Phong trào Đông Du là trào lưu du học tại Nhật Bản của thanh niên Việt Nam, nhằm tìm đường cứu nước do Hội Duy tân mà linh hồn là Phan Bội Châu khởi xướng từ những năm 1905. Đông Du được hình thành trong sự điều chỉnh về nhận thức của Phan Bội Châu cùng với những cơ hội từ phía Nhật Bản chỉ có được trong thời gian này - đã trở thành hạt nhân của Duy Tân hội.
Đến giữa năm 1908 số học sinh Đông Du đã lên tới 200 người, trong đó Nam Kỳ khoảng 100, Trung Kỳ và Bắc Kỳ mỗi xứ 50 người. Phan Bội Châu là người lãnh đạo trực tiếp số thanh niên du học này. Tổ chức Đông du có một trụ sở liên lạc lấy tên là Bính Ngọ Hiên đặt tại Hoành Tân (sau dời lên Tôkyô). Học sinh được sắp xếp vào học tại hai trường chính: Đông Á đồng văn thư viện (do Đông Á đồng văn hội của Đảng Tiến bộ Nhật Bản tổ chức) và Chấn Vũ học hiệu (của Chính phủ Nhật Bản). Có một số ít du học sinh được xếp vào học tại vài trường trung học, ngoại ngữ... tại Tôkyô. Học sinh học tại hai trường lớn trên đều do các giảng viên người Nhật Bản giảng dạy. Buổi sáng, học tiếng Nhật và các môn học phổ thông như toán, lí, hóa, văn, sử, địa, ... Buổi chiều là các môn thường thức về quân sự và luyện tập. Chương trình này nhằm đào tạo học sinh thành chiến sĩ cách mạng có trình độ văn hoá và quân sự, cần thiết cho công cuộc đánh Pháp cứu nước và kiến thiết đất nước sau này.
Kết quả: thực dân Pháp cấu kết với Chính phủ Nhật Bản ra lệnh đàn áp, giải tán và tới tháng 3 - 1909, toàn bộ học sinh Việt Nam du học cùng lãnh tụ Phan Bội Châu bị trục xuất khỏi Nhật Bản.