Tài liệu giáo dục giới tính cho trẻ mầm non

Giáo dục giới tính cho trẻ mầm non và tiểu học là điều vô cùng cần thiết và quan trọng để giúp trẻ tự bảo vệ chính bản thân mình. Trong bài viết này VnDoc sẽ chia sẻ một số cách giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ để các phụ huynh có thêm kiến thức về giáo dục giới tính cho con để có phương pháp đúng đắn để chia sẻ với con về vấn đề này.

Ở Mỹ, Anh và nhiều nước tiên tiến, giáo dục giới tính và các kỹ năng sống được đưa vào chương trình học rất sớm. Ở Anh, giáo dục giới tính cho trẻ được quy định trong pháp luật, trẻ em đủ 5 tuổi sẽ bắt đầu học về giới tính như một môn bắt buộc cho đến khi tốt nghiệp trung học cơ sở. Năm 1966, Thụy Điển đã chính thức đưa “Giáo dục phòng tránh thai” và nhiều hoạt động khác về giáo dục giới tính lên truyền hình. Ở nước ta, nội dung về giáo dục giới tính nằm ngoài chương trình học và mới chỉ ghép vào các bộ môn khác như Khoa học ( bậc Tiểu học), Sinh học (bậc Trung học) hoặc các tiết chào cờ… nên chưa thực sự bài bản, chính xác. Việc học và dạy vẫn còn nặng về lý thuyết và không mang lại hiệu quả cao. Vậy trước khi chờ đợi sự ra đời của một môn học mới các bậc phụ huynh nên trang bị cho mình những kiến thức nền về giáo dục giới tính cho trẻ em lứa tuổi mầm non để bảo vệ con em mình giúp trẻ được sống trong môi trường an toàn , biết tự bảo vệ mình và phát triển toàn diện.

I. Những giai đoạn phát triển của tâm lý tính dục của trẻ

Ở mỗi lứa tuổi, trẻ đều có một vùng kích dục -phần thân thể nơi tâp trung sự khoái lạc tính dục- khác nhau.

1. Từ 0-18 tháng là giai đoạn miệng

Hành vi khoái lạc của trẻ bú, mút, cắn. Giai đoạn này là thời điểm bé thích khám phá thế giới bằng miệng, thường xuyên đưa mút tay, ngậm đồ chơi…. Trẻ luôn nghĩ ra mọi cách để thỏa mãn nhu cầu cắn, mút. Trong giai đoạn này, phụ huynh chú ý không để trẻ đưa những vật linh tinh vào miệng, điều đó có thể làm trẻ dễ mắc bệnh lây nhiễm qua đường miệng.

2. Từ 18 tháng - 3, 4 tuổi là giai đoạn hậu môn

Nín và đi đại tiện là đặc trưng của trẻ ở giai đoạn này. Thời gian này mỗi lần ngồi đi vệ sinh có thể tới 20 thậm chí có thể kéo dài tới 30 phút. Đây là hành động được trẻ thích, thú vị và vô cùng quan trọng, thậm chí trẻ bé luôn muốn dành phần vệ sinh, lau rửa, dọn bô… cho người mà trẻ yêu nhất. Không những thế trẻ còn thích ngồi lê la khắp nơi và cọ xát mông trên mặt đất. Vì vậy, để tránh bé bị viêm nhiễm, phụ huynh không nên để bé ở truồng.

3. Từ 3, 4 đến 5, 6 tuổi là giai đoạn dương vật

Trẻ bắt đầu quan tâm đến cơ quan sinh dục, “thủ dâm” - thích sờ mó vùng kín của mình. Giai đoạn này trẻ rất tò mò và bắt đầu phát hiện ra sự khác nhau giữa bé trai và bé gái. Để hạn chế bé sờ mó, phụ huynh có thể mặc cho bé quần jeans khi ra ngoài. Bên cạnh đó chính các bậc phụ huynh cũng cần tránh ăn mặc thiếu kín đáo, hoặc để trẻ gặp phụ huynh ở các tình huống nhạy cảm …Những hành động vô ý của phụ huynh có thể khiến trẻ tò mò nảy sinh ý muốn khám phá, nhìn trộm. Về lâu dài, trẻ có thể có những hành vi lệch lạc tình dục hoặc sai lầm khi đánh giá người khác giới. Còn ngay trước mắt, cha mẹ có thể sẽ gặp rất nhiều tình huống khó xử như: con trẻ đòi khám phá bố mẹ giữa chỗ đông người hay bô bô đi kể những gì bé được chứng kiến….

Ở giai đoạn này, các bé gái thường đặc biệt quyến luyến bố, còn cái bé trai thì rất bám mẹ. Đây chính là sự gắn bó của con với bố mẹ khác giới, là sự phát triển bình thường về tâm lý, điều này sẽ giúp trẻ phát triển lành mạnh về mặt tinh thần và tình cảm. Khi bé gái gần gũi bố, bé trai gần gũi mẹ sẽ được bổ sung những đức tính, phẩm chất đặc trưng của giới kia để trở nên hoàn thiện hơn. Không những thế đây còn là cơ sở cho những quan hệ đúng đắn đối với người khác giới sau này. Mặt khác tình cảm quyến luyến này cũng làm cho trẻ lứa tuổi mầm non đỡ cảm thấy căng thẳng một cách vô thức. Đây cũng chính là giai đoạn trẻ bắt đầu xuất hiện ý thức về bản thân và nhận biết giới tính. Nhu cầu khẳng định cái tôi của bé rất cao, bé luôn muốn được tự mình làm mọi việc, luôn muốn mình là nhất.

II. Một số gợi ý khi giáo dục giới tính cho trẻ em lứa tuổi mầm non

1. Tiếp xúc thân mật với trẻ

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những đứa trẻ nhận được sự quan tâm, giáo dục của cha mẹ từ nhỏ sẽ có lòng khoan dung và ý thức trách nhiệm cao hơn so với những đứa trẻ khác. Bên cạnh đó các nhà khoa học đã cho rằng nếu trẻ thiếu đi sự yêu thương và giáo dục của cha mẹ thì khả năng lý luận cũng như sự phát triển ở đại não sẽ kém hơn so với việc có cha ở bên. Đồng thời nếu thiếu đi sự quan tâm này sẽ khiến đứa trẻ trở nên hung hăng và không dám chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Sau khi chào đời bài học xã hội đầu tiên mà trẻ học được sau khi ra đời chính là bài học ở gia đình và cha mẹ chính là những người thầy đầu tiên của trẻ.

Tất cả trẻ khi còn nhỏ chủ yếu cảm nhận thông tin từ môi trường ngoài qua sự tiếp xúc da thịt. Ngay sau khi sinh, trẻ chưa thích nghi ngay được với môi trường bên ngoài. Nếu được quấn tã và mẹ chăm sóc bằng cách ôm ấp, tiếp xúc với cơ thể để trẻ cảm nhận được nhiệt độ cơ thể mẹ thì trẻ sẽ cảm thấy an toàn hơn. Điều này khuyến khích trẻ sơ sinh thở đều và có nhịp tim bình thường. Việc tiếp xúc da thịt của mẹ với con là một cách giao tiếp kỳ diệu đầu tiên mà trẻ có được khi chào đời. Khi người mẹ ôm và giữ bé gần với trái tim mình, các bé sẽ cảm nhận được mối liên hệ giữa hai mẹ con và cảm thấy được bao bọc. Mặc dù còn bé nhưng trẻ cũng thấy an toàn khi được trong vòng tay mẹ. Hơi ấm từ cơ thể người mẹ truyền trực tiếp qua da tới cơ thể bé giúp bé thở bình thường thì cũng sẽ giúp bé bớt lo lắng với môi trường bên ngoài và bé khóc ít hơn. Việc cho tiếp xúc da thịt giữa 2 mẹ con là rất tốt với trẻ. Nếu trẻ không được "trấn an" và hòa nhập môi trường mới dần dần thì sự lo lắng, phản xạ của cơ thể trẻ có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe. Điều đó cho thấy sự gần gũi, chăm sóc, tương tác của cha mẹ trong những ngày tháng đầu đời thực sự có ý nghĩa quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách, cảm xúc ở trẻ. Ngoài ra, chúng ta có thể trò chuyện, vuốt ve trẻ sẽ giúp kích thích sự hoạt động của các giác quan, tăng sự nhạy cảm của hệ thống thần kinh, giúp trẻ phát triển trí lực, đồng thời đáp ứng nhu cầu được quan tâm, yêu thương ở trẻ.

Khi trẻ lớn hơn có thể tạo cho trẻ cơ hội tắm chung với cha hoặc mẹ. Phụ huynh có thể tận dụng việc này để giáo dục giới tính cho trẻ sẽ rất hiệu quả. Nhưng nếu phụ huynh không biết cách giải thích một cách hợp lý thì “tắm chung” dễ phản tác dụng. Chúng ta chỉ nên nhìn nhận tắm chung một cách đơn giản như bước tiếp xúc tự nhiên giữa cơ thể mẹ với con, tương tự như bú mớm, ôm ấp, ngủ chung. Bằng cách tắm chung, kiến thức về cơ thể được ngấm vào trẻ từ từ mà không cần những bài học giáo dục giới tính cứng nhắc. Khi lớn lên, bé cũng có thể dễ dàng tin tưởng mà gửi gắm ở cha mẹ những "tâm sự" về giới tính, tình dục...Khi tắm, mẹ có thể trả lời các câu hỏi của con, hoặc đặt ra câu hỏi và hướng dẫn con cùng trả lời. Ví dụ: Tại sao mẹ tắm chung với con chứ không phải là bố? Nếu con tắm chung với mẹ được thì có thể tắm chung với bạn gái không? Bố mẹ có thể tắm chung với nhau không?...

Giáo dục giới tính không đơn thuần là dạy về bộ phận và chức năng của cơ thể, mà còn về giáo dục cho trẻ mối quan hệ, giới hạn của sự riêng tư, ý thức tôn trọng bản thân và người khác…Mẹ cũng có thể dạy bé kỹ năng tắm an toàn và vệ sinh thân thể đúng cách và cách xử lý tình huống nếu có sự cố. Tuy nhiên, nên lưu ý giới hạn của tắm chung. Đến khi nào tự bản thân trẻ cảm thấy không thoải mái, ngại ngùng, không hứng thú nữa thì đó là lúc nên dừng việc tắm chung.

2. Vệ sinh hệ sinh dục

2.1. Với trẻ còn nhỏ chưa tự vệ sinh được thì phụ huynh cần lưu ý một số điều sau:

+ Với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nên vệ sinh vùng kín cho con ngay sau khi bé đi vệ sinh hoặc thay bỉm.

+ Khi vệ sinh vùng kín cho trẻ không nên dùng các loại xà bông hoặc chất tẩy rửa, bởi da bé vô cùng mỏng và nhạy cảm, chất tẩy rửa có thể làm mất cân bằng pH của vùng kín, dẫn đến những tác động xấu.

+ Không được dùng vòi sen xối thẳng vào vùng kín của trẻ mà chỉ nên dội nhẹ nhàng trong quá trình rửa.

+ Phải rửa tay thật sạch với xà phòng diệt khuẩn trước khi tiến hành rửa cho con.

2.2. Với các trẻ lớn

Cần hướng dẫn tên các bộ phận trên cơ thể (bao gồm cả cơ quan sinh dục bé trai và bé gái), bằng nhiều hình thức như: Cho phép trẻ được chạm vào các bộ phận của trẻ trong lúc tắm hoặc cũng có thể chỉ ra sự khác biệt giữa bé trai và bé gái dựa trên các bộ phận sinh dục. Phụ huynh nên bắt đầu nói chuyện với trẻ về chức năng của các bộ phận: nước tiểu đi ra từ đường nào, khi đi đại tiện thì đi như thế nào?...Với những trẻ mà chúng thích ở trần, không thích mặc quần áo, bố mẹ nên bắt đầu trao đổi với trẻ về giới hạn của việc này, thời điểm và không gian thích hợp được phép ở trần. Đây cũng chính là thời điểm nên giáo dục cho con ý thức riêng tư. Đó chính là tại sao cơ quan sinh dục cần phải che đậy? Qua đó giúp cho con cơ hội khám phá cơ thể và nhận ra sự khác biệt đơn giản nhất giữa nam và nữ. Điều đó sẽ giúp trẻ thoải mái với cơ thể mình và coi các bộ phận đều như nhau mà không cảm thấy sự xấu hổ.

2.3. Giáo dục trẻ thói quen không tùy tiện nghịch vào bộ phân sinh dục hoặc nhét các đồ vật vào đường niệu

Trong lúc chơi đùa một mình, trẻ thường tò mò tự khám phá bản thân bằng cách nhét dị vật vào “chỗ kín” của mình. trẻ nhỏ thường hay nghịch, nhét dị vật vào chỗ kín, việc thực hiện hoàn toàn không có chủ ý. Chẳng qua là các bé tò mò muốn khám phá bản thân. Các bé không hề nghĩ rằng, việc làm này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đặc biệt là các bé thường giấu cha mẹ vì sợ bị la mắng. Các trường hợp dị vật âm đạo vẫn thường gặp ở bé gái. Nếu không phát hiện sớm, bé sẽ bị viêm nhiễm vùng âm hộ kéo dài, đôi khi tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Lâu ngày có thể làm thủng vách bàng quang, thủng thành âm đạo. Việc trẻ nhỏ đưa một vật vào bất cứ chỗ nào trên cơ thể có thể khiến bản thân trẻ thấy thích thú, nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng mà các bậc cha mẹ cần lưu ý. Do đó phải quan sát cẩn thận trong lúc bé chơi đùa và tốt nhất là phải dạy bé nhận thức được việc nhét đồ vật vào các “vùng kín” là việc xấu. Bé không được làm thế.

2.4. Giáo dục trẻ trẻ có kỹ năng tự đi vệ sinh khi có nhu cầu:

Đây là một trong những kỹ năng khó dạy vì nó đòi hỏi ở trẻ sự cảm nhận về nhũng quá trình sinh lý trong cơ thể, đồng thời bao gồm nhiều kĩ năng liên quan.

Trẻ phải có đủ một số diều kiện sau mới có thể hình thành tốt kỹ năng tự đi vệ sinh:

+ Tuổi: Khoảng 24 tháng

+ Sự ổn định về cơ chế bài tiết trong cơ thể

+ Khoảng cách thời gian tiểu tiện từ 1giờ đến 2 giờ/lần

Để đạt được hiệu quả tối đa kỹ năng này cần được hình thành cho trẻ qua ba bước gợi ý sau:

+ Bước 1 - Giúp trẻ làm quen với lịch vệ sinh:

Người lớn cần tìm hiểu khi nào trẻ có nhu cầu vệ sinh là khoảng cách trung bình giữa 2 lần vệ sinh của trẻ là bao nhiêu. Sau đó hướng dẫn, nhắc nhở trẻ đi vệ sinh vào đúng thời điểm thích hợp đó. Cha mẹ có thể sử dụng các hình ảnh của các dụng cụ vệ sinh, bộ phận trên cơ thể trẻ kết hợp với lời nói, cử chỉ phù hợp mỗi lần trẻ có nhu cầu, điều này sẽ tạo được phản xạ có điều kiện nhanh hơn cho việc đi vệ sinh đúng lịch. Sau mỗi lần trẻ làm được, phụ huynh phải khen ngợi cụ thể với mỗi việc làm của trẻ. Điều này sẽ giúp phụ huynh dễ truyền tải đến trẻ những thông tin khác, đồng thời còn giúp con có sự tự tin cần thiết.

+ Bước 2- Giúp trẻ thực hiện kỹ năng đi vệ sinh độc lập:

Sang đến bước 2, phụ huynh cần giúp trẻ nhận thức được đi vệ sinh là bắt buộc và phân biệt sự khác nhau giữa đại tiện và tiểu tiện. Để phân biệt chúng ta có thể dùng các dấu, hoặc ký hiệu giúp trẻ thông báo với người lớn khi có nhu cầu đi vệ sinh. Tùy nhu cầu mà hướng dẫn con các kỹ năng tương ứng. Ví dụ như bé trai khi đi tiểu tiện thì chỉ cần kéo quần xuống khỏi bộ phận sinh dục và đứng để tiểu tiện, sau đó xả nước và kéo quần lên, rửa tay.

+ Bước 3: Giúp trẻ đi vệ sinh độc lập:

Ở giai đoạn cuối phụ huynh phải giảm sự trợ giúp với trẻ nhưng cũng luôn khuyến khích, động viên, khen ngợi mỗi khi trẻ tự lập được một hành động kỹ năng nào đó của quá trình đi vệ sinh. Đồng thời phải chỉ ra những nguy hiểm khi trẻ làm không đúng cách. Ví dụ: Khi nếu bé trai kéo không cẩn thẩn có thể bộ phận sinh dục sẽ kẹt vào khóa quần, gây đau đớn ….

Nếu các bước trên được lặp đi lặp lại nhiều lần con trẻ sẽ hình thành cho mình được kĩ năng đi vệ sinh khi có nhu cầu và đúng giờ. Giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh về cả thể chất và tinh thần.

3. Rèn thói quen mặc đồ lót cho trẻ:

Nên tập thói quen mặc đồ lót cho trẻ từ sớm để hình thành cho bé ý thức chăm sóc cơ thể. Lứa tuổi thích hợp để mặc đồ lót cho con là trẻ từ 2 - 3 tuổi. Những chiếc quần lót không những có tác dụng đơn thuần giúp giữ vệ sinh cho bé mà còn ảnh đến sức khoẻ sinh sản của bé sau này.

Khi bắt đầu cho con mặc đồ “nhỏ" cũng là lúc mẹ đã có thể bắt đầu dạy cho con biết cách tự vệ sinh cơ thể mình hàng ngày, giúp bé hiểu về cơ thể mình và biết chăm sóc thân thể. Chọn đồ lót cho bé là một việc rất quan trọng với 2 yếu tố cần chú ý là chất liệu, kích cỡ. Quần lót vừa vặn, sẽ không làm hằn da bé, tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu. Chất liệu quần tốt nhất là 100% cotton sẽ có tác dụng thấm hút mồ hôi, hút ẩm, tạo sự thoáng mát cho bé. Khi trẻ mặc đồ lót phù hợp sẽ giúp cơ quan sinh dục của bé khỏi bị nhiễm trùng do cọ xát với vải dày. Tuy nhiên khi con ở nhà hay lúc đi ngủ, có thể không cần cho trẻ mặc để cơ quan sinh dục của trẻ được thông thoáng.

4. Tránh xa các thông tin về giới tính không lành mạnh

Các bậc phụ huynh cũng như giáo viên cần lựa chọn những kênh cung cấp thông tin phù hợp với lứa tuổi cuả trẻ. Bên cạnh đó nên để con tham gia những hoạt động lành mạnh giúp con quên đi những hành động như nghịch các bộ phận trên cơ thể mình, hoặc hạn chế kích thích trong môi trường dẫn đến hoạt động tính dục (trèo cây, ôm gối, ngủ chung giường với cha mẹ). Với trẻ tương đối lớn, hướng bé vào các hoạt động thể lực, có thể hướng dẫn một số thường thức về tính dục trong những câu chuyện bình thường, dạy cách giữ vệ sinh và cách tự bảo vệ mình (tránh bị xâm hại tình dục).

Giữ thái độ tự nhiên, thẳng thắn khi con hỏi về vấn đề giới tính. Khi con hỏi về vấn đề giới tính, cha mẹ cần giữ thái độ tự nhiên, ôn hòa, thẳng thắn, không nói dối, không cần trả lời quá tỉ mỉ. Phụ huynh có thể giải thích ngắn gọn về cơ quan sinh dục, khuyên trẻ tự bảo vệ mình như thế nào, không thể tùy tiện đùa nghịch vùng kín, nhưng phải trả lời kiên quyết rõ ràng, không nên dài dòng liên tưởng. Khi trò chuyện về giới tính với trẻ, phụ huynh nên nói nhẹ nhàng, không nên mắc cỡ hoặc gây cảm giác sợ hãi thần bí. Điều cần nhấn mạnh là khi trẻ hỏi đến tên chính xác của các bộ phân sinh dục, phụ huynh cần trả lời để thỏa mãn nhu cầu của con trẻ. Khi con trẻ ở lứa tuổi mầm non, phụ huynh nên cho con biết tên chính xác của những cơ quan sinh dục, tránh cho con cảm thấy lạ lẫm khi nghe thấy tên các bộ phận sinh dục này ở các kênh thông tin khác. Tuy nhiên cũng có thể dạy cho con các từ phù hợp thay thế các bộ phận sinh dục này trong các trường hợp tế nhị khác.

Để giúp con có khả năng tự bảo vệ mình cha mẹ cần giúp con vạch giới hạn trong quan hệ tình bạn. Tránh kết giao với bạn bè xấu. Cha mẹ có thể thiết lập cho con một vòng tròn giao tiếp (theo mô hình bàn tay): 1. Người ruột thịt, máu mủ (bố mẹ đẻ, ông bà, anh chị em ruột) - con có thể ôm; 2. Thầy cô - cầm tay; 3. Người quen - Bắt tay; 4. Người lạ - vẫy tay; 5. Người “đáng ngại” - Tránh xa.

5. Tránh để cho trẻ dậy thì sớm

Trẻ dậy thì sớm sẽ gây ra những vấn đề liên quan đến sức khỏe, cấu trúc xương… ảnh hưởng đến đời sống tâm lý của trẻ.

Tuổi dậy thì thông thường ở bé gái là 8 đến 12, ở các bé trai ở độ tuổi từ 9 và 14. Dậy thì sớm là trước 8 tuổi đối với bé gái và trước 9 tuổi đối với bé trai. Khi đó chiều cao của trẻ sẽ hạn chế so với các bạn cùng lứa tuổi do xương đầu khép sớm và rút ngắn thời kì sinh trưởng. Bên cạnh đó sự phát triển tâm lý dậy thì sớm có thể gây chướng ngại tâm lý sau này cho trẻ. Mặc dù có dấu hiệu phát triển sinh lý trước nhưng mức độ phát triển tâm lý, trí tuệ của trẻ dậy thì sớm vẫn như tuổi thực tế. Dấu hiệu phát triển sớm và sự phát triển của cơ quan sinh dục sẽ làm cho trẻ chưa trưởng thành sinh ra chướng ngại tâm lý, đặc biệt là nhìn thấy đặc trưng sinh lý của mình khác với những bạn xung quanh nên dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti, dạng tâm lý này rất có khả năng để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành.

Để trẻ được phát triển toàn diện theo đúng lứa tuổi thì chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những yếu tố hàng đầu. Trong các bữa ăn cần tăng cường rau củ, quả , đảm bảo lượng đạm đầy đủ, không nên ăn thực phẩm chế biến sẵn như đồ hộp, xúc xích, bơ...; không tẩm bổ quá mức bằng các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng có tác dụng tăng nội tiết tố như tổ yến, nhân sâm, sữa ong chúa,... cũng có thể khiến trẻ dễ dậy thì sớm hơn. Cần hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, đồ chiên rán... chứa nhiều chất béo khiến trẻ thừa dinh dưỡng. Chú ý lựa chọn thực phẩm an toàn, tránh mua thực phẩm trôi nổi không uy tín, không rõ nguồn gốc, thực phẩm chứa hormon tăng trưởng sẽ ảnh hưởng tới tuổi dậy thì. Ngoài ra cần khuyến khích trẻ năng vận động sẽ giúp trẻ tiêu hao năng lượng.

Là cha mẹ, ai trong chúng ta cũng sẽ mong muốn con trẻ được lớn lên trong một môi trường tốt, an toàn. Bởi vậy, cần thiết phải cung cấp cho trẻ những kiến thức về giới tính nhằm xây dựng kĩ năng, thói quen tự bảo vệ chính bản thân mình. Để đạt được hiệu quả cao, mỗi bậc phụ huynh cũng như các nhà giáo dục phải nắm vững kiến thức, phương pháp linh hoạt, sáng tạo trong quá trình chăm sóc trẻ. Biết tạo cho trẻ sự hứng thú, tích cực tham gia vào các hoạt động giáo dục. Làm tốt được nhũng điều trên sẽ là một trong các biện pháp hữu hiệu giúp trẻ phát triển đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

Bài viết này cũng chỉ mới đề cập được một phần nhỏ trong nội dung rộng lớn về giáo dục giới tính cho trẻ em lứa tuổi mầm non. Tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ có tác dụng hữu ích, hỗ trợ cho các bậc phụ huynh và những người làm công tác giáo dục giới tinh cho trẻ mầm non, đồng thời mỗi gia đình sẽ coi trọng hơn nữa việc giáo dục giới tính cho trẻ. Bên cạnh đó, một lần nữa cũng xin các bậc phụ huynh lưu ý rằng, không có một biện pháp hay phương pháp nào ngay tức khắc cho kết quả tốt như mong muốn với tất cả con trẻ. Để giúp trẻ có nhân cách hoàn thiện, có cuộc sống hạnh phúc, phát triển được toàn diện cả về thể chất và trí tuệ cần có thời gian và lòng kiên nhẫn của những người yêu thương con trẻ.

III. Phương pháp giáo dục giới tính cho trẻ

Những lời khuyên sau đây sẽ giúp các bậc phụ huynh nói chuyện với bé về chủ đề giới tính một cách dễ dàng hơn:

Dùng ngôn từ đơn giản và đáng tin cậy
Nếu phải trình bày về vấn đề chuyên môn, phụ huynh nên giải thích ở mức độ mà con có thể hiểu được. Một đứa trẻ mầm non sẽ chẳng thể hiểu được cơ chế rụng trứng, tuy nhiên trẻ có thể tỏ ra thích thú khi biết được phụ nữ cũng có trứng để sinh con.

Có thể nói mình không biết

Nếu không biết phải trả lời bé như thế nào, đừng tùy tiện “vẽ” ra thông tin, hãy thẳng thắn nói với con rằng hiện tại bạn cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này và hẹn con một dịp nào đó sẽ giải đáp. Ngay sau đó, phụ huynh nên tìm hiểu thông tin rõ ràng và giải đáp lại cho bé một cách chính xác.

Cả bố và mẹ đều phải tham gia

Khi cả bố và mẹ đều tham gia vào việc giáo dục giới tính cho trẻ thì trẻ sẽ thấy rằng tất cả mọi người đều có thể tham gia thảo luận bình đẳng về vấn đề này. Điều này sẽ tạo cảm giác thoải mái hơn cho con khi nói chuyện về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến giới tính cũng như biết cách giao tiếp tế nhị hơn trong các mối quan hệ thân mật khi con trưởng thành.

Bố mẹ nên là người khơi dậy sự tò mò

Một số trẻ gần như không bao giờ chủ động đặt câu hỏi. Trong trường hợp này, bố mẹ cần phải chủ động khơi dậy sự tò mò về giới tính cho con trong những tình huống diễn ra hàng ngày. Chẳng hạn như, khi đang xem chương trình truyền hình nói về phụ nữ mang thai, phụ huynh có thể nói: “Đố con biết mang thai là gì?”.

IV. Những lưu ý khi giáo dục giới tính cho trẻ nhỏ

Tận dụng tình huống thích hợp để đề cập đến chủ đề giới tính, tình dục hoặc các vấn đề liên quan;

Cha mẹ có thể lấy ví dụ từ anh chị em, họ hàng trong gia đình để con hiểu hơn về giới tính;
Kiểm soát những nội dung con xem trên mạng Internet;

Dạy cho bé những quy tắc khi sử dụng Internet và đảm bảo biết được khi nào trẻ lên mạng;

Kiểm tra những bộ phim và trò chơi điện tử có độ tuổi cho phép có phù hợp với độ tuổi của bé hay không và giúp bé nhận thức được những gì bé nên tiếp xúc khi coi phim hay chơi điện tử.
Giáo dục giới tính cho trẻ không phải là một điều dễ dàng và cần thực hiện xuyên suốt quá trình phát triển của trẻ. Bố mẹ đóng vai trò là mắt xích quan trọng, giúp con tiếp cận với vấn đề giới tính ngay từ khi còn nhỏ, để con không phải bỡ ngỡ và chủ động bảo vệ bản thân mình trong những năm tháng sau này.

Khi có những biểu hiện rối loạn giới tính ở trẻ bao gồm cả cách ứng xử, hành động, suy nghĩ được thể hiện ở trẻ, cha mẹ cần dành thời gian để chăm sóc, lắng nghe con và giáo dục con thay đổi nhận thức một cách dần dần. Bên cạnh đó trẻ nên được điều trị tâm lý theo 1 phác đồ khoa học giúp định hình tư duy, suy nghĩ của bé.

Xem thêm

Đánh giá bài viết
4 8.258
Sắp xếp theo

Tài liệu hay cho trẻ

Xem thêm