"Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản."
Xét dưới góc độ pháp lý thì quyền định đoạt là quyền quan trọng nhất của chủ sở hữu đối với tài sản. Quyền định đoạt được định nghĩa theo hai khía cạnh:
- Định đoạt số phận thực tế của tài sản: Tức là dùng các hành vi tác động đến tài sản khiến cho chúng không còn tồn tại trên thực tế. Ví dụ Chủ sở hữu tiêu dùng hết các tài sản có tính tiêu hao như: ăn uống các đồ lương thực, thực phẩm; dùng hết các đồ mỹ phẩm, dược phẩm... Hoặc chủ sở hữu có thể tiêu hủy tài sản khiến chúng biến mất như đốt tài sản, chặt phá chúng khiến cho tài sản không thể sử dụng được theo đúng tính năng, công dụng của mình;
- Định đoạt số phận pháp lý của tài sản thông qua hai hình thức: chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho chủ thể khác bằng việc xác lập các hợp đồng như bán, tặng cho, trao đổi tài sản cho người khác. Đây là những hợp đồng mà chuyển giao đồng thời cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt cho người khác một cách vĩnh viễn; Theo Quy định tại Điều 238 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
"Khi chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu của mình cho người khác thông qua hợp đồng mua bán, trao đổi, tặng cho, cho vay, hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật hoặc thông qua việc để thừa kế thì quyền sở hữu đối với tài sản của người đó chấm dứt kể từ thời điểm phát sinh quyền sở hữu của người được chuyển giao."
Từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản cũng là một hình thức định đoạt số phận pháp lý của tài sản. tại Điều 239 Bộ luật dân sự 2015 có quy định:
Chủ sở hữu có thể tự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản của mình bằng cách tuyên bố công khai hoặc thực hiện hành vi chứng tỏ việc mình từ bỏ quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản đó.
Đối với tài sản mà việc từ bỏ tài sản đó có thể gây hại đến trật tự, an toàn xã hội, ô nhiễm môi trường thì việc từ bỏ quyền sở hữu phải tuân theo quy định của pháp luật.
Từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản cũng là một loại giao dịch dân sự - hành vi pháp lý đơn phương. Do vậy, việc từ bỏ quyền sở hữu tài sản chỉ có giá trị khi đáp ứng được các điều kiện có hiệu lực của giao dịch được quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015: Điều kiện về chủ thể, mục đích, nội dung, ý chí, hình thức. Nếu một người bị bệnh tâm thần tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với chiếc xe máy thì việc từ bỏ đó cũng không có giá trị. Hoặc chủ sở hữu từ bỏ quyền sở hữu đối với tài sản khi tài sản đó là nguồn gây ô nhiễm, độc hại cho môi trường, xã hội thì cũng không được phép....
Để biết Quyền định đoạt là gì?, cần tìm hiểu các yếu tố sau:
1. Quyền định đoạt về tài sản
Quyền định đoạt về tài sản theo quy định của pháp luật được quy định cụ thể trong Bộ luật dân sự năm 2015. Theo đó, quyền định đoạt tại Điều 192 Bộ luật dân sự năm 2015 được quy định như sau: Quyền định đoạt là quyền chuyển giao quyền sở hữu tài sản, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản.
2. Điều kiện định đoạt
Pháp luật quy định cho cá nhân là chủ sở hữu hoặc không phải chủ sở hữu có quyền định đoạt tài sản, tuy nhiên cần phải đáp ứng những điều kiện nhất định về năng lực hành vi và các trình tự, thủ tục do pháp luật quy định.
– Về năng lực hành vi: Việc định đoạt tài sản phải do người có năng lực hành vi dân sự thực hiện theo quy định của pháp luật
– Trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về định đoạt tài sản: Trong trường hợp pháp luật có quy định về trình tự, thủ tục định đoạt thì cần phải tuân thủ theo trình tự, thủ tục đó
Theo đó mà các Chủ thể có quyền định đoạt bằng hành vi, và làm chủ về ý chí của mình thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu, từ bỏ quyền sở hữu, tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản, tùy thuộc vào nhu cầu, mong muốn của chủ thể. Có thể thấy quyền định đoạt được thực hiện ở hai góc độ khác nhau:
Thứ nhất, Đối với định đoạt dưới góc độ thực tế của tài sản. các chủ thể có thể sư dụng các cách như tác động trực tiếp lên tài sản bằng cách tiêu dùng hoặc tiêu hủy tài sản theo quy định. Tiêu dùng là việc chủ thể đưa tài sả vào sử dụng nhằm thỏa mãn nhu cầu trong cuộc sống của các chủ thể. Tiêu hủy tài sản là việc chủ thể bằng một hành vi cụ thể làm cho tài sản không còn tồn tại theo các cách khác nhau để tài sản đó biến mất vĩnh viễn
Thứ hai, Việc định đoạt dưới góc độ pháp lý của tài sản. Định đoạt dưới góc độ pháp lý được hiểu đó là việc chủ thể chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ chủ thể này sang chủ thể khácn theo quy định, hay việc từ bỏ tài sản làm phát sinh chủ thể có quyền mới đối với tài sản đó. Đối với Định đoạt dưới góc độ pháp lý là căn cứ làm chấm dứt quyền sở hữu của chủ thể đối với tài sản. Chủ thể thực hiện quyền thông qua các giao dịch dân sự phù hợp cụ thể như thừa kế, tặng cho, bán tài sản,…theo quy định của pháp luật