Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 về đại dịch COVID 19
Viết thư UPU lần thứ 50
- Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2021
- Dàn ý viết thư UPU lần thứ 50
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho chị gái về đại dịch COVID 19
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho bố mẹ về đại dịch COVID 19
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho bà về đại dịch COVID 19
- Viết thư UPU lần thứ 50 không quá 800 từ
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho anh trai
- Viết thư UPU lần thứ 50 ngắn nhất
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho người thân
- Bức thư gửi Con gái về đại dịch Covid 19
- Viết thư UPU lần thứ 50 về đại dịch Covid 19 bài mẫu
- Những lưu ý về cuộc thi viết thư UPU lần 50
- Bức thư đạt giải nhất Viết thư UPU quốc tế lần 49
Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 đã chính thức thức khởi hành với Chủ đề Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID - 19. Mời các bạn cùng theo dõi chủ đề viết thư và các bài văn mẫu về chủ đề này.
Chủ đề cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2021
Cuộc thi viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 (năm 2021) với chủ đề: “Em hãy viết thư cho một người thân trong gia đình để chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch COVID-19”. (Tiếng Anh: Write a letter to a family member about your experience of the COVID – 19 pandemic).
Hiện tốc độ lây lan của đại dịch COVID-19 vẫn rất nghiêm trọng và mọi quốc gia trên thế giới đều đang phải gồng mình chống dịch. Các quốc gia nói chung và mỗi cá nhân nói riêng đều đang có những “trải nghiệm” khác nhau về đại dịch COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã vĩnh viễn làm thay đổi thế giới rộng lớn, làm thay đổi cuộc sống của mỗi cá nhân.
Đối tượng dự thi cuộc thi viết thư quốc tế UPU 50 là học sinh Việt Nam từ 15 tuổi trở xuống đều được dự thi. Thời gian dự thi từ ngày 1/12/2020 đến ngày 28/2/2021 (tính theo dấu Bưu điện). Bài dự thi dài không quá 800 từ, viết tay trên 1 mặt giấy. Bài thi phải cho vào phong bì có dán tem, gửi qua hệ thống bưu cục của Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Dàn ý viết thư UPU lần thứ 50
1. Phần đầu bức thư
- Địa điểm và thời gian viết thư: viết ở góc phía bên phải trang giấy.Ví dụ:
- Bắc Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2020
- Hồ Chí Minh, ngày 1 tháng 7 năm 2020
- Huế, ngày 28 tháng 10 năm 2020
- Lời chào đầu tiên dành cho người nhận thư (người thân trong gia đình em). Ví dụ:
- Ông kính mến của con!
- Bố thân mến!
- Mẹ yêu quý của con!
2. Phần nội dung bức thư
- Dẫn dắt nêu mục đích, lý do hay thời gian, hoàn cảnh em viết bức thư này. Gợi ý: đã lâu chưa được gặp gỡ, muốn gửi gắm thông điệp nào đó, muốn chia sẻ những thông tin đặc biệt…
- Nội dung chính của bức thư: chia sẻ trải nghiệm của mình về đại dịch Covid:
- Nêu những thông tin cơ bản mà em biết về đại dịch Covid (nguồn gốc, mức độ nguy hiểm, cơ chế lây lan, hậu quả của nó…) và tình hình dịch Covid ở nước ta (gây ra nhiều khó khăn, nguy hiểm nhưng về cơ bản đã được kiểm soát…)
- Những mong muốn đối với người nhận thư về việc phòng tránh dịch (mong người nhận thư nên hoặc không nên làm gì để tránh lây lan)
- Lợi ích của việc phòng dịch cẩn thận từ những cá nhân nhỏ ảnh hưởng đến gia đình và toàn xã hội
- Thể hiện niềm tin vào tương lai hoàn toàn chế ngự được dịch bệnh
- Tình cảm của em dành cho người nhận thư.
3. Phần cuối bức thư
- Chữ kí của người viết thư, cùng từ xưng hô thân mật. Ví dụ: Cháu trai đáng yêu của bà, con gái ngoan ngoãn của bà, em trai của anh…
>> Chi tiết: Dàn ý Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 cho học sinh lớp 6, 7, 8
Viết thư UPU lần thứ 50 cho chị gái về đại dịch COVID 19
Gửi chị gái yêu thương của em!
Năm 2020 vừa qua, Việt Nam và thế giới đã phải trải qua những ngày tháng khó khăn khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Khi nhiều nước lựa chọn kinh tế, thay vì an nguy của người dân mà không có những biện pháp kiên quyết chống lại đại dịch. Thì chúng ta cảm thấy thật tự hào khi Việt Nam là một đất nước dám đặt sự an toàn của nhân dân lên trên lợi ích kinh tế.
Không chỉ gây ra những thiệt hại, mà nhìn nhận khách quan, Covid-19 cũng đem lại cho mỗi người thật nhiều trải nghiệm quý giá. Đối với chị em mình, đó sẽ là rất nhiều cái lần đầu tiên. Lần đầu tiên, cả gia đình mình cùng nhau nấu ăn. Lần đầu tiên, cả nhà mình cùng nhau ngồi xem một bộ phim… Em tin chắc đó sẽ là những kỉ niệm đẹp đẽ nhất đối với gia đình mình.
Nhưng, điều khiến em cảm thấy trân trọng và ngưỡng mộ nhất. Đó là bài học về tinh thần đoàn kết của người dân Việt Nam. Đất nước ta vốn là một dân tộc có truyền thống đoàn kết. Trong quá khứ, nhân dân ta đã từng đoàn kết chống lại biết bao nhiêu kẻ thù xâm lược để giành lại nền hòa bình. Đến hôm nay, tinh thần đoàn kết ấy lại một nữa chứng tỏ sức mạnh to lớn của nó để giúp Việt Nam chiến thắng đại dịch Covid-19. Ngay từ khi nước ta có ca nhiễm đầu tiên cho đến thời điểm số người nhiễm bệnh lên tới hàng chục, hàng trăm người. Từ các cấp chính quyền đến người dân đều thể hiện được tinh thần đoàn kết một lòng. Những quy định nghiêm ngặt của Nhà nước về việc phòng chống dịch bệnh lập tức được ban hành. Những người dân từ người già đến trẻ nhỏ đều nghiêm chỉnh chấp hành các quy định: như đeo khẩu trang khi đi đến nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, hạn chế đi ra nơi đông người… Đặc biệt, trong thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội, toàn dân đều nghiêm chỉnh chấp hành. Nhiều bác sĩ dù còn trẻ hay đã về hưu đều sẵn sàng xung phong lên tuyến đầu chống dịch, thậm chí còn có cả những sinh viên của ngành y cũng sẵn sàng giúp sức. Những cây ATM gạo, ATM khẩu trang hay địa điểm phát thực phẩm miễn phí... được tạo ra không chỉ chứng tỏ tấm lòng tương thân tương ái mà còn là sự đoàn kết của toàn dân quyết đẩy lùi đại dịch… Bản thân một sinh viên như em, khi tham gia vào những công việc này, em cảm thấy vô cùng hạnh phúc và tự hào.
Đại dịch đã giúp chúng ta cũng nhận ra được những tình cảm thật tốt đẹp. “Không ai bị bỏ lại phía sau” - đó là câu khẩu hiệu mà mọi người dân Việt Nam đều biết đến. Sự đoàn kết xuất phát từ trên dưới một lòng đã đem lại sức mạnh to lớn. Việt Nam tự hào khi được đánh giá là một nước kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy còn một bộ phận không nhỏ những người vì lợi ích cá nhân mà bỏ qua lợi ích dân tộc. Nhưng tựu chung lại, dân tộc Việt Nam vẫn thể hiện được một tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng chống lại dịch bệnh Covid-19. Ai cũng đã hiểu được đây là một cuộc chiến dài ngày và cần phải có sự đoàn kết mới có thể chiến thắng được trận chiến này.
“Chống dịch như chống giặc” - cuộc chiến này vẫn còn lâu dài. Em và chị hãy cùng nhau góp một phần nhỏ bé của mình vào công tác phòng chống dịch bệnh. Thật hy vọng rằng đất nước mình sẽ sớm được bình an, chị nhỉ?
Cuối thư, em muốn chúc chị học tập tốt và giữ gìn sức khỏe!
Em gái của chị
Đỗ Thị Hà
Viết thư UPU lần thứ 50 cho bố mẹ về đại dịch COVID 19
Hà Nội, ngày... tháng... 2020
Bố mẹ yêu quý!
Đã lâu lắm rồi con không viết thư gửi bố mẹ một phần vì công việc bận rộn một phần cũng vì con còn quá vô tâm chưa thực sự quan tâm đến bố mẹ.
Dạo này bố mẹ ở nhà có khỏe không, công việc đồng áng ở nhà vẫn tốt chứ ạ. Công việc con trên này vẫn bình thường, tuy nhiên do dịch Covid nên cũng bị ảnh hưởng đôi chút. Bố mẹ ở nhà ra khi đi ra ngoài nhớ đeo khẩu trang và sát khuẩn tay nhé, dịch Covid này rất nguy hiểm nên ở đây con rất lo lắng cho bố mẹ. Mỗi khi xem thời sự thấy những thông tin có người bị nhiễm Covid ở gần khu vực nhà mình lòng con lại bộn bề lo âu. Chỉ mong dịch chóng qua để mọi người được an toàn và khôi phục lại kinh tế.
Gần đây con được công ty cho làm việc ở nhà, bố mẹ đừng lo tuy làm ở nhưng con vẫn hoàn thành tốt công việc và đảm bảo được cuộc sống của mình. Ở trên này các cô chú ở phường rất tốt, thường xuyên nhắc nhở tuyên truyền để mọi người cùng chung tay chống dịch bệnh nên công tác phòng chống dịch ở chỗ con ở luôn được đảm bảo. Con cũng ít đi ra ngoài và tiếp xúc nơi đông người, thi thoảng con đi chợ và mua đồ ăn đủ cho cả tuần luôn.
Hiện nay cả nước đang chung tay chống lại Covid nên con cũng chỉ muốn góp một phần nhỏ bé của mình nhằm nâng cao ý thức, phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Hy vọng tới đây cùng với sự hỗ trợ tích cực của nhà nước, cả nước mình sẽ chiến thắng được dịch bệnh Covid để con có thể yên tâm công tác hơn vì con biết bố mẹ sẽ luôn được khỏe mạnh.
Cuối thư con xin chúc bố mẹ có thật nhiều sức khỏe để luôn là chỗ dựa vững chắc cho con gái yêu nhé. Cả nhà mình cùng quyết tâm chung tay đẩy lùi dịch Covid bố mẹ nhé. Con yêu bố mẹ!
Ký tên
Con gái yêu
Viết thư UPU lần thứ 50 cho bà về đại dịch COVID 19
Khu Cách Ly, ngày ... tháng 12 năm 2021
Bà kính yêu!
Hôm nay bà có khỏe không? Có ăn được nhiều cơm không? Thời tiết đã vào đầu đông, trời rất lạnh và khô, bà nhớ mặc thêm áo và uống nước ấm nhiều vào nhé!
Con ở trong này vẫn ổn, vẫn được các cô chú phục vụ chu đáo và tận tình. Cơm ăn ngày ba bữa, quần áo đủ mặc, khẩu trang đeo thường xuyên chỉ trừ lúc ăn uống. Cứ hai ba ngày các bác sĩ trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu tới chân lại đến lấy máu của con một lần để xét nghiệm. Thật may mắn là cho tới nay con vẫn âm tính với virus corona.
Ban đầu khi mới nhận được lệnh cách ly con cũng hoang mang và lo sợ lắm bà ạ! Không biết rồi đây mình có bị bệnh hay không? Có thể chiến thắng virus hay bị virus đánh gục,… Sự lo lắng thái quá đã làm con gầy đi trông thấy. Trải qua mấy ngày ăn ngủ, ngủ rồi lại ăn con được các bác sĩ tư vấn rằng: cứ bình tĩnh, luyện tập thể dục và ăn uống đủ chất để nâng cao sức khỏe thì sẽ đánh bại virus thôi. Con nghe vậy cũng an tâm phần nào.
Ở khu cách ly này, mỗi người ở một phòng thật thoải mái và rảnh rang. Con vẫn thường mở điện thoại xem báo, biết được tình hình dịch bệnh đang diễn ra rất căng thẳng. Mặc dù, chính quyền đã ban bố lệnh khẩn cấp phong tỏa toàn thành phố, nhưng số ca mắc không ngừng tăng lên. Chưa bao giờ trong thời gian ngắn mà số người bệnh lại nhiều như vậy, làm quá tải lên hệ thống y tế quốc gia. Các bệnh viện thiếu bác sĩ, thiếu khẩu trang, thiếu máy thở, thiếu đồ bảo hộ,… trầm trọng.
Hàng triệu người đã chết và hằng ngày đang có hàng nghìn người vẫn tiếp tục bị nhiễm virus corona nguy hiểm này. Vậy nên ở quê, bà cũng hãy cố gắng thực hiện theo những khuyến cáo của bộ y tế để giữ gìn sức khỏe của bản thân mình. Như hạn chế ra ngoài, tụ tập nơi đông người, luôn mang khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay… Để chờ khi đại dịch qua đi, cháu và cả nhà sẽ về quê thăm bà ngay. Bà sẽ lại vuốt tóc cháu, thủ thỉ những câu chuyện từ ngày xửa ngày xưa. Bà nhé?
Cháu gái yêu quý của bà
Tú Anh
Viết thư UPU lần thứ 50 không quá 800 từ
Hà Nội, ngày 12 tháng 1 năm 2021
Gửi chị gái mến yêu của em!
Vậy đó mà đã gần một năm kể từ ngày chị sang Nhật Bản du học, đây là lần đầu tiên chị xa nhà lâu đến vậy, lại trong tình hình dịch bệnh Covid đang hoành hành như hiện nay, em và mọi người ở nhà đều lo lắng và nhớ thương chị thật nhiều.
Qua chương trình thời sự hàng ngày, em được biết Nhật Bản cũng là một trong những quốc gia phải chịu tác động nặng nề của dịch bệnh. Ở bên đó, chị cố gắng học tập tốt và đặc biệt phải chăm sóc tốt cho sức khỏe của mình nhé. Covid 19 đã lây lan và gây ra những hậu quả nặng nề cho toàn nhân loại trong suốt năm 2020 vừa qua. Dịch bệnh Covid lây lan rất nhanh và gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp của con người, vì vậy chị hãy hạn chế ra ngoài khi không cần thiết nhé.
Khi đi học và ra ngoài chị nhớ mang theo khẩu trang, nước rửa tay và giữ khoảng cách an toàn để tránh lây lan dịch bệnh nhé. Ở nhà mọi người đều chấp hành nghiêm chỉnh những quy định về cách li của nhà nước, không những thế, bố còn thực hiện khai báo tình trạng sức khỏe của các thành viên trong gia đình.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công việc của bố mẹ bị gián đoạn suốt 2 tháng, tình hình kinh tế gia đình mình cũng có ít nhiều biến động nhưng em vẫn thấy may mắn, hạnh phúc vì mọi người đều khỏe mạnh và cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Chị ở bên đó cũng phải mạnh khỏe nhé.
Thư cũng đã dài rồi, em cũng xin dừng bút tại đây. Chị cố gắng giữ gìn sức khỏe, học tập tốt nhé. Cả nhà thương và mong tin chị.
Em gái của chị!
Ngọc Hà
Viết thư UPU lần thứ 50 cho anh trai
Huế, ngày … tháng … năm …
Anh Minh thân mến!
Hôm nay, sau khi biết tin Đà Nẵng tạm thời phong tỏa, nên anh không thể về nhà được. Mọi người ở nhà ai cũng lo lắng lắm, nên em liền viết thư cho anh.
Xem tivi và đọc báo, em hiểu được phần nào sự đáng sợ của virus Corona. Nó lây lan nhanh chóng và ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe của con người. Bất kì nơi đâu có sự hiện diện của nó, mọi người luôn sống trong thấp thỏm và lo sợ. Bây giờ, anh ở trong Đà Nẵng chắc cũng vậy nhỉ?
Ở nhà, mọi người đều ổn. Nhờ chính quyền kịp thời đưa ra các biện pháp ứng phó nên chưa có gì đáng lo cả. Quan trọng nhất chính là anh thôi đó. Ở Đà Nẵng, anh hãy cố gắng làm theo đúng mọi khuyến cáo của bộ y tế nha. Bình thường, anh là người năng động, thích đi đây đi đó. Nhưng thời gian này, anh cố gắng ở nhà để tránh bị lây bệnh. Tuy tù túng nhưng nó sẽ rất an toàn. Em tin rằng, chỉ cần mọi người đồng lòng thì dịch bệnh sẽ nhanh chóng bị đánh bại thôi.
Vậy nên anh hãy vững tin và giữ gìn sức khỏe nhé! Em và bố mẹ ở nhà chờ anh về đoàn tụ, mừng ngày nước ta đánh bại dịch Covid-19.
Em trai của anh
Tú
Hoàng Tú
Viết thư UPU lần thứ 50 ngắn nhất
Hà Nội, ngày … tháng … năm …
Mẹ yêu quý của con!
Cũng đã 3 tuần rồi con chưa được gặp mẹ. Từ lúc đại dịch Covid-19 bùng lên, mẹ đã luôn phải túc trực ở bệnh viện. Để đảm bảo an toàn cho mọi người, mẹ đã không thể về nhà. Thế nhưng, mẹ đừng quá lo lắng về con và bố nhé. Hiện nay, con đã được nghỉ học ở nhà, còn bố thì vẫn đi làm bình thường. Tuy nhiên, cả con và bố vẫn luôn tuân thủ đúng theo những khuyến cáo của bộ y tế và lời mẹ dặn. Đi đâu con và bố cũng mang khẩu trang, và thường xuyên sát khuẩn tay nữa. Và tất nhiên, con và bố vẫn rất khỏe mạnh.
Thế nên, mẹ đừng quá lo lắng, mà hãy giữ gìn sức khỏe và tập trung cho công việc nhé. Con biết chắc hẳn giờ này mẹ đang rất mệt mỏi và nhớ nhà. Con và bố cũng nhớ mẹ lắm. Thế nhưng chúng ta phải cùng nhau cố gắng vượt qua. Con tin rằng, rồi chúng ta sẽ chiến thắng được đại dịch lần này một cách thành công. Chờ đến ngày đó, con và bố sẽ đến bệnh viện đón mẹ về nhà. Mẹ phải hứa với con là luôn giữ gìn sức khỏe và lạc quan lên. Mẹ nhé?
Con gái yêu của mẹ
Hà Lan
Viết thư UPU lần thứ 50 cho người thân
Hà Nội, ngày ..... tháng ..... năm 2021
Gửi chú Hùng kính yêu!
Chú ơi, dịch bệnh bên Nga sao rồi hả chú? chú vẫn giữ sức khỏe đấy chứ ạ? Xứ sở băng tuyết lạnh giá như vậy, chú phải mặc thật ấm nhé! Con không biết rõ tình hình dịch bệnh bên đó nghiêm trọng thế nào, mà con chỉ biết diễn biến dịch bệnh Covid – 19 ngay tại đất nước Việt Nam, ngay tại gia đình mình, con kể cho chú nghe về con virut xấu xí đó nhé!
Chú có biết không, vài ngày đầu sau năm mới Tết Nguyên đán, con đã nghe trên tivi, đài báo về sự xuất hiện của con virus Corona, được cho rằng tìm thấy ở Thành phố Vũ Hán - Trung Quốc. Thoạt đầu gia đình mình vẫn bình thản lắm chú ạ. Ngay cả con nữa, con chẳng đề phòng gì đâu, vì chỉ nghĩ đó là loại virus gây bệnh cúm mùa bình thường. Tuy nhiên chỉ trong vòng một vài ngày thôi, đã có vài người chết đột ngột. Xem những video người đàn ông đang đi lại bình thường trên đường mà bỗng ngất đi, ngã ngay xuống mặt đường, và tắt thở, con mới run sợ đến lạ. Ôi thế ra con virus nhỏ bé này mà lại giết chết được người sao? Hoang mang, lo lắng, con vội vàng lên các trang mạng xã hội để tìm kiếm tin tức. Nhưng rồi, con lại càng hoang mang hơn, bởi trên các trang mạng, chỉ cần có smartphone thôi là đã có thể ngồi ở nhà Livestream và bảo “Tôi đang ở Vũ Hán – Trung Quốc” là đã nhen lửa lo lắng cho hàng trăm nghìn người rồi. Con tự hỏi tại sao họ lại độc ác quá thế? Chỉ vì muốn câu view, câu like mà nhẫn tâm đem lại sự bất an cho dư luận, đưa tin đồn thất thiệt, gây nhiều khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh. Biết không thể tin tưởng những video tự phát trên mạng xã hội, con chỉ theo dõi tin tức “chính thống” từ kênh truyền hình VTV của Nhà nước, các trang báo nổi tiếng là uy tín. Con chăm chỉ cập nhật tin tức mỗi ngày.
Chỉ trong vòng một tuần thôi mà số người mắc bệnh và số người chết đã tăng lên đột ngột. Bởi vì đây là loại virus lan truyền trong không khí, rất khó kiểm soát, lại thêm tâm lý chủ quan của mọi người lúc đầu dịch, nên mới lây lan nhanh chóng như thế . Người người, nhà nhà nói chuyện với nhau về Covid – 19, khắp các trang mạng cũng chỉ cập nhật về chủ đề này, cả thế giới sục sôi lên vì Covid.
Ngay trong gia đình mình, từ ông bà cho đến ba mẹ đều đã biết sự nguy hiểm của dịch bệnh, thế nên ông bà nhắc nhở chúng con mặc ấm suốt thôi. Ba mẹ con quan tâm hơn đến việc ăn uống, lúc nào cũng dặn phải ăn chín uống sôi mới đảm bảo được sức khỏe. Dịch bệnh vẫn cứ ngày càng nghiêm trọng, đến khi dịch bùng phát tại Việt Nam, khiến người dân mình điêu đứng hết cả. Khắp các siêu thị, chợ lớn, tiệm nhỏ, mọi người đổ xô đi mua đồ ăn, thịt cá, mì tôm, xà phòng rửa tay,… Chen lấn xô đẩy, người ta giành nhau mua đồ ăn cho thật nhanh, thật nhiều. Bởi tâm lý không mua nhanh thì hết chứ sao! Đặc biệt nhất là vấn đề khẩu trang chú ạ. Đây vốn là loại vật dụng thiết yếu hàng ngày, tuy nhiên nhiều người cũng đâu có sử dụng, cứ nghĩ không dùng cũng chẳng hề hấn gì đâu. Cơ mà virus Corona lây lan trong không khí nên ở Việt Nam mình, họ đổ xô đi mua khẩu trang ngay lập tức. Giống như ở siêu thị, các tạp hóa, hiệu thuốc chật kín người. Hàng giả, hàng kém chất lượng len lỏi khắp nơi, tăng giá gấp bốn, gấp năm lần bình thường, đúng là tỏ lòng người chỉ qua chiếc khẩu trang. Nhưng người dân vẫn sẵn sàng mua trữ, để đảm bảo luôn khỏe mạnh chú nhỉ? Bên đó chú cũng nhớ đeo khẩu trang nha chú, bảo vệ cơ thể từ những việc nhỏ đơn vậy thôi ạ!
Đáng lo nhất vẫn là vấn đề lương thực. Nhất là khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định toàn dân tự cách li tại nhà 14 ngày, con lại đâm lo lắng. Hàng ngày con xuống bếp kiểm tra thùng gạo mấy lần, con cứ chỉ sợ hết gạo để ăn. Rồi lại mở tủ lạnh năm lần bảy lượt xem còn thịt cá, rau tươi không? Vì siêu thị đóng cửa hết rồi, không biết dịch bệnh còn kéo dài đến bao giờ. Bà thấy con cứ lấm lét xuống bếp thì biết ngay, bà cứ bảo con đừng lo, nhà mình vẫn còn nhiều đồ ăn bà mua trước dịch rồi. Con bớt lo hơn, nhưng cũng thấy bữa cơm ít đi món thịt, thêm vào chút rau, mà vẫn ấm cúng cơm nhà chú nhỉ?
Có lẽ đối với lũ học sinh chúng con, việc chờ đợi tin tức hàng ngày, Bộ giáo dục thông báo nghỉ học là cứ thế mà vui sướng thỏa thích. Ở nhà tha hồ mà ăn chơi, ngủ nướng, ngủ cho bù những ngày dậy sớm đi học chú ạ. Tuy nhiên chúng con vẫn học Online tại nhà, chỉ cần có thiết bị kết nối với Internet là con được gặp lại thầy cô, bạn bè con, vui khôn tả. Học Online tiện lợi lắm chú, con không phải ì ạch đạp xe đến trường xa nữa, cứ ngồi tại nhà mà học thôi, mưa chẳng tới mặt, nắng chẳng tới đầu, kỉ niệm thời Covid của con đó!
Những ngày ở nhà, ăn ngủ nhiều, nhưng con vẫn không quên tập thể dục. Ngày nào con và các em cũng thi nhau tập luyện, nhảy nhót theo những video trên tivi, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa gắn kết với anh em, nghĩ mà vui lắm chú ạ. Hạnh phúc hơn nữa, là con có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn. Trước đây con chỉ có đi học rồi về nhà, ăn uống rồi lại học bài, thì bây giờ con đã ăn chậm hơn, kể cho ông bà nghe nhiều câu chuyện hơn, xem phim cùng cả nhà, ấm áp và hạnh phúc. Lúc này con lại biết ơn con virus Corona, nhờ nó mà gia đình mình gắn kết hơn, kỉ niệm lại ùa lúc con đang viết những dòng này. Tiếc quá, chú vẫn chưa về được Việt Nam để cùng gia đình quây quần đầm ấm.
Con số người chết vẫn cứ ngày một tăng nhanh trên thế giới. Người chết hàng loại ở bệnh viện, trại dã chiến, số lượng không thể thống kê hết được. Nhìn thấy những cảnh tượng ấy trên tivi, con xót xa lắm. Đúng là mạng sống đáng quý như thế, lơ là là tuột ngay khỏi tầm tay. Con đã biết trân trong cuộc đời vô thường này. Thấy gia đình, thấy đoàn tụ ấm cúng là con tìm được ý nghĩa của cuộc đời mình.
chú hãy giữ gìn sức khỏe nhé! chú mặc ấm vào nữa đó, ông bà ở nhà cứ hỏi chú không biết có khỏe không, công việc thế nào rồi? Nhưng mà chú đừng lo nhé, con đang cố gắng giúp đỡ ông bà nhẹ bớt gánh nặng công việc nhà. chú hãy cứ yên tâm làm việc, thỉnh thoảng gọi điện cho ông bà là được rồi ạ. Con mong ngày chú trở về.
Những trải nghiệm mùa Covid, con đã kể cho chú nghe rồi, còn nhiều câu chuyện lắm ạ, nhưng con đành gác lại cho bức thư sau. chú giữ sức khỏe nhé! Bây giờ con đi học bài đây ạ, đến giờ học của con rồi. Con chào chú nhé! Dịch bệnh bên Liên bang Nga như thế nào, chú hãy viết thư cho con biết nhé. Con mong thư của chú.
Thân gửi chú!
Cháu gái
Bức thư gửi Con gái về đại dịch Covid 19
Con gái yêu quý!
Suốt mấy hôm nay, ba mẹ cùng con gái đứng trước vấn đề hết sức “đau đầu”: Con nên trở về Việt Nam hay ở lại Mỹ?
Thú thật, ba mẹ không có nhiều thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 ở nước Mỹ xa xôi. Nhưng với kinh nghiệm và vốn sống của mình, ba mẹ có đôi lời với con thế này. Ngày 11-3, lần đầu tiên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là “đại dịch”. Theo Tạp chí Time cùng ngày, toàn thế giới đã ghi nhận hơn 126.000 ca bệnh ở hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như vậy, khắp thế giới đều có dịch bệnh thì không có nơi nào là chỗ trú ngụ thực sự an toàn cả.
Con gái đang du học ở nước Mỹ. Trước khi lên đường trở về nhà (trong ngắn hạn), chúng ta sẽ cùng nhìn nhận cách thức ứng phó với dịch bệnh của quốc gia này. Sáng 12-3, Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố: “Để ngăn các ca nhiễm mới vào Mỹ, chúng ta sẽ ngừng tất cả hoạt động đi lại từ châu Âu đến Mỹ trong 30 ngày tới”. Trước đó, nhà chức trách cũng đã cấm các chuyến bay từ Mỹ đến Nhật Bản, Hàn Quốc; yêu cầu tất cả mọi người trở về từ Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, Italia và các nước đã công bố dịch phải cách ly trong 14 ngày. Thế đó, nước Mỹ đã tự cách ly mình và sử dụng mọi biện pháp để phòng, chống lây lan dịch bệnh.
Trong trường hợp con gái bị nhiễm bệnh thì nền y tế của nước Mỹ vẫn khiến cho ba mẹ yên tâm, cộng với việc nhà trường đã mua bảo hiểm y tế trong 8 tháng học tập trung cũng vơi bớt nỗi lo lắng về chi phí điều trị, chăm sóc… Ngoài ra, trường đại học của con gái cũng đã nhanh chóng chuyển sang chế độ học online, không phải đến trường, tụ tập nơi đông người.
Đó là những tin tức ấm lòng.
Còn trong trường hợp con gái trở về nước thì sao nhỉ? Chặng đường con di chuyển đến sân bay đông người, rồi lên máy bay, bay suốt hơn 30 giờ, buộc phải hít thở chung bầu không khí với những người chẳng may đã nhiễm bệnh… thì quả thật rất đáng lo ngại. Lại còn thời gian quá cảnh, rồi phải tự cách ly 14 ngày, ngay khi bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất… Lỡ may dịch bệnh kéo dài thì con rất khó xin visa quay trở lại giảng đường.
Ôi chao, chuyến trở về của con gái trong giả định có quá nhiều rủi ro, không thể lường trước!
Thêm nữa, ở Việt Nam, con gái sẽ tiếp tục học online nhưng múi giờ đã thay đổi, sẽ rất mệt nhọc, không thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Con gái đã trưởng thành. Ba mẹ tôn trọng và trao cho con quyền tự quyết định việc này. Thế nhé, con đang ở nơi đất khách quê người, nên ba mẹ hết sức lo lắng. Tuy nhiên, ba mẹ vững tin con sẽ vượt qua thời khắc khó khăn này.
Chỉ mong sao mọi sự bình yên!
Viết thư UPU lần thứ 50 về đại dịch Covid 19 bài mẫu
- Gợi ý cách viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 dễ đạt giải
- Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 gửi mẹ về đại dịch COVID - 19
- Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 về đại dịch Covid 19 mẫu 2
- Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 về đại dịch Covid 19 mẫu 3
- Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 50 gửi bà chia sẻ về đại dịch COVID - 19
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 50 năm 2021 ngắn nhất không quá 800 từ
- Viết thư UPU lần thứ 50 cho bố về đại dịch COVID - 19
- Viết thư UPU lần thứ 50 gửi ông chia sẻ về đại dịch COVID - 19
Những lưu ý về cuộc thi viết thư UPU lần 50
Đơn vị tổ chức cuộc thi viết thư UPU lần 50
Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam, Báo Thiếu niên Tiền phong.
Mục đích ý nghĩa
Hàng năm, Liên minh Bưu chính Thế giới (gọi tắt là UPU) tổ chức Cuộc thi Viết thư quốc tế dành cho trẻ em, nhằm:
- Góp phần phát triển khả năng viết văn và sự phong phú trong tư duy sáng tạo của các em.
- Tạo điều kiện thắt chặt tình hữu nghị giữa các dân tộc trong thế hệ trẻ.
- Giúp các em hiểu thêm về vai trò của ngành Bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội.
Nơi nhận bài thi: Báo Thiếu niên Tiền phong, số 5, Hòa Mã, Hà Nội - 11611
Thời gian: Từ ngày 1/12/2020 đến ngày 28/2/2021 (tính theo dấu Bưu điện).
Một số yêu cầu:
- Không thành lập Ban Tổ chức và chấm chọn bài tại địa phương;
- Không bắt buộc 100% học sinh của trường tham gia;
- Bản quyền các bài thi thuộc về Ban Tổ chức;
- Số hiệu: 11611 là mã Bưu chính của Báo Thiếu niên Tiền phong.
Trang Fanpage chính thức của cuộc thi: Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU Việt Nam.
VnDoc sớm cập nhật các bài văn mẫu cho các em học sinh tham khảo.
Bức thư đạt giải nhất Viết thư UPU quốc tế lần 49
Ngày 5 tháng 1 năm 2020
Kinh gửi mệ Lương bán xôi!
Mệ ơi, 10 năm nay con chỉ ăn sáng bằng xôi của mệ. Gần đây con càng quý mệ hơn và gọi mệ là "mệ Lương thông thái". Hôm nay con xin gửi mệ một lá thư để lan tỏa việc làm tử tế!
Mệ Lương bán xôi đắt khách kính mến!
Xôi mệ bán ngon, sạch sẽ nức tiếng thành phố. Sáng sáng, những vò xôi nóng hổi, khói bốc nghi ngút mùi đồng quê, tay mệ thoăn thoắt cho vào hộp xốp gài cái "cạch" rồi bỏ vào túi ni lông, không quên cho thêm cái muỗng nhựa. Hàng trăm đứa trẻ như con tung tăng vào lớp. Năm phút sau, tất cả nằm gọn trong thùng rác. Chúng con lại chờ đến sáng mai xếp hàng mua xôi, lòng thầm cảm ơn mệ bán xôi, tận tâm mà không hề biết mình đang bị đầu độc.
Kính gửi mệ Lương bán xôi ế khách!
Mệ ơi, con được học trong nhà trường điều này hay lắm. Mệ biết vì sao ở Việt Nam tỷ lệ người ung thư, nhất là trẻ em tăng cao không? Mệ biết vì sao trẻ em nam nữ tính hoá, trẻ em dậy thì sớm không? Có nhiều nguyên nhân ạ! Nhưng một trong những nguyên nhân cơ bản là do ăn uống. Việt Nam là một trong năm nước đứng đầu thế giới về sử dụng xốp, nhựa bừa bãi nhất. Trong xốp, nhựa tái chế có nhiều chất DOP, chì, cadimi sẽ hòa tan khi tiếp xúc với đồ nóng chứa axit, dầu ăn hay muối. Như vậy, mẹ con mình đang tiếp tay cho bệnh tật, mệ nhỉ! Nhớ hôm mệ dẫn con tới gặp mệ, con cứ sợ mệ la "trứng khôn hơn vịt". Nhưng mệ đã suy nghĩ rất lâu, rồi cầm tay con nói: "Mệ ít học, không biết điều này, mệ sẽ cố gắng thay đổi". Con biết ơn mệ vì đã nghe tâm sự, nguyện vọng của một đứa trẻ.
Rồi mệ bỏ hết tất cả hộp xốp và bao bì ni lông, chỉ dùng lá chuối hơ lửa để gói xôi. Con rất trân trọng nhưng nhiều phụ huynh và bạn nhỏ khác khó chịu vì sự bất tiện này. Gánh xôi của mệ ế khách trông thấy nhưng mệ vẫn kiên trì dùng lá gói xôi.
Thân thương gửi mệ Lương bán xôi đắt khách!
Một tuần sau mệ quay lại sử dụng túi ni lông. Con buồn, mệ vì đồng tiền mà bất chấp. Nhưng không, mệ bảo rằng: "Một thói quen xấu dễ hình thành nhưng rất khó sửa, bởi vậy, cần thời gian". Bước đầu, mệ thay hộp xốp bằng lá chuối, vẫn sử dụng túi ni lông xách ngoài, nhưng trong mỗi túi mệ đều bỏ thêm một lá thư do chính mệ viết đã photo thành nhiều bản.
"Con thân mến!
Mệ bán xôi ít học nhưng mệ biết sử dụng hộp xốp và bao ni lông đựng xôi nóng có hại cho sức khoẻ, về lâu dài còn gây bệnh vô sinh, ung thư, ngoài ra còn ô nhiễm môi trường. Hãy cùng mệ Lương bảo vệ các con và cả thế giới. Ngày mai con phải mang theo hộp sứ, hộp nhựa để đựng xôi rồi mệ Lương giảm giá nhé!
Ký tên
Mệ Lương bán xôi"
Đọc thư của mệ, con vô cùng xúc động. Ai có thói quen xấu khi sử dụng hộp xốp hay bao bì ni lông đều tan chảy trước lá thư của mệ. Quả nhiên gánh xôi mệ bán càng đắt khách hơn. Tiếng lành đồn xa, ai cũng muốn mua xôi của mệ để được trân trọng nhận lá thư tay.
Đa số mọi người đều đồng tính, khâm phục việc làm của mệ nhưng cũng có người trề môi: "Làm thế thì được gì?". Sao lại không được gì? Trước hết mệ đã làm tốt phần việc của mình, sau đó mệ cũng thông thái lan tỏa cho nhiều người biết tự bảo vệ mình khỏi chất độc có trong hộp xốp và bao ni lông, hơn tất cả là không tự biến mình thành "tội đồ" phá hủy môi trường của con cháu đời sau. Với con, mệ là siêu anh hùng giữa đời thường!
Con rất ngưỡng mộ mệ! Chúc mệ thật nhiều sức khỏe để tiếp tục bán xôi sạch cho chúng con!
Khách đặc biệt của mệ