Soạn bài “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đầy đủ

Soạn bài “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” đầy đủ là tài liệu học tập mới nhất giúp các em học tập tốt môn Ngữ văn lớp 8 sách Kết nối tri thức. Mời các bạn tham khảo!

A. Tìm hiểu chung về tác giả, tác phẩm

1. Tác giả

- Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng.

- Ông sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.

- Ông thường thai khác đề tài lịch sử, có đóng góp nhiều nhất ở hai thể loại là kịch và tiểu thuyết.

- Các tác phẩm tiêu biểu: Đêm hội Long Trì (1942), Vũ Như Tô (1943), Sống mãi với Thủ đô (1961),…

2. Tác phẩm

Đoạn trích trên thuộc phần 3 của vở “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.

B. Tìm hiểu chi tiết văn bản

I. Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 10 SGK Ngữ văn 8 Tập 1)

Chia sẻ cảm nghĩ của em về người anh hùng nhỏ tuổi Trần Quốc Toản (qua các tài liệu lịch sử, sách báo, phim ảnh,… mà em đã đọc, đã xem).

Trần Quốc Toản là người anh hùng nổi tiếng của dân tộc. Dù tuổi còn nhỏ, ông đã thể hiện tinh thần dũng cảm, lòng yêu nước cùng tài năng xuất chúng. Hình ảnh của ông là tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.

Câu hỏi 2 (trang 10 SGK Ngữ văn 8 Tập 1)

Ngoài Trần Quốc Toản, em còn biết thêm những nhân vật thiếu nhi lỗi lạc nào trong lịch sử?

Một số nhân vật thiếu nhi lỗi lạc nào trong lịch sử là Nông Văn Dền, Lý Tự Trọng, Vừ A Dính,…

II. Đọc văn bản

1. Theo dõi trang 10 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Quang cảnh, không khí ở bến Bình Than – nơi diễn ra một hội nghị quan trọng.

- Quang cảnh: đông đúc.

+ Hai cây đa cổ thụ che kín cả một khúc sông.

+ Dưới bến, những thuyền lớn của các vương sư về hội sư, đậu dài san sát, sơn đủ các màu. Trên mui thuyền phất phới những lá cờ của Chiêu Minh Vương, của Chiêu Quốc Vương, của Chiêu Văn Vương, của Hưng Đạo Vương, của Chiêu Thành Vương.

- Không khí: bừng bừng khí thế chống giặc.

2. Theo dõi trang 11 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Những ý nghĩ của nhân vật xen vào lời của người kể chuyện.

- Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!

- Đứng mãi đây cho đến bao giờ? Thôi thì liều một chết vậy. Ta cứ xuống, chỉ nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình luận tội.

- Ta sẽ chiêu binh bãi mã, cầm quân đi đánh giặc. Xem cái thằng ngoài rìa này có phải là một kẻ toi cơm không.

⇒ Những suy nghĩ này cho thấy sự tự trọng, lòng căm thù giặc sục sôi cùng ý chí mạnh mẽ, tinh thần dũng cảm của Trần Quốc Toản.

3. Theo dõi trang 11 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Hoài Văn có những suy nghĩ gì khi thấy các vương hầu họp bàn việc nước?

Những suy nghĩ của Hoài Văn:

- Bàn gì thì bàn dám chắc cũng chẳng ngoài cái việc lớn là cho quân Nguyên mượn đường vào đánh chiêm thành hay chống cự lại mà thôi.

- Dã tâm của quân giặc đã hai năm rõ mười rồi. Nó giả tiếng mượn đường, kì thực là để cướp sống lấy nước Nam.

- Chỉ có việc đánh, làm gì phải kéo ra tận đây bàn đi bàn lại?

⇒ Những suy nghĩ trên cho thấy Hoài Văn là người thẳng thắn, gan dạ, yêu nướ, một lòng muốn đánh giặc.

4. Dự đoán trang 12 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Điều gì sẽ xảy ra khi Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép?

Khi Hoài Văn có hành động vượt khuôn phép thì sẽ bị lính của nhà vua vây bắt và bị nhà vua trị tội nghiêm minh.

5. Theo dõi trang 13 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Hoài Văn giải thích như thế nào về hành động của mình?

Hoài Văn giải thích rằng bản thân biết rằng làm trái lệnh vua là tội lớn nhưng thân là kẻ thần tử yêu nước thì không thể ngồi yên như giống cỏ cây vô tri được. Trung nghĩa là những điều được nhà vua dạy bảo. Nay yêu nước, muốn đánh giặc chính là trung nghĩa. Hành động liều chết xông vào thuyền là minh chứng cho điều đó.

6. Theo dõi 5 trang 13 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Thái độ của Trần Quốc Toản thể hiện như thế nào qua lời nói?

Qua lời nói, ta có thể thấy Trần Quốc Toản rất bất bình, căm phẫn khi nghe có người chủ hòa.

7. Theo dõi 6 trang 14 SGK Ngữ văn 8 tập 1

Tâm trạng của Hoài Văn.

Hoài Văn tức giận, tủi thân, phẫn nộ vì tấm lòng yêu nước bị coi nhẹ, nhất là quân Thánh Dực cũng khúc khích cười chế nhạo.

III. Sau khi đọc

Câu 1 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Hãy tóm tắt nội dung văn bản và cho biết câu chuyện dựa trên bối cảnh của sự kiện lịch sử nào?

- Tóm tắt nội dung văn bản:

Khi giặc Mông – Nguyên lấy cớ “mượn đường” để xâm lược nước ta, vua Trần Nhân Tông cùng các vị vương tướng nhà Trần đã họp bàn trên bến Bình Than. Trần Quốc Toản vì tuổi còn nhỏ nên không được dự. Hoài Văn bèn một mình phi ngựa đến bến sông, mong được vào gặp vua để xin đánh giặc. Hoài Văn giằng co với lính canh, trái lệnh vua mà chạy xuống thuyền rồng. Khi gặp vua, chàng tâu rõ ý chí đánh giặc và đặt thanh gươm lên gáy chịu tội. Vua tha tội và ban cho Quốc Toản cam quý vì thấy chàng còn trẻ mà đã biết lo việc nước. Vua bảo ban Quốc Toản hãy về nhà vì cậu vẫn còn nhỏ. Quốc Toản tuân lệnh vua nhưng vẫn tức giận vì không được dự hội nghị và bị mọi người trên thuyền coi thường. Nghĩ tới cảnh quân giặc đang đè đầu cưỡi cổ dân mình, Hoài Văn vô tình bóp nát quả cam từ lúc nào không hay.

- Bối cảnh: Cuộc chiến chống quân Mông - Nguyên lần thứ hai của nhà Trần.

Câu 2 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản có tâm trạng như thế nào khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than?

Khi phải đứng trên bờ nhìn quang cảnh một sự kiện đặc biệt đang diễn ra ở bến Bình Than, Trần Quốc Toản cảm thấy sốt ruột, lo lắng vô cùng. Chàng muốn xuống thuyền bàn việc nước, quỳ xin quan gia cho đánh nhưng lại sợ phạm thượng.

Câu 3 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động gì khác thường? Vì sao Trần Quốc Toản có hành động như vậy?

- Khi bị quân Thánh Dực ngăn cản xuống bến gặp vua, Trần Quốc Toản có hành động khác thường:

+ Tuốt gươm, mắt trừng lên và nói: “Không buông ra ta chém!”.

+ Đỏ mặt bừng bừng quát lớn: “Ta xuống xin bệ kiến quan gia, không kẻ nào được giữ ta lại. Lôi thôi thì hãy nhìn lưỡi gươm này!”

+ Quốc Toản vung gươm múa tít, không ai dám tới gần.

⇒ Trần Quốc Toản có hành động như vậy bởi vì chàng nôn nóng muốn đánh giặc để bảo vệ đất nước. Hành động ấy tuy trái lệnh vua nhưng lại cho thấy sự dũng cảm, lòng yêu nước, tinh thần trung nghĩa của chàng.

Câu 4 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo có thái độ và cách xử lí thế nào? Thái độ và cách xử lí đó cho thấy điều gì ở vị vua này?

Chứng kiến hành động và nghe lời tâu bày của Trần Quốc Toản, vua Thiệu Bảo đã gật đầu, mỉm cười nhìn Hưng Đạo Vương. Ý kiến của Quốc Toản cũng hợp với ý của vua và Trần Hưng Đạo. Nhà vua nhận thấy được hành động của Quốc Toản xuất phát từ tinh thần trung quân ái quốc. Quốc Toản còn trẻ, hoàn cảnh đáng thương, biết lo cho đất nước nên vua thứ tội và tặng chàng một quả cam.

⇒ Thái độ và cách xử lý như trên cho thấy đây là một vị vua đủ tài và đức, biết đưa ra phán quyết dựa trên lí và tình, trân trọng người tài.

Câu 5 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Trong lời người kể chuyện đôi chỗ xen vào những ý nghĩ thầm kín của nhân vật Trần Quốc Toản. Hãy nêu một vài trường hợp và phân tích tác dụng của sự đan xen đó.

Những ý nghĩ của nhân vật xen vào lời của người kể chuyện:

- Cha ta mất sớm, nên ta mới phải đứng rìa nhục nhã thế này!

- Đứng mãi đây cho đến bao giờ? Thôi thì liều một chết vậy. Ta cứ xuống, chỉ nói hai tiếng xin đánh, rồi mặc cho triều đình luận tội.

- Ta sẽ chiêu binh mãi mã, cầm quân đi đánh giặc. Xem cái thằng ngoài rìa này có phải là một kẻ toi cơm không.

⇒ Sự đan xen này làm nổi bật dòng nội tâm thầm kín của nhân vật, giúp nhân vật bộc lộ suy nghĩ riêng mãnh liệt, khắc họa ấn tượng phẩm chất tốt đẹp của Trần Quốc Toản.

Câu 6 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Những nét tính cách nào của Trần Quốc Toản được thể hiện qua lời đối thoại với các nhân vật khác trong truyện?

- Khi đối thoại với đám quân Thánh Dực: khảng khái, không nể nang gì.

- Khi đối thoại với chú Chiêu Thành Vương: lễ phép mà thẳng thắn, cương trực.

- Khi đối thoại với nhà vua: lễ độ, đầy khí thế hét lên: “Xin quan gia cho đánh”.

Câu 7 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Trong truyện này, ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đều mang đậm màu sắc lịch sử. Hãy nêu ví dụ và cho biết tác dụng.

- Ví dụ cho thấy ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật đều mang đậm màu sắc lịch sử:

+ Ngôn ngữ người kể chuyện: hội sư, thuyền ngự, đại vương, đấng thiên tử,…

+ Ngôn ngữ nhân vật: Quân pháp vô thân, vua lo thì kẻ thần tử cũng phải lo,…

- Tác dụng:

+ Làm nổi bật khung cảnh cuộc hội họp trước cuộc kháng chiến chống quân Mông – Nguyên.

+ Góp phần thể hiện tính cách của các nhân vật đặc biệt là nhân vật Trần Quốc Toản.

Câu 8 (trang 15 sgk Ngữ văn 8 Tập 1)

Hãy khái quát chủ đề của văn bản và cho biết căn cứ vào đâu em khái quát như vậy.

- Chủ đề: hào khí, tinh thần yêu nước, chí khí anh hùng của người Việt ở thời Trần mà tiêu biểu là Trần Quốc Toản.

- Căn cứ vào nội dung văn bản để khái quát chủ đề của tác phẩm.

IV. Kết nối với người đọc

Viết đoạn văn (khoảng 7 – 9 câu) phân tích chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam.

Chi tiết Trần Quốc Toản bóp nát quả cam là chi tiết đặc sắc nhất của đoạn trích. Chi tiết này có vai trò quan trọng trong việc khắc họa đậm nét tính cách nhân vật. Trần Quốc Toản dũng cảm làm trái lệnh vua để xin đánh giặc, mong muốn bày tỏ tấm lòng vì dân vì nước của mình. Tưởng như sau khi được vua khen ngợi và tha tội phạm thượng, Quốc Toản sẽ lui về vì đã đạt được ý nguyện gặp vua. Thế nhưng, chi tiết bóp nát đã cho thấy mục đích cao cả nhất của Quốc Toản là chiến đấu vì đất nước. Khi bị mọi người cười nhạo, Quốc Toản đã tức giận đến mức bóp nát quả vua ban. Lòng tự trọng, tinh thần trung nghĩa của bậc quân tử gắn liền với tình yêu dành cho đất nước. Ta thấy được đây là người thiếu niên tuổi trẻ mà chí lớn, anh dũng, căm thù giặc sâu sắc, sẵn sàng xả thân vì đất nước. Tác giả bày tỏ sự ngợi ca, khâm phục trước tinh thần ấy. Từ đó, ta càng thêm yêu mến và biết ơn những vị anh hùng dân tộc.

--------------------------------------------

Ngoài bài viết trên, mời bạn đọc truy cập vào Soạn Văn 8 Kết nối tri thứcVăn mẫu lớp 8 trên VnDoc để đón đọc những tài liệu học tập mới nhất nhé. Chúc các bạn học tập thật tốt!

Đánh giá bài viết
1 557
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

    Xem thêm