Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Bắc Ninh năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 tỉnh Bắc Ninh năm học 2015 - 2016 là tài liệu học tập môn Văn lớp 11 hay, giúp các bạn ôn tập và củng cố kiến hức, ôn thi học kì I lớp 11 hiệu quả. Mời các bạn tham khảo.
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2015 - 2016 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Đa Phúc, Hà Nội năm học 2015 - 2016
Đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11 trường THPT Hùng Vương, Bình Thuận năm học 2015 - 2016
UBND TỈNH BẮC NINH SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO | ĐỀ KIỂM TRA ĐỊNH KỲ LẦN 1 Năm học 2015 - 2016 Môn: Ngữ văn - Lớp 11 Thời gian làm bài: 90 phút (không kể giao đề) |
I. Phần đọc hiểu (3 điểm):
Đọc đoạn văn sau và trả lời các câu hỏi từ Câu 1 đến câu 4:
Ngư dân Kim Hyun-ho không thấy bình yên khi đặt mình vào ban đêm, bởi hàng trăm hành khách chết hoặc mất tích trong thảm họa chìm phà Sewol đang ám ảnh giấc ngủ ông.
Tiếng thét của họ vang lên trong đầu ông Kim. Ông nhớ như in lúc vội đến cứu họ trên chiếc thuyền đánh cá khiêm tốn ngoài khơi bờ biển Hàn Quốc cách đây 10 ngày. Ông nghĩ có thể ông đã kéo được 25 người khỏi dòng nước lạnh buốt của biển Hoàng Hải. Nhưng người đàn ông sống trên hòn đảo nhỏ xíu gần hiện trường tai nạn này không hề thấy tự hào, mà chỉ giày vò.
"Đó là địa ngục. Thật khổ sở. Có rất nhiều người và không đủ thuyền, mọi người dưới nước hét lên cầu cứu. Phà chìm rất nhanh", CNN dẫn lời ông Kim hôm qua nói. Ông nhìn thấy những người kẹt bên trong chìm xuống ngay trước mặt. Ông nghe trên tivi mới biết có bao nhiêu người bị kẹt trong phà.
Người cha của hai đứa con đã trưởng thành cảm thấy đau xót cho hàng trăm bậc phụ huynh mất con. Ông đã không thể cứu những người khác. Ông đang cố để đi đánh cá lại, nhưng giờ ông là một người khác, ông Kim cho biết.
(Theo báo http://vnexpress.net/)
Câu 1: Ngữ liệu trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên là gì?
Câu 3. Dù đã cứu được nhiều người thoát khỏi dòng nước lạnh buốt của biển nhưng tại sao ông Kim không những không cảm thấy tự hào, mà chỉ thấy bị dày vò?
Câu 4. Câu chuyện trên khiến mỗi con người cần phải nhìn lại chính mình! Suy nghĩ của anh/ chị về ý kiến trên? trả lời trong khoảng 5 – 7 dòng.
Đọc đoạn thơ sau và trả lời câu 5 đến câu 8:
Gặp em trên cao lộng gió
Rừng lạ ào ào lá đỏ
Em đứng bên đường như quê hương
Vai áo bạc quàng súng trường.
Đoàn quân vẫn đi vội vã
Bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa.
Chào em, em gái tiền phương
Hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn.
Em vẫy tay cười đôi mắt trong.
(Lá đỏ – Nguyễn Đình Thi, Trường Sơn, 12/1974)
Câu 5: Chỉ ra phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ?
Câu 6: Xác định biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: Em đứng bên đường như quê hương.
Câu 7. Không khí hành quân, hào hùng, thần tốc được gợi lên qua hình ảnh nào?
Câu 8. Hình ảnh "em gái tiền phương" được khắc họa như thế nào? Hình ảnh đó gợi lên cho anh/chị suy nghĩ gì về sự góp mặt của những người phụ nữ trong chiến tranh bảo vệ tổ quốc?
II. Phần làm văn (7 điểm)
Phân tích khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên để làm sáng tỏ ý kiến: Hai đứa trẻ của Thạch Lam là một truyện ngắn trữ tình đượm buồn.
Đáp án đề thi học kì 1 môn Ngữ văn lớp 11
Câu 1. Văn bản được trình bày theo phong cách ngôn ngữ báo chí. (0,25đ)
Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên: Những băn khoăn day dứt của Ngư dân Kim Hyun-ho trong nạn chìm tàu tại So-un,hàn quốc và tháng 4/2014. (0,25đ)
Câu 3. Vì "Còn quá nhiều người chết trước ánh mắt đau đớn và bất lực của ông". Thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng nhân hậu của người dân xứ Kim Chi. (0,5đ)
Câu 4. Câu trả lời có 2 ý như sau:
- Cần phải biết chia sẻ, đồng cảm trước sự mất mát và nỗi đau của đồng loại. (0,25đ)
- Phải sống có ý thức,có tinh thần trách nhiệm cao,tránh thái độ thờ ơ vô cảm, vô trách nhiệm dẫn đến hậu quả khôn lường. (0,25đ)
Câu 5. Phương thức biểu đạt chính của đoạn thơ: Biểu cảm. (0,25đ)
Câu 6. Biện pháp tu từ được sử dụng trong câu thơ: so sánh (em (đứng bên đường)- quê hương) (0,25đ)
Câu 7. Không khí hành quân hào hùng thần tốc được thể hiện qua hình ảnh đoàn quân đi vội vã; bụi Trường Sơn nhòa trong trời lửa (0,25đ)
Thí sinh có thể liên hệ với hình ảnh trong bài thơ khác nhau, ví dụ bài Việt Bắc (quân đi điệp điệp trùng trùng. Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan)
Câu 8.
- Hình ảnh "em gái tiền phương": nhỏ bé giữa rừng Trường Sơn bạt ngàn, lộng gió nhưng lại mang đến cảm giác thân thương, gần gũi vai áo bạc, quàng súng trường – như quê hương; với dáng đứng vững vàng bên đường khi làm nhiệm vụ (0,25đ)
- Hình ảnh ấy là một biểu tượng về cuộc chiến tranh nhân dân –"em gái tiền phương", nữ chiến sĩ giao liên hay cô gái thanh niên xung phong. Sự có mặt của cô gái trên đỉnh Trường Sơn nơi tuyến đầu Tổ quốc đã nhắc với mai sau về cuộc chiến đấu toàn dân tham gia, trong đó có sự đóng góp những người con gái trẻ trung xinh đẹp mảnh mai nhưng vô cùng dũng cảm, gan dạ. (0,25đ)
II. Phần Làm Văn (7 điểm)
GỢI Ý
1. Giới thiệu vấn đề cần nghị luận
- Thạch Lam là một trong những cây bút truyện ngắn xuất sắc của văn xuôi Việt Nam hiện đại. Ông là thành viên của nhóm Tự lực văn đoàn nhưng có một gương mặt riêng so với các nhà văn trong nhóm. Văn của Tự lực văn đoàn thường đượm nỗi buồn lãng mạn còn văn của Thạch Lam lại chất chứa những nỗi đau hiện thực. Nó như một thứ "hương hoàng lan" được chưng cất từ những nỗi đời.
- Truyện ngắn Hai đứa trẻ in trong tập Nắng trong vườn (1938), rất tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật Thạch Lam. Đó là kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn. Nét phong cách này thể hiện sâu sắc ở khung cảnh phố huyện và tâm trạng của nhân vật Liên trong tác phẩm.
2. Phân tích làm rõ ý kiến
a. Giải thích ý kiến: Truyện ngắn của Thạch Lam là kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn. Vì truyện của ông là kiểu truyện tâm tình, dường như không có cốt truyện; giàu cảm xúc, nhẹ nhàng mà thấm thía như một bài thơ.
Truyện Hai đứa trẻ bộc lộ niềm cảm thương chân thành của nhà văn với cuộc sống chìm khuất, mòn mỏi, quẩn quanh của những con người nhỏ nhoi nơi phố huyện tăm tối, cùng sự trân trọng những ước mong khiêm nhường mà thiết tha của họ về một cuộc sống trong sáng, tốt đẹp hơn.
b. Phân tích làm rõ ý kiến
Bức tranh phố huyện được miêu tả theo trình tự thời gian: Cảnh phố huyện lúc chiều xuống. Cảnh phố huyện lúc đêm về. Cảnh phố huyện lúc có chuyến tàu khuya đi qua. Liên là một cô gái nhỏ. Vì cha mất việc cả nhà phải chuyển từ Hà Nội về sinh sống ở một phố huyện nghèo. Tuy còn nhỏ nhưng Liên đã tỏ ra đảm đang, thay mẹ trông coi một quán tạp hóa nhỏ để kiếm sống và Liên cũng rất chu đáo khi thay mẹ chăm sóc em là bé An. Đặc biệt Liên là một cô gái nhỏ dịu hiền, nhân hậu, đa cảm. Diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên được khắc họa qua ba cảnh phố huyện, như ba nấc thang tâm lí: chiều muộn, đêm về và chuyến tàu khuya qua phố huyện.
– Trước hết là tâm trạng buồn man mác của Liên, khi chiều về, phố huyện hiện lên trong sự nghèo khổ, xơ xác:
- Với cảm xúc và bút pháp lãng mạn, thì cảnh thiên nhiên phố huyện mang một vẻ đẹp trữ tình thơ mộng.
- Với cảm xúc và bút pháp hiện thực thì cuộc sống xã hội nơi phố huyện lại là bức tranh nghèo khổ, xơ xác, tăm tối. Cái áo khoác ngoài thơ mộng của thiên nhiên cũng không che lấp nổi cảnh ngày tàn, cảnh chợ tàn và cảnh những kiếp người tàn.
- Liên tuy không lam lũ vất vả như những mảnh đời kia nhưng là những số phận đáng thương nhất. Vì quá khứ tươi đẹp của hai chị em Liên đã thuộc về dĩ vãng. Hiện tại thì buồn tẻ, tăm tối, bế tắc. Chúng có cái để so sánh, để cảm nhận cuộc sống tăm tối tẻ nhạt của phố huyện.
- Đúng là cuộc sống phố huyện cứ đang tàn dần, lụi dần trong đói nghèo lam lũ, quẩn quanh. Những tâm hồn mới lớn như chị em Liên, chứng kiến những cảnh đó không buồn sao được. Nhưng vì còn là những đứa trẻ nên nỗi buồn cũng chỉ "man mác", đọng trong đôi mắt Liên "bóng tối ngập đầy dần". Và cái buồn của chiều quê thấm vào tâm hồn ngây thơ của Liên.
– Liên càng buồn thấm thía hơn khi đêm về, phố huyện chìm trong bóng tối và cuộc sống cứ lặp lại đơn điệu, buồn tẻ, bế tắc.
- Về đêm phố huyện là sự tương tranh giữa bóng tối và ánh sáng. Màn đêm buông xuống, bóng tối cứ lan dần từng con đường nhỏ, từng ngõ xóm, để rồi nhấn chìm phố huyện trong bóng tối dày đặc. Ánh sáng phố huyện cũng nhiều: có ánh sáng của thiên nhiên (ánh sao, ánh đom đóm), có ánh sáng của cuộc sống lao động nhưng chỉ là những khe, chấm, hột...tất cả đều quá nhỏ nhoi, yếu ớt trước vũ trụ thăm thẳm bao la ngập trong bóng tối. Nó không đủ thắp sáng phố huyện mà dường như chỉ càng tôn lên màn tối dày đặc bao phủ phố huyện nghèo.
- Khi đêm về cuộc sống phố huyện cứ lặp đi lặp lại đơn điệu, buồn tẻ, bế tắc. Ngày hôm nay là sự lặp lại y nguyên những gì đã diễn ra hôm qua và sẽ lặp lại ở ngày mai. Mẹ con chị Tí lại dọn hàng nước, gia đình bác xẩm lại xuất hiện với tiếng đàn ế khách. Bác phở Siêu lại gánh phở đi bán...
- Phố huyện như một sân khấu cuộc đời chỉ độc diễn một màn buồn tẻ, không có sự thay đổi cả người lẫn cảnh. Đó là cuộc sống cứ "mốc lên, mòn đi, rỉ ra, mục ra" không lối thoát (Sống mòn- Nam Cao). Nó gợi liên tưởng tới hình ảnh "chiếc ao đời phẳng lặng" trong truyện ngắn Tỏa nhị kiều của Xuân Diệu.
- Nhà văn không trực tiếp tả tâm trạng này của Liên. Nhưng cảnh vật và cuộc sống phố huyện tăm tối, tẻ nhạt trong đêm lại được cảm nhận qua tâm trạng của Liên. Sống trong hoàn cảnh như vậy, chị em Liên sao không khắc khoải chờ đợi một cái gì đó dù mơ hồ, nỗi buồn dường như thấm thía hơn. Nhưng không hy vọng thì làm sao sống nổi. Và chuyến tàu đêm đã thắp lên niềm hy vọng đó.
– Cảnh chuyến tàu khuya và tâm trạng buồn vui của Liên
- Trong cả chuỗi thời gian dài buồn tẻ thì chuyến tàu đêm qua phố huyện là cả một niềm vui lớn với hai chị em Liên. Hai đứa trẻ đêm nào cũng náo nức thức chờ tàu, không hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu vật chất. Chúng không chờ tàu để bán hàng, dù mẹ vẫn dặn cố thức đợi chuyến tàu để bán hàng. Hai chị em chờ tàu là xuất phát từ nhu cầu cuộc sống tinh thần. Khi tàu đến Liên và An đứng cả dậy, hướng về phía con tàu và khi nó đi rồi Liên vẫn "lặng theo mơ tưởng".
- Con tàu đến rồi lại đi nhanh để lại trong hai đứa trẻ nỗi buồn nhớ tiếc. Tàu đi rồi phố huyện lại trở về với đêm tối và sự tĩnh lặng. Bóng đêm và sự tĩnh lặng càng nặng nề hơn. Niềm vui của hai đứa trẻ vừa lóe lên lại bị dập tắt như đám than bỗng bùng lên cháy rực rồi lụi tàn hẳn trong đêm.
- Nỗi chờ đợi bắt đầu khắc khoải từ khi bóng chiều đổ xuống, rồi đêm về và phố huyện vào khuya. Hai đứa trẻ khắc khoải chờ đợi từng bước đi của thời gian, từng bước xích lại gần của chuyến tàu: tàu sắp đến, tàu vụt qua, tàu đi rồi chỉ còn chấm đèn ghi nhỏ xa mãi rồi khuất sau rặng tre. Đêm tối lại bao bọc phố huyện.
3. Đánh giá
- Miêu tả khung cảnh phố huyện buồn, nghèo nàn, tẻ nhạt, bế tắc và tâm trạng của hai đứa trẻ, đặc biệt là Liên một cách trực tiếp và gián tiếp, qua thực tại và hồi ức đan xen; miêu tả bằng một giọng văn nhẹ nhàng, tinh tế, giàu chất thơ; nhà văn bộc lộ niềm xót thương những kiếp người đói nghèo cơ cực, sống quẩn quanh bế tắc trong xã hội cũ.
- Từ đó tác giả như muốn lay tỉnh những tâm hồn uể oải, đang lụi tàn, nhen lên trong họ ngọn lửa của lòng khát khao được sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, khát khao thoát khỏi cuộc đời tăm tối đang chôn vùi họ. Truyện ngắn Hai đứa trẻ đã thể hiện sâu sắc cái tài và cái tâm của nhà văn Thạch Lam.
- Cái tài của Thạch Lam là sở trường về truyện ngắn và nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật tinh tế. Ông đã đem đến cho văn học dân tộc kiểu truyện ngắn trữ tình đượm buồn, truyện ngắn tâm tình. Truyện dường như không có cốt truyện, nhẹ nhàng mà thấm thía, giàu cảm xúc mà cũng giàu chất triết lí.
- Cái tâm của Thạch Lam là tình người sâu sắc. Thạch Lam không chỉ thấu hiểu, cảm thương những đau khổ thiệt thòi của những số phận nhỏ bé bị lãng quên khi miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Liên, mà còn thấu hiểu đồng cảm với những khát vọng chân chính của họ, dù nó mới chỉ là những khát khao rất đỗi bình dị, mơ hồ.