Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Nghị luận về câu nói: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè

Nghị luận về câu nói: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè (Lê-nin) là tài liệu văn mẫu lớp 10 hay, tuyển tập những bài văn nghị luận nêu suy nghĩ về câu nói của Lê-nin. Mời các bạn cùng tham khảo chi tiết và tải về tại đây nhé.

1. Bài số 1: Nghị luận về câu nói của Lê-nin

Thẳng thắn, trung thực thường làm bạn tổn thương. Nhưng dù sao đi nữa hãy sống thẳng thắn.

Khi chúng ta đối xử với nhau bằng sự chân thành và thẳng thắn, chắc chắn chúng ta sẽ xây dựng được những mối quan hệ bền vững, bởi chỉ khi đó, chúng ta mới thực sự hiểu về nhau. Không có những điều đó, chúng ta sẽ trở thành những kẻ ngu ngơ, ngờ nghệch, vô tình gây tổn thương cho chính mình và cho cả những người khác.

Niềm tin, muôn đời vẫn là nền tảng vững chắc của mọi mối quan hệ. Và chắc chắn một điều rằng bạn không thể xây dựng niềm tin bằng cách che giấu những cảm xúc, những nghĩ suy, niềm hy vọng hay nỗi sợ hãi của mình. Bạn chỉ có thể vun đắp cho niềm tin ấy bằng sự sẻ chia, bằng cách sống chân thành và thẳng thắn. Dĩ nhiên, việc cư xử sao cho khéo cũng là điều hết sức cần thiết. Có những sự thật không phải lúc nào cũng có thể nói ra; và có cả những điều nếu bị tiết lộ thì không những chẳng có ý nghĩa gì mà còn làm hại đến người khác.

Vì vậy, bạn cần phải thận trọng cân nhắc, đừng để sự thẳng thắn của mình chỉ là một hành động muốn chứng tỏ. Sự cẩn mật cũng là một trong yếu tố quan trọng để thúc đẩy niềm tin, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau. Nhưng sự tế nhị, thận trọng và cẩn mật không thể là cái cớ để bạn thôi không làm người chân thành và thẳng thắn nữa. Như đã nói, hãy chỉ nói sự thật.

Như chú ốc sên rụt rè và chậm chạp trường ra khỏi vỏ đã bọc mình bấy lâu nay, bạn sẽ cùng lúc đối mặt với sự tàn nhẫn của thế giới và cả sự tự do được sống, được lớn lên. Thêm vào đó, bạn sẽ từng bước cảm nhận được nguồn nội lực của chính bản thân mình.

Hãy cố gắng sống chân thành và thẳng thắn. Điều này đòi hỏi bạn phải rất nỗ lực. Chắc hẳn bạn gặp phải không ít sự công kích cũng như ý đồ mưu hại mình, nhưng dù gì đi chăng nữa thì cũng hãy cứ dũng cảm bước đi.

(Trích từ “10 Nghịch lý cuộc sống” – Kent M. Keith)

2. Bài số 2: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè

Chân thành và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mọi mối quan hệ trong xã hội. Đó là những phẩm chất đáng quý và cần có trong giao tiếp của mỗi người. Nền tảng là sự tinh tế và khéo léo tùy theo cách ứng xử của mỗi người để thích nghi và đạt được hiệu quả như mong muốn.

Những người chân thành không bao giờ tìm kiếm sự chú ý ở người khác cũng như không cần củng cố cái tôi của mình. Họ không quan tâm tới việc người khác yêu ghét mình ra sao, họ luôn tự tin và thành thật chỉ đơn giản là chính mình chứ không là ai khác. Họ không cần nhiều thứ, biết thế nào là đủ và thấy thoải mái với bản thân là được. Những người chân thành không xử lý vấn đề bằng mánh khóe hoặc tìm cách kiểm soát sự việc diễn ra. Họ làm những điều họ nói, nói những điều họ nghĩ và cảm thấy hạnh phúc với những gì mà mình đã làm. Họ biết hạnh phúc mà mình tìm được là chính từ bản thân, từ những người thân và ở ngay trong công việc của mình. Không thích phô trương, hình thức, đó là tính cách của người chân thành vì họ luôn tự tin vào những điểm mạnh của bản thân. Chân thành và thẳng thắn, hai tính cách luôn song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Thẳng thắn khi ứng xử rất cần sự tinh tế, có như vậy mới duy trì và củng cố được các mối quan hệ.

Tuy nhiên, đôi lúc thẳng quá cũng đem lại sự khó chịu và gây tổn thương cho người khác. Thẳng thắn là tốt, nhưng khi ứng xử phải phù hợp với hoàn cảnh, đúng thời điểm, nếu không sẽ bị phản tác dụng. Nói thẳng để giúp người khác biết sai mà sửa, đó là điều tốt, nhưng nói như thế nào để người ta có thể cảm nhận được thành ý và vui vẻ tiếp thu để điều chỉnh. Sự thẳng thắn ấy sẽ giúp họ có thể phát triển, hoàn thiện bản thân và mối quan hệ theo ấy cũng bền chặt hơn. Thẳng thắn không có nghĩa là cứ nghĩ sao thì nói vậy, chỉ nói những cái xấu mà không đề cập đến cái tốt, mặt tích cực. Trong cuộc sống có đôi khi chúng ta cũng không nên thẳng quá, mà phải khéo léo dẫn dắt để đưa sự việc theo chiều hướng tốt. Khéo léo không phải là “giả tạo” mà là cách ứng xử mềm mỏng với một tấm lòng chân thành. Những người thẳng thắn với nhiều trải nghiệm sẽ dễ dàng quyết định nên thẳng đến mức độ nào trong từng tình huống khác nhau. Thẳng thắn và khéo léo đều cần có giới hạn để không trở thành dễ dãi. Chỉ cần nói ra một phần câu chuyện có khi lại hiệu quả hơn nhiều so với việc nói ra tất cả. Đó là nghệ thuật trong giao tiếp mà chúng ta cần phải học. Thẳng thắn nếu không chân thành, đồng nghĩa với việc bạn không giúp được người khác tiến bộ mà chỉ nhằm thoả mãn cái tôi của bản thân. Ở cạnh người chân thành, thẳng thắn ta luôn cảm thấy tin tưởng và được sẻ chia.

Thẳng thắn, chân thành trong mọi mối quan hệ là vấn đề mà mọi người cần quan tâm tạo dựng để thắt chặt và nuôi dưỡng những mối quan hệ tốt đẹp trong cuộc sống.

(Nguồn: baoninhthuan.com.vn)

3. Bài số 3: Nghị luận về chân thật và thẳng thắn trong mối quan hệ bạn bè

Thẳng thắn là yếu tố quan trọng để duy trì và củng cố mối quan hệ bạn bè. Nhưng cũng không ít trường hợp thẳng thắn lại đem lại sự khó chịu, bực tức và làm tan vỡ sự gắn kết giữa những người bạn với nhau. Không thẳng thắn là không chân thật, nhưng thẳng thắn lại có thể đem lại sự tổn thương cho người khác. Vậy, trong quan hệ bạn bè, thẳng thắn như thế nào khi ứng xử?

Trong quan hệ bạn bè, thẳng thắn thường đi đôi với sự hiểu lầm và mất lòng. Vì sao lại như vậy? Khi thẳng thắn không chân thành, tức thẳng thắn không nhằm mục đích giúp người bạn của mình tiến bộ mà chỉ nhằm thoả mãn khi nhìn thấy được sự yếu kém của bạn mình chỉ vì sự ganh tỵ vô hình nào đó. Hương và Như chơi với nhau được một thời gian khi cả hai là đồng nghiệp chung một công ty. Như thì tính tình bộc trực, nhanh nhẹn, chịu khó nên Như thường được các đồng khác ưu ái hơn. Trong một lần công ty tổ chức tiệc, Như mặc bộ cánh mới được mọi người khen ngợi thì Hương lại nhận xét: “Người Như lùn, chân lại ngắn mặc đầm dài nhìn đâu đẹp”. Lời nhận xét của Hương không phải không đúng nhưng sự thẳng thắn ấy lại không đúng thời điểm, không đúng hoàn cảnh nên vô tình gây sự tổn thương ở Như. Sau bữa hôm đó, đôi bạn hay quấn quýt bên nhau bỗng trở nên xa lạ mà mọi người trong công ty đều hiểu lý do vì sao.

Người tìm bạn tâm giao mong gặp người thẳng thắn vì kết bạn với người thẳng thắn không phải lo bị lợi dụng, họ hay nói thẳng nên chẳng để bụng hay giận hờn lâu. Ở bên những người bạn thẳng thắn sẽ luôn cảm thấy tin tưởng và chia sẻ. Tuy nhiên, thẳng thắn là điều tốt nhưng khi dùng nó không hợp hoàn cảnh, không hợp thời điểm, không hợp thái độ và lời nói, thì lại ra thô lỗ. Thẳng thắn như trường hợp của Hương lúc này gần như là một sự thiếu cảm thông với khiếm khuyết của người khác dù trên thực tế, Hương rất quý bạn mình và không hề có ý làm tổn thương bạn. Tương tự như trường hợp của Hương, Ngân cũng rất hối hận khi sự thẳng thắn quá đà của mình đánh mất đi tình bạn được gây dựng từ thời phổ thông. Đó là lần cô bạn thân của Ngân đi thi người dẫn chương trình, kỳ vọng rất nhiều vào sự nỗ lực của bạn nhưng sự biểu hiện của bạn Ngân lại không tốt. Thay vì phải động viên, an ủi bạn, Ngân lại nôn nóng góp ý, nhận xét những điều chưa tốt khiến những lời thẳng thắn ấy trong hoàn cảnh ấy như một “gáo nước lạnh” cuốn trôi tất cả sự tin tưởng, yêu mến mà người bạn đã dành cho Ngân. Dù sau đó, Ngân có xin lỗi bạn nhưng những lời nói ra thì khó lòng nào xoá sạch hết trong tâm hồn bạn của Ngân…

Trong tình bạn, nói thẳng để giúp bạn mình sửa sai, bổ sung khiếm khuyết đó là một điều tốt, nhưng mà phải nói ra sao, trong hoàn cảnh như thế nào để người bạn cảm nhận được và vui vẻ tiếp thu những ý kiến mà không làm mất lòng hay hiểu lầm, đó lại một vấn đề lớn nhưng cũng không khó để thực hiện. Tình bạn được xây dựng trên sự trung thành, thật thà, chân thành, đáng tin cậy, thân thiện, hoà nhã, cởi mở, chan hoà và gần gũi, nhiệt tình và tử tế. Đôi lúc cần thẳng thắn và sẵn sàng mạo hiểm tình bạn vì sự thẳng thắn ấy. Bởi sự thẳng thắn là sự tỏ lòng nhiệt thành, sự tận tâm và nỗ lực trong tình bạn. Nam và Quân chơi thân với nhau đã 10 năm, thật khó có thể tin hai chàng trai khác nhau rất nhiều về mặt tính cách nhưng vẫn giữ được sự thân thiết trong chừng ấy năm. Nam là một chàng trai nhạy cảm, Quân thì mạnh mẽ và rất thẳng tính. Thời gian đầu khi chơi với nhau, Nam cảm thấy mệt mỏi vì cái tính đụng đâu cứ nói ra hết của Quân. Nhưng cứ phải xếp lớp học chung, tiếp xúc nhiều bỗng Nam nhận ra sự thẳng thắn ấy không phải bất kỳ người bạn nào cũng có, Quân mạnh dạn góp ý để Nam mạnh mẽ hơn, Nam cũng học hỏi bạn, thẳng thắn chỉ ra cái sai trong cách cư xử và cái thẳng không “nghệ thuật” khiến Quân gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội. Chính sự thẳng thắn ấy giúp họ phát triển bản thân mình, hoàn thiện hơn, trưởng thành hơn và tình bạn theo ấy cũng bền chặt hơn.

Thẳng thắn là một đức tính tốt hay xấu, có thể gắn kết tình bạn hay phá vỡ tình bạn hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức mà con người bộc lộ sự thẳng thắn. Câu nói của ông cha muôn đời có giá trị, dù trong bất cứ mối quan hệ nào thì “Lời nói chẳng mất tiền mua - Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Thực tế, con người luôn được muốn động viên, được khích lệ và khen ngợi, những lời nói ngọt ngào luôn dễ chạm đến con tim người khác hơn những lời nói cộc cằn và thô lỗ. Thẳng thắn không đồng nghĩa với thô lỗ, nghĩ gì thì nói ấy. Thẳng thắn cũng không đồng nghĩa với việc chỉ nói thẳng thừng chứ không hoa mĩ, chau chuốt ngôn từ. Thẳng thắn cũng không đồng nghĩa chỉ đề cập đến những khía cạnh tiêu cực, cái xấu mà không thẳng thắn khen ngợi trong những cái đẹp, cái tốt, cái tích cực của bạn bè. Thẳng thắn cũng không đồng nghĩa việc nói bất cứ điều gì mình thấy, mình nghĩ và mình cảm nhận mà phải nói lên từ chính con tim chân thành… Thẳng thắn trong quan hệ bạn bè nên hay không? Đó không phải là vấn đề cần suy ngẫm nhiều mà thẳng thắn như thế nào là vấn đề mỗi con người cần quan tâm tạo dựng để có thể thắt chặt, gắn kết, gìn giữ và nuôi dưỡng những mối quan hệ bạn bè tốt đẹp trong cuộc sống… Thẳng thắn thực sự cần thiết trong giao tiếp nhưng nền tảng căn bản của nó vẫn là sự tinh tế và khéo léo vì ứng xử vẫn là sự xử sự, ứng đối một cách thích nghi và hiệu quả. Thẳng thắn khi ứng xử - vẫn đầy thách thức như một kỹ năng chứ không hẳn chỉ là tính cách...

(Theo PGS.TS Tâm lý học Huỳnh Văn Sơn,

Phó chủ tịch Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam)

4. Bài số 4: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè

Nhà văn Amerson đã từng viết: “Một ngày cho công việc cực nhọc, một giờ cho thể thao, cả cuộc đời cho bạn bè vẫn còn quá ngắn ngủi”. Thật vậy, tình cảm bạn bè, theo một cách nhìn chính xác đó là một trong những tình cảm quan trọng của mỗi người. Ai trong số chúng ta ít nhiều cũng phải có một người bạn, người có thể san sẻ với chúng ta những buồn vui trong cuộc sống. Mặt khác, một người bạn tốt phải là người biết chỉ ra những khuyết điểm của nhau để giúp nhau ngày càng hoàn thiện hơn và khiến cho ta tin vào câu nói: “Người chân thành là người bạn tốt”.

Chân thành là sự thật thà từ trong tâm, khác hẳn với sự dối trá, lừa lọc, mánh khóe,… Người chân thành là người thật thà, đôn hậu ở nội dung, bản chất nhưng tế nhị, điềm đạm, nhẹ nhàng ở hình thức. Người chân thành luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn. Không sợ gặp phải tai nạn vì dối trá sợ “dấu đầu lòi đuôi”. Người chân thành bao giờ cũng được người khác tin cậy, yêu mến. Lời nói chân thành luôn có sức thuyết phục cao. Khi bạn đánh mất nhiều thứ như tiên bạc, công việc nhưng nếu được tin cậy thì bạn vẫn còn nhiều cơ hội để vươn lên. Ngày nay những nhà tuyển dụng ở các công ty rất quan tâm đến phẩm chất này. Có những nhân viên tuy thiếu hụt một số kỹ năng mà nhà tuyển dụng yêu cầu nhưng dám nói lên sự thật ấy thì họ vẫn nhận vào làm và đào tạo sau.

Muốn là một người bạn tốt trước hết phải là một người chân thành bởi lẽ nếu như chúng ta không thành thật với bạn mình mà chỉ nói những lời dối trá thì tình bạn ấy sẽ không bao giờ bền lâu được. Đồng thời một người bạn tốt phải biết cách chỉ ra khuyết điểm của bạn mình khi bạn mình sai để giúp bạn mình được tốt hơn. Không những thế sống bên những người bạn tốt chân thành thì cuộc sống bao giờ cũng dễ chịu, hạnh phúc, luôn được sống trong một không khí tràn đầy tin tưởng, không phải đối phó, đóng kịch, được bộc lộ con người thật của mình. Nhìn vào mắt một người chân thành giống như soi mình vào một cái hồ nước trong trẻo, ta thấy được chiều sâu thật sự của nó và như thấy được bóng dáng của chính mình. Có như thế cuộc đời mới trở nên có ý nghĩa và tình bạn mới trở nên thiêng liêng và cao cả hơn. Như khi ta vô ý xả rác mà được bạn nhắc nhở thì chẳng phải ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của ta ngày càng nâng cao sao? Hay khi ta vô tình hỗn với người lớn, mọi người xung quanh thấy vậy nên xa lánh ta bạn bè cũng là người động viên ta đến xin lỗi giúp ta lấy lại được cái nhìn tốt đẹp của mọi người. Và cũng chỉ có những người bạn tốt và chân thành mới có thể làm được những việc này. Hay tiêu biểu là tình bạn của hai nhà chính trị lớn đó là Các-mác và Ăng-ghen. Tình bạn của hai ông bắt nguồn từ việc có chung mục địch và lý tưởng. Trong suốt thời gian nghiên cứu và làm việc, hai ông đã không ngừng viết thư cho nhau và vô cùng vui sướng khi gặp lại nhau. Có lần Ăng-ghen bị bệnh, Các-mác đã bỏ ra rất nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu sách vở để tự tìm ra cách trị bệnh cho bạn. Đó chính là tình bạn chân thành và cao quý.

Thật đáng chê trách cho những kẻ dối trá chỉ biết lợi dụng người chân thành. Người chân thành thì không thích sự dối trá, biết dè chừng kẻ dối trá nhưng cũng sẵn sàng đấu tranh thẳng thắn với những kẻ dối trá. Đáng trách và đáng thương cho những người thiếu chân thành, không biết cầu thị, chuyên ứng xử theo kiểu “mẹo vặt cứt gà” mà cứ tưởng che được mắt thiên hạ.

Hành xử trong sự chân thành sẽ cho bạn tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh. Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Muốn thế hãy đánh giá đúng bản thân, đừng tự huyễn hoặc mình và cũng đừng huyễn hoặc người khác. Nhưng tất cả sự chân thành phải được thể hiện trong sự tế nhị, đôn hậu và có văn hóa nếu không nó cũng dễ trở thành thô thiển khó chấp nhận.

Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế. Có thể nói ở đâu không có sự chân thành thì ở đó không có hạnh phúc và tình bạn đích thực. Mỗi con người trong cuộc đời chỉ sống có một lần, hãy sống trọn vẹn với hết ý nghĩa vuông tròn của nó. Có thế cuộc đời mới thăng hoa và đong đầy niềm vui như ca từ của lời bài hát: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa, chọn những nụ cười…”.

-----------------------------

Nghị luận về câu nói: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè vừa được VnDoc.com gửi tới bạn đọc. Qua bài viết bạn đọc chắc hẳn đã nắm được những ý chính cần có trong bài viết rồi đúng không ạ? Bài viết cho ta thấy được rằng chân thành và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mọi mối quan hệ trong xã hội. Đó là những phẩm chất đáng quý và cần có trong giao tiếp của mỗi người. Người chân thành là người thật thà, đôn hậu ở nội dung, bản chất nhưng tế nhị, điềm đạm, nhẹ nhàng ở hình thức. Người chân thành luôn giữ được sự thanh thản trong tâm hồn. Người chân thành bao giờ cũng được người khác tin cậy, yêu mến. Lời nói chân thành luôn có sức thuyết phục cao. Muốn là một người bạn tốt trước hết phải là một người chân thành bởi lẽ nếu như chúng ta không thành thật với bạn mình mà chỉ nói những lời dối trá thì tình bạn ấy sẽ không bao giờ bền lâu được. Sống bên những người bạn tốt chân thành thì cuộc sống bao giờ cũng dễ chịu, hạnh phúc, luôn được sống trong một không khí tràn đầy tin tưởng. Thật đáng chê trách cho những kẻ dối trá chỉ biết lợi dụng người chân thành. Hành xử trong sự chân thành sẽ cho bạn tự tin, sức lôi cuốn và sự vững mạnh. Hãy thành thật với người khác và với chính mình. Nếu được sống giữa một cộng đồng của những người chân thành thì đó là lúc cuộc sống đang tiến dần đến một thiên đường nơi trần thế. Mong rằng qua bài viết bạn đọc có thêm tài liệu để học tập nhé.

Trên đây VnDoc.com vừa giới thiệu tới bạn đọc Nghị luận về câu nói: Chân thật và thẳng thắn là bước đầu cần thiết làm nảy nở và củng cố mối quan hệ bạn bè, mong rằng đây là tài liệu hữu ích giúp bạn đọc ôn tập tốt hơn môn Ngữ văn 10. Mời bạn đọc cùng tham khảo thêm kiến thức lớp 10 khác, cũng như các đề thi thử THPT Quốc gia 2020 đã được chúng tôi đăng tải.

Các tài liệu liên quan:

Chia sẻ, đánh giá bài viết
1
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Văn mẫu lớp 10

    Xem thêm