Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 14

Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế được chúng tôi sưu tầm và xin gửi tới bạn đọc cùng tham khảo để có thêm tài liệu giải SGK Kinh tế và pháp luật 12 Kết nối tri thức.

Mở đầu trang 103 KTPL 12: Em hãy nêu tên một văn bản hoặc một quy phạm pháp luật quốc tế mà em biết.

Lời giải:

- Một văn bản hoặc một quy phạm pháp luật quốc tế mà em biết:

+ Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982

+ Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969

+ Công ước Viên về quan hệ lãnh sự năm 1963…

1. Khái niệm và vai trò của pháp luật quốc tế

Câu hỏi 1 trang 104 KTPL 12: Em hãy cho biết nội dung thông tin trên phản ánh vai trò gì của pháp luật quốc tế.

Lời giải:

- Nội dung thông tin phản ánh vai trò của luật quốc tế trong điều chỉnh mối quan hệ giữa các quốc gia và là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực của đời sống quốc tế.

Câu hỏi 2 trang 104 KTPL 12: Theo em, pháp luật quốc tế thể hiện vai trò gì trong vụ việc được nêu ở tình huống trên?

Tình huống. A và B là hai nước láng giềng có tranh chấp với nhau về chủ quyền quốc gia đối với một số đảo trên biển. Sau một thời gian dài thương lượng không thành, nước A đã nộp đơn kiện nước B lên Tòa án Trọng tài Thường trực của Liên hợp quốc tại Hà Lan, yêu cầu Tòa án này chiếu theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) để tuyên bố về chủ quyền quốc gia đối với các đảo đó.

Lời giải:

- Trong vụ việc được nêu ở tình huống, pháp luật quốc tế có vai trò là cơ sở để giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia.

Câu hỏi 3 trang 104 KTPL 12: Từ các thông tin và sự hiểu biết của bản thân, em hiểu thế nào là pháp luật quốc tế? Vai trò của pháp luật quốc tế được thể hiện ở những điểm cơ bản nào?

Lời giải:

- Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận xây dựng nên trên cơ sở sự bình đẳng và tự nguyện để điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

- Pháp luật quốc tế có những vai trò cơ bản sau:

+ Điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia hoặc giữa các chủ thể khác của pháp luật quốc tế phát sinh trong các lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội,...) của đời sống quốc tế nhằm giữ gìn hòa bình, an ninh, bảo đảm nhân quyền và vì sự phát triển của thế giới.

+ Là cơ sở để thiết lập các mối quan hệ ngoại giao, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trên các lĩnh vực của đời sống quốc tế.

+ Là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các quốc gia và các chủ thể khác của pháp luật quốc tế.

2. Các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế

Câu hỏi 1 trang 107 KTPL 12: Em hãy cho biết, việc các quốc gia tham gia thành lập, xin gia nhập và rút khỏi EU phù hợp với những nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế. Vì sao?

Thông tin 1. EU (Liên minh châu Âu) được thành lập năm 1950, lúc đầu có 6 nước thành viên và hiện nay có 28 thành viên. Nước Anh chính thức gia nhập khối này vào năm 1973. Tuy nhiên, đến năm 2016, Anh đã tiến hành tiến trình đàm phán chính thức rút ra khỏi EU sau khi nhận được số phiếu đồng ý của 51,9% số cử tri tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6-2016 tại nước này.

Lời giải:

- Việc các quốc gia tham gia thành lập, xin gia nhập và rút khỏi EU phù hợp với những nguyên tắc cơ bản sau:

+ Nguyên tắc các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác;

+ Nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc

+ Nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.

- Bởi vì:

+ Các quốc gia tham gia đàm phán để thành lập và xin gia nhập EU là phù hợp với các nguyên tắc: các quốc gia có nghĩa vụ hợp tác với các quốc gia khác;

+ Các quốc gia tham gia liên minh để hợp tác với nhau cùng phát triển, các quốc gia thành viên của liên minh đều bình đẳng về chủ quyền với nhau, mỗi quốc gia đều có quyền quyết định tham gia hay không tham gia vào liên minh này trên cơ sở quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.

- Việc nước Anh xin rút khỏi EU là phù hợp với nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc.

Câu hỏi 2 trang 107 KTPL 12: Theo em, hành vi thực hiện chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba là sự vi phạm nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế? Vì sao?

Thông tin 2. Trong hai ngày 1-2/11/2023, tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Đại hội đồng Liên hợp quốc khoá 78 đã thảo luận về “Sự cần thiết chấm dứt cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba”. Tại cuộc họp này, đông đảo các nước chia sẻ với những khó khăn mà nhân dân Cuba phải gánh chịu do ảnh hưởng tiêu cực kéo dài của lệnh cấm vận do Mỹ áp đặt suốt hơn 60 năm qua. Đồng thời, các nước cũng kêu gọi Mỹ chấm dứt ngay các lệnh cấm vận đối với Cuba.

Lời giải:

- Hành vi thực hiện chính sách cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt đối với Cuba là sự vi phạm nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia

khác và nguyên tắc quyền bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.

- Bởi vì, với lệnh cấm vận của Mỹ, các doanh nghiệp của Mỹ và nhiều nước khác không thể thiết lập quan hệ thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá đối với Cuba, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế và đời sống của nhân dân Cuba.

3. Mối quan hệ của pháp luật quốc tế và luật quốc gia

Câu hỏi 1 trang 109 KTPL 12: Theo em, các thông tin trên đề cập tới mối quan hệ nào giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia? Mối quan hệ đó được biểu hiện như thế nào?

Lời giải:

- Các thông tin trên đề cập tới mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia. Mối quan hệ đó được biểu hiện như sau:

+ Quy định trong Công ước về Ấn định lương tối thiểu năm 1970 của Tổ chức Lao động Quốc tế là cơ sở để Nhà nước Việt Nam xây dựng các quy định trong Bộ luật Lao động của Việt Nam, bảo đảm cho các quy định trong Bộ luật Lao động của Việt Nam phù hợp, không trái với quy định trong Công ước về Ấn định lương tối thiểu năm 1970 của Tổ chức Lao động Quốc tế.

+ Ngược lại, việc nội luật hoá các quy định của WTO và sửa đổi, bổ sung, thay thế các quy định trong các đạo luật của nước ta cho phù hợp với quy định của tổ chức quốc tế này đã góp phần mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh, tầm ảnh hưởng và thúc đẩy sự phát triển của pháp luật quốc tế

Câu hỏi 2 trang 109 KTPL 12: Từ các thông tin trên, em hãy nêu khái quát tác động qua lại giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia, cho ví dụ minh hoạ.

Lời giải:

- Pháp luật quốc tế và luật quốc gia có quan hệ biện chứng, tác động qua lại với nhau.

+ Pháp luật quốc tế là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện quy định của luật quốc gia, bảo đảm cho luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của pháp luật quốc tế. Ví dụ: Khi Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em thì quy định trong Công ước này trở thành cơ sở để xây dựng các quy định trong Luật Trẻ em của Việt Nam, bảo đảm cho quy định trong Luật Trẻ em phù hợp, không trái với các quy định trong Công ước trên. Từ đó góp phần làm cho pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn.

+ Luật quốc gia tạo cơ sở cho sự hình thành và góp phần thúc đẩy sự phát triển của pháp luật quốc tế. Quy định trong các đạo luật của quốc gia phải phù hợp, không được trái với quy định của pháp luật quốc tế. Ví dụ: trên cơ sở thẩm quyền do Hiến pháp quy định, các cơ quan nhà nước của Việt Nam đã tham gia đàm phán và kí kết thành công nhiều điều ước quốc tế với các nước khác, qua đó góp phần làm hình thành thêm các quy định mới của pháp luật quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của pháp luật quốc tế.

4. Luyện tập

Luyện tập 1 trang 109 KTPL 12: Em hãy cho biết nhận định nào dưới đây phù hợp với khái niệm pháp luật quốc tế. Vì sao?

a. Pháp luật quốc tế là hệ thống các quy phạm pháp luật được các quốc gia thoả thuận xây dựng nên trên cơ sở sự bình đẳng và tự nguyện để điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

b. Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận xây dựng nên trên cơ sở sự bình đẳng và tự nguyện để điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

Lời giải:

- Nhận định b phù hợp, vì: Pháp luật quốc tế là hệ thống các nguyên tắc và quy phạm pháp luật được các quốc gia và chủ thể khác của luật quốc tế thoả thuận xây dựng nên trên cơ sở sự bình đẳng và tự nguyện để điều chỉnh những quan hệ phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể đó trong mọi lĩnh vực của đời sống quốc tế.

Luyện tập 2 trang 109 KTPL 12: Em hãy phân tích vai trò của pháp luật quốc tế được thể hiện qua thông tin dưới đây.

Thông tin. Công ước Viên năm 1980 của Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế (CISG) quy định hình thức của hợp đồng mua bán có thể bằng văn bản hoặc telex hoặc điện tín. Phù hợp với quy định này, Luật Thương mại năm 2005 của nước ta quy định: “Mua bán hàng hoá quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lí tương đương” (khoản 2 Điều 27). Dựa vào các quy định của hai văn bản trên, Công ty A của Việt Nam đã kí hợp đồng mua bán gạo bằng văn bản với Công ty B của Philipines.

Lời giải:

- Thông tin trên thể hiện vai trò của pháp luật quốc tế trong việc điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia phát sinh trong lĩnh vực kinh tế và là cơ sở để thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các quốc gia trong lĩnh vực kinh tế vì sự phát triển của thế giới.

Luyện tập 3 trang 110 KTPL 12: Em hãy đọc trường hợp sau và trả lời câu hỏi:

a. Sau hàng chục năm có xung đột vũ trang với nhau, Việt Nam và Mỹ đã đàm phán, thoả thuận với nhau kí kết Hiệp định Pari năm 1973 để chấm dứt chiến tranh Việt Nam.

Việc kí kết Hiệp định Pari năm 1973 giữa Việt Nam và Mỹ là phù hợp với nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế? Vì sao?

b. Do tranh chấp lãnh thổ nên xung đột vũ trang đã nổ ra giữa hai nước N và nước U. Sau khi nổ ra vụ xung đột này, Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết kêu gọi chấm dứt xung đột giữa hai nước và nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ pháp luật quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, nhất là các nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế.

1/ Em hãy cho biết, trong cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước N và U, những nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế đã bị vi phạm? Vì sao?

2/ Để chấm dứt cuộc xung đột này, hai nước N và U cần tuân thủ những nguyên tắc cơ bản nào của pháp luật quốc tế?

Lời giải:

- Trường hợp a. Việc kí kết Hiệp định Pari năm 1973 giữa Việt Nam và Mỹ là phù hợp với nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, bởi vì, đó là kết quả của quá trình đàm phán, thương lượng lâu dài giữa các bên tham chiến và dẫn đến việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam.

- Trường hợp b.

+ Cuộc xung đột vũ trang giữa hai nước N và U là sự vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật quốc tế là: nguyên tắc cấm dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực trong các quan hệ quốc tế, nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Bởi vì, khi xung đột vũ trang hay chiến tranh xảy ra giữa hai nước này tức là hai nước đã dùng vũ lực mà không dùng biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp với nhau.

+ Để chấm dứt cuộc xung đột này, hai nước N và U cần tuân thủ: Nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hoà bình, nguyên tắc quyền bình đẳng và tự quyết của các dân tộc, nguyên tắc bình đẳng về chủ quyền của các quốc gia.

Luyện tập 4 trang 110 KTPL 12: Em hãy phân tích mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và luật quốc gia được thể hiện qua thông tin dưới đây.

Thông tin. Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua ngày 18-12-1979. Việt Nam đã kí tham gia Công ước này vào ngày 29-7-1980 và phê chuẩn vào ngày 27-11-1981. Sau đó, Quốc hội đã ban hành Luật Bình đẳng giới năm 2006 và Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 để nội luật hoá một số điều khoản nhằm thực hiện Công ước ở Việt Nam. Điều 3 Luật Bình đẳng giới năm 2006 quy định: “Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó”.

Lời giải:

- Pháp luật quốc tế là cơ sở để xây dựng và hoàn thiện quy định của luật quốc gia, bảo đảm

cho luật quốc gia phù hợp với yêu cầu của pháp luật quốc tế. Cụ thể, các quy định trong Công ước Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) là cơ sở để xây dựng các quy định trong Luật Bình đẳng giới của nước ta, qua đó góp phần làm cho pháp luật Việt Nam hoàn thiện hơn và bảo đảm cho luật của nước ta phù hợp với yêu cầu của pháp luật quốc tế.

- Luật quốc gia góp phần thúc đẩy sự phát triển của pháp luật quốc tế vì việc nội luật hoá các quy định của Công ước CEDAW trong Luật Bình đẳng giới của Việt Nam góp phần mở rộng phạm vi điều chỉnh, tác động ảnh hưởng của Công ước CEDAW, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của pháp luật quốc tế.

5. Vận dụng

Vận dụng trang 110 KTPL 12: Em hãy cùng các bạn trong nhóm tìm hiểu về việc Việt Nam tham gia kí kết hay gia nhập một điều ước quốc tế hoặc kí kết điều ước quốc tế để thiết lập quan hệ với quốc gia khác và chia sẻ ý nghĩa của việc làm đó.

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Việt Nam là một trong các nước đầu tiên ký thông qua văn kiện Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, cũng như phê chuẩn để UNCLOS có hiệu lực vào tháng 11/1994.

- Ý nghĩa của việc: Việt Nam tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982: Việt Nam là một quốc gia ven biển và có nhiều hoạt động trên biển, từ các hoạt động truyền thống như khai thác dầu khí, đánh bắt cá, hàng hải cho đến những hoạt động mới như phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Chiến lược biển Việt Nam 2018 đã xác định kinh tế biển, sử dụng bền vững biển là một trọng tâm lớn trong chiến lược phát triển của đất nước. Chính vì vậy, với ý nghĩa như nêu trên, UNCLOS có ý nghĩa rất lớn đối với môi trường hòa bình, ổn định cũng như phát triển lâu dài của Việt Nam.

+ Thứ nhất, nhờ các quy định của UNCLOS, mặc dù còn những phức tạp nhất định, chúng ta đã xác lập và thực thi, quản lý được các vùng biển, các quyền và lợi ích trên biển, xác định cương vực của đất nước một cách phù hợp luật pháp quốc tế, được tuyệt đại đa số các nước công nhận. Trên cơ sở UNCLOS, ta đã đàm phán phân định biển với nhiều nước láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc (trong Vịnh Bắc Bộ)… Đây là căn cứ quan trọng để xác định chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển.

+ Thứ hai, trên cơ sở UNCLOS, ta đã triển khai được nhiều hoạt động kinh tế biển lớn, mang lại nguồn lợi lớn cho đất nước trong nhiều giai đoạn khác nhau, từ khai thác dầu khí tới khai thác, xuất khẩu thuỷ hải sản, thúc đẩy thương mại, góp phần thiết yếu vào sự phát triển kinh tế xã hội của ta trong những năm qua.

+ Thứ ba, UNCLOS là căn cứ để Việt Nam hợp tác với các nước liên quan để giải quyết nhiều thách thức từ suy thoái môi trường và hệ sinh thái biển, cũng như các tác động tiêu cực do biến đổi khí hậu, như mực nước biển dâng, acid hóa đại dương hay các thiên tai, thảm họa thiên nhiên.

+ Thứ tư, trên cơ sở bảo đảm các chính sách, luật pháp, quy định của Việt Nam đều phù hợp với UNCLOS, ta có thêm điều kiện để khẳng định các cam kết, đóng góp tích cực của Việt Nam đối với các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để thực hiện đầy đủ UNCLOS, cũng như giúp tranh thủ sự hỗ trợ của quốc tế đối với các vấn đề biển của Việt Nam.

>>>> Bài tiếp theo: Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 15

Như vậy VnDoc đã giới thiệu các bạn tài liệu Giải SGK Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức bài 14: Một số vấn đề chung về pháp luật quốc tế. Mời các bạn tham khảo thêm tài liệu: Trắc nghiệm Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Chân trời sáng tạo, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Cánh diều, Tài liệu học tập lớp 12.

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Chọn file muốn tải về:
Chỉ thành viên VnDoc PRO tải được nội dung này!
79.000 / tháng
Đặc quyền các gói Thành viên
PRO
Phổ biến nhất
PRO+
Tải tài liệu Cao cấp 1 Lớp
Tải tài liệu Trả phí + Miễn phí
Xem nội dung bài viết
Trải nghiệm Không quảng cáo
Làm bài trắc nghiệm không giới hạn
Mua cả năm Tiết kiệm tới 48%
3 Bình luận
Sắp xếp theo
  • Mèo Ú
    Mèo Ú

    😍😍😍😍😍😍

    Thích Phản hồi 11:11 21/08
    • Pé Thỏ
      Pé Thỏ

      🤙🤙🤙🤙🤙🤙🤙

      Thích Phản hồi 11:11 21/08
      • Nguyễn Đăng Khoa
        Nguyễn Đăng Khoa

        🤠🤠🤠🤠🤠🤠🤠

        Thích Phản hồi 11:11 21/08
        🖼️

        Gợi ý cho bạn

        Xem thêm
        🖼️

        Giáo dục Kinh tế và Pháp luật 12 Kết nối tri thức

        Xem thêm