Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Hiệp Bình, Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12 trường THPT Hiệp Bình, Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015 được VnDoc.com sưu tầm và đăng tải, có đáp án đi kèm giúp các bạn học sinh có thêm đề luyện tập nhằm củng cố và nâng cao kiến thức đã học, ôn thi giữa học kì II lớp 12 môn Văn hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi giữa học kì 2 môn Toán lớp 12 trường THPT Hiệp Bình, Hồ Chí Minh năm 2014 - 2015
SỞ GD&ĐT TP.HCM TRƯỜNG THPT HIỆP BÌNH | ĐỀ KIỂM TRA HỌC KÌ Năm học: 2014 - 2015 Môn: Văn 12 (Thời gian làm bài: 120 phút) |
Phần I: Đọc hiểu (2 điểm)
Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:
... Tâm hồn em như búp nõn chồi non
Ánh mắt em như dòng suối mát
Chồi phải được chăm, suối cần giữ sạch
Mai lớn lên em làm chủ nước nhà
Biết phận, biết điều phải trái quanh ta
Biết sống nghĩa nhân căm phường gian ác
Biết vị tha, biết cho sau vì trước
Gạn đục khơi trong giữa hỗn tạp kim tiền...
(Lã Phương Thảo)
Câu 1 (1.0 đ): Hãy tìm các biện pháp nghệ thuật tu từ và chỉ rõ tác dụng của chúng trong văn bản trên?
Câu 2 (0.5 đ): Văn bản trên thuộc phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 3 (0.5 đ): Nêu nội dung của văn bản.
Phần II: Làm văn (8,0 điểm)
Câu 1: "Ai cũng muốn làm điều gì đó rất lớn lao, nhưng lại không nhận ra rằng cuộc sống được tạo thành từ những điều rất nhỏ "
Anh (chị) hãy trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên. (3 đ)
Câu 2: Cảm nhận của anh (chị) về ý thức phản kháng đối với số phận của nhân vật Mị trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của Tô Hoài. (5 đ)
Đáp án đề thi giữa học kì 2 môn Ngữ văn lớp 12
Phần I: Đọc hiểu (2 điểm)
Câu 1 (1.0 đ):
- Biện pháp tu từ
- So sánh (Tâm hồn như búp nõn chồi non – Ánh mắt như dòng suối mát)
- Liệt kê (Biết phận, biết phần, phải trái, sống nghĩa nhân, căm gian ác, vị tha, cho sau, vì trước)
- Điệp từ (biết)...
- Tác dụng: Nhấn mạnh giá trị nhân cách sống của tuổi trẻ.
Lưu ý: Học sinh kể tên các biện pháp tu từ và có dẫn chứng, chỉ kể tên mà không có dẫn chứng (0.25 đ)
Câu 2: Văn bản thuộc PCNN nghệ thuật (0.5 đ)
Câu 3: Nội dung: Tâm hồn mỗi đứa trẻ luôn hồn nhiên, trong sáng, vì vậy cần phải vun trồng thật kĩ để các em trở thành những nhân cách tốt cho xã hội. (0.5 đ)
Phần II: Làm văn (8,0 điểm)
Câu 1
- Giải thích:
- "Ai cũng...lớn lao" -> khát vọng vươn tới cái đích của đời người làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tốt đẹp hơn.
- "Nhưng lại...rất nhỏ" -> Không ý thức được rằng những việc lớn lao bao giờ cũng phải bắt đầu từ những việc nhỏ như những dòng sông tạo thành từ nhiều con suối.
- Phân tích:
- Ước mơ làm nên điều lớn lao là nguyện vọng chính đáng của con người cần được tôn trọng, động viên, khuyến khích nhưng phải luôn ý thức được rằng:
- Một nhân cách hoàn thiện vốn được bồi đắp từ những việc làm rất nhỏ, nhất là những hành vi đạo đức, lối sống. Ý nghĩa cuộc sống hình thành từ những điều đơn sơ, bình dị...
- Phê phán lối sống, cách nghĩ, lời nói ngụy biện vì những việc lớn mà quên việc nhỏ, muốn trở thành vĩ nhân mà quên đi con người bình thường.
- Mẹ là người sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta. Luôn dạy dỗ trang bị cho con những kĩ năng cần thiết... hình thành cho con những phẩm chất đạo đức tốt.
- Chứng minh...
- Bài học:
- Nhận thức sâu sắc rằng việc gì nhỏ mấy mà có ích thì kiên quyết làm...
- Thường xuyên rèn luyện đức tính kiên nhẫn, bắt đầu từ những việc làm nhỏ để hướng tới những việc lớn lao.
Câu 2: Cảm nhận về ý thức phản kháng đối với số phận của nhân vật Mị
Dàn ý ý thức phản kháng đối với số phận của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ
1. Mở bài
Giới thiệu tác giả Tô Hoài, truyện ngắn Vợ chồng A Phủ và dẫn dắt vào nhân vật Mị.
2. Thân bài
a. Khi Mị về làm dâu gạt nợ nhà thống lí
Tâm trạng Mị trong những ngày đầu làm dâu: Buồn tủi, đau khổ, rất đơn độc và thấm thía nỗi đau của một người con gái bị cướp đoạt.
Tâm trạng Mị những ngày sau: Mị sống lầm lũi, âm thầm, trở thành người nô lệ cam chịu, nhẫn nhục đến mức tê liệt cả ý thức, buông xuôi, phó mặc cho hoàn cảnh.
→ Mị bị đày đọa nặng nề về thể xác và tâm hồn, sống trong nỗi khổ đau, cực nhục triền miên, tâm hồn và sức sống của Mị như đã chết, Mị trở thành một cái máy chỉ lặp đi lặp lại những việc làm không vui cũng chẳng buồn.
b. Tâm trạng của Mị trong đêm tình mùa xuân
Tiếng sáo đã thức tỉnh tâm hồn, sức sống của Mị tưởng đã bị hoàn cảnh hủy hoại, vùi lấp, nay đã trỗi dậy: Mị nghe tiếng sáo vọng lại, tha thiết bổi hổi, Mị ngồi nhẩm thầm bài hát của người đang thổi.
Tiếng sáo, hương rượu ngà say, tiếng người hát đồng đã đưa Mị sống, nhớ lại quá khứ êm đẹp thời thiếu nữ trẻ trung, yêu đời lòng Mị thì đang sống về ngày trước.
Mị thấy vui sướng, phơi phới, tràn đầy sức sống nhưng cũng đau đớn, tuyệt vọng nghĩ đến cái chết để khỏi đối diện với thực tại. Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mị sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa.
Trong tiếng sáo rập rờn, Mị hành động thật khỏe khoắn, dứt khoát chứ không buồn và đau khổ để chuẩn bị đi chơi: Mị muốn đi chơi, Mị cũng sắp đi chơi. Mị quấn lại tóc, Mị với tay lấy cái váy hoa ở phía trong vách.
Mị bị A Sử đàn áp thô bạo (A Sử bước lại, nắm Mị, lấy thắt lưng trói hai tay Mị. Nó xách cả một thúng sợi đay ra trói đứng Mị vào cột nhà. Tóc Mị xõa xuống. A Sử quấn luôn tóc lên cột, Mị không cúi, không nghiêng được đầu nữa)
Trong bóng tối, Mị không nói… Mị đứng lặng không biết mình đang bị trói. Hơi rượi nồng nàn, Mị vẫn nghe tiếng sáo đưa Mị đi theo những cuộc chơi (Mị vùng bước đi. Nhưng tay chân đau không cựa được. Mị thổn thức nghĩ mình không bằng một con ngựa… Mị nín khóc, Mị lại bồi hồi).
Sáng tỉnh dậy, Mị cảm giác sợ và đau đớn khi nghĩ về thân phận mình.
→ Không khí đêm tình mùa xuân trên bản Mèo và tiếng sáo gọi bạn tình đã đánh thức sức sống, lay tỉnh tâm hồn Mị. Dù bị chà đạp nhưng sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị vẫn không bị lụi tắt. Tâm trạng Mị phức tạp với những xung đột giằng xé diễn ra âm thầm, đau đớn trong cõi tâm tư giữa niềm khao khát hạnh phúc cháy bỏng đang trỗi dậy mạnh mẽ và thực tại tàn bạo, lạnh lùng.
c. Tâm trạng của Mị khi giải thoát cho A Phủ
Nhìn những giọt nước mắt của A Phủ, Mị xúc động thấy thương cho A Phủ và nhớ lại nỗi đau chính mình.
Mị với thái độ căm phẫn, nhận thức rõ bản chất độc ác của bọn thống lí Pá Tra.
Sức sống cùng sự đánh thức tâm hồn, lòng thương người cùng cảnh ngộ đã giúp Mị vượt qua nỗi sợ, Mị quyết định cởi dây trói cho A Phủ và tự giải thoát mình.
→ Sức sống luôn tiềm tàng trong tâm hồn Mị dẫn đến sức phản kháng mãnh liệt, táo bạo để giành lại tự do ở Mị. Khi sức sống tiềm tàng trong tâm hồn con người được hồi sinh, nó tất yếu chuyển hóa thành hành động phản kháng táo bạo.
3. Kết bài
Khái quát lại giá trị nội dung, nghệ thuật của truyện ngắn.
Mời các bạn cùng tham khảo: Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài)