Những câu hát châm biếm - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm

Những câu hát châm biếm - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm được VnDoc sưu tầm và đăng tải nhằm giới thiệu Nội dung tác phẩm, Hoàn cảnh sáng tác nằm trong chương trình giảng dạy môn Ngữ văn lớp 7. Mời quý thầy cô cùng các bạn tham khảo tài liệu dưới đây

Lưu ý: Nếu bạn muốn Tải bài viết này về máy tính hoặc điện thoại, vui lòng kéo xuống cuối bài viết.

Để giao lưu và dễ dàng chia sẻ các tài liệu học tập hay lớp 7, mời các bạn tham gia nhóm facebook Tài liệu học tập lớp 7.

Nội dung Những câu hát châm biếm

1. Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh.

---

2. Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai

---

3. Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao.

---

4. Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê.

I. Đôi nét về thể loại

- Ca dao, dân ca là những khái niệm tương đương, chỉ các thể loại trữ tình dân gian, kết hợp lời và nhạc, dùng để diễn tả đời sống nội tâm của con người.

- Để phân biệt ca dao và dân ca, hiện nay, người ta đưa ra hai khái niệm như sau:

  • Dân ca là những sáng tác kết hợp lời và nhạc, tức là những câu hát dân gian trong diễn xướng
  • Ca dao là lời thơ của dân ca. Ca dao còn bao gồm cả những bài thơ dân gian mang phong cách nghệ thuật chung với lời thơ của dân ca. Khái niệm ca dao còn được dùng để chỉ một thể thơ dân gian – thể ca dao

II. Đôi nét về tác phẩm Những câu hát châm biếm

1. Giá trị nội dung Những câu hát châm biếm

Những câu hát châm biếm đã thể hiện khá tập trung nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Những câu hát châm biếm ấy đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán thói hư, tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội.

2. Giá trị nghệ thuật Những câu hát châm biếm

- Sử dụng thể thơ dân gian quen thuộc: thể thơ lục bát

- Sử dụng nhiều hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng

- Biện pháp nghệ thuật nói ngược, phóng đại được sử dụng nhuần nhuyễn

III. Dàn ý phân tích tác phẩm Những câu hát châm biếm

1. Mở bài

- Giới thiệu về ca dao, dân ca (khái niệm, đặc trưng về nội dung và nghệ thuật,…)

- Giới thiệu về “Những câu hát châm biếm” (khái quát giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật,…)

2. Thân bài

a. Bài 1

"Cái cò lặn lội bờ ao
Hỡi cô yếm đào lấy chú tôi chăng?
Chú tôi hay tửu hay tăm,
Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa.
Ngày thì ước những ngày mưa,
Đêm thì ước những đêm thừa trống canh"

- Hình ảnh người cháu: được ẩn dụ bởi hình ảnh "cái cò" - đang phải lặn lội, vất vả làm việc.

- Hình ảnh người được cầu hôn: "cô yếm đào" - hình ảnh ẩn dụ chỉ người con gái xinh đẹp, đang độ tuổi xuân thì, gia đình có điều kiện khá giả.

- Hình ảnh người chú được giới thiệu:

  • "hay tửu hay tăm" - chỉ người có thói nghiện rượu, thường hay nhậu nhẹt, say sưa chè chén suốt ngày
  • "hay nước chè đặc" - chỉ người thích ngồi buôn chuyện, lê la khắp chốn mà là nước chè đặc thì thời gian ngồi như vậy sẽ rất lâu - chỉ những kẻ ăn không ngồi rồi, không có công việc
  • "hay nằm ngủ trưa" - người nông dân lao động ngày xưa thường không có khái niệm ngủ trưa, họ chỉ ngồi nghỉ một lát rồi lại làm việc - kẻ ngủ trưa chỉ kẻ lười biếng
  • "ngày thì ước mưa", "đêm thì ước thừa trống canh" - muốn ban ngày trời mưa để không phải đi làm, muốn ban đêm thừa trống canh (có thêm thời gian) để được ngủ nhiều hơn - người lười biếng lại tham lam, nhác nhớn.

→ Người chú hội tụ đủ mọi thói hư tật xấu của con người và không hề có một ưu điểm nào cả.

→ Đặc biệt từ "hay" được sử dụng như một tính từ "cái hay, cái tốt, cái đẹp" - ở đây từ "hay" được sử dụng biện pháp nói ngược - đi cùng các thói hư tật xấu của người chú để thể hiện sự giễu cợt của người kể.

⇒ Xuất hiện các cặp hình ảnh tương phản:

  • Người cháu (chăm chỉ, vất vả làm việc) - người chú (có đủ mọi tật xấu: lười biếng, tham lam, nghiện rượu, chè...)
  • Người đàn ông muốn cưới (xấu nết đủ điều) - người con gái được hỏi (xinh đẹp, trẻ trung)

⇒ Việc sắp đặt tình huống có những hình ảnh tương phản rõ nét như vậy nhằm làm nổi bật lên những thói hư tật xấu đáng chê trách của con người

⇒ Đồng thời thể hiện thái độ giễu cợt, mỉa mai của người đời với những thói xấu ấy.

⇒ Qua đó, khuyên nhủ mọi người nên sống lành mạnh, chăm chỉ lao động tránh xa những thói hư tật xấu.

b. Bài 2

"Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng,
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai"

→ Bài ca dao là lời phán của một thầy bói dành cho cô gái:

- Nội dung xem bói rất đa dạng, đều là những vấn đề hệ trọng của cuộc sống mà ai cũng quan tâm:

  • Giàu nghèo
  • Xuất thân
  • Vợ chồng
  • Con cái

→ Thế nhưng, những lời phán của thầy lại mang tính nói dựa, nước đôi "chẳng - thì"

→ Những đáp án của thầy phán khó mà không đúng được - bởi đó là tất cả những khả năng có thể xảy ra trong cuộc sống:

  • Không giàu thì nghèo - đây là 2 trạng thái kinh tế cơ bản của mọi người
  • 30 Tết thịt treo trong nhà - đây là một phong tục truyền thống của nước ta - dù giàu hay nghèo thì vào 30 Tết mọi người cũng cố mua một ít thịt để ăn
  • Có mẹ có cha - mọi người muốn được sinh ra đều phải có mẹ và có cha, đây là điều hiển nhiên
  • Sinh con chẳng gái thì trai - đây là 2 giới tính sinh học duy nhất có thể có

→ Như vậy, thầy phán rất hay, không thể sai được những cũng chẳng đúng được điều gì và không cung cấp được thông tin gì cho người đi xem bói cả.

→ Những điều thầy nói bất kì ai ngoài kia cũng có thể nói được

→ Bài ca dao đã nhại lại lời của ông thầy bói, dùng chiến thuật gậy ông đập lưng ông vô cùng thành công. Từ đó, bài ca dao thể hiện thái độ:

  • Chế giễu, mỉa mai những kẻ tự xưng là thầy bói - đó chỉ là một hình thức bịp bợm mà mọi người cần tránh.
  • Phê phán, lên án những kẻ lừa dối lòng tin của người khác để trục lợi cho mình
  • Cảnh tỉnh, mỉa mai những người thiếu hiểu biết, tin vào những lời lừa lọc của thầy bói.

c. Bài 3

"Con cò chết rũ trên cây,
Cò con mở lịch xem ngày làm ma.
Cà cuống uống rượu la đà,
Chim ri ríu rít bò ra lấy phần.
Chào mào thì đánh trống quân,
Chim chích cởi trần, vác mõ đi rao"

- Mỗi con vật trong bài ca dao tượng trưng cho một tầng lớp người trong xã hội xưa:

  • Con cò - tượng trưng thân phận người nông dân, lao động bình thường trong xã hội
  • Cà cuống - tượng trưng những kẻ có chức, có vị thế trong xã hội
  • Chim ri, chào mào - tượng trưng cho cai lệ, lính lệ - những tay sai của kẻ có chức, có quyền trong xã hội
  • Chim chích - tượng trưng cho anh mõ chuyên đi thông báo các thông tin trong làng

→ Thế giới các loài vật được dùng để truyền tải câu chuyện của thế giới con người - qua đó thể hiện thái độ của nhân dân một cách kín đáo. Các loài vật được nhân hóa, thể hiện các hành động giống như lớp người mà chúng tượng trưng:

  • Cò con - tìm ngày để làm đám tang cho người thân đã qua đời của mình → Thực hiện một tục lệ có từ xưa của nhân dân ta
  • Cà cuống - uống rượu la đà → Những kẻ có vai vế trong làng được mời đến đám ma ăn uống, chè chén say sưa
  • Chim ri - ríu rít bò ra lấy phần → Từ láy "ríu rít" thể hiện sự vui vẻ, phấn khởi của những kẻ đến đám ma vì được ăn uống thỏa thuê.
  • Chào mào - đánh trống quân → Đóng vai trò như một nhạc công tạo nên không khí rộn ràng, ồn ã, góp vui cho bữa tiệc
  • Chim chích - vác mõ đi rao → Là người đưa tin, thông báo cho mọi người đến cùng ăn uống, chè chén

→ Tất cả các thành phần đến dự đám ma của con cò đều khiến cảm giác như đây là một bữa tiệc vui mừng - khi không có ai tỏ ra đau xót, thương tiếc cho sự ra đi ấy cả

→ Mọi người đến với mục đích là ăn uống, chè chén, vui chơi nhộn nhịp chứ không phải là chia buồn với khổ chủ

⇒ Từ đó, bài ca dao đã lên án, phê phán, châm chọc một hủ tục của người dân ngày xưa (làm đám mà để "khao" cả làng ăn uống, nhậu nhẹt khi có người mất) - và cần phải xóa bỏ hủ tục này càng sớm càng tốt.

d. Bài 4

"Cậu cai nón dấu lông gà,
Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai.
Ba năm được một chuyến sai,
Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê"

- Cai lệ là một chức chỉ những tên tay sai của chính quyền Pháp thuộc ngày xưa → Chữ "cậu" ngày xưa dùng để gọi những vị thiếu gia, tú tài con nhà khá giả, có học hành, nay được đặt trước từ "cai" - một tên tay sai đã thể hiện thái độ mỉa mai, coi rẻ của người dân.

- Cậu cai ở đây cũng có những trang bị rất là oai phong, đường bệ để xứng với công việc của mình:

  • Nón dấu lông gà - chiếc mũ có dấu hiệu của người có vai vế, chức tước
  • Ngón tay đeo nhẫn - dấu hiệu của người có tiền của dư dả, đời sống giàu sang

- Thế nhưng một câu cai oai phong như thế lại:

  • "Ba năm được một chuyến sai" - gần như là thất nghiệp, không được trọng dụng, nhàn rỗi, không làm việc gì trong suốt 3 năm - nghệ thuật phóng đại, nói quá - làm bật lên sự bất tài, vô công rồi nghề của cậu cai.
  • "Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê" - sử dụng biện pháp nói quá để thể hiện sự thiếu thốn của cậu cai - đồng thời thể hiện thói thích khoe mẽ, ham hư vinh của cậu - khi mà cố vay mượn để chắp vá.

⇒ Bức chân dung biếm họa của cậu cai: lố lăng, kệch cỡm, thích phô trương, không có quyền lực nhưng luôn cố làm “ra dáng” để lừa bịp mọi người

⇒ Thể hiện thái độ phê phán hạng người không có gì (tài năng, của cải, quyền lực) nhưng thích thể hiện, khoe mẽ với thái độ kệch cỡm trong xã hội.

3. Kết bài

- Khái quát giá trị nội dung và nghệ thuật của “Những câu hát châm biếm”

  • Nội dung: phê phán thói hư tật xấu của những hạng người và sự việc đáng cười trong xã hội
  • Nghệ thuật: thể thơ lục bát, hình ảnh so sánh, ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược, phóng đại,…

IV. Những câu ca dao châm biếm

Chồng người đánh giặc sông Lô
Chồng em ngồi bếp rang ngô cháy quần
Chồng người cưỡi ngựa bắn cung
Chồng em ngồi bếp cầm chun bắn ruồi.

Đồn rằng quan tướng có danh,
Cưỡi ngựa một mình chẳng phải vịn ai.
Vua khen rằng: Quan tướng có tài,
Ban cho cái áo với hai đồng tiền.
Đánh giặc thì chạy trước tiên,
Xông ra trận tiền cởi khố giặc ra.
Giặc sợ, giặc chạy về nhà,
Trở về gọi mẹ mổ gà khao quân.

Làm trai cho đáng nên trai
Vót đũa cho dài ăn vụng cơm con.

Làm trai cho đáng sức trai,
Khom lưng chống gối, gánh hai hạt vừng.

Bà Bảy đã tám mươi tư
Ngồi trông cửa sổ gửi thư kén chồng.

Bói cho một quẻ trong nhà
Con heo bốn cẳng, con gà hai chân.

Chồng người đánh Bắc dẹp Đông
Chồng em gồi bếp giương cung bắn gà.

Cái bống cõng chồng đi chơi
Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng
Chị em ơi, cho tôi mượn cái gàu sòng
Để tôi tát nước múc chồng tôi lên.

Bà già đi chợ Cầu Đông
Xem một quẻ bói lấy chồng lợi chăng?
Thầy bói gieo quẻ nói rằng,
Lợi thì có lợi, nhưng răng chẳng còn.

Nhà cô có con chó đen
Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Một hôm uống rượu lâng lâng
Người quen nó cắn, nó vồ gãy tay.

Cây cao bóng mát không ngồi
Ra ngồi chỗ nắng trách trời không mây.

Số cô chẳng giàu thì nghèo
Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà
Số cô có mẹ có cha
Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông
Số cô có vợ có chồng
Sinh con đầu lòng chẳng gái thì trai.

Con cò chết tối hôm qua
Có hai hạt gạo với ba đồng tiền
Một đồng mua trống mua kèn
Một đồng mua mỡ đốt đèn thờ vong
Một đồng mua mớ rau răm
Ðem về thái nhỏ thờ vong con cò.

-----------------------------------------------------

Như vậy là chúng tôi đã giới thiệu cho các bạn bài Những câu hát châm biếm - Nội dung, Hoàn cảnh sáng tác, Dàn ý phân tích tác phẩm. Mời các bạn tham khảo thêm đề thi học kì 2 lớp 7 từ tất cả các trường THCS trên toàn quốc của tất cả các môn Toán, Văn, Anh, Lý, Hóa, Sinh.

Hy vọng rằng tài liệu lớp 7 này sẽ giúp ích trong việc ôn tập và rèn luyện thêm kiến thức ở nhà. Chúc các bạn học tốt và đạt kết quả cao trong kì thi sắp tới.

Tài liệu tham khảo:

Đánh giá bài viết
11 10.947
Sắp xếp theo

    Lý thuyết Ngữ văn 7 KNTT

    Xem thêm