Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 16

Chúng tôi xin giới thiệu bài Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 16: Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới và hợp đồng thương mại quốc tế được VnDoc sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải SGK Kinh tế và pháp luật 12 Kết nối tri thức.

Bài: Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới và hợp đồng thương mại quốc tế

Mở đầu trang 125 KTPL 12: Em hãy cho biết Việt Nam gia nhập WTO năm nào. Hãy chia sẻ những hiểu biết của em về lợi ích của Việt Nam khi gia nhập WTO.

Lời giải:

- Năm 2006, phiên họp đặc biệt của Đại hội đồng WTO chính thức kết nạp Việt Nam. Năm 2007, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định gia nhập WTO; Việt Nam trở thành thành viên của WTO

- Một số cơ hội của Việt Nam khi tham gia WTO:

+ Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

+ Tham gia WTO, Việt Nam sẽ có cơ hội nâng cao khả năng tiếp cận những công nghệ tiên tiến, những thị trường tài chính hàng đầu, tiếp thụ và vận dụng cho chiến lược phát triển.

+ Tham gia WTO, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao trong các mối quan hệ quốc tế; tạo nên thế và lực mới, sánh ngang hàng với các quốc gia thành viên của WTO trong việc biểu quyết những vấn đề liên quan đến WTO, đặc biệt trong quá trình giải quyết những vấn đề tranh chấp trong kinh doanh thương mại quốc tế.

+ Gia nhập WTO là cơ hội để Chính phủ có thể xem xét những chính sách kinh tế, các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thiện hoạt động, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh.

1. Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới

Câu hỏi 1 trang 127 KTPL 12: Nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử bao gồm những nội dung cơ bản gì?

Lời giải:

Nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử gồm hai nội dung: đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia.

- Quy chế đối xử tối huệ quốc (đối xử bình đẳng với các nước khác):

+ Các nước thành viên WTO không được phân biệt đối xử với các đối tác thương mại của mình, nghĩa là nếu một nước thành viên trao cho một nước thành viên khác một đặc quyền thương mại nào đó (đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu; việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân của các nước thành viên) thì cũng phải đối xử tương tự như vậy với tất cả các thành viên còn lại của WTO ngay lập tức và không điều kiện (trừ những trường hợp được miễn).

+ Ngoại lệ của quy định này cho phép nếu các nước kí kết, đàm phán các hiệp định thương mại tự do, chẳng hạn như CPTPP (Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU),... thì có thể dành cho nhau (nội bộ nhóm) những ưu đãi về thuế quan trọng các hiệp định thương mại tự do đó tốt hơn ưu đãi trong WTO mà không bị coi là vi phạm quy chế đối xử tối huệ quốc.

- Chế độ đối xử quốc gia (đối xử bình đẳng giữa sản phẩm nước ngoài với sản phẩm trong nước):

+ Nước thành viên sẽ dành cho sản phẩm tương tự, dịch vụ tương tự, nhà cung cấp tương tự của các nước thành viên khác của WTO những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình (quy định trên chỉ áp dụng khi một sản phẩm, dịch vụ hay một yếu tố sở hữu trí tuệ đã gia nhập vào thị trường nội địa).

+ Ngoại lệ của quy định này cho phép các thành viên WTO không cần áp dụng quy chế đối xử quốc gia trong mua sắm Chính phủ phục vụ cho mục đích tiêu dùng của Chính phủ (không phải để bán lại nhằm mục đích thương mại hay đưa vào sản xuất nhằm mục đích thương mại).

Câu hỏi 2 trang 127 KTPL 12: Nước G và nước S, nước V trong trường hợp trên có tuân thủ đúng nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử hay không? Vì sao?

Trường hợp 1. Nước G và nước S đều là thành viên của WTO. Hai nước này đã đàm phán với nhau và đồng ý cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng thịt bò là 10%, nhưng không đồng ý mức cắt giảm thuế quan 10% với các nước thành viên khác của WTO vì lí do đây là hiệp định song phương giữa nước G và nước S.

Trường hợp 2. Kể từ khi trở thành thành viên của WTO, nước V đã từng bước xóa bỏ tất cả những biện pháp theo cam kết mà trước đây nước V áp dụng để bảo hộ đối với hàng hoá và dịch vụ của nước mình, hạn chế việc xâm nhập của hàng hoá, dịch vụ tương tự của nước ngoài.

Lời giải:

- Trường hợp 1: Nước G và nước S đã không tuân thủ đúng nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử. Bởi quy chế tối huệ quốc quy định:

+ Các nước thành viên của WTO không được phân biệt đối xử với các đối tác thương mại của mình, nghĩa là nếu một nước thành viên trao cho một nước thành viên khác một đặc quyền thương mại nào đó (đối với hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu;

+ Việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ và mọi lợi ích có được từ các quyền đó của tổ chức, cá nhân của các nước thành viên) thì cũng phải đối xử tương tự như vậy với tất cả các thành viên còn lại của WTO ngay lập tức và không điều kiện (trừ những trường hợp được miễn).

- Trường hợp 2: nước V trong tình huống trên đã tuân thủ đúng nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử.

+ Bởi theo chế độ đối xử quốc gia thì nước thành viên sẽ dành cho sản phẩm tương tự, dịch vụ tương tự, nhà cung cấp tương tự của các nước thành viên khác của WTO những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình.

+ Do vậy, việc nước V xóa bỏ những biện pháp bảo hộ đối với hàng hoá và dịch vụ của nước mình, tạo điều kiện cho hàng hoá và dịch vụ của các nước thành viên khác của WTO vào nước mình được hưởng các quy chế như của nước mình là phù hợp.

Câu hỏi 1 trang 128 KTPL 12: Em hãy nêu nội dung cơ bản của nguyên tắc mở cửa thị trường của WTO.

Lời giải:

- Nguyên tắc mở cửa thị trường quy định các nước thành viên WTO phải cam kết xóa bỏ các rào cản trong thương mại quốc tế như cấm áp dụng biện pháp hạn chế về số lượng; giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào thuế quan; xóa bỏ hàng rào phi thuế quan.

- Các nước chỉ có thể hạn chế sản phẩm của các nước khác thông qua thuế quan hoặc các khoản thu khác mà không được cấm hay hạn chế (trừ những trường hợp thật cần thiết và mang tính chất tạm thời) việc xuất hay nhập khẩu các sản phẩm của nước mình hay của các nước khác thuộc WTO.

Câu hỏi 2 trang 128 KTPL 12: Việc làm của Việt Nam trong trường hợp trên có phù hợp với nguyên tắc tự do hóa thương mại không? Vì sao?

Trường hợp 1. Từ khi là thành viên của WTO, Việt Nam đã tạo điều kiện cho hàng hóa của các nước thành viên WTO được nhập khẩu với số lượng không hạn chế vào thị trường Việt Nam.

Trường hợp 2. Để hạn chế số lượng cá da trơn nhập khẩu, nước M đã đánh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng này của nước V ở mức cao nhất có thể là 30% (hai nước M và V đều là thành viên của WTO).

Lời giải:

- Trường hợp 1. Việc làm của Việt Nam là phù hợp với nguyên tắc mở cửa thị trường, vì nguyên tắc này quy định các nước thành viên WTO phải cam kết xóa bỏ các rào cản trong thương mại quốc tế như: cấm áp dụng biện pháp hạn chế về số lượng; giảm và tiến tới xóa bỏ hàng rào phi thuế quan nên việc Việt Nam đã cam kết từng bước và tiến tới xóa bỏ các biện pháp hạn chế nhập khẩu, tạo điều kiện cho hàng hoá của các nước thành viên WTO được nhập khẩu với số lượng không hạn chế vào thị trường Việt Nam là phù hợp.

- Trường hợp 2, việc nước M đã đánh thuế nhập khẩu đối với mặt hàng cá da trơn của nước V ở mức cao nhất có thể là 30% nhằm hạn chế nhập khẩu số lượng mặt hàng này vào nước mình là phù hợp với nguyên tắc mở cửa thị trường. Vì các nước chỉ có thể hạn chế sản phẩm của các nước khác thông qua thuế quan hoặc các khoản thu khác mà không được cấm hay hạn chế (trừ những trường hợp thật cần thiết và mang tính chất tạm thời) việc xuất hay nhập khẩu các sản phẩm của nước mình hay của các nước khác thuộc WTO.

Câu hỏi 1 trang 128 KTPL 12: Nguyên tắc thương mại công bằng mà WTO đã đưa ra đề cập đến những nội dung cơ bản gì?

Lời giải:

- Nguyên tắc thương mại công bằng là thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau giữa các thành viên của WTO, hạn chế những biện pháp thương mại không lành mạnh như bán phá giá (bán với giá thấp hơn giá thành sản phẩm), trợ cấp của Chính phủ dành cho hàng xuất khẩu,... nhằm mục đích chiếm thị phần.

Câu hỏi 2 trang 128 KTPL 12: Việc làm của nước V, nước M trong các trường hợp trên có phù trên có phù tắc thương mại công bằng của WTO không? Vì sao?

Trường hợp 1. Nước V là thành viên của WTO đã tính đủ, tính đúng giá thành sản xuất, chế biến, vận chuyển và các phụ thu khác vào giá thành của sản phẩm gạo chất lượng cao để bán cho nước B (cũng là thành viên của WTO) với giá bán cao hơn giá trị thông thường.

Trường hợp 2. Nước M đã không dưới một lần xem xét các đơn kiện của các doanh nghiệp M khi họ cho rằng mặt hàng tôm đông lạnh của nước P, nước A đã bán phá giá ở thị trường nước M, cạnh tranh không công bằng.

Lời giải:

- Trường hợp 1. Việc làm của nước V là phù hợp với nguyên tắc thương mại công bằng của WTO. Vì theo nguyên tắc thương mại công bằng, thương mại quốc tế phải được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau giữa các thành viên của WTO, hạn chế những biện pháp thương mại không lành mạnh như bán phá giá, thực hiện trợ cấp của Chính phủ dành cho hàng xuất khẩu, ... nhằm mục đích chiếm thị phần. Nước V đã tính đủ, tính đúng giá thành sản xuất, chế biến, vận chuyển và các khoản phụ thu khác vào giá thành của sản phẩm gạo chất lượng cao để bán cho nước B là hoàn toàn phù hợp.

- Trường hợp 2. Việc làm của nước M trong trường hợp 2 là phù hợp với nguyên tắc thương mại công bằng của WTO. Bởi theo nguyên tắc thương mại công bằng được quy định trong Phụ lục 1A Các hiệp định đa phương về thương mại hàng hóa của Hiệp định Marrakesh thành lập WTO năm 1995, trong đó quy định thương mại công bằng là thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau giữa các thành viên của WTO, hạn chế những biện pháp thương mại không lành mạnh như bán phá giá (bán với giá thấp hơn giá thành sản phẩm), trợ cấp của Chính phủ dành cho hàng xuất khẩu,... nhằm mục đích chiếm thị phần.

Câu hỏi 1 trang 129 KTPL 12: Nguyên tắc minh bạch của WTO đề cập tới những nội dung cơ bản gì?

Lời giải:

- Nguyên tắc minh bạch quy định để tránh sự tuỳ tiện và có thể dự đoán được trước đòi hỏi các nước thành viên phải thông báo, trả lời những thông tin cần thiết về mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành các hiệp định thương mại quốc tế cho các nước khác và cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO.

Câu hỏi 2 trang 129 KTPL 12: Để bảo đảm nguyên tắc minh bạch trong thương mại quốc tế, các nước thành viên của WTO phải làm gì?

Lời giải:

- Để bảo đảm nguyên tắc minh bạch trong thương mại quốc tế, các nước thành viên của WTO phải thông báo và trả lời chính xác, kịp thời những thông tin cần thiết về mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành các hiệp định thương mại quốc tế cho các nước khác và cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO.

Câu hỏi 3 trang 129 KTPL 12: Việt Nam và nước Q trong các thông tin trên có thực hiện đúng nguyên tắc minh bạch của WTO không? Vì sao?

Trường hợp 1. Việt Nam là thành viên của WTO nên hằng năm đều thực hiện việc thông báo cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO và cho các thành viên khác những biện pháp mà nước mình áp dụng có ảnh hưởng đến việc thực hiện hiệp định thương mại quốc tế đã được Việt Nam kí kết.

Trường hợp 2. Nước Q (thành viên của WTO) ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng và cho rằng luật này chỉ liên quan đến người tiêu dùng của nước mình nên đã không thông báo cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO.

Lời giải:

- Trường hợp 1. Việt Nam đã thực hiện đúng nguyên tắc minh bạch của WTO. Vì theo nguyên tắc minh bạch thì các nước thành viên phải thông báo, trả lời những thông tin cần thiết về mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành các hiệp định thương mại quốc tế cho các nước khác và cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO để tránh sự tuỳ tiện và có thể dự đoán được trước.

- Trường hợp 2. Nước Q đã không thực hiện đúng nguyên tắc minh bạch của WTO, vì nguyên tắc minh bạch đòi hỏi các nước thành viên phải thông báo, trả lời những thông tin cần thiết về mọi biện pháp có liên quan hoặc tác động đến việc thi hành các hiệp định thương mại quốc tế cho các nước khác và cho các cơ quan giám sát việc thực hiện các hiệp định thương mại đa phương của WTO, nhưng nước Q ban hành Luật Quản lí ngoại thương mà không thông báo cho các cơ quan giám sát và việc ban hành luật này sẽ có ảnh hưởng đến việc thực thi các hiệp định thương mại mà họ đã kí kết.

Câu hỏi 1 trang 130 KTPL 12: WTO dành cho các nước đang phát triển những ưu đãi cơ bản gì?

Lời giải:

- Để khuyến khích phát triển và cải cách kinh tế đối với các nước đang và chậm phát triển, trong các hiệp định của WTO có nhiều điều khoản dành cho các nước nói trên một số quyền ưu đãi đặc biệt hoặc quyền được đối xử nương nhẹ hơn (đối xử đặc biệt và đối xử ưu đãi).

- Các nước đang và chậm phát triển có thể được hưởng một số ưu đãi (như thời gian để thực hiện các cam kết dài hơn, được đối xử ưu ái hơn so với các nước phát triển...), được miễn thực hiện nghĩa vụ trong một thời gian nhất định, được trợ giúp về kĩ thuật, được hỗ trợ pháp lí từ phía Ban thư kí, được tham dự các khoá đào tạo về thương mại...

Câu hỏi 2 trang 130 KTPL 12: Ở thông tin trên, việc Việt Nam được các chuyên gia của WTO giúp đỡ để hoàn thiện hệ thống pháp luật có phù hợp với nguyên tắc của WTO không? Vì sao?

Thông tin. Việt Nam khi tham gia WTO đã được các chuyên gia của WTO hỗ trợ rất nhiều để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với yêu cầu của WTO.

Lời giải:

- Ở thông tin trên, việc Việt Nam được giúp đỡ để hoàn thiện hệ thống pháp luật là phù hợp với nguyên tắc của WTO dành cho các nước đang phát triển. Vì: Việt Nam là một nước đang phát triển và trong các hiệp định của WTO có nhiều điều khoản dành cho các nước đang và chậm phát triển một số quyền ưu đãi đặc biệt hoặc quyền được đối xử nương nhẹ hơn (đối xử đặc biệt và đối xử ưu đãi).

2. Nguyên tắc cơ bản của hợp đồng thương mại quốc tế

Câu hỏi 1 trang 132 KTPL 12: Nội dung cơ bản của nguyên tắc tự do hợp đồng đề cập đến những vấn đề gì trong hợp đồng thương mại quốc tế?

Lời giải:

- Các bên tham gia giao kết hợp đồng thương mại được:

+ Tự do giao kết hợp đồng (các bên hoàn toàn tự nguyện, không bên nào được thực hiện hành vi áp đặt, cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản bên nào trong việc giao kết hợp đồng).

+ Tự do lựa chọn đối tác;

+ Tự do thiết lập các điều khoản của hợp đồng và thỏa thuận nội dung của hợp đồng, hình thức của hợp đồng (trừ những trường hợp mà pháp luật quốc gia hoặc pháp luật quốc tế có quy định về hình thức hợp đồng);

+ Tự do chọn luật điều chỉnh, cơ quan giải quyết tranh chấp.

+ Cam kết, thỏa thuận giữa các bên giao kết hợp đồng không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không gây thiệt hại cho bên thứ ba, cho lợi ích công cộng, cho lợi ích của một trong các bên trong hợp đồng hoặc cả hai bên trong hợp đồng.

Câu hỏi 2 trang 132 KTPL 12: Nội dung cơ bản của nguyên tắc tự do hợp Ở trường hợp 1, những nội dung nào của nguyên tắc tự do hợp đồng được thể hiện trong hợp đồng thương mại giữa Công ty X và Công ty V?

Trường hợp 1. Căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của các bên, sau khi thỏa thuận, thống nhất Công ty X của Nhật Bản đã giao kết hợp đồng bằng văn bản bán cho Công ty V của Việt Nam 1.000 xe ôtô với giá là 30.000 USD/một xe. Công ty X giao xe cho Công ty V tại cảng Hải Phòng, Công ty V sau khi nhận đủ số xe như đã thỏa thuận thì thanh toán cho Công ty X thông qua chuyển khoản. Các bên thống nhất không áp dụng Công ước Viên (CISG 1980) mà chọn luật của Singapore để điều chỉnh hợp đồng và Trọng tài thương mại của Việt Nam để giải quyết nếu có tranh chấp. Các bên đã nghiêm chỉnh thực hiện một cách trung thực, đầy đủ, chính xác các cam kết trong hợp đồng cho nhau như đã thỏa thuận.

Lời giải:

- Những nội dung của nguyên tắc tự do hợp đồng được thể hiện trong hợp đồng thương mại giữa Công ty X và Công ty V gồm:

+ Tự do lựa chọn đối tác (căn cứ vào nhu cầu và khả năng đáp ứng của đối tác), tự do thiết lập các điều khoản của hợp đồng, nội dung của hợp đồng (không bên nào ép buộc bên nào);

+ Tự do thỏa thuận hình thức của hợp đồng (bằng văn bản);

+ Tự do lựa chọn luật điều chỉnh hợp đồng (không áp dụng Công ước Viên (CISG 1980) mà chọn luật của Singapore để điều chỉnh hợp đồng) và trọng tài (Trọng tài thương mại của Việt Nam) để giải quyết khi có tranh chấp.

+ Cam kết, thỏa thuận giữa các bên không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không gây thiệt hại cho bên thứ ba, cho lợi ích công cộng, cho lợi ích của một trong các bên trong hợp đồng hoặc cả hai bên trong hợp đồng.

Câu hỏi 3 trang 132 KTPL 12: Nội dung cơ bản của nguyên tắc tự do hợp Theo quy định của pháp luật quốc tế thì hợp đồng thương mại trong trường hợp 2 có tuân thủ đúng về hình thức của hợp đồng thương mại quốc tế hay không? Vì sao?

Trường hợp 2. Tại khu chợ mua bán gia súc ở nước A, thương nhân từ các nước khác nhau đã giao dịch với nhau về giá cả và số lượng hàng hoá bằng việc nắm tay nhau trong một chiếc túi (khăn) kín để đưa ra kí hiệu thỏa thuận.

Lời giải:

- Theo quy định của pháp luật quốc tế thì hợp đồng thương mại trong trường hợp 2 tuân thủ đúng về hình thức của hợp đồng thương mại quốc tế, vì theo quy định của pháp luật quốc tế thì hợp đồng thương mại có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể, tuỳ theo thỏa thuận giữa các bên.

Câu hỏi 1 trang 133 KTPL 12: Nội dung của nguyên tắc thiện chí và trung thực trong giao kết hợp đồng thương mại có ý nghĩa như thế nào trong hoạt động thương mại?

Lời giải:

- Nguyên tắc thiện chí và trung thực trong đó quy định: Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng thương mại ở tất cả các giai đoạn (xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình) đều phải hoạt động với tinh thần thiện chí và trung thực, không bên nào được lừa dối bên nào.

Câu hỏi 2 trang 133 KTPL 12: Trong các trường hợp trên, công ty nào tuân thủ, công ty nào vi phạm nguyên tắc thiện chí và trung thực trong giao kết hợp đồng thương mại? Vì sao?

Trường hợp 1. Do tình hình sản xuất kinh doanh gặp khó khăn nên Công ty K (nước V) đã đề nghị Công ty N (nước D) cho phép kéo dài thời hạn thanh toán số tiền hàng mà Công ty đã mua của Công ty N chưa thực hiện được. Sau khi kiểm tra tình hình thực tế, Công ty N đã đồng ý kéo dài thời hạn thanh toán thêm 6 tháng.

Trường hợp 2. Doanh nghiệp D (nước Y) do quá tin tưởng vào công ty môi giới nên đã bỏ qua công đoạn kiểm tra thông tin đối tác, đồng ý bán cho Công ty G (nước E) 300 tấn hạt điều. Sau khi Doanh nghiệp D gửi 300 tấn hạt điều đi cho Công ty G thì mới phát hiện Công ty G không có khả năng thanh toán, đang chờ tuyên bố phá sản.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, cả Công ty K và Công ty N đều hành động theo nguyên tắc thiện chí và trung thực, xuất phát từ điều kiện hoàn cảnh thực tế mà Công ty K gặp phải; các bên đã có sự thỏa thuận và gia hạn thời hạn thanh toán.

- Trong trường hợp 2, Công ty D tuân thủ, còn Công ty G vi phạm nguyên tắc thiện chí và trung thực trong giao kết hợp đồng thương mại vì Công ty G biết rõ là mình không có khả năng thanh toán nhưng vẫn giao kết mua hạt điều. Như vậy, Công ty G đã lừa dối Công ty D.

Câu hỏi 1 trang 134 KTPL 12: Nội dung cơ bản của nguyên tắc tuân thủ hợp đồng đã giao kết và xử lí việc không thực hiện hợp đồng là gì?

Lời giải:

Nguyên tắc giao kết và tuân thủ hợp đồng thương mại quốc tế đã giao kết được quy định.

- Hợp đồng thương mại hợp pháp, có hiệu lực có giá trị ràng buộc, bắt buộc các bên tham gia kí kết phải tôn trọng và thực hiện. Hợp đồng chỉ có thể được thay đổi, chấm dứt hiệu lực từng phần hoặc toàn bộ theo quy định của chính hợp đồng đó hoặc theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp một bên không thực hiện các cam kết, thỏa thuận vì hợp đồng được kí kết trên cơ sở lừa dối, xuyên tạc, lỗi, cưỡng ép, có sự bất bình đẳng về năng lực đàm phán giữa các bên kí kết hoặc trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản làm cho một bên không thể thực hiện được vì không lường trước được hoàn cảnh thay đổi hoặc vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của bên đó).

- Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng.

- Không thực hiện hợp đồng là việc một bên không hoàn thành một hoặc nhiều nghĩa vụ của mình trong hợp đồng, kể cả việc thực hiện không đúng quy cách, thực hiện chậm so với quy định.

- Khi một bên không thực hiện hợp đồng thì:

+ Bên bị vi phạm có thể yêu cầu bên không thực hiện: buộc phải thực hiện đúng hợp đồng, phải chịu phạt do vi phạm hợp đồng; buộc phải bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm (trừ những trường hợp được miễn trách nhiệm do xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thỏa thuận; xảy ra sự kiện bất khả kháng; miễn trách nhiệm do các bên tư thỏa thuận...

+ Bên vi phạm hợp đồng có nghĩa vụ chứng minh các trường hợp miễn trách nhiệm).

+ Bên bị vi phạm cũng có quyền tạm ngừng thực hiện hợp đồng; đình chỉ thực hiện hợp đồng; huỷ bỏ hợp đồng, hoặc áp dụng các biện pháp khác do các bên thỏa thuận không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Quốc gia, điều ước quốc tế và tập quán thương mại quốc tế.

Câu hỏi 2 trang 134 KTPL 12: Ở tình huống trên, việc làm của Công ty G có phù hợp với nguyên tắc tuân thủ hợp đồng thương mại đã giao kết? Vì sao?

Tình huống 1. Khi giá gạo thu mua ở trong nước tăng cao, nhận thấy nếu tiếp tục thực hiện hợp đồng thì sẽ không có lãi nên Công ty G (nước C) đã dùng không tiếp tục thực hiện hợp đồng xuất khẩu gạo như đã giao kết với Công ty A (nước T).

Lời giải:

- Ở trường hợp 1, việc làm của Công ty G không phù hợp với nguyên tắc tuân thủ hợp đồng thương mại đã giao kết vì hợp đồng thương mại giữa công G và Công ty A là hợp pháp, đã có hiệu lực (Công ty G đang thực hiện) có giá trị ràng buộc, bắt buộc các bên tham gia kí kết phải tôn trọng và thực hiện. Hợp đồng chỉ có thể được thay đổi, chấm dứt hiệu lực từng phần hoặc toàn bộ theo quy định của chính hợp đồng đó hoặc theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật. Công ty G tự ý dừng, không tiếp tục thực hiện hợp đồng là sai.

Câu hỏi 3 trang 134 KTPL 12: Ở tình huống trên, Công ty D có phải chịu trách nhiệm khi đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng không? Vì sao? Công ty H có thể áp dụng chế tài đối với Công ty D được không? Vì sao?

Tình huống 2. Công ty D (nước V) kí hợp đồng cung cấp cho Công ty H (nước Q) 150 tấn quả vải thiều, giao hàng tại Ga đường sắt B (nước Q). Khi quả vải thiều chuẩn bị được chuyển đi thì cửa khẩu giữa nước V và nước Q bị đóng do dịch bệnh và không biết khi nào sẽ mở lại, Công ty D đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thực hiện được việc giao hàng đúng thời hạn theo quy định của hợp đồng.

Lời giải:

- Ở trường hợp 2, Công ty D không phải chịu trách nhiệm khi đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng vì việc Công ty D không thực hiện được hợp đồng là do bất khả thi.

+ Theo quy định của pháp luật quốc tế thì hợp đồng thương mại hợp pháp, có hiệu lực có giá trị ràng buộc, bắt buộc các bên tham gia kí kết phải tôn trọng và thực hiện, trừ trường hợp một bên không thực hiện các cam kết, thỏa thuận vì hợp đồng được kí kết trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản làm cho một bên không thể thực hiện được vì không lường trước được hoàn cảnh thay đổi hoặc vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của bên đó.

+ Công ty H không thể áp dụng chế tài đối với Công ty D vì nếu Công ty D chứng minh được việc Công ty D không thực hiện được hợp đồng là do xảy ra sự kiện bất khả kháng (Công ty D đã tìm mọi cách nhưng vẫn không thực hiện được việc giao hàng đúng thời hạn theo quy định của hợp đồng).

3. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 135 KTPL 12: Em hãy cho biết các nhận định dưới đây đúng hay sai. Vì sao?

a. Một nước thành viên của WTO có thể đối xử thuận lợi đối với nhà cung cấp dịch vụ của nước thành viên khác, nhưng lại có thể đối xử kém thuận lợi hơn đối với nhà cung cấp dịch vụ tương tự của nước mình.

b. Các nước thành viên của WTO có thể giới hạn số lượng đối với một loại hàng hoá nhập khẩu nào đó từ các nước thành viên khác vào nước mình tuỳ thuộc vào nhu cầu của nước mình đối với loại hàng hoá đó bằng việc áp dụng các biện pháp thuế quan.

c. Chính phủ của một nước thành viên WTO có thể được phép trợ cấp cho những mặt hàng mà nước đó lần đầu tiên xuất khẩu sang các nước thành viên khác.

d. Các bên khi giao kết hợp đồng thương mại quốc tế không được phép chọn luật của nước mình mà phải chọn luật điều chỉnh từ các điều ước quốc tế.

Lời giải:

- Nhận định a. Đúng, vì theo chế độ đối xử quốc gia thì nước thành viên sẽ dành cho sản phẩm tương tự, dịch vụ tương tự, nhà cung cấp tương tự của các nước thành viên khác của WTO những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình, chứ không nói ngược lại.

- Nhận định b. Đúng, vì theo nguyên tắc mở cửa thị trường (tự do hoá thương mại từng bước và bằng con đường đàm phán) thì các nước chỉ có thể hạn chế sản phẩm của các nước khác thông qua thuế quan hoặc các khoản thu khác mà không được cấm hay hạn chế (trừ những trường hợp thật cần thiết và mang tính chất tạm thời) việc xuất hay nhập khẩu các sản phẩm của nước mình hay của các nước khác thuộc WTO.

- Nhận định c. Sai, vì nguyên tắc thương mại công bằng quy định thương mại quốc tế được tiến hành trong điều kiện cạnh tranh bình đẳng như nhau giữa các thành viên của WTO, hạn chế những biện pháp thương mại không lành mạnh như bán phá giá (bán với giá thấp hơn giá thành sản phẩm), trợ cấp của Chính phủ dành cho hàng xuất khẩu, ... nhằm mục đích chiếm thị phần. Nguyên tắc trên không quy định lần đầu hay lần thứ mấy, tất cả các trường hợp Chính phủ đều không được trợ cấp cho bất kì mặt hàng nào.

Luyện tập 2 trang 135 KTPL 12: Em hãy cho biết các hành vi dưới đây vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của WTO. Vì sao?

a. Công ty X của nước Q (nước Q là thành viên của WTO) bào chế được một loại vắc-xin ngừa dịch bệnh và đã chuyển giao công nghệ, cho phép nước T (thành viên của WTO) bào chế loại vắc-xin này nhưng lại từ chối cung cấp cho một số nước khác không phải là thành viên của WTO khi các nước đó có yêu cầu.

b. Nước A (thành viên của WTO) chỉ thực hiện giảm thuế đối với mặt hàng thép hộp mạ kẽm cho nước B (không là thành viên của WTO), mà không thực hiện giảm thuế với cùng mặt hàng trên cho các thành viên khác của WTO.

c. Việt Nam (thành viên của WTO) đã đàm phán với M (nước M không phải thành viên của WTO) và đồng ý cắt giảm thuế quan đối với mặt hàng tôm đông lạnh là 8%, nhưng không đồng ý mức cắt giảm thuế quan 8% với các nước thành viên khác của WTO với lí do đây là hiệp định song phương giữa Việt Nam và nước M.

d. Nước thành viên X đã đánh thuế nhập khẩu rất cao đối với rượu vang nhập khẩu từ các nước thành viên khác của WTO, làm cho rượu vang nhập khẩu vào nước X không thể cạnh tranh được về giá cả so với rượu vang sản xuất trong nước.

Lời giải:

- Trường hợp a. Hành vi của nước Q thực hiện đúng nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử, vì theo quy chế tối huệ quốc quy định: các nước thành viên WTO chỉ không phân biệt đối xử việc xác lập, bảo hộ và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ đối với các tổ chức và cá nhân thuộc các nước thành viên của WTO.

- Trường hợp b. Hành vi này vi phạm nguyên tắc thương mại không biệt đối xử, vì theo quy chế đối xử quốc gia thì nước thành viên không được phân biệt đối xử giữa sản phẩm nước ngoài với sản phẩm trong nước. Nước thành viên phải dành cho sản phẩm tương tự, dịch vụ tương tự, nhà cung cấp tương tự của các nước thành viên khác của WTO những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình (quy định trên chỉ áp dụng khi một sản phẩm, dịch vụ hay một yếu tố sở hữu trí tuệ đã gia nhập vào thị trường nội địa). Do vậy, việc nước A quy định như vậy là vi phạm nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử.

- Trường hợp c. Hành vi của nước N vi phạm quy chế tối huệ quốc ở nguyên tắc thương mại không phân biệt đối xử vì Hiệp định song phương chỉ ưu đãi khi các bên tham gia kí kết đều là thành viên WTO thì mới có thể dành cho nhau những ưu đãi về thuế quan trong hiệp định thương mại tự do đó tốt hơn ưu đãi trong WTO.

- Trường hợp d. Hành vi này thực hiện đúng nguyên tắc mở cửa thị trường, vì theo nguyên tắc mở cửa thị trường thì các nước có thể hạn chế sản phẩm của các nước khác thông qua thuế quan hoặc các khoản thu khác mà không được cấm hay hạn chế (trừ những trường hợp thật cần thiết và mang tính chất tạm thời) việc xuất hay nhập khẩu các sản phẩm của nước mình hay của các nước khác thuộc WTO. Do vậy, việc nước X đánh thuế ở mức cao nhất có thể (mức thuế quan ràng buộc) thì không vi phạm nguyên tắc mở cửa thị trường.

Luyện tập 3 trang 135 KTPL 12: Em hãy cho biết các hành vi dưới đây vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của hợp đồng thương mại quốc tế. Vì sao?

a. Doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê C (nước V) đã chủ động tìm kiếm, chào hàng và giao kết hợp đồng với đối tác là Công ty M (nước Z) về việc doanh nghiệp sẽ cung cấp cà phê đóng gói để tiêu thụ tại thị trường nước Z.

b. Khi thực hiện hợp đồng xuất khẩu tôm thương phẩm vào nước N, công ty xuất nhập khẩu của nước X đã bơm thêm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng.

c. Công ty dịch vụ H đã nhập khẩu một loại khăn lụa từ nước ngoài, xóa bỏ thương hiệu của nước ngoài trên khăn, thay bằng nhãn thương hiệu của Công ty H, rồi xuất khẩu sang nước thứ ba.

d. Công ty Y đã kí hợp đồng nhập khẩu 100.000 hộp phấn rôm dùng cho trẻ em của Hãng dược phẩm nước ngoài D với điều kiện phấn rôm phải có chất lượng tốt như đã thỏa thuận và bảo đảm an toàn khi sử dụng. Sau khi nhập về 10.000 hộp phấn rôm và bán ra thị trường, một số trẻ em sử dụng phấn rôm nói trên đã bị dị ứng nặng. Thấy vậy, Công ty Y đã không tiếp nhận số phấn rôm còn lại đã được giao kết trong hợp đồng với Hãng dược phẩm D.

Lời giải:

- Trường hợp a. Hành vi của Doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê C (nước V) thực hiện đúng nguyên tắc tự do hợp đồng, vì doanh nghiệp này đã chủ động tìm kiếm, chào hàng và giao kết hợp đồng với Công ty M (nước Z) để cung cấp cà phê đóng gói để tiêu thụ tại thị trường nước Z. Cả hai công ty của hai nước đã tự do thiết lập các điều khoản của hợp đồng và thỏa thuận nội dung của hợp đồng mà không bị áp đặt hay cưỡng ép, đe dọa, ngăn cản của bên nào trong việc giao kết hợp đồng.

- Trường hợp b. Hành vi của công ty xuất nhập khẩu của nước X đã bơm thêm tạp chất vào tôm để tăng trọng lượng là gian dối, vi phạm nguyên tắc thiện chí và trung thực trong hoạt động thương mại. Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng thương mại ở tất cả các giai đoạn đều phải thực hiện với tinh thần thiện chí và trung thực, không bên nào được lừa dối bên nào.

- Trường hợp c. Hành vi của Công ty dịch vụ H nói trên là lừa dối khách hàng, vi phạm nguyên tắc thiện chí và trung thực. Các bên khi tham gia vào quan hệ hợp đồng thương mại ở tất cả các giai đoạn đều phải thực hiện với tinh thần thiện chí và trung thực, không bên nào được lừa dối bên nào.

- Trường hợp d. Hành vi của Hãng dược phẩm nước D đã cung cấp phấn rôm không bảo đảm chất lượng và an toàn khi sử dụng, vi phạm nguyên tắc thiện chí và trung thực. Hành vi của Công ty Y không vi phạm, họ đã thực hiện đúng nguyên tắc tuân thủ hợp đồng đã giao kết. Việc họ không tiếp tục nhận số phấn rôm còn lại là vì bị lừa dối (trong thỏa thuận là phấn rôm phải có chất lượng tốt như đã thỏa thuận và bảo đảm an toàn khi sử dụng).

4. Vận dụng

Vận dụng trang 136 KTPL 12: Em hãy viết bài chia sẻ về một (hoặc một số) điều mà Việt Nam đã cam kết khi gia nhập WTO và ý nghĩa của việc thực hiện những cam kết đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Việt Nam đã thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO

Ngay sau khi gia nhập WTO, ngày 27-2-2007, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP ban hành Chương trình Hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (Khóa X) về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên WTO, giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành và địa phương trong giai đoạn hội nhập kinh tế sâu rộng. Chương trình Hành động thể hiện sự chủ động và quyết tâm cao của Chính phủ trong việc tận dụng triệt để các cơ hội và vượt qua các thách thức từ việc gia nhập WTO, để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới.

Trong gần hai năm qua, nhìn chung Việt Nam đã thực thi đầy đủ và nghiêm túc các cam kết gia nhập WTO, bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, và các cam kết đa phương về tuân thủ các quy định chung trong WTO. Về thương mại hàng hóa, ta cắt giảm trên 3.000 dòng thuế liên quan hàng dệt may, xi-măng, nông thổ sản, rau quả tươi, cà-phê, hàng tiêu dùng, thiết bị xây dựng, ô-tô, v.v. Về thương mại dịch vụ, ta thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ mở cửa thị trường, nhất là đối với dịch vụ tài chính - ngân hàng (cấp phép thành lập một số công ty tài chính và ngân hàng 100% vốn nước ngoài). Ta đã xây dựng và hoàn chỉnh nhiều văn bản pháp quy quan trọng như Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn thực thi các cam kết gia nhập WTO liên quan đầu tư, v.v. nhằm đưa hệ thống pháp luật, chính sách kinh tế - thương mại của ta phù hợp hơn các quy định của WTO, qua đó cải thiện và tăng cường tính hấp dẫn của môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã bước đầu chủ động tham gia các hoạt động chung trong WTO và đàm phán tại Vòng Ðô-ha trên các lĩnh vực có lợi ích thiết thực như nông nghiệp, công nghiệp, cải cách các quy định trong WTO (chống bán phá giá, trợ cấp, các biện pháp tự vệ)... Ngoài việc hoạt động tích cực trong các nhóm truyền thống như APEC, ASEAN, ta đã chủ động tham gia Nhóm các thành viên mới gia nhập (RAMs) để tăng cường vị thế đàm phán và phối hợp đấu tranh vì lợi ích của các thành viên mới.

Việc Việt Nam gia nhập WTO tạo ra những tác động nhiều chiều đối với nền kinh tế nước ta.

Một mặt, gia nhập WTO tác động tích cực đối với nền kinh tế, đặc biệt về thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) và xuất khẩu. Vốn đăng ký FDI đạt trên 20 tỷ USD năm 2007 và dự kiến sẽ đạt trên 60 tỷ USD trong năm 2008. Sự bùng nổ FDI trong hai năm qua phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào công cuộc đổi mới cũng như tiềm năng phát triển dài hạn của Việt Nam. Các đối tác cho rằng tác động tích cực nhất của việc gia nhập WTO là môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam được cải thiện đáng kể, nhờ đó Việt Nam đã trở thành điểm hấp dẫn các nguồn vốn từ bên ngoài. Xuất khẩu cũng tăng mạnh trong hai năm qua và đạt 48,6 tỷ USD trong chín tháng đầu năm 2008, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2007. Ngoài yếu tố tăng giá, sự gia tăng xuất khẩu còn do lượng hàng của ta dồi dào hơn và thị trường xuất khẩu được mở rộng đáng kể. Ðây là yếu tố cơ bản, góp phần quan trọng vào việc duy trì tăng trưởng kinh tế (dự kiến 6,5 - 7% năm 2008) trong bối cảnh khủng hoảng tài chính đang lan rộng trên thế giới.

Mặt khác, việc thực thi cam kết WTO trong hai năm qua cũng làm bộc lộ một số bất cập của nền kinh tế như: (i) khung khổ pháp lý cần tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp các cam kết chung trong WTO và các chuẩn mực kinh tế thị trường; (ii) cơ cấu xuất nhập khẩu chậm chuyển dịch, sức cạnh tranh trên các cấp độ quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm còn thấp; (iii) kết cấu hạ tầng yếu kém (điện, đường, sân bay, cảng, v.v.); sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trình độ cao, được đào tạo và có tay nghề, đang cản trở sự tăng trưởng có chất lượng và phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, việc thực thi các cam kết của WTO và các thỏa thuận kinh tế quốc tế khác góp phần tăng độ mở của nền kinh tế Việt Nam; do đó, các diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới ảnh hưởng sâu sắc hơn đến kinh tế nước ta, cũng như các nỗ lực của Chính phủ ta trong việc ổn định kinh tế vĩ mô.

Trước hiện trạng đó, tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khóa XII vào tháng 5-2008, Chính phủ đã đề ra tám nhóm giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn trước mắt, thúc đẩy và duy trì tăng trưởng bền vững trong bối cảnh đất nước hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Ðến nay, việc triển khai các nhóm giải pháp trên đã đạt kết quả bước đầu tích cực.

Ðối với kinh tế đối ngoại và vị thế quốc tế của Việt Nam, cùng với việc trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ nhiệm kỳ 2008 - 2009, việc gia nhập WTO góp phần nâng cao đáng kể vị thế của ta trên trường quốc tế và khẳng định với thế giới về chính sách đối ngoại chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam. Với tư cách là thành viên WTO, ta có điều kiện để tham gia tích cực và tăng cường vai trò trong hệ thống thương mại đa phương, góp phần bảo vệ hiệu quả và mở rộng các lợi ích của đất nước, thể hiện cụ thể trên các khía cạnh sau:

Thứ nhất, thông qua việc chủ động và tích cực tham gia đàm phán tại Vòng Ðô-ha, nhất là trong khuôn khổ Nhóm RAMs, ta có điều kiện cùng các nước đang phát triển đấu tranh nhằm thiết lập một hệ thống thương mại đa phương công bằng, cân bằng hơn và tính đến lợi ích của các nước đang và kém phát triển. Tiến trình này đến nay đã đạt kết quả bước đầu: nhiều khả năng Việt Nam, cùng một số thành viên mới gia nhập khác, sẽ được miễn trừ các nghĩa vụ mới về mở cửa thị trường khi Vòng Ðô-ha kết thúc.

Thứ hai, với tư cách thành viên WTO, ta có điều kiện chủ động yêu cầu đàm phán song phương với một số đối tác xin gia nhập WTO, qua đó góp phần giải quyết các vướng mắc trong quan hệ kinh tế - thương mại của ta với các đối tác này.

Thứ ba, sau khi ta gia nhập WTO, nhiều đối tác kinh tế - thương mại chủ chốt, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản, Ca-na-đa v.v., ngày càng nhìn nhận Việt Nam như một đối tác giàu tiềm năng và quan trọng tại khu vực Ðông - Nam Á. Ta cũng tận dụng các mối quan hệ mở rộng để đẩy mạnh triển khai liên kết kinh tế song phương và khu vực. Theo đó, ta đã ký và thực hiện Hiệp định khung về thương mại và đầu tư với Mỹ (TIFA), hoàn tất đàm phán Hiệp định Ðối tác Kinh tế (EPA) với Nhật Bản; đang đàm phán Hiệp định Mậu dịch Tự do (FTA) với Chi-lê, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương (FIPA) với Ca-na-đa, Hiệp định Ðối tác và Hợp tác (PCA) với EU; dự kiến sẽ khởi động đàm phán Hiệp định đầu tư song phương (BIT) với Mỹ...

Tuy nhiên, việc gia nhập WTO và hội nhập sâu rộng cũng đặt ra những thách thức cho kinh tế đối ngoại của ta. Trong cam kết gia nhập WTO, ta phải chấp nhận thời hạn 12 năm trước khi được công nhận là nước có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Ðiều này tạo ra sự phân biệt đối xử với các doanh nghiệp và ngành kinh tế của ta khi xảy ra các vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp do các đối tác nước ngoài khởi xướng. Do vậy, việc vận động các nước sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam là một ưu tiên của ta sau khi gia nhập WTO. Bên cạnh đó, việc tham gia hàng loạt các tiến trình liên kết kinh tế song phương và khu vực trong thời gian qua cũng hàm chứa không ít thách thức, đặc biệt về nguồn lực đàm phán và khả năng tranh thủ các lợi ích do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những đột biến khó lường, tiếp tục tác động không thuận đến kinh tế trong nước, để tăng cường hiệu quả việc thực thi các cam kết với WTO trong thời gian tới, qua đó phục vụ đắc lực sự phát triển bền vững của đất nước, cần tập trung vào một số định hướng sau:

Thứ nhất, để sớm ổn định kinh tế vĩ mô, các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh việc thực hiện tám nhóm giải pháp kinh tế nhằm sớm kiềm chế lạm phát, giảm nhập siêu, đồng thời triển khai những đối sách thích hợp để hạn chế tác động của cuộc khủng hoảng tài chính thế giới hiện nay. Các biện pháp áp dụng cần phù hợp các tiêu chuẩn quốc tế và quy định của WTO.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện đầy đủ các cam kết gia nhập WTO, đi đôi với chủ động, tích cực tham gia đàm phán thương mại đa phương, nỗ lực cùng các thành viên WTO sớm kết thúc Vòng Ðô-ha với những kết quả công bằng, cân bằng và vì mục tiêu phát triển.

Thứ ba, sớm xây dựng và hoàn thiện chiến lược hội nhập kinh tế tổng thể trong giai đoạn tới với những trọng tâm, ưu tiên rõ ràng và phù hợp điều kiện phát triển của Việt Nam, trong đó thống nhất định hướng tham gia chủ động, tích cực và cân bằng vào hội nhập đa phương và liên kết khu vực, song phương. Chiến lược này cần bảo đảm các điều kiện thuận lợi nhất cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở trong nước, điều hòa được mối quan hệ phức tạp, đan xen giữa các cam kết quốc tế của Việt Nam nhằm tăng cường tác động bổ trợ lẫn nhau giữa các cam kết này, đồng thời nâng vai trò của Việt Nam trong quá trình hoạch định chính sách thương mại toàn cầu.

Thứ tư, đẩy mạnh việc vận động chính trị và đàm phán kỹ thuật với các đối tác về quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, góp phần giảm thiểu sự phân biệt đối xử và tác động tiêu cực của các tranh chấp thương mại do các đối tác nước ngoài khởi kiện nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Thứ năm, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng các tiêu chuẩn ngày càng cao của giai đoạn hội nhập sâu rộng; đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và của toàn xã hội về quyền lợi và nghĩa vụ khi Việt Nam là thành viên WTO.

Việc gia nhập WTO đã đánh dấu quá trình tham gia sâu rộng của nền kinh tế nước ta vào hệ thống kinh tế quốc tế, với những cơ hội và thách thức, những tác động cả thuận và không thuận đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðặc biệt, quá trình này diễn ra trong bối cảnh kinh tế khu vực và kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và tác động sâu rộng đến các nền kinh tế trên thế giới. Những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội của đất nước trong hơn hai thập kỷ qua, cùng với cam kết mạnh mẽ của Ðảng và Nhà nước ta tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, như đã được khẳng định tại Ðại hội X của Ðảng (tháng 4-2006), cũng như sự chủ động và quyết tâm của Chính phủ và của toàn xã hội trong việc tận dụng tối đa các cơ hội và vượt qua các thách thức, là cơ sở vững chắc để chúng ta tin tưởng vào những bước phát triển mới của đất nước trong thời gian tới.

-------------------------------------

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 16: Nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới và hợp đồng thương mại quốc tế. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều, Tài liệu học tập lớp 12.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Ngọc Mỹ Nguyễn
    Ngọc Mỹ Nguyễn

    😆😆😆😆😆😆

    Thích Phản hồi 4 giờ trước
    • Thiên Bình
      Thiên Bình

      💯💯💯💯💯💯💯

      Thích Phản hồi 4 giờ trước
      • Phúc Huy
        Phúc Huy

        🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

        Thích Phản hồi 4 giờ trước

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm

        Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức

        Xem thêm