Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều bài 9

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều bài 9: Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản; tôn trọng tài sản của người khác được chúng tôi sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải SGK Kinh tế và pháp luật 12 Cánh diều.

Bài: Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản; tôn trọng tài sản của người khác

Mở đầu trang 64 KTPL 12: Em hãy chia sẻ cùng các bạn về các quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản mà em biết.

Lời giải:

- Quyền sở hữu tài sản là quyền của công dân đối với tài sản thuộc quyền sở hữu của mình. Quyền sở hữu tài sản bao gồm:

+ Quyền chiếm hữu là việc chủ thể nắm giữ, chi phối tài sản một cách trực tiếp hoặc gián tiếp như chủ thể có quyền đối với tài sản.

+ Quyền sử dụng là quyền khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản.

+ Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu huỷ tài sản.

- Nghĩa vụ của công dân trong sở hữu tài sản:

+ Tuân thủ quy định của pháp luật về sở hữu tài sản;

+ Không được thực hiện hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích của người khác.

+ Ngoài ra, công dân còn có nghĩa vụ tôn trọng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải bồi thường thiệt hại.

1. Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản

Câu hỏi trang 67 KTPL 12: Trong các trường hợp và tình huống trên, ai là chủ sở hữu tài sản? Chủ sở hữu đã thực hiện quyền của mình như thế nào? Họ có thể được thực hiện quyền nào khác của chủ sở hữu?

Lời giải:

- Ở trường hợp, anh Hải là chủ sở hữu. Anh đã thực hiện đúng các quyền của mình (của chủ sở hữu): Sử dụng xe để vận chuyển hàng hóa thuê; tự quyết định bán xe và mua xe khác khi có điều kiện. Ngoài ra, với tư cách là chủ sở hữu, anh Hải còn có quyền quản lí, bảo quản, giữ gìn xe của mình.

- Ở tình huống 1, ông C là chủ sở hữu ngôi nhà đang xây dựng, đã không thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu, cụ thể là không áp dụng các biện pháp cần thiết nên đã làm ảnh hưởng đến nhà của bà B (tường nhà bà B bị nứt), ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà B.

- Ở tình huống 2, ông A là chủ sở hữu khách sạn đã xây khách sạn vượt diện tích cho phép, thực hiện hành vi trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội, ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước và lợi ích công cộng.

Câu hỏi trang 67 KTPL 12: Những người nào không là chủ sở hữu trong các trường hợp và tình huống trên? Chủ sở hữu và người không phải chủ sở hữu đã thực hiện đúng hay sai quyền của mình? Vi sao?

Lời giải:

- Ở tình huống 1, bà B không phải là chủ sở hữu nhà đang xây của ông C, nhưng là chủ sở hữu nhà của bà bị ảnh hưởng. Ông C đã thực hiện không đúng quyền của chủ sở hữu. Bà B đã thực hiện đúng quyền của chủ sở hữu liền kề khi quyền lợi bị ảnh hưởng.

- Ở tình huống 2, ông A đã thực hiện không đúng quyền của mình.

Câu hỏi trang 67 KTPL 12: Theo em, quyền sở hữu của công dân bao gồm những quyền nào? Các quyền đó được hiểu như thế nào?

Lời giải:

Quyền sở hữu của công dân gồm có ba quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt.

- Quyền chiếm hữu là quyền của chủ thể (gồm chủ sở hữu và người không phải là chủ sở hữu nhưng được chủ sở hữu uỷ quyền quản lí tài sản ;... ) tự mình nắm giữ, quản lí, trực tiếp chi phối tài sản).

- Quyền sử dụng là quyền của chủ thể đưa tài sản vào sử dụng theo đúng tính năng, công dụng của tài sản đó để phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh của mình. Quyền sử dụng gồm quyền sử dụng của chủ sở hữu và quyền sử dụng của người không phải chủ hữu nhưng được sử dụng tài sản khi được chủ sở hữu cho phép.

- Quyền định đoạt là quyền của chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho người khác, (bán, trao đổi, tặng cho, để thừa kế tài sản,...) từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu thụ tài sản. Người không phải là chủ hữu cũng có quyền định đoạt tài sản khi được chủ sở hữu ủy quyền hoặc theo quy định của pháp luật.

2. Nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác

Câu hỏi trang 69 KTPL 12: Các nhân vật trong hai tình huống trên đã thực hiện nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác hay không? Thực hiện như thế nào?

Lời giải:

- Trong tình huống 1, bà M đã thực hiện đúng nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác. Theo Điều 232 Bộ luật Dân sự năm 2015, Bà M phải thông báo công khai về việc gia cầm của người khác bị thất lạc, việc này bà đã hỏi và báo với Uỷ ban nhân dân xã thông báo công khai để chủ sở hữu 12 con vịt là ông T biết và nhận lại; đồng thời, khi nhận lại vịt của mình, ông T phải thanh toán cho bà M tiền công nuôi giữ trong 8 ngày.

- Trong tình huống 2, anh T không thực hiện nghĩa vụ tôn trọng tài sản của anh H, vì theo Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015 bên mượn tài sản có nghĩa vụ sửa chữa nếu tài sản do mình mượn bị hư hỏng.

Câu hỏi trang 69 KTPL 12: Trong tình huống này, anh T có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho anh H không? Vì sao?

Lời giải:

- Trong tình huống 2, xe máy bị rách yếm là thuộc trường hợp tài sản bị hư hỏng thông thường theo khoản 1 Điều 496 Bộ luật Dân sự năm 2015, nên anh T không phải bồi thường mà phải sửa chữa (thay yếm xe). Nhưng nếu anh T không sửa chữa thì phải bồi thường cho anh H đủ để mua chiếc yếm khác thay thế.

3. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 70 KTPL 12: Nhận định nào dưới đây là đúng? Giải thích vì sao.

A. Người được chủ sở hữu giao quản lí tài sản cũng có quyền sử dụng tài sản ấy.

B. Người không phải chủ sở hữu chỉ có quyền sử dụng tài sản trong phạm vi chủ sở hữu cho phép.

C. Người được chủ sở hữu trao quyền sử dụng tài sản có thể tự do sử dụng tài sản theo ý muốn của mình.

D. Trong mọi trường hợp, chỉ có chủ sở hữu mới có quyền định đoạt tài sản của mình.

Lời giải:

- Nhận định a. Sai, vì: Người được chủ sở hữu giao quản lí tài sản chỉ có quyền quản lí, bảo quản, giữ gìn mà không có quyền sử dụng tài sản này.

- Nhận định b. Đúng, vì: Người không phải chủ sở hữu chỉ có quyền sử dụng vào việc gì, ở đâu và ở mức độ nào là do chủ sở hữu cho phép.

- Nhận định c. Sai, vì: Người không phải chủ sở hữu chỉ có quyền sử dụng vào việc gì, ở đâu và ở mức độ nào là do chủ sở hữu cho phép; không được tự sử dụng theo ý muốn của mình.

- Nhận định d. Sai, vì: Vì ngoài quyền định đoạt của chủ sở hữu, người không phải chủ sở hữu cũng có quyền định đoạt khi được chủ sở hữu uỷ quyền (bán, trao đổi, tặng cho,...) hoặc theo quy định của pháp luật.

Luyện tập 2 trang 70 KTPL 12: Ông S và bà D kí kết với nhau hợp đồng thuê nhà. Theo hợp đồng, bà D thuê nhà mặt phố của gia đình ông S để bán hàng may mặc; nhà có hai phòng ngăn nhau bằng một bức tường. Sau khi thuê được hơn 1 tháng, thấy để riêng từng phòng thì chật chội, bà D đã thuê thợ đến phá bức tường ngăn này để hai phòng thông nhau cho rộng và thoáng. Con trai bà D khuyên bà nên hỏi và xin ý kiến đồng ý của ông S thì hãy làm, nhưng bà D không nghe. Bà nói: “Tôi mất tiền thuê nhà, tôi muốn làm gì là quyền của tôi!”.

Trong trường hợp trên, bà D đã thực hiện đúng hay sai quyền của mình? Vì sao?

Lời giải:

- Bà D đã thực hiện không đúng quyền của mình, vì theo khoản 1 Điều 480 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên thuê phải sử dụng tài sản thuê theo đúng công dụng của tài sản và đúng mục đích đã thoả thuận.

- Việc bà D phá tường ngăn cách là hành vi không có trong hợp đồng, là hành vi trái pháp luật.

Luyện tập 3 trang 70 KTPL 12: Ông C là người trông giữ xe máy cho khách hàng của siêu thị P theo hợp đồng được kí kết giữa ông và siêu thị. Thực hiện nhiệm vụ của mình, ông C thường xuyên trông giữ xe cẩn thận và có trách nhiệm. Nhưng một lần, lợi dụng tình hình khách hàng ra vào đông, kẻ gian đã lấy trộm chiếc xe máy trong số xe ông C có trách nhiệm trông coi. Siêu thị đã yêu cầu ông C bồi thường cho chủ xe máy bị mất với giá trị tương đương thực tế của xe.

Theo em, ông C có quyền và nghĩa vụ gì khi thực hiện nhiệm vụ trông coi xe máy của siêu thị?

Lời giải:

Ông C có nghĩa vụ trông giữ xe máy cho siêu thị, có quyền không cho người không có vé lấy xe của khách.

Luyện tập 3 trang 70 KTPL 12: Ông C là người trông giữ xe máy cho khách hàng của siêu thị P theo hợp đồng được kí kết giữa ông và siêu thị. Thực hiện nhiệm vụ của mình, ông C thường xuyên trông giữ xe cẩn thận và có trách nhiệm. Nhưng một lần, lợi dụng tình hình khách hàng ra vào đông, kẻ gian đã lấy trộm chiếc xe máy trong số xe ông C có trách nhiệm trông coi. Siêu thị đã yêu cầu ông C bồi thường cho chủ xe máy bị mất với giá trị tương đương thực tế của xe.

Trong trường hợp này, siêu thị yêu cầu ông C bồi thường cho chủ xe máy bị mất là đúng hay sai? Vì sao?

Lời giải:

Siêu thị yêu cầu ông C bồi thường thiệt hại cho chủ xe máy bị mất là đúng, vì theo khoản 4 Điều 557 Bộ luật Dân sự năm 2015, bên giữ xe có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi/giữ, trừ trường hợp bất khả kháng. Như vậy, siêu thị có quyền yêu cầu ông C bồi thường cho chủ xe máy bị mất.

Luyện tập 4 trang 70 KTPL 12: Gia đình ông B nuôi nhiều lợn nhưng không có hệ thống tiêu thoát nước, khí thải đảm bảo, nước và khí thải được thải trực tiếp vào đường thoát nước (không có nắp che) chung của xóm làm ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường và những hộ dân xung quanh. Dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng gia đình ông B vẫn không khắc phục, thậm chỉ tình trạng ô nhiễm ngày càng nặng hơn, gây bức xúc, ảnh hưởng đến đời sống của cộng đồng.

Theo em, khi nuôi lợn, ông B đã vi phạm nghĩa vụ nào của chủ sở hữu tài sản? Giải thích vì sao.

Lời giải:

- Khi nuôi lợn, ông B đã vi phạm nghĩa vụ của chủ sở hữu về bảo vệ môi trường theo Điều 172 Bộ luật Dân sự năm 2015, trong đó quy định khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản thì chủ thể phải tuân theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nếu làm ô nhiễm môi trường thì phải chấm dứt hành vi gây ô nhiễm, thực hiện các biện pháp để khắc phục hậu quả và bồi thường thiệt hại.

Luyện tập 5 trang 71 KTPL 12: Nhà ông S và bà X cùng là hàng xóm của nhau, nhà sát vách. Khi sửa nhà, bà X làm thêm mái tôn che mưa nhưng lại không làm máng thoát nước. Mỗi khi trời mưa, nước từ mái tôn nhà bà X chảy tràn sang mái nhà ông S gây thấm nước xuống các phòng bên dưới. Ông S nhiều lần yêu cầu bà X phải làm máng thoát nước nhưng bà X không đồng ý, vì cho rằng nhà ông D bị thẩm không phải là do việc bà sửa nhà.

Khi sửa nhà là tài sản của mình, bà X đã không thực hiện nghĩa vụ gì của chủ sở hữu tài sản? Giải thích vì sao.

Lời giải:

- Khi sửa nhà là tài sản của mình, bà X đã không thực hiện nghĩa vụ của chủ sở hữu tài sản, vì chủ sở hữu nhà, công trình xây dựng khác phải lắp đặt đường dẫn nước sao cho nước mưa từ mái nhà, công trình xây dựng của mình không được chảy xuống bất động sản của chủ sở hữu bất động sản liền kề (Điều 250 Bộ luật Dân sự năm 2015).

4. Vận dụng

Vận dụng 1 trang 71 KTPL 12: Em hãy cùng các bạn trong nhóm tìm hiểu về việc thực hiện nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác ở địa phương nơi em sinh sống.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Ở địa phương em đa số người dân đều tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác.

- Tuy nhiên, vẫn còn một số cá nhân có hành vi chưa phù hợp, vi phạm quy định của pháp luật về thực hiện nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác. Ví dụ như:

+ Trường hợp 1. Bố mẹ chị K tặng cho chị một mảnh đất (đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) trước khi chị kết hôn với anh H. Tuy nhiên, chồng chị K lại yêu cầu chị để mình được cùng đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thực hiện các thủ tục nhập tài sản riêng thành tài sản chung. Khi chị K không đồng ý, anh H đã tỏ thái độ bất mãn, cư xử không đúng mực với chị; thậm chí, còn dùng vũ lực để bạo hành, ép chị K phải để mình đồng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

+ Trường hợp 2. Tại khu vực bờ kè, Khu tập thể T, dù chính quyền địa phương đã gắn biển cấm kinh doanh buôn bán nhưng anh B, chủ các quán ăn trong khu vực vẫn ngang nhiên lấn chiếm làm nơi kinh doanh. Không chỉ chiếm dụng khuôn viên bờ kè làm nơi để bàn ghế, vào ban đêm, khi khách đông, anh B còn lấn chiếm lòng đường làm nơi để xe, gây cản trở giao thông.

+ Trường hợp 3. Anh T đã chuyển nhầm tiền 50.000.000 cho ông Q có số tài khoản mở tại Ngân hàng A từ tài khoản đứng tên anh mở tại Ngân hàng S. Ngay lập tức anh đến nơi mở tài khoản để được hỗ trợ. Nhân viên ngân hàng hướng dẫn anh về công an xã nơi đăng kí thường trú để làm đơn khiếu nại. Anh T đã tới công an xã trình báo và được các cán bộ ở đây cho làm tờ tường trình sự việc, kí tên đầy đủ đúng theo thủ tục. Sau đó, Ngân hàng S đã hỗ trợ tạm khóa tài khoản của người nhận tiền nhầm. Tuy nhiên, anh T tìm cách liên lạc với ông Q, nhưng người này không đồng ý hỗ trợ làm thủ tục tiếp theo với ngân hàng để anh T được nhận lại tiền.

Vận dụng 2 trang 71 KTPL 12: Em hãy thiết kế một sản phẩm tuyên truyền về thực hiện nghĩa vụ công dân về tài sản.

Lời giải:

(*) Sản phẩm tham khảo: Phải làm gì khi nhận tiền chuyển khoản nhầm?

>>> Bài tiếp theo: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều bài 10

Như vậy chúng tôi đã giới thiệu các bạn tài liệu Giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều bài 9: Quyền và nghĩa vụ của công dân về sở hữu tài sản; tôn trọng tài sản của người khác. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo, Tài liệu học tập lớp 12.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Cún ngốc nghếch
    Cún ngốc nghếch

    😍😍😍😍😍😍😍

    Thích Phản hồi Hôm qua
    • Đen2017
      Đen2017

      😅😅😅😅😅😅

      Thích Phản hồi Hôm qua
      • Lang băm
        Lang băm

        😊😊😊😊😊😊😊

        Thích Phản hồi Hôm qua

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm

        Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều

        Xem thêm