Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành
Văn mẫu lớp 11: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm gồm các bài văn mẫu hay được giới thiệu tới các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.
- Nhà thơ Hoàng Trung Thông có viết: “Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm” hãy bàn luận ý thơ trên đây
- Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu
1. Dàn ý phân tích vẻ đẹp của hình tượng li khách
1. Mở bài
- Sơ lược về Thâm Tâm và phong cách sáng tác.
- Giới thiệu tác phẩm với hình tượng li khách.
2. Thân bài
a. Hình tượng li khách với vẻ đẹp hào hùng, khí thế, mạnh mẽ:
- Buổi tiễn đưa không ở bến sông, hay ga tàu làm tăng khí thế của người đi.
- "Chí lớn chưa về bàn tay không/Thì không bao giờ nói trở lại/Ba năm mẹ già cũng đừng mong": Người bước ra từ con đường nhỏ của quê hương, mang một lòng quyết tâm, một chí khí hùng dũng, hăng hái tột bậc của thời trai trẻ, nhất định phải làm nên công danh. giọng điệu cương quyết mạnh mẽ như thấy hình tượng của một tráng sĩ, một đấng nam nhi thời cổ đại lên đường lập công danh.
- Anh muốn lãng quên tất cả, để cho khỏi nặng lòng chinh nhân, "Mẹ thà coi như chiếc lá bay/Chị thà coi như là hạt bụi/Em thà coi như hơi rượu say". Quyết tâm dứt áo ra đi một cách mạnh mẽ, hào hùng, li khách dằn lòng để quên đi những người đang mong ngóng.
b. Hình tượng li khách với nỗi buồn biệt li:
- "Sao có tiếng sóng ở trong lòng?", thể hiện một nỗi buồn mênh mang, ngây ngất trong lòng li khách khi gặp cảnh biệt ly.
- Bóng chiều sa dẫu có không gợi buồn lãng mạn bằng những nét thắm, nét vàng vọt thì nó vẫn để lại trong tấm lòng người thanh niên trẻ một cái gì đó rất man mác, gợi buồn.
- Ánh hoàng hôn khiến con người ta có phần dợn sóng, dồn tụ nỗi nhớ quê hương ở trong lòng li khách. Có thể nói nét cổ điển trong chi tiết "ánh hoàng hôn" đã làm cho hình tượng người li khách vừa thêm phần trang trọng, cũng có phần lãng mạn cổ xưa, đẹp nhưng không phải là nỗi buồn bi lụy.
- Nỗi buồn mênh mang kéo dài trong lòng li khách, buồn từ "chiều hôm trước", rồi "buồn sáng hôm nay" đã được cái vẻ cứng rắn, mạnh mẽ cùng cái khí thế hùng tráng, trầm hùng bao bọc nên cái nỗi buồn của người đi nó cũng vơi đi nhiều, nhưng chẳng thể nào che giấu hết.
- "Ly khách ven trời nghe muốn khóc/Tiếng đời xô động, tiếng hờn căm": Bóng hoàng hôn đã xa, quê hương gia đình cũng đã xa, chỉ còn lại mình li khách với cái bóng lặng lẽ âm thầm hứng từng cơn gió lạnh, nhuệ khí, lời thề ghê gớm, kiên quyết mấy cũng chẳng thể chống nổi cái buồn thương lúc này. Li khách chỉ muốn khóc lên giữa sự trống trải cô đơn và cái đích xa vời.
3. Kết bài
- Nêu cảm nhận
2. Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm
Biệt li là đề tài xuất hiện khá nhiều trong thơ ca nói chung và trong thơ Thâm Tâm nói riêng. Đọc thơ ông ta thường gặp những từ như "lưu biệt", "chia li", "li ca"... Trong cảnh biệt li, thường có người ra đi và người đưa tiễn. Bài Tống biệt hành của Thâm Tâm không phải là một ngoại lệ. Có điều, từ đầu chí cuối bài thơ, nhân vật "li khách" - người ra đi không trực tiếp xuất hiện, không bộc lộ điều gì; tác giả dùng phép "Tả chủ hình khách", dường như ông chỉ thể hiện những cảm xúc và suy nghĩ của người đưa tiễn. Nhưng qua đó, ta thấy hiện lên rất rõ hình ảnh cao cả của "li khách với vẻ đẹp đầy nhân tình, đầy tinh thần nhân bản, trong cuộc chia li bi phẫn.”
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt
Bốn câu mở đầu, Thâm Tâm đặc tả nỗi lòng xao xuyến, tái tê của người đưa tiễn (ta) bằng những hình ảnh đầy gợi cảm, với một nhịp điệu chậm rãi và trĩu nặng suy tư:
Đưa người ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Không gian và thời gian của cuộc tiễn đưa này thực ra rất mơ hồ: chẳng có dòng sông, mà cũng chẳng có bóng chiều tươi thắm, hay vội vàng. Nhà thơ nói đến những cái không có. Nhưng, sông nước, con đò, tiếng sóng, bóng chiều... là những hình ảnh đã xuất hiện không ít trong thơ Phương Đông và đã đi vào tiềm thức của bao người đọc. Bởi vậy, đoạn thơ nói cái không có, mà dường như lại khắc họa được cái có, tạo nên một trường liên tưởng thật gợi cảm: người ra đi và người đưa tiễn tựa hồ đã đến bến sông, dù không muốn rời nhau, nhưng họ đành phải chia tay vào lúc hoàng hồn sắp buông xuống... Ngoài ra, từ nhan đề của bài thơ đến giọng điệu và những hình ảnh của đoạn thơ trên phải chăng có tác dụng như một điển cố, khiến người đọc nhớ đến nhân vật Kinh Kha trong Sử kí của Tư Mã Thiên nói về cuộc tiễn biệt bên sông Dịch Thủy trước khi người tráng sĩ đi sang đất Tấn? Điều ấy còn góp phần quan trọng tạo không khí có bi hùng, làm nền cho những hình ảnh xưa, những chữ có xuất hiện một cách tự nhiên, một cách nhất quán ở những đoạn thơ tiếp theo.
Nói cho cùng, cảnh vật trên đã được "nhìn" qua tâm trạng bâng khuâng, xao xuyến của con người. Chính vì xao xuyến nên cho dù không đưa bạn qua sông, nhưng người đưa tiễn vẫn thấy "sóng ở trong lòng", vẫn thấy bóng hoàng hôn ngập tràn trong ánh mắt. Người đọc có lần đã bắt gặp hình ảnh "sóng tình", "sóng lòng" trong thơ của Nguyễn Du của Nam Trần... Tuy vậy đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Hoành Khung đã nhận xét: cách nói của Thâm Tâm ở đây kín đáo và dư ba hơn. Thêm nữa nhờ sự phối hợp bằng trắc (câu đầu gồm toàn thanh bằng, câu thứ hai có luôn ba thanh trắc rất gắt ("có tiếng sóng"), câu thứ tư trừ chữ "mắt" còn tất cả đều thanh bằng) nhờ cách điệp câu hỏi tu từ và cách điệp âm ("sao có" - "sao đầy"; "đưa người" - "đưa qua sông"; "trong mắt trong"), Thâm Tâm tạo ra được giọng điệu riêng, vừa thiết tha tràn đầy xúc cảm, vừa rắn rỏi hiên ngang. Giọng điệu này chính là chủ âm, chi phối toàn bộ bài thơ, góp phần tạo nên nét hấp dẫn độc đáo của Tống biệt hành.
Đoan thơ tiếp theo:
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình một dửng dưng...
- Li khách! Li khách! con đường nhỏ.
Chí nhớn chưa về bàn tay không?
Thì không bao giờ nói trở lại.
Ba năm mẹ già cũng đừng mong
Giúp người đọc hiểu rõ hơn cốt cách của người ra đi. Trong cuộc tiễn biệt này, người tiễn chỉ biết có người đi. Điều này nói rõ ý nghĩa thiêng liêng của cuộc ra đi và mối quan hệ gắn bó thân thiết giữa hai người. Người tiễn hiểu rất rõ không thể lay chuyển chí hướng sắt đá của "li khách". Bởi lẽ, "li khách" không phải là kẻ bình thường mà là người lãng mạn có dáng dấp trượng phu "dứt áo ra đi", quyết "một đi không trở về", tựa hồ như "chàng tuổi trẻ" "xếp bút nghiên", hùng dũng sẵn sàng ra chiến trường lấy da ngựa bọc thây trong Chinh phụ ngâm, hay những khách chinh phụ ra đi "không vương thê nhi" xuất hiện khá nhiều trong thơ ca lãng mạn đương thời, khi các thi sĩ có khuynh hướng trở về cội nguồn, trở về quá khứ. Anh quyết ra đi không vì khúc mắc với gia đình hay vì miếng cơm manh áo, mà bởi vì không chấp nhận cuộc sống tù túng, tầm thường; ra đi để thực hiện "chí nhớn". Do đó bất chấp mọi sự đau xót, đắng cay... Dựa trên câu chữ của bài thơ, có lẽ chưa hoàn toàn có đủ cơ sở để khẳng định người ra đi là "chiến sĩ cách mạng lên đường tranh đấu" (Mặc dù mỗi nhà văn lão thành đã khẳng định: Thâm Tâm làm bài thơ này để tiễn bạn lên chiến khu Việt Bắc năm 1941). Phải chăng người ra đi chỉ nên hiểu là một con người cao cả, mang "chí nhớn'' Có nghĩa là mang "tình thần siêu việt muôn thuở của con người" theo cách diễn đạt của Hoàng Ngọc Hiến? Cách hiểu này khiến cho hình ảnh của "li khách" có tính phổ quát toàn nhân loại, (mà cũng không làm giảm mất tính khuynh hướng cụ thể của thi phẩm).
Do thái độ quyết liệt, lạnh lùng của người ra đi với quyết tâm không trở về nếu "chí nhớn" chưa thành đã khiến cuộc tiễn đưa mang màu sắc vĩnh biệt, giống như cuộc tiễn đưa Kinh Kha vào đất Tấn vậy.
- Li khách! Li khách! Con đường nhỏ
Câu thơ vang lên như một tiếng kêu não ruột Người tiễn hiểu thấu trắc trở, gian truân của người ra đi ("con đường nhỏ"), và cũng không giấu nổi niềm cảm phục, xót thương. Nhưng cũng như "Li khách", người đưa tiễn xót thương mà vẫn bình thản, đàng hoàng. Thì ra, người đi và người tiễn đều chung một chí hướng... Có thể còn một chút "lên gân", một chút "yêng hùng", đến nay ít nhiều đã trở thành xưa cũ, nhưng cách đây hơn nửa thế kỷ, cốt cách nói trên của người "li khách" vẫn có sức hấp dẫn lớn lao, khích lệ bao thế hệ vượt qua những níu giữ thường tình, lên đường vì nghĩa lớn, để cuộc đời mình từ chỗ nhạt nhoà vô nghĩa có cơ hội cháy sáng huy hoàng. Và nếu đặt bài thơ này vào những năm đầu sôi sục của thập kỷ 40, người đọc không thể không ít nhiều nhận thấy tình cảm của Thâm Tâm trước hiện thực đầy biến động của đất nước. Tính chất thời sự này, tác giả còn nói rõ hơn với niềm lạc quan ở một số bài thơ khác như Tráng ca hay Vọng nhân hành (Sông Hồng chàng phái xưa sông Dịch - Ta ghét hoài câu "nhất khứ hề").
Sao có tiếng sóng ở trong lòng
Những câu còn lại của bài thơ vẫn là suy nghĩ, là xúc cảm của người đi tiễn sau khi chia biệt, khắc họa đậm nét một phương diện tính cách khác của người ra đi. Người tiễn biết rất rõ bên trong cái vẻ hùng dũng và khẩu khí ngang tàng "một giã gia đình một dửng dưng" kia, "li khách" còn có một nỗi buồn dai dẳng, triền miên.
Ta biết người buồn chiều hôm trước ... Ta biết người buồn sảng hôm nay.
Thì ra con tim của "li khách" thật mềm yếu, thật cô đơn! Ra đi, anh bỏ lại mẹ già, hai chị héo mòn và đứa em ngây thơ - những người đang cần đến anh như một chỗ dựa. Hai chị khóc đến cạn nước mắt "khuyên nốt em trai dòng lệ sót" nhưng vẫn không níu được bước chân em, dẫu trong lòng em cũng tràn ngập nỗi buồn đau:
Ta biết người buồn sáng hôm nay:
Giời chưa mùa thu. tươi lắm thay
Em nhỏ ngây thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay...
Trời tươi thắm, đứa em nhỏ e ấp trao cho anh vật kỷ niệm trước giờ li biệt, với bao niềm thương nỗi nhớ...
Như vậy, bằng cách phác họa gia cảnh éo le, bằng cách miêu tả tình cảm nhớ thương đến tội nghiệp của những người ở lại, Thâm Tâm muốn tô đậm tâm trạng quyến luyến xót xa đi đôi với chí khí sắt đá của người “li khách". Ở hai khổ thơ vừa phân tích có những câu tưởng như tả thời tiết thuần túy, thiếu gắn bó với mạch thơ đang nói về tâm trạng. Nhưng thực ra, đây là những câu thơ đột biến tạo thêm bình diện cho bài thơ và người đọc thích thú thấy những biến hóa nội tâm. Biến hóa mà không rối vì chi tiết đột biến ấy đã phát triển và đồng hóa vào bài "Mùa hạ sen nở nốt" đã dẫn đến "Một chị, hai chị cũng như sen" và vì nở nốt mới gợi tới "dòng lệ sót". Ở đoạn dưới cũng vậy "Giời chưa mùa thu" tạo ấn tượng ngây thơ "đôi mắt biếc" của đứa em
Như trên đã nói, cuộc tiễn đưa này thật là thiêng liêng, có màu sắc vĩnh biệt. Bởi thế, đền phút chót, khi "li khách" lên đường; người tiễn - tuy đã được chuẩn bị về mặt tâm lý, tuy vẫn đồng tình với người ra đi vẫn giật mình, bàng hoàng, không muốn tin vào sự thật đau lòng. Câu thơ giống như một lời độc thoại, một câu nói thầm thể hiện tài tình tâm trạng ấy:
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Cuối cùng là những câu man mác buồn, giọng thơ lắng xuống, lần lượt nói về những người thân ở lại:
Mẹ thà coi như chiếc lá bay.
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.
Đến đây, bài thơ rõ ràng đã thành một chỉnh thể, nếu thêm bất cứ một câu nào nữa chắc sẽ làm cho nó mất đi sự hàm súc Nhà văn Bùi Hiển có lí khi ông khẳng định ở những câu thơ nói trên, Thâm Tâm đã có dụng ý sử dụng liên tiếp ba hình ảnh động: chiếc lá bay, hạt bụi càng bay mạnh và hơi rượu tất nhiên luôn khuyếch tán. Những hình ảnh động này có lẽ không để diễn tả cuộc sống của những con người ở nhà với cuộc đời tĩnh lặng tù túng mà phải để chỉ người ra đi sắp dấn thân vào nơi sống gió với biết bao biến động, trắc trở? Từ đó có lẽ ta nên hiểu đây chính là lời của người đưa tiễn "nói hộ" "li khách": thôi thì, mẹ hãy coi con như chiếc lá bay; hai chị hãy coi em như hạt bụi lơ lửng giữa trời; em hãy coi anh như giọt rượu bốc thành hơi! Như vậy, phải chăng từ "thà" ở đây được sử dụng như những từ "thôi đành", "thôi thì" – vốn là những tổ hợp thường dùng để mở đầu một lời kết thúc biểu thị cái điều mà người trong cuộc đành phải chấp nhận, vì không còn cách nào khác. Tiếp theo từ "thà" mạnh mẽ là những hình ảnh mềm mại, nhẹ nhàng. Ngoài ra, bằng cách dùng từ "thà" và phép điệp từ, điệp cấu trúc câu, Thâm Tâm vừa gây được ấn tượng quyết liệt thể hiện nhất quán thái độ gạt tình riêng vì "chí nhớn" vừa tạo nên sự tương phản, để thể hiện tinh tế tâm trạng giằng xé của "người ra đi dẫu không ngoảng lại" (Nguyễn Đình Thi).
Ngoài ra, trong bài thơ này, bên cạnh những câu thơ êm ái, dịu dàng kết quả của nghệ thuật phối thanh, của cách gieo vần và của lối điệp:
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong
Em nhỏ ngày thơ đôi mắt biếc
Gói tròn thương tiếc chiếc khăn tay
Là những câu thơ rất gắt tựa như câu nói của người đang uất ức, đọc lên tỏ rằng có sự hụt hẫng (khác xa với phần nhiều những câu thơ uyển chuyển giàu chất âm nhạc và hội họa của phong trào Thơ mới):
Chí nhớn chưa về bàn tay không
Thì không bao già nói trở lại
Ba năm, mẹ già cũng đừng mong.
Phải chăng, bằng cách sử dụng luân phiên những câu thơ có giọng điệu đối lập nhau này. Tác giá có dụng ý "tạo nên những chu kỳ âm hưởng, đáp ứng tứ thơ", khác họa hai phương diện trong tính cách của "li khách" như đã nói ở trên?
Bằng Tống biệt hành, Thâm Tâm đã đem đến cho kho tàng thơ Việt Nam một tác phẩm độc đáo làm "sống lại cái không khí riêng của nhiều bài thơ Cổ", nhưng vẫn "đượm chút bâng khuâng khó hiểu của thời đại" (Hoài Thanh) với những hình ảnh, thi tứ, giọng điệu... thật mới mẻ, hấp dẫn. Bài thơ thể hiện một cách tài tình về đẹp của "li khách" - "của con người cao cà trong toàn bộ sự biểu hiện chân thật của nhân tình, đẩy tinh thần nhân đạo”
Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm. Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.
Bài tiếp theo: Qua đoạn trích “Tình yêu và thù hận”, chứng minh rằng: “Ca ngợi tình yêu chân chính của con người cũng chính là khẳng định con người"