Gợi ý cách viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 dễ đạt giải
Gợi ý cách viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49
Gợi ý cách viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 năm 2020 chủ đề: "Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống" hướng dẫn các em học sinh cách viết, kỹ thuật và những lưu ý khi viết thư cho các em học sinh nắm rõ chuẩn bị cho cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần 49.
Nhằm giúp các em học sinh trên cả nước có thêm kiến thức để viết bài dự thi Cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 49 đúng và hay hơn, Ban Giám khảo cuộc thi vừa đưa ra những trao đổi rất thú vị về chủ đề và kỹ thuật thể hiện bức thư. Một bức thư tham gia Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU không phải là bức thư thông thường, mà là một bức thư văn học, một bức thư có sự sáng tạo và cảm xúc để tạo nên sự khác biệt.
Chủ đề của cuộc thi UPU lần thứ 49 là: “Em hãy viết thông điệp gửi một người lớn về thế giới chúng ta đang sống” (Tiếng Anh: Write a message to an adult about the world we live in).
Những lưu ý khi viết thư UPU lần 49
Năm nào cũng vậy, Ban giám khảo luôn đặc biệt nhấn mạnh yếu tố độc lập, sáng tạo, nghĩa là bức thư phải là sản phẩm sáng tạo của cá nhân người viết. Những bức thư chép lại từ bài mẫu hoặc chép giống nhau bị loại ngay từ vòng chấm đầu tiên. Các em cần tuân thủ phần kỹ thuật viết thư được ghi rất rõ trong Thể lệ Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 49 (2020) để có một bài dự thi đúng thể thức, đúng yêu cầu. Đặc biệt là quy định về độ dài không quá 800 từ, không viết tên hay địa chỉ của mình trong nội dung bức thư.
Những bức thư giàu tính sáng tạo và cảm xúc của người viết, có lý lẽ trình bày thuyết phục, ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh sẽ chinh phục được người đọc, chinh phục được những vị giám khảo khó tính nhất.
Về kỹ thuật viết thư, các bức thư phải viết dưới dạng văn xuôi và theo đúng thể thức của một bức thư:
- Phần đầu thư luôn có thời gian, địa điểm viết thư, đối tượng gửi thư, lý do viết thư;
- Phần nội dung thư chuyển tải toàn bộ chủ đề bức thư;
- Phần cuối thư là những thông điệp được người viết gửi gắm, có lời chào tạm biệt và ký tên người viết.
Bài viết nên rõ ràng, mạch lạc và có cảm xúc. Nên tránh cách viết thư theo kiểu trình bày tư liệu khô khan, liệt kê hay kể lể chung chung. Nếu trong bức thư có nhiều hình ảnh sinh động, hoặc cách so sánh hợp lý thì càng lôi cuốn, hấp dẫn và thuyết phục người đọc. Những bức thư đoạt giải cao thường làm lay động trái tim người đọc không chỉ bởi ý tưởng, kết cấu bức thư mà còn bởi những cảm xúc chân thành mà người viết thể hiện.
Mỗi bức thư cần tìm ra một thông điệp riêng. Nếu các em nghe thời sự hàng ngày, theo dõi các sự kiện trong nước và quốc tế hay các hoạt động ở địa phương, ở chính ngôi trường em đang học, các em sẽ được nghe nói nhiều đến khái niệm “thông điệp”: thông điệp hòa bình, thông điệp bảo vệ môi trường sống, thông điệp về lòng nhân ái, sự sẻ chia và tình yêu thương, sống tích cực – suy nghĩ tích cực, hoàn thiện bản thân…
Hẳn các em còn nhớ về bức thư của bạn Nguyễn Nguyệt Linh, học sinh lớp 6 trường Marie Curie (Hà Nội) gửi thầy Hiệu trưởng của mình. Cô bạn nhỏ mong trường mình không thả bóng bay trong lễ khai giảng vì chim, rùa biển và các loài động vật khác có thể nuốt phải và bị giết chết. Bức thông điệp giản dị của Nguyệt Linh đã “chạm” tới mong muốn tốt đẹp của tất cả mọi người và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Những buổi lễ khai giảng không thả bóng bay, hay nói rộng hơn, những hoạt động hạn chế sử dụng và xả rác thải nhựa ra môi trường sau đó đã được các nhà trường, các cơ quan, doanh nghiệp thực hiện bằng nhiều sáng kiến khác nhau, tạo ra một làn sóng “sống xanh” tích cực và hữu ích.
Thông điệp là một điều gì đó quan trọng, có ý nghĩa mà em mong muốn gửi tới người đọc thông qua bức thư của mình. Để bức thông điệp ấy có tác động đến suy nghĩ, tình cảm của người đọc, từ đó có thể làm thay đổi nhận thức và hành động của họ, thì em cần phải viết bức thư bằng những câu chuyện đặc biệt, bằng ngôn ngữ biểu cảm, giàu hình ảnh, bằng lý lẽ thuyết phục và cảm xúc chân thực của mình.
Chủ đề của cuộc thi năm nay rất rõ ràng, viết cho một người lớn. Các em lưu ý người nhận thư được “chỉ định” rõ ràng là một người lớn và em có thể lựa chọn bất kỳ một người lớn nào để tiếp nhận bức thông điệp của em: người thân trong gia đình, thầy cô, thần tượng của em, những người nổi tiếng, những nhân vật trong sách, phim ảnh, âm nhạc, những người em yêu mến hoặc ngược lại, em là anti – fan của họ… Có nghĩa là đối tượng nhận thư của em rất phong phú, rất đa dạng, nhiều chiều. Điều quan trọng là em tìm ra được lý do hay sự giải thích hợp lý rằng, vì sao em viết thư cho họ để gửi bức thông điệp của mình.
Các bạn tham khảo Dàn ý chi tiết cho bài viết thư UPU lần 49 để hiểu rõ cách viết thư cũng như cách chọn chủ đề hay và hấp dẫn.
Từ khóa quan trọng nhất của chủ đề Cuộc thi viết thư UPU 49 là “Viết về thế giới chúng ta đang sống”. Theo trao đổi của Ban giám khảo, thế giới” là danh từ dùng để chỉ toàn bộ bề mặt của trái đất – nơi toàn thể loài người đang sinh sống, làm việc, học tập. Như vậy, có thể hiểu thế giới bao gồm toàn bộ vật chất (thành phố, núi đồi, sông biển, nhà cửa…) và kinh tế, văn hóa, đạo đức, tinh thần (phong tục tập quán của các dân tộc, trình độ văn hóa, phong cách ứng xử…). Thế giới bao gồm tất cả những gì đã, đang và sẽ có trên trái đất mà chúng ta đang sống.
Thế giới rộng lớn chúng ta đang sống có rất nhiều điều tốt đẹp và loài người không ngừng phấn đấu để đạt được những mục đích tốt đẹp ấy. Đó là một cuộc sống hiện đại, văn minh, môi trường trong lành, mọi người luôn biết yêu thương - chia sẻ và giúp đỡ đồng loại, không có chiến tranh - hận thù. Nhưng cho dù loài người tiến bộ đã đạt được vô số những thành tựu để xây dựng một thế giới tươi đẹp, nhưng cũng đang phải đối mặt với vô số những vấn đề nghiêm trọng: biến đổi khí hậu, chiến tranh, sự đói nghèo, thất học, sự bất bình đẳng giữa các quốc gia, phân biệt đối xử, thiếu vắng sự sẻ chia trong mối quan hệ của con người trong thời đại công nghệ…
Các em có thể chọn viết về thế giới rộng lớn của nhân loại, nhưng cũng có thể viết về thế giới của các em. Bắt đầu từ thế giới nhỏ là gia đình với ông bà, bố mẹ và các anh chị em; rộng hơn nữa là ngôi trường của em học với thầy cô, bạn bè, là quê hương em đang sinh sống, là đất nước Việt Nam mến yêu của em.
Dù viết về thế giới rộng lớn hay bé nhỏ, bức thông điệp chung nhất của chúng ta là mong muốn có được một thế giới tốt đẹp để mình có thể lớn lên một cách bình yên, hạnh phúc và trưởng thành đúng hướng. Tất nhiên để có được thế giới mơ ước đó, tất cả mọi người đều phải chung tay góp sức xây dựng. Với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, các em cũng góp phần xây dựng thế giới tốt đẹp bằng cách chăm học, chăm làm, rèn luyện đạo đức và sức khỏe tốt, tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giúp đỡ những người gặp khó khăn…
Tham khảo các bài văn mẫu viết thư UPU lần 49:
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về dịch bệnh Virus corona
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về xóa bỏ các dịch bệnh.
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu gửi cho Ông già Noel
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về người lớn sử dụng Facebook
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu gửi CEO Facebook Mark Zuckerberg
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về đổi mới sáng tạo 4.0
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về nguy cơ chiến tranh mạng
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về chất lượng không khí AQI
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về an toàn giao thông ứng dụng công nghệ
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về văn hóa truyền thống được phục dựng
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về hỗ trợ khởi nghiệp
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về vấn đề trẻ em tị nạn
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về nạn xâm hại trẻ em
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Thông điệp gửi người lớn về nạn buôn người
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về vấn nạn bản quyền phim
- Viết thư quốc tế UPU lần thứ 49: Bài mẫu về tình yêu tuổi học trò thời @