Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giải Sinh 10 Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào CTST

Giải Sinh 10 Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào CTST vừa được VnDoc.com sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc. Đây là tài liệu tham khảo giúp các bạn có thêm nhiều tài liệu để học tập thật tốt. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về bài viết dưới đây nhé.

Mở đầu trang 24 SGK Sinh 10 CTST

Tại sao dựa vào kết quả xét nghiệm DNA, người ta có thể xác định được hai người thất lạc nhiều năm có quan hệ huyết thống với nhau, cũng như có thể tìm ra hung thủ chỉ từ một mẫu mô rất nhỏ có ở hiện trường?

Lời giải

- Các gen trên DNA trong nhân tế bào (DNA nằm trên NST) quy định các tính trạng khác nhau của cơ thể. Nó được duy trì trong mỗi thế hệ và được di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Con cái bao giờ cũng thừa hưởng các đặc tính di truyền thông qua 23 NST từ tinh trùng của bố và 23 NST từ tế bào trứng của mẹ. Đồng thời, giữa anh chị em ruột trong gia đình cũng có bộ NST tương đồng nhau nhưng tỉ lệ phần trăm giống nhau cao hay thấp còn phụ thuộc vào quá trình tái tổ di truyền. Đó là cơ sở để xác định quan hệ huyết thống ở người.

- Tương tự trong điều tra tội phạm: Lấy một mẫu DNA của đối tượng tình nghi, sau đó so sánh với kết quả phân tích mẫu DNA đã thu thập được tại hiện trường. Sử dụng kết quả so sánh được để xác định thủ phạm.

I. Khái quát về các phân tử sinh học trong tế bào

Câu 1 trang 24 SGK Sinh 10 CTST: Phân tử sinh học là gì? Kể tên một số phân tử sinh học trong tế bào.

Lời giải

- Phân tử sinh học là các phân tử hữu cơ do sinh vật sống tạo thành, là thành phần cấu tạo và thực hiện nhiều chức năng trong tế bào.

- Một số phân tử sinh học trong tế bào: Carbohydrate, lipid, protein, nucleic acid.

II. Các phân tử sinh học trong tế bào

Câu 2 trang 24 SGK Sinh 10 CTST: Dựa vào tiêu chí nào để phân loại carbohydrate?

Lời giải

Dựa vào số lượng đơn phân trong phân tử để phân loại carbohydrate:

- Đường đơn: Chỉ gồm 1 đơn phân (1 phân tử đường đơn).

- Đường đôi: Gồm 2 đơn phân (2 phân tử đường đơn liên kết với nhau bằng liên kết glycosidic).

- Đường đa: Gồm nhiều đơn phân (nhiều phân tử đường đơn liên kết với nhau bằng liên kết glycosidic).

Câu 3 trang 25 SGK Sinh 10 CTST: Cấu tạo các loại đường đơn trong Hình 6.1 có đặc điểm gì giống nhau?

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

Đặc điểm giống nhau của glucose, fructose, galactose là:

- Đều có công thức hóa học là C6H12O6.

- Đều có 1 nhóm (C=O) và nhiều nhóm -OH.

Câu 4 trang 25 SGK Sinh 10 CTST: Hãy kể tên một số loại thực phẩm có chứa các loại đường đôi.

Lời giải

Kể tên một số loại thực phẩm có chứa các loại đường đôi:

- Saccharose có nhiều trong thực vật, đặc biệt là mía và củ cải đường.

- Maltose (còn gọi là đường mạch nha) có trong mầm lúa mạch, kẹo mạch nha.

- Lactose (đường sữa) có trong sữa người và động vật.

Câu 5 trang 25 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.3a và cho biết các phân tử cellulose liên kết với nhau như thế nào để hình thành vi sợi cellulose.

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

Cấu tạo của các vi sợi cellulose:

- Các phân tử glucose liên kết với nhau bằng liên kết β 1 – 4 glycosidic tạo thành một phân tử cellulose hình sợi dài.

- Các phân tử cellulose hình sợi dài liên kết với nhau bằng các liên kết hydrogen xếp song song nhau hình thành bó sợi sơ cấp được gọi là micel.

- Nhiều bó sợi sơ cấp (micel) sắp xếp thành từng nhóm sợi nhỏ dạng que thẳng gọi là vi sợi.

Câu 6 trang 26 SGK Sinh 10 CTST: Nêu vai trò của carbohydrate. Cho ví dụ.

Lời giải

- Vai trò của carbohydrate:

+ Là nguồn năng lượng cung cấp cho các hoạt động sống, đồng thời cũng là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể.

+ Tham gia cấu tạo nên một số thành phần của tế bào và cơ thể sinh vật.

+ Tham gia cấu tạo nên các phân tử sinh học khác

- Ví dụ:

+ Glucose là nguồn nguyên liệu chủ yếu của cho quá trình hô hấp tế bào, tạo ra năng lượng cho các hoạt động sống của cơ thể.

+ Tinh bột là nguồn năng lượng dự trữ của cơ thể thực vật, glycogen là nguồn năng lượng dự trữ ngắn hạn ở cơ thể động vật và nấm.

+ Cellulose cấu tạo nên thành tế bào thực vật, chitin cấu tạo nên thành tế bào nấm và bộ xương ngoài của côn trùng, peptidoglycan cấu tạo nên thành tế bào vi khuẩn.

+ Một số carbohydrate còn liên kết với protein hoặc lipid tham gia cấu tạo màng sinh chất và kênh vận chuyển các chất trên màng.

+ Các đường đơn 5 carbon (ribose, deoxyribose) tham gia cấu tạo nucleic acid.

Luyện tập trang 26 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao các vận động viên chơi thể thao thường ăn chuối chín vào giờ giải lao?

Lời giải

Các vận động viên chơi thể thao thường ăn chuối chín vào giờ giải lao vì:

- Chuối giúp bổ sung năng lượng một cách nhanh chóng: Chuối đặc biệt phù hợp với những người có quãng thời gian nghỉ ngắn trước hoặc sau buổi tập. Nguồn tinh bột từ chuối giúp đẩy nhanh tốc độ hình thành glycogen trong cơ bắp, giúp cơ bắp nhanh chóng được hồi phục sau khi cạn kiệt năng lượng, đảm bảo việc có thể tiếp tục bắt đầu buổi tập hoặc buổi thi đấu với lượng glycogen dự trữ gần như đã được nạp đầy.

- Ngoài ra, chuối cung cấp một nguồn K dồi dào giúp giảm bớt nguy cơ bị chuột rút và ổn định tinh thần.

Câu 7 trang 26 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao lipid không hòa tan hoặc rất ít tan trong nước?

Lời giải

Trong cấu trúc của lipid chứa nhiều các liên kết C – H không phân cực dẫn đến lipid không tan trong nước. Tuy nhiên, lipid tan trong các dung môi hữu cơ.

Câu 8 trang 26 SGK Sinh 10 CTST: Lipid đơn giản được cấu tạo từ những thành phần nào?

Lời giải

Lipid đơn giản được cấu tạo từ 2 thành phần là: Glycerol và acid béo.

Câu 9 trang 26 SGK Sinh 10 CTST: Cấu tạo của acid béo no và không no có gì khác nhau?

Lời giải

Sự khác nhau trong cấu tạo của acid béo no và không no: Các acid béo không no có một hoặc nhiều liên kết đôi được hình thành do loại bỏ các nguyên tử hydrogen từ khung cacbon. Ngược lại, trong cấu tạo của các acid béo no không có liên kết đôi.

Luyện tập trang 27 SGK Sinh 10 CTST: Ở bề mặt lá của một số cây như khoai nước, chuối, su hào có phủ một lớp chất hữu cơ. Lớp chất hữu cơ này có bản chất là gì? Hãy cho biết vai trò của chúng.

Lời giải

- Lớp chất hữu cơ này là sáp có bản chất là lipid đơn giản.

- Vai trò của lớp sáp:

+ Hạn chế sự thoát hơi nước cho cây.

+ Chống đọng nước ở bề mặt lá, đảm bảo bề mặt lá được khô ráo.

+ Giúp lá có khả năng chống lại sự tấn công của một số côn trùng gây hại.

Câu 10 trang 27 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.5 và đọc đoạn thông tin, hãy cho biết cấu tạo của steroid có gì khác so với các loại lipid còn lại.

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

Sự khác biệt trong cấu tạo giữa steroid và các loại lipid khác:

- Steroid được cấu tạo từ alcol mạch vòng liên kết với acid béo.

- Các loại lipid còn lại được cấu tạo từ glycerol liên kết với acid béo hoặc glycerol liên kết với acid béo và nhóm phosphate.

Câu 11 trang 27 SGK Sinh 10 CTST: Kể tên một số thực phẩm giàu lipid.

Lời giải

Một số thực phẩm giàu lipid là: Thịt và da của gia súc/gia cầm, tảng thịt động vật có mỡ, sữa nguyên kem, bơ, phô mai, kem, dầu dừa, dầu cọ, bơ, ca cao,…

Câu 12 trang 27 SGK Sinh 10 CTST: Lipid có những vai trò gì đối với sinh vật? Cho ví dụ.

Lời giải

- Vai trò của lipid đối với sinh vật:

+ Lipid có vai trò chính là nguồn dự trữ và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

+ Ngoài ra, lipid còn tham gia cấu tạo tế bào và tham gia vào nhiều quá trình sinh lí của cơ thể.

- Ví dụ:

+ Mỡ và dầu có vai trò dự trữ năng lượng.

+ Phospholipid, cholesterol cấu tạo nên màng sinh chất.

+ Estrogen, testosterone điều hòa sinh sản ở động vật.

+ Carotenoid tham gia vào quá trình quang hợp ở thực vật.

+ Lớp mỡ dưới da có vai trò cách nhiệt, đảm bảo việc duy trì nhiệt độ ổn định của cơ thể động vật khi nhiệt độ lạnh.

Câu 13 trang 28 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao các loại protein khác nhau có chức năng khác nhau?

Lời giải

- Cấu trúc hóa học và cấu trúc không gian của protein quyết định chức năng của protein trong cơ thể của chúng ta.

- Mà cấu trúc hóa học (đặc trưng bởi số lượng, thành phần và trình tự sắp xếp của hơn 20 loại amino acid) và cấu trúc không gian (gồm 4 bậc cấu trúc không gian) của mỗi loại protein là khác nhau.

→ Các loại protein khác nhau có chức năng khác nhau.

Câu 14 trang 28 SGK Sinh 10 CTST: Kể tên các loại thực phẩm giàu protein

Lời giải

Một số loại thực phẩm giàu protein như: Thịt, cá, trứng, sữa, phô mai, ức gà,…

Câu 15 trang 28 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.8, hãy cho biết:

a) Cấu trúc bậc 1 của protein được hình thành như thế nào?

b) Cấu trúc bậc 2 của protein có mấy dạng phổ biến? Các dạng đó có đặc điểm gì?

c) Sự hình thành cấu trúc bậc 3 và bậc 4 của protein.

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

a) Cấu trúc bậc 1 được hình thành do các amino acid liên kết với nhau bằng liên kết peptide tạo thành chuỗi polypeptide có dạng mạch thẳng.

b)

- Cấu trúc bậc 2 của protein có 2 dạng phổ biến: Xoắn lò xo α hoặc gấp nếp tạo phiến β.

- Đặc điểm của 2 dạng này:

+ Chuỗi polypeptide ở cấu trúc bậc 2 không tồn tại ở dạng mạch thẳng mà xoắn lại hoặc gấp nếp.

+ Cấu trúc này được giữ ổn định nhờ liên kết hydrogen giữa các amino acid đứng gần nhau.

c) Sự hình thành cấu trúc bậc 3 và bậc 4 của protein:

- Cấu trúc bậc 3: Chuỗi polypeptide bậc 2 tiếp tục co xoắn tạo thành cấu trúc không gian ba chiều đặc trưng. Cấu trúc bậc 3 của protein được giữ ổn định nhờ liên kết hydrogen, cầu nối disulfite (S-S),…

- Cấu trúc bậc 4: Sự liên kết từ 2 hay nhiều chuỗi polypeptide bậc 3 tạo thành cấu trúc bậc 4.

Câu 16 trang 29 SGK Sinh 10 CTST: Xác định các ví dụ sau đây thuộc vai trò nào của protein.

a) Casein trong sữa mẹ.

b) Actin và myosin cấu tạo nên các cơ.

c) Kháng thể chống lại vi sinh vật gây bệnh.

d) Hormone insulin và glucagon điều hòa lượng đường trong máu.

Lời giải

a) “Casein trong sữa mẹ” thể hiện vai trò là nguồn dự trữ các amino acid.

b) “Actin và myosin cấu tạo nên các cơ” thể hiện vai trò cấu tạo nên tế bào và cơ thể.

c) “Kháng thể chống lại vi sinh vật gây bệnh” thể hiện vai trò bảo vệ cơ thể.

d) “Hormone insulin và glucagon điều hòa lượng đường trong máu” thể hiện vai trò điều hòa các hoạt động sinh lí trong cơ thể.

Luyện tập trang 29 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao thịt bò, thịt lợn, thịt gà đều được cấu tạo từ protein nhưng chúng lại khác nhau về nhiều đặc tính?

Lời giải

Do sự khác nhau về số lượng, thành phần và trật tự sắp xếp của 20 loại acid amin đồng thời có sự khác nhau về các bậc cấu trúc không gian nên mặc dù cùng là protein nhưng thịt bò, thịt lợn, thịt gà lại khác nhau về nhiều đặc tính.

Câu 17 trang 30 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.11, hãy cho biết thành phần và sự hình thành của một nucleotide. Có bao nhiêu loại nucleotide? Nucleotide cấu tạo nên DNA và RNA khác nhau như thế nào?

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

• Thành phần của một nucleotide gồm có 3 thành phần: nitrogenous base (gồm các loại là A, U, G, X, T), đường pentose (gồm 2 loại deoxyribose đối với DNA và ribose đối với RNA) và nhóm phosphate (PO43-).

• Sự hình thành một nucleotide: Đường pentose liên kết với một trong bốn loại base ở vị trí carbon số 1. Sau đó, nhóm phosphate gắn với đường pentose ở vị trí carbon số 5. Kết quả tạo ra một nucleotide hoàn chỉnh.

• Có 5 loại nucleotide: Adenine (A), Thymine (T), Guanine (G), Cytosine (C), Uracil (U).

• Nucleotide cấu tạo nên DNA và RNA khác nhau ở điểm:

- Nucleotide cấu tạo nên DNA: Có đường deoxyribose; 4 loại base gồm A, T, G, X.

- Nucleotide cấu tạo nên RNA: Có đường ribose; 4 loại base gồm A, U, G, X.

Câu 18 trang 31 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.12, hãy cho biết mạch polynucleotide được hình thành như thế nào. Xác định chiều hai mạch của phân tử DNA.

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

• Mạch polynucleotide được hình thành do các nucleotide liên kết với nhau bằng liên kết phosphodiester được hình thành giữa đường pentose của nucleotide này với gốc phosphate của nucleotide kế tiếp.

• Chiều 2 mạch của phân tử DNA: Nếu mạch polynucleotide bắt đầu bằng một đầu mang nhóm phosphate gắn với carbon ở vị trí 5’, kết thúc bởi đầu còn lại mang nhóm OH gắn ở vị trí carbon 3’ thì mạch đó có chiều 5’ – 3’, ngược lại thì mạch sẽ có chiều 3’ – 5’. Trong phân tử DNA, hai mạch polynucleotide có cấu trúc xoắn kép, gồm 2 mạch song song và ngược chiều nhau (3’ – 5’, 5’ – 3’).

Câu 19 trang 31 SGK Sinh 10 CTST: Tính bền vững và linh hoạt trong cấu trúc của DNA có được là nhờ đặc điểm nào?

Lời giải

- Tính bền vững trong cấu trúc của DNA có được là nhờ:

+ Các nucleotide trên một mạch liên kết với nhau bằng liên kết phosphodiester được hình thành giữa đường pentose của nucleotide này với gốc phosphate của nucleotide kế tiếp. Đây là liên kết bền vững.

+ Các nucleotide giữa hai mạch liên kết với nhau bằng số lượng lớn các liên kết hydrogen tạo ra tính bền vững tương đối cho DNA.

+ Ngoài ra, DNA có thể cuộn xoắn và liên kết với nhiều loại protein để tăng cường tính bền vững.

- Tính linh hoạt trong cấu trúc của DNA có được là nhờ: Các nucleotide ở 2 mạch liên kết với nhau bằng liên kết hydrogen. Liên kết hydrogen là liên kết yếu dễ dàng được phá vỡ và thành lập lại. Nhờ tính chất này mà hai mạch của phân tử DNA trở nên linh hoạt hơn, giúp 2 mạch của DNA dễ dàng tách nhau ra khi nhân đôi và phiên mã, và liên kết lại sau khi kết thúc hai quá trình trên.

Câu 20 trang 31 SGK Sinh 10 CTST: Nhờ quá trình nào mà thông tin trên DNA được di truyền ổn định qua các thế hệ?

Lời giải

Thông tin trên DNA được di truyền ổn định qua các thế hệ nhờ vào quá trình tái bản DNA trong phân bào.

Câu 21 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Quan sát Hình 6.13, hãy lập bảng phân biệt 3 loại RNA dựa vào các tiêu chí sau: dạng mạch, số liên kết hydrogen, cấu trúc phân thùy, cấu trúc xoắn cục bộ.

Giải Sinh 10 Bài 6

Lời giải

Tiêu chí

tRNA

mRNA

rRNA

Dạng mạch

Đơn

Đơn

Đơn

Số liên kết hydrogen

Nhiều.

Không

Nhiều hơn tARN

Cấu trúc phân thùy

Có, chia làm 3 thùy.

Không

Không

Cấu trúc xoắn cục bộ

Không

Luyện tập trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao thế hệ con thường có nhiều đặc điểm giống bố mẹ?

Lời giải

Nhờ sự kết hợp của 3 quá trình nhân đôi DNA, giảm phân và thụ tinh, thế hệ con nhận được sự kế thừa vật chất di truyền (DNA) từ bố và mẹ. Mà DNA là phân tử có chức năng lưu trữ thông tin di truyền, từ thông tin di truyền trên DNA qua quá trình phiên mã và dịch mã để biểu hiện nên thành tính trạng của cơ thể. Bởi vậy, thế hệ con thường có nhiều đặc điểm giống bố mẹ.

Vận dụng trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Trong khẩu phần ăn cho người béo phì, chúng ta có nên cắt giảm hoàn toàn lượng lipid không? Tại sao?

Lời giải

- Chúng ta không nên cắt giảm hoàn toàn lượng lipid trong khẩu phần ăn của người béo phì.

- Giải thích: Chất béo (lipid) là một đại phân tử có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể. Ngoài vai trò cung cấp và dự trữ năng lượng cho cơ thể, lipid còn có nhiều chức năng quan trọng khác như cấu trúc nên tế bào và cơ thể, ổn định thân nhiệt, hỗ trợ hấp thụ vitamin tan trong dầu,… Do đó, nếu cắt giảm hoàn toàn lipid sẽ dẫn đến tình trạng thiếu hụt lipid, khiến cơ thể không thể hoạt động bình thường. Cụ thể, cơ thể sẽ gặp các triệu chứng: dễ cảm thấy lạnh, da khô, thiếu hụt vitamin, đường huyết không ổn định, thần kinh ảnh hưởng, bệnh tim mạch,… Bởi vậy, trong khẩu phần ăn của người béo phì vẫn nên sử dụng lipid nhưng với lượng nhất định.

Bài tập trang 32 SGK Sinh 10 CTST

Câu 1 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Đặc điểm nào giúp cellulose trở thành hợp chất bền vững có chức năng bảo vệ tế bào?

Lời giải

Đặc điểm giúp cellulose trở thành hợp chất bền vững có chức năng bảo vệ tế bào:

- Phân tử cellulose được tạo ra bằng các phân tử glucose liên kết với nhau bằng liên kết β 1 – 4 glycosidic bền vững, khó bị phân giải bởi các enzyme thủy phân.

- Sự hiện diện của các nhóm hydroxyl –OH phóng ra từ mỗi phân tử cellulose theo mọi hướng, từ đó làm tăng mối liên kết giữa các phân tử cellulose liền kề. Chính nhờ mối liên kết mà độ bền kéo của cấu trúc cellulose tăng lên, ngăn không cho tế bào bị vỡ khi nước xâm nhập qua thẩm thấu.

- Cellulose không tan trong nước ngay cả khi đun nóng và các dung môi hữu cơ thông thường.

Câu 2 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Phân biệt cấu tạo, chức năng của DNA và RNA.

Lời giải

Phân biệt cấu tạo, chức năng của DNA và RNA:

Tiêu chí

Cấu tạo

Chức năng

Phân tử đường

Nitrogenous base

Cấu trúc không gian

DNA

Đường deoxyribose (C5H10O4)

A, T, G, C.

Phần lớn có 2 mạch song song và ngược chiều.

Lưu trữ, bảo quản, truyền đạt thông tin di truyền.

RNA

Đường ribose (C5H10O5)

A, U, G, C.

Phần lớn chỉ có một mạch.

Mang nhiều chức năng khác nhau tùy thuộc vào từng loài RNA. Trong đó, có 3 loại RNA chính có vai trò khác nhau trong quá trình truyền đạt thông tin di truyền từ DNA sang protein.

- mRNA: làm khuôn thực hiện dịch mã.

- tARN: vận chuyển các amino acid.

- rARN: cấu tạo nên ribosome.

Câu 3 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Hãy tìm hiểu và giải thích tại sao một số vi sinh vật sống được trong suối nước nóng có nhiệt độ xấp xỉ 100oC mà protein của chúng không bị biến tính?

Lời giải

Mỗi loại protein có một giới hạn chịu nhiệt khác nhau. Bởi vậy, một số vi sinh vật sống được trong suối nước nóng có nhiệt độ xấp xỉ 100oC mà protein của chúng không bị biến tính vì các protein của những vi sinh vật này có giới hạn chịu nhiệt cao. Khi ở nhiệt độ cao, chất ức chế protein bị phân hủy từ đó protein không còn bị ức chế nữa và chúng sẽ hoạt động.

Câu 4 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Tại sao các loài động vật sống ở vùng cực thường có lớp mỡ dưới da dày hơn so với các loài sống ở vùng nhiệt đới?

Lời giải

Các loài động vật sống ở vùng cực thường có lớp mỡ dưới da dày hơn so với các loài sống ở vùng nhiệt đới vì lớp mỡ dưới da có vai trò quan trọng, quyết định sự sống còn của những động vật sống ở vùng cực lạnh giá:

- Lớp mỡ dày dưới da của các loài động vật sống ở vùng cực được xem như lớp cách nhiệt giúp tránh thất thoát nhiệt ra môi trường (giữ ấm cho cơ thể).

- Ngoài ra, lớp mỡ dưới da còn là nguồn dự trữ năng lượng giúp những động vật ở vùng cực sống qua mùa đông lạnh giá, nguồn thức ăn trở nên khan hiếm.

Câu 5 trang 32 SGK Sinh 10 CTST: Người ta tiến hành tổng hợp các đoạn DNA nhân tạo trong ống nghiệm, quá trình này được xúc tác bởi enzyme A (có bản chất là protein). Ở nhiệt độ 30oC, sau hai giờ, người ta nhận thấy số lượng DNA tăng lên. Sau đó, tăng nhiệt độ lên 50oC thì trong hai giờ tiếp theo, số lượng DNA không tăng lên nữa. Biết cấu trúc của DNA không bị thay đổi khi nhiệt độ tăng. Hãy giải thích tại sao.

Lời giải

Qua thí nghiệm trên cho thấy enzyme A (có bản chất là protein) chỉ hoạt động tốt khi ở nhiệt độ 30oC giúp đẩy nhanh tốc độ nhân đôi DNA. Khi tăng nhiệt độ lên 50oC lúc này enzyme A (có bản chất là protein) bị biến tính và không hoạt động được, kéo theo quá trình nhân đôi DNA không được diễn ra nữa.

Trên đây VnDoc.com vừa gửi tới bạn đọc bài viết Giải Sinh 10 Bài 6: Các phân tử sinh học trong tế bào CTST. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những ý chính cũng như trau dồi được nội dung kiến thức của bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết đã hướng dẫn bạn đọc trả lời các câu hỏi trong SGK Sinh 10 CTST. Mời các bạn cùng tham khảo thêm tài liệu học tập các môn Toán 10 CTST, Hóa học 10 CTST...

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Sinh học 10 Chân trời sáng tạo

    Xem thêm