Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phát biểu cảm nghĩ về ca dao dân ca Những câu hát châm biếm

Cảm nghĩ về ca dao dân ca Những câu hát châm biếm

Phát biểu cảm nghĩ về ca dao dân ca Những câu hát châm biếm được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo để hiểu rõ về ý nghĩa, giá trị nghệ thuật của những câu hát châm biếm trong dân gian để chuẩn bị tốt cho bài giảng của học kì mới sắp tới đây của mình.

Bài tham khảo 1: Ca dao - dân ca Những câu hát châm biếm

Trong kho tàng - dân ca Việt Nam, cùng với những bài ca về tình cảm gia đình, những bài ca tình yêu quê hương đất nước, con người, những tiếng hát than thân, mảng ca dao châm biếm chiếm một số lượng đáng kể. Những câu hát châm biếm đã thể hiện khá tập trung những nét đặc sắc của nghệ thuật trào lộng dân gian Việt Nam. Qua các hình thức ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược và phóng đại, v.v. những câu hát châm biếm đã phơi bày các sự việc mâu thuẫn, ngược đời, phê phán những thói hư, tật xấu, những hạng người và hiện tượng đáng cười, đáng chê trách trong cuộc sống. Nói khác đi, ca dao châm biếm là vũ khí tinh thần sắc bén của nhân dân ta.

Trong số hàng trăm, hàng ngàn câu ca dao châm biếm, bốn bài trong văn bản Những câu hát châm biếm và ba bài đọc thêm mà học sinh lớp 7 được học có lẽ là tiêu biểu nhất.

Trước hết, chúng ta thử điểm mặt xem đối tượng nhân dân ta châm biếm, chê trách là hạng người nào, là hiện tượng gì? Đó là "chú tôi" - một chàng trai làng - nào đó, là một ông thầy bói, là một "cậu cai" (trong bài học chính). Đó là một ông thầy cúng luôn tay gõ chập cheng, là "con mèo" - một loại quan chức, địa chủ trong làng. Đó còn là ông "quan tướng" (trong phần đọc thêm), về hiện tượng xã hội, ca dao châm biếm tập trung nói tới việc ma chay trong làng (bài 3, văn bản chính), hoặc cưới hỏi, lễ bái ở đình chùa...Tất cả những chân dung con người ấy điển hình cho loại người vô công rồi nghề, loại người chức sắc, quan lại từ nhỏ đến lớn, loại người chuyên nghề mê tín dị đoan,... Họ lười biếng, bê tha, gian dối, tàn ác, sách nhiễu nhân dân, gây ra biết bao hiện tượng tiêu cực trong xóm ngoài làng, gieo biết bao đau khổ cho nhân dân. Họ thật đáng cười, đáng chê trách và lên án.

Trước hết là cái anh chàng "chú tôi" mà tác giả bài ca muốn giới thiệu với "cô yếm đào" xinh đẹp, trẻ trung. "Chú" lười biếng và lắm thói hư, tật xấu. "Chú" nghiện rượu (hay tửu, hay tăm), nghiện chè (hay nước chè đặc), thường ngủ muộn, thích nằm dài mong nhiều "ngày mưa", ước đêm kéo dài (thừa trống canh) để không phải ra đồng cày ruộng. Tác giả bài ca đã sử dụng điệp từ ("hay" nhắc lại bốn lần, "ngày" hai lần, "ước" hai lần, "đêm" hai lần) gợi cảm giác kéo dài, quanh quẩn, rất bức bối, khó chịu. Đồng thời, lối chơi chữ, nói ngược (hay tửu, hay tăm, hay nước chè đặc,...) bên ngoài có vẻ như khen ông chú tài giỏi, nhưng thực ra là để giễu cợt, chê trách. Lời nhẹ nhàng, đùa vui hóm hỉnh nhưng ý nghĩa phê phán khá sâu cay.

Tiếp sau chân dung "chú tôi" là chân dung ông thầy bói và "cậu cai". Ở bài thứ hai, tác giả nhại lời thầy bói, ghi âm nguyên văn những lời phán của thầy trước một cô gái mê tín. Thầy đoán về những điều gì và phán thế nào? Toàn là những điều quan trọng mà cô "đệ tử" ước ao điều tốt lành, điều mới mẻ. Nhưng thầy phán toàn là những lời vô nghĩa, những điều vốn nó như thế, hiển nhiên chẳng cần bói toán, suy đoán gì cả. "Số cô chẳng giàu thì nghèo - Ngày ba mươi tết thịt treo trong nhà...", đấy là thầy đoán về "tài lộc" của cô gái. Còn về "gia cảnh", về "nhân duyên" thì... "cô có mẹ, mẹ là đàn bà, có cha, cha là đàn ông, cô sẽ có chồng, có chồng sẽ có con, con gái hoặc con trai"... Rõ ràng cái nhà ông thầy bói này chỉ ba hoa, mồm mép, nói những điều ai cũng biết. Tục ngữ ta có câu "thầy bói nói mò". Ông thầy bói này không chỉ "nói mò" mà nói lăng nhăng, vô vị, thật đáng cười. Đáng cười hơn nữa là giọng nói của thầy. Tác giả dân gian đã sử dụng nghệ thuật "nói nước đôi", nói phóng đại, càng nói càng vô vị, vô nghĩa. Rõ ràng, bài ca dao đã phê phán những kẻ hành nghề mê tín dị doan, lừa bịp lòng tin của người khác để kiếm tiền. Đồng thời, bài ca cũng giễu cợt, phê phán những người ít hiểu biết, thiếu niềm tin cuộc sống, tìm đến sự bói toán, lễ bái vu vơ, phản khoa học, nhiều khi thêm lo nghĩ không cần thiết "Bói ra ma, quét nhà ra rác". Cha ông ta từng nhắc nhở như thế. Phê phán ông thầy bói, bài ca dao đồng thời cảnh tỉnh chúng ta. Còn "cậu cai" - trong bài thứ tư - thì có gì đáng phê phán và cách phê phán thế nào? Chân dung "cậu cai" được vẽ bằng hai nét đối chọi nhau. Hằng ngày cậu ăn mặc khá sang trọng, nào "nón dấu lông gà", nào "ngón tay đeo nhẫn". Nhưng khi có công việc, cần sự sang trọng, cần uy quyền thì "Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê", nghĩa là cậu chẳng có của cải, tài năng đích thực gì. Đó là một thân phận rởm, uy quyền rởm mà thôi! Tác giả dân gian đã dùng nghệ thuật đối lập (bên ngoài oai vệ bên trong tầm thường) kết hợp với cường điệu (ba năm một chuyến sai, áo mượn, quần thuê) để hạ bệ "cậu cai", cũng có nghĩa là châm biếm, phê phán tầng lớp thống trị xưa. Chúng lố lăng, bắng nhắng, nhưng bản chất thì rất tầm thường, quyền hành thảm hại đến nực cười...

Cũng với chân dung con người cụ thể, ca dao châm biếm còn vẽ lại khá nhiều bức tranh xã hội đáng chê trách. Đó là cảnh một đám tang ở nông thôn trong bài ca dao thứ ba. Điều thú vị là tác giả sử dụng nghệ thuật ẩn dụ, tượng trưng. Các nhân vật trong đám tang đều là những con vật. Tang chủ là gia đình cò - một loại nhà nghèo, thân phận bé mọn. Có người thân chết, "cò con" lo "làm ma", vừa đau thương vừa bối rối. Vậy mà những bạn bè, người thân xa gần kéo đến thì ồn ào, nhốn nháo, không phải để chia buồn, giúp đỡ việc tang. Trái lại, "cà cuống" thì uống rượu. Chim ri thì "lấy phần". Chào mào "đánh trống". Chim chích "vác mõ đi rao", chắc là để báo tin cho cả làng biết, tiếp tục kéo đến... Mỗi con vật ẩn dụ một loại người trong làng xóm, đủ cả già trẻ, trai gái, bề trên, kẻ dưới,... Những từ đặc tả, từ láy, từ ghép "la đà", "ríu rít", "cởi trần",... chụp được những chân dung cử chỉ, hành động thật cụ thể, rất rõ nét. Cảnh tượng ấy hoàn toàn không hợp với việc tang. Một việc đáng buồn thương, nghiêm chính bỏng trở nên một màn hài kịch, thành cuộc đánh chén, chia chác om sòm. Thật chua chát, đáng cười và ... đáng khóc. Bài ca dao đã nghiêm khắc phê phán một hủ tục của làng quê ngày xưa...

Mỗi bài một giọng điệu, với những biện pháp nghệ thuật, bật ra những tiếng cười khác nhau, nhưng chùm ca dao châm biếm này đều giống nhau là: Nghiêm khắc phê phán những con người xấu xa, những hiện tượng xã hội tiêu cực. Đó là vũ khí tinh thần sắc bén mà nhân dân ta đã sử dụng để mong muốn xoá bỏ những cái xấu, cái ác, mong muốn xây dựng một xã hội, những con người lành mạnh, lương thiện. Tuy đây là lời người xưa, nói về ngày xưa, nhưng đọc, rồi hiểu và suy ngẫm, chúng ta vẫn thấm thía những bài học thiết thực cho ngày nay...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
29
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Soạn Văn 7 Sách mới

    Xem thêm