Viết thư quốc tế UPU lần thứ 43: Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 "Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào?".
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 43: "Hãy viết một bức thư diễn tả âm nhạc có thể lay động đời sống như thế nào" được VnDoc sưu tầm, chọn lọc những bài văn mẫu hay đạt giải trên toàn quốc là tài liệu tham khảo hữu ích cho các em học sinh củng cố, rèn luyện, trau dồi thêm vốn từ cho bài văn viết thư trong các kỳ thi.
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 45: "Hãy viết thư cho chính mình năm 45 tuổi"
Lưu ý:
Hiện tại, các em học sinh đang chuẩn bị cho bài Viết thư UPU 47 chủ đề Hãy tưởng tượng em là một bức thư có khả năng du hành vượt thời gian, khi đó thông điệp nào em muốn truyền tải tới người đọc. VnDoc.com đã cập nhật bài viết mẫu về cuộc thi viết thư upu lần thứ 47 năm 2017 - 2018 này. Mời các em tham khảo.
Những bài văn mẫu viết thư quốc tế UPU lần thứ 43
Bài tham khảo 1
Ngày 17 tháng 1 năm 2014
Kính gửi bà!
Tôi là cây vĩ cầm nhỏ của cậu Vĩ Phong - con trai út của bà. Những ngày tháng vừa qua quả là những ngày tháng căng thẳng và vô cùng đau khổ của gia đình bà. Tôi xin chia buồn. Nhưng xin bà, bà đừng làm mất đi niềm đam mê âm nhạc của cậu con trai bé bỏng.
Là một cây đàn ngày ngày được để gọn ghẽ nơi góc phòng, tôi được chứng kiến sự tình đang diễn ra trong gia đình bà. Chồng bà đã bỏ đi theo cô nghệ sĩ chơi violin nổi tiếng khiến bà buồn bã và trở nên ghét violin, ghét cái gọi là âm nhạc. Vì vậy mà bà nỡ vô tình phá hỏng ước mơ âm nhạc của cậu con trai để cậu lại trở về sống lầm lũi như trước ư?
Cậu chủ bị mù từ nhỏ. Cậu đã nhiều lần tâm sự với tôi về cuộc sống xưa kia. Khi chưa có tôi, cậu lặng lẽ, cô đơn biết bao! Không bạn bè, không vui chơi, không dám bước chân ra khỏi nhà khi không có ba mẹ... Cậu mặc cảm, tự ti, luôn dựa dẫm vào người khác. Cho đến một ngày, vô tình nghe thấy tiếng đàn violin bên tai, cậu khao khát có một cây đàn. Nhiều lần như vậy, chẳng biết từ đâu, niềm đam mê âm nhạc đã trỗi dậy trong tâm hồn nhỏ bé của cậu. Từ khi tôi đến với cậu, mọi thứ đã đổi thay hoàn toàn. Âm nhạc với cậu là từ đôi tai, nhưng hơn cả là từ trái tim. Cậu đã học chơi đàn với đôi mắt mù lòa và niềm khâm phục của cô giáo dạy nhạc. Từng đầu ngón tay khẽ lướt gậy qua khung đàn, cậu đã cảm nhận âm nhạc bằng tình yêu, niềm say mê. Cậu quá yêu âm nhạc!
Và rồi, bà biết đấy, cậu chủ đã mở lòng với cuộc sống. Cậu đòi đi học, đòi đi chơi, đòi được giao lưu, tiếp xúc với mọi người. Một phần cậu muốn khoe mình biết chơi đàn, và một phần là do sự tác động của âm nhạc với tâm hồn cậu. Âm nhạc ư? Nó không chỉ là thứ sinh ra để giải trí, mà còn làm thay đổi cuộc sống của cả một con người. Chính tôi - thứ nhạc cụ đại diện cho âm nhạc đã biến một cậu bé lầm lũi trở thành người có ước mơ, hoài bão. Bà có biết cậu đã ước mơ trở thành một nghệ sĩ chơi violin tài ba không?
Vậy là bà đã hiểu sự lay động của âm nhạc tới mỗi con người như thế nào. Cậu con trai bé nhỏ của bà là minh chứng rõ ràng cho điều đó. Tâm hồn cậu trong sáng hơn, lạc quan hơn, cậu sống có mục đích hơn. Cậu muốn đi học, muốn được chơi với bạn bè, có nhiều bạn bè yêu mến. Cậu đã vứt hết cái mặc cảm của cuộc đời đen tối trước kia. Ấy là khi âm nhạc lên ngôi. Âm nhạc quá quan trọng, quá cần thiết với cậu. Nó mang đến một chân trời mới, một thế giới mới - thế giới của ánh sáng, của những thăng hoa mà cậu đã nhìn thấy không phải bằng đôi mắt. Tương lai đang đến, thử tưởng tượng một cậu bé có cái tên Vĩ Phong kiêu hãnh đứng trên sân khấu, mải miết theo những nốt nhạc cao vút và rong ruổi cùng sự tán thưởng của khán giả - thứ mà bà không mang đến được, ba cậu cũng không mang đến được.
Đó chẳng phải là một điều kì diệu ư?
Và bà chẳng phải sẽ rất hạnh phúc và tự hào ư?
Vậy mà tại sao bà nỡ cấm con trai mình chơi nhạc vì một lẽ quá ư là cá nhân. Nhưng bà có biết, mỗi khi bà ra khỏi nhà là cậu chủ vẫn lén lôi tôi ra, kéo lên những nốt nhạc bình yên, thả hồn mình vào những giai điệu trong veo. Để rồi mỗi lần bà về, cậu cuống lên vứt tôi vào xó, như những gì bà đã làm với tôi - đập tôi không thương tiếc để bà không phát hiện. Sau mỗi lần ném tôi như vậy, cậu lại sà vào chỗ tôi, ôm tôi trong lòng, thổn thức với những tiếng nấc trong đau đớn. Còn tôi, sau những trận bầm dập bởi bụi bặm, vì tình thương, sự nâng niu, trân trọng của cậu chủ, tôi vẫn sống như hôm nay.
Bà chủ đáng kính! Chẳng nhẽ bà muốn cuộc sống của con trai mình trở về sự lầm lũi ngày xưa sao? Chẳng nhẽ bà muốn cậu bé đầy khát khao và ước mơ kia phải từ giã âm nhạc, từ bỏ những tiếng đàn đã làm cho cậu tự tin như ngày hôm nay sao? Bà thật vô tâm và độc ác quá! Âm nhạc một khi đã là cuộc sống của con người thì khó có thể kéo nó ra khỏi họ.
Vì vậy, tôi mong bà sau khi đọc bức thư này, hãy gạt đi những nỗi buồn cá nhân mà nghĩ về con trai mình, về tương lai tươi sáng mà cậu đang hướng đến. Tôi rất mong có một sự thay đổi tốt đẹp.
Từ căn phòng của cậu chủ.
Cây Violin
"Đây là bức thư đạt giải nhất cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 43 của em Phạm Phương Thảo - học sinh lớp 7 ở Hải Phòng"
Bài tham khảo 2
Kính gủi chú Trịnh Công Sơn
Ở trên thiên đàng xa xôi, con mong nhạc sĩ hãy luôn mỉm cười vì những đứa con của chú vẫn được nhân gian nâng niu, trau chuốt, ôm ấp từng giờ, từng phút!
Từ khi con sinh ra đã được mẹ ru những giai điệu dân ca ầu ơ ví dầu ... rồi đến các bản nhạc thiếu nhi của chú như: Mẹ đi vắng, Tiếng ve gọi hè, Em là hoa hồng nhỏ, ... lời ca thật dịu dàng, đầm ấm, dễ nhớ. Âm nhạc bước vào tâm hồn con nhẹ nhàng như vậy đó.
Lớn thêm một chút con được cô dạy hát bài Nối vòng tay lớn, một bài hát dành cho tất cả thanh thiếu niên Việt Nam mỗi khi họp đoàn đội, cắm trại, ... lời ca chú gửi trong bài hát thật bao la, hào hùng, chứa chan tình cảm thân thương. Và con biết rằng từ xa xưa con người đã biết vận dụng âm nhạc vào thực tế đời sống và chiến đấu, theo sách giáo khoa lịch sử ghi lại: Để đưa những khẩu pháo vượt qua đèo người ta thường lấy sức kéo bằng một điệu hò, chính điều đó mà nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác bài hát "Hò kéo pháo" - một bài ca bất diệt đi cùng năm tháng đấu tranh không mệt mỏi của dân tộc ta. Rồi trong cảnh chia ly đau khổ khi những đứa con ra trận, người mẹ mỏi mòn chờ đợi con về, chú đã viết nên Huyền thoại Mẹ thầm ghi ơn những hi sinh cao cả của người Mẹ Việt Nam anh hùng. Từng lời ca như từng giọt nước mắt thấm đẫm trên môi con mỗi khi hát bài này, từng câu chuyện ngày xưa luôn nhắc cho con ghi nhớ phải sống thất tốt, thật có ý nghĩa bởi biết bao nhiêu xương máu của thế hệ cha anh đã đổ xuống để con có được cuộc sống hoà bình, độc lập.
Với con nói riêng âm nhạc đã nâng bước con từ thuở sơ sinh đến ngày hôm nay và nhân loại nói chung âm nhạc luôn song hành cùng mọi người đến hơi thở cuối cùng. Như Cát bụi, như Một cõi đi về,... đã cô đọng lại trong tâm hồn mỗi người yêu nhạc một triết lý nhân sinh sâu sắc. Nếu ai đó còn đang xuân thì yêu đương phơi phới hẳn cũng phải nhớ đến Tình sầu, Tình nhớ, Tình xa, ... và rất nhiều ca khúc nhạc tình tha thiết chú để lại cho những đôi lứa yêu nhau.
Có thể nói âm nhạc có sức lay động ghê ghớm từ ngọn cỏ, cành cây đến muôn loài, muôn thú, mỗi khi âm thanh cất lên bản thân nó đều mang một ý nghĩa nhất định, có thể là yêu thương, có thể là giận dữ cũng có thể là niềm vui và cũng có thể là nỗi buồn, ... Bởi thế, khi buồn ta không nên nghe những bài nhạc sầu, khổ luỵ sẽ làm ta rầu rĩ, suy nghĩ chán chường. Thay vào đó hãy nghe những ca khúc mạnh mẽ, lời ca khích lệ, vượt qua khó khăn cho ta thêm ý chí vững vàng trước chông gai thử thách. Nhưng hơn hết âm nhạc luôn hướng con người đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng con người đến cái tốt, tránh xa điều xấu, làm con người xích lại gần nhau hơn.
"Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, ta có thêm ngày nữa để yêu thương". Vâng và cũng cảm ơn nhạc sĩ, cảm ơn chú đã đến thế giới này và để lại cho đời những giai điệu bất hủ, còn mãi với thời gian.
Một người hâm mộ chú.
Bài tham khảo 3
Khánh Hòa, ngày, tháng, năm
Anh Hai yêu quý của em!
Đã lâu lắm rồi em bận học nên không viết thư được cho anh em xin lỗi. Ngày nay dịch vụ công nghệ thông tin phát triển mạnh, nhưng em vẫn muốn viết lại những bức thư tay tặng anh. Em nhớ không nhầm thì hai cái tết rồi anh chưa về, em nhớ anh nhiều lắm.
Em ngồi viết thư vừa suy nghĩ lại về những kí ức đẹp của hai anh em ta. Em nhớ những ngày ngồi bên anh, được anh an ủi và động viên, những lúc em buồn hay vui, anh đều bên cạnh chăm sóc em. Em còn nhớ rất rõ, ngày em đang rất buồn. Anh cho em nghe bài hát "The cup of life" và khuyên em hãy cố nghe những bản nhạc sôi động mỗi khi em buồn, để em có thể quên đi hết tâm trạng đau khổ, buồn chán. Những khi vui thì hãy nghe những bản nhạc dạt dào, những tình cảm chân thật, để mở rộng tấm lòng mình. Anh khuyên em nghe thật nhiều, nhưng em cứ cho rằng đó là trò trẻ con nhưng em thật sự đã thấy, những hiệu quả những lời anh nói với em khi anh đã bật cho em nghe. Những bản giao hưởng, những bản nhạc sôi động, những bản nhạc đó đã góp phần giúp em quên đi những buồn phiền, mệt mỏi em cảm nhận như được nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Hôm nay em viết thư này để cảm ơn anh và tìm lại những bản nhạc xưa ngày ấy. Em nhớ rất rõ những bản nhạc xưa, anh biết không hôm nay em tìm lại những bản nhạc xưa bất chợt em thấy một clip về quảng cáo dầu gội Pantine ở Thái Lan làm em rất trăn trở. Clip kể câu chuyện về một cô gái A nhà nghèo, mẹ mất sớm, cô bé ở với bố, bố cô bé phải đi đàn hát dạo để kiếm sống. Và điều bất hạnh hơn cả là cô bé lại bị câm. Cô bé có một niềm đam mê mãnh liệt với đàn violon nhưng luôn bị bàn bè chế giễu. Đặc biệt, ở lớp có một cô bé B nhà giàu luôn nghĩ ra đủ trò để trêu chọc, hành hạ cô. Nhưng cô bé A này luôn nỗ lực học, đặc biệt là đàn violon, và cô bé đàn rất hay. Rồi một ngày, một cuộc thi âm nhạc cổ điển sắp được tổ chức, cô bé A đăng kí. Cô bé B nhà giàu cũng đăng kí thi và khi biết chuyện, trước ngày thi đã cho người đến đập đàn violon và đánh đập bố của cô bé A khi ông đang biểu diễn dạo kiếm tiền làm cho cô bé A sẽ nản lòng và bỏ cuộc. Ngày thi, cô bé B dự thi cuối cùng, Sau khi cô bé B kết thúc phần dự thi piano với những tràng pháo tay không ngớt, những tưởng ngôi vị quán quân là đây thì cô bé A bỗng xuất hiện, với cây violon dán chằng chịt băng dính, dự thi với tất cả nỗ lực của mình. Khi cô bé A biểu diễn, cả khán phòng lặng như tờ. Người nghe cũng cảm nhận được những nỗ lực, những oan ức, những bất công của cô bé đã trải qua. Nhưng trên hết, vượt qua những điều đó, người nghe được đắm chìm vào một không gian khoáng đạt, rộng rãi của niềm tin, được hòa mình với mùi cỏ non ban mai, được thưởng thức ánh bình minh qua tiếng đàn của cô. Tiếng đàn của cô giúp mọi người thấy tin tưởng vào cuộc sống, tin tưởng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Khi nghe tiếng đàn của cô bé A, mình cũng như có thêm một luồng sinh khí mới, tâm hồn như tươi mới hơn, yêu đời hơn. Và cô bé đã nhận được giải nhất.
Anh à, ngày hôm đó em đã nhận ra âm nhạc có sức mạnh như thế nào. Âm nhạc như một món ăn, một liều thuốc tinh thần giúp con người vững vàng hơn cuộc sống. Âm nhạc có sức lay động lòng người, giúp con người hướng thiện. Thật sự, em rất cảm ơn anh đã truyền cho em niềm đam mê âm nhạc kì thú từ lúc em còn thơ bé, để hôm nay em có thể nhận ra được bao điều tốt đẹp trong cuộc sống nhờ âm nhạc.
Trời cũng đã muộn rồi, em xin dừng bút tại đây. Em rất mong một ngày nào đó anh về lại quê nhà, và mang cho em những khúc tình ca hay nhất. Em mong sớm được nhận thư từ anh.