Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Ý chí độc lập tự do được thể hiện trong "Nhật kí trong tù"

Những bài văn mẫu hay lớp 11

Văn mẫu lớp 11: Ý chí độc lập tự do được thể hiện trong "Nhật kí trong tù" dưới đây được VnDoc sưu tầm và giới thiệu nhằm giúp các em học sinh cùng quý thầy cô tham khảo, củng cố kỹ năng cho bài kiểm tra viết sắp tới đây của mình. Mời các em học sinh cùng tham khảo.

Ý chí độc lập tự do được thể hiện trong "Nhật kí trong tù"

"Nhật kí trong tù", tập nhật kí bằng thơ ghi lại một cách chân thực nhất hình ảnh người tù cộng sản trong nhà tù Tưởng Giới Thạch suốt "Mười bốn trăng tê tái gông cùm", ở đó, dù có bị vùi dập tàn nhẫn đến đâu thì người tù cách mạng vẫn vượt lên để chan hòa, giao cảm với vạn vật, để giành tình yêu thương của mình cho hết thảy với một ý chí nghị lực phi thường, một ý chí độc lập tự do đáng trân trọng.

Mùa thu năm 1942, Nguyễn Ái Quốc bị bắt khi vừa đặt chân lên mảnh đất Quảng Tây. Không hề xét xử, không hề luận tội, Người bị chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác không gì ngoài mục đích đày đọa. Chính trong thời gian đó Người đã viết "Nhật kí trong tù". Đây là tập thơ cũng là một tập nhật kí, là những gì Bác ghi chép lại từ cuộc sống hàng ngày bởi vậy, nó hết sức chân thực và sống động. Đặc biệt, nổi bật lên trong những tác phẩm ấy chính là bức chân dung tự họa của một bậc "đại nhân, đại trí, đại dũng", người không chỉ khát khao tự do cho mình mà cao hơn nữa còn là tự do cho dân tộc, cho nhân loại. Hồ Chí Minh đã không ngần ngại vạch trần bộ mặt phi nhân tính của nhà tù Tưởng Giới Thạch, đày đọa tước đoạt quyền tự do của con người, ở đó, người tù vô cớ bị chuyển đi hết nhà lao này đến nhà lao khác:

"Quảng Tây đi khắp lòng oan ức

Giải tới bao giờ, giải tới đâu"

Người tù phải chịu cảnh ốm đau, đói rét, bẩn thỉu:

"Bốn tháng cơm không no

Bốn tháng đêm thiếu ngủ

Bốn tháng áo không thay

Bốn tháng không giặt giũ (...)

Gầy đen như quỷ đói

Ghẻ lở mọc đầy thân."

Đau khổ và khó khăn là thế, tưởng chừng như có thể quật ngã ý chí của người tù nhưng không người tù vẫn không hề bị khuất phục mà vượt lên tất cả với ý chí độc lập tự do, một khí phách kiên cường.

Đó là hình ảnh người tù với ước mơ khát vọng tự do đến cháy bỏng cả trong nhận thức lẫn trong tiềm thức. Ngay từ đầu bài thơ ta đã bắt gặp điều này:

"Ngâm thơ ta vốn không ham

Nhưng ngồi trong ngục biết làm chi đây

Tháng ngày ngâm ngại cho khuây

Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do."

Câu thơ cuối cùng như một sự hiển nhiên, một lẽ tất yếu: ngâm thơ để chờ ngày tự do, nó thể hiện niềm tin sắt đá của Hồ Chí Minh: ngày tự do sẽ đến. Phải khát khao tự do thế nào thì người tù mới có một niềm tin mãnh liệt đến vậy. Cũng có khi, người tù khát khao để được tự do thưởng ngoạn vẻ đẹp của thiên nhiên, được thả hồn theo mảnh trăng thu:

"Chẳng được tự do mà thưởng nguyệt

Lòng theo vời vợi mảnh trăng thu"

Ý chí tự do cũng được gián tiếp thể hiện qua việc phát hiện và đồng cảm với khát khao tự do của người khác. Bác lấy điều đó để lí giải cho hành động liều mạng của một người bạn tù:

"Tự do anh ấy hằng mong mỏi

Liều mạng đâm nhào, nhảy xuống xe"

Là khát khao cho mình nhưng cũng chính là cho cả dân tộc được tự do, độc lập. Chính vì vậy mà lúc nào người cũng bị ám ảnh bởi hình ảnh của đất nước, lo lắng cho vận mệnh đất nước:

"Năm chòm cố quốc tăm hơi vắng

Tin tức bên nhà bữa bữa trông"

Nỗi niềm nhớ nước và khát khao độc lập tự do ấy lúc nào cũng thường trực, đến mức nó theo cả vào trong giấc ngủ của người, đi sâu vào trong tiềm thức:

"Canh bốn canh năm vừa chợp mắt

Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh."

Sao vàng năm cánh là hình ảnh của lá cờ tổ quốc đang tung bay, nó tượng trưng cho độc lập, chủ quyền, tự do của tổ quốc. Hình ảnh ấy luôn thường trực trong tâm trí Người bởi như người đã từng nói: "Tôi có một ham muốn, một ham muốn tột bậc là nước nhà được độc lập, nhân dân được tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành". Đó cũng chính là một trong những động lực chính thôi thúc Người khát khao thoát ra khỏi cảnh giam hãm, tù đàỵ. Dường như kẻ thù càng đọa đày, càng tìm cách thủ tiêu thì ý chí độc lập, tự do ấy càng nổi bật lên, sáng ngời. Ta bắt gặp ở đó một tư thế ngạo nghễ với lao lung của một tâm hồn tự do:

"Tuy bị tình nghi là gián điệp

Mà như khanh tướng mặt ung dung"

Ý chí đó không gì có thể khuất phục được:

"Mặc dù bị trói chân tay

Chim ca rộn núi hương bay ngát rừng

Vui say ai cấm ta đừng

Đường xa âu cũng bớt phần quạnh hiu."

Nhà tù chỉ có thể giam hãm được thân thể chứ đâu giam hãm được tâm hồn người tù. Tâm hồn ấy vẫn vượt qua bao vòng dây trói để chan hòa giao cảm với thiên nhiên, để cảm nhân ở đó tiếng chim ca rộn núi mùi hương đưa ngát rừng. Có thể khẳng định rằng người tù cách mạng hoàn toàn tự do về mặt tinh thần. Chính vì lẽ đó mà trong tập nhật kí, ta bắt gặp nhiều cuộc vượt ngục về tinh thần để vươn tới vùng trời tự do

"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ

Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ."

Tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu tự do đã vượt qua song sắt nhà giam để đến với thiên nhiên trong một mối tình tri âm, tri kỉ. Người hoàn toàn tự do về mặt tinh thần bởi có một sự thật là:

"Giam người trói cả chân tay lại

Chẳng thể giam ta nghĩ tự do"

và Người tự nhận mình là một người khách tự do trong chính nơi tù hãm:

"Mây mưa, mây tạnh bay đi hết

Còn lại trong tù khách tự do"

Ý chí độc lập tự do đó, xét cho cùng chính là bắt nguồn từ khát khao độc lập tự do cho cả dân tộc. Vì dân tộc mà người có thêm sức mạnh để vượt qua thử thách, đọa đày. Người đã từng xót xa vì bị giam hãm trong tù ngục, không có điều kiện để giúp ích cho dân tộc mình sớm thoát khỏi cảnh tù đày. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh thấm thía nỗi đau của một con người mất tự do, của một dân tộc mất tự do:

"Trên đời nghìn vạn điều cay đắng

Cay đắng chi bằng mất tự do"

Càng đọc, càng đi sâu vào tìm hiểu "Nhật kí trong tù" ta càng thấy sáng ngời lên ở đó là ý chí độc lập, tự do của người tù. Dù nhà tù Tưởng Giới Thạch kia có đọa đầy, giam cầm, hành hạ như thế nào thì người tù cũng vượt qua tất cả để cảm thông, xót thương cho những số phận, chan hoà với thiên nhiên, tạo vật. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào người tù cũng vẫn luôn giữ phong thái ung dung tự tại, coi thường gian khổ. Ý chí đó bắt nguồn từ khát khao động lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho muôn dân, khát khao được hun đúc từ khi Người còn rất nhỏ, từ truyền thống của một gia đình Nho giáo, một quê hương là cái nôi của các cuộc kháng chiến. Nguồn gốc ấy khiến cho ý chí, tinh thần của Người càng trở nên ngời sáng và đáng trân trọng biết bao.

Cả tập thơ là một tập nhật kí ngắn gọn và hàm súc nhưng truyền tải được biết bao ý nghĩa lớn lao có giá trị xã hội và nhân sinh sâu sắc. Ở đó người tù cộng sản Hồ Chí Minh hiện lên với ý chí nghị lực phi thường, với tinh thần độc lập tự do và khát khao độc lập tự do mãnh liệt. Thương yêu nhân dân khát khao độc lập tự do cho bản thân, cho dân tộc, Hồ Chí Minh trở thành một tấm gương sáng thật vĩ đại, tấm gương của Người.

Trên đây VnDoc hướng dẫn các bạn học tốt bài Văn mẫu lớp 11: Ý chí độc lập tự do được thể hiện trong "Nhật kí trong tù". Ngoài ra các bạn có thể soạn bài Ngữ văn 11 được VnDoc sưu tầm, chọn lọc để học tốt môn Ngữ văn 11.

Bài tiếp theo: Ban - dắc đã từng nói: “Lịch sự va khiêm tốn chứng tỏ con người có văn hóa” hãy bàn luận ý kiến trên

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 11 Kết nối tri thức

    Xem thêm