Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49: Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống

Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 đã chính thức thức khởi hành với Chủ đề: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Mời các bạn cùng theo dõi chủ đề viết thư và các bài văn mẫu về chủ đề này.

Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2020

Cuộc thi được Hội nghị của UPU tổ chức tại Tokyo thông qua năm 1969 và chính thức được công bố vào năm 1971, cuộc thi đã thu hút các em học sinh tài năng từ nhiều quốc gia trên thế giới tham gia.

Mục tiêu chính của cuộc thi là thúc đẩy các em học sinh trên toàn cầu say mê viết lách và giáo dục trong học sinh. Mục tiêu của cuộc thi cũng gần gũi với Mục tiêu thứ 4 chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, hướng tới giáo dục toàn diện và công bằng cho các em.

Mỗi năm UPU lại công bố một chủ đề. Các nước tham gia cuộc thi sẽ tổ chức cuộc thi ở cấp quốc gia với sự hỗ trợ của Bưu chính và Bộ Giáo dục đào tạo.

Cuộc thi cấp quốc gia sẽ chọn ra bức thư đạt Giải Nhất và gửi đến UPU dự chung kết toàn cầu. Ban giám khảo của cuộc thi quốc tế sẽ được UPU lựa chọn để đánh giá và lựa chọn những bức thư đạt giải cao và trao Giải Nhất quốc tế.

Chủ đề của cuộc thi viết thư quốc tế năm 2020 là “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in).

Các em học sinh có thể lựa chọn những vấn đề gần gũi trong xã hội như: Biến đối khí hậu, vấn nạn về bản quyền phim, vấn đề bạo lực học đường hay những câu chuyện xoay quanh quyền trẻ em.

>> Tham khảo dàn ý để chuẩn bị cho bài viết thư: Dàn ý Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49

Bài mẫu thư UPU lần thứ 49 năm 2020: Thông điệp tự hào đất nước Việt Nam

Kính gửi GS.TS Trần Ngọc Thêm

Hôm nay cháu viết bức thư này để chia sẻ với bác và các nhà văn hóa về chủ đề giới trẻ với văn hóa truyền thống, sau khi nghe được những nhận xét chân thực của bác trong buổi tọa đàm chủ đề "Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp" hồi tháng 6/2019.

Hôm đó GS.TS Trần Ngọc Thêm nói: "Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển.

Đúng vậy bác ạ, giới trẻ trong quá trình phát triển bản thân và tiếp nhận các nền văn hóa bên ngoài đôi khi lại quên mất rằng đất nước mình cũng có kho tàng văn hóa vô cùng lớn. Người Việt Nam có quyền tự hào về vốn văn hoá đậm đà thuần Việt cả trong những lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiên trúc, hội họa, điêu khắc...

Nền văn học dân gian Việt Nam ta phong phú các thể loại như truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, thơ nôm, thơ lục bát, sử thi...; kiến trúc Việt Nam thì có những mái đình cổ kính, thấp thoáng ẩn hiện dưới những gốc đa, sau những rặng tre xanh, giếng nước; âm nhạc có các làn điệu dân ca như ca trù, quan họ, cải lương; hội họa có những dòng tranh dân gian như Đông Hồ...

Thời đại mới đòi hỏi người thanh niên Việt Nam phải năng động, sáng tạo biết nắm bắt du nhập một cách có chọn lọc mà còn đặt ra vấn đề bảo tồn những nét văn hoá truyền thống cũ, hoà nhập nhưng không hòa tan. Đó cũng là một thách thức đầy khó khăn, là những chướng ngại vật trong hành trình dòng chảy tiếp biến, hội nhập.

Nhưng dù sao chắc hẳn bác và nhiều nhà nghiên cứu sẽ đồng ý rằng một số không nhỏ trong giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những dự án như phục dựng hình ảnh 3D cho Hoàng Thành Thăng Long với kiến trúc thời Lý - Trần - Lê cũng là minh chứng cho công sức mà các bạn trẻ dành cho nền văn hóa truyền thống.

Một điều nữa mà cháu thấy đó là các bộ phim Việt theo xu hướng cổ trang ngày càng nhiều và cũng rất được đón nhận. Trên mạng YouTube, những bài hát được giới trẻ yêu thích nhất có không ít bài mang âm hưởng truyền thống dân tộc vùng cao, tiêu biểu như bài "Tình yêu màu nắng" hay "Để Mị nói cho mà nghe"...

Tương tự như vậy thì những tác phẩm văn học và dấu ấn phim nhựa một thời được tái hiện trong các clip của nhóm 1977 Vlog cũng khiến giới trẻ dậy sóng một thời gian. Và mặc dù những dự án tái hiện lịch sử đôi khi hơi quá phá cách và cần định hướng thêm song điều đó cũng cho thấy giới trẻ vẫn sẽ dễ dàng tiếp nhận văn hóa truyền thống, chỉ là bằng cách nào.

Cháu nghĩ ngày nay thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt thiếu sót của văn hoá dân tộc, và tích cực quảng bá văn hoá dân tộc tới bạn bè quốc tế.

Và đúng như ý kiến của TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Đại học KHXHNV TP.HCM mà chắc hẳn chúng ta đều đồng tình, đó là cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên; cần có quan điểm giáo dục nâng cao năng lực thay vì áp đặt, thúc đẩy các phương thức giảng dạy tích cực khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo và cái tôi của thanh niên; cần tạo không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.

Và cuối thư, cháu chúc bác luôn mạnh khỏe, chúc cho giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn có vị trí trong tâm trí các bạn trẻ.

Ký tên

>> Chi tiết: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu Thông điệp Tự hào đất nước Việt Nam

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 Thông điệp gửi người lớn về dịch bệnh do Virus corona

Thư gửi những người lớn!

Hiện nay, trước tình trạng dịch bệnh do Virus corona tăng nhanh và diễn biến phức tạp. Chúng ta cần có những hiểu biết rõ ràng đề phòng chống dịch bệnh và ngăn chặn kịp thời sự gia tăng ngày một nhiều của đại dịch.

Chúng ta phải nắm kỹ được nguồn gốc cũng như các dấu hiệu của bệnh và cách phòng chống để đối phó với đại dịch này.

Virus corona (nCoV) là một loại virus đường hô hấp mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người và cho thấy có sự lây lan từ người sang người.

Virus corona giống như MERS và SAR, tất cả đều có nguồn gốc từ vật chủ từ loài dơi. Virus corona là một họ virus lớn, phổ biến ở nhiều loài động vật khác nhau bao gồm lạc đà, mèo và dơi.

Virus này ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây lan từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Ở người, virus lây từ người này sang người kia thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm.

Virus cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi, mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm virus khi xử lý các chất thải của người bệnh.

Như vậy "Có 2 con đường lây lan của loại nCoV (corona) này: Con đường thứ nhất là tiếp xúc trực tiếp với giọt bắn. Con đường thứ hai là đụng chạm, sờ tay vào các chất trong vùng hầu họng của người bệnh, sau đó đưa lên mặt, vùng mũi miệng"

Vậy triệu chứng khi mắc bệnh do virus này như thế nào?. Hãy chú ý sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV có thể diễn biến đến viêm phổi nặng, suy hô hấp tiến triển và tử vong, đặc biệt ở những người có bệnh mạn tính, suy giảm miễn dịch.

Do đó để phòng chống dịch bệnh, chúng ta nên chú ý một số điều như sau:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.

  • Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
  • Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
  • Hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Cháu hi vọng chúng ta có những hiểu biết về dịch bệnh này để không chỉ giúp bản thân mà còn cùng cả cộng đồng chung tay chống lại đại dịch do Virus corona gây ra cho nhân loại.

Một lần nữa cháu rất hi vọng mỗi chúng ta – những người lớn hãy chung tay tự bảo vệ sức khỏe vì một một thế giới không có dịch bệnh.

Ký tên

Trần Yến

>> Tham khảo chi tiết: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về dịch bệnh Virus corona

Ngoài ra, các em học sinh có thể tham khảo thêm các bài văn mẫu viết thư UPU về các dịch bệnh trên thế giới. Các em tham khảo chi tiết tại đây: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về xóa bỏ các dịch bệnh.

Bài mẫu thư UPU lần thứ 49 năm 2020 Thông điệp gửi người lớn là bố

Hà Nội ngày 21/12/2020

Gửi bố thân yêu!

Bố luôn mong rằng con sẽ được học ở một ngôi trường tuyệt nhất, con sẽ có những kỉ niệm tuổi thơ lấp lánh như ánh nắng mặt trời, nhưng bố biết không, con sẽ chỉ nhớ nhất nụ cười rạng rỡ của bố mỗi buổi chiều khi đón con ở cửa lớp học.

Bố lúc nào cũng bận rộn lao vào công việc, nỗ lực hết sức để đủ tiền mua cho con những bộ quần áo đẹp hơn, đồ chơi thông minh hơn, căn hộ rộng rãi hơn… nhưng bố biết không, con chỉ cần "được ở bên bố mẹ nhiều hơn", để khoe bố mẹ chiếc răng đầu tiên vừa rụng, để được mẹ đính thêm một chiếc nơ thật xinh mẹ tự làm lên chiếc áo cũ, để được ăn món trứng luộc "nhà hàng" của bố, hay đơn giản chỉ là để có thể rúc ngay vào lòng bố mẹ mỗi khi buồn.

Con biết bố luôn kì vọng ở con những điều lớn lao, mong con nói tiếng Anh trôi chảy, mong con luôn đứng đầu lớp, mong con vào trường Đại học danh tiếng… nhưng bố biết không tất cả những gì con muốn, có khi đơn giản chỉ là "làm bố mẹ vui" mà thôi.

Bố luôn nghĩ rằng mình là người hiểu con nhất và cố gắng bao bọc con trong vòng tròn an toàn mà bố nghĩ là tốt nhất cho con. Bố nghĩ rằng, thế giới của con là trong vòng tay bố mẹ, tất cả những điều tiêu cực, những câu chuyện u ám, những điều "trẻ con không cần biết" sẽ ở ngoài vòng an toàn đó. Nhưng thực sự những gì con hiểu và con biết có nằm trong vòng tròn an toàn của bố mẹ?

Bố có xót xa khi nhận thấy, người mà con gắn bó, chia sẻ nhiều nhất lại là những thiết bị thông minh, điện thoại, máy tính bảng hoặc người giúp việc… mà không phải bố mẹ.

Cuộc sống hiện đại gấp gáp và bận rộn cuốn bố mẹ vào những mục tiêu và ước mơ to tát, khiến chúng ta để vụt qua hoặc quên đi những niềm vui nhỏ bé, những niềm hạnh phúc giản dị ở xung quanh mình, bố mẹ cũng không đủ kiên nhẫn để lắng nghe những chia sẻ vụn vặn bé xinh của con, để sự vội vã cuốn phăng mình đi khỏi những phút giây ấm áp, bình dị trong tổ ấm của chúng mình. Điều con muốn gửi thông điệp tới một người lớn đó là con mơ hạnh phúc giản dị nhất.

Con chào bố!

Con gái của bố.

>> Tham khảo chi tiết: Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về Thông điệp gửi một người lớn là bố em

Bài mẫu thư UPU lần thứ 49 năm 2020 Thông điệp về xóa đói giảm nghèo

Thư gửi những người lớn!

Chỉ cần một thao tác nhỏ trên Google chúng ta có thể dễ dàng thấy hiện nay trên thế giới vẫn còn có hơn 900 triệu người sống ở mức nghèo. Cứ 9 người thì có 1 người không có đủ thức ăn. Mục tiêu của con người trên Trái Đất chúng ta đặt ra là đến năm 2030 sẽ xóa đói và đảm bảo tất cả mọi người, đặc biệt là những người nghèo và những người dễ bị tổn thương, bao gồm cả trẻ sơ sinh, được tiếp cận với nguồn thức ăn đầy đủ, dinh dưỡng và an toàn trong cả năm.

Thế nhưng, tình trạng đói nghèo đặc biệt cao ở 2 khu vực ở châu Phi. Đây là những khu vực có nền kinh tế kém phát triển, khí hậu khắc nghiệt, thiên tai nhiều, và có lịch sử phải trải qua nhiều biến động, chiến tranh.... Để tiến tới xóa đói, giảm nghèo ở các khu vực này, mà trước hết là tình trạng đói nghèo cùng cực, tôi cho rằng việc đầu tiên là phải phát huy được tối đa các nguồn lực tại chỗ, để mỗi người dân là một đại sứ trong công tác xóa đói giảm nghèo.

Có thể thấy, giảm đói nghèo là một trong những vấn đề quan tâm của toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua cũng như trong những năm tới. Giảm nghèo đói cũng là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ mà quốc gia nào cũng dành sự quan tâm đặc biệt.

Trước đó, Ngân hàng thế giới (WB) công bố lạc quan rằng, tỷ lệ nghèo cùng cực trên thế giới có thể sẽ lần đầu tiên giảm xuống mức dưới 10% trong những năm tới, so với tỷ lệ này là 29% vào năm 1999.

Dù vậy, với tỷ lệ 10% người nghèo đói hiện nay, tức tương đương khoảng 702 triệu người, vẫn là con số không nhỏ và là thách thức rất lớn trong cuộc chiến chống nghèo đói, ảnh hưởng không nhỏ tới việc phát triển kinh tế.

Cuộc chiến chống đói nghèo càng trở nên cam go hơn khi những đợt khủng hoảng kinh tế thế giới và biến đổi khí hậu. Chính những điều đó đang đẩy không ít người vừa thoát nghèo trở lại cảnh bần cùng, khổ sở hơn bao giờ hết.

Có thể thấy bước vào thiên niên kỷ mới, mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế chủ yếu của thời đại, nguy cơ chiến tranh thế giới tạm thời bị đẩy lùi nhưng thế giới vẫn luôn biến động không ngừng, tiếng súng có thể nổ bất kỳ lúc và lúc đó máu cũng có thể chảy ở bất cứ nơi nào.

Các cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, nội chiến, xung đột tôn giáo, dân tộc vẫn xảy ra ở các điểm nóng khắp hành tinh.

Dù ở những vùng nghèo đói nhất của thế giới, con người vẫn đang mải mê thanh toán lẫn nhau bằng súng đạn vì những lợi ích khác nhau đã đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh cùng khổ.

Trẻ em không được tiếp cận với giáo dục, y tế và thậm chí là cả quần áo tươm tất với họ còn là niềm mơ ước. Ở những nơi ấy cũng chẳng khó để bắt gặp những cụ già với đôi mắt vô hồn, quần áo rách rưới, chân tay run rẩy đi xin ăn từng bữa.

Vậy mà, chi phí quân sự hàng năm của một số nước đã lên mức trên một nghìn tỉ USD, chiếm khoảng 2,7% GDP toàn cầu (trung bình 180 USD/đầu người).

Châu Phi, châu lục nghèo nhất thế giới, lại sở hữu nhiều vũ khí thông thường nhất: 800 triệu dân châu lục này đang sở hữu trên 500 triệu khẩu súng. Chỉ tính riêng khu vực Tây Phi đã chiếm hữu 10 triệu vũ khí hạng nhẹ, kim ngạch buôn bán vũ khí ở khu vực này hàng năm lên đến 7 tỉ USD.

Theo một tính toán của các nhà khoa học và kinh tế, nếu thế giới chỉ tiết kiệm 1% chi phí dành cho quân sự thì sẽ giải quyết được hoàn toàn nạn mù chữ toàn cầu và nạn đói nghèo.

Hàng năm, Liên Hợp Quốc vẫn có các chương trình cứu đói cho nạn nhân ở nhiều vùng quốc gia, lãnh thổ khó khăn. Liên Hợp Quốc cũng có nhiều hoạt động, ký kết, thỏa thuận với các quốc gia để cùng nhau bắt tay xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, chúng ta cần có thêm các chương trình tuyên truyền, vận động mạnh mẽ hơn nữa; với những chiến dịch hỗ trợ thực sự hữu ích tăng cường khả năng hỗ trợ tự xóa đói giảm nghèo ở từng địa phương, quốc gia.

Tôi hy vọng rằng, đói nghèo cùng cực sẽ chấm dứt. Tỉ lệ đói nghèo sẽ giảm dần không chỉ ở đất nước tôi mà còn ở nhiều quốc gia khu vực kém phát triển khác trên thế giới; tiến tới một thế giới bình đẳng hơn, các quyền con người được đảm bảo hơn, mỗi cá nhân sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; và chúng ta sẽ có một thế giới không có người nghèo!

Thân ái và chào tạm biệt!

>> Tham khảo chi tiết: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp Xóa đói giảm nghèo trên thế giới

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 thông điệp gửi người lớn về vấn đề trẻ em tị nạn, lang thang, cơ nhỡ

Kính gửi những người lớn!

Cháu luôn băn khoăn một suy nghĩ là làm sao có thể xây dựng một thế giới hòa bình và tràn ngập tiếng cười khi đó đây, xung quanh chúng ta vẫn hàng triệu trẻ em lang thang, cơ nhỡ, không nơi nương tựa, không được giáo dục, không được chăm sóc?

Vừa qua, văn phòng cảnh sát hình sự Liên bang Đức (BKA) xác nhận ít nhất 8.991 trẻ em tị nạn không còn liên hệ với chính quyền. Trong số này hầu hết những đứa trẻ ở độ tuổi thiếu niên từ 14-17 nhưng 867 trường hợp chỉ dưới 13 tuổi.

Theo RT, con số này nhiều gấp đôi so với số liệu được công bố hồi tháng 1/2016 với 4.749 trẻ tị nạn được thông báo đã mất tích.

Năm 2016, số trẻ tị nạn bị mất tích ở Đức là 5.800 em trên số lượng tiếp nhận người tị nạn là 1,1 triệu trường hợp.

Trong năm nay, Văn phòng Liên bang về người di cư và tị nạn của Đức dự kiến sẽ tiếp nhận tối đa 300.000 người xin tị nạn ở nước này.

Các em là những đứa trẻ lang thang, không cha, không mẹ, rất dễ bị bóc lột thậm tệ, dưới mọi hình thức. Vì thế, có những em mới 5 tuổi nhưng đã phải lao động cực nhọc, dưới mọi hình thức để có thể kiếm cơm nuôi sống bản thân... Cũng có nhiều em phải đi ăn xin từng bữa…và ngủ ở gầm cầu, ven đường, xó chợ và cay đắng hơn là các em bị xua đuổi, an ninh không được bảo đảm.

Mọi người có biết trong lúc chúng ta ngủ trong chăn ấm, đệm êm và ăn những thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng thì những đứa trẻ tỵ nạn phải sống thế nào không?

Thực sự khi nhìn những hình ảnh về trẻ tị nạn Syria nằm ngủ vật vờ trên đường phố lạnh lẽo hay trong cánh rừng hoang sơ mà truyền thông đưa tin khiến tôi rất chạnh lòng. Những đứa trẻ ấy đáng lẽ phải được chăm sóc đươc nuôi dạy, được vui chơi và học hành, được sống trong tình thương của gia đình thay vì lang thang khắp nơi, kiếm được gì ăn nấy và mệt ở đâu thì ngủ ở đó.

Và…đương nhiên, khi ở những quốc gia mà những cuộc xung đột diễn ra liên tục thì mạng sống của họ còn bị tước đoạt đi bất cứ lúc nào.

Ta vẫn thấy, con người hay nhắc đến việc xây dựng một thế giới hạnh phúc nhưng lại không mảy may đến những đứa trẻ - thế hệ tương lai của thế giới này.

Con người ngày càng tham lam và ích kỷ, vô tâm không cần biết đến những người xung quanh sống ra sao. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng vài trăm đô cho một bữa nhậu nhưng lại vô tình lướt qua những đứa trẻ lang thang, cơ nhỡ…

Cháu viết lá thư này với một hy vọng lớn lao rằng: Mọi người hãy nhìn nhận lại chính mình để yêu thương và biết san sẻ hơn với những người khốn khổ xung quanh.

Từ bây giờ mọi người hãy hành động, hãy lên kế hoạch để giúp đỡ những trẻ tị nạn, hãy dùng ngay những cuộc chiến tranh vô nghĩa để con cháu ta và con cháu của mọi người có thể sống trong một thế giới hạnh phúc thực sự.

Thân ái và chào tạm biệt!

Ký tên

Mai Hoàng Yến

>> Tham khảo: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 hay nhất, dễ đạt giải

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 thông điệp gửi người lớn là mẹ

Quảng Nam, ngày 31/12/2019

Gửi mẹ thân yêu!

"Mẹ tôi, khóc với tôi những lúc tôi buồn. Nếm với tôi cay đắng tủi hờn. Lúc tôi cười mẹ càng vui hơn. Cả cuộc đời của mẹ là con".

Bức thư UPU năm nào con cũng viết về mẹ, và đề tài năm nay cũng vậy. Mẹ luôn là niềm cảm hứng, là động lực của con. Những lúc vui buồn con đều có mẹ ở bên. Con thật hạnh phúc biết bao vì còn có mẹ trên đời. Tuổi thơ con có nhiều điều đáng nhớ nhưng mẹ biết không con nhớ nhất chỉ nụ cười của mẹ.

Mẹ của con lúc nào cũng bận rộn, luôn cố gắng làm để có tiền cho con có những bữa cơm đầy đủ, mua cho con những bộ quần áo đẹp ngày tết. Chiếc xe đạp mẹ mua cho con đi học là biết bao mồ hôi của ba mẹ. Mẹ ơi! Con chỉ cần được ở bên mẹ nhiều hơn để kể mẹ nghe những câu chuyện vui buồn trên lớp học và nhiều, nhiều thứ lắm mẹ à. Quần áo con mặc cũ thôi cũng được, xe con đi cũng không cần phải mới, đạp được là được.

Mẹ luôn mong con học hành chăm chỉ, đạt thành tích tốt trong học tập, mong con sẽ đỗ đạt vào trường đại học con muốn. nhưng mẹ biết không tất cả những gì con muốn, có khi chỉ đơn giản là làm mẹ vui, đỡ vất vả mà thôi.

Mẹ ơi! Có những ngày quá mệt nhọc, hãy để con được giúp mẹ, mẹ nhé! Hãy cho con có thể san sẻ tất cả những vất vả ngày thường của mẹ. Bởi con biết mẹ không muốn con bận tâm vào việc gì cả, để con có thể chú tâm học thật tốt. Nhưng mẹ ơi, giúp mẹ xong con sẽ học và học thật giỏi mẹ nhé!

Cuộc sống ngày một trôi nhanh, mới ngày nào con còn đứng ở ngõ đợi mẹ đi chợ về để được mẹ cho 1 ly chè hay 1 cục kẹo, vậy mà bây giờ con đã là một cô gái 16. Tuổi 16 với con mọi thứ dường như thay đổi và con đang dần trưởng thành hơn.

Cuộc sống gấp gáp và bận rộn cuốn ba mẹ vào những nỗi lo “cơm áo gạo tiền”, đôi khi bỏ lỡ những bữa cơm gia đình, những niềm hạnh phúc giản dị hay những niềm vui bé nhỏ. Điều con mong muốn không phải đầy đủ về vật chất mà điều con mong muốn là có mẹ trong những bữa cơm của gia đình. Đó cũng là thông điệp con muốn gửi đến người lớn.

Con yêu mẹ!

Con gái của mẹ.

>> Tham khảo chi tiết: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu Thông điệp gửi một người lớn là mẹ

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về vấn đề giáo dục cho trẻ em

Thư gửi những người lớn,

Giáo dục là chìa khóa xây dựng nên một quốc gia lớn mạnh hơn. Tuy nhiên, hiện nay lại có nhiều người ở nhiều quốc gia trên thế giới không biết đọc, biết viết. Điều này trở thành một thách thức đối với sự phát triển của đất nước.

Thất học cũng là một trong những nguyên nhân gây nên các tệ nạn trong xã hội, bằng chứng là ở đó, các thành phần tội phạm nhiều hơn và các vấn đề về sức khỏe thì liên tục tăng vì thiếu hiểu biết.

Hiện nay, theo ước tính, có khoảng 40 triệu trẻ em trên toàn thế giới không được tới trường, nhất là trẻ em gái. Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở các quốc gia châu Phi cận Sahara, nơi bùng nổ dân số và thống kê được khoảng gần 20 triệu trẻ em không được đi học.

Tại các quốc gia này, hầu hết trẻ em sẽ không bao giờ được tiếp cận với việc học tập, trong khi có những em không thể hoàn thành bậc học mà phải nghỉ giữa chừng. Hơn một phần ba trẻ em bắt đầu đi học trong năm 2012 ở khu vực này sẽ bỏ học trước khi đến năm cuối cấp tiểu học.

Đó là chưa kể, rất đông trẻ em Syria hiện đang sống trong những trại tị nạn nghèo nàn gần biên giới đất nước láng giềng Jordan, nơi đã có tới gần 640.000 người Syria tìm tới cư trú. Trẻ em sống trong những trại tị nạn này có cuộc sống rất chật vật. Các em thường không may mắn được tới những lớp học dã chiến.

Thử hỏi, không có tri thức thì làm sao quốc gia mới phát triển, quốc gia kém phát triển thì thế giới của chúng ta cũng chẳng thể nào có được những bước nhảy vọt.

Cháu rất mong, với những cảnh báo của mình, mỗi chúng ta có những hành động quyết liệt hơn để tất cả trẻ em trên thế giới của chúng ta đều được đến trường, đều được tiếp cận với những tri thức tiên tiến nhất của nhân loại vì một thế giới có những bước phát triển vượt bậc.

Thân ái và chào tạm biệt!

Ký tên

Hoàng Anh Vũ

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về Facebook

Kính gửi cô giáo chủ nhiệm

Từ đầu năm học đến nay cũng đã được gần một học kỳ lớp chúng em được cô làm chủ nhiệm, và em luôn cảm phục đặc biệt về cô như một cô giáo đáng kính, tận tâm với học sinh.

Nhưng chỉ riêng một chuyện mà em cảm thấy hơi e ngại, đó là cô thường rất khắt khe với việc học sinh dùng Facebook. Vì thế hôm nay em muốn qua những dòng thư này chia sẻ một chút cảm nhận của học sinh bọn em.

Thực ra em có thể hiểu được vì sao cô và rất nhiều người lớn khắt khe và "dị ứng" với Facebook đến vậy. Hiện tượng "nghiện Facebook" thời đại ngày nay có thể coi là vấn nạn cần phải kiềm chế và điều chỉnh, bởi nó gây ra nhiều hậu quả không đáng có.

Facebook là mạng lưới xã hội, nơi trò chuyện, thư giãn, giải trí, chia sẻ, thổ lộ tâm trạng, cập nhật thông tin. Có thể nói Facebook chính là một thế giới mới, ở đó chúng ta tha hồ trò chuyện, chát chít, thậm chí cũng có rất nhiều người nổi tiếng được biết đến thông qua hệ thống mạng lưới này.

Facebook cũng chính là một trong những hình thức giải trí và nhiều bạn trẻ tìm đến để giải tỏa căng thăng, tìm sự đồng cảm, chia sẻ cảm xúc với những người xung quanh. Nó khiến cho chúng ta có thể biết được tâm trạng, cảm xúc của những người xung quanh mình mà không cần gặp gỡ. Thật đơn giản và tiện ích.

Tuy nhiên Facebook lại là mạng lưới dễ gây nghiện đối với người dùng nếu như không biết kiểm soát thời gian, kiểm soát bản thân. Bạn chăm sóc Facebook của mình để những lượt like, comment; bạn lướt thông tin liên tục. Như thế cũng khiến cho bản thân mỗi người thấy vui, tuy nhiên nếu không cẩn thận thì chính những điều này sẽ cuốn người ta vào thế giới mạng ảo này nhanh chóng, khó có thể dứt bỏ ra.

Nhiều bạn trẻ hiện nay đã giành thời gian quá đà để lướt Facebook mỗi ngày: đi học cũng Face, đi làm cũng Face, đi chơi với bạn bè cũng Face, ngồi với bố mẹ được một lúc cũng chụp ảnh up Face. Hình như thiếu đi Facebook nhiều người cảm thấy cuộc sống thực tẻ nhạt và vô vị vô cùng.

Nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 hiện nay cũng đang bị lôi cuốn vào Facebook. Chiếc điện thoại là vật bất di thân và các bạn dành thời gian vào đó quá nhiều. Điều quan trọng là vì thế thời gian cho học hành của các bạn ít đi.

Rồi nhiều khi bạn cứ tưởng danh sách bạn bè có tới mấy nghìn người bạn là ghê gớm nhưng lại không biết rằng mình đang thu hẹp rất nhiều mối quan hệ xung quanh mình.

Những mối quan hệ thân thiết bình thường trở nên dãn ra, không gian giành cho bạn bè cũng không có, thời gian học hành cũng bị gián đoạn và tâm trí của bạn cũng dần mất dần cảm xúc vì những thứ "ảo", thậm chí dễ sa đà vào những văn hóa thiếu lành mạnh.

Khi rơi vào tình trạng đó, hậu quả thường là điểm kém, kết quả học tập kém, và ý thức kỷ luật, hạnh kiểm cũng trở nên đi xuống. Điều này thật đáng buồn và không đáng có chút nào.

Mặc dù vậy,

Em tin rằng khi học sinh chúng em nhận thức và vượt qua được những mặt trái chiều của môi trường Facebook thì cả thế giới tươi đẹp sẽ mở ra.

Em tin rằng Facebook hay môi trường mạng nói chung có thể giúp tăng tính tương tác, học hỏi giữa các thành viên trong lớp.

Và em tin rằng mỗi học sinh với cách ứng xử phù hợp trên Facebook có thể khiến cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Đó là lý do vì sao em mong cô có cái nhìn tích cực hơn, khuyến khích chúng em tham gia và kiến tạo những không gian bổ ích trên Facebook và các mạng xã hội.

>> Tham khảo chi tiết: Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về vấn đề học sinh sử dụng Facebook

Bài viết thư UPU năm 2020 gửi “tôi trong tương lai” về chuyện sống ảo Facebook

Gửi tôi trong tương lai

Hôm nay tôi muốn viết thư cho bạn, người chính là tôi nhưng trong 10 năm tới, để chia sẻ những câu chuyện của mình vào thời điểm hiện tại, cũng là để sau này có thời gian đọc lại xem mình đã thay đổi như thế nào.

Vào thời điểm hiện tại thì tôi đang lờ mờ nhận ra về thói quen "sống ảo" của chính mình. Với truyện tranh, game online, và đặc biệt là mạng xã hội..., người trẻ như mình đều cảm thấy chính mình đa dạng và thú vị hơn, nhưng đó cũng là nguy cơ để chuyện sống ảo dần được hình thành.

Từ đó dường như xuất hiện hai con người trong chúng ta, hai cá tính ảo và thực không liên quan đến nhau và có nhiều mặt đối lập hoàn toàn với nhau.

Sống ảo trên mạng xã hội có thể bao gồm những hiện tượng như thường xuyên đăng ảnh khoe tiền, khoe đồ hiệu, khoe mối quan hệ, khoe bản thân trong khi thực tế đó chỉ là set up và hoàn toàn không giống vậy.

Đôi khi sống ảo còn là đắm đuối trong các mối quan hệ ảo, thậm chí các mối tình ảo mà bỏ quên các mối quan hệ thực sự bên ngoài.

Những viễn cảnh cuộc sống viển vông, khác xa với cuộc sống thực tại đã ăn sâu vào tâm trí một bộ phận không nhỏ trong giới trẻ và thật đáng quan ngại khi hầu hết ít bạn kiểm soát được.

Sống ảo cũng giống như bỏ quên chính bản thân mình và những điều mình cần phát triển trong cuộc sống. Và thực sự là tôi thấy mình có hiện tượng đó.

Tuổi trẻ có nhiều suy nghĩ bốc đồng, nông nổi của tuổi mới lớn, thiếu sự chín chắn; có khi chỉ với những lời khiển trách từ cha mẹ, thầy cô thì cả thế giới đã như sụp đổ. Và thế giới ảo là nơi tìm đến của những tâm hồn đang yếu đuối, suy sụp.

Lúc đầu, thế giới ảo chỉ là nơi những bạn trẻ tìm đến khi mỏi mệt, để giải tỏa nỗi lòng nhưng dần dần dựa dẫm, lệ thuộc vào nó, không dám đối diện với sự thật. Và như vậy thói quen sống ảo dần hình thành, chi phối cuộc sống không ít bạn trẻ.

Ngoài ra sự phát triển của công nghệ thông tin cũng như con dao hai lưỡi, và khi giới trẻ luôn có sự hiếu kỳ, tò mò, thích khám phá cái mới thì rất dễ vội chạy đua vô thức theo những giá trị tinh thần mà không có sự kiểm soát của lý trí.

Nhưng tôi chỉ lo một ngày thói quen sống ảo dần sẽ bao bọc như một vỏ kén vững chắc, và sẽ rất khó khăn để thoát khỏi cái vỏ kén vốn đã quen ấy. Như vậy nếu lý trí ngủ quên, thói quen sống ảo sẽ siết chặt dần tuổi trẻ, tương lai và cuộc đời chính cuộc đời của mỗi người.

Mây được mặt trời chiếu vào mới thành sáng. Suối được treo vào vách mới thành thác nước. Con người chúng ta cũng vậy, chỉ có sự cọ xát, tiếp xúc, va chạm với nhiều môi trường khác nhau mới lớn lên và trưởng thành được.

Tôi hy vọng mình có thể mở lòng với cuộc đời thực, sống thật để trưởng thành hơn. Rồi bạn sẽ thấy thể giới ngoài kia dù nhiều khi làm bạn vấp ngã nhưng dẫu sao vẫn sinh động và thú vị hơn nhiều so với thế giới ảo.

Chúng ta cần rèn luyện cho mình một bản lĩnh sống thẳng thắn với hoàn cảnh và thân thế của mình.

Và khi bạn đọc bức thư này của tôi, tôi hy vọng bạn có thể nói với tôi rằng: "Bạn đã làm tốt lắm".

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về bảo vệ môi trường

Gửi chú James Joseph Kendall

Là một học sinh chỉ biết ăn, học, và Facebook như cháu thì hầu như không có thời gian tham gia các hoạt động xã hội. Mặc dù vậy qua Facebook thì cháu vẫn biết đến và quan tâm đặc biệt đến các hoạt động của chú và tổ chức Keep Hanoi Clean.

Đó đúng là những nỗ lực tuyệt vời dành cho môi trường của Hà Nội. Tuyệt vời và không tưởng giống như những hình ảnh mà người ta bắt đầu biết đến chú, một "ông Tây nhặt rác" cặm cụi dưới con mương đen kịt, nhưng dần dần hoạt động của Keep Hanoi Clean càng quy mô và thu hút được nhiều người tham gia.

Như cháu được biết thì chú Kendall từng chia sẻ ban đầu đến Việt Nam vì lý do du lịch, nhưng sau một thời gian ngắn đã hình thành nên một tình yêu đặc biệt với mảnh đất và con người nơi đây, vì vậy mới quyết định gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Và cháu cũng được biết lúc mới đến Việt Nam, chú có những công việc giảng dạy cho trung tâm tiếng Anh và trong một trường công lập tại Hà Nội. Nhưng sau một thời gian cùng bạn bè tổ chức các buổi dọn dẹp vệ sinh, chú quyết định rời bỏ "comfort zone" để thành lập tổ chức Keep Hanoi Clean vào tháng 5/2016.

Theo thống kê cháu được biết thì trung bình một ngày Hà Nội phát sinh khoảng 6.500 tấn chỉ riêng rác thải rắn sinh hoạt, vì thế việc đảm bảo một môi trường trong lành cần một chiến lược và hành động của các cơ quan chức năng. Mặc dù vậy hoạt động của Keep Hanoi Clean giúp rất nhiều người sống xanh hơn và có ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Rõ ràng nếu để chọn một phong trào về môi trường tiêu biểu ở Hà Nội trong những năm qua thì Keep Hanoi Clean là cái tên đầu tiên cháu nghĩ đến. Cháu rất hy vọng tổ chức vì môi trường này sẽ ngày càng lớn mạnh và mô hình này có thể được nhân rộng. Là một người trẻ sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, cháu thực lòng muốn nói lời cảm ơn và hy vọng sẽ có dịp tham gia vào những chiến dịch sắp tới của Keep Hanoi Clean.

Thân gửi

Mai Huyền My

Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về bóng đá Việt Nam

Xin chào trọng tài Ismaeel Habib Ali ạ

Xin tự giới thiệu cháu là một học sinh rất hâm mộ bóng đá và thường xuyên xem các đội tuyển quốc gia Việt Nam của cháu thi đấu. Vừa rồi trong trận đấu của U22 Việt Nam với U22 Thái Lan ở SEA Games 30, những người hâm mộ như cháu đều biết đến trọng tài Ismaeel Habib Ali vì tình huống cho phép U22 Việt Nam đá lại quả phạt đền 11m.

Theo cháu biết thì tình huống đá lại đó được áp dụng đúng luật và thành thực cháu muốn cảm ơn trọng tài Ismaeel Habib Ali và trợ lý vì đã nhận ra tình huống đó. Nhưng điều đặc biệt là không biết trọng tài Ismaeel Habib Ali có để ý không, trọng tài đã rất nổi tiếng trên Facebook sau trận đấu đó và được nhiều cổ động viên Việt Nam khen là... đẹp trai.

Qua đó thì cháu cũng mong muốn chia sẻ với trọng tài Ismaeel Habib Ali, và có thể cả những người làm bóng đá FIFA nói chung, về một câu chuyện khá mới của bóng đá Việt Nam, đó là sự cuồng nhiệt của các cổ động viên trên không gian mạng. Mạng xã hội dường như là nơi hoàn hảo để tập hợp và khuếch đại tinh thần bóng đá của người Việt Nam.

Thế nên mới có những cuộc bình chọn bàn thắng đẹp trên mạng mà cầu thủ Việt Nam chiến thắng tuyệt đối, chỉ cần một vài lời hiệu triệu trên Facebook. Mới đây trong cuộc bình chọn bàn thắng biểu tượng cho vòng chung kết U23 Châu Á, mặc dù biết khá muộn nhưng cổ động viên Việt Nam đã nhanh chóng đưa bàn thắng trong mưa tuyết của Quang Hải vọt lên vị trí dẫn đầu.

Trên Facebook thì sau mỗi trận đấu các bài viết, bài bình luận của người hâm mộ Việt Nam đều ngập tràn. Những bức ảnh cắt ghép, hay còn gọi là "ảnh chế", về chủ đề bóng đá thì không bao giờ thiếu và có thể xuất hiện khá nhanh. Ảnh chế thực ra cũng khá vui, nhưng mặt trái là thỉnh thoảng có những chủ đề cũng hơi bị quá đà thật.

Trong khi đó việc các cổ động viên Việt Nam tràn vào Facebook của một ai đó để "tấn công", "report" khi có sự vụ bất bình thì đã không còn gì lạ lẫm. Đôi khi đó là một cách bày tỏ quan điểm trên không gian mạng, đôi khi điều đó trở nên quá đà và làm mất đi hình ảnh tốt đẹp của bóng đá Việt Nam.

Cháu chỉ lấy ví dụ như trường hợp cổ động viên Việt Nam tấn công Facebook của cầu thủ Andrey Sidorov bên phía Uzbekistan vì ghi bàn thắng phút cuối trong trận chung kết U23 Châu Á 2018, điều đó thực sự không nên chút nào.

Nhưng tựu chung lại thì cháu chỉ muốn nói rằng cổ động viên bóng đá Việt Nam rất nhiệt tình và có nét hồn nhiên, và mạng xã hội tạo điều kiện cho họ bộc phát những điều ấy. Qua thời gian, hy vọng cổ động viên bóng đá Việt Nam sẽ dần bớt đi những ứng xử không đẹp trên mạng xã hội và phát huy theo chiều ngược lại.

Thân gửi

Phạm Mai Anh

Bài mẫu viết thư UPU lần 49 về môi trường Hà Nội

Thư gửi Chủ tịch thành phố Hà Nội

Hà Nội ngày 20/12/2020

Bác Chủ tịch ạ, cháu là một học sinh của Hà Nội và mấy ngày nay cả gia đình cháu bị ốm và ai cũng bảo tại ô nhiễm không khí gây ra.

Từ hai tháng này, gia đình cháu lúc nào cũng lo lắng về ô nhiễm không khí. Mẹ cháu còn bảo với ba hay gửi các con về quê ngoại một thời gian, trên này bức bách quá. Cháu rất thích về quê nhưng vì chúng cháu đang đi học. Ba cháu bảo nếu nghỉ hè cho các con về quê ngay không phải nghĩ nhưng giờ thì chịu rồi.

Nhà chú của cháu, hai em cũng đang được bà đưa về quê. Cháu rất nhớ hai em nhưng mỗi lần bảo đưa các em lên đây cho vui là chú cháu lại cười khi nào hết ô nhiễm không khí thì các em sẽ lên Hà Nội.

Những thông tin về ô nhiễm không khí tràn ngập mặt báo, trên ti vi. Cháu thực sự lo lắng cho sức khỏe của cộng đồng, của chính gia đình cháu. Cháu muốn gửi thông điệp tới Chủ tịch thành phố Hà Nội hãy làm gì giúp người dân thủ đô bớt ngột ngạt, ba mẹ của cháu không phải đi mua thuốc, bà nội của cháu không phải nằm viện.

Mẹ cháu bảo chỉ cần nhìn lên bầu trời là biết ô nhiễm không khí hay không, vậy mà sáng nào cháu mở cửa ra cũng thấy xung quanh nhà đặc quánh như sương mù. Không phải bây giờ mùa đông mới như thế, nhà cháu ở tầng 10 chung cư nhưng đôi khi nhìn xuống dưới sân của khu chung cư còn mịt mù nữa.

Nhà cháu trước kia cả khu này chỉ có căn nhà cháu đang ở là xây cao nhất 265 tầng. Nhưng hiện nay thì xung quanh nhà cháu đều là các nhà cao tầng, không có sân chơi, không có cây xanh. Nếu cứ nhà cao ốc mọc lên, bụi xây dựng, tắc đường rồi mọi thứ lại đổ vào không khí. Điều đó sẽ khiến thế hệ của chúng cháu khổ sở vì bệnh tật.

Bác nghĩ sao nếu chúng cháu còn trẻ đang sống lệ thuộc vào thuốc, vào bệnh viện và đặc biệt là bệnh ung thư. Ngày nào cháu thấy trên ti vi cũng nói tới ô nhiễm ở Hà Nội, bệnh ung thư ở Việt Nam.

Cháu mong muốn, là Chủ tịch Hà Nội, bác hãy bắt tay ngay vào cứu người dân thủ đô đi bác. Đừng để thế hệ chúng cháu sống trong ô nhiễm nữa. Cháu muốn gửi thông điệp tới bác như người ta vẫn nói sức khỏe là tài nguyên của bất cứ ai, của bất cứ quốc gia nào. Không khí là thứ tối thiểu cần hít thở hàng ngày. Hãy cho chúng cháu hít thở không khí sạch.

Chào bác!

Phương Mỹ Chi

Các bài văn mẫu viết thư UPU lần 49 năm 2020 hay, dễ đạt giải

Để chuẩn bị cho bài dự thi viết thư UPU quốc tế lần 49, các em học sinh tham khảo chi tiết các Thể lệ dự thi viết thư UPU năm 2020, cách thức tham gia, giải thưởng,...

Những lưu ý về cuộc thi viết thư UPU lần 49

Đơn vị tổ chức cuộc thi viết thư UPU lần 49

Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.

Mục đích ý nghĩa

Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:

- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.

- Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.

- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.

Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 11611

Thời gian: Từ ngày 6/12/2019 đến 25/2/2020 (theo dấu Bưu điện).

Một số yêu cầu:

- Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương;

- Không bắt buộc 100% học sinh của trường tham gia;

- Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức;

- Số hiệu: 11611 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.

Trang Fanpage chính thức của cuộc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam.

Hạn cuối nộp bài viết thư UPU lần 49 vì dịch Corona

Trang Facebook "Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam" có thông báo lùi thời hạn nộp bài dự thi đến ngày 10/3, nguyên nhân vì tình hình viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid 19) gây ra đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Do những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhiều em học sinh ở các địa phương vẫn chưa thể hoàn thành việc gửi bài dự thi theo đúng quy định.

Để khuyến khích các em học sinh tham dự cuộc thi, BTC thống nhất lùi thời hạn nộp bài đến ngày 25/3/2020 (hạn cũ là 10/3/2020).

Trong thời gian nghỉ dịch bệnh do virus corona, các em học sinh tham khảo các dạng bài tập tự luyện ôn tập tại nhà sau đây:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2.336
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Viết thư UPU lần thứ 54

    Xem thêm