Soạn bài Hịch Tướng sĩ đầy đủ 

Soạn bài Hịch Tướng sĩ đầy đủ là tài liệu học tập mới nhất được VnDoc sưu tầm và biên soạn để gửi tới bạn đọc. Hy vọng bài viết sẽ cung cấp cho bạn những kiến thức hữu ích. Mời các bạn tham khảo!

A. Tìm hiểu tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Trần Quốc Tuấn (1231? – 1300), tước Hưng Đạo Vương là một danh tướng kiệt xuất của dân tộc.

- Năm 1285 và 1287, quân Mông – Nguyên xâm lược ta, ông được cử làm Tiết chế thống lĩnh các đạo quân, giành thắng lợi vẻ vang.

- Đến đời vua Trần Anh Tông, ông về Vạn Kiếp – tỉnh Hải Dương và mất ở đây.

2. Tác phẩm

Tác phẩm “Hịch tướng sĩ” được viết vào trước cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần hai (1285).

B. Tìm hiểu câu hỏi SGK

I. Trước khi đọc

Câu 1 (trang 59, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Hãy kể tên một số vị tướng nổi tiếng trong lịch sử nước ta.

Trả lời:

Một số vị tướng nổi tiếng trong lịch sử: Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung – Nguyễn Huệ, Võ Nguyên Giáp,…

Câu 2 (trang 59, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Theo em, vì sao quân Mông – Nguyên ba lần đem quân xâm lược nước ta đều phải chịu thất bại?

Trả lời:

Lý do quân Mông – Nguyên ba lần đem quân xâm lược nước ta đều phải chịu thất bại:

- Quân Mông – Nguyên là những kẻ ngoại xâm, tham lam, tàn ác, chiến đấu không vì lí do chính nghĩa.

- Quân dân nhà Trần có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt cùng nghệ thuật quân sự độc đáo.

- Quân dân nhà Trần có ý chí kiên quyết, đồng lòng đoàn kết đánh giặc.

II. Sau khi đọc

Câu 1 (trang 63 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Bài hịch được Trần Quốc Tuấn viết ra nhằm mục đích gì?

Trả lời:

Bài hịch được Trần Quốc Tuấn viết ra nhằm mục đích:

+ Thể hiện tình yêu nước cùng lòng căm thù giặc xâm lược.

+ Khích lệ lòng yêu nước, ý chí chống quân xâm lược của quân sĩ, khuyên nhủ các tướng sĩ tích cực rèn luyện để chống giặc.

Câu 2 (trang 63 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Xác định bố cục của bài hịch và nêu rõ vai trò của từng phần trong việc thực hiện mục đích của bài hịch.

Trả lời:

Bố cục gồm 4 phần:

- Đoạn 1 (từ đầu đến “còn lưu tiếng tốt”): nêu gương trung thần nghĩa sĩ trong sử sách để khích lệ ý chí quân sĩ.

- Đoạn 2 (từ “Huống chi” đến “ta cũng cam lòng”): tố cáo tội ác của kẻ thù, thể hiện lòng căm thù giặc.

- Đoạn 3 (từ “Các ngươi ở cùng ta” đến “có được không?”): phân tích phải trái, đúng sai trong lối sống của tướng sĩ.

- Đoạn 4 (còn lại): nêu nhiệm vụ cụ thể, cấp bách, khích lệ tinh thần chiến đấu của các tướng sĩ.

Câu 3 (trang 63 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Hãy chỉ ra những điểm chung của các cặp nhân vật lịch sử được nêu ở phần đầu bài hịch. Tác giả đã nêu hành động của tám cặp nhân vật lịch sử này để minh chứng điều gì?

Trả lời:

- Những điểm chung của các cặp nhân vật lịch sử được nêu ở phần đầu bài hịch:

+ Tận trung với chủ, với đất nước mà hi sinh bản thân mình, quyết không đầu hàng.

+ Quyết tâm chiến đấu và chiến thắng.

- Tác giả nêu ra tám cặp nhân vật này để chứng tỏ rằng việc người bề tôi hết lòng với vua/chủ của mình, chống lại kẻ thù phi nghĩa là phẩm chất đạo đức cao đẹp. Điều này là cơ sở lập luận cho toàn bài.

Câu 4 (trang 63 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Để khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng các tì tướng và thuyết phục họ, Trần Quốc Tuấn đã nhắc đến nhiều hiện tượng trong thực tế. Đó là những hiện tượng nào?

Trả lời:

Để khơi gợi những cảm xúc mạnh mẽ trong lòng các tì tướng và thuyết phục họ, Trần Quốc Tuấn đã nhắc đến nhiều hiện tượng trong thực tế:

- Những tội ác của quân giặc: khơi gợi cảm xúc căm thù giặc.

- Những tình cảm, suy nghĩ, cảm động của chủ tướng: khơi gợi cảm xúc biết ơn, muốn báo đáp công ơn của chủ tướng.

- Những việc làm của các tì tướng: khơi gợi sự hổ thẹn, muốn sửa chữa sai lầm.

Câu 5 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Tác giả đã dùng những bằng chứng và lí lẽ nào để chứng minh các tì tướng đã suy nghĩ, hành động không đúng?

Trả lời:

- Lí lẽ: “Nay các người nhìn chủ nhục mà không biết lo, thấy nước nhục mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình phải hầu quân giặc mà không biết tức; nghe nhạc thái thường để đãi yến ngụy sứ mà không biết căm”.

- Bằng chứng: “Hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển; hoặc vui thú vườn ruộng, hoặc quyến luyến vợ con; hoặc lo làm giàu mà quên việc nước, hoặc ham săn bắn mà quên việc binh; hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát”.

Câu 6 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Tác giả đã chọn cách diễn đạt như thế nào để lời hịch có sức tác động lớn đến nhận thức và tình cảm của các tì tướng? Hãy phân tích một ví dụ mà em cho là tiêu biểu cho cách diễn đạt đó.

Trả lời:

- Cách diễn đạt khiến lời hịch có tác động lớn đến nhận thức và tình cảm của các tì tướng:

+ Sử dụng nhiều điệp ngữ.

+ Cách dùng từ đậm chất khuyên nhủ, ân tình: “chẳng những…mà còn…”, “nên…nên…”.

+ Cách dùng câu có hình thức hỏi nhưng để khẳng định.

+ Cách ngắt nhịp câu văn linh hoạt, khi dồn dập, khi chậm rãi.

+ Cách diễn đạt hô ứng.

- Phân tích ví dụ:

+ “Nay ta bảo thật các người: Nên nhớ câu… làm răn sợ”: giọng điệu khuyên nhủ, chân tình.

+ “Nếu cậy, rồi sau đây khi dẹp yên quân giặc… trong trời đất nữa”: câu hỏi với mục đích khẳng định.

+ “Như vậy, chẳng những thái ấp của ta….sử sách lưu thơm”: điệp ngữ.

Câu 7 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Với tư cách là chủ tướng, Trần Quốc Tuấn đã dùng những lí lẽ nào để kêu gọi các tì tướng phải rèn tập võ nghệ, học tập cuốn Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho việc đánh giặc, giữ nước?

Trả lời:

Lí lẽ Trần Quốc Tuấn để kêu gọi các tì tướng:

+ Các tì tướng phải cẩn trọng, không để việc xảy ra rồi hối hận. Tác giả viện dẫn những câu nói là kinh nghiệm, triết lí ngàn đời.

+ Các tì tướng nếu chăm rèn luyện võ nghệ, học tập “Binh thư yếu lược” thì có thể trở thành người tài, đem lại yên bình cho đất nước.

+ Các tì tướng chỉ có một lựa chọn là dốc lòng học tập, rèn luyện, nếu không sẽ trở thành kẻ thù của chủ tướng.

Câu 8 (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Từ bài hịch này, em rút ra được bài học gì cho bản thân khi viết một bài văn nghị luận?

Trả lời:

Em rút ra được những bài học khi viết văn nghị luận như: cần có lập luận chặt chẽ, sắc bén cùng lời văn hàm súc mà giàu hình ảnh, sử dụng các biện pháp nghệ thuật phù hợp. Từ đó, bài văn sẽ hấp dẫn, thuyết phục.

III. Viết kết nối với đọc (trang 63, SGK Ngữ văn 8, tập 1)

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) về một truyền thống đáng tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trả lời:

Tình yêu nước là phẩm chất, truyền thống quý báu của dân tộc ta. Nó được thể hiện qua sự tự hào về văn hóa truyền thống, ước mong được cống hiến hết mình cho Tổ quốc và sự kính trọng lịch sử oai hùng của dân tộc. Sức mạnh của tình yêu nước đã được chứng minh trong lịch sử, khi biết bao ông cha ta đã tham gia vào những cuộc chiến tranh và cách mạng để bảo vệ quê hương khỏi ách đô hộ. Ngày nay, tình cảm ấy còn được thể hiện ở việc học tập, phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh đất nước đến với bạn bè quốc tế. Đây mãi là truyền thống tốt đẹp để chúng ta phát huy mãi mãi.

Đánh giá bài viết
1 324
Sắp xếp theo

    Học tập

    Xem thêm