Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập nhé. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết gồm có dàn ý và bài văn mẫu nghị luận xã hội. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết tại đây.

1. Dàn ý nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai

I. Mở bài:

- Dân tộc Việt Nam có truyền thống hiếu học từ lâu đời.

- Xã hội trân trọng và tôn vinh những người học cao hiểu rộng, dành cho họ những chức danh đẹp đẽ, coi họ là hiền tài, là nguyên khí quốc gia.

- Trước ngưỡng cửa cuộc đời, xu hướng chung của thế hệ trẻ ngày nay là lựa chọn cho mình con đường vào Đại học. Nhiều người cho rằng: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai.

- Tuy vậy, không phải ai cũng nhất thiết phải vào Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong sự nghiệp.

II. Thân bài:

1. Tầm quan trọng của bậc Đại học

- Khoảng 800 năm trước, ở Việt Nam đã có trường đại học đầu tiên là Văn Miếu Quốc Tử Giám đặt tại kinh thành Thăng Long, là nơi đào tạo ra các bậc hiền tài nổi tiếng, có nhiều đóng góp lớn lao cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

- Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng việc phát triển bậc đại học. Mấy chục trường Đại học đã đào tạo cung cấp hàng triệu kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, các nhà khoa học, sĩ quan cao cấp... đóng góp đáng kể vào thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

- Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hoá, vai trò của các trường Đại học lại càng quan trọng vì đó là nguồn cung cấp lực lượng cán bộ, chuyên gia nòng cốt trong các lĩnh vực.

2. Thế nào là cuộc sống có tương lai

- Ai cũng muốn cuộc sống của mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Đó là có việc làm ổn định, phù hợp với sở thích và sở trường, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo, cống hiến được nhiều cho xã hội; có cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp riêng và chung.

- Đó là nền tảng để bản thân có thể phấn đấu trở thành nhà quản lí tài năng hoặc nhà khoa học nổi tiếng, nhà lãnh đạo kiệt xuất... Ngoài bậc Đại học, mọi người vẫn có thể thực hiện ước mơ tạo dựng tương lai cho bản thân bằng những con đường khác nhau.

- Nhu cầu của cuộc sống phát triển ngày càng cao, đòi hỏi xã hội phải có một đội ngũ lao động đông đảo, đa nghề, đa trình độ.

- Các nhóm làm việc gồm nhiều người với nhiều trình độ khác nhau nhưng nếu hoà hợp, ăn ý sẽ bảo đảm chất lượng và hiệu quả cao trong công việc.

- Mỗi cá nhân có thể thực hiện ước mơ vào Đại học bằng nhiều con đường khác nhau (qua Trung cấp, Cao đẳng, lên Đại học), nếu hoàn cảnh không cho phép vào ngay Đại học chính quy.

- Không phải ai tốt nghiệp Đại học cũng có tương lai rực rỡ. Vấn đề tự học là vô cùng quan trọng, quyết định sự thành bại trong sự nghiệp của mỗi người. Ngoài việc học ở trường, chúng ta còn phải không ngừng học hỏi trong cuộc sống, hay còn gọi là trường đời.

III. Kết bài:

- Trong xã hội có rất nhiều nghề. Người xưa đã dạy: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.

- Mỗi người cần kiên trì tự học để nắm vững chuyên môn ngành nghề của mình. Nếu có quyết tâm và nghị lực vươn lên thì nhất định tương lai của bản thân sẽ tươi sáng và cuộc sống sẽ ấm no, hạnh phúc.

2. Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai mẫu 1

Dân tộc Việt Nam ta có truyền thống hiếu học từ lâu đời. Khắp nơi, từ thành phố đến nông thôn, dù thuộc tầng lớp trí thức hay quần chúng bình dân, ai ai cũng coi trọng việc học. Xã hội đặc biệt tôn vinh những người học cao hiểu rộng và trân trọng dành cho họ những chức danh cao đẹp như trạng nguyên, tiến sĩ… và thực sự coi những bậc hiền tài là nguyên khí quốc gia.

Trước ngưỡng cửa vào đời, thế hệ trẻ ngày nay hầu như ai cũng muốn chọn cho mình con đường vào Đại học và quyết tâm theo đuổi ước mơ ấy đến cùng, dù cánh cửa các trường Đại học có hẹp, dù mất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Thậm chí có người còn coi vào Đại học là vấn đề sinh tử. Hiện tượng có tính chất xã hội đó xuất phát từ quan niệm: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai. Phải chăng đó là quan niệm phổ biến và thức thời nhất hiện nay?

Luận điểm này không hoàn toàn đúng vì nó còn có điểm phiến diện, cực đoan. Bởi vì thực tế đã chứng minh không nhất thiết phải tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong cuộc sống.

Đại học là bậc học cao nhất của một nền học vấn. Ở Việt Nam cách đây khoảng 800 năm đã xuất hiện trường Đại học đầu tiên đặt tại kinh thành Thăng Long, đó là Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm nhưng Văn Miếu Quốc Tử Giám vẫn tồn tại và đã đào tạo cho nước nhà hàng ngàn hiền tài danh tiếng, tiêu biểu như Nguyễn Hiền, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi… Đó là những nhân vật kiệt xuất đã đem tâm huyết và tài năng phò vua giúp nước, làm vẻ vang, rạng rỡ non sông.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến việc xây dựng và phát triển bậc Đại học. Mấy chục trường Đại học ở miền Bắc đã góp phần đào tạo ra hàng triệu kĩ sư, kiến trúc sư, bác sĩ, giáo viên, các nhà khoa học, các sĩ quan cao cấp… đóng góp đáng kể vào thắng lợi rực rỡ của hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Ngày nay, trong sự nghiệp phát triển đất nước tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì vai trò của các trường Đại học lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Bậc Đại học không chỉ đào tạo trình độ cử nhân mà còn đào tạo trình độ sau Đại học như thạc sĩ, tiến sĩ – những người am hiểu lí thuyết và giỏi thực hành để họ trở thành chuyên gia trong các lĩnh vực xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Sau mười hai năm đèn sách, vượt qua bao vất vả gian nan, trên vai mang nặng công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy, trước ngưỡng cửa cuộc đời ai cũng mong ước mình sẽ có một tương lai rạng rỡ. Tương lai ấy là gì? Đó là cuộc sống ổn định, có việc làm phù hợp với sở thích, khả năng và ngành nghề mà mình đã được đào tạo, có thu nhập cao, có điều kiện phát huy năng lực sáng tạo và cống hiến cho xã hội. Tương lai ấy tạo ra cho bản thân cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp, có thể phấn đấu trở thành nhà lãnh đạo kiệt xuất, nhà quản lí giỏi, hoặc một nhà khoa học nổi tiếng, nhà doanh nghiệp tài ba, thành đạt…

Để có được cơ sở vững chắc cho việc tạo dựng tương lai thì việc các bạn trẻ chọn cho mình con đường vào Đại học là chính đáng. Bởi vì vào Đại học, chúng ta sẽ được tiếp cận và tiếp thu những tri thức cơ bản về ngành nghề mà ta theo học từ các thầy cô, các giáo sư có trình độ học vấn và chuyên môn giỏi. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện phương pháp học tập, phương pháp tư duy và làm việc, phương pháp nghiên cứu khoa học… một cách có bài bản và hệ thống. Vào Đại học, chúng ta sẽ được rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực qua những bài tập thực hành trong phòng thí nghiệm, qua việc tiếp xúc với thực tế…

Từ nền tảng kiến thức cơ bản đó kết hợp với trái tim tràn đầy nhiệt huyết và óc sáng tạo cùng khao khát khẳng định mình, chúng ta sẽ cống hiến tài năng cho xã hội một cách hiệu quả nhất bằng những sản phẩm, những công trình nghiên cứu thiết thực và hữu ích. Như thế tức là tương lai đang rộng mở trước mắt chúng ta. Từ trước tới nay đã có nhiều thiên tài trên thế giới trưởng thành từ môi trường Đại học như nhà sinh vật học Đác-uyn, nhà vật lí học Xi-ôn-cốp-xki, nhà hóa học Ma- ri-quy-ri, Men-đê-lê-ép, nhà bác học Anh-xtanh…

Trong thời buổi hội nhập toàn cầu như hiện nay, với những đòi hỏi ngày càng cao của xã hội về học vấn, trí tuệ, về năng lực sáng tạo… thì không ai có thể phủ nhận việc mỗi người phải trang bị cho mình ít nhất một tấm bằng Đại học. Được học Đại học, nhất là được vào những trường Đại học danh tiếng trên thế giới và trong nước vẫn là khát khao, mơ ước của rất nhiều người, vì đó là con đường ngắn nhất để đi đến tương lai.

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê sơ bộ của một nhà xã hội học thì ở nước ta, mỗi năm chỉ có 20% học sinh thi đậu Đại học và chưa đến 50% sinh viên tốt nghiệp Đại học kiếm được việc làm. Số còn lại hoặc thất nghiệp, hoặc phải làm nghề trái tay, có khi chẳng liên quan gì tới lĩnh vực chuyên môn đã được đào tạo. Vì thế nên trước thực tế đa dạng và phức tạp của cuộc sống có khoảng cách khá xa với những gì đã được học, họ trở nên bị động, lúng túng, không đủ khả năng làm việc.

Một số khác phải bỏ học giữa chừng vì năng lực kém hoặc điều kiện kinh tế của gia đình không cho phép. Ngoài ra, một yếu tố quan trọng khác là khi học xong Đại học, bước vào đời ta còn phải được bạn, được thầy giúp đỡ. Bên cạnh đó, yếu tố may mắn cũng rất đáng kể trên con đường dẫn tới thành công trong sự nghiệp. Những điều đó cho thấy con đường vào Đại học không phải là lựa chọn duy nhất, tốt nhất để con người có được tương lai tốt đẹp.

Vì vậy, ngưỡng cửa cuộc đời của mỗi thanh niên không chỉ giới hạn ở cổng trường Đại học mà còn rộng mở với biết bao cơ hội ở các trung tâm, các trường trung cấp hay cao đẳng dạy nghề. Nhu cầu cuộc sống phát triển ngày càng cao đòi hỏi xã hội phải có một đội ngũ lao động đông đảo, đa nghề và đa trình độ. Bên cạnh các trường Đại học còn có các trường đào tạo thợ cho các ngành nghề. Ví dụ: Cùng làm việc với bác sĩ cần có y tá, y sĩ, diều dưỡng viên. Cùng làm việc với kĩ sư cần có kĩ thuật viên, thợ lành nghề… Những ê-kíp lao động ăn ý và có trình độ sẽ bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác cao. Thu nhập từ công việc đang làm sẽ giúp những ai vẫn theo đuổi ước mơ vào Đại học có điều kiện biến ước mơ thành hiện thực.

Ước mơ vào Đại học là chính đáng và cao đẹp, nhưng không nhất thiết chỉ có vào Đại học thì thanh niên mới thực hiện được mơ ước của mình. Chúng ta có thể vươn lên trình độ Đại học bằng nhiều con đường khác nhau. Thực tế chứng minh rằng không phải cứ tốt nghiệp Đại học thì mới thành danh, thành tài, thành công trong sự nghiệp. Nhiều công nhân, nông dân tuy ít học nhưng qua quá trình làm việc, tự học, tự tìm tòi đã sáng chế ra máy cấy, máy gặt, máy hút bùn, máy nghiền xơ dừa, thậm chí cả… máy bay.

Nhiều học sinh nghèo chưa có điều kiện thi vào Đại học đã chọn con đường vừa học vừa làm, phấn đấu từ trung cấp, cao đẳng lên Đại học và họ đã trở thành những kĩ sư, bác sĩ, giảng viên, giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân giỏi… Con đường tuy xa nhưng cuối cùng họ vẫn đến đích, vẫn thực hiện được ước mơ của đời mình. Vì vậy, không nhất thiết sau khi học xong bậc Trung học phổ thông, học sinh nào cũng phải vào Đại học. Điều quan trọng hơn cả là mỗi người cần xác định cho mình một hướng đi đúng đắn, thích hợp; có quyết tâm, ý chí tự học để không ngừng vươn lên chiến thắng hoàn cảnh, chiến thắng số phận.

Thomas Edison, người đã có hàng ngàn phát minh quan trọng làm thay đổi bộ mặt thế giới như bóng đèn điện, máy chiếu phim, máy quay phim… nhưng mới chỉ học hết bậc Tiểu học. Henry Ford học xong Trung học vì gia đình khó khăn nên phải vào làm thợ trong một xưởng máy, nhưng ông đã trở thành nhà chế tạo xe hơi nổi tiếng. Quyền lực tài chính của ông bao trùm và ảnh hưởng tới nền kinh tế thế giới trong suốt một thời gian dài. Những trường Đại học của Chủ tịch Hội nhà văn Xô-viết Macxim Gorki chính là những năm tháng dằng dặc lăn lộn kiếm sống trong cuộc đời và mày mò tự học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phải rời ghế nhà trường sớm để ra đi tìm đường cách mạng cứu nước. Nhưng với quyết tâm tự học, Bác đã có trình độ học vấn uyên thâm, nói và viết thông thạo nhiều thứ tiếng và trở thành lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của thế kỉ XX, được tổ chức UNESCO suy tôn là Danh nhân văn hóa thế giới. Đến nay, nhiều trường Đại học trong và ngoài nước vẫn tiếp tục nghiên cứu, giảng dạy tư tưởng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một điển hình của thời đại ngày nay mà nhiều người đều biết và hâm mộ là Bill Gates – “ông trùm” của lĩnh vực phần mềm vi tính, người đã tạo nên thương hiệu Microsoft nổi tiếng toàn cầu. Đang là sinh viên trường Đại học Harvard danh tiếng, ông bỏ dở việc học hành để theo đuổi dam mê việc lập trình máy tính và giờ đây, ở tuổi năm mươi, ông đã trở thành một trong những người tài giỏi và giàu có nhất hành tinh.

Con đường dẫn đến thành công của những thiên tài ấy là gì? Đúng như Thomas Edison đã khẳng định: Thiên tài được hình thành là nhờ 1% trí thông minh, còn 99% là do sự siêng năng, cần cù. Muốn có được thành công và vinh quang thì trước tiên, chúng ta phải có quyết tâm tự học, tự nghiên cứu, có suy nghĩ sâu sắc, nghị lực mạnh mẽ và niềm khao khát, đam mê cháy bỏng. Bên cạnh đó là tinh thần thắng không kiêu, bại không nản, dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, sẵn sàng chấp nhận thất bại để rút ra kinh nghiệm đi tới thành công.

Vậy nếu tốt nghiệp Trung học phổ thông mà không thi vào được Đại học thì chúng ta phải làm gì? Trước hết, chúng ta phải kiên định giữ vững lập trường trong việc lựa chọn cho mình một hướng đi. Có như vậy thì mới có thể an tâm đầu tư cho tương lai. Không nên chạy theo quan điểm cứng nhắc: Chỉ có vào Đại học thì cuộc đời mới có tương lai vì thực tế cho thấy cánh cửa Đại học không phải mở rộng với bất cứ ai mà chỉ dành cho những người vừa có năng lực thực sự, vừa có điều kiện vật chất bảo đảm theo học được. Chúng ta nên hiểu rằng học vấn, bằng cấp chỉ là điều kiện cần, còn sự nỗ lực không ngừng của bản thân mới là điều kiện bảo đảm cho sự thành đạt trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống. Như vậy, không thi đậu vào Đại học không có nghĩa là cánh cửa tương lai đã đóng lại trước mắt chúng ta.

Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải có lí tưởng, mục đích sống đúng đắn, rõ ràng thì mới tự tin hướng tới tương lai. Thử ngẫm xem nếu ai cũng vào Đại học thì xã hội sẽ ra sao? Cho nên mỗi người cần xem xét kĩ năng lực, năng khiếu, sự hiểu biết, niềm đam mê, khát vọng của bản thân. Từ đó, chúng ta sẽ hiểu rõ và tự tin, tự hào về công việc mình đang làm. Đồng thời, chúng ta cần phải có sự say mê tìm tòi, nghiên cứu, phải năng động, sáng tạo và có phương pháp làm việc khoa học thì mới sáng tạo ra những công trình nghiên cứu, những sản phẩm mới phục vụ hữu ích cho cuộc sống con người. Nếu hăng say, toàn tâm toàn ý với công việc và luôn phấn đấu vươn lên thì dù ở bất cứ vị trí nào, tài năng của chúng ta sẽ được khẳng định. Thanh niên là lứa tuổi có khả năng và sức mạnh dời non lấp bể là thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Thanh niên không chỉ tạo dựng sự nghiệp cho bản thân mà còn phải góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh.

Học hành là sự nghiệp của cả đời người chứ không chỉ dừng lại ở tuổi trẻ. Biển học không bờ (Khổng Tử). Lê-nin đã khuyên thanh niên: Học, học nữa, học mãi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã chỉ ra rất nhiều cách học có ích: Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở dân. Chúng ta phải học thường xuyên, học ở mọi nơi mọi lúc… để không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn. Ông cha ta đã dạy: Có công mài sắt, có ngày nên kim.

Trong xã hội thường có rất nhiều nghề, nghề nào cũng quý, cũng đẹp. Người xưa đã khẳng định: Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Hoặc: Không có nghề nào xấu, chỉ có người xấu. Cho nên chúng ta không nên quan trọng hóa việc bắt buộc phải vào Đại học. Nền công nghiệp tiên tiến, nền kinh tế trí thức đang mở ra muôn nghìn cơ hội cho tuổi trẻ. Xã hội Việt Nam đang dần dần trở thành một xã hội coi trọng chất xám. Chúng ta hãy làm giàu trí tuệ, năng lực của mình bằng con đường tự học. Như vậy thì mỗi người mới khẳng định được mình là một công dân có ích, có vị trí xứng đáng trong xã hội, không tụt hậu so với bạn bè và thời đại.

Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai

3. Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai mẫu 2

Tuổi trẻ là khoảng thời gian đẹp đẽ và ý nghĩa để chúng ta cơ hội được học tập, được lập nghiệp. Vì thế vào đại học là ước mơ cao đẹp và chính đáng của đa số các bạn. Tuy nhiên do tư duy của xã hội và sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh về việc con em mình dứt khoát phải vào được đại học đã gây ra áp lực nặng nề cho các bạn học sinh năm cuối.

Mỗi mùa tuyển sinh qua đi, điều đọng lại nhiều nhất trong chúng ta có lẽ là những nụ cười hạnh phúc, hay những giọt nước mắt nuối tiếc, thậm chí cả những bi kịch đã xảy ra khi giấc mơ vào đại học không thành. Vậy đại học có phải là con đường duy nhất để các em có thể lập thân, lập nghiệp và khẳng định bản thân hay không? Và có phải chỉ có con đường đại học mới có tương lai?

Có thể nói rằng nước ta có truyền thống “tôn sư trọng đạo”, coi trọng người thực học thực tài. Bằng cấp chính là minh chứng để khẳng định điều đó, thế nên những người có học vị cao thường có nhiều cơ hội việc làm hơn, dễ dàng thành công hơn trong cuộc sống. Vì vậy, đậu đại học là mong muốn cháy bỏng của hầu hết các em học sinh, phụ huynh. Vào đại học để có cuộc sống tốt hơn vẫn là ước muốn cao đẹp và đáng trân trọng của thế hệ trẻ. Thế nhưng để vào đại học đã trở thành một áp lực mà các em dám đánh đổi cả tính mạng của mình. Trên thực tế các em học đại học không chỉ xuất phát từ sở thích, khả năng của mình mà vì sự kỳ vọng quá lớn ở các bậc phụ huynh. Đại học con đường mà em đã chọn không xuất phát từ mơ ước, mục đích của bản thân thì liệu rằng có các em có thể đứng vững và đi đến cùng con đường và mơ ước mà mình theo đuổi hay không?

Chúng ta thống nhất với nhau rằng trong nền kinh tế phát triển và thị trường lao động đa dạng và phong phú như hiện nay, nhất là khi nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có một nguồn nhân lực có chất lượng và tay nghề. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước cũng đã đưa ra những chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích học tập cho các em. Luôn xem giáo dục là nền tảng của đất nước. Ưu tiên cho các có đủ năng lực và khả năng để có thể đảm nhiệm các chức vị, vị trí cao trong xã hội.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ đều quyết tâm xây dựng một nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong quá trình phát triển đó, nguồn nhân lực đại học chiếm một vị trí hết sức quan trọng. Khi đất nước có nguồn lực mạnh, trình độ học vấn cao sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển. Ta có thể khẳng định rằng nguồn nhân lực đại góp phần tạo nên thành công của của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Nhưng nó không phải là duy nhất, bởi vì trong một cơ cấu lao động dù cho thị trường có phát triển thì có sự đồng bộ của đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp,… Vì thế một xã hội như thế chúng ta cần tất cả những nhân lực có trình độ khác nhau, không phải ai cũng thành công ở đại học và cũng không phải ai thất bại ở trình độ sơ cấp hết.

Mỗi năm có hàng triệu thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học và còn số đậu đại học chỉ chiếm 1/5. Vậy số còn lại, họ đi đâu? Họ sẽ ra sao? Họ đã chuẩn bị hành trang những gì để bước vào cánh cửa của cuộc đời. Đó là một bài toán khó của gia đình và xã hội khi định hướng cho con em mình trước những cơ hội.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều người học tập và tốt nghiệp loại ưu nhưng vẫn loay hoay không tìm được việc. Vậy nguyên nhân do đâu? Và rồi liệu rằng đại học có dẫn tới thành công hay không?

Có nhiều người, họ không có bằng đại học họ vẫn rất thành công. Tuy nhiên với những tố chất mà ta có cộng với kiến thức của đại học thì con người sẽ hoàn thiện hơn. Tấm bằng đại học giống như “hộ chiếu” giúp chúng ta có thể đi nhiều nơi một cách dễ dàng và thuận tiện hơn. Vì vậy dù muộn hay không thì bạn cố gắng dành lấy cho mình một tấm bằng đại học. Nhưng đó không phải là tất cả.

Cuộc đời ngày càng dài, cơ hội ngày càng nhiều. Vì vậy, chỉ cần chúng ta có ước mơ, có ý chí thì chắc chắn chúng ta có thể làm được nhiều hơn những điều mà chúng ta muốn.

Không ai có thể phủ nhận rằng: việc chúng ta sở hữu một tấm bằng đại học sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn trong công việc. Tuy nhiên, thi đỗ vào đại học không phải là con đường duy nhất. Nếu không có đủ năng lực chúng ta vẫn có thể học trung cấp, cao đẳng, hay các trường nghề. Đây chính là nơi đào tạo ngành nghề cho đất nước. Vì vậy, không đậu đại học có nghĩa là cánh cửa cuộc đời bạn sẽ khép lại. Các bạn hay tự tin, chỉ cần có sự nỗ lực, cố gắng hết mức chắc chắn chúng ta sẽ thành công.

Thất nghiệp sau đại học đang diễn ra ngày càng báo động vì thế, mà việc đăng kí dự tuyển và tham gia kỳ thi tuyển sinh đại học càng ngày càng giảm. Vì thế, mỗi chúng ta cần phải có suy nghĩ thật nghiêm túc và đúng đắn. Hiện nay, các bạn trẻ dần dần suy nghĩ ngày càng chín chắn hơn, họ không còn mơ mộng về một cánh cửa đại học như xưa, mà giờ đây họ sống và học tập một cách thực tế hơn, biết đắn đo, lựa chọn một cách sáng suốt hơn. Vì thế nhiều trường đào tạo nghề ngày càng thu hút được nhiều thí sinh hơn. Bên cạnh đó, các trường cũng phải đầu tư trang thiết bị dạy và học ngày càng cao, tìm hiểu đầu ra và nhu cầu của học sinh.

Trong khi nhiều cử nhân, thạc sĩ ra trường khó tìm được việc làm thì việc học nghề là hướng đi lựa chọn của nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3. Vì thế không phải chỉ cần có bằng đại học thì chúng ta mới có được việc làm ổn định, tương lai tươi sáng được mà điều quan trọng là chúng ta cần phải có sự quyết tâm, đam mê và nỗ lực hết mình.

4. Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai mẫu 3

Ngồi trên giảng đường đại học là mơ ước của rất nhiều học sinh. Chúng ta có thể cảm nhận được niềm vui sướng, hạnh phúc của bản thân và gia đình như thế nào khi mình đỗ đại học. Cha mẹ sẽ rất tự hào, một chân trời mới đang đón chờ chúng ta phía trước. Đỗ đại học, chúng ta sẽ được nâng cao kiến thức và tạo dựng cho mình một nền tảng công việc sau này.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể đạt được ước mơ đó. Một câu hỏi được đặt ra rằng tương lai nào cho các thí sinh không đỗ vào đại học? Những thí sinh thi trượt đại học đã phải chịu những sức ép không nhỏ từ phía gia đình, xã hội và từ chính bản thân mình. Tất cả các bậc phụ huynh đều mong ước con họ đỗ vào đại học, trong số đó, không ít người xem việc vào đại học là con đường duy nhất để tiến thân. Quan niệm ấy vô hình chung đã gây áp lực tâm lí rất lớn và mỗi kì thi đại học thực sự là một cuộc chiến mang ý nghĩa sống còn với thí sinh. Nhiều năm trước, có những học sinh thi trượt đại học không chịu nổi áp lực từ nhiều phía đã có những suy nghĩ dại dột dẫn đến quyên sinh.

Việc thi đỗ hay không đỗ vào đại học là điều hết sức bình thường như bao nhiêu điều khác trong cuộc sống. Thực ra, nếu bình tĩnh ngẫm lại, ta thấy vấn đề học hay không học đại học không đến mức nghiêm trọng như vậy. Vẫn biết, chương trình đào tạo đại học sẽ trang bị cho học sinh thế giới quan, phương pháp luận khoa học, giúp họ vững bước trên đường đời. Tuy nhiên, đại học không phải là con đường duy nhất đến với thành công.

Nếu không vào được đại học, đi học nghề có sao đâu! Thực tế ở nước ta không thiếu những người thợ giỏi với danh hiệu “bàn tay vàng”, không thiếu những ông vua bếp đã và đang mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Những người ấy đâu có bắt buộc phải vào đời qua cổng trường đại học! Một thực tế cho thấy rằng không ít sinh viên ra trường mà chẳng sử dụng được chuyên môn, dẫn đến khó có thể xin được việc. Mới đây hãng Reuters có bài viết về thực trạng khó khăn của các công ti nước ngoài trong việc tuyển dụng những nhân viên có tay nghề cao ở Việt Nam. Reuters lấy chuyện tuyển chọn nhân viên của tập đoàn Intel cách đây một năm làm ví dụ. Khi đó Intel đã mời 2.000 sinh viên xuất sắc của năm trường đại học hàng đầu ở Việt Nam tham gia tuyển chọn và kết quả chỉ có số ít người trúng tuyển. Đấy là những ngành công nghệ cao được qua hệ thống kiểm tra hết sức khắt khe của các doanh nghiệp nước ngoài. Thực tế đào tạo đại học ở nước ta đang cho ra lò không ít sinh viên ở dạng “thầy không ra thầy, thợ không ra thợ”.

Bao nhiêu năm thống trị bởi tư duy bắt buộc phải vào Đại học, nước ta đang thừa những kĩ sư, cử nhân yếu kém và thiếu đội ngũ công nhân có tay nghề cao. Trong bối cảnh kinh tế phát triển, mức độ hội nhập với thế giới ngày càng sâu rộng, đội ngũ công nhân kĩ thuật cao ngày càng đóng vai trò hết sức quan trọng. Tình trạng thừa thầy, thiếu thợ trong tất cả các ngành nghề đang là một thực tế phổ biến ở Việt Nam.

Đừng nản lòng khi bạn không thi đỗ đại học, hãy xem đó là thử thách ban đầu, không có ai thành công mà không trải qua thất bại. Thay vì bi quan chán nản, bạn hãy cố gắng nỗ lực phấn đấu, rút ra bài học kinh nghiệm để sửa chữa và vươn lên. Cánh cửa đại học vẫn luôn mở rộng đón bạn.

Bạn cũng nên nhớ rằng, bạn có thể chọn cho mình những con đường khác, chỉ cần bạn có khả năng làm được việc thì dù bạn học ở đâu cũng không phải là điều quan trọng nhất. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh”, câu nói của người xưa vẫn còn nguyên giá trị. Trượt đại học không hẳn là kém cỏi. Điều quan trọng là chúng ta làm được cái gì và cống hiến cho xã hội như thế nào mà thôi!

5. Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai mẫu 4

Đại học – từ được nghe nhiều nhất từ mái trường cấp ba. Từ một lúc nào đó, đại học trở thành một thứ sống còn quyết định cuộc sống sau này với những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường. Có ý kiến cho rằng: “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai”. Câu nói này tuyệt đối sai lầm và đưa không ít học sinh đặt chân nhầm chỗ vào chỗ đứng tương lai của bản thân.

Vì sao mà câu nói: “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” lại có tầm ảnh hưởng đến tư duy của mọi người như thế. Đại học đã xuất hiện cách đây gần 9 thế kỷ. Bắt đầu là Văn miếu Quốc tử giám đã đào tạo ra muôn bậc hiền tài như Nguyễn Trãi, Nguyễn Hiền… Đến thế kỷ XX, nhà nước bắt đầu quan tâm đến việc xây dựng và phát triển bậc Đại học. Các trường đại học đào tạo ra những kĩ sư, bác sĩ, giáo viên,… để chung tay phát triển đất nước. Nhờ đó mà chúng ta mới có đất nước như hôm nay. Hẳn vậy, nên các bậc cha mẹ càng muốn con mình thành danh, có một nghề nghiệp ổn định và đóng góp cho xã hội bằng con đường đại học. Nhưng đôi khi, vào đại học chỉ là cách làm mát mặt cho các vị phụ huynh rằng con mình thành tài.

Từ khi còn bé, mỗi đứa trẻ đều có một ước mơ. Nếu không may em ước mơ trở thành chủ tiệm bánh, chủ quán bún hay người mẫu chẳng hạn thì sẽ bị người lớn dẹp ý định đó lại ngay. Em phải ước mơ trở thành bác sĩ, kỹ sư, giáo viên,… Ngay từ bé các em đã được định hướng mình phải vào đại học. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường nhất là những năm cấp ba, không ngày nào mà thầy cô không nhắc học sinh nghe về hai từ “Đại học” vì đại học là con đường an toàn để có được con đường ổn định. Không thầy cô nào không muốn học trò mình có một cuộc sống bấp bênh không bằng cấp. Học sinh cũng muốn vào đại học cho bằng bạn bằng bè. Học sinh muốn vào đại học vì bố mẹ. Học sinh sợ bỏ học sẽ bị bạn bè hàng xóm chê cười. Không ai phủ nhận vai trò của đại học nhưng nếu cho rằng: “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” thì thật phiến diện. Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công của mỗi người. Không vào đại học cũng không phải tương lai mù mịt. Mù mịt chính là vào Đại học mà chọn sai ngành mình thích, nghề mình không có khả năng và ra trường không có khả năng xin việc. Tương lại được quyết định ở nhiều yếu tố chứ không dừng lại ở đại học.

Đất nước ngày càng phát triển, xã hội ngày càng tân tiến mong rằng tư duy của mọi người không còn ở lối mòn “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai”. Michael Dell là nhà sáng lập ra tập đoàn Dell. Ông đã bỏ học năm 19 tuổi và bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn nhỏ nhoi. Năm 2008, ông được tạp chí Forbes xếp thứ 11 trên 400 người giàu nhất thế giới. Henry Ford chưa bao giờ tốt nghiệp trung học nhưng ông đã sáng lập ra một trong những tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất thế giới đó chính là Ford Motor. Hay Andrew Jackson – Tổng thống thứ 6 của nước Mỹ. Ông đồng thời là một nhà điều hành quân sự, một thống lĩnh quân đội, một luật sư, một nghị sĩ mà chưa từng trải qua một trường lớp đào tạo nào. Ở Việt Nam, nhà văn Gào nổi tiếng đã từng trượt đại học thê thảm nhưng cô đã rất thành công khi đang còn trẻ. Vậy cớ sao chúng ta chỉ bám trụ vào hai chữ đại học mà thôi.

Chúng ta thành công hay không là do sự học hỏi, sự rút kinh nghiệm và tư duy bắt kịp thời đại. Sự học hỏi được vạch ra sẵn đó chính là đại học. Nhưng chúng ta có thể đi bất kì con đường nào khác để đạt được mục đích học tập. Dù cho ý kiến “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” là sai lầm nhưng chúng ta không được dựa dẫm nó mà lười biếng khi ngồi trên ghế nhà trường. Nhà trường không chỉ dạy cho chúng ta để vào đại học mà còn muôn vàn thứ khác. Chúng ta chứng minh nó sai lầm để những bạn đã trượt đại học không hề lùi bước mà tìm tiếp cho mình lí tưởng khác mà bắt đầu cuộc sống mới. Thành công không bao giờ giành cho những người lười biếng.

Chốt lại, ai cũng có một lí tưởng, có thể vào đại học hoặc không, đừng bao giờ lấy kết quả đại học để so đo, đong đếm, dự trù tương lai của người khác. Ý kiến: “Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai” có phần phiến diện, nhưng nếu mình cảm thấy điều đó sai thì hãy chứng minh cho mọi người rằng ý kiến của mình đã đúng. Tương lai thành công hay không là do nhận thức của chính bạn.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về quan điểm Chỉ có vào đại học thì cuộc đời mới có tương lai giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Ngoài ra bạn đọc có thể tham khảo thêm kiến thức các môn Toán 12, Tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12, Ôn thi khối C để có thêm tài liệu học tập nhé

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO/PROPLUS tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 12

    Xem thêm