lòng dũng cảm,...
+ Giúp tâm hồn con người thanh thản.
+ Những người trung thực sẽ nhận được sự tín nhiệm, tôn trọng từ cộng đồng, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Từ đó, xã hội thêm văn minh, con người thêm đoàn kết.
+ Thiếu đi sự trung thực, xã hội sẽ không thể phát triển.
- Dẫn chứng: học sinh lựa chọn dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp.
c. Phê phán: những kẻ sống dối trá, giả tạo, đua đòi, lừa bịp người khác.
d. Phản đề: cần áp dụng tính trung thực một cách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh.
3. Kết bài:
- Khẳng định lại ý nghĩa của tính trung thực
- Rút ra bài học và liên hệ bản thân.
2. Dàn ý Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 2
1. Mở bài
Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: tính trung thực.
Lưu ý: Học sinh tự lựa chọn cách viết mở bài trực tiếp hoặc gián tiếp tùy thuộc vào năng lực của bản thân mình.
2. Thân bài
a. Giải thích
Trung thực là thật thà, luôn tôn trọng sự thật, nói sự thật, không gian dối người khác nhằm bất cứ mục đích gì, không làm những hành vi gian xảo.
b. Phân tích
• Biểu hiện của người có tính trung thực
Luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn làm đúng và nói đúng những gì đã xảy ra mà không thêm bớt.
Không bao che, giấu giếm cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải.
Có tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự thật.
• Lợi ích, ý nghĩa của việc trung thực
Người có tính trung thực sẽ giữ được chữ tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và yêu quý.
Người có tính trung thực sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu khác như: cương trực, thắng thắn,…
Khi sống trong một môi trường con người luôn trung thực với nhau sẽ tạo được khối xã hội trung thực.
c. Chứng minh
Học sinh tự lấy dẫn chứng về những con người sống với tính trung thực để minh họa cho bài làm của mình.
Lưu ý: dẫn chứng xác thực, nổi bật, tiêu biểu, được nhiều người biết đến.
d. Phản đề
Trong cuộc sống, có những người sống gian dối, sẵn sàng chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân, lại có người nói dối hòng trục lợi về cho bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những người sống trong dối trá, ảo tưởng về những gì bản thân mình có,… những người này đáng bị xã hội lên án, chỉ trích.
3. Kết bài
Khái quát lại ý nghĩa và tầm quan trọng của tính trung thực; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.
Văn mẫu Nghị luận về tính trung thực
1. Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 1
Người xưa thường nói: “Cây ngay không sợ chết đứng” để răn dạy con người về sự thật thà, trung thực. Quả thực, đúng như lời dạy của cha ông thì trung thực là một đức tính tốt đẹp mà mỗi người cần có, đem lại những giá trị quý báu cho cuộc sống con người.
Trung thực là gì? Ta có thể hiểu trung thực chính là sự chân thành, ngay thẳng, không gian dối, luôn tôn trọng lẽ phải trong mọi chuyện. Không chỉ vậy, trung thực còn có nghĩa là không hổ thẹn với chính mình, biết lên án điều gian dối.
Ta có thể bắt gặp trong đời sống hằng ngày rất nhiều biểu hiện của sự trung thực. Đối với bản thân, trung thực thể hiện ở việc sống thật với chính mình, biết thẳng thắn nhận lỗi, không làm những việc trái với lương tâm và phẩm giá. Đối với mọi người xung quanh, trung thực nằm ở việc nói năng ngay thẳng trong giao tiếp, chân thành trong các mối quan hệ xã hội và thực hiện đúng trách nhiệm, nghĩa vụ trong công việc. Học sinh không quay cóp khi thi cử, người kinh doanh bán đúng giá sản phẩm,... chính là những biểu hiện của trung thực.
Trung thực mang lại rất nhiều ý nghĩa cho con người. Nhờ có lòng trung thực, ta có khả năng nhìn nhận và đánh giá mọi việc trong đời sống một cách khách quan, chân thật. Thẳng thắn nhìn nhận ra khuyết điểm, can đảm để sửa sai, không trốn tránh chính là chìa khóa để đạt được thành công. Bên cạnh đó, trung thực còn giúp con người hoàn thiện nhân cách, bồi đắp cho ta nhiều đức tính tốt đẹp như sự kiên trì, chăm chỉ, lòng dũng cảm,... Không chỉ vậy, những giá trị sống được tạo ra từ tinh thần trung thực bao giờ cũng lâu dài, bền vững hơn những thứ đạt được từ sự gian xảo, dối trá. Sống trung thực, tâm hồn con người sẽ có được sự thanh thản. Ngoài ra, trung thực còn là sợi dây gắn kết con người với nhau. Những người trung thực sẽ nhận được sự tín nhiệm, tôn trọng tuyệt đối từ cộng đồng, trở thành những công dân tốt cho xã hội. Dù làm bất cứ ngành nghề gì, người trung thực cũng là những người chân thành, luôn bênh vực lẽ phải, biết đứng lên chống lại sự tham lam, giả tạo. Thiếu đi sự trung thực, xã hội sẽ không thể phát triển được. Một tấm gương điển hình cho sự trung thực chính là Bác Hồ. Bác luôn lấy câu “Cần, kiệm, liêm, chính. Chí công vô tư” để giáo dục các cán bộ lãnh đạo phải biết sống ngay thẳng, thật thà, trở thành người trung thực để phụng sự nhân dân và đất nước. Câu chuyện về nhà bác học Ga – li – lê cũng là một ví dụ tiêu biểu cho sự trung thực. Ông phát hiện ra rằng Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời – một điều trái với tư duy của con người khi ấy. Dù bị coi là tội phạm, chịu cảnh tù đày vì phát hiện khoa học của mình, Ga – li – lê vẫn kiên quyết tuyên bố: “Dù sao Trái Đất vẫn quay!”.
Trong xã hội, vẫn còn những kẻ sống dối trá, giả tạo. Có những người sống đua đòi, giả dối với chính mình, có những người lại lừa lọc mọi người xung quanh. Đây đều là những hiện tượng đáng phê phán.
Trung thực, ngay thẳng là điều tốt nhưng ta cũng cần sử dụng nó một cách thích hợp trong từng hoàn cảnh. Để có được sự trung thực, ta cần rèn luyện đức tính này ngay từ những việc nhỏ của cá nhân như nói năng, học tập, sinh hoạt hằng ngày, học cách chân thật với chính mình đến trung thực trong các mối quan hệ xã hội.
Trung thực là một đức tính quý giá, mang lại cho chúng ta vô vàn lợi ích. Là học sinh, ta cần trau dồi đức tính này bằng những hành động thiết thực trong học tập tri thức, rèn luyện đạo đức và lan tỏa lối sống ấy đến mọi người xung quanh.
2. Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 2
Con người cần phải trau dồi nhiều đức tính tốt đẹp để trở thành một công dân gương mẫu, sống đúng đắn, một trong số đó chính là tính trung thực. Trung thực có thể coi là giá trị cốt lõi trong kho tàng đạo đức, cái làm nên nhân cách, nhân phẩm của con người. Trung thực là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật vì một mục đích nào đó. Người có đức tính trung thực luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật nhằm mưa cầu lợi lộc cho bản thân mình. Trong cuộc sống, đức tính trung thực được thể hiện rõ ràng nhất đó là thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình. Trong học tập, thi cử, những biểu hiện của tính trung thực của mỗi học sinh huy cần được phát huy như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu và lật tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả. Bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người bạn và mọi người trong xã hội. Nhờ có tính trung thực trong học tập, chúng ta sẽ có được những kiến thức thực do chính ta học tập chứ không do học vẹt, học máy móc hoặc qua loa, đối phó. Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự thiếu trung thực và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tuỳ theo khả năng của mỗi người. Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời một cách trung thực và can đảm. Câu chuyện về George Washington và cây anh đào là minh chứng vai trò của tính trung thực trong cuộc sống. Cha Washington có một cây anh đào rất quý. Khi còn nhỏ, một lần Washington vô tình chặt đứt cây anh đào non yêu quý của cha. Sợ cha quở trách, cậu bé đã nghĩ đến chuyện nói dối. Khi cha hỏi George rằng ai đã chặt gốc cây của ông, George chỉ dám nhìn cha với khuôn mặt tội lỗi. Cuối cùng, cậu bé òa khóc và thú nhận: “Thưa cha, con không thể nói dối”. Người cha không trách mắng mà trái lại còn ông còn ôm con và khen ngợi con vì tinh thần trung thực. Có thể thấy, trung thực là nền tảng đầu tiên để tạo nên nhân cách lớn, trí tuệ lớn.Không ai có thể yêu mến và giúp đỡ một người không trung thực. Mỗi chúng ta hãy luôn trung thực trong công việc và trong đời sống để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, thành công trong công việc và sống một cuộc đời hạnh phúc trong tình yêu thương của mọi người
3. Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 3
Con người để hoàn thiện bản thân thì phải không ngừng trau dồi nhiều đức tính quý báu. Một trong những đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần có chính là tính trung thực. Vậy thế nào là tính trung thực? Trung thực là thật thà, luôn tôn trọng sự thật, nói sự thật, không gian dối người khác nhằm bất cứ mục đích gì, không làm những hành vi gian xảo. Người có tính trung thực luôn tôn trọng sự thật, lẽ phải, luôn làm đúng và nói đúng những gì đã xảy ra mà không thêm bớt. Bên cạnh đó, họ không bao che, giấu giếm cho người có hành vi gian dối, sẵn sàng đứng lên tố cáo để bảo vệ lẽ phải, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ sự thật. Người có tính trung thực sẽ giữ được chữ tín, được mọi người tin tưởng, tín nhiệm và yêu quý. Ngoài ra, người có tính trung thực sẽ rèn luyện được những đức tính quý báu khác như: cương trực, thắng thắn,… Con người khi sống trong một môi trường con người luôn trung thực với nhau sẽ tạo được khối xã hội trung thực. Tuy nhiên, trong cuộc sống vẫn còn có những người sống gian dối, sẵn sàng chối bỏ sự thật vì lợi ích cá nhân, lại có người nói dối hòng trục lợi về cho bản thân. Bên cạnh đó, cũng có những người sống trong dối trá, ảo tưởng về những gì bản thân mình có,… những người này đáng bị xã hội lên án, chỉ trích. Trung thực là một đức tính tốt đẹp mà chúng ta cần rèn luyện trong quá trình hoàn thiện và phát triển bản thân. Không một ai là hoàn hảo, nhưng khi ta biết cố gắng hoàn thiện bản thân và vươn lên phía trước, chúng ta sẽ đạt được những thành quả xứng đáng với công sức bỏ ra.
4. Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 4
Thế nào là đức tính trung thực? Trung thực là thật thà, ngay thẳng, không gian dối. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà. Với các bạn học sinh, biểu hiện rõ trong các cuộc thi là không gian lận quay cố, chép bài, xem bài của bạn…Trong xã hội, người trung thực là người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam của người khác. Trong kinh doanh, người ngay thẳng không sản xuất hàng kém chất lượng, không kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp làm tổn hại đến người tiêu dùng. Trái với trung thực là sự gian dối, không thật thà..
Trong xã hội ngày nay, đức tính trung thực là rất cần thiết cho mọi người đức tính trung thực là một trong những đức tính đáng quý mà mọi người cần phải có, nhất là giới học sinh chúng ta, rất cần đức tính này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt.
Vậy ta nên định nghĩa về đức tính trung thực như thế nào? Xin trả lời ngay Đức tính trung thực là hết lòng với mọi người, là thật thà, là ngay thẳng. Người có đức tính trung thực là người luôn nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật, ngay thẳng, thật thà, là người luôn được mọi người tin tưởng. Trong cuộc sống ngày nay, đức tính trung thực được biểu hiện trong các kì thi của giới học sinh như không có hiện tượng quay cóp, chép bài hoặc xem bài của bạn... Và đức tính này cũng được biểu hiện trong xã hội như có những người ngay thẳng, không nói sai sự thật, không tham lam của người khác.
Trong kinh doanh, nếu là người ngay thẳng, họ sẽ không sản xuất những loại hàng kém chất lượng, kinh doanh những mặt hàng bất hợp pháp, làm nguy hại đến người tiêu dùng... những người nào mang trong người hoặc đang rèn luyện đức tính trung thực thì những người đó sẽ dần hoàn thiện nhân cách của họ sẽ được mọi người mến yêu và tôn trọng. Nếu rèn luyện đức tính trung thực, chúng ta sẽ thành đạt trong cuộc sống, chúng ta sẽ có vốn tri thức để làm giàu một cách chân chính, và nêu chúng ta mắc sai lầm, ta sẽ dễ dàng sửa chữa được nó và hoàn thiện mình thành một công dân tốt, có ích cho xã hội, làm cho xã hội chúng ta trở nên trong sạch, văn minh và tốt đẹp, khiến đất nước ngày càng đi lên và phát triển đến tầm cao.
Đồng thời, bên cạnh những người biết hoàn thiện bản thân để trở thành người dân tốt vẫn có những người có biểu hiện thiếu trung thực và sai trái, chúng ta cần phải phê phán và lên án những biểu hiện như vậy. Biểu hiện rõ nhất là trong giới học sinh hiện nay, nạn học giả, bằng thật do quay cóp, chép bài của bạn, gian lận trong thi cử đã trở thành một tệ nạn phổ biến gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, đến ý nghĩa của việc dạy và học, gây dư luận xôn xao trong xã hội. Một biểu hiện thứ hai tương đối rõ ràng là sự thiếu trung thực trong kinh doanh đời sống, đó là việc các báo cáo không trung thực, chất lượng sản phẩm kinh doanh ngày càng kém đi, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người hiện nay như các sản phẩm, các mặt hàng được người dân tiêu dùng hàng ngày, điển hình là các loại sữa có chứa chất độc hại melamine gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, hay ngay các loại nước mắm cũng có chứa chất ure độc tố, hoặc cả các loại rau quả, trái cây hiện nay như rau xanh hay quả tươi đều được người trồng trọt tiêm nhiễm các loại hóa chất vì lợi nhuận của bản thân... Những hành vi trên đều đáng phê phán vì thiếu trung thực, không nghĩ đến sức khỏe của người dân mà chỉ nghĩ đến lợi nhuận của bản thân mình. Chỉ vài biểu hiện trên mà đã nói lên được tính thiếu trung thực đã trở thành căn bệnh phổ biến lây lan nhanh trong mọi người dân. Chính căn bệnh này đã khiến xã hội xuống cấp, đạo đức người dân dần bị hạ thấp, phá bỏ những nét đẹp truyền thống của dân tộc.
Vì vậy, để tránh được tệ nạn thiếu trung thực trong xã hội ngày nay, mỗi chúng ta cần tự mình xây dựng nên một ý thức trung thực trong từng việc nhỏ nhặt nhất mà hàng ngày chúng ta đều làm cho đến việc lớn lao sau này. Bên cạnh việc tự hoàn thiện mình, chúng ta cẩn lên án những hành vi thiếu trung thực và tích cực đầy lùi những tiêu cực do nạn thiếu trung thực để noi theo những tấm gương về đạo đức cao cả.
Là một con người sống trong xã hội hiện đại, đức tính trung thực là không thể thiếu cho bản thân, cần tích cực rèn luyện đức tính đáng quý này để hoàn thiện chính mình, trở thành người công dân tốt đưa đạo đức xã hội ngày càng đi lên, đất nước ngày một phát triển hơn và hơn nữa.
5. Nghị luận về tính trung thực - Mẫu 5
Không di sản nào quý giá bằng lòng trung thực. Không có trung thực thì không có đạo đức. Trung thực có thể coi là giá trị cốt lõi trong kho tàng đạo đức, cái làm nên nhân cách, nhân phẩm của con người.
Trung thực là ngay thẳng, thật thà, nói đúng sự thật, không làm sai lệch sự thật vì một mục đích nào đó. Người có đức tính trung thực luôn luôn tôn trọng sự thật, chân lí, lẽ phải, không làm sai lệch sự thật nhằm mưa cầu lợi lộc cho bản thân mình.
Phẩm đức trung thực của con người được thể hiện qua cách sống ngay thẳng, thật thà, dám nhận lỗi khi mình mắc khuyết điểm. Trong cuộc sống, đức tính trung thực được thể hiện rõ ràng nhất đó là thật thà, thẳng thắn nhận lỗi khi mình mắc lỗi, không báo cáo sai sự thật, không tham lam, gian dối lấy của người khác làm của mình. Trong học tập, thi cử, những biểu hiện của tính trung thực của mỗi học sinh huy cần được phát huy như không quay cóp, chép bài của bạn, không mang theo tài liệu và lật tài liệu trong lúc thi hoặc kiểm tra, không chạy điểm, không dùng bằng giả.
Nếu có tính trung thực, nhân cách của mỗi người sẽ dần được hoàn thiện. Bản thân mỗi người sẽ được người khác kính trọng, yêu mến. Điều quan trọng hơn cả là bản thân người có tính trung thực sẽ tự gây dựng cho mình một hình ảnh, một chữ “tín” trong lòng mỗi người bạn và mọi người trong xã hội. Nhờ có tính trung thực trong học tập, chúng ta sẽ có được những kiến thức thực do chính ta học tập chứ không do học vẹt, học máy móc hoặc qua loa, đối phó.
Tính trung thực còn giúp cho chúng ta có cái nhìn, đánh giá đúng năng lực của mỗi người. Học sinh có tính trung thực thì thầy cô giáo mới đánh giá đúng năng lực của mỗi học sinh để có kế hoạch bồi dưỡng, và nâng cao kiến thức. Nếu học sinh có những việc làm không thể hiện tính trung thực của mình, đừng vội nản lòng, các bạn vẫn có thể sửa những lỗi sai của mình để trở thành người tốt, góp phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển.
Không chỉ trong học tập, mà trong kinh doanh, nếu có tính trung thực, doanh nghiệp sẽ có được uy tín và lòng tin ở khách hàng, kinh doanh đạt hiệu quả cao. phần làm cho xã hội trong sạch, văn minh và ngày càng phát triển. Có nhiều người sẽ cho rằng: Trung thực là đức tính tốt nhưng có làm được hay không thì tuỳ và cũng chẳng có hậu quả gì đáng kể. Nhưng thật ra sự thiếu trung thực sẽ gây ra những hậu quả xấu. Bởi trong cuộc sống, điều quan trọng nhất của mỗi người là chữ “tín”.
Nếu đánh mất lòng trung thực, đồng nghĩa với đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của mọi người đối với mình. Nếu trong kinh doanh làm ăn sẽ mất đi những người đối tác làm ăn. Nếu trong học tập mà không trung thực thì thầy cô, bạn bè không còn tin ở mình nữa. Trong làm việc, nếu số liệu báo cáo thiếu trung thực sẽ gây thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế đất nước.
Trong kinh doanh, chất lượng sản phẩm không trung thực sẽ ảnh hưởng không tốt đến người tiêu dùng, thậm chí gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đe dọa tính mạng con người. Trong học tập, đặc biệt là trong các kì thi sự thiếu trung thực luôn xảy ra. Sự gian lận trong thi cử vẫn còn phổ biến. Điều đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả thực chất của dạy của thầy cô giáo và học của học sinh, gây dư luận xấu trong xã hội. Do đó, thiếu trung thực trở thành căn bệnh lây lan nhanh, làm xuống cấp đạo đức xã hội.
Mỗi người cần phải có những hành động, việc làm cụ thể của riêng mình nhằm giúp đất nước ta không còn những hành vi thể hiện sự thiếu trung thực nữa. Đối với mỗi người, cần xây dựng ý thức trung thực trong từng việc nhỏ, việc lớn. Đặc biệt, đối với mỗi học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường việc tu dưỡng, rèn luyện đức tính thật thà là rất cần thiết. Để động viên những tấm gương người tốt, việc tốt nhà trường cần biểu dương một số tấm gương tiêu biểu về đức tính trung thực để học sinh noi theo đồng thời khuyến khích, động viên học sinh tham gia vào gìn giữ và phát huy những đức tính tốt đẹp của người Việt Nam.
Cùng với việc biểu dương những tấm gương tốt về tính trung thực chúng ta cũng cần lên án sự thiếu trung thực và từng bước đẩy lùi những tiêu cực do thiếu trung thực gây nên tuỳ theo khả năng của mỗi người.
Trong thời đại hiện nay, nhất là khi chúng ta đang trong thời kỳ hội nhập với nền kinh tế tri thức toàn cầu thì đức tính trung thực lại càng cần thiết hơn bao giờ hết vì sống trung thực giúp chúng ta nâng cao phẩm giá, làm lành mạnh các mối quan hệ xã hội và sẽ được mọi người tin yêu, kính trọng. Vì vậy, mỗi người cần xác định đúng tư tưởng để có một tương lai tốt đẹp.
Trong cuộc sống, vẫn còn có nhiều người sống thiếu trung thực. Nhiều người vì nhút nhát, yếu đuối mà sống thiếu trung thực, nhiều người vì lợi ích của bản thân, học sẵn sàng giả dối, lừa dối người khác để giành lấy phần hơn về mình. Những người như thế thật đáng chê trách.
Là một học sinh, Chúng ta hãy cố gắng phát huy đức tính trung thực của học sinh để góp phần hoàn thiện nhân cách bản thân và nhận được sự tin yêu của thầy cô, bạn bè. Lòng trung thực là chương đầu tiên của cuốn sách trí tuệ. Hay làm cho trang sách ấy ngày càng tỏa sáng và phát huy được sức mạnh của nó.
Con người trưởng thành qua kinh nghiệm nếu họ đối diện với cuộc đời một cách trung thực và can đảm. Dối trá và lừa lọc là hành động của kẻ ngu xuẩn không có đủ trí óc để trung thực. Không ai có thể yêu mến và giúp đỡ một người không trung thực. Hiểu được điều đó, mỗi chúng ta hãy luôn trung thực trong công việc và trong đời sống để xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp, thành công trong công việc và sống một cuộc đời hạnh phúc trong tình yêu thương của mọi người.
------------------------------------------------------------------
Ngoài bài viết trên, mời các em đón đọc những tài liệu khác tại Soạn văn: Đầy đủ, ngắn gọn, siêu ngắn, Trắc nghiệm Ngữ văn 9, Tác giả - tác phẩm Ngữ văn 9. Chúc các em đạt được thành tích tốt trong học tập!