Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Bài tập rèn luyện kĩ năng viết chính tả lớp 5

Bài tập rèn luyện kĩ năng viết chính tả lớp 5 là tài liệu bao gồm các bài tập về luyện viết chính tả lớp 5, giúp các em lớp 5 luyện khả năng ghi nhớ nghe đọc, viết chính tả cũng như luyện chữ được tỉ mỉ, nhiều bài tập thực hành hơn. Đây là tài liệu tham khảo dành cho các bậc phụ huynh, cũng như các thầy cô giáo nghiên cứu, giúp cho việc học tập của con em mình được hiệu quả hơn. Mời các em cùng thầy cô quý phụ huynh tham khảo và tải về bản chi tiết cho các em học sinh ôn tập, luyện viết.

1. Chính tả lớp 5 phân biệt l / n:

a) Ghi nhớ:

  • L xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (VD: loan, luân, loa,...). N không xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (trừ 2 âm tiết Hán Việt: noãn, noa).
  • Trong cấu tạo từ láy:
    • L / n không láy âm với nhau.
    • L có thể láy vần với nhiều phụ âm khác (VD: lệt bệt, la cà, lờ đờ, lò dò, lạnh lùng,..).
    • N chỉ láy âm với chính nó (no nê, nợ nần, nao núng,...).

b) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Điền l / n:

...o ...ê, ...o ...ắng, ...ưu ...uyến, ...ô ...ức, ...ão ...ùng, ...óng ...ảy, ...ăn ...óc, ...ong ...anh, ...ành ...ặn, ...anh ...ợi, ...oè ...oẹt, ...ơm ...ớp.

Bài tập 2: Điền l / n:

Hoa thảo quả ...ảy dưới gốc cây kín đáo và ...ặng ...ẽ. Dưới tầng đáy rừng, những chùm thảo quả đỏ chon chót, bóng bẩy như chứa ...ửa, chứa ...ắng.

Bài tập 3: Điền l / n:

Tới đây tre ...ứa ...à nhà
Giò phong ...an ...ở nhánh hoa nhuỵ vàng
Trưa ...ằm đưa võng, thoảng sang
Một ...àn hương mỏng, mênh mang nghĩa tình.
...án đêm, ghé tạm trạm binh
Giường cây ...ót ...á cho mình đỡ đau...

(Tố Hữu)

Bài tập 4: Điền tiếng có chứa phụ âm đầu l / n:

a) ... trường Tam Đảo chạy quanh quanh
Dòng ... qua nhà lấp ... xanh
Bãi cỏ xa nhấp nhô sóng ...
Đàn cừu ... gặm cỏ yên ...

(Vĩnh Mai)

b) Trăng toả ... từng ánh vàng dìu dịu. Những cụm mậy trắng lững ... trôi. Đầu phố, những cây dâu da đang thầm ... ban phát từng ... hương ngọt ngào vào đêm yên tĩnh. Càng về khuya, hoa càng nồng ..., ... nức.

(Đức Huy)

*Đáp án:

a) nông, nước, lánh, lượn, non, lành.
b) lan, lờ, lặng, làn, nàn, náo.

Bài tập 5:

Tìm 4-5 từ có tiếng: la, lạc, lạm, nam, lam, lan, nan, nanh, lao, lát, lăm, lăng, năng, lập, neo, nép, linh, nòng, lóng, lỗi, lung, nương.

*Đáp án:

  • la: la bàn, la cà, la đà, la hét, la liệt, la ó, bao la, dò la,...
  • lạc: lạc đà, lạc đề, lạc đường, lạc hậu, lạc quan,...
  • lạm: lạm dụng, lạm phát, lạm quyền, tiêu lạm,...
  • nam: nam nữ, gió nam, Miền Nam, phương Nam,...
  • lam: lam lũ, lam nham, danh lam thắng cảnh, màu lam, tham lam,...
  • lan: lan man, lan tràn, sà lan, tràn lan,...
  • nan: nan cót, nan rổ, nan hoa xe đạp, quạt nan, thuyền nan,...
  • nanh: nanh ác, nanh nọc, nanh cọp, nanh độc, nanh lợn, nanh vuốt, răng nanh
  • lao: lao công, lao động, lao xao, gian lao,...
  • lát: lát cắt, lát bánh, lát gạch, lát sàn, đan lát, chốc lát, giây lát,...
  • lăm: lăm le, lăm lăm, mười lăm, hăm lăm,...
  • lăng: lăng miếu, lăng mộ, lăng kính, lăng tẩm, xâm lăng,...
  • năng: năng suất, năng động, năng khiếu, chức năng, siêng năng, tài năng,...
  • lập: lập công, lập dị, lập đông, lập hạ, lập luận, sáng lập, tự lập, thành lập,...
  • neo: neo thuyền, gieo neo, thả neo, neo đậu, neo lại,...
  • nép: nép chặt, nép mình, nép vào, nem nép, khép nép,...
  • linh: linh kiện, linh thiêng, anh linh, tâm linh, thần linh, vong linh, lung linh,.
  • nòng: nòng cốt, nòng nọc, nòng súng, đạn lên nòng,...
  • lóng: lóng lánh, lóng ngóng, nói nóng, tiếng nóng,...
  • lỗi: lỗi lầm, lỗi thời, mắc lỗi, xin lỗi, thứ lỗi, sửa lỗi, tội lỗi,...
  • lung: lung linh, lung lay, lung tung, mông lung,...
  • nương: nương náu, nương rẫy, ruộng nương, lên nương, làm nương,...

Xem thêm: Quy tắc chính tả phân biệt l/n, ch/tr, x/s, gi/d/, c/q/k, i/y

2. Chính tả phân biệt ch / tr:

a) Ghi nhớ:

  • Khả năng tạo từ láy của tr hạn chế hơn ch. Tr tạo kiểu láy âm là chính (trắng trẻo), còn ch cấu tạo vừa láy âm, vừa láy vần (chông chênh, chơi vơi) (tr chỉ xuất hiện trong một vài từ láy vần: trẹt lét, trọc lóc, trụi lũi).
  • Những danh từ (hay đại từ) chỉ quan hệ thân thuộc trong gia đình chỉ viết với ch (không viết tr): cha, chú, cháu, chị, chồng, chàng, chút, chắt,...
  • Những danh từ chỉ đồ vật thường dùng trong nhà chỉ viết với ch: chạn, chum, chén, chai, chõng, chiếu, chăn, chảo, chổi,...
  • Từ có ý nghĩa phủ định chỉ viết với ch: chẳng, chưa, chớ, chả,...
  • Tên cây, hoa quả; tên các món ăn; cử động, thao tác của cơ thể, động tác lao động chân tay phần lớn viết với ch.
  • Tiếng trong từ Hán Việt mang thanh nặng (.) và huyền (\) viết tr.

b) Bài tập thực hành: (Một số bài đã điền sẵn đáp án)

Bài 1: Điền ch / tr:

Trong trẻo, tròn trĩnh, chập chững, chỏng chơ, trơ trọi, che chở, chúm chím, trẻ trung, chen chúc, chải chuốt, chạm trổ, trống trải.

Bài tập 2: Điền từ ngữ có chứa các tiếng sau:

trẻ ... chẻ...
trê ... chê...
tri ... chi...
tro ... cho ...
trợ ... chợ...

Bài tập 3: a) Điền chung / trung:

Trận đấu ..... kết. (chung)

Phá cỗ ..... Thu. (Trung)

Tình bạn thuỷ .....(chung)

Cơ quan ..... ương. (trung)

b) Điền chuyền hay truyền:

Vô tuyến .... hình. (truyền)

Văn học ... miệng. (truyền)

Chim bay .... cành. (chuyền)

Bạn nữ chơi .... (chuyền)

Bài tập 4: Điền tiếng chứa ch / tr:

  • Miệng và chân .... cãi rất lâu,... nói:
  • Tôi hết đi lại ..., phải... bao điều đau đớn, nhưng đến đâu, cứ có gì ngon là anh lại được xơi tất. Thật bất công quá!
  • Miệng từ tốn ... lời:
  • Anh nói ...mà lạ thế! Nếu tôi ngừng ăn, thì liệu anh có bước nổi nữa không nào?

* Đáp án: tranh, chân, chạy, chịu, trả, chi.

Bài tập 5: Tìm 4-5 từ có chứa tiếng: cha, chả, chai, trải, chạm, tranh, châm, chân, châu, che, trí, chí, triều, chông, trống, trở, chuyền, trương, chướng.

*Đáp án:

  • Cha: Cha con, cha cố, cha mẹ, ông cha, mẹ cha,...
  • Chả: chả chìa, giò chả, búnchả, chả trách,...
  • Chai: chai lọ, chai mặt, chai sạn, bia chai,...
  • Trải: trải chiếu, trải nghiệm, trải qua, bươm trải,...
  • Chạm: chạm khắc, chạm nọc, chạm trán, động chạm,...
  • Tranh: tranh ảnh, bức tranh, cạnh tranh, đấu tranh,...
  • Châm: châm biếm, châm chích, châm chọc, châm chước, châm ngôn, nam châm,...
  • Chân: chân cẳng, chân dung, chân giò, chân lí, chân phương,...
  • Châu: châu á, châu báu, châu thổ, năm châu,...
  • Che: che đậy, che phủ, che dấu, che nắng,...
  • Trí: trí dũng, trí nhớ, trí óc, trí thức, mưu trí,...
  • Chí: chí hướng, chí khí, báo trí, thiện trí, ý trí,...
  • Triều: triều đại, chiều đình, triều vua, triều thần, thuỷ triều, vương triều,...
  • Chông: chông chênh, chông gai, chông tre, bàn chông, cây chông,...
  • Trống: trống canh, trống đồng, trống trơn, gà trống, chiêng trống,...
  • Trở: trở gót, trở lại, trở mặt, trở tay, trở về,...
  • Chuyền: chuyền bóng, bóng chuyền, que chuyền, dây chuyền,...
  • Trương: trương mắt, khai trương, phô trương, khuếch trương,...
  • Chướng: chướng bụng, chướng hơi, chướng ngại vật, nghiệp chướng,...

3 - Chính tả phân biệt x / s:

A) Ghi nhớ:

- X xuất hiện trong các tiếng có âm đệm (xuề xoà, xoay xở, xoành xoạch, xuềnh xoàng,...)

- S chỉ xuất hiện trong một số ít các âm tiết có âm đệm như: soát, soạt, soạn, soạng, suất.

- X và s không cùng xuất hiện trong một từ láy.

- Nói chung, cách phân biệt x/s không có quy luật riêng. Cách sửa chữa lỗi duy nhất là nắm nghĩa của từ, rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc nhiều và viết nhiều.

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Điền x/s: (bài đã điền sẵn đáp án)

Sơ suất xuất xứ xót xa

sơ sài xứ xở xa xôi

xơ xác xao xuyến sục sôi

sơ sinh sinh sôi xinh xắn

Bài tập 2: Tìm 5 từ láy có phụ âm đầu s; 5 từ láy có phụ âm đầu x; 5 từ ghép có phụ âm đầu s đi với x.

* Đáp án:

- Sạch sẽ, sụt sịt, sửng sốt, sù sì, sì sụp, sù sụ, so sánh, sinh sôi, sáng sủa, san sát, sặc sỡ,...

- Xót xa, xù xì, xấu xa, xì xào, xao xác, xinh xắn, xao xuyến, xào xạc, xa xôi, xấp xỉ,..

- Xứ sở, sản xuất, xuất sắc, xác suất, xoay sở, xổ số, sâu xa, soi xét,...

Bài tập 3: Tìm 4-5 từ có tiếng: sa, xác, xao, xát, sắc, song, sổ, xốc, xông, sôi, sơ, xơ, xuất, suất, sử, xử.

*Đáp án:

- Sa: sa lầy, sa cơ lỡ bước, sa lưới, sa ngã, sa sút,...

- Xác: xác lập, xác minh, xác suất, xác định, xác xơ, xác thực,...

- Xao: xao động, xao xuyến, lao xao, xôn xao,...

- Xát: xô xát, xay xát, cọ xát, xây xát,...

- Sắc: sắc mặt, sắc xuân, màu sắc, biến sắc, xuất sắc,...

- Song: song ca, song hành, song phương, song toàn, song song, vô song, song sắt,...

- Sổ: sổ sách, sổ điểm, sổ tay, sổ toẹt, cửa sổ,...

- Xốc: xốc dậy, xốc lên, xốc nách, xốc nổi, xốc vác,...

- Xông: xông đất, xông khói, xông mũi, xông muỗi, xông hơi,...

- Sôi: sôi động, sôi nổi, sục sôi, sinh sôi,...

- Sơ: sơ bộ, sơ chế, sơ khai, sơ sinh, sơ thẩm, hoang sơ, thô sơ,...

- Xơ: xơ cứng, xơ mướp, xơ xác, xơ mít, xơ múi,...

- Xuất: Xuất bản, xuất hiện, xuất hành, xuất kho, diễn xuất, đề xuất, sản xuất,...

- Suất: suất cơm, năng suất, áp suất, công suất, sơ suất,...

- Sử: sử sách, sử học, sử dụng, giả sử,...

- Xử: xử lí, xử sự, xử trí, cư xử, phán xử, xét xử,...

4 - Chính tả phân biệt gi / r / d:

A) Ghi nhớ:

- Gi và d không cùng xuất hiện trong một từ láy.

- Những từ láy vần, nếu tiếng thứ nhất có phụ âm đầu là l thì tiếng thứ hai có phụ âm đầu là d (lim dim, lò dò, lai dai, líu díu,...)

- Từ láy mô phỏng tiếng động đều viết r (róc rách, rì rào, réo rắt,...)

- Gi và r không kết hợp với các tiếng có âm đệm. Các tiếng có âm đệm chỉ viết với d (duyệt binh, duy trì, doạ nạt, doanh nghiệp,...)

- Tiếng có âm đầu r có thể tạo thành từ láy với tiếng có âm đầu b, c, k (gi và d không có khả năng này) (VD: bứt rứt, cập rập,...)

- Trong từ Hán Việt, tiếng có thanh ngã (~), nặng (.) viết d; mang thanh hỏi (?), sắc (/) viết với gi.

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Điền gi/ d/ r: (Bài đã điền sẵn đáp án)

dạy dỗ, dìu dắt, giáo dưỡng, rung rinh, giòn giã, dóng dả, rực rỡ, giảng giải, róc rách, gian dối, ròng rã.

Bài tập 2: Điền d/ r/ gi: (Bài đã điền sẵn đáp án)

- Dây mơ rễ má. - Rút dây động rừng.

- Giấy trắng mực đen. - Giương đông kích tây.

- Gieo gió gặt bão. - Dãi gió dầm mưa.

- Rối rít tít mù. - Dốt đặc cán mai.

- Danh lam thắng cảnh.

Bài tập 3: Tìm những từ ngữ có chứa tiếng rong, dong, giong để phân biệt sự khác nhau giữa chúng.

- Rong rêu, rong chơi.

- Củ dong, dong dỏng.

- Giong ruổi, trống giong cờ mở.

Bài tập 4: Tìm 3-5 từ có chứa tiếng: gia, da, rả, giả, dã, rã, dán, gián, dang, giang, danh, giành, rành, dành, giao, dò, dương, giương, rương.

* Đáp án:

- Gia: gia đình, gia hạn, gia súc, gia tộc, gia vị, chuyên gia,...

- Da: da bò, da diết, da mặt, da trời, cặp da,...

- Rả: rả rích, cửa rả, cỏ rả, rôm rả,...

- Giả: giả danh, giả dối, giả mạo, giả sử, giả thuyết, tác giả,...

- Dã: dã chiến, dã man, dã ngoại, dã sử, dã tâm, dân dã, hoang dã,...

- Rã: rã cánh, rã rời, rệu rã, ròng rã, rộn rã, tan rã,...

- Dán: dán mắt, dán tem, băng dán, keo dán, gỗ dán,...

- Gián: gián đoạn, gián điệp, gián tiếp, con gián,...

- Dang: dang cánh, dang tay, dang chân, dở dang, ...

- Giang: giang hồ, giang sơn, giỏi giang, lạt giang,...

- Danh: danh ca, danh lam thắng cảnh, danh mục, danh nhân, danh ngôn, danh sách,...

- Giành: giành giật, giành nhau, tranh giành, giành độc lập,...

- Rành: rành việc, rành mạch, rành rọt, rõ rành,...

- Dành: để dành, dành dụm, dỗ dành, dành cho,...

- Giao: giao ban, giao dịch, giao du, giao liên, giao thừa, giao ước,...

- Dò: dò dẫm, dò hỏi, dò la, dò tin, dò xét, lò dò,...

- Dương: dương cầm, dương gian, dương lịch, âm dương, du dương, đại dương,...

- Giương: giương buồm, giương cung, giương mắt, giương cao ngọn cờ,...

Rương: Cái rương, rương quần áo, hòm rương,...

5 - Quy tắc viết phụ âm đầu “cờ ”:

A) Ghi nhớ:

Âm đầu “cờ” được ghi bằng các chữ cái c, k, q.

- Viết q trước các vần có âm đệm ghi bằng chữ cái u.

- Viết k trước các nguyên âm e, ê, i (iê, ia).

- Viết c trước các nguyên âm khác còn lại.

B) Bài tập thực hành:

Bài 1: Điền c / k /q: (Đã điền sẵn đáp án vào bài)

kì cọ

kiểu cách

quanh co

kèm cặp

kì quan

kẻ cả

cập kênh

quy cách

kim cương

kính cận

cảm cúm

co kéo

quả quyết

cảnh quan

Bài 2: Tìm các từ láy có phụ âm đầu “cờ” ghi bằng các con chữ q/k/c.

*Đáp án:

- quấn quýt, quanh quẩn, quang quác,...

- cằn cỗi, cần cù, cục cằn, cặm cụi,...

- kiêu kì, kênh kiệu, kẽo kẹt,...

Bài 3: Điền c/ k/ q :(Bài đã điền sẵn đáp án)

- cày sâu cuốc bẫm. - cốc mò cò xơi.

- kết tóc xe tơ. - công thành danh toại.

- quýt làm cam chịu. - quen hơi bén tiếng.

- kén cá chọn canh. - kề vai sát cánh.

6. Quy tắc viết phụ âm đầu “gờ”, “ngờ”:

A) Ghi nhớ:

- Âm đầu “gờ” được ghi bằng con chữ g, gh.

- Âm đầu “ngờ” được ghi bằng con chữ ng, ngh.

- Viết gh, ngh trước các nguyên âm e, ê, i, iê (ia).

- Viết g, ng trước các nguyên âm khác còn lại.

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Điền g / gh (Bài đã điền sẵn đáp án):

Gần gũi, gắt gỏng, gan góc, ghen ghét, ghi nhớ, gọn gàng, ghê gớm, gang thép, gồng gánh, gồ ghề.

Bài tập 2: Điền ng /ngh (Bài đã điền sẵn đáp án):

Nghe ngóng, ngả nghiêng, nghênh ngang, nguệch ngoạc, ngúng nguẩy, ngốc nghếch, nghĩ ngợi, nghêu ngao, nghịch ngợm, ngoan ngoãn, ngấp nghé, ngang ngạnh, ngay ngắn, ngượng nghịu, ngông nghênh.

7- Quy tắc viết nguyên âm i / y:

A) Ghi nhớ:

- Nếu đứng một mình thì viết y (y tế, ý nghĩ ).

- Nếu đứng sau âm đệm u thì viết y (suy nghĩ, quy định ).

- Nếu nguyên âm đôi iê đứng đầu tiếng thì viết y (yên ả, yêu thương).

- Nếu là vị trí đầu tiếng ( không có âm đệm) thì viết i (im lặng, in ấn ).

- Nếu là vị trí cuối tiếng (trừ uy, ay, ây) thì viết i (chui lủi, hoa nhài).

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Điền y /i : (Bài đã điền sẵn đáp án)

Sách in , in ấn, tàu thuỷ, yên nghỉ, y tế, im lặng, y khoa, yêu quý,...

Bài tập 2: Tìm những từ viết sai chính tả rồi sửa lại cho đúng:

- mỹ thuật. - ý nghĩ. - suy nghĩ.

- qui định. - hi sinh. - kỷ niệm.

*Đáp án:

- Mĩ thuật; kỉ niệm (hiện nay 2 trường hợp này tồn tại cả 2 cách viết)

- quy định (trong tiếng quy, âm đệm là u à âm đệm u chỉ đứng trước âm chính là y. U chỉ đứng trước i khi u là âm chính: VD: túi, núi,...)

8- Quy tắc viết hoa:

A) Ghi nhớ:

1. Tên người, tên núi, tên sông, tỉnh, thành phố, quận, huyện, xã, làng,...của Việt Nam được viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng (VD: Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, Trường Sơn, Cửu Long,...)

- Riêng tên người, địa danh của một số dân tộc ít người nếu được phiên âm từ tiếng dân tộc thì chỉ viết hoa chữ cái đầu ở mỗi bộ phận của tên, giữa các tiếng trong cùng một bộ phận có dấu gạch nối(VD: Kơ-pa Kơ- lơng, Y-a-li, Đăm –bri, Pắc-pó)

2. Tên người, tên địa danh nước ngoài phiên âm trực tiếp ra tiếng Việt thì viết hoa chữ cái đầu ở mỗi bộ phận của tên, giữa các tiếng trong cùng một bộ phận có dấu gạch nối (VD: Lu-i Pa-xtơ, Tô- mát, Ê-đi-xơn, Mê-kông, Von-ga, Ki-ép, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a,...)

- Riêng tên người, tên địa danh nước ngoài được gọi như kiểu tên người, tên địa danh Việt Nam (do được phiên âm qua âm Hán Việt nên đã được Việt hoá ), thì được viết hoa như tên người, tên địa danh Việt Nam (VD: Lí Bạch, Đỗ Phủ, Trương Mạn Ngọc, Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên,...)

3. Tên các cơ quan, đoàn thể, tổ chức chính trị, xã hội; cụm từ chỉ huân, huy chương, danh hiệu, giải thưởng,...được viết hoa chữ cái đầu ở tiếng đầu các bộ phận nêu nên tính chất “riêng” của tên riêng đó (VD: Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Huy hiệu Cháu ngoan Bác Hồ,...)

4. Các chữ cái đầu câu, đầu đoạn, đầu bài, đầu các chương mục, đầu dòng thơ đều phải viết hoa.

5. Một số danh từ chung và đại từ xưng hô cũng có thể được viết hoa để tỏ thái độ kính trọng đối với những người và sự việc mà chúng biểu thị ( VD: Việt Nam ta gọi tên Người thiết tha).

6. Các sự vật khác (động vật, thực vật, đồ đạc) nếu được đặt tên riêng thì những tên riêng ấy cũng viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người (VD: cô Đậu Nành, anh Dưa Hấu, chị Gà Mái Mơ, chú Mướp,...)

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1: Hãy viết tên 5 bạn cùng tổ em (họ, tên đệm, tên riêng).

Bài 2: Hãy viết tên 5 địa danh của Việt Nam.

Bài tập 3: Hãy viết tên 5 người và địa danh vùng dân tộc ít người.

Bài tập 4: Hãy viết tên 5 người và địa danh nước ngoài (được phiên âm qua âm Hán- Việt)

Bài tập 5: Hãy viết tên 5 người và địa danh nước ngoài ( được phiên âm trực tiếp sang tiếng Việt).

Bài tập 6: Hãy tìm 5 cụm từ chỉ các tổ chức, đơn vị, cơ quan, đoàn thể,... và viết lại cho đúng quy tắc viết hoa.

9. Quy tắc đánh dấu thanh:

A) Ghi nhớ:

- Dấu thanh thường đặt ở trên hoặc dưới âm chính (VD: loá mắt, khoẻ khoắn,...)

- Ở các nguyên âm có dấu mũ thì các dấu thanh được viết hơi cao lệch về bên phải của dấu mũ (VD: trồng nấm, biển khơi, cố gắng,...)

- Trong tiếng có nguyên âm đôi mà không có âm cuối vần thì dấu thanh được viết ở con chữ thứ nhất của nguyên âm đôi. (VD: cây mía, lựa chọn, múa hát,...)

- Trong tiếng có nguyên âm đôi mà có âm cuối vần thì dấu thanh được viết ở con chữ thứ hai của nguyên âm đôi (VD: ước muốn, chai rượu, sợi miến,...)

B) Bài tập thực hành:

Bài tập 1:

Điền dấu thanh thích hợp vào các tiếng trong các từ sau (giải thích cách điền):

Chiêc thuyên, thua nao, ngon mia, khuc khuyu, (khen) thương, (mong) muôn, thuơ nao, (con) sưa, khuya khoăt, (hoa) huê, (con) sêu,...

*Ghi chú: Những tiếng trong ngoặc đơn không phải điền dấu.

10. Cấu tạo tiếng - Cấu tạo vần:

A) Ghi nhớ:

1. Tiếng gồm 3 bộ phận: phụ âm đầu, vần và thanh điệu.

- Tiếng nào cũng có vần và thanh. Có tiếng không có phụ âm đầu.

- Tiếng Việt có 6 thanh: thanh ngang (còn gọi là thanh không), thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã, thanh nặng.

- 22 phụ âm : b, c (k,q), ch, d, đ, g (gh), h, kh, l, m, n, nh, ng (ngh), p, ph, r, s, t, tr, th, v, x.

- 11 nguyên âm: i, e, ê, ư, u, o, ô, ơ, a, ă, â.

2. Vần gồm có 3 phần: âm đệm, âm chính , âm cuối.

* Âm đệm:

- Âm đệm được ghi bằng con chữ u và o.

+ Ghi bằng con chữ o khi đứng trước các nguyên âm: a, ă, e.

+ Ghi bằng con chữ u khi đứng trước các nguyên âm y, ê, ơ, â.

- Âm đệm không xuất hiện sau các phụ âm b, m, v, ph, n, r, g. Trừ các trường hợp:

+ sau ph, b: thùng phuy, voan, ô tô buýt (là từ nước ngoài)

+ sau n: thê noa, noãn sào (2 từ Hán Việt)

+ sau r: roàn roạt.(1 từ)

+ sau g: goá (1 từ)

* Âm chính: Trong Tiếng Việt, nguyên âm nào cũng có thể làm âm chính của tiếng.

- Các nguyên âm đơn: (11 nguyên âm ghi ở trên)

- Các nguyên âm đôi : Có 3 nguyên âm đôi và được tách thành 8 nguyên âm sau:+ iê:

  • Ghi bằng ia khi phía trước không có âm đệm và phía sau không có âm cuối (VD: mía, tia, kia,...)
  • Ghi bằng yê khi phía trước có âm đệm hoặc không có âm nào, phía sau có âm cuối (VD: yêu, chuyên,...)
  • Ghi bằng ya khi phía trước có âm đệm và phía sau không có âm cuối (VD: khuya)
  • Ghi bằng iê khi phía trước có phụ âm đầu, phía sau có âm cuối (VD: tiên, kiến,...)

+ uơ: Ghi bằng ươ khi sau nó có âm cuối (VD: mượn,...)

Ghi bằng ưa khi phía sau nó không có âm cuối (VD: mưa,...)

+ uô: Ghi bằng uô khi sau nó có âm cuối (VD: muốn,...)

Ghi bằng ua khi sau nó không có âm cuối (VD: mua,...)

* Âm cuối: - Các phụ âm cuối vần: p, t, c (ch), m, n, ng (nh)

2 bán âm cuối vần: i (y), u (o)

Tham khảo chi tiết

Chia sẻ, đánh giá bài viết
85
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Chính tả lớp 5

    Xem thêm