Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu

Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu hãy bàn luận ý thơ dưới đây gồm nhiều dạng văn mẫu hay được VnDoc sưu tầm và giới thiệu tới các em học sinh tham khảo.

1. Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 1

Ngay từ khi có "tiếng súng Tây" trên đất nước ta, Nguyễn Đình Chiểu đã giương cao lá cờ yêu nước chống Pháp bằng những tác phẩm thơ ca của mình. Nam Bộ dần dần nằm trong tay giặc bởi triều đình nhà Nguyễn hèn nhát. Sống trong vòng kìm kẹp của chế độ thực dân, tấm lòng nhà thơ khắc khoải đau buồn nhưng vẫn ngóng trông và hy vọng vào ngày mai, vào một vận hội mới làm thay đổi sơn hà. Bài thơ Xúc cảnh là tiếng vọng của tấm lòng nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đối với đất nước:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông

Chúa xuân đâu hỡi có hay không?

Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn

Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi nay đà chia đất khác

Nắng mưa nay hả đội trời chung.

Chừng nào thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông.

Một trận mưa nhuần rửa núi sông

Bài thơ làm theo thể thất ngôn bát cú, một thể thơ Đường luật quen thuộc. Đề tài là Ngóng gió đông, trông ngóng gió của mùa xuân mát lành, nhưng thực ra là kí thác tâm trạng và nỗi khát vọng của nhà thơ đối với vận hội đất nước.

Sáu câu đầu (đề, thực, luận) miêu tả cảnh ngóng đợi gió đông của đất trời, cây cỏ mà thực ra là để nói lên tâm trạng khắc khoải, bộc lộ một nỗi buồn da diết về cảnh nước mất, nhà tan:

"Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông

Chúa xuân đâu hỡi có hay không?"

Hai chữ "ngùi ngùi" thế hiện rõ tâm trạng buồn bã của hoa cỏ đang ngóng đợi gió xuân. Tiếp theo sau là một câu hỏi, như một tiêng kêu đau đớn, xót xa, làm tăng thêm, tô đậm thêm tâm trạng buồn bã, ngóng đợi ở trên.

Hai câu đề viết theo kiểu ẩn dụ. Nói "hoa cỏ" nhưng là để nói quê hương, đất nước, sông núi, cũng là để nói nhân dân, đất nước. Còn "chúa xuân" thì hàm nghĩa triều đình, nhà vua, cũng có thể là những trang anh hùng cứu nước. "Chúa xuân" ở đâu, có nghe không tiếng gọi của non sông, cây cỏ đang "ngùi ngùi" ngóng đợi cơn gió mùa xuân mát lành? Có một cái gì vừa thiết tha, vừa buồn bã, đớn đau

"Mây giăng ải Bắc trông tin nhạn

Ngày xế non Nam bặt tiếng hồng"

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông

Vẫn theo cách nói ẩn dụ, những hỉnh ảnh "mây giăng ải Bắc", "Ngày xế non Nam" là để chỉ tình cảnh đất nước tiêu điều, mù mịt vì sự ngóng trông vô vọng tin tức của chúa xuân, của gió đông. Người xưa dùng chim nhạn và chim hồng để đưa tin. "Trông tin nhạn" mà chẳng thấy và "bặt tiếng hồng" cũng có nghĩa là bặt vô âm tín. Hai câu thơ (thực) thể hiện sự chán ngán, trách móc thái độ hờ hững, vô trách nhiệm của chúa xuân:

"Bờ cõi xưa đà chia đất khác

Nắng sương nay há đội trời chung"

Hai câu luận đưa ta trở về với hiện thực đau đớn của đất nước hồi đó. Lời thơ có giọng oán trách và căm giận.

"Bờ cõi xưa" vốn là giang sơn đất nước trọn vẹn của ta, sao giờ chia cho kẻ khác, chẳng lẽ có thể sống chung với quân giặc sao? "Há đội trời chung" thể hiện giọng điệu bất bình, thái độ dứt khoát, quyết liệt với kẻ thù.

Hai câu kết:

"Chừng nào thánh đế ăn soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông".

Nếu mở đầu bài thơ tác giả dùng ngôn ngữ ẩn dụ: “chúa xuân"\ "gió đông" thì đến đây ông thấy cần trực tiếp gọi tên đối tượng: đó là "Thánh đế". Bao giờ mới xuất hiện vị vua sáng suốt, vị hoàng đế anh minh hiểu thấu dân tình, ra tay cứu dân, cứu nước, rửa nhục cho non sông này. Lời ước vọng cũng là lời kêu gọi tha thiết xuất phát từ lòng thương dân sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu - hãy "soi thấu” tình cảnh của dân, hãy hiểu thấu lòng dân khát khao mong đợi. Bài thơ kết thúc bằng một viễn cảnh thật hả lòng hả dạ. Người xưa thường nói: "ơn vua như mưa móc", ở đây tác giả khao khát một trận mưa lớn tốt lành để có thể cuốn phăng đi tất cả bọn cướp nước và mọi rác rưởi đang làm nhơ bẩn nước non này.

Bài thơ có hai lớp nghĩa đan xen nhau, rõ ràng mà sâu kín. Bề nổi dễ thấy của bài thơ là cảnh một con người đang buồn bã, ngóng đợi "gió đông", ao ước một "trận mưa nhuần"... Nhưng ai đọc cũng thấy, cái bề nổi ấy cứ chìm đi, để cho phần chìm lại hiện lên ngày một rõ. Đó là sự khao khát, mong đợi một ngày mai tốt lành sẽ tới. Càng nghĩ càng thấy trân trọng biết bao tấm lòng của nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.

2. Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 2

Ta thường biết đến thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu bởi tính nhân văn về cuộc đấu tranh muôn thuở giữa thiện ác, lý tưởng cao đẹp, nhằm mong ước một cuộc sống tốt đẹp khi mà con người đối xử với nhau bằng những lễ nghĩa tốt đẹp, chân thành mà tiêu biểu nhất là bộ truyện Lục Vân Tiên mang hơi hướng "dân gian" với mô típ quen thuộc thường có trong chuyện cổ tích hay truyền thuyết. Nhưng không chỉ dừng lại ở đó, Nguyễn Đình Chiểu sống trong bối cảnh đất nước hoang tàn điêu linh vì bị thực dân Pháp xâm lược, triều đình thối nát, ông đã đau đớn vì nỗi lo mất nước, vì nỗi thống khổ của nhân dân mà cho ra đời những tác phẩm mang tính chiến đấu, và ông chính là một người lính chiến tài hoa. Xúc cảnh là một trong những tác phẩm thấm đượm nỗi lòng của tác giả, ta thấy trong ấy một trái tim ấm nóng, kiên cường, đầy ắp tình yêu thương giống nòi, yêu thương đất nước và niềm hi vọng một ngày mai đất nước sẽ lại yên bình.

Nguồn gốc của tác phẩm vốn xuất phát từ truyện thơ Ngư tiều y thuật vấn đáp được tác giả sáng tác vào những năm cuối đời, khi mà đất nước đã gần như rơi vào tay giặc. Bài thơ là những lời cảm khái kèm theo tiếng thở dài của nhân vật Đường Nhập Môn trong truyện cũng chính là hiện thân của tác giả. Xúc cảnh còn có một tên gọi khác là Ngóng gió đông được viết theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú mang đến cho toàn bài thơ một vẻ đẹp cổ kính, trang nghiêm, đồng thời cũng phù hợp với tâm trạng u buồn của thi nhân nhân thời buổi loạn lạc.

Hai câu thơ đầu là nguồn cảm hứng khơi gợi cho cảm xúc của tác giả trong của toàn bài:

"Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông,

Chúa xuân đâu hỡi, có hay không?"

Nguyễn Đình Chiểu đã dùng một cách ẩn dụ hết sức tinh tế, hoa cỏ qua bao năm tháng lạnh lẽo, chịu vùi dập dưới cái lạnh lẽo mùa đông nay sắp úa tàn, chỉ còn biết "ngùi ngùi" trông mong ngọn "gió đông" mang mùa xuân tới, mang đến cái sinh khí dồi dào ấm áp hồi sinh lại cảnh héo rũ, ủ ê này. Điều ấy khiến ta liên tưởng đến cảnh đất nước và nhân dân đang hằng ngày phải sống trong kiếp lầm than, khổ ải dưới ách áp bức lạnh lẽo của thực dân Pháp, và hơn tất cả ai cũng đều mong ngóng một tương lai tươi sáng hơn, một ai đó có thể cứu đất nước ra khỏi cảnh khốn cùng. Nhưng đến câu thơ sau, nhà thơ lại hỏi bằng một nỗi niềm đau đớn bất lực "có hay không?" khi mà chính quyền phong kiến đang sợ sệt trốn tránh, chẳng ai hay biết đến nỗi cùng cực của hoa cỏ nhân dân đang ngấp ngoải khốn đốn biết bao nhiêu. Còn vị "Chúa xuân" trong lòng tác giả, là bậc thánh đế minh quân mẫu mực, yêu nước, thương dân có tài dẹp giặc thù để đưa đất nước thoát khỏi ách đô hộ thì chưa thấy xuất hiện, ấy là nỗi niềm trăn trở mãi không nguôi trong lòng người thi sĩ mù tài hoa.

"Mây giăng ải bắc trông tin nhạn,

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng.

Bờ cõi xưa đà chia đất khác,

Nắng sương nay há đội trời chung"

Quay trở về với hiện thực đất nước, tìm về với lịch sử của dân tộc từng biết bao lần chịu sự xâm lược từ phươg Bắc, nhưng rồi cuối cùng núi nam nào có chịu gộp mình vô ải bắc, từ xưa tới nãy vẫn luôn là bờ cõi khác biệt, nhân dân chưa một ngày chịu nhún nhường trước quân giặc ngoại xâm. Cho đến hôm nay dân tộc ta với bọn thực dân Pháp cũng chẳng khác nào "nắng sương" khác biệt, làm sao có thể "đội trời chung", đây vốn đã là cái chân lý tuyệt không đổi dời mà hơn 4000 năm văn hiến ông cha ta đã dày công xây dựng.

Đến hai câu cuối kết lại toàn bộ nỗi niềm băn khoăn day dứt của nhà thơ:

"Chừng nào thánh đế ân soi thấu,

Một trận mưa nhuần rửa núi sông"

Đây là niềm khao khát, lòng hy vọng vào bậc cửu ngũ chí tôn có thể sớm ngày nhìn nhận rõ thực trạng đất nước, nỗi thống khổ của dân tộc và sự ác độc của bè lũ thực dân để tìm ra một con đường cứu giang sơn khỏi cơn nước sôi lửa bỏng. Nhà thơ vẫn đang sinh sống trong chế độ phong kiến, nên ông không thể thẳng thừng cao giọng mà lên án bậc quân vương, tuy nhiên trong giọng thơ cũng ngầm hiện lên nỗi trách móc sự bạc nhược, bất tài cùng với sự thối nát mục rỗng của triều đình thời bấy giờ, vua tôi không có lấy một ai đủ bản lĩnh đứng lên dẹp giặc như bậc thánh đế trong lòng Nguyễn Đình Chiểu. Hai câu thơ cũng là lời cầu mong đầy khẩn thiết với triều đình, với người đứng đầu trăm họ, đứng đầu đất nước, hãy sớm ý thức được trách nhiệm của mình với non sông gấ vóc, với nhân dân những con người một mực tin tưởng vào triều đình, đừng để niềm tin ấy chỉ cò là dĩ vãng đáng tiếc nhất.

Xúc cảnh là một bài thơ ẩn chứa nhiều niềm đau xót của Nguyễn Đình Chiểu, ông vừa thương đất nước chịu cảnh đô hộ, lại thương nhân dân chịu cảnh lầm than. Đồng thời bài thơ cũng là nỗi lòng băn khoăn, trăn trở của nhà thơ trước thế sự hỗn tạp, mà không có ai đứng ra gánh vác. Đọc bài thơ với những dòng chữ mang vẻ toàn bích, cổ điển tựa như tiếng thở dài đầy chua xót, ta lại càng thấm thía cái nỗi đau của người thi sĩ yêu nước trước buổi đương thời.

3. Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 3

Trong sự nghiệp thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, phần thơ văn yêu nước chống Pháp đáng qúy hơn cả. Ở đây, Nguyễn Đình Chiểu trực tiếp bộc lộ trái tim mình. Đó là một trái tim vĩ đại. Trái tim ấy đầy ắp dòng máu yêu nước, thương nòi, kiên cường, bất khụất của dân tộc. Nó cũng một nhịp đập với trái tim đất nước suốt mấy mươi năm quân xâm lược thôn tính dần xứ sở chúng ta. Ở Nguyễn Đình Chiểu, con người nghệ sĩ và con người chiến sĩ hài hòa với nhau. Viết văn là để chiến đấu. Chiến đấu hết lòng thì viết văn mới hay.

Nguyễn Đình Chiểu đã sống vào lúc đất nước không còn sự nhất trí đồng lòng bảo vệ non sông với hào khí Đông A thời Trần, cũng không còn nữa những vị minh quân hay những bậc anh hùng áo vải, mà trí tuệ và tài năng như một khối thống nhất với ý chí toàn dân, để tạo nên những lần tốc chiến, ở trận Đống Đa hơn trăm năm về trước. Ông đã sống vào một thời kỳ bạo loạn nhất, trên khắp đất nước đâu đâu cũng diễn ra cảnh điêu linh. Nỗi đau thương nung nấu vì quê hương dân tộc và hoàn cảnh sống giữa lúc nhân dân luồn sục sôi tranh đấu đã khiến ông từ một ông thầy giáo bị tật nguyền trở thành người chiến sĩ xuất sắc trên mặt trận văn hóa, góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống yêu nước của ông cha. Đọc thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, ta không chỉ thấy tiếng nói thiết tha của người rất mực thương dân yêu nước, mà còn phản ánh một tinh thần bất khuất hiên ngang, sẵn sàng sống chết với quân thù.

Bài thơ Xúc cảnh phản ánh tình thế và tâm trạng của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu như đã nói trên.

Hai câu thơ đầu, thể hiện cái băn khoăn, thao thức như đợi chờ một cái gì và đưa ra một hình ảnh ẩn dụ: Hoa cỏ trong mùa đông bị giá lạnh héo tàn chỉ mong có gió đông - tức gió xuân thổi từ phương đông về - cho ấm áp để tươi xanh lại:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông!

Và tiếp sang là một câu hỏi chua xót, đau lòng thể hiện mối hoài nghi:

Chúa Xuân đâu hỡi có hay không?

"Chúa Xuân”... phải chăng là cuộc sống yên lành là vận mệnh đất nước đang đứng trước hiểm họa xâm lăng có khả năng chống trả để tồn tại hay hông? Chưa mất hẳn niềm tin, nhưng hi vọng thì đã mỏng manh, bởi chúa “đâu hỡi, có hay không?”

Nhưng đến bốn câu tiếp:

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng

Bờ cõi xưa đà chia đất khác

Nắng sương nay há đội trời chung!

Rõ ràng, ở đây sự trông ngóng càng da diết thì lòng căm uất cũng dâng lên đến tột độ “há đội trời chung". Nhưng cái da diết thì đã rõ, nhưng còn căm uất với ai? Phải chăng, đó là cái triều đình mục nát, hèn yếu không dám khai chiến chống lại quân xâm lược.

Với tư cách của một nhà Nho, sống có đạo lý, Nguyễn Đình Chiểu không cao giọng lên án, gay gắt với nhà vua, nhưng không phải không buộc tội kẻ đứng đầu trăm họ không làm tròn phận sự của mình để cho:

Bờ cõi xưa đà chia đất khác.

Chừng nào Thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông

Đó là lời cầu mong, vừa là nêu lên một trách nhiệm đối với triều đình là Thánh đế - một hành động rửa núi sông hết mùi tanh tưởi của quân thù.

Bài thơ nêu cao một tấm lòng yêu nước, quan tâm tha thiết đến vận mệnh của dân tộc và cũng là lời thở than chua xót.

Nếu ở Truyện Lục Vân Tiên, Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc có cái hay làm xúc động lòng người bởi tiếng nói “dân dã” thì ở đây người đọc lại cảm nhận được cái hay của văn chương bác học. Lời thơ man mác, lắng đọng một nỗi đau vì đất vì nước.

4. Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu mẫu 4

Nguyễn Đình Chiểu là một trong những nhà văn, nhà thơ lớn của nền văn học Việt Nam. Ông được mệnh danh là ngôi sao sáng bởi lẽ ông có một tài năng rất suất sắc trong nghệ thuật sáng tác của mình. Nổi bật đó là bài thơ Xúc Cảnh để lại nhiều cảm xúc trong lòng bạn đọc.

Bài thơ Xúc Cảnh được viết ra để thể hiện những tâm tư thời thế của Nguyễn Đình Chiểu, ông là một người chí sĩ yêu nước, bị mù hai con mắt nhưng những sáng tác của ông vẫn rất lừng lẫy và có nhiều cảm xúc. Mở đầu bài thơ đó là những nỗi tâm tư, băn khoăn lo lắng về thời thế của đất nước:

Hoa cỏ ngùi ngùi ngóng gió đông

Chúa Xuân đâu hỡi có hay không?

Hai câu thơ đầu, thể hiện cái băn khoăn, thao thức như đợi chờ một cái gì và đưa ra một hình ảnh ẩn dụ: Hoa cỏ trong mùa đông bị giá lạnh héo tàn chỉ mong có gió đông, tức gió xuân thổi từ phương đông về cho ấm áp để tươi xanh lại. “Chúa Xuân” phải chăng là cuộc sống yên lành, là vận mệnh đất nước đang đứng trước hiểm họa xâm lăng có khả năng chống trả để tồn tại hay hông? Chưa mất hẳn niềm tin, nhưng hi vọng thì đã mỏng manh, bởi chúa “đâu hỡi, có hay không?”.

Mây giăng ải bắc trông tin nhạn

Ngày xế non nam bặt tiếng hồng

Bờ cõi xưa đà chia đất khác

Nắng sương nay há đội trời chung!

Sử dụng hình ảnh mây giăng để thể hiện những tội ác của kẻ thù, sự áp bức càng nặng nề thì lòng căm phẫn của người dân Việt Nam càng được lên cao, tội ác đó có rửa xuống sông Hoàng Hà cũng không hết tội. Tin nhạn đó là những niềm mong đợi được báo những tin vui, nhưng nó là điều rất mong manh, đất nước bị chia cắt nhân dân sống trong cảnh nghèo đói lầm than, đời sống nhân dân chịu nhiều cực khổ, sự căm thù kẻ thù xâm lược được tác giả nói là “há đợi trời chung” phần nào nói lên những sự căm thù tới tột bậc của dân tộc Việt Nam đối với kẻ thù xâm lược của mình, ông luôn luôn sáng tác nên những tác phẩm đậm chất nhân văn. Ở bài thơ này ông đã mượn cảnh để nói về những tâm sự thời thế của mình, sự mong đợi, và những sự chông chờ có chút mong manh, nhưng với ý chí kiên cường và tấm lòng yêu nước của mình ông vẫn viết lên những tác phẩm hay và đậm chất nhân đạo để phê phán và tố cáo tội ác tày trời của kẻ thù, tội ác đó phải bị trừng trị. Sự căm thù không đội trời chung của Nguyễn Đình Chiểu đã thể hiện được lòng yêu nước của ông đối với dân tộc của mình.

Chừng nào Thánh đế ân soi thấu

Một trận mưa nhuần rửa núi sông

Tác giả đang nói về những ân xá mà nhà Vua có thể làm, phải ân thấu và tố cáo những tội ác của kẻ thù để có thể giành được sự tự do cho dân tộc ta. Vua người đứng đầu của một đất nước đã đầu hàng và giờ đây chỉ còn Thánh Đế, ông phải hết lòng vì dân vì nước để có thể đưa đất nước thoát khỏi những lầm than và khó khăn của cả một dân tộc đang phải hứng chịu. Sinh ra trong thời kì loạn lạc, tác giả sớm có cái nhìn thấu đáo về quê hương đất nước. Ông một con người có khí phách hiên ngang luôn hết lòng vì dân vì nước và vì độc lập tự do của dân tộc, người đã dùng những tài năng của mình để sáng tác những tác phẩm có nhiều ấn tượng và có tầm ảnh hưởng hết sức to lớn.

Xúc cảnh là bài thơ mà tác giả mượn hình ảnh thiên nhiên để nói lên những tâm sự sâu kín, mượn cảnh để nói về những suy tư và trăn trở của mình, vận mệnh của đất nước đang an nguy nhưng để giữ lại thanh danh trong sạch tác giả đã lui về ở ẩn nhưng tấm lòng yêu thương dân chúng và lo cho đất nước cũng không nguôi ngoai. Qua đây, Xúc cảnh góp phần kể ra tội ác của những kẻ đi xâm lược. Từ đó ca ngợi những sự hi sinh anh dũng không chỉ ở trên mặt trận, ở chiến trường, mà còn ở ngòi bút sắc sảo của những nhà chí sĩ yêu nước.

Bài thơ mang đậm cảm xúc, thể hiện một tinh thần sống mạnh mẽ trong mỗi con người. Là sự trăn trở của tác giả về đất nước, không những thế còn tô đậm thêm vẻ đẹp tâm hồn và khí phách trong ngòi bút của một nhà thơ yêu nước.

-----------------------

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Phân tích bài thơ Xúc cảnh (Ngóng gió đông) của Nguyễn Đình Chiểu. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng trau dồi được nội dung kiến thức của bài học rồi đúng không ạ? Bài viết tổng hợp gồm có dàn ý bài văn mẫu phân tích bài thơ Xúc cảnh. Hi vọng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc có thể học tập tốt hơn môn Ngữ văn lớp 11. Ngoài ra để giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu học tập hơn nữa, VnDoc.com mời bạn đọc cùng tham khảo soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Phân tích vẻ đẹp của hình tượng "li khách" trong bài thơ Tống biệt hành của Thâm Tâm

Chia sẻ, đánh giá bài viết
3
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm