Phương pháp luyện viết chữ đẹp - Phần 1

Phương pháp rèn viết chữ đẹp - Phần 1

Người xưa có câu "nét chữ nét người", chính vì vậy rèn trẻ viết chữ đẹp cũng là cách để rèn nhân cách cho trẻ. Các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô chỉ cần áp dụng đúng những "thủ thuật" mà VnDoc giới thiệu sau, chỉ trong vòng nửa tháng, chữ các bé sẽ đẹp hơn trông thấy.

Bài tập rèn luyện kĩ năng viết chính tả lớp 1

Bài tập rèn luyện kĩ năng viết chính tả lớp 5

Các kĩ năng cơ bản để viết chữ

  • Tư thế ngồi: Ngồi ngay ngắn, lưng thẳng không tì ngực vào bàn, vai thăng bằng, đầu hơi cúi tự nhiên và nghiêng sang trái, mắt cách vở khoảng 25cm đến 30cm. Tay trái giữ vở, tay phải cầm bút, chân chụm lại để phía trước cho thoải mái.
  • Cách để vở: Vở để hoàn toàn trên mặt bàn, để mở không gập đôi, hơi nghiêng sang trái khoảng 15o.
  • Cầm bút: Cầm bút bằng 3 ngón tay, ngón cái, ngón trỏ và ngón giữa. Ngón giữa ở dưới, ngón trỏ ở trên, ngón cái ở phía ngoài, bút tiếp xúc ở 3 đầu ngón tay. Cổ tay thẳng sao cho ngón cái thẳng với cánh tay. Bút để xuống vở bàn tay ở tư thế nghiêng, cây bút tạo với mặt giấy một góc 45o và nghiêng về phía người viết, gần như song song với mép vở, ngòi bút để úp xuống.
  • Luyện tay: Khi viết cử động cơ bản bằng ba ngón tay theo các hướng lên xuống sang phải, trái, xoay tròn. Cổ tay, cánh tay phối hợp dịch chuyển bút nhẹ nhàng theo chiều ngang.

Luyện tay tập một số nét

  • Kẻ bảng theo ô li trong vở của học sinh.
  • Giới thiệu quy ước đơn vị chữ (đvc) đường kẻ ngang, dọc, ô li.
  • Đường kẻ (đk) ngang gồm đường kẻ đậm, đường kẻ 1, đường kẻ 2. Khoảng giới hạn giữa hai đường kẻ ngang là một li. Ô giới hạn giữa hai đường kẻ ngang và hai đường kẻ dọc là ô li đơn vị chữ (đvc).

* Viết nét xiên, xổ thanh đậm: Điểm đặt bút trên đk đậm ở góc ô đưa lên một nét theo hướng xiên phải đến đk 2 thì kéo xuống nét xổ trùng với đk dọc khi đến đk đậm lại đưa xiên lên rồi kéo xuống tiếp tục như vậy cho đến hết dòng.

* Nét khuyết trên: Điểm đặt bút giữa đvc đưa một nét xiên qua điểm giao nhau giữa hai đk lượn dần lên đến độ cao 2,5 đv thì kéo xuống trùng với đk dọc, dừng bút tại đk đậm.

* Nét khuyết dưới: Điểm đặt bút tại đk1 kéo xuống qua đk đậm xuống hết một li dưới đk đậm lượn cong xuống giữa li tiếp rồi đưa nét xiên lên cắt nét kéo xuống tại đk đậm, dừng bút giữa đv chữ.

Viết mẫu phân tích kết hợp về chiều cao, rộng hình dáng nét chữ, điểm đặt bút, hướng di chuyển...

* Nét móc hai đầu: Điểm đặt bút giữa đvc thứ nhất (giữa ô li 1) đưa lên theo hướng xiên phải đến gần đk1 lượn cong tròn đầu rồi kéo xuống trùng với đk dọc đến đk đậm thì lượn cong đưa lên, dừng bút giữa đvc.

* Nét cong kín: Điểm đặt bút trên đk1 giữa hai đk dọc viết một nét cong tròn đều sang trái đến đk đậm lượn cong sang phải đưa lên, điểm dừng bút trùng với điểm đặt bút.

Nét cong tròn đều hình ô van, hai đầu thon, ở giữa phình, nét đậm bên trái, rộng 3/4 đvc.

* Các nét liên hợp và các nét biến điệu

Từ các nét cơ bản xiên, xổ, khuyết, móc, cong hướng dẫn các em viết liên hợp các nét lại liền mạch với nhau để luyện tay cho thành thạo kĩ năng cơ bản.

Quy trình viết chữ thường, chữ số

Ta có thể chia nhóm như sau:

Phương pháp rèn viết chữ đẹp phần 1

* Nhóm 1: i, u, ư, t, p, y, n, m, v, r, s

  • Chữ i: Điểm đặt bút giữa đvc đưa một nét xiên đến dòng kẻ ngang thì kéo xuống đến dòng kẻ đậm lượn cong tạo nét móc và dừng bút giữa đvc.
  • Chữ t: Đặt bút, hướng di chuyển giống chữ i, đưa cao 1,5 đvc, sau đó viết một nét ngang trùng đk ngang 1.
  • Chữ u: Đặt bút và di chuyển như chữ i nhưng tại điểm dừng bút của nét móc thứ nhất ta đưa lên dòng kẻ ngang rồi kéo xuống đến dòng kẻ đậm tạo nét móc thứ hai, dừng bút ở 1/2 đvc.
  • Chữ y: Như chữ u, nét thứ hai là nét khuyết dưới.
  • Chữ p: Đặt bút giống các chữ i t u nét xổ kéo xuống đường kẻ 1, dưới đường kẻ đậm từ đó đưa bút đến đường kẻ đậm viết nét móc hai đầu dừng bút tại 1/2 đvc.
  • Chữ n: Đặt bút giữa hai đường kẻ dọc, cao 2/3 đvc viết nét móc xuôi đến đk đậm đưa liền bút lên viết nét móc hai đầu, dừng bút ở 1/2 đvc.
  • Chữ m: Tương tự chữ n. Viết hai nét móc xuôi và nét móc hai đầu, độ rộng giữa ba nét xổ là 1,5 đvc.
  • Chữ v: Đặt bút giống như chữ n, m... viết nét móc hai đầu, kéo dài nét móc hai đầu đến dòng kẻ ngang 1, tạo một nét thắt nhỏ dừng bút dưới dòng kẻ ngang 1.
  • Chữ r: Đặt bút tại đường kẻ đậm cách đường kẻ dọc ¼ đv, đưa lên một nét xiên đến đk1 giữa hai đk dọc, tạo nét thắt nhỏ trên đk ngang 1 rồi đưa ngang bút lượn tròn góc và xổ xuống đến đk đậm tạo nét móc, dừng bút tại 1/2 đvc.
  • Chữ s: Đặt bút giống chữ r viết nét xiên, tạo nét thắt trên đk 1, viết nét cong trái dừng bút phía trong cao 1/3 đvc.

* Nhóm 2: l, b, h, k

  • Chữ l: Đặt bút tại 1/2 đvc đưa một nét xiên cao 2,5 đvc đến giữa li 3 lượn cong và kéo nét xổ trùng với đường kẻ dọc đến dòng kẻ đậm tạo nét móc, dừng bút tại 1/2 đvc.
  • Chữ b: Viết giống chữ l. Từ điểm dừng bút của chữ l đưa lên đến đk1 tạo nét thắt giống chữ v.
  • Chữ h: Gồm 1 nét khuyết trên kết hợp với nét móc hai đầu, chú ý viết liền mạch, dừng bút tại 1/2 đv chữ.
  • Chữ k: Tương tự chữ h nhưng tại điểm giữa của nét móc ta đưa bút vào trong tạo nét thắt của chữ.

* Nhóm 3: o, ô, ơ, a, ă, â, d, đ, q, g

  • Chữ o, ô, ơ: Ta viết nét cong kín như đã học ở bài 1 sau đó đánh dấu chữ. Chú ý dấu chữ nhỏ hơn đvc.
  • Chữ a, ă, â: Viết nét cong kín rồi đặt bút trên đk 1 viết 1 nét móc tiếp xúc với nét cong sau đó đánh dấu chữ.
  • Chữ d, đ: Tương tự như chữ a nhưng khi viết nét móc thì ta đặt bút trên đk2.
  • Chữ g: Viết 1 nét cong kín sau đó viết 1 nét khuyết dưới và dừng bút tại giữa đv chữ.

Chữ số:

Tất cả các chữ số đều có độ cao 2 đv và rộng 1 đv chỉ riêng chữ số 1 là rộng 0,5 đv.

  • Nhóm chữ số chỉ có nét thẳng: 1, 4, 7.
  • Nhóm chữ số có nét thẳng kết hợp nét cong: 2, 3, 5.
  • Nhóm chữ số chỉ có nét cong: 0, 6, 8, 9.
Đánh giá bài viết
22 24.898
Sắp xếp theo

    Học tập

    Xem thêm