Tiếng khóc và nỗi đau của Thúy Kiều trong Trao duyên
Ngữ văn lớp 10: Tiếng khóc và nỗi đau của Thúy Kiều trong Trao duyên
VnDoc mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo bộ tài liệu Tiếng khóc và nỗi đau của Thúy Kiều trong Trao duyên, chắc chắn bộ tài liệu sẽ là nguồn thông tin hay để giúp các bạn học sinh học tốt hơn môn Ngữ văn lớp 10. Mời thầy cô cùng các bạn học sinh tham khảo.
Phân tích 12 câu thơ đầu trong đoạn trích Trao duyên của Nguyễn Du
Phân tích đoạn thơ Trao duyên trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Tiếng khóc và nỗi đau của Thúy Kiều trong Trao duyên
Nguyễn Du là nhà thơ kiệt xuất của văn học Việt Nam. Tên tuổi của ông còn được liệt vào hàng các nhà thơ lớn của thế giới, của nhân loại. Là người tài cao học rộng, ông để lại nhiều tác phẩm văn chương bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đọc văn chương của Nguyễn Du, dù là chữ Hán hay chữ Nôm ta đều thấy ông "có con mắt trông thấu sáu cõi, có tấm lòng nghĩ tới muôn đời". Tác phẩm của ôag là bức tranh hiện thực mang sức mạnh tố cáo chế độ phong kiến. Ở đó ông dựng lên những kiếp người đau khổ, những nhân phẩm bị đày đọa. Cũng từ đó, tác phẩm của ông toát lên một tấm lòng nhân ái bao la, hiện thân của một tinh thần nhân đạo sâu sắc. Ông thông cảm với nỗi đau oan nghiệt của mọi kiếp người, đặc biệt của những con người tài hoa, đức độ những con người bị xã hội phong kiến giày xéo.
Truyện Kiều là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, và cũng là kiệt tác số một của văn học nước nhà. Thuý Kiều - nhân vật trung tâm của truyện được sáng tạo từ cảm hứng nhân đạo sâu sắc, đẹp đẽ, đẹp cả về hình thức, đẹp cả về tinh thần. Nhưng Kiều cũng là nạn nhân, là hiện thân nỗi đau của những con người tài hoa, đức hạnh, có phẩm giá bị xã hội phong kiến chà đạp một cách thô bạo.
Trao duyên cũng là một trong những nỗi đau đó của Kiều. Đây cũng là nỗi đau đặc biệt vì trong nỗi đau này Kiều phải tự mình dứt bỏ giấc mơ hạnh phúc riêng tư. Bởi vì cảnh trao duyên diễn ra sau khi Kiều đã quyết định "bán mình chuộc cha": Kiều không còn là người tự do nữa, Kiều đã thuộc về người khác, bị cột chặt vào người khác bởi "vàng ngoài bốn trăm". Trong hoàn cảnh đó Kiều không thể ôm theo mối tình Kim Trọng, càng không thể bán nó cho ai, Kiều đành trao duyên trong đớn đau để "lời thề" được toàn vẹn thuỷ chung.
Cuộc trao duyên diễn ra trong khoảng dừng ngắn ngủi giữa hai lần khóc. Lần đầu:
Một mình nàng, ngọn đèn khuya
Áo đầm giọt tủi, tóc se mái sầu
Một mình - một ngọn đèn leo lét làm cho đêm khuya lại càng khuya hơn, làm cho đêm đen lại càng sâu thẳm hơn. Nỗi buồn càng buồn hơn. Nỗi đau càng đau hơn và sự tủi phận cũng lớn hơn. Nhưng Kiều không dám khóc to vì sợ gia đình chưa bình tâm sau tai hoạ và vì chưa nói được, chưa trao lại được mối tình sâu nặng vẫn giấu kín bấy lâu nay.
Lần khóc thứ hai:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Lần này thì Kiều khóc to, khóc cho sự oan uổng, oan nghiệt, bởi vì từ đây Kiều đã mất tất cả.
Khóc là một trạng thái biểu cảm của con người. Có thể người ta khóc khi vui đó là những giọt nước mắt sung sướng. Nhưng nói chung phần lớn người ta khóc vì buồn, vì tủi, vì đau đớn, xót xa hay vì một sự hoà cảm nào đó. Trước khi trao duyên, Kiều cũng đã có ba lần khóc. Lần đầu tiên vào tiết thanh minh, trong khung cành "Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh". Ở đó Kiều đã "đầm đầm châu sa", khóc thương cho một Đạm Tiên tài hoa mà mệnh bạc. Đây là tiếng khóc bật ra một sự đồng cảm, của một sự tri kỷ tri âm nào đó. Đồng thời nó cũng là thái độ đánh giá của Kiều đối với Đạm Tiên: một sự cảm thông sâu sắc. Nó không phải là giả dối, không phải là nước mắt cá sấu. Ở đây Kiều khóc cho con người, khóc cho đồng loại, khóc cho một nửa thế giới nhân quần. Do đó lời than tiếp đó mang ý nghĩa khái quát rất cao: "Đau đớn thay phận đàn bà". Xét về mật âm thanh các từ "đau đớn thay", là nhịp vận động đi lên, rồi từ "phận" với thanh nặng tạo ra cảm giác rơi tõm xuống, tạo ra cảm giác chìm lấp, mất hút một khoảng không vắng lặng, để rồi hai thanh huyền ở từ đàn bà tạo ra cảm giác về sự cộng hưởng, sự lan tỏa của âm thanh. Từ đó giá trị của thời than được nhân lên trùng trùng lớp lớp.
Tiếp đó, lần khóc thứ hai là tiếng khóc của Kiều hốt hoảng trong đêm:
Giọng Kiều rền rĩ trướng loan
Nhà huyên chợt tỉnh hỏi cơn cớ gì.
Tiếng khóc ở đây bật lên thành lời như là một tiếng vang báo động, báo trước sự bình yên của gia đình sắp bị phá vỡ, tai họa sắp đổ ập xuống gia đình và bản thân Kiều: Cứ trong mộng triệu mà suy Thân con thôi có ra gì mai sau.
Sự cảm nhận bằng trực giác về số phận bi thảm của cuộc đời Kiều được Nguyễn Đu tái hiện bằng thủ pháp giấc mơ, một yếu tố kì ảo đóng vai trò yếu tố nghệ thuật tiên tri dự báo và vận động của cốt truyện. Sự cảm nhận đó sẽ được nhận thức để biến thành hành động. Tiếng khóc ở đây là Kiều khóc cho chính mình.
Khi tai họa đã ập xuống gia đình, Kiều đã phải "bán mình chuộc cha" thì tiếng khóc cũng xuất hiện. Tiếng khóc ở đây không thành tiếng, thành lời mà nước mắt thì không thể nào ngăn được và nỗi đau là vô cùng lớn lao:
Nổi mình thêm tức nổi nhà
Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng.
Sự so sánh ở đây thật là tài tình: "thềm" thì bất động mà "lệ" thì tuôn trào cứ "một bước" thì lại "mấy hàng" lệ rơi. Tiếng khóc ở đây là tiếng khóc cho đời, bởi đời đen bạc quá. Cái đen bạc đã đặt Kiều vào một bài toán phải cân nhắc giữa nghĩa và tình, mà vốn liếng để giải quyết chỉ có duy nhất là sắc và tài. Giá trị nhân phẩm con người trở thành hàng hóa. Trong xã hội phong kiến được mệnh danh là "Bốn phương phang lặng hai kinh vững vàng" đó có những oan trái tày trời, mà để cứu người cha, Kiều đã phải bán giá trị nhân phẩm, phải tự thù tiêu mình đi. Tiếng khóc cho đời mang sức mạnh tố cáo lớn lao.
Công cha nghĩa mẹ đã được đáp đền, có mối tình với chàng Kim thì sao? Mối tình đó cũng đẹp lắm chứ. Nó trong trắng, cao cả và thiêng liêng. Nó là sự giao hòa của cái đẹp "trai tài gái sắc", cái đẹp vũ trụ đồng điệu. Kiều rất hiểu và càng đau khổ hơn khi cảm nhận rằng Kiều là người có lỗi: "Vì ta khăng khít cho người dởdang". Trong đau đớn mất mát của gia đình, của bản thân, Kiều vẫn thương xót cho người khác hơn là thương mình. Quên mình và thương người, đó là phẩm giá đặc biệt của Kiều và cũng là phẩm giá của con người Việt Nam nói chung. Nỗi đau được nhàn lên trở thành nỗi đau đặc biệt, nỗi đau kèm mặc cảm có lỗi. Và cũng chỉ nghĩ đến người khác, nên Kiều đã tìm cách trao duyên - giải pháp đền bù - để an ủi cho người tình chung của mình.
"Một mình nàng ngọn đèn khuya", càng ngồi càng nghĩ, càng buồn càng tê tái. Đến khi Thuý Vân tỉnh giấc và với lời an ủi rất nhân hậu:
Cơ trời dâu bể đa đoan
Cả nhà để chị riêng oan một mình.
Giải pháp đền bù mới được hé ra. Kiều mới nghĩ đến việc trao duyên, trao lại mối tình đầu thơ mộng đẹp đẽ cho em mình. Kiều ngùng khóc và giãi bày với ý nguyện:
Rằng: lòng đương thổn thức đây
Tơ duyên còn vướng mối này chưa xong
Kiều thừa nhận mình đã khóc, nhưng không phải khóc vì "bán mình chuộc cha" cứu thoát cho cả nhà mà vì còn "vướng" mối "tơ duyên", "vướng" thôi. Một mức độ nhẹ nhàng vừa phải. Khi bị vướng người ta có thể phá bỏ, dứt bỏ, bởi vì chưa có sự ràng buộc gì về pháp lí. Nhưng ở Kiều chữ "tín" là trọng, lời thề là thiêng liêng. Kiều không dứt bỏ mà tìm cách "gỡ ra" cho nguyên vẹn. Hơn nữa cái gỡ là "tơ duyên", vô hình mà hữu hình và đòi hỏi phải nguyên vẹn. Cách nghĩ và hành động như vậy hoàn toàn phù hợp với đặc điểm tâm lí nhân ái của Kiều. "Vướng" cũng là đầu mối duy nhất còn lại, giữ Kiều với gia đình, với hạnh phúc, với quá khứ êm đềm đẹp đẽ. Gỡ nó đi thì Kiều mất tất cả mọi quan hệ tốt đẹp đó. Đây là nỗi đau tiềm ẩn ở Kiều.
Hở môi ra cũng thẹn thùng
Để lòng thì lại phụ lòng với ai.
Một nỗi lòng được giải bày. Nó vừa là sự thổ lộ nỗi niềm riêng tư kín đáo, vừa là rào đón. Thổ lộ mà lại "thẹn thùng" là vì trong xã hội phong kiến quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân", "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" ngự trị thời đại. Đó cũng là hiện thực của thời đại. Thổ lộ còn có ý nghĩa là giãi bày, vì đây là trách nhiệm của Kiều. Kiều không thể mang mối tình đó đi được, Kiều không có quyền mang theo một cái riêng tư, vướng bận vì Kiều đã bị bán. Kiều đã mất quyền làm chủ bản thân. Không nói ra, song Kiều băn khoăn như là người có lỗi và Kiều cũng tự nhận lỗi, muốn làm điều gì để khỏi "phụ lòng với ai". Nét đẹp cao cả của Kiều là chỗ đó.
Song liệu Thuý Vân có nhận lời không? Con người ta cũng có lòng tự trọng. Vì thế Kiều phải rào đón. Sự rào đón này tạo ra sự chú ý quan tâm của Vân, lôi cuốn Vân vào cuộc, để từ đó kích thích tấm lòng nhân hậu của Vân, tạo ra sự cảm thông sâu sắc của hai chị em trong hoàn cảnh đặc biệt này.
Cách đặt vấn đề của Kiều cũng khéo léo, sự khéo léo thật bình tĩnh:
Cậy em, em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Nghĩa là chuyện thì còn dài, nếu Vân chịu nghe thì Kiều xin được lạy đã rồi mới "thưa" chuyện. "Thưa" là chuyện nghiêm túc. Trước sự hi sinh cao cả của Kiều, trước tấm lòng nhân hậu của Kiều, Thuý Vân cũng hiểu được chuyện đang vướng là "tơ duyên", là chuyện tình, nhưng để nghe chuyện tình đó thì phải nhận "lạy" đã. "Lạy" là một hành vi mang tính chất tôn giáo đã góp phần làm thiêng liêng hóa vấn đề.
Lời đề nghị của Kiều bao hàm tính điều kiện, tính ràng buộc trong đó. Câu chuyện tình Kim - Kiều không bó hẹp nữa mà nó trở thành tình nghĩa. Kiều lấy nghĩa để đáp lại tình Kim và hi vọng Vân sẽ lấy nghĩa để đáp đền tình chị: "Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em".
Tiếp đó Kiều kể lại vắn tắt:
Kể từ khi gặp chàng Kim
Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề.
Ba từ "khi" chỉ ba trạng thái nhưng đều là các hành động diễn ra liên tiếp, không đứt quãng. "Ngày" và "đêm" nối tiếp làm cho thời gian liền mạch. Tất cả quy tụ lại vào hai chữ "ước" và "thề". Nhưng bài toán "Sự đâu sóng gió bất kỳ" chỉ có một đáp số: "Hiếu tình khôn lẽ hai bê vẹn han.
Lời bàn như thế là thấu đáo, hoàn cảnh của Kiều không cho phép Kiều thực hiện cả hiếu cả tình. Kiều rất ý thức về điều đó. Một câu hỏi lớn được đặt ra để nâng cao nhận thức cho Thuý Vân, để Kiều bàn bạc với Thuý Vân.
Ngày xuân em hãy còn dài
Đối lập với "dài" là "ngắn". Xuân em thì "dài" mà xuân chị thì "ngắn", thậm chí ngắn tới mức không còn nữa để mà so sánh. Trong thâm tâm, Kiều cũng xác định mình không còn tuổi xuân nữa, mùa xuân cuộc đời Kiều đã chấm dứt từ khi nàng quyết bán mình chuộc cha. Cuộc đời Kiều, về tinh thần đã chấm dứt. Chiều sâu của nỗi đau hiện lên. Kiều van lạy, kêu gọi Vân hãy vì sự mất mát đó của Kiều vì đó cũng là máu chảy ruột mềm, để mà: "Xót tình máu mủ thay lời nước non". Xót có nghĩa là phải chịu một nỗi đau đồng cảm, người ngoài cuộc không có được nỗi đau mất mát này. Xót chỉ được tạo ra bởi tình máu mủ thì nỗi đau mới thấm thìa và tính trách nhiệm của Vân mới cao. Vân phải chia sẻ nỗi đau đó.
Nói được cái cần nói, đặt được lời trao duyên rồi, Kiều đề cập ngay đến cái chết:
Chị dù thịt nát xương mòn
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Bởi vì lời thế trước vong linh người chết bao giờ cũng thiêng liêng cao cả, đầy danh dự và trách nhiệm. Giữ lời hứa với người đã khuất cũng vậy. Nhận lời trao duyên của Kiều, Vân phải thực hiện trách nhiệm của người sống để đền đáp nghĩa đối với "người chết".
Trong tình yêu, ngoài lời nói còn kỉ vật. Cuộc gặp gỡ thề thốt giữa Kim - Kiều, Vân đâu có biết. Vì vậy phải có kỉ vật để làm bằng: "Chiếc thoa với bức tờ mây", Kiều đã trao lại và dặn em:
Duyên này thì giữ vật này của chung
"Tờ mây" cam kết cho duyên lành và giữ cho duyên khỏi tan vỡ, còn "chiếc thoa" thì là "của chung", bởi lẽ mỗi khi nhớ chàng Kim, Kiều cũng đã từng phải giở nó ra. Trao kỉ vật xong, Kiều lại nói đến cái chết:
Dù em nên vợ nên chồng
Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.
Nỗi đau được đẩy lên bằng chính sự tự ý thức của Kiều, Kiều tự ví mình là "người mệnh bạc", để rồi sau này khi Vân đau xót vì "người mệnh bạc", Vân sẽ giữ gìn "duyên" tốt hơn. Kiều cũng đã ngầm lo cho hạnh phúc của chàng Kim nữa.
Các kỉ vật như "chiếc thoa", "bức tờ mây" là kỉ vật mang tính pháp lí, mang tính ràng buộc, nhưng chưa phải là kỉ vật của tình cảm. Kiều phải nghĩ tới lúc Kim Trọng thấy lại "chiếc thoa" và "bức tờ mây" mà vẫn không chịu lấy Thúy Vân thì sao? Kiều đã đưa cho em các kỉ vật của tình cảm - các kỉ vật gắn liền với cảm giác tâm linh - để giải quyết vấn đề đó:
Mất người còn chút của tin
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
Đây là các kỉ vật của sự gắn kết, của sự thiêng liêng hoá các mức độ của tình cảm: "phím đàn" đã tạo ra sự hoà quyện âm thanh giữa đất và trời giữa nam và nữ, là tiếng lòng giãi bày, là tâm tư được nói hộ, còn "mảnh hương" gắn với sự thề nguyền từ hai con tim đồng điệu. Ở đó "thiên nhân hợp nhất". Cái đau lại hiện lên khi kỉ niệm lại hiện về. Và cái chết lại xuất hiện bằng một viễn cảnh mà Kiều tự vẽ cho mình:
Mai sau dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền nghi trúc mai.
Cái đau thể hiện khát vọng hướng về cái đẹp, cái hạnh phúc, hướng tới khát vọng về sự bình an trong cuộc sống gia đình, ý thức được điều đó bao nhiêu, nỗi đau của Kiều càng lớn bấy nhiêu:
Dạ đài khuất mặt cách lời
Rưới xin giọt nước cho người thác oan.
Vì "sóng gió bất kì" nên Kiều phải "thịt nát xuơng mòn" phải trở thành "người mệnh bạc" nhưng Kiều dứt khoát khẳng định mình là "người thác oan". Đó là nỗi oan mà "Oan này có một kêu trời nhưng xa". Nỗi đau được nhận thức và được nhân lên gấp bội. Và thời gian không còn ủng hộ Kiều nữa, thời gian lúc này đã gấp gáp lắm rồi:
Bây giờ trâm gãy gương tan
Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!
Từ "bây giờ" có một sức mạnh đặc biệt. Nó đặt dấu chấm hết cho mọi quan hệ, liên hệ của Kiều với quá khứ, trả lại Kiều trong hiện tại phũ phàng. Tất cả đều đã "gãy" và "tan", đều không cứu vãn được nữa. "Gãy" và "tan" tăng thêm sức mạnh cho sự phũ phàng, cho sự oan nghiệt trút lên đời Kiều. Ba lần trao: một lần trao lời, hai lần trao kỉ vật đều được kèm theo liền ba hình ảnh của cái chết, của bóng tối, của cái ác. Kiều đau cả thể xác, Kiều đau cả tinh thần.
Nước mắt lại rào ra cùng với những lời thổn thức, xót xa, bởi đấy cũng là lời vĩnh biệt:
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!
Phận sao phận bạc như vôi
Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng.
"Tơ duyên ngắn ngủi", Kiều không muốn dứt bỏ, cắt xé nó, nhưng Kiều cũng đã không làm thế nào để giữ được. Sức mạnh tố cáo lại bật ra. Và không nén được, nỗi đau lại bùng lên với tiếng khóc xé ruốt:
Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang!
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Tiếng khóc như là tiếng thét căm hờn kết án một xã hội phong kiến tàn ác. Nó bật ra từ một nỗi đau thê thảm của một con người tài hoa nhưng bị vùi dập.
Cảnh trao duyên diễn ra trọn vẹn giữa hai lần khóc, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, khoảnh khắc chuyển đổi cuộc đời của Kiều, của Vân, của Kim Trọng trong "cuộc bể dâu". Cuộc trao duyên như một lời trăng trối của người sắp chết nói lại với người đang sống là lời tố cáo đanh thép vạch trần xã hội phong kiến xấu xa tàn ác. Thực hiện việc trao duyên, Kiều đã nuôi hi vọng đền đáp nghĩa tình cho Kim Trọng. Ở đây, ngoài nỗi đau của Kiều còn có nỗi đau mất mát, tổn thất không bù đắp được của Kim Trọng, mặc dù chàng Kim vắng mặt ở đây. Nỗi đau của chàng Kim hòa quyện trong nỗi đau của Kiều và Kiều là người hiểu hơn ai hết nỗi đau mất mát đó. Thuý Vân cũng có nỗi đau riêng, nỗi đau đồng cảm sinh ra từ nỗi đau mất mát của Kim - Kiều, của gia đình.
---------------------------------------------
Trên đây VnDoc.com đã giới thiệu tới bạn đọc tài liệu: Tiếng khóc và nỗi đau của Thúy Kiều trong Trao duyên. Để có kết quả cao hơn trong học tập, VnDoc xin giới thiệu tới các bạn học sinh tài liệu Ngữ văn lớp 10, Học tốt Ngữ Văn lớp 10,Thi thpt Quốc gia môn Toán, Thi thpt Quốc gia môn Văn, Thi thpt Quốc gia môn Lịch sử mà VnDoc tổng hợp và đăng tải.