Giao diện mới của VnDoc Pro: Dễ sử dụng hơn - chỉ tập trung vào lớp bạn quan tâm. Vui lòng chọn lớp mà bạn quan tâm: Lưu và trải nghiệm

Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đầy đủ

Soạn bài Tinh thần yêu nước của nhân dân ta đầy đủ là tài liệu học tập mới nhất được VnDoc sưu tầm và biên soạn để gửi tới bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Mời các bạn tham khảo!

A. Tìm hiểu chung

Bài “Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” trích trong Báo cáo Chính trị của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội lần II, tháng 2 năm 1951 của Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi từ năm 1951 đến năm 1976 của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay).

B. Tìm hiểu câu hỏi SGK.

I. Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 65 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Qua những bài học từ môn Lịch sử hoặc qua những truyện lịch sử đã học, đã đọc, hành động yêu nước của nhân vật nào để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất? Vì sao?

Trả lời:

Qua những kiến thức lịch sử đã biết, hành động yêu nước của Bác Hồ đã để lại cho em ấn tượng sâu sắc nhất. Bác ra đi tìm đường cứu nước khi còn là một thanh niên trẻ với hai bàn tay trắng, sẵn sàng lao động và học tập nơi xứ người để có thể về giải phóng quê hương.

Câu hỏi 2 (trang 65 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Trong cuộc sống hôm nay, con người có thể thể hiện tinh thần yêu nước bằng những cách nào?

Trả lời:

Biểu hiện tinh thần yêu nước trong cuộc sống hôm nay rất đa dạng:

- Đoàn kết, yêu thương đồng bào và giúp đỡ những người khó khăn.

- Học tập kiến thức và tu dưỡng đạo đức thật tốt.

- Quảng bá vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

- Sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần.

II. Đọc văn bản

Theo dõi 1 (trang 65, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Cách mở đầu và câu văn thể hiện nội dung bao quát của văn bản.

Trả lời:

- Cách mở đầu trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề chính.

- Câu văn thể hiện nội dung bao quát của văn bản được đặt ngay đầu bài: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta.

Theo dõi 2 (trang 66, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ điều gì?

Trả lời:

Những bằng chứng được sử dụng nhằm làm sáng tỏ luận điểm: “Lịch sử ta có nhiều cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ tinh thần yêu nước của dân ta”.

Theo dõi 3 (trang 66, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Cách nêu bằng chứng ở đây có gì đáng chú ý?

Trả lời:

- Các bằng chứng được sắp xếp theo cấu trúc “từ…đến…”, đi theo trình tự từ tuổi tác, vùng miền đến giai cấp

- Tác dụng: gây ấn tượng mạnh với người đọc, bao quát được mọi đối tượng cần nói đến và nhấn mạnh rằng tinh thần yêu nước của nhân dân ta được thể hiện ở bất kì đâu, với bất kì ai.

Theo dõi 4 (trang 66, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Cần phải làm gì để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta?

Trả lời:

Theo Bác, ta cần phải “ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”.

III. Sau khi đọc

Câu 1 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Người viết văn bản nghị luận bao giờ cũng hướng tới đối tượng cần thuyết phục. Theo em, văn bản Tinh thần yêu nước của nhân dân ta hướng tới đối tượng nào?

Trả lời:

Đối tượng văn bản hướng tới là toàn thể nhân dân Việt Nam và những kiều bào ở nước ngoài luôn hướng về Tổ quốc.

Câu 2 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

“Tinh thần yêu nước của nhân dân ta” là một trích đoạn của Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đảng Lao động Việt Nam. Điều gì cho thấy phần trích này vẫn thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh?

Trả lời:

Những yếu tố cho thấy đoạn trích thể hiện đầy đủ các đặc điểm của một văn bản hoàn chỉnh:

- Có luận đề rõ ràng, được khái quát bằng nhan đề.

- Có bố cục rõ ràng:

+ Mở bài (từ “Dân ta” đến “lũ cướp nước”): khẳng định tinh thần yêu nước của nhân dân ta và sức mạnh của tinh thần ấy.

+ Thân bài (từ “Lịch sử ta” đến “nồng nàn yêu nước”): chứng minh tinh thần yêu nước trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc và trong cuộc kháng chiến hiện tại.

+ Kết bài (từ “Tinh thần yêu nước” đến hết): khẳng định lại giá trị của tinh thần yêu nước và nêu ra nhiệm vụ của Đảng là làm cho tinh thần ấy được phát huy trong kháng chiến.

Câu 3 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Bài nghị luận có mấy luận điểm? Nêu từng luận điểm và chỉ ra mối quan hệ giữa các luận điểm, từ đó rút ra nội dung bao quát của văn bản?

Trả lời:

- Bài viết có 3 luận điểm chính, khớp với bố cục:

+ Nêu vấn đề tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

+ Truyền thống yêu nước thể hiện qua lịch sử giữ nước xưa kia và kháng chiến chống Pháp hiện tại.

+ Cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước.

- Mối quan hệ giữa các luận điểm: luận điểm 1 có tính chất khái quát, luận điểm 2 làm sáng tỏ cho luận điểm 1, luận điểm 3 nêu phương hướng hành động trên cơ sở của hai luận điểm trước.

- Nội dung bao quát của văn bản: Tinh thần yêu nước của nhân dân ta.

Câu 4 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Căn cứ vào những bằng chứng khách quan nào mà tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”? Vì sao lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân ta được tác giả xem là một “truyền thống quý báu”.

Trả lời:

- Những bằng chứng để tác giả khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước”:

+ Trong lịch sử: Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung,…

+ Trong kháng chiến Pháp: “Từ các cụ già tóc bạc đến các cháu nhi đồng trẻ thơ, từ nhân dân miền ngược đến miền xuôi, từ những chiến sĩ ngoài mặt trận đến những công chức hậu phương...”.

- Lòng yêu nước nồng nàn được tác giả xem là một “truyền thống quý báu” vì nó được duy trì qua nhiều thế hệ. Hơn nữa, nhờ có lòng yêu nước mà nhân dân ta mới giành và giữ được nền độc lập. Cuối cùng, yêu nước chính là yếu tố đưa kháng chiến thắng lợi.

Câu 5 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Văn nghị luận của Hồ Chí Minh bao giờ cũng hướng người đọc đi từ nhận thức tới hành động. Qua văn bản này, tác giả muốn người đọc nhận thức được điều gì và có hành động như thế nào? Những nhận thức và hành động đó có ý nghĩa như thế nào trong đời sống cộng đồng?

Trả lời:

- Tác động của văn bản tới người đọc:

+ Nhận thức: giúp người đọc hiểu được rằng là người Việt Nam thì ắt phải có lòng yêu nước, đó là truyền thống được lưu truyền.

+ Hành động: cần thể hiện việc yêu nước bằng những việc làm cụ thể, tùy vào hoàn cảnh và vị thế của mình trong xã hội. Những người có chức trách cần ra sức tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo nhân dân thực hành tinh thần ấy.

- Ý nghĩa của nhận thức và hành động trong đời sống cộng đồng: gia tăng tình đoàn kết dân tộc, giúp con người ý thức được trách nhiệm với tập thể, đưa kháng chiến thắng lợi.

Câu 6 (trang 67, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Theo em, những yếu tố nào đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận này? Vấn đề được bàn luận trong văn bản có ý nghĩa trong thời đại ngày nay nữa không? Vì sao?

Trả lời:

- Những yếu tố đã góp phần làm nên sức thuyết phục của bài nghị luận:

+ Có đầy đủ đặc điểm của một văn bản nghị luận hoàn chỉnh.

+ Câu văn trùng điệp, nhiều vế đăng đối, tạo nên âm hưởng mạnh mẽ.

+ Hình ảnh nhiều sức gợi.

Vấn đề được bàn luận vẫn có ý nghĩa trong thời nay vì:

+ Việc xây dựng đất nước chưa bao giờ ngừng lại, mơ ước về đất nước phồn vinh luôn cần đến sự đóng góp của toàn dân.

+ Vấn đề giữ gìn độc lập, chủ quyền quốc gia luôn là vấn đề nóng bỏng nên người Việt Nam cần nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu.

IV. Viết kết nối với đọc

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) trả lời cho câu hỏi: Phải chăng lòng yêu nước của mỗi người chỉ thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng?

Lòng yêu nước là tình cảm tự nhiên, cao quý nhất của con người, tựa như dòng máu chảy trong mỗi chúng ta. Những cuộc chiến tranh vệ quốc chính là ví dụ điển hình cho sự trỗi dậy mạnh mẽ tình yêu nước. Tuy nhiên, tình yêu nước còn tồn tại dưới nhiều dạng khác. Việc con người cố gắng duy trì nền hòa bình, sự yên ổn cho quốc gia cũng chính là biểu hiện của lòng yêu nước. Yêu cảnh trí thiên nhiên, xây dựng những công trình mới cho đất nước, học tập để phát triển kinh tế nước nhà,… đều là yêu nước. Chính vì vậy, yêu nước không chỉ được thể hiện khi Tổ quốc bị xâm lăng.

Bài tiếp theo: Soạn bài Thực hành tiếng Việt trang 68 Kết nối tri thức

--------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời bạn đọc truy cập vào Soạn Văn 8 Kết nối tri thứcVăn mẫu lớp 8 trên VnDoc để đón đọc những tài liệu học tập mới nhất nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Chia sẻ, đánh giá bài viết
2
Sắp xếp theo
    🖼️

    Gợi ý cho bạn

    Xem thêm
    🖼️

    Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

    Xem thêm