Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà

VnDoc.com xin gửi tới bạn đọc bài viết Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà để bạn đọc cùng tham khảo và có thêm tài liệu học tập. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây.

Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà vừa được VnDoc.com sưu tập và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo. Bài viết được tổng hợp dàn ý và bài văn mẫu nghị luận. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết.

1. Dàn ý nghị luận Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường...

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát vấn đề nghị luận: "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính".

2. Thân bài

a. Giải thích câu nói

- "Người khách qua đường": những người đến rồi sẽ đi, họ không ở lại lâu và không có quan hệ thân thiết, sâu đậm.

- "Người bạn thân ở chung nhà": người có quan hệ gần gũi, thân thiết, không thể rời xa, nếu rời xa sẽ cảm thấy nhớ nhung.

- "Ông chủ nhà khó tính": người có thể sai khiến, hành hạ ta làm theo những việc mà họ muốn.

-> Với cách nói hình ảnh cùng cấp độ tăng tiến, câu nói đã cho chúng ta thấy quá trình hình thành và phát triển của một thói quen xấu. Đồng thời, câu nói cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học có giá trị.

b. Phân tích, chứng minh, bình luận về câu nói

- Những thói hư, tật xấu luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người rất đỗi nhẹ nhàng, tự nhiên và nhiều lúc chúng ta chẳng thể ngờ đến được.

- Những thói hư tật xấu nếu lâu ngày chúng ta không thể tự bỏ thì sẽ trở thành thứ chi phối đời sống của con người.

- Những thói hư tật xấu có sức ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống của mỗi người và để lại nhiều hậu quả về sau nếu bản thân mỗi người không có chính kiến.

c. Mở rộng vấn đề và bài học cho bản thân

- Câu nói cho chúng ta thấy những thói hư, tật xấu luôn có quá trình ảnh hưởng to lớn và nhanh chóng đối với tất cả chúng ta

- Phê phán những người trước những thói hư, tật xấu không biết tự rèn luyện, phấn đấu để rồi ngày càng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.

- Học hỏi, noi gương những người khi biết mình đã sai đã không ngừng cố gắng, rèn luyện để tránh xa nó và sống ngày càng tốt hơn

- Bài học cho bản thân:

+ Mỗi người, đặc biệt là chúng ta - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện để tránh xa những thói hư, tật xấu cho dù là nhỏ nhất.

+ Nếu đã trót mắc phải những thói xấu thì cần cố gắng, nỗ lực hết mình để tránh xa nó và rèn luyện bản thân mình trở nên tốt hơn.

3. Kết bài

Khái quát về vấn đề nghị luận và nêu suy nghĩ của bản thân về tính đúng đắn của câu nói cũng như bài học được rút ra.

2. Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà mẫu 1

Thói xấu hay còn gọi là thói quen xấu. Lúc ban đầu, thói xấu là do những sai sót nhưng không được sửa chữa kịp thời mà thành. Đến khi nó trở nên tai hại thì không thể từ bỏ nó được nữa. Bởi thế, có ý kiến cho rằng: “Những thói xấu ban đầu chỉ là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng biến thành ông chủ nhà khó tính”.

Thói xấu (hay còn gọi là thói hư tật xấu) là những thói quen không tốt, thiếu lành mạnh, có tác động tiêu cực đến hành vi, suy nghĩ và nhân cách con người. Khách qua đường là người xa lạ, chỉ gặp một lần trên đường đi, giữa khách qua đường và bản thân ta không có một mối quan hệ ràng buộc nào.

Người bạn thân là người bạn gắn bó thân thiết, có mối quan hệ bền chặt, khó tách rời. người bạn thân có thể sẽ cùng ta đi hết cuộc đời này. Ông chủ nhà là người có quyền làm chủ, chi phối và điều khiển cuộc sống của chúng ta. Ông chủ là người có quyền ra lệnh và quyết định số phận của ta.

Thói hư tật xấu ai ai cũng có. Nhưng có người đã mạnh mẽ từ bỏ nó mà trở thành người tốt đẹp. Cũng có rất nhiều người không dũng cảm đấu tranh chống lại sự cám dỗ của nó, để nó chiếm lĩnh bản thân, điều khiển hành vi và cuộc sống của mình. Từ một thói hư tật xấu có thể đẩy con người vào tệ nạn xã hội. Thói hư tật xấu là con đường dẫn đến tội lỗi.

Không phải ai sinh ra đã là người mạnh mẽ. Từ những tính cách đơn giản ban đầu, do rèn luyện mà nhiều người đã hình thành ở mình nghị lực lớn lao. Họ sẵn sàng vượt lên những cái tầm thường trong đời sống con người. Từ đó mà trở nên cao thượng đẹp đẽ. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều người thường xuyên ỷ lại, dựa dẫm vào người khác, sống cuộc đời hèn kém. Đó là mảnh đất màu mỡ cho những thói hư tật xấu phát triển.

Lúc ban đầu, đó chỉ là những thói quen nhỏ, không gây ảnh hưởng hay hậu quả gì lớn và rất khó nhìn thấy tác động tiêu cực của nó. Lúc ấy, nó giống như một người khách qua đường, chỉ tình cờ gặp gỡ một lần duy nhất trên đường đi. Nếu ta kịp thời nhận thức và tránh xa nó thì nó sẽ không có cơ hội tiếp cận ta lần nữa.

Game online là một ứng dụng có sức thu hút lớn. Nhất là đối với lứa tuổi học sinh. Chơi game nhiều không những hao tổn tiền bạc mà còn làm hao mòn sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến học tập. Ví như một học sinh do thấy bạn bè chơi game, hoặc bị bạn bè rủ rê chơi game. Nếu biết sớm nhận ra những tác hại của nó và từ bỏ ngay từ lúc đầu, khi sức cuốn hút của game chưa tạo nên hứng thú thì học sinh ấy sẽ rất dễ dàng quên nó đi, lấy lại tinh thần say mê học tập.

Thói xấu vốn rất phổ biến trong cuộc sống. Nó cứ lặp đi, lặp lại và luôn phô bày trước mắt ta. Nếu ta không đủ dũng cảm, niềm tin và trí tuệ để chống lại nó, hoặc tiêu diệt nó mà xem thường nó hoặc dễ dàng chấp nhận nó trong cuộc sống thì nó sẽ từ từ len lỏi, xâm nhập vào bản thân, khiến cho ta không còn nhìn thấy nó xấu nữa. Lúc này, nó trở thành người bạn ở chung nhà, thân thiện, gần gũi và có quan hệ gắn kết với ta.

Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hút thuốc lá là một thói xấu, một hành vi không tốt đẹp. Nhưng xung quanh ta có quá nhiều người đang hút thuốc là. Thậm chí có cả người thân của mình. Không ai nói về cái tác động xấu của nó mà chấp nhận nó như một hành vi bình thường, không có gì là xấu. Họ ngang nhiên hút thuốc mọi lúc, mọi nơi, thậm chí là cả ở nơi công cộng.

Dù hút thuốc lá đã bị cấm ở một vài nơi nhưng không ai nhắc nhở những người vi phạm. Thế nên nó mặc nhiên trở thành điều đúng. Người hút thuốc lá thì do cơn nghiện khó bỏ. Người hít khói thụ động cũng dễ chấp nhận nó, xem điều đó là bình thường. Thật nguy hiểm biết bao khi một điều bất thường lại trở thành bình thường.

Cuối cùng, thói quen xấu một khi đã xâm nhập sâu vào cơ thể trở thành một thói quen khó bỏ. Khi nó trở thành hành vi ứng xử thì lúc này nó đã trở thành ông chủ, hoàn toàn làm chủ, điều khiển và quyết định nhận thức, lối sống của chúng ta. Nó sẽ ra lệnh và bắt buộc chúng ta phải tuân thủ. Nó làm con người mất kiểm soát bản thân và hoàn toàn phụ thuộc vào nó, mặc cho nó tung hoành. Càng chống lại nó con người càng đau khổ hơn.

Chẳng hạn, một người đã bước chân vào con đường ma túy. Lúc ban đầu chỉ là sự tò mò, thử cho biết mà không lường hết được tai hại của nó. Lúc bị nghiện cũng không đủ dũng cảm để từ bỏ nó. Cuối cùng bị nghiện nặng và hoàn toàn bị cơn nghiện chi phối. Một ngày không có thuốc, nạn nhân sẽ rất khó chịu, đầu óc bần thần, cơ thể mệt mỏi, đau đớn. Cảm giác thèm thuốc gần như chiếm lĩnh toàn bộ tinh thần của họ, và để có thuốc họ sẽ bất chấp tất cả, kể cả việc nguy hiểm. Bởi thế, những người nghiên ma túy thường trở thành đối tượng lợi dụng của những kẻ xấu.

Ý kiến trên hoàn toàn đúng đắn. Đó là một bài học quý báu cho những ai có tính hiếu kỳ hoặc yếu đuối trong đời sống không muốn vươn lên sống tốt đẹp, mạnh mẽ. Bởi con người sinh ra vốn có quyền làm chủ bản thân, làm chủ cuộc sống của mình. Đừng vì một thói quen xấu mà đánh mất đi chính mình, trở thành kẻ tệ hại trong xã hội. Muốn sống thành công và hạnh phúc, mỗi chúng ta phải mạnh mẽ, dũng cảm và sáng suốt nhận diện và kiên quyết đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực, xây dựng một lối sống lành mạnh và tiến bộ.

Nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Trên bước đường thành công không có dấu chân của những kẻ lười biếng”. Siêng năng chính là nhân tố giúp ta mạnh mẽ hơn trong cuộc sống. Hãy luôn biết sống vì bản thân và vì người khác, tìm thấy động lực sống mạnh mẽ trong cuộc sống này. Đừng bao giờ biến mình thành nô lệ cho những thói hư tật xấu, bị kẻ khác lợi dụng, đẩy ta vào con đường tội lỗi. Cuộc sống chỉ sống có một lần, thì hãy sống làm sao cho xứng đáng.

Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà

3. Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà mẫu 2

Mỗi người chúng ta sinh ra không có ai hoàn hảo cả, mỗi người có những thế mạnh, những mặt tốt và cả những thói quen xấu. Và những thói hư, tật xấu luôn có ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của mỗi người. Bàn về những thói quen xấu của con người có ý kiến cho rằng "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính".

Câu nói "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính" đã gợi lên trong chúng ta nhiều suy nghĩ và bài học có ý nghĩa sâu sắc. Vậy ý kiến muốn nói với chúng ta điều gì? Như chúng ta đã biết, "người khách qua đường" là những người đến rồi sẽ đi, họ không ở lại lâu và không có quan hệ thân thiết, sâu đậm. Còn "người bạn thân ở chung nhà" là người có quan hệ gần gũi, thân thiết, không thể rời xa, nếu rời xa sẽ cảm thấy nhớ nhung và "ông chủ nhà khó tính" là người có thể sai khiến, hành hạ ta làm theo những việc mà họ muốn. Với cách nói hình ảnh cùng cấp độ tăng tiến, câu nói đã cho chúng ta thấy quá trình hình thành và phát triển của một thói quen xấu, từ một người khách qua đường đến người bạn thân và cuối cùng là ông chủ nhà khó tính. Đồng thời, ẩn sau việc thể hiện quá trình này, câu nói cũng gợi lên trong chúng ta nhiều bài học có giá trị và ý nghĩa sâu sắc về quá trình rèn luyện, tránh xa dần những thói hư, tật xấu.

Những thói hư, tật xấu luôn xuất hiện trong cuộc sống của mỗi người rất đỗi nhẹ nhàng, tự nhiên và nhiều lúc chúng ta chẳng thể ngờ đến được. Đó có thể là một lần nóng giận buột miệng chửi thề, một lần nói dối người khác, một lần đánh bài, thử vận may với trò chơi đen đỏ, một lần quay cóp trong giờ thi,... Tất cả những điều đó đều đến với ta rất lặng lẽ nhưng nếu bản thân chúng ta không biết rèn luyện và thay đổi thì dần dần nó sẽ trở thành thói quen không thể nào xóa đi được nữa. Chúng ta hoàn toàn không thể tách nó ra khỏi cuộc sống của mình, trong mỗi việc làm, hành động của ta luôn có sự hiện hữu của nó. Và rồi thời gian qua đi, nó sẽ biến chúng ta trở thành những người chuyên nói tục chửi bậy, một con sâu rượu, một người luôn đắm chìm trong thế giới đỏ đen,... Nhưng có lẽ không dừng lại ở đó, những thói hư tật xấu nếu lâu ngày chúng ta không thể tự bỏ thì sẽ trở thành thứ chi phối đời sống của con người, con người phải sống dựa trên những ham muốn của những thói hư tật xấu ấy. Con người buộc phải bất chấp tất cả mọi thứ, thậm chí cả những hành động gian ác, tàn bạo nhằm thỏa mãn những thói xấu ấy của mình. Chỉ vì cơn thèm rượu, thèm thuốc, chỉ vì thua lô đề mà con người ta sẵn sàng bán nhà, trộm cắp và thậm chí là giết người để có tiền thỏa mãn cơn thèm khát ấy của mình. Như vậy, những thói quen xấu dẫu lúc đầu đến rất lặng lẽ, tự nhiên và nhẹ nhàng nhưng nếu chúng ta không có ý thức tự rèn luyện bản thân để loại bỏ dần chúng thì sẽ để lại rất nhiều hậu quả đáng buồn.

Có thể thấy những thói hư tật xấu có sức ảnh hưởng to lớn đối với cuộc sống của mỗi người và để lại nhiều hậu quả về sau nếu bản thân mỗi người không có chính kiến, không nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để vượt qua những thói xấu ấy. Những thói hư, tật xấu rất dễ lây lan trong cuộc sống, nó dễ dàng lấy đi của chúng ta tất cả mọi thứ từ của cải, vật chất đến những người thân và cả những giá trị của bản thân mình. Có nhiều người dẫu biết mình phạm phải sai lầm nhưng không dễ dàng gì để có thể vượt qua, thoát khỏi những cám dỗ của thói xấu. Có biết bao câu chuyện đáng buồn, đau thương đã xảy ra chỉ vì những thói xấu từ thuở ban đầu.

Như vậy, câu nói trên là hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc đối với mỗi người. Câu nói cho chúng ta thấy những thói hư, tật xấu luôn có quá trình ảnh hưởng to lớn và nhanh chóng đối với tất cả chúng ta. Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao người trước những thói hư, tật xấu không biết tự rèn luyện, phấn đấu để rồi ngày càng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng. Thật đáng buồn, đáng chê trách biết bao trước những người như thế. Tuy nhiên, cũng có những người khi biết mình đã sai đã không ngừng cố gắng, rèn luyện để tránh xa nó và sống ngày càng tốt hơn. Những con người như thế thật đáng để chúng ta học tập và noi theo. Đồng thời, câu nói ấy cũng giúp chúng ta rút ra nhiều bài học quý giá cho bản thân. Mỗi người, đặc biệt là chúng ta - những học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường cần không ngừng cố gắng học tập, rèn luyện để tránh xa những thói hư, tật xấu cho dù là nhỏ nhất. Thêm vào đó, nếu đã trót mắc phải những thói xấu thì cần cố gắng, nỗ lực hết mình để tránh xa nó và rèn luyện bản thân mình trở nên tốt hơn.

Tóm lại, câu nói "Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính" là một câu nói hoàn toàn đúng đắn và có ý nghĩa sâu sắc đối với mọi người.

4. Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà mẫu 3

Những thói hư, tật xấu có ảnh hưởng rất lớn đến tư cách đạo đức, cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội, nó có thể đẩy con người đến bờ sâu của vực thẳm, vùi ta vào bóng đêm của tâm hồn. Chẳng vậy mà có ý kiến cho rằng: "tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành một ông chủ nhà khó tính".

Tập quán là những thói quen thường ngày, diễn ra thường xuyên, tự nhiên và được mọi người công nhận, nó gắn bó thân thiết với con người và là một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội. Tuy nhiên, tập quán cũng có hai mặt, có những tập quán tốt và cũng có nhiều tập quán xấu. Tập quán tốt mang đến những lợi ích về vật chất và tinh thần, mang đến niềm vui, sức khỏe và hạnh phúc. Ngược lại, tập quán xấu đẩy ta vào cuộc sống tăm tối và mang đến nhiều thương đau. Những lời nói tục, chửi thề, cờ bạc,.... có một ma lực vô hình vô cùng lớn, nó đến và xâm nhập vào chúng ta lúc nào không ai ngờ. Ban đầu những thói hư, tật xấu, chỉ là những người khách qua đường, đến một lần rồi đi, rất tự nhiên, vô tình, không có mối quan hệ thân thiết và không để lại chút dấu ấn nào. Nhưng một lần, hai lần rồi ba lần, những thói xấu ấy cứ ghé thăm chúng ta, nó đến từ từ, nhẹ nhàng, không ồn ào nhưng nó lại có sức tấn công mãnh liệt, nó trói buộc chúng ta thành một người bạn thân chung nhà không thể nào xa rời. Bởi những thói xấu ấy có một sức hấp dẫn không thể cưỡng lại được đối với những cá nhân suy nghĩ bồng bột, nông cạn, tầm thường, thậm chí bệnh hoạn. Nó ngày càng lớn lên một cách mạnh mẽ trong tâm hồn ta, nó chế ngự, điều khiển ta, bắt ta phải làm theo và không thể nào chống cự và cuối cùng, nó trở thành "một ông chủ nhà khó tính." Càng chìm sâu vào nó là càng chìm sâu vào những dục vọng tối tăm trong tâm hồn mà khó có thể cưỡng lại. Tất cả những tiến trình của thói xấu, từ khách qua đường, bạn thân cho đến ông chủ nhà khó tính dường như đã trở thành một quy luật và hầu như không thể thay đổi.

Con người muốn trở thành người tốt và có ích cho xã hội cần phải rèn luyện cho mình một bản lĩnh vững vàng trước những thói hư, tật xấu. Thói hư, tật xấu đến với chúng ta rất lặng lẽ, nhẹ nhàng nhưng lại mang trong mình một mãnh lực ghê gớm. Chỉ một lần buộc miệng chửi thề, một lần quay cóp trong giờ kiểm tra, một ly rượu thách đố bạn bè, một ván bài vui chơi, chỉ một lần đơn giản thế thôi nhưng lại là sự khởi đầu cho biết bao lần tiếp theo, ai cũng nghĩ thật bình thường nên không để tâm đến tác hại sâu xa của nó. Một lần trót lọt, một lần thử sẽ mang đến cho chúng ta cảm giác sung sướng đầy khoái trá, một cảm giác nhung nhớ đến thèm thuồng khi cần giải quyết vấn đề tương tự. Để tránh điểm kém,để không bị bố mẹ la mắng, ta sẽ tiếp tục quay cóp. Để tỏ ra anh hùng, quân tử, ta sẽ chạm đến chén rượu lần thứ hai. Một, hai rồi nhiều lần, những thói quen ấy không còn là người khách qua đường mà đã trở thành thói quen thường ngày, một người bạn thân thiết, không thể nào dứt bỏ. Ngày đến đêm qua, những thói quen ấy vẫn tiếp tục diễn ra và điều gì sẽ xảy ra? Kết quả ta nhận được lâu nay đều là giả dối và những kỳ thi tốt nghiệp, đại học được tổ chức một cách nghiêm túc sẽ vạch trần tất cả và những chén rượu vui chơi kia sẽ biến ta thành một kẻ bê bết, một con sâu nghiện rượu, phá hoại xã hội. Ông chủ vô hình nhưng khắc nghiệt, tàn bạo, làm ta đau đớn và khổ sở. Nó chi phối toàn bộ tình cảm và hành động của ta và ta khó có thể thoát được nanh vuốt của nó. Một kẻ nghiện ngập sẽ luôn sống trong cảnh thèm thuồng , khát thuốc, mỗi khi lên cơn, con nghiện sẽ bị hành hạ, dày vò và sẽ bất chấp tất cả, sẽ dùng mọi thủ đoạn, dù là đê tiện, hèn hạ nhất để có tiền mua thuốc. Ban đầu, chỉ là bán đồ đạc trong nhà, sau là cướp giật, thậm chí là giết người và từ đó, con đường tội lỗi đầy tăm tối cũng bắt đầu.

Các thói xấu thường có sự hấp dẫn, lôi cuốn đến ghê người, nó mang đến cho ta sự khoái cảm, sung sướng, nó làm con người mụ mị, không còn tỉnh táo và chìm đắm trong ảo giác. Dần dần, các thói xấu trở thành những thói quen không thể nào cưỡng lại và chính nó sẽ là thủ phạm đẩy chúng ta vào vòng đen tối của cuộc đời, biến ta thành nô lệ cho những tập quán xấu, ta sẽ không thể nào dứt bỏ được nếu thiếu nghị lực và lòng kiên trì.

Con người chỉ được tôn trọng khi có đạo đức và hành động theo chân, thiện, mỹ. Nhưng để gây dựng được nó là một điều cực kỳ khó khăn, đôi khi còn phải trả giá bằng cả mạng sống của chính mình. Chỉ một phút sai lầm, một chút dao động, ta vô tình trở thành nô lệ cho những thói quen xấu, làm ảnh hưởng lớn đến tư cách đạo đức và đánh mất giá trị của bản thân. Thói hư tật xấu dễ dàng bị tiêm nhiễm và cũng dễ dàng lấy đi của ta tất cả, nó có một sức hủy hoại khủng khiếp làm con người ta khiếp sợ nhưng không thể thoát ra được. Ở trung quốc thời xưa, vua Trụ chỉ say mê sắc đẹp, xem thường các chư hầu nên mất nước, đẩy nhân dân vào cảnh khốn khổ lầm than. Lê Long Đỉnh chỉ vì thói trác táng, trụy lạc mà hủy hoại tiền đồ của Thập đạo tướng quân. Đã có bao nhiêu người chỉ vì những ham muốn vô bổ, những thói xấu thường ngày mà gây ra bao cảnh đau thương, nước mất nhà tan, nhân dân khốn cùng, lấy đi máu và nước mắt của bao người vô tội.

Ngày ta làm quen với những thói hư, tật xấu, ai cũng cho đó chỉ là những trò "tập làm người lớn" hoặc thích chơi nổi hơn trước mặt bạn bè, ngoài ra hoàn toàn không biết, thậm chí là không muốn biết đến những tác hại vô cùng to lớn của nó. Gia đình bạn sẽ ra sao? Bạn bè bạn sẽ nghĩ gì? Xã hội sẽ như thế nào? Và quan trọng hơn cả là chính bạn, chính bạn đã mặc cho mình tấm áo luôn luôn nhận được sự coi khinh của mọi người. Đáng thương thay! Và điều đó chính là một hồi chuông cảnh báo chúng ta không nên xem thường, ngược lại phải luôn cảnh giác với những tập quán xấu ấy. Không được dù chỉ là một giây phút nào để cho nó chế ngự bản thân chúng ta. Hiện nay có một số bộ phận thanh niên không chăm lo học hành mà chỉ biết ăn chơi, đua đòi, sa ngã vào những trò cờ bạc đỏ đen, đua xe, đánh nhau gây rối trật tự an ninh xã hội. Những thanh niên ấy dường như đã bị các thói xấu thống trị, đạo đức, nhân cách đã dần suy thoái. Để có thể chống đỡ với những tập quán sống đang tồn tại và trấn động hàng ngày, chúng ta cần phải có ý chí, nghị lực, đấu tranh bản thân, luôn cố gắng rèn luyện và nâng cao nhận thức cá nhân để kiên quyết dứt bỏ, quyết tâm không bao giờ tái phạm.

Cuộc sống ngày càng đi lên, xã hội ngày càng văn minh thì những thói hư, tật xấu, những cạm bẫy xuất hiện ngày càng nhiều và là mối lo ngại rất lớn đối với mỗi chúng ta. Câu nói: "Tập quán xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở thành một người bạn thân ở chung nhà và kết cục thành ông chủ nhà khó tính" là một bài học vô cùng quý giá và thiết thực cho cuộc sống. Đó là những lời khuyên, những lời thức tỉnh, những thói hư tật xấu và đừng bao giờ để nó tồn tại nơi ta.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới các bạn Nghị luận xã hội về ý kiến: Những thói xấu ban đầu là người khách qua đường, sau trở nên người bạn thân ở chung nhà và kết cục biến thành ông chủ nhà khó tính, mong rằng qua bài viết này các bạn có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn 12. Mời các bạn cùng tham khảo thêm các môn Toán 12, tiếng Anh 12, đề thi học kì 1 lớp 12, đề thi học kì 2 lớp 12...

Mời bạn đọc cùng tham gia nhóm Tài liệu học tập lớp 12 để có thêm tài liệu học tập nhé

Đánh giá bài viết
1 3.913
Sắp xếp theo

    Ngữ văn lớp 12

    Xem thêm