Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Bàn về đọc sách

VnDoc xin giới thiệu bài Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Bàn về đọc sách hay, chính xác nhất sách Chân trời sáng tạo giúp học sinh nắm được trọng tâm văn bản từ đó học tốt môn Ngữ văn 7.

A. Bố cục Bàn về đọc sách

- Phần 1: từ đầu… làm kẻ lạc hậu: Tầm quan trọng của sách

- Phần 2: tiếp theo… những cuốn sách quan trọng, cơ bản: trở ngại của việc đọc sách

- Phần 3: còn lại: bí quyết của việc đọc sách

B. Nội dung chính Bàn về đọc sách

Chu Quang Tiềm trong bài viết đã khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Từ việc đưa ra những sai lầm trong việc đọc sách, tác giả hướng tới cách đọc sách khoa học, hợp lí cho con người

C. Tóm tắt Bàn về đọc sách

Tóm tắt tác phẩm Bàn về đọc sách (Mẫu 1)

Đọc sách chính là trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của thế giới. Nhưng đọc sách không phải một công việc dễ dàng khi ngày nay những giá trị tinh thần đang ngày càng phong phú. Vì sách nhiều nên ta dễ kiếm, người ta mang sách ra để trang trí hay khoe khoang. Hoặc sách nhiều khiến người ta lạc hướng. Vậy phương pháp đọc dành cho chúng ta là đọc phải biết lấy tinh cốt của sách, tránh lan man. Đọc sách nên phân chia ra sách chuyên ngành và sách phổ thông để biết chọn sách cần thiết mà học. Nhưng cũng cần biết kết hợp những cuốn sách liên quan để mở rộng vốn tri thức cá nhân.

Tóm tắt tác phẩm Bàn về đọc sách (Mẫu 2)

Bài “Bàn về đọc sách” nói về tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc nâng cao tri thức và tạo dựng giá trị con người. Đồng thời bài viết còn chỉ ra những cách đọc sách đúng, hiệu quả để khai thác tối đa ý nghĩa của những cuốn sách cho bạn đọc nhiều thế hệ.

D. Tác giả, tác phẩm Bàn về đọc sách

I. Tác giả

- Chu Quang Tiềm (19 tháng 9 năm 1897 - 6 tháng 3 năm 1986)

- Quê quán: Trung Quốc

- Các tác phẩm chính: Tâm lí học văn nghệ, Bàn về thơ, Bàn về đọc sách…

II. Tác phẩm Bàn về đọc sách

1. Thể loại: Nghị luận xã hội

2. Xuất xứ, hoàn cảnh sáng tác

- Tác phẩm nằm trong sách Ngữ văn 9 tập 2, Nguyễn Khắc Phi (Tổng chủ biên), Trần Đình Sử dịch, NXB Việt Nam (2011)

3. Phương thức biểu đạt: nghị luận

4. Tóm tắt Bàn về đọc sách

- Văn bản bàn về việc đọc sách mang lại những lợi ích gì cho người đọc và đưa ra 2 vấn đề trở ngại lớn của việc đọc sách, cuối cùng tác giả đưa ra các bí quyết để đọc sách hiệu quả hơn

5. Bố cục tác phẩm Bàn về đọc sách

- Phần 1: từ đầu… làm kẻ lạc hậu: Tầm quan trọng của sách

- Phần 2: tiếp theo… những cuốn sách quan trọng, cơ bản: trở ngại của việc đọc sách

- Phần 3: còn lại: bí quyết của việc đọc sách

6. Giá trị nội dung tác phẩm Bàn về đọc sách

- Văn bản bàn về giá trị và bí quyết của việc đọc một cuốn sách

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Bàn về đọc sách

- Đưa ra ý kiến, giả thích dễ hiểu

- Lý lẽ mang tính thuyết phục cao

- Sắp xếp các ý kiến theo thứ tự hợp lý

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Bàn về đọc sách

1. Lợi ích và những trở ngại của việc đọc sách

- Lợi ích của việc đọc sách

+ Đọc sách là một con đường quan trọng trong học vấn

+ Sách vở ghi chép, lưu truyền lại lịch sử của nhân loại

+ Kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần

- 2 trở ngại của việc đọc sách

+ Sách đáng quý nhưng chỉ là một thứ tích lũy

+ Nó có thể làm trở ngại cho việc nghiên cứu

- Tác giả đã đưa ra và làm rõ trở ngại của việc đọc sách

+ Sách khiến người ta không chuyên sâu

+ Sách nhiều dễ khiến cho chúng ta lạc hướng

+ Người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất

2. Bí quyết của việc đọc sách

- Tác giả đưa ra nhiều bí quyết để đọc sách trở nên tốt hơn

+ Phải chọn cho tinh,đọc cho kĩ

+ Số lượng nhiều không bằng đọc chất lượng

+ Nếu đọc mười quyển sách mà lướt qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần

+ Đọc sách không thể đọc nhiều coi là vinh dự, đọc ít không thể coi là xấu hổ

+ Đọc ít nhưng mà kĩ, luyện nếp nghĩ sâu xa

+ Đọc để bản thân hiểu, biết thêm kiến thức chứ không phải để lừa dối bản thân mình

E. Đọc tác phẩm Bàn về đọc sách

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.

Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần nhân loại càng phong phú, sách vở tích luỹ càng nhiều, thì việc đọc sách cũng ngày càng không dễ. Sách tất nhiên là đáng quý, nhưng cũng chỉ là một thứ tích lũy. Nó có thể làm trở ngại cho nghiên cứu học vấn. Ít nhất có hai cái hại thường gặp. Một là, sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu. Các học giả Trung Hoa thời cổ đại do sách khó kiếm, một đời đến bạc đầu mới đọc hết quyển kinh. Sách tuy đọc được ít, nhưng đọc quyển nào ra quyển ấy, miệng đọc, tâm ghi, nghiền ngẫm đến thuộc lòng, thấm vào xương tuỷ, biến thành một nguồn động lực tinh thần, cả đời dùng mãi không cạn. Giờ đây sách dễ kiếm, một học giả trẻ đã có thể khoe khoang từng đọc hàng vạn cuốn sách. “Liếc qua” tuy rất nhiều, nhưng “đọng lại” thì rất ít, giống như ăn uống, các thứ không tiêu hoá được tích càng nhiều, thì càng dễ sinh ra bệnh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn đều do lối ăn tươi nuốt sống đó mà sinh ra cả. Hai là, sách nhiều khiến người đọc lạc hướng. Bất cứ lĩnh vực học vấn nào ngày nay đều đã có sách vở chất đầy thư viện, trong đó, những tác phẩm cơ bản, đích thực, nhất thiết phải đọc chẳng qua cũng mấy nghìn quyển, thậm chí chỉ mấy quyển. Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất, đã lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách vô thưởng vô phạt, nên không tránh khỏi bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng, cơ bản. Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận, cần phải đánh vào thành trì kiên cố, đánh bại quân địch tinh nhuệ, chiếm cứ mặt trận xung yếu. Mục tiêu quá nhiều, che lấp mất vị trí kiên cố, chỉ đá bên đông, đấm bên tây, hoá ra thành lối đánh “tự tiêu hao lực lượng”.

Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ liếc qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đang làm lời răn cho mỗi người đọc sách.

Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ để lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém.

Sách đọc nên chia làm mấy loại, một loại là sách đọc để có kiến thức phổ thông mà mọi công dân thế giới hiện nay đều phải biết, một loại là sách đọc để trau dồi học vấn chuyên môn. Muốn có kiến thức phổ thông, hiện nay các bài học ở trung học và năm đầu đại học, nếu chăm chỉ học tập thì cũng đủ dùng. Nếu chăm chỉ học tập mà chỉ đọc thuộc giáo trình thì chẳng có ích lợi gì, mỗi môn phải chọn lấy từ 3 đến 5 quyển xem cho kĩ. Môn học kiến thức phổ thông tổng số không quá mười mấy môn, mỗi môn chọn từ 3 đến 5 quyển, tổng cộng số sách cần đọc cũng chẳng qua trên dưới 50 quyển. Đây không thể xem là đòi hỏi quá đáng. Nói chung, số sách mà một người đã đọc, phần lớn không chỉ có thế, nếu họ không thu được lợi ích thật sự là do họ thiếu lựa chọn, khi đọc lẽ ra đọc kĩ thì họ lại đọc qua loa.

Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lý học, cho đến ngoại giao, quân sự… Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát. Các học vấn khác đại khái cũng như vậy, không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn. Trước hãy biết rộng rồi sau mới nắm chắc, đó là trình tự để nắm vững bất cứ học vấn nào. Trong lịch sử học thuật, phàm là người có thành tựu lớn trong bất kì một lĩnh vực nào, đều phải có cơ sở sâu sắc của nhiều môn học vấn khác.

F. Ý nghĩa nhan đề tác phẩm Bàn về đọc sách

Nhan đề “Bàn về đọc sách” thể hiện trực tiếp nội dung sẽ đề cập trong tác phẩm. Vấn đề nghị luận của bài viết là: Đọc sách là con đường quan trọng để chúng ta tích lũy, nâng cao học vấn, đọc sách có những khó khăn và phải có phương pháp đọc hiệu quả.

>>> Bài tiếp theo: Tóm tắt, bố cục, nội dung chính văn bản Tôi đi học

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Đậu Phộng
    Đậu Phộng

    🤠🤠🤠🤠🤠🤠🤠

    Thích Phản hồi 5 giờ trước
    • Bé Cún
      Bé Cún

      😊😊😊😊😊😊😊

      Thích Phản hồi 5 giờ trước
      • Lê Thị Ngọc Ánh
        Lê Thị Ngọc Ánh

        🤞🤞🤞🤞🤞🤞🤞🤞🤞

        Thích Phản hồi 5 giờ trước
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Ngữ văn 7 CTST Tập 2

        Xem thêm