Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Soạn Văn 8 Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Soạn Văn 8 bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật) hướng dẫn trả lời các câu hỏi trong SGK Ngữ văn 8 tập 1 Kết nối tri thức, giúp các em học sinh biết cách trả lời các câu hỏi trong bài, từ đó học tốt Ngữ văn 8. Tài liệu được biên soạn chi tiết, rõ ràng, giúp các em ôn tập và củng cố kiến thức được học trong bài. Sau đây mời các bạn tham khảo chi tiết.

Đề bài (trang 48, SGK Ngữ văn 8, tập 1):

Trong phần Đọc, em đã được học các tác phẩm mẫu mực của thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật. Em hãy vận dụng các thao tác, kĩ năng đọc hiểu đã được hình thành, rèn luyện để viết bài văn phân tích một bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật.

Yêu cầu:

- Giới thiệu khái quát về tác giả và bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung cảu người viết về bài thơ.

- Phân tích được nội dung cơ bản của bài thơ (đặc điểm của hình tượng thiên nhiên, con người; tâm trạng của nhà thơ), khái quát chủ đề bài thơ.

- Phân tích được một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật (một số yếu tố thi luật của thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật; nghệ thuật tả cảnh, tả tình; nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, biện pháp tu từ,…)

- Khẳng định được vị trí, ý nghĩa của bài thơ.

Hướng dẫn:

1. TRƯỚC KHI VIẾT

a. Lựa chọn bài thơ

- Liệt kê một số bài thơ viết theo thể thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật em đã học hoặc đã đọc.

- Lựa chọn bài thơ em hiểu và yêu thích để phân tích

b. Tìm ý

- Tìm hiểu nhan đề và bố cục của bài thơ để nhận biết đề tài và nội dung chính

- Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần.

- Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ

- Tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác để hiểu thêm về bài thơ

* Ví dụ: Phân tích bài thơ “Thu điếu” Nguyễn Khuyến.

Em hãy đọc kĩ bài thơ đã chọn và dựa vào đặc điểm cơ bản của thể thơ để xác định các phương diện nội dung và nghệ thuật cần phân tích:

- Tìm hiểu nhan đề và bố cục của bài thơ để nhận biết đề tài và nội dung chính.

+ Nhan đề: Thu điếu có nghĩa là “Câu cá mùa thu”. Việc câu cá chẳng qua là cái cớ, cái hoàn cảnh, cái chỗ để nói về mùa thu, để thưởng thức mùa thu mà thôi. Mùa thu, nhất là mùa thu ở làng quê, vốn đẹp, nhưng mùa thu, cảnh thu ngắm từ vị trí người câu cá, thưởng thức từ tâm trạng người ngồi câu cá, lại có cái đẹp, cái thú riêng.

+ Bố cục: 2 phần

+ Nội dung chính: Văn bản là một bức tranh đẹp về mùa thu ở làng quê Việt Nam, một không gian thu trong trẻo, thanh sạch và bình yên với những hình ảnh, đường nét xinh xẻo. Đồng thời cho thấy tình yêu thiên nhiên, đất nước cùng tâm trạng đau xót của tác giả trước thời thế.

- Chia tách bài thơ thành các phần và xác định nội dung chính của từng phần. Có thể chia tách bài thơ theo chiều ngang (dựa vào mạch ý), hoặc theo chiều dọc (dựa vào hình tượng thơ).

+ Bài thơ “Thu điếu” chia thành 2 phần căn cứ theo mạch ý. Phần 1 (6 câu thơ đầu): Cảnh mùa thu ở vùng quê Bắc bộ. Phần 2 (2 câu thơ cuối): Hình ảnh, tâm trạng của nhân vật trữ tình

- Tìm những nét đặc sắc về nội dung và hình thức nghệ thuật của bài thơ.

+ Về nội dung: Chú ý đặc điểm nổi bật của hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người; những cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ; chủ đề bài thơ;…

+ Về nghệ thuật: Cách sử dụng các yếu tố thi luật của thể thơ, từ ngữ, hình ảnh, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình,… Chú ý các từ gợi tả hình ảnh, âm thanh, biểu cảm và các biện pháp tu từ (so sánh, ẩn dụ, điệp ngữ, đảo ngữ,…).

- Tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả, về hoàn cảnh sáng tác để hiểu thêm về bài thơ.

+ Nguyễn Khuyến là người có tài năng cốt cách thanh cao, có tấm lòng yêu nước thương dân. Nguyễn Khuyến là nhà thơ Nôm xuất sắc, nhà thơ của làng cảnh Việt Nam, nhà thơ lớn của nền văn học trung đại.

+ Bài thơ được viết trong thời gian Nguyễn Khuyến cáo quan về ở ẩn. Vì vậy bài thơ không chỉ đơn giản tái hiện cảnh sắc thiên nhiên mùa thu mà còn chất chứa những tâm sự, suy tư của tác giả.

c. Lập dàn ý

Sử dụng kết quả của phần Tìm ý, sắp xếp, tổ chức thành dàn ý. Khi lập dàn ý, cần chú ý những yêu cầu đối với kiểu bài để tập trung vào trọng tâm.

- Mở bài: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về Nguyễn Khuyến và bài thơ “Thu điếu” (nhan đề, đề tài, thể thơ,…); nêu ý kiến chung về bài thơ.

- Thân bài:

+ Ý 1: Phân tích đặc điểm nội dung:

• Phân tích hình tượng thơ (hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người)

• Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

• Khát quát chủ đề của bài thơ.

+ Ý 2: Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

• Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân)

• Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình

• Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc, câu thơ, biện pháp tu từ,…).

- Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.

2. VIẾT BÀI

- Khi viết bài, cần bám sát dàn ý đã lập; sử dụng đa dạng các hình thức trích dẫn; kết hợp phân tích với nhận xét, đánh giá

- Sử dụng từ ngữ chính xác, chọn lọc; diễn đạt sáng rõ, thể hiện được cảm xúc của người viết

- Chú ý sự khác nhau về yêu cầu, mục đích của kiểu bài ghi lại cảm xúc sau khi đọc một bài thơ và kiểu bài phân tích một bài thơ

3. CHỈNH SỬA BÀI VIẾT

Đọc lại bài viết, đối chiếu với yêu cầu của kiểu bài và dàn ý đã lập để chỉnh sửa

Bài tham khảo:

Bà Huyện Thanh Quan là một nữ thi sĩ nổi tiếng trong nền văn học trung đại của nước ta. “Qua Đèo Ngang” là một tác phẩm rất tiêu biểu cho phong cách thơ của bà. Bài thơ đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng sự sống con người nhưng vẫn còn hoang sơ. Đồng thời nhà thơ còn qua đó gửi gắm nỗi nhớ nước thương nhà.

Tác giả đã khắc họa khung cảnh thiên nhiên nơi Đèo Ngang trong một buổi chiều tà:

“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa”

Cụm từ “bóng xế tà” gợi ra thời điểm kết thúc của một ngày. Nhà thơ đang một mình đứng trước nơi đèo Ngang. Tiếp đến câu thơ “Cỏ cây chen đá, lá chen hoa” là hình ảnh ước lệ mang tính biểu tượng, khắc họa khung cảnh thiên nhiên đèo Ngang. Việc sử dụng điệp từ “chen” kết hợp với hình ảnh “đá, lá, hoa” thật tinh tế. Vẻ đẹp thiên nhiên của đèo Ngang tuy hoang sơ nhưng lại tràn đầy sức sống. Khung cảnh thiên nhiên Đèo Ngang được nhà thơ khắc họa chỉ bằng vài nét nhưng lại hiện ra đầy chân thực và sinh động.

Và không thể thiếu trong bức tranh thiên nhiên đó là hình ảnh con người. Nghệ thuật đảo ngữ “lom khom - tiều vài chú” cho thấy hình ảnh vài chú tiều với dáng đứng lom khom dưới chân núi. Và “lác đác - chợ mấy nhà” gợi ra hình ảnh vài căn nhà nhỏ bé thưa thớt, lác đác bên sông. Nhà thơ muốn nhấn mạnh vào sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên rộng lớn. Con người chỉ nằm là một chấm buồn lặng lẽ giữa một thiên nhiên rộng lớn. Thiên nhiên mới là trung tâm trong bức tranh đèo Ngang.

Thiên nhiên càng cô quạnh, tâm trạng của tác giả càng cô đơn. Điều đó được bộc lộ ở những câu thơ tiếp theo:

“Nhớ nước, đau lòng, con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia”

Hình ảnh “con quốc quốc” và “cái gia gia” không chỉ là hình ảnh thực về hai loại chim (chim đỗ quyên, chim đa đa). Việc sử dụng thủ pháp lấy động tả tĩnh: tiếng kêu “quốc quốc”, “đa đa” để qua đó bộc lộ nỗi lòng nhớ thương của mình với đất nước, quê hương. Đọc đến đây, chúng ta dường như có thể lắng nghe được tiếng kêu khắc khoải, da diết đang vang lên trong vô vọng.

Câu thơ “Dừng chân đứng lại, trời, non, nước” khắc họa hình ảnh nhà thơ một mình đứng tại nơi Đèo Ngang, đưa mắt nhìn ra xa cũng chỉ thấy thiên nhiên rộng lớn phía trước (có bầu trời, có núi non, dòng sông). Sự cô đơn của nhà thơ: “một mảnh tình riêng” - tình cảm riêng tư của nhà thơ không có ai để chia sẻ:

“Dừng chân đứng lại trời, non, nước

Một mảnh tình riêng, ta với ta"

Trong thơ Nguyễn Khuyến cũng từng sử dụng cụm từ “ta với ta”:

“Đầu trò tiếp khách trầu không có

Bác đến chơi đây ta với ta”

Trong “Bạn đến chơi nhà, từ “ta” đầu tiên chỉ chính nhà thơ - chủ nhà, còn từ “ta” thứ hai chỉ người bạn - khách đến chơi. Từ “với” thể hiện mối quan hệ song hành, gắn bó dường như không còn khoảng cách. Qua đó thể hiện tình bạn gắn bó tri âm tri kỷ của nhà thơ. Còn trong thơ Bà Huyện Thanh Quan, cụm từ “ta với ta” ở đây đều chỉ nhà thơ, lúc này bà chỉ có một mình đối diện với chính mình, cô đơn và lẻ loi. Sự cô đơn ấy dường như chẳng thể có ai cùng chia sẻ.

Như vậy, Qua đèo Ngang đã thể hiện được tâm trạng của Bà Huyện Thanh Quan trước khung cảnh đèo Ngang hoang sơ. Bài thơ chứa đựng những tình cảm, ý nghĩa sâu sắc.

..............................

Mời các bạn tham khảo toàn bộ bài soạn môn Ngữ văn 8 KNTT tại chuyên mục Soạn Văn 8 Kết nối tri thức trên VnDoc. Ngoài ra, mời các bạn tham khảo thêm Văn mẫu lớp 8, Lý thuyết Văn 8...  để học tốt Văn 8 hơn nhé.

Bài tiếp theo: Soạn bài Viết bài văn phân tích một tác phẩm văn học (bài thơ thất ngôn bát cú hoặc tứ tuyệt Đường luật)

Đánh giá bài viết
17 4.718
Sắp xếp theo

    Ngữ văn 8 Kết nối tri thức

    Xem thêm