Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về văn hóa truyền thống được phục dựng
Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về văn hóa truyền thống được phục dựng
Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49: Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống - bài mẫu về văn hóa truyền thống phục dựng cho các bạn tham khảo thêm nhiều ý tưởng, khai thác tốt các chủ đề khác nhau chuẩn bị cho bài dự thi viết thư quốc tế UPU năm 2020. Mời các em học sinh tham khảo chi tiết.
Ý tưởng cho bài dự thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 vẫn còn rất nhiều. Hãy cùng tham khảo những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu về chủ đề văn hóa truyền thống trong đời sống thế hệ trẻ.
Năm nay, Cuộc thi viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 có đề bài khá thú vị, đó là: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in). Với đề bài năm nay, dự báo sẽ có không ít bức thư hay về thế giới và góc nhìn trong thời đại của công nghệ. Ngoài ra thì cách tiếp cận không bị giới hạn.
Nếu cần chúng ta có thể xem lại hướng dẫn thể lệ và quy định viết thư UPU 2020 và Gợi ý cách viết thư UPU lần 49. Và để hỗ trợ thí sinh thực hiện bài làm của mình tốt nhất, VnDoc cũng sẽ tổng hợp, sưu tầm những bài mẫu viết thư UPU tiêu biểu và hay nhất.
Một điều các bạn học sinh cần lưu ý rằng bài mẫu chỉ để tham khảo và lấy ý tưởng cũng như cảm hứng, và bài mẫu khi đã đăng trên báo và mạng xã hội thì không thể bê nguyên đi làm bài dự thi. Điều quan trọng làm nên bức thư hay vẫn là dấu ấn cá nhân của mỗi bạn học sinh.
Bài mẫu viết thư UPU lần thứ 49 năm 2020 về văn hóa truyền thống
Kính gửi GS.TS Trần Ngọc Thêm
Hôm nay cháu viết bức thư này để chia sẻ với bác và các nhà văn hóa về chủ đề giới trẻ với văn hóa truyền thống, sau khi nghe được những nhận xét chân thực của bác trong buổi tọa đàm chủ đề "Giới trẻ Việt Nam hiện nay: thực trạng, những vấn đề đặt ra về văn hoá, giáo dục và những giải pháp" hồi tháng 6/2019.
Hôm đó GS.TS Trần Ngọc Thêm nói: "Đặc điểm nổi bật rõ nhất của giới trẻ là lớp tuổi duy nhất có bản chất dương tính, kéo theo 2 đặc điểm quan trọng là hướng ngoại và năng động. Hướng ngoại thì dễ tiếp thu cái mới và hấp thụ các ảnh hưởng ngoại lai; năng động thì ưa thay đổi, phát triển.
Đúng vậy bác ạ, giới trẻ trong quá trình phát triển bản thân và tiếp nhận các nền văn hóa bên ngoài đôi khi lại quên mất rằng đất nước mình cũng có kho tàng văn hóa vô cùng lớn. Người Việt Nam có quyền tự hào về vốn văn hoá đậm đà thuần Việt cả trong những lĩnh vực văn học, nghệ thuật, kiên trúc, hội họa, điêu khắc...
Nền văn học dân gian Việt Nam ta phong phú các thể loại như truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, truyện cười, thơ nôm, thơ lục bát, sử thi...; kiến trúc Việt Nam thì có những mái đình cổ kính, thấp thoáng ẩn hiện dưới những gốc đa, sau những rặng tre xanh, giếng nước; âm nhạc có các làn điệu dân ca như ca trù, quan họ, cải lương; hội họa có những dòng tranh dân gian như Đông Hồ...
Thời đại mới đòi hỏi người thanh niên Việt Nam phải năng động, sáng tạo biết nắm bắt du nhập một cách có chọn lọc mà còn đặt ra vấn đề bảo tồn những nét văn hoá truyền thống cũ, hoà nhập nhưng không hòa tan. Đó cũng là một thách thức đầy khó khăn, là những chướng ngại vật trong hành trình dòng chảy tiếp biến, hội nhập.
Nhưng dù sao chắc hẳn bác và nhiều nhà nghiên cứu sẽ đồng ý rằng một số không nhỏ trong giới trẻ hiện nay rất quan tâm đến văn hóa truyền thống. Những dự án như phục dựng hình ảnh 3D cho Hoàng Thành Thăng Long với kiến trúc thời Lý - Trần - Lê cũng là minh chứng cho công sức mà các bạn trẻ dành cho nền văn hóa truyền thống.
Một điều nữa mà cháu thấy đó là các bộ phim Việt theo xu hướng cổ trang ngày càng nhiều và cũng rất được đón nhận. Trên mạng YouTube, những bài hát được giới trẻ yêu thích nhất có không ít bài mang âm hưởng truyền thống dân tộc vùng cao, tiêu biểu như bài "Tình yêu màu nắng" hay "Để Mị nói cho mà nghe"...
Tương tự như vậy thì những tác phẩm văn học và dấu ấn phim nhựa một thời được tái hiện trong các clip của nhóm 1977 Vlog cũng khiến giới trẻ dậy sóng một thời gian. Và mặc dù những dự án tái hiện lịch sử đôi khi hơi quá phá cách và cần định hướng thêm song điều đó cũng cho thấy giới trẻ vẫn sẽ dễ dàng tiếp nhận văn hóa truyền thống, chỉ là bằng cách nào.
Cháu nghĩ ngày nay thế hệ trẻ ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh để phát huy mặt mạnh, hạn chế mặt thiếu sót của văn hoá dân tộc, và tích cực quảng bá văn hoá dân tộc tới bạn bè quốc tế.
Và đúng như ý kiến của TS. Ngô Thị Phương Lan, Phó Hiệu trưởng Đại học KHXHNV TP.HCM mà chắc hẳn chúng ta đều đồng tình, đó là cần biết khai thác lợi thế về nhiệt huyết, sự năng động, sáng tạo của thanh niên; cần có quan điểm giáo dục nâng cao năng lực thay vì áp đặt, thúc đẩy các phương thức giảng dạy tích cực khơi gợi và phát huy tính chủ động, sáng tạo và cái tôi của thanh niên; cần tạo không gian phù hợp cho các hoạt động của thanh niên, thu hút thanh niên chung tay đóng góp cho xã hội.
Và cuối thư, cháu chúc bác luôn mạnh khỏe, chúc cho giá trị văn hóa truyền thống của Việt Nam luôn có vị trí trong tâm trí các bạn trẻ.
Kính gửi
Nguyễn Mai Anh